Thị trường bia cho thấy dấu hiệu bình ổn trở lại. Do tình hình kinh tế khó khăn, niềm tin tiêu dùng giảm và hoạt động kiểm tra nồng độ cồn gắt gao, tiêu thụ bia tại Việt Nam ước tính giảm 5% về giá trị trong năm 2023. Xu hướng này tiếp tục với mức giảm khoảng 2-3% trước khi đi ngang trong Q3 vừa rồi, cho thấy một số dấu hiệu sớm rằng tiêu thụ đã chạm đáy.
• Xu hướng chuyển dịch xuống phân khúc phổ thông tiếp diễn. Điều này luôn được đề cập trong nhiều kỳ KQKD gần đây bởi cả SAB, Heineken và Carlsberg. Thực tế, tăng trưởng doanh số trong Q3 của 3 công ty thể hiện rất rõ điều này khi cả SAB và Carlsberg, 2 doanh nghiệp có thể mạnh tại phân khúc mainstream, đều đạt tăng trưởng một chữ số thấp (cao hơn thị trường chung) trong khi Heineken lại giảm ở mức một chữ số khi phụ thuộc nhiều vào Tiger – sản phẩm có thị phần lớn nhất tại phân khúc mass-premium. Ngoài ra, phân khúc mass-premium cũng phụ thuộc khá nhiều vào kênh on-trade (hàng, quán) vốn chịu ảnh hưởng rất lớn bởi khả năng chi trả của người tiêu dùng cho các chi tiêu dịch vụ ăn uống, giải trí và khá nhạy cảm với hoạt động kiểm tra nồng độ cồn.
• Biên gộp chưa có sự bứt phá, ghi nhận mức 29,7%, giảm 50 bps qoq và 40 bps yoy do chi phí đầu vào đã chốt cho năm vẫn ở mặt bằng cao so với năm trước.
• Duy trì kiểm soát hiệu quả của chi tiêu cho bán hàng. Đồng nhất với định hướng của CEO mới, chi phí bán hàng tiếp tục được SAB kiểm soát rất chặt chẽ. Dù doanh thu tăng nhẹ, chi phí bán hàng Q3 2024 lại giảm 21,9% yoy, qua đó tỷ lệ trên doanh thu giảm xuống 14,2% từ mức 17,8% của cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, cũng cần theo dõi kỹ vị thế của SAB tại phân khúc mainstream. Theo quan sát, Heineken vẫn đầu tư khá đều đặn vào phân khúc mainstream với tăng trưởng 2 chữ số từ các thương hiệu như Larue, Bia Viet, v.v trong Q3 và 9 tháng đầu năm.
• Lãi từ liên doanh liên kết cải thiện với đóng góp 51 tỷ trong Q3, tăng mạnh so với mức chỉ 17 tỷ đồng trong 1H. Tuy vậy, lũy kế đóng góp từ liên doanh liên kết vẫn giảm mạnh 66,3% yoy chủ yếu từ khoản lỗ của Sabibeco và các công ty liên quan đến lon nhôm, chai thuỷ tinh, v.v.
Điều chỉnh dự báo 2024 với doanh thu 32.318 tỷ (+6,1% yoy) và lợi nhuận sau thuế - cđts 4.420 tỷ (+7,3% yoy), cao hơn 6,4% về chỉ tiêu lợi nhuận do hoạt động kiểm soát chi phí bán hàng của SAB vẫn tốt hơn dự báo trước của BVSC. Ngoài ra, với việc tiêu thụ bia có dấu hiệu bình ổn trở lại, chúng tôi kỳ vọng SAB sẽ có một Q4 khả quan, nhất là khi Tết 2025 sẽ đến sớm. Thực tế, công ty chia sẻ đã bắt đầu đưa sản phẩm và bao bì Tết đến với các điểm bán hàng và bước đầu nhận được phản hồi tích cực từ thị trường.
Cập nhật thương vụ thâu tóm Sabibeco (SBB). SAB đã chính thức chào mua công khai 43,2% cổ phần SBB từ ngày 31/10 với mức giá 22.000 đồng/cp và thời gian chào mua sẽ kéo dài đến 25/12/2024. Nhắc lại, SBB là đơn vị liên kết có năng lực sản xuất lớn nhất, chiếm gần 50% hoặc 600 triệu lít/năm, tuy nhiên vẫn hoạt động chưa có hiệu quả. Từ 2025 khi trở thành công ty con của SAB, SBB sẽ được phân bổ nhiều hơn sản lượng gia công, cùng với những kế hoạch cải tổ khác của công ty mẹ sẽ giúp hiệu quả của doanh nghiệp này cải thiện.
Dự báo 2025 khả quan với doanh thu 34.920 tỷ (+8,1% yoy) và lợi nhuận sau thuế - cđts 4.845 tỷ (+9,6% yoy). Với những tín hiệu tích cực trong Q3, chúng tôi kỳ vọng tiêu thụ bia sẽ tiếp tục phục hồi và tăng 8% yoy trong 2025. Ngoài ra, biên lợi nhuận dự báo mở rộng thêm 30 bps so với 2024 nhờ giá lúa mạch giảm trong khi giá lon nhôm vẫn ở mức cao.
Tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là rủi ro trong trung hạn. Bộ Tài Chính đề xuất 2 phương án tăng thuế TTĐB như sau: (i) Phương án 1 tăng từ 65 lên 70% vào năm 2026 và 5% mỗi năm đến năm 2030, và (ii) Phương án 2 tăng từ 65 lên 80% vào năm 2026 và 5% mỗi năm đến năm 2030. SAB cho biết đang cùng VBA kiến nghị áp dụng Phương án 1, tuy nhiên, cam kết sẽ chuyển hết sang giá cho người tiêu dùng dù bất kỳ Phương án nào được thông qua.
BVSC đánh giá đây là rủi ro trung hạn của SAB, đặc biệt là nếu thuế tăng mạnh vào 2026 theo Phương án 2 có thể làm (i) giảm sức mua của người tiêu dùng, và (ii) giảm khả năng bảo vệ biên lợi nhuận trường hợp giá đầu vào biến động mạnh.
Chúng tôi hiện đang chọn kịch bản Phương án 2 cho dự báo và giả định sản lượng tiêu thụ sẽ giảm 5% vào năm 2026 – năm chúng tôi lo ngại nhất. Các năm còn lại chúng tôi cho rằng sản lượng tiêu thụ toàn thị trường vẫn có thể tăng trưởng nhẹ với mức tăng thuế chỉ 5% mỗi năm dựa trên quan sát quá khứ trong giai đoạn tăng thuế TTĐB trước đó vào 2016–2018.
Thái độ của cơ quan quản lý không đổi về hành vi uống rượu bia lái xe. Theo dự thảo mới nhất của Bộ Công An, mức phạt đối với hành vi này không có thay đổi so với Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Ngoài ra, dưới hệ thống chấm điểm cho mỗi Giấy phép lái xe (GPLX), việc bị trừ hết 12 điểm sẽ dẫn tới người tham gia giao thông cần đợi 6–24 tháng trước khi phải kiểm tra lại các kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Không phải điều chỉnh thuế TTĐB mà đây mới là yếu tố chính có thể tác động đến hành vi tiêu dùng rượu bia tại Việt Nam, hướng đến một thị trường rượu bia lành mạnh, bền vững và có trách nhiệm với cộng đồng.
Khuyến nghị đầu tư
BVSC cho rằng vùng giá hiện tại khá hợp lý để chờ đợi triển vọng phục hồi tiêu thụ bia và mở rộng biên lợi nhuận trong năm 2025. Bên cạnh đó, suất cổ tức cũng đạt 6,3% - khá tốt so với lãi tiền gửi.
BVSC khuyến nghị OUTPERFORM với giá mục tiêu 65.000 đồng/cp, tương ứng 17,2 lần lợi nhuận dự phóng 2025.
Thành viên cập nhật ngày 9/5/2024: SSI khuyến nghị TRUNG LẬP, giá mục tiêu 63.900 đồng/cp
Công ty đặt kế hoạch kinh doanh cao cho năm 2024 trong bối cảnh ngành bia chưa khả quan. SAB đặt kế hoạch doanh thu đạt 34,4 nghìn tỷ đồng (tăng 13% svck) và lợi nhuận ròng đạt 4,6 nghìn tỷ đồng (tăng 7,6% svck).
Mặc dù quy định không uống rượu bia khi lái xe hiện hành giúp bảo vệ an toàn cho người dân và công ty cũng hoàn toàn ủng hộ, tuy nhiên, quy định cũng đặt ra thách thức về việc điều chỉnh thói quen của người tiêu dùng.
Ngoài ra, cạnh tranh gay gắt cũng là một mối lo ngại khác đang diễn ra đối với thị phần tiêu thụ bia trong nước, nhưng ban lãnh đạo cũng đặt kỳ vọng vào một số cơ hội mới như mảng bia không cồn và thương mại điện tử.
Cổ tức tiền mặt năm 2023 dự kiến là 3.500 đồng/cổ phiếu (trong đó công ty đã trả 1.500 đồng, phần còn lại sẽ thanh toán vào ngày 31/7) và 3.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2024.
Trong Q1/2024, SAB đạt 7.184 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 15,6% svck) và 1,02 nghìn tỷ đồng LNST (tăng 2% svck và 5,9% so với quý trước), kết quả này đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng âm của công ty từ Q3/2022. Doanh thu Tết đã được ghi nhận phần lớn trong 2 tháng đầu năm 2024 (Q1/2023 là quý có mức nền so sánh thấp do doanh thu trong dịp Tết chỉ được ghi nhận một phần vào tháng 1/2023), điều này giải thích cho sản lượng tiêu thụ bia tăng so với quý trước.
Mức tăng trưởng của LNST thấp do kết quả hoạt động của các công ty liên kết (như Công ty bao bì lon nhôm và Sabibeco) không đạt kỳ vọng.
Ban lãnh đạo chia sẻ, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia chưa diễn ra ngay trong quý này nhưng công ty sẽ có sự chuẩn bị với bất kỳ tình huống nào.
Ban quản lý ghi nhận tiềm năng về mặt bán hàng thông qua các nền tảng thương mại điện tử, cũng như nỗ lực cắt giảm chi phí để cải thiện lợi nhuận. Giá nguyên liệu đầu vào dự kiến sẽ tăng, nhưng biên lợi nhuận sẽ vẫn được duy trì vì công ty đã tiến hành phòng hộ rủi ro chi phí nguyên liệu đầu vào cho năm nay.
SSI khuyến nghị TRUNG LẬP đối với cổ phiếu SAB với giá mục tiêu là 63.900 đồng/cp.
Thành viên cập nhật ngày 10/1/2024: giá đã về vùng thấp lịch sử
Tiêu thụ bia chưa có dấu hiệu phục hồi
BVSC cho rằng SAB đã trở về thấp và an toàn so với lịch sử. Từ đó khuyến nghị OUTPERFORM với giá mục tiêu 74.500 đồng/cp, tương ứng với P/E dự phóng bình quân 23,4 lần trên lợi nhuận năm 2024.
Theo Kantar, tâm lý người tiêu dùng có cải thiện nhẹ trong Q3 2023 nhưng vẫn ở trạng thái thận trọng, qua đó các hộ gia đình tiếp tục cẩn trọng trong quản lý chi tiêu, cắt giảm các hoạt động ăn uống và giải trí ở bên ngoài.
Trong bối cảnh đó, tiêu thụ bia đánh dấu sự sụt giảm khoảng 9% trong 9 tháng đầu 2023 theo ước tính của AC Nielsen. Các doanh nghiệp tiêu biểu ngành bia đều báo cáo doanh thu giảm: Sabeco -13% yoy, Habeco -7% yoy và Heineken -15% yoy.
Ngoài ra, ban lãnh đạo SAB cũng cho rằng việc thực hiện gắt gao Nghị định 100 về Nồng độ cồn cũng góp phần gây áp lực lên người tiêu dùng.
Thị phần SAB duy trì xu hướng tăng nhẹ so với Heineken
Thị trường bia tiếp tục chuyển dịch từ phân khúc cận cao cấp xuống phổ thông trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Qua đó, SAB với sức mạnh vượt trội sẵn có trong phân khúc này với nhiều dòng sản phẩm như Lager, Export, 333, Lạc Việt, v.v đã ghi nhận sụt giảm về doanh số ít hơn Heineken khi đối thủ phụ thuộc nhiều vào thương hiệu Tiger thuộc phân khúc cận cao cấp.
Áp lực chi tiêu cho bán hàng vẫn cao
Dù doanh số sụt giảm, chi phí bán hàng không giảm nhiều khiến cho tỷ lệ trên doanh thu tăng 160 bps yoy trong Q3 2023. Chúng tôi cho rằng xu hướng này vẫn còn tiếp diễn.
Biên gộp Q3 2023 giảm 110 bps yoy do chi phí đầu vào tăng. Tuy vậy, với nỗ lực kiểm soát chi phí và tăng hiệu quả sản xuất, biên gộp Q3 được duy trì khá ổn định so với 1H 2023. Kỳ vọng biên gộp sẽ được cải thiện nhẹ trong 2024 sau khi các hợp đồng mua nguyên liệu giá cao đã sử dụng hết.
Dự báo 2023: Doanh thu 30.666 tỷ đồng (-12,3% yoy) và lợi nhuận sau thuế - cđts 4.216 tỷ đồng (-19,3% yoy), chủ yếu do sự suy yếu trong tiêu thụ bia kéo dài và cạnh tranh chi tiêu bán hàng gay gắt. EPS dự phóng 3.024 đồng/cp và P/E 20,9 lần.
Thận trọng hơn về triển vọng 2024
Cả Sabeco và Heineken đều có quan điểm thận trọng và cho rằng tiêu thụ bia sẽ phục hồi từ nửa sau 2024 hoặc đầu 2025. Riêng Sabeco dù chưa đưa ra kế hoạch cụ thể cho 2024 nhưng cho rằng sẽ phấn đấu để KQKD ít nhất bằng hoặc tăng trưởng nhẹ so với năm nay, nhấn mạnh việc tiếp tục kiểm soát chi phí hoạt động trong đó quản lý sự hiệu quả của chi tiêu cho bán hàng được đặt lên hàng đầu.
Trên những cơ sở đó, BVSC dự báo KQKD 2024 với doanh thu 32.080 tỷ đồng (+4,6% yoy) và lợi nhuận sau thuế - cđts 4.436 tỷ đồng (+5,2% yoy). EPS dự phóng 3.182 đồng/cp và P/E 19,8 lần.
Khuyến nghị đầu tư
Sau khi giá cổ phiếu đã sụt giảm gần 30% kể từ đầu năm phản ánh KQKD kém khả quan, BVSC cho rằng SAB đã trở về thấp và an toàn so với lịch sử. Từ đó khuyến nghị OUTPERFORM với giá mục tiêu 74.500 đồng/cp, tương ứng với P/E dự phóng bình quân 23,4 lần trên lợi nhuận năm 2024.
Lưu ý giá mục tiêu trên thấp hơn 23% so với cập nhật trước, chủ yếu cho điều chỉnh giảm dự báo 2023 và 2024. Nhà đầu tư thận trọng có thể tiếp tục theo dõi diễn biến của tiêu thụ bia trong vài quý tới trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Thành viên cập nhật ngày 17/7/2023: vẫn khó vì bị thắt chặt nhiều phía, giá hợp lý 181.000 đồng/cp
SAB (Sabeco) vẫn tiếp tục tập trung vào phân khúc khách hàng phổ thông, đồng thời tấn công, xây dựng thương hiệu ở phân khúc cận cao cấp và cao cấp.
SAB đặt kế hoạch DT và LNST tăng trưởng tương ứng 15,4% và 5,0% đạt 40.272 tỷ đồng và 5.775 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức 2023F dự kiến 35%. Phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 1:1: như vậy số lượng cp sau phát hành là 1,28 tỷ cổ phiếu. Việc phát hành kỳ vọng thực hiện vào năm 2024.
Tăng tỷ lệ sở hữu CT con, CT liên kết: (1) WSB: trong tháng 4/2023 SAB đã thành công nâng tỷ lệ sở hữu WSB từ 51% lên 70,55% (10,23 triệu cp). (2) Sabibeco: Theo kế hoạch, SAB sẽ tăng tỷ lệ sở hữu tại NM bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco – hiện nắm 22%) và CT liên kết bao bì của Sabibeco lên nắm quyền chi phối và hợp nhất BCTC với 2 CT này.
Việc chi phối quyền kiểm soát các DN này sẽ giúp SAB cải thiện hiệu quả và bổ sung sản phẩm vào danh mục bia của SAB.
CEO mới: thống nhất bổ nhiệm ông Lester Tan Teck Chuan làm Tổng Giám đốc (CEO) mới từ tháng 01/10/2023. Ông Lester hiện là Giám đốc mảng bia của Thai Bev tại Thái Lan. Ông sẽ là người kế nhiệm ông Bennett Neo Gim Siong, người giữ chức vụ CEO từ năm 2018.
Dự phóng 2023: Với ngắn hạn triển vọng ngành bia dự kiến tăng trưởng chậm lại trong 2023 khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. VCBS kỳ vọng DT 2023 SAB đạt tăng trưởng 6,0% yoy, đạt 37.078 tỷ đồng.
SAB đã chốt nguyên liệu cho gần hết Q3.2023 và do mua nguyên liệu vào cuối năm ngoái cho nên chi phí đầu vào bình quân ước tính dự kiến sẽ cao hơn 2022. Tuy nhiên, nhờ vào SAB tập trung tăng hiệu quả sản xuất và tiết kiệm chi phí và kỳ vọng biên gộp sẽ được giữ vững.
Biên LNG kỳ vọng cải thiện hơn 2022 đạt mức 31,3% sv mức 30,8% năm 2022. BLĐ cho rằng xu hướng biên gộp sẽ cải thiện tốt hơn từ 2024. Ước tính LSNT đạt 5.765 tỷ đồng (+4,8% yoy), tương ứng EPS forward đạt 8.241 đồng/cp.
Rủi ro:
Việc thực thi kiểm tra nồng độ cồn theo Nghị định 100 diễn ra gay gắt hơn.
Nguyên vật liệu đầu vào tăng cao Người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt với những mặt hàng không thiết yếu như bia, rượu. Thị hiếu và yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của người tiêu dùng đối với chất lượng, bao bì… sản phẩm.
Giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng cao và Sabeco chỉ chuyển một phần chi phí sang người tiêu dùng.
SAB phải tiếp tục chi mạnh cho marketing và khuyến mãi nhằm duy trì thị phần trong điều kiện cạnh tranh ngành ngày càng gay gắt.
Khuyến nghị:
Với vị thế cũng như liên tục đầu tư vào thương hiệu sẽ giúp SAB giành được thị phần nhờ cải tiến marketing và phân phối. SAB vẫn tiếp tục tập trung vào phổ thông, đồng thời tấn công, xây dựng thương hiệu ở phân khúc cận cao cấp và cao cấp.
VCBS kỳ vọng giai đoạn chuyển đổi 2 của SAB sẽ đem lại nhiều thay đổi trong hiệu quả hoạt động và sẽ phản ánh nhiều hơn từ năm 2024. Với triển vọng trong 2023 SAB vẫn còn gặp nhiều thách thức, chúng tôi khuyến nghị TRUNG LẬP đối với SAB do thị giá cổ phiếu đã phản ánh những yếu tố khó khăn trên.
Với ngắn hạn triển vọng ngành bia dự kiến tăng trưởng chậm lại trong 2023 khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. VCBS kỳ vọng DT 2023 SAB đạt tăng trưởng 6,0% yoy, đạt 37.078 tỷ đồng. Một số giả định trong dự báo của chúng tôi:
▪ Biên LNG kỳ vọng cải thiện hơn 2022 đạt mức 31,3% sv mức 30,8% năm 2022. Ban lãnh đạo công ty cho rằng xu hướng biên gộp sẽ cải thiện tốt hơn từ 2024.
▪ Tỷ trọng chi phí bán hàng và quản lý (SG&A) đạt 15,4%/DTT (sv 2022: 15,1%/DTT). Tỷ trọng này vẫn giữ mức cao do tiếp tục đầu tư cho các chiến dịch marketing để tăng cường thế mạnh của thương hiệu và duy trì thị phần của SAB trong môi trường cạnh tranh gay gắt.
Theo đó, LSNT ước tính đạt 5.765 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,8% yoy, tương ứng EPS forward đạt 8.241 đồng/cp. Với P/E mục tiêu 22.x lần VCBS khuyến nghị TRUNG LẬP với giá trị hợp lý là 181.000 đồng/cp.
Thành viên cập nhật ngày 1/4/2021: Phân tích kỹ thuật cổ phiếu SAB - Sabeco: Mô hình 2 đáy, sẵn sàng tăng
Điểm nhấn kỹ thuật:
- Xu hướng hiện tại: Tăng giá.
- Chỉ báo xu hướng MACD: Phân kỳ dương, MACD cắt lên đường tín hiệu.
- Chỉ báo RSI: vùng trung lập, xu hướng tăng
Nhận định
SAB đang trong quá trình hình thành mô hình 2 đáy tại ngưỡng 173. Thanh khoản cổ phiếu nằm trên ngưỡng giao dịch trung bình 20 phiên, đồng thuận với nhịp tăng giá cổ phiếu. Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều ủng hộ xu hướng tăng giá cổ phiếu.
Đường giá cổ phiếu sắp lên dải mây Ichimoku báo hiệu xu hướng tăng giá trung hạn sắp hình thành. Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 180 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng giá 200. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 173.
Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - SABECO
Người tiêu dùng Việt Nam từ lâu đã quen thuộc với thương hiệu Bia Sài Gòn của Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - SABECO.
Hương vị độc đáo của Bia Sài Gòn là kết tinh sản vật của vùng đất phương Nam trù phú và tinh thần hào sảng phóng khoáng của người Sài Gòn, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống vui buồn hàng ngày.
Với 2 loại bia chai Larue dung tích 610 ml và bia chai 33 dung tích 330 ml thời kỳ đầu tiếp quản, đến nay, SABECO đã phát triển 10 dòng sản phẩm là bia chai Saigon Lager 450, bia chai Saigon Export, bia chai Saigon Special , bia chai Saigon Lager 355, bia chai 333 Premium, bia chai Lạc Việt, bia lon 333, bia lon Saigon Special, bia lon Saigon Lager, bia lon Lạc Việt góp mặt đầy đủ trên thương trường.
Đến nay, dù trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều thương hiệu bia nổi tiếng trên thế giới, nhưng Bia Sài Gòn và Bia 333 vẫn đang là thương hiệu Việt dẫn đầu thị trường bia Việt Nam và đang trên đường chinh phục các thị trường khó tính như Đức, Mỹ, Nhật, Hà Lan v..v.
Năm 2017, ThaiBev đã mua lại 54% cổ phần của SAB với giá 4,8 tỷ USD, trở thành công ty mẹ của công ty sản xuất bia này. Ông Thapana Sirivadhanabhakdi, CEO ThaiBev trong chia sẻ mới đây còn nhấn mạnh: “Sabeco là viên ngọc quý của chúng tôi – một tài sản quý hiếm trong tất cả các tài sản liên quan tới ngành sản xuất bia trong khu vực Đông Nam Á”.
Theo số liệu năm 2021, Việt Nam là thị trường tiêu thụ bia lớn nhất Đông Nam Á, trị giá 26 tỷ USD và đứng thứ ba tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản.
Hlae3
10:05 10/01/2024
Ngon. Chưa bao giờ dám nghĩ SAB lại xuống mức giá thấp dến vậy. Đừng quên SAB từng là món hàng hiệu từng làm đắm say người Thái khiến họ bỏ ra gần 300k/cp.