Giao dịch cổ đông lớn VIC (Vingroup): góp vốn vào taxi điện Xanh SM của ông Phạm Nhật Vượng

CHIỀU THU

03/04/2024 09:18

Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa phê duyệt kế hoạch góp thêm vốn vào Công ty Di chuyển xanh và Thông minh (GSM) trong năm nay. Theo đó, Vingroup sẽ góp thêm vốn vào GSM với tỷ lệ không quá 5% vốn điều lệ tại từng thời điểm góp vốn.

vic-vingroup-uni-1620260765.jpeg

Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) 

GSM - công ty cho thuê ôtô, xe máy điện và cung cấp dịch vụ taxi điện - được ông Phạm Nhật Vượng thành lập tháng 3 năm ngoái, với vốn điều lệ ban đầu 3.000 tỷ đồng. Đến đầu năm nay, quy mô vốn của GSM tăng lên hơn 9.660 tỷ đồng.

Trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của Vingroup, GSM xuất hiện ở phần Những giao dịch trọng yếu với các bên liên quan. Trong đó, khoản mục thu tiền từ bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận hơn 20.163 tỷ đồng.

Năm 2023, mảng sản xuất đóng góp hơn 28.000 tỷ đồng doanh thu cho Vingroup, hơn gấp đôi năm trước đó. Với doanh số bán hàng và cung cấp dịch vụ trên 20.000 tỷ đồng, GSM đóng góp khoảng 70% trong con số này.

Trong báo cáo bán niên năm 2023 gửi Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC), VinFast cho biết GSM là bên mua xe lớn nhất. Hãng taxi điện này đã nhận khoảng 7.100 ôtô điện từ VinFast tính tới cuối quý II/2023. GSM trước đó ký thỏa thuận mua 200.000 xe máy điện và 30.000 ôtô điện từ VinFast.

Báo cáo của Mordor Intelligence về thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam 2023 cho thấy, sau 7 tháng gia nhập thị trường, hãng Xanh SM của GSM chiếm 18,17% thị phần, đứng thứ hai toàn ngành. Thị phần của Xanh SM gấp đôi Be Group ở vị trí thứ ba (9,21%), gấp hơn ba lần so với Gojek (5,87%).

Từ cuối năm trước, GSM đã mở rộng ra thị trường nước ngoài, đầu tiên là Lào. Theo kế hoạch, Indonesia, Philippines sẽ là điểm đến tiếp theo trong chiến lược mở rộng 9 thị trường quốc tế của hãng đến 2025.

Cập nhật ngày 25/12/2023: con trai ông Phạm Nhật Vượng trở thành cổ đông lớn

Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) vừa có báo cáo về kết quả giao dịch cổ phiếu của người nội bộ: Ông Phạm Nhật Quân Anh chi 1,5 tỷ đồng mua 150.000 cổ phiếu VIC của Vingroup theo dạng ESOP và chính thức trở thành cổ đông của tập đoàn.

Cụ thể, trong ngày 21/12, ông Phạm Nhật Quân Anh lần đầu tiên thực hiện mua vào 150.000 cổ phiếu VIC theo dạng ESOP và chính thức trở thành cổ đông của tập đoàn. Trước đó, cá nhân này chưa từng sở hữu cổ phiếu nào tại Vingroup.

Đáng chú ý, ông Phạm Nhật Quân Anh là con trai của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup và bà Phạm Thu Hương - Phó chủ tịch HĐQT Vingroup.

Mới đây, ông Phạm Nhật Quân Anh cũng lần đầu tiên xuất hiện trước truyền thông trong vai trò Phó tổng giám đốc Khối sản xuất của VinFast. Cụ thể, ngày 18/12, ông đại diện VinFast ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác tái sử dụng pin xe điện hướng đến mục tiêu phát triển nền kinh tế tuần hoàn với Tập đoàn Marubeni của Nhật Bản.

Theo thỏa thuận, VinFast và Marubeni sẽ hợp tác nghiên cứu, sản xuất các hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) từ pin xe điện đã qua sử dụng. Trong đó, VinFast là đơn vị cung ứng pin xe điện, còn Marubeni đảm nhiệm việc đánh giá khả thi, tư vấn kỹ thuật và triển khai lắp đặt BESS.

Dự kiến Marubeni sẽ ứng dụng công nghệ độc quyền từ đối tác chiến lược để tái sử dụng pin xe điện VinFast, phát triển thành BESS với giá cả phải chăng, sản xuất dễ dàng mà không cần tháo dỡ, xử lý và đóng gói lại pin.

Ông Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Thu Hương có 2 con trai và 1 con gái, lần lượt là Phạm Nhật Minh Hoàng, Phạm Nhật Quân Anh và Phạm Nhật Minh Anh. Ngoài ông Phạm Nhật Quân Anh, 2 người con còn lại của ông Vượng chưa từng xuất hiện trước truyền thông.

ving-quananh-1703468938.jpg
Ông Phạm Nhật Quân Anh (trái). Ảnh: Vingroup.

Cập nhật ngày 24/6/2021: Vingroup (VIC) phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ

Đại hội cổ đông thường niên (ĐHCĐ) của Tập đoàn Vingroup (VIC) diễn ra ngày 24/06/2021. Có tổng cộng 146 cổ đông/người được ủy quyền tham dự, chiếm 89% tổng số cổ phần lưu hành của VIC.

Cổ đông đã thông qua kế hoạch năm 2021 với tăng trưởng doanh thu 53% YoY đạt 170 nghìn tỷ đồng và LNST đạt 4,5 nghìn tỷ đồng (đi ngang YoY). Kế hoạch LNST thấp hơn so với dự báo năm 2021 của chúng tôi là 5,5 nghìn tỷ đồng (+20% YoY) cho LNST và 4,5 nghìn tỷ đồng (-17% YoY) cho LNST sau lợi ích CĐTS.

Cổ đông đã thông qua phương án ESOP với lượng phát hành tối đa 0,2% tổng số cổ phiếu lưu hành (tương đương 6,8 triệu cổ phiếu), thời gian phát hành không muộn hơn tháng 6/2022. Thời gian hạn chế giao dịch sẽ là 1 năm. Giá phát hành sẽ do ban lãnh đạo quyết định khi phát hành.

Các cổ đông đã thông qua kế hoạch cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 12,5% cổ tức bằng cổ phiếu, dự kiến sẽ được thanh toán vào nửa cuối năm 2021 – giống với thông báo ngày 20/04 của công ty. Đợt trả cổ tức gần nhất (21% bằng cổ phiếu) được trả vào tháng 6/2018.

Cổ đông đã thông qua việc bổ nhiệm Hội đồng quản trị gồm 9 thành viên cho nhiệm kỳ 2021- 2026.

Ghi nhận đóng góp của cán bộ lãnh đạo

ESOP là một trong những công cụ được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để khuyến khích nhân viên, bởi mức giá phát hành cổ phiếu ESOP thường thấp hơn đáng kể so với thị giá. Tuy nhiên, ESOP làm pha loãng sở hữu nên công cụ này thường được các cổ đông giám sát chặt chẽ. Đợt phát hành lần này cũng là lần đầu tiên Vingroup sử dụng công cụ ESOP.

Vingroup cho biết đợt phát hành nhằm ghi nhận đóng góp của cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cho tập đoàn, công ty con và công ty thành viên. Tính tới cuối quý I, Vingroup có tổng cộng hơn 100 công ty con.

Dự kiến, việc phát hành không muộn hơn tháng 6/2022. Toàn bộ cổ phiếu phát hành theo chương trình này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong một năm.

Năm nay, Vingroup đặt mục tiêu doanh thu thuần khoảng 170.000 tỷ đồng (hơn 7,3 tỷ USD), tăng gần 54% so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận sau thuế ước tính khoảng 4.500 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ.

Cách đây ít ngày, DXG cũng phát hành ESOP và phát hành riêng lẻ khiến nhà đầu tư lo rủi ro pha loãng cổ phiếu. Cổ phiếu DXG sau đó liên tục 'lau sàn' khiến lãnh đạo phải ra mặt giải thích phương án dùng tiền thu từ phát hành cổ phiếu

VinFast đủ tính năng như Tesla

Tự tin rằng xe điện Việt có đủ tính năng mà xe Tesla có, ông Phạm Nhật Vượng tính toán, đến năm 2026 sẽ bán hàng trăm nghìn chiếc VinFast sang Mỹ.

Ông nhận được nhiều chia sẻ của cổ đông về tính khả thi của dự án xe điện. Một cổ đông dẫn số liệu cho thấy doanh số bán ra 45.000 xe máy điện là rất ít, theo quan điểm cổ đông. Nhưng ông Vượng thì có quan điểm ngược lại.

Thừa nhận "xe điện là thứ không dễ dàng" nhưng ông Vượng nói với các cổ đông rằng "đó là cơ hội để Vingroup cũng như Việt Nam thay đổi được tầm vóc của mình".

VinFast bản chất nhắm đến chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Ông Vượng cho biết, sẽ bán khoảng 15.000 xe và con số này thực tế đã bị "co lại" dưới tác động của cuộc khủng hoảng thiếu chip toàn cầu. Từ nay đến năm 2026, người đứng đầu Vingroup còn cho biết sẽ bán hàng trăm nghìn chiếc xe điện vào thị trường Mỹ.

"Chúng tôi tự tin với con số đó vì đây là cuộc cạnh tranh giữa xe điện với xe xăng chứ không phải xe điện với xe điện", ông Vượng lặp lại lần hai ý kiến.

Sự tự tin này được ông giải thích bằng quan điểm kinh doanh của VinFast và các lợi thế của xe điện.

Thứ nhất là ở việc cho thuê pin. Vingroup sở hữu pin thay vì người mua. Tiền thuê pin và nạp điện của xe sẽ bằng đúng chi phí khách hàng phải trả cho xăng. "Xe điện chạy đến đâu trả tiền đến đó", ông nói.

Thứ hai, xe điện có những lợi thế như rẻ hơn: chi phí vận hành, bảo dưỡng chỉ khoảng 30-50% so với xe xăng; thông minh hơn với các tính năng tự lái. Xe điện có nhược điểm quãng đường chạy không quá xa nhưng được khắc phục bằng công nghệ sạc siêu nhanh.

Bên cạnh đó, các chi phí từ pin đến bảo dưỡng đều do phía Vingroup chịu trách nhiệm... Với những yếu tố này, tập đoàn cho rằng khi cạnh tranh với xe xăng thì số lượng sẽ đơn giản.

Ví dụ tại thị trường Mỹ, xe điện chiếm khoảng 2% tổng số ôtô. Một năm Mỹ bán ra 16-18 triệu xe, nên nếu chỉ cần chiếm được 1% thì Vingroup sẽ bán được 160.000-180.000 xe.

beckham-ra-mat-xe-vinfast-thanhnien-jvyt-1614682674.jpg
 

Xe điện VinFast, theo ông Vượng, được thiết kế với tiêu chuẩn cao nhất là NCAP 5 sao, đồng thời có đầy đủ các tính năng mà Tesla có. Đến cuối năm 2022, xe VinFast sẽ có tính năng tự lái cấp độ 3.

Kế hoạch phía trước với Vinbiocare

Ngoài nói về VinFast, tại Đại hội cổ đông lần này, ông Phạm Nhật Vượng cũng chia sẻ thêm về kế hoạch với Vinbiocare, một công ty vốn 200 tỷ đồng do Vingroup lập đầu tháng này, hướng đến sản xuất công nghệ sinh học, các sản phẩm công nghệ.

Ông Vượng cho biết, Vinbiocare tạo ra môi trường, hệ sinh thái về công nghệ sinh học chứ không phải riêng vaccine. Tuy nhiên, trong giai đoạn Việt Nam chống Covid-19, Vinbiocare sẽ làm dự án vaccine phi lợi nhuận, không nhắm đến kinh doanh. Mọi chi phí sẽ cố gắng thu về nhưng nếu cần thiết sẽ tài trợ, hỗ trợ để dự án thành công.

"Thậm chí chúng ta có thể chấp nhận rủi ro ban đầu để có thể ký hợp đồng sớm, làm sớm, thử nghiệm các loại vaccine dù không chắc vaccine có thể thành công sau giai đoạn 3", ông nói. Vì nếu chờ đợi Việt Nam có thể mất lượt mua vaccine chứ chưa tính đến việc chuyển giao công nghệ.

Theo đó, tập đoàn sẽ tham gia cùng với các đối tác để thúc đẩy sản phẩm. Khi công nghệ, sản phẩm đạt chuẩn, doanh nghiệp sẽ tiến hành sản xuất, cung ứng ra thị trường.

Về bất động sản công nghiệp, Chủ tịch Vingroup cho biết sẽ tập trung mở rộng bất động sản công nghiệp ở nhiều nơi nhưng đang trong giai đoạn làm thủ tục nên chưa thể công bố cụ thể. Trước lo ngại về nhiều dự án khu công nghiệp được phê duyệt, ông Vượng nói, thị trường vẫn thiếu hàng dù hàng trăm dự án được duyệt.

"Nguời nào làm được sản phẩm vẫn làm được và ngược lại. Do vậy chúng ta không phải cạnh tranh bằng câu chuyện có bao nhiêu dự án mà là dẫn các dự án đó đến kết quả cuối cùng", ông nhấn mạnh.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.