Cập nhật cổ phiếu FLC: xin xem xét để cổ phiếu được giao dịch trên UPCoM sớm nhất có thể

ĐĂNG NGUYÊN

24/03/2023 13:58

Cập nhật diễn biến mới nhất với Tập đoàn FLC kể từ sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt.

Có thể thu hồi chứng khoán ông Trịnh Văn Quyết đã bán chui, trả lại tiền cho nhà đầu tư - Ảnh 1.

Ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Tập đoàn FLC - Ảnh: B.N.

 

FLC mong cơ quản quản lý xem xét để cổ phiếu được giao dịch trên UPCoM trong thời gian sớm nhất.

Thông này được Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đề xuất trong bản lộ trình khắc phục vấn đề vi phạm công bố thông tin gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Giữa tháng 2, cổ phiếu FLC bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) huỷ niêm yết. Đến cuối tháng, mã này được chuyển sang hệ thống UPCoM, nhưng tiếp tục bị HNX đình chỉ giao dịch ngay sau đó. Sở đã yêu cầu FLC phải giải trình nguyên nhân vi phạm quy định công bố thông tin và đưa ra phương án khắc phục.

FLC cho biết sau nhiều nỗ lực, công ty mới tổ chức được phiên họp cổ đông bất thường hôm 4/3 và thông qua nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến báo cáo tài chính năm 2021. Ban giám đốc FLC đang tiếp tục cố gắng hết sức làm việc với công ty kiểm toán UHY để phát hành báo cáo này, dự kiến sớm nhất trước 30/4. Trong vòng 20 ngày sau đó, công ty sẽ công bố báo cáo thường niên 2021.

HĐQT FLC dự kiến triệu tập họp đại hội đồng cổ đông 2022 vào giữa tháng 6. Tại phiên họp này, HĐQT sẽ trình đại hội đồng cổ đông thông qua việc lựa chọn đơn vị kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2022. Đến cuối tháng 10, công ty có thể công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét bán niên 2022.

Doanh nghiệp này mong được cơ quan quản lý xem xét, tạo điều kiện có thêm thời gian để khắc phục các vấn đề theo lộ trình dự kiến nêu trên. Đồng thời, FLC cũng tiếp tục xin cho cổ phiếu sớm được giao dịch bình thường trên hệ thống UPCoM trong thời gian sớm nhất, đảm bảo lợi ích của cổ đông.

Tại phiên họp bất thường đầu tháng 3, lãnh đạo FLC cho biết doanh nghiệp này sẽ tái cấu trúc theo hướng tập trung giữ lại hai lĩnh vực cốt lõi gồm phát triển bất động sản, kinh doanh nghỉ dưỡng, sân golf và thực hiện M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay, có nguồn vốn duy trì hoạt động.

Tuy nhiên, biến động nhân sự cấp cao tại doanh nghiệp này vẫn chưa dừng lại. Hôm 22/3, FLC công bố thông tin về việc miễn nhiệm Phó tổng giám đốc Đặng Thị Lưu Vân theo nguyện vọng cá nhân. Trước đó, hồi cuối tháng 2, tổng giám đốc Bùi Hải Huyền và hai phó tổng giám đốc FLC Đàm Ngọc Bích và Lê Thị Trúc Quỳnh cũng xin từ nhiệm.

Cập nhật ngày 2/3/2023: bổ nhiệm Chủ tịch ROS Lê Tiến Dũng làm Tổng giám đốc FLC

Ông Lê Tiến Dũng sẽ đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC từ ngày 2/3. Sinh năm 1977, ông Dũng là kỹ sư Đại học Bách khoa Hà Nội với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điện lực, giám định và quản lý chất lượng công trình.

Tháng 11 năm ngoái, ông được bầu làm Chủ tịch HĐQT FLC Faros nhiệm kỳ 2021 – 2026 và đang theo sát quá trình tái cơ cấu tại doanh nghiệp này. Trước khi làm việc tại FLC, ông từng làm lãnh đạo ở nhiều doanh nghiệp. Hiện tại, ông Dũng vẫn là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kiến trúc và Xây dựng Phát Đạt.

Kinh nghiệm đa dạng của ông Dũng được HĐQT FLC nhận định là phù hợp cho các mục tiêu của FLC trong giai đoạn mới, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang hướng tới quá trình sắp xếp, cải tổ toàn diện và mạnh mẽ.

Hôm nay, FLC cũng trao quyết định bổ nhiệm bà Trần Thị Hương làm Phó tổng giám đốc thường trực.

Bà Hương đã làm Phó tổng giám đốc FLC từ cuối năm ngoái. Bà Hương là Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, Đại học Northumbria (Anh).

Trước đây, bà từng giữ vai trò Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh phát triển Bất động sản FLCHomes, Giám đốc Nhân sự Công ty Phát triển và Đầu tư Đô thị Việt Hưng, Trưởng ban Nhân sự Tập đoàn FLC.

flc-tgd-1677722249.jpg
Ông Lê Tiến Dũng (thứ hai từ bên phải), tân Tổng giám đốc FLC và bà Trần Thị Hương, tân phó tổng giám đốc thường trực tại buổi công bố quyết định chiều 2/3.

Cập nhật ngày 27/2/2023: Tổng giám đốc Bùi Hải Huyền cùng 2 phó tổng từ nhiệm

Ngày 27/2, HĐQT Tập đoàn FLC nhận được đơn từ nhiệm của Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc Bùi Hải Huyền cùng hai phó tổng giám đốc là bà Đàm Ngọc Bích và Lê Thị Trúc Quỳnh.

"Nói lời chia tay là điều vô cùng khó khăn, nhưng tôi hiểu rằng, FLC đang thực sự cần một luồng gió mới sau tất cả những biến cố đã qua. Do đó, việc tôi rời cương vị CEO ở thời điểm này là điều cần thiết phải làm để quá trình tái cấu trúc mà FLC đang hướng tới có thể thành công tốt đẹp" - bà Huyền viết trong thư chia tay gửi cán bộ nhân viên.

Sinh năm 1976, bà Bùi Hải Huyền có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị, điều hành, tư vấn và triển khai dự án tại nhiều doanh nghiệp lớn. Tại FLC, bà Huyền có hơn 12 năm gắn bó. Bà giữ chức phó tổng giám đốc FLC từ 2015 và được bổ nhiệm vị trí tổng giám đốc vào tháng 3/2020.

Tính đến thời điểm hiện tại, nữ tổng giám đốc của FLC đã có 3 năm nắm giữ cương vị CEO, trong đó có 1 năm điều hành tập đoàn này sau biến cố vướng lao lý của một số cựu lãnh đạo FLC.

Cũng trong ngày 27/2/2023, HĐQT FLC nhận thêm hai đơn xin từ nhiệm của phó tổng giám đốc Đàm Ngọc Bích và Lê Thị Trúc Quỳnh.

Bà Đàm Ngọc Bích sinh năm 1977, được bổ nhiệm phó tổng giám đốc FLC từ năm 2015, phụ trách lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Còn bà Lê Thị Trúc Quỳnh đảm nhiệm vai trò phó tổng giám đốc FLC từ năm 2020. Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng.

Như vậy, với việc Tổng giám đốc Bùi Hải Huyền và hai phó tổng rời đi, ban điều hành cũ của FLC đã có 6 lãnh đạo cấp cao từ nhiệm trong giai đoạn từ 2022 đến nay.

Tại phiên họp bất thường lần 2 dự kiến diễn ra cuối tuần này, đại hội đồng cổ đông FLC sẽ phải bầu bổ sung thêm thành viên để thay thế bà Bùi Hải Huyền và ông Đặng Tất Thắng - người cũng xin thôi mọi chức vụ tại FLC, Bamboo Airways sau 8 năm gắn bó hồi tháng 7/2022. Phiên họp lần 1 hồi đầu tháng 2 không thể diễn ra vì tỷ lệ tham dự dưới 50% số cổ phần có quyền biểu quyết

Cập nhật ngày 20/2/2023: FLC rời HOSE chuyển sang UPCoM từ ngày 22/2

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa thông báo chuyển dữ liệu đăng ký và lưu ký cổ phiếu FLC. Theo thông báo, FLC vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng nên phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM theo quy định.

Luật Chứng khoán hiện hành quy định, công ty đại chúng là công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ hoặc là công ty đã chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo quy định này, cổ phiếu FLC vẫn đáp ứng điều kiện công ty đại chúng với vốn điều lệ 7.099,9 tỷ đồng, hơn 64.700 cổ đông.

Trước đó, cổ phiếu của doanh nghiệp này bị hủy niêm yết ngày 13/2 của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM. Lý do là FLC vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở và Ủy ban Chứng khoán xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Ngay sau đó, FLC kiến nghị các cơ quan quản lý xem xét lại quyết định hủy niêm yết khi giải thích rằng việc vi phạm công bố thông tin do "hoàn cảnh bất khả kháng". Trong thời gian dài, doanh nghiệp này không thể tìm kiếm được đơn vị chấp thuận kiểm toán cho báo cáo tài chính.

Trong thông báo hôm 17/2, Tổng giám đốc Bùi Hải Huyền khẳng định quyền lợi của cổ đông vẫn đảm bảo đầy đủ. Ở mọi trường hợp, cổ đông được toàn quyền sở hữu, định đoạt với cổ phiếu FLC đang sở hữu. Đồng thời, cổ đông vẫn được đảm bảo quyền tham gia đại hội đồng cổ đông, quyền biểu quyết, quyền đề cử và ứng cử thành viên Hội đồng quản trị.

Hội đồng quản trị và ban điều hành FLC cũng cho biết đang nỗ lực xúc tiến các lộ trình công bố thông tin theo quy định.

Cập nhật ngày 15/2/2023: FLC tìm cách ở lại sàn HoSE

Cho rằng việc vi phạm công bố thông tin do "hoàn cảnh bất khả kháng", FLC kiến nghị cơ quan quản lý xét lại việc huỷ niêm yết cổ phiếu.

Thông tin này vừa được Công ty cổ phần Tập đoàn FLC phát đi chiều 14/2 sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo huỷ niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu FLC từ ngày 20/2.

Theo HoSE dẫn quy định tại Nghị định 155 cho thấy, FLC đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và rơi vào trường hợp mà Sở và Uỷ ban Chứng khoán xét thấy cần thiết phải huỷ niêm yết để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Nhưng FLC giải thích rằng tập đoàn này và các đơn vị thành viên phải đối mặt với nhiều nguy cơ, khó khăn trong quá trình hoạt động do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thông tin, cũng như các vấn đề phát sinh khi một số cựu lãnh đạo bị tạm giam để điều tra cuối tháng 3/2022.

"Một trong những ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự việc này khiến FLC trong thời gian dài không thể tìm kiếm được đơn vị chấp thuận kiểm toán cho báo cáo tài chính", doanh nghiệp cho biết.

Theo FLC, sau nhiều nỗ lực, đến 20/9, tập đoàn đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY. Theo đó, UHY sẽ là đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021 cho biết FLC. Dù vậy, do nhiều lý do khách quan, đến nay, FLC vẫn chưa nhận được kết quả kiểm toán của UHY.

Đánh giá việc chưa có báo cáo kiểm toán vì lý do bất khả kháng nên FLC đã liên tiếp có văn bản giải trình và kiến nghị cơ quan quản lý xem xét, hỗ trợ. Trong đó, tháng 8/2022, công ty đã đề nghị Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận tình trạng Tập đoàn FLC chưa có báo cáo tài chính kiểm toán là sự kiện bất khả kháng. Đồng thời, tập đoàn này cũng xin không bị đình chỉ giao dịch/huỷ niêm yết cho đến khi Bộ Tài chính chỉ định được công ty kiểm toán và đơn vị này kiểm toán báo cáo tài chính của FLC.

"FLC khẩn thiết kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại việc huỷ niêm yết cổ phiếu", doanh nghiệp cho hay và khẳng định đang nỗ lực xúc tiến lộ trình công bố thông tin theo quy định.

Cập nhật ngày 6/2/2023: FLC không thể họp bất thường do tỷ lệ tham dự dưới 50%

Công ty cổ phần Tập đoàn FLC không thể tiến hành phiên họp bất thường ngày 5/2, do tỷ lệ tham dự dưới 50% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Danh sách cổ đông tham dự cuộc họp này đã được chốt vào ngày 4/1. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra tư cách cổ đông được FLC công bố trước thời điểm khai mạc, chỉ có 103 người đến tham gia phiên họp.

Số cổ đông này nắm hơn 228 triệu cổ phiếu, tương ứng 32,15% vốn điều lệ. Vì vậy, FLC không thể tổ chức phiên họp bất thường (theo quy định phải có tỷ lệ tham dự trên 50% số cổ phần có quyền biểu quyết của Luật Doanh nghiệp).

Đại diện FLC cho biết dự kiến tổ chức phiên họp bất thường lần 2 sớm nhất vào ngày 5/3. Phiên họp lần hai chỉ có thể diễn ra nếu số cổ đông tham gia nắm giữ trên 33% vốn điều lệ.

Theo thông báo gửi các cổ đông trước đó, phiên họp bất thường của FLC dự kiến sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua việc miễn nhiệm ông Đặng Tất Thắng, bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021 – 2026 và một số nội dung quan trọng khác.

Hiện tại, HĐQT công ty này còn 4 người gồm Chủ tịch Lê Bá Nguyên, Phó chủ tịch thường trực Bùi Hải Huyền, 2 thành viên là ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Thái Sâm. FLC dự kiến bầu bổ sung 2 thành viên.

Cập nhật ngày 22/9/2022: lại thay đổi đơn vị kiểm toán chỉ sau 2 tháng

Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC) vừa có công bố thông tin về việc thay đổi đơn vị kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021, cho biết đã ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY.

Cùng với đó, FLC cũng tiến hành thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán đã ký với Công ty TNHH Kiểm toán An Việt. Lý do được đưa ra là Công ty Kiểm toán An Việt không bố trí được thời gian và nhân sự thực hiện, cung cấp dịch vụ kiểm toán như hợp đồng hai bên đã ký kết.

Như vậy, chỉ sau 2 tháng chọn Công ty An Việt là đơn vị kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021, FLC một lần nữa có quyết định thay đổi đơn vị kiểm toán.

Những vướng mắc trong việc lựa chọn đơn vị kiểm toán các báo cáo tài chính tài chính năm 2021 là nguyên nhân chính khiến FLC chưa thể công bố các báo cáo theo quy định của Ủy ban Chứng khoán và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Điều này dẫn tới việc cổ phiếu FLC liên tục bị HoSE đưa vào diện kiểm soát, cảnh báo và mới nhất là đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9.

Ban đầu, đơn vị kiểm toán các báo cáo tài chính của FLC là Công ty TNHH Kiểm toán - Tư vấn Đất Việt. Tuy nhiên, cuối tháng 3, Ủy ban Chứng khoán đã có quyết định đình chỉ tư cách kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng với Công ty Đất Việt.

Kết quả là FLC không thể công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Đồng thời tập đoàn này cũng chưa thể tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 dù đã quá hạn nhiều tháng.

Ông Lê Bá Nguyên, Chủ tịch HĐQT FLC, cho biết những khó khăn về hoạt động công bố thông tin tập đoàn này vướng phải thời gian qua chủ yếu liên quan tới việc không lựa chọn được đơn vị kiểm toán.

Ông Nguyên cho biết ngay sau khi lựa chọn được đơn vị kiểm toán và công bố các báo cáo tài chính năm 2021, HĐQT FLC sẽ triệu tập cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 theo đúng quy định. Dự kiến, đại hội sẽ được tổ chức tháng 11.

Ngoài ra, Chủ tịch FLC cũng cho biết tập đoàn đang nỗ lực để phối hợp giải trình cũng như xúc tiến lộ trình công bố thông tin theo quy định, nhằm sớm đưa cổ phiếu FLC ra khỏi diện đình chỉ giao dịch.

Cập nhật ngày 18/9/2022: Thêm 3 cổ phiếu họ FLC bị đưa vào diện cảnh báo: AMD, ART, KLF

Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) vừa ra quyết định đưa cổ phiếu CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (HOSE: AMD) vào diện cảnh báo từ ngày 21/09. Lý do là doanh nghiệp này chậm nộp BCTC bán niên 2022 đã soát xét. 

Cùng lý do trên, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 14/09 cũng đã đưa cổ phiếu CTCP Chứng khoán BOS (HNX: ART) và CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (HNX: KLF) vào diện cảnh báo. 

Trước đó, HOSE quyết định chuyển cổ phiếu của Tập đoàn FLC (FLC), CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) và CTCP Nông dược HAI (HAI) từ diện “kiểm soát” sang “hạn chế giao dịch” từ ngày 01/06. Lý do cả ba doanh nghiệp này đều chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2021 quá 45 ngày so với thời hạn quy định. 

Đến ngày 26/08, HOSE thông báo huỷ niêm yết cổ phiếu ROS của CTCP xây dựng FLC Faros từ ngày 05/09. Ngoài ra, cổ phiếu của CTCP Đầu tư Khai Khoáng và Quản lý Tài sản FLC (HOSE: GAB) cũng không ngoại lệ khi bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 09/09. 

Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, 7 cổ phiếu “họ FLC” đều bị xử lý vi phạm về công bố thông tin.

Cập nhật ngày 8/9/2022: Cổ phiếu FLC tăng trần, như chưa hề có cuộc chia ly!

Sau tin có thể được giao dịch trở lại nếu khắc phục được các vi phạm, cổ phiếu FLC hôm nay lại tưng bừng tăng trần.

Đúng vậy, FLC tăng trần ngạo nghễ, như không hề có cuộc chia ly sẽ diễn ra vào ngày mai, khi FLC phải rời HOSE, có thể là rời xa mãi mãi.

Cụ thể trong phiên chiều 8/9/2022, cổ phiếu FLC chốt phiên tăng kịch trần 6,9% lên mức 3.570 đồng/cp với lượng khớp đạt hơn 18,4 triệu đơn vị. Dư mua chất đống ở giá trần với khối lượng chờ mua tới hơn 4,5 triệu đơn vị!

Thật khâm phục ý chí của nhà đầu tư Việt Nam!

Cập nhật ngày 7/9/2022: có thể được giao dịch trở lại

Chiều 6/9, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết vụ việc thao túng chứng khoán diễn ra tại FLC Group vẫn đang trong quá trình điều tra, sẽ cung cấp đầy đủ thông tin khi có các kết luận thanh tra.

Vừa qua, HoSE đã quyết định chuyển cổ phiếu FLC, HAI từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9 do vi phạm quy định về công bố thông tin. Trước đó mã ROS thuộc hệ sinh thái này cũng bị ngừng giao dịch từ 12/8.

Thứ trưởng nói rằng nhóm doanh nghiệp trên có nhiều vi phạm về điều kiện niêm yết và giao dịch. Do vậy, điều kiện để các mã chứng khoán này được giao dịch trở lại là phải khắc phục được các vi phạm đó.

"Theo quy định của pháp luật, FLC là phải có báo cáo kiểm toán năm 2021, báo cáo soát xét 6 tháng năm 2022 và tổ chức ĐHĐCĐ theo quy định", ông Chi nói về vi phạm của tập đoàn trên.

Còn đối với ROS cũng tương tự là không có báo cáo kiểm toán và không họp cổ đông thường niên. Do vậy, các cổ phiếu này chỉ được giao dịch khi khắc phục được vi phạm và có nguyện vọng trở lại.

Việc nhóm cổ phiếu FLC bị đình chỉ giao dịch thì quyền lợi nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng đáng kể do không được mua bán trên thị trường đại chúng.

"Với trách nhiệm là cổ đông thì nhà đầu tư phải có ý kiến, phải yêu cầu ban điều hành doanh nghiệp thực hiện khắc phục những cái thiếu sót, vi phạm đó sớm nhất để đưa cổ phiếu trở lại thì quyền lợi cổ đông sẽ trở lại", ông Chi khuyến khích.

Vị Thứ trưởng còn thông tin các cơ quan chức năng mới chỉ đạo một loạt giải pháp cụ thể để chấn chỉnh và phòng ngừa các vụ việc tăng vốn ảo trên trên thị trường chứng khoán.

Cập nhật ngày 17/8/2022: Cổ phiếu FLC bị đình chỉ giao dịch, tân Chủ tịch Lê Bá Nguyên gửi thư bày tỏ

Sau khi bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đình chỉ giao dịch cổ phiếu FLC từ ngày 9-9-2022, Chủ tịch Tập đoàn FLC Lê Bá Nguyên vừa gửi thư mong cổ đông chia sẻ, đồng hành.

Ông Lê Bá Nguyên cho biết đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn FLC đã nỗ lực hết mình để phối hợp giải trình, cũng như xúc tiến lộ trình công bố thông tin theo quy định nhằm sớm đưa cổ phiếu FLC ra khỏi diện đình chỉ giao dịch hoặc hạn chế giao dịch.

Trong thư gửi các cổ đông, ông Lê Bá Nguyên thông tin ngày 31-8-2022, Công ty CP Tập đoàn FLC (mã cổ phiếu FLC) đã nhận được quyết định của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM về việc chuyển cổ phiếu FLC từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch từ ngày 9-9-2022.

Nguyên nhân bị đình chỉ giao dịch do Tập đoàn FLC vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Giải thích về vấn đề này, ông Lê Bá Nguyên cho biết Tập đoàn FLC đã nhiều lần gửi giải trình kiến nghị đến các cơ quan quản lý, để làm rõ các nguyên nhân bất khả kháng nằm ngoài ý muốn của doanh nghiệp.

 

flc-new-1662016886.jpeg

Ông Lê Bá Nguyên, chủ tịch Tập đoàn FLC

Trong đó chủ yếu là những khó khăn, thách thức về lựa chọn đơn vị kiểm toán mới sau khi Công ty TNHH Kiểm toán, tư vấn Đất Việt - đơn vị từng ký hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 với Tập đoàn FLC - bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ tư cách kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán từ ngày 30-3-2022.

Để tháo gỡ khó khăn này, Tập đoàn FLC mong sớm nhận được sự can thiệp, chỉ đạo hoặc hỗ trợ cần thiết từ cơ quan quản lý để có thể thực hiện việc kiểm toán, soát xét báo cáo tài chính năm 2021 của tập đoàn trong sớm nhất, để có đủ điều kiện tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2022.

Ông Lê Bá Nguyên cam kết ngay sau khi có báo cáo tài chính năm 2021 được kiểm toán, hội đồng quản trị FLC sẽ triệu tập cuộc họp đại hội cổ đông thường niên năm 2022 theo đúng quy định.

Dự kiến đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của Tập đoàn FLC sẽ được tổ chức vào tháng 11-2022.

Đối với sự việc bất khả kháng và ngoài ý muốn kể trên, Tập đoàn FLC mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, chia sẻ của cổ đông cũng như sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời từ cơ quan quản lý để tập đoàn có thể thực hiện đúng các lộ trình dự kiến, bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp, cổ đông, và góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Trước khi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM quyết định đình chỉ giao dịch cổ phiếu FLC, cổ phiếu này đã bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 11-7-2022.

Tính từ khi ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Tập đoàn FLC, bị bắt về hành vi thao túng và che giấu thông tin chứng khoán vào cuối tháng 3-2022, nhóm cổ phiếu "họ FLC" liên tục nằm sàn. Chốt phiên giao dịch ngày 31-8, cổ phiếu FLC dừng ở mệnh giá 4.000 đồng/cổ phiếu.

Cập nhật ngày 17/8/2022: cổ phiếu FLC và HAI bị xem xét đình chỉ giao dịch

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa phát thông báo xem xét đình chỉ giao dịch với cổ phiếu của Công ty CP FLC (mã chứng khoán FLC) và Công ty CP Nông dược H.A.I (mã chứng khoán HAI).

Lý do được sở đưa ra là đến nay cả hai doanh nghiệp đều chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022, tức quá nửa năm kể từ khi kết thúc năm tài chính 2021. 

Đồng thời cả FLC và HAI đều chưa công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Doanh nghiệp cũng chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính 2021 và 2022. 

Nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các cổ đông của công ty cũng như các nhà đầu tư chứng khoán, sở đề nghị cả hai doanh nghiệp trên phải có văn bản giải trình gửi về sở trước ngày 19-8 về lộ trình tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022 cũng như việc chọn đơn vị kiểm toán năm 2021 và 2022.

Mới đây ngày 12-8, một thành viên khác thuộc "họ FLC" là Công ty CP Xây dựng FLC Faros (mã ROS) đã chính thức bị đình chỉ giao dịch cổ phiếu, vì công ty tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. 

Sau khi vụ ông Trịnh Văn Quyết "bán chui" cổ phiếu FLC bị phanh phui, ông Quyết bị bắt để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, đến nay "sóng gió" vẫn chưa dừng lại với số phận của hàng loạt cổ phiếu thuộc "họ FLC". 

Kể từ giá đỉnh thiết lập vào hồi đầu năm, hiện các mã "họ FLC" đã bị giảm 70-80% giá trị.

Cập nhật ngày 3/8/2022: diễn biến thêm căng khi FLC bị phong tỏa 3 tài khoản, Faros ngừng giao dịch

Cục Thuế tỉnh Quảng Bình vừa ban hành quyết định cưỡng chế gần 224 tỉ đồng bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa 3 tài khoản của Tập đoàn FLC mở tại 3 ngân hàng.

Bà Bùi Hải Huyền - tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) - vừa gửi thông tin đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, về việc công ty nhận được 3 quyết định từ Cục Thuế tỉnh Quảng Bình.

Theo đó, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình đã ban hành 3 quyết định vào ngày 29-7, về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa tài khoản của Công ty CP Tập đoàn FLC mở tại 3 ngân hàng gồm: OCB chi nhánh Hà Nội, VIB chi nhánh Q.1 - TP.HCM và BIDV chi nhánh Thanh Xuân.

Nguyên nhân vì Tập đoàn FLC có số tiền quá hạn nộp, phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật quản lý thuế. Trong đó tổng số tiền bị cưỡng chế lên gần 224 tỉ đồng.

Ngày 22-7 lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Quảng Bình xác nhận Tập đoàn FLC hiện vẫn đang nợ tổng cộng 451 tỉ đồng tiền thuê đất, trong đó nợ quá hạn 220 tỉ đồng.

Số tiền nợ quá hạn này là của dự án trung tâm hội nghị, khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình - một trong 10 dự án mà FLC Quảng Bình đang triển khai trên địa bàn hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Ông Ngô Văn Thuận - phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Bình - cũng cho biết nếu biện pháp cưỡng chế bằng việc trích tiền từ tài khoản ngân hàng không thực hiện được thì sắp tới sẽ áp dụng các hình thức cưỡng chế khác như không cho sử dụng hóa đơn, cưỡng chế kê biên tài sản. Biện pháp cuối cùng là thu hồi giấy phép.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2-2022 vừa được công bố, Tập đoàn FLC phải trải qua thời điểm khó khăn, làm ăn sa sút.

Cụ thể, trong quý 2, doanh nghiệp chỉ gặt hái được xấp xỉ 576 tỉ đồng doanh thu thuần, tương đương giảm gần 66% so với cùng kỳ năm trước. Dưới áp lực từ khoản lỗ trong công ty liên doanh, liên kết, chưa kể các chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp... đều tăng, khiến FLC bị lỗ ròng sau thuế hơn 640 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn còn lãi gần 21 tỉ đồng.

Lũy kế nửa đầu năm, FLC đạt hơn 1.660 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 60% so với bán niên trước, đồng thời lỗ sau thuế hơn 1.100 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 64 tỉ đồng.

Sau nửa năm, khoản nợ phải trả của tập đoàn tăng gần 15% lên hơn 27.500 tỉ đồng, trong đó khoảng 70% là nợ vay ngắn hạn.

Mặc dù đã trả xong toàn bộ hơn 573 tỉ đồng nợ vay ngắn hạn tại OCB chi nhánh Hà Nội, gần 176 tỉ đồng của BIDV chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long, gần 64 tỉ đồng vay tại Sacombank chi nhánh Hà Nội, 10 tỉ đồng tại VietinBank Leasing, nhưng FLC cũng thêm hai chủ nợ mới với khoản vay ngắn hạn.

Cụ thể, FLC mới vay ngắn hạn hơn 185 tỉ đồng từ Tập đoàn Homeliday và 621 tỉ đồng từ ông Lê Thái Sâm - thành viên hội đồng quản trị FLC vừa được bổ nhiệm.

Cùng lúc, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa cho biết đang xem xét đình chỉ giao dịch với cổ phiếu của Công ty CP FLC Faros (mã chứng khoán ROS), do doanh nghiệp tiếp tục chậm nộp báo cáo tài chính quý 2-2022.

Trước đó, HoSE cũng ra quyết định chuyển 3 cổ phiếu gồm ROS, FLC (Tập đoàn FLC) và HAI (Công ty CP Nông dược HAI) sang diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 1-6, do doanh nghiệp trễ hạn nộp báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán so với quy định. Hiện tại ba mã này chỉ được giao dịch phiên chiều.

Sau khi lập đỉnh vào đầu tháng 1 năm nay, các cổ phiếu "họ FLC" đã phải hứng chịu các cuộc bán tháo của nhà đầu tư từ khi vụ ông Trịnh Văn Quyết "bán chui" cổ phiếu bị phanh phui và bị bắt vì thao túng chứng khoán.

Hiện các mã FLC, HAI và ROS đã bị giảm lần lượt 73%, 74% và 81% so với giá đỉnh, xuống còn 6.090 đồng/cổ phiếu, 3.100 đồng/cổ phiếu và 2.610 đồng/cổ phiếu.

Cập nhật ngày 1/8/2022: sếp mới vào HĐQT cho FLC vay tín chấp hơn 600 tỷ

Ông Lê Thái Sâm, người mới vào Hội đồng quản trị FLC, đã cho công ty này vay không cần tài sản đảm bảo hơn 620 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn FLC vừa công bố cho thấy những thay đổi đáng kể về cấu trúc vay nợ, nhất là sự xuất hiện của những khoản vay tín chấp từ cá nhân và doanh nghiệp khác.

Theo báo cáo này, quy mô nợ vay ngắn và dài hạn của FLC tính tới cuối quý II là hơn 5.100 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay dài hạn giảm từ 4.169 tỷ xuống 2.450 tỷ đồng, còn vay ngắn hạn tăng thêm hơn 600 tỷ đồng lên 2.676 tỷ đồng.

Ở khoản vay dài hạn, FLC và các công ty thành viên đã tất toán xong khoản nợ hơn 1.800 tỷ đồng với Sacombank. Chủ nợ lớn nhất với FLC tới cuối quý II là BIDV chi nhánh Quy Nhơn với dư nợ hơn 1.100 tỷ đồng.

Cùng với việc trả xong những khoản nợ dài hạn này là bảng cân đối của FLC có thêm những khoản vay ngắn hạn theo hình thức tín chấp từ những chủ nợ mới.

Trong đó, ông Lê Thái Sâm cho FLC vay tín chấp hơn 620 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Bốn hợp đồng vay có thời hạn 12 tháng, lãi suất 7% mỗi năm, được thực hiện rải rác từ tháng 4 đến tháng 6/2022.

Ông Sâm là một trong ba thành viên hội đồng quản trị mới của tập đoàn này được bầu tại phiên họp bất thường đầu tháng 7. Tuy nhiên, FLC hầu như không công bố thông tin gì về nhân tố mới này. Bản lý lịch trích ngang của cá nhân này không có nhiều thông tin, chỉ được FLC giới thiệu "là người am hiểu sâu sắc về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam" và "có nhiều quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn".

Ngoài ông Sâm, FLC còn nhận khoản vay tín chấp khác với quy mô hơn 180 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Tập đoàn Homeliday.

Homeliday, tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản BHS (BHS Invest), là thành viên thuộc BHS Group. Tập đoàn được thành lập giữa năm 2019 này hoạt động trong mảng tư vấn phát triển bất động sản và quản lý bán hàng, được dẫn dắt bởi những lãnh đạo cũ của Công ty Bất động sản Thế Kỷ (CEN Land).

Theo đăng ký kinh doanh của Homeliday, bốn lãnh đạo của BHS Group cũng là bốn cổ đông của doanh nghiệp này, trong đó cổ đông lớn nhất là cựu CEO CEN Land Nguyễn Thọ Tuyển.

Kết thúc quý II, FLC lỗ sau thuế 640 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do phát sinh khoản lỗ đột biến hơn 317 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết. Ngoài ra, doanh thu tài chính cũng giảm mạnh, còn một phần mười so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo lý giải của ban lãnh đạo FLC, doanh thu bán hàng và tài chính giảm mạnh do công ty đang trong quá trình cơ cấu lại kinh doanh và thay đổi lãnh đạo chủ chốt. Đặc biệt, mảng hàng không thời gian qua không thuận lợi khiến công ty lỗ 311,6 tỷ đồng.

Cộng dồn các ảnh hưởng và chi phí phát sinh, nửa đầu năm công ty ghi nhận doanh thu 1.709 tỷ đồng, giảm 60% so với nửa đầu năm ngoái. Trong đó, doanh thu bán hàng hóa, kinh doanh bất động sản, cung cấp dịch vụ đều giảm gần một nửa so với cùng kỳ. Chốt nửa đầu năm, FLC lỗ sau thuế 1.105 tỷ đồng.

Cập nhật ngày 16/7/2022: người được ông Trịnh Văn Quyết ủy quyền đã xin thôi chức

HĐQT FLC vừa chấp thuận đề nghị thôi chức của bà Vũ Đặng Hải Yến - người được ông Trịnh Văn Quyết ủy quyền cổ đông và các quyền tài sản.

Trong đơn xin thôi giữ chức vụ này, bà Yến cho biết thời gian tới, vì một số lý do cá nhân nên không thể tiếp tục đảm nhiệm được công việc do HĐQT giao trên cương vị Phó tổng giám đốc. Bà Yến là người được cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết ủy quyền quyền cổ đông tại FLC, Bamboo Airways và quyền liên quan đến các tài sản, quyền tài sản thuộc sở hữu của ông Quyết.

Trước mắt, bà Yến sẽ thôi chức vụ trong ban tổng giám đốc, nhưng vẫn phụ trách một số công việc của ban đầu tư và ban pháp chế cho đến khi có tổng giám đốc mới.

Sinh năm 1978, bà Vũ Đặng Hải Yến là tiến sĩ Luật Kinh tế. Bà được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc FLC lần đầu vào tháng 3/2017. Bà cũng từng là Trợ lí HĐQT của Tập đoàn FLC, Giám đốc Công ty Luật TNHH SMiC (hãng luật do ông Quyết sáng lập).

Ngoài ra, bà cũng có thời gian làm thành viên HĐQT của 2 doanh nghiệp liên quan FLC là Công ty cổ phần Xây dựng Faros và Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD.

Trước khi gia nhập FLC, bà Vũ Đặng Hải Yến từng giữ vai trò Trưởng ban Pháp chế của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Phó trưởng Bộ môn Luật Thương mại (Trường Đại học Luật Hà Nội).

flc-yen-1657934385.jpg

Bà Vũ Đặng Hải Yến

Tại phiên họp thường niên đầu tháng này, FLC đã kiện toàn đội ngũ nhân sự khi bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT là ông Lê Bá Nguyên, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Thái Sâm. Sau đó, ông Nguyên được bầu giữ chức Chủ tịch FLC đến năm 2026

Cập nhật ngày 10/6/2022: cổ đông đâu hết mà sáng nay không mấy ai đi họp?

Tuy nhiên, đến thời điểm khai mạc, tổng số cổ đông tham dự chỉ chiếm 33,7% vốn điều lệ, không đạt điều kiện trên 50% để có thể tổ chức họp theo Luật Doanh nghiệp.

Theo bà Bùi Hải Huyền, Tổng giám đốc FLC, phiên họp bất thường lần hai dự kiến sẽ được tổ chức ngày 2/7. Danh sách cổ đông tham dự vẫn lấy theo danh sách chốt ngày 9/5 tương tự cuộc họp lần một hôm nay. Đồng thời, ban lãnh đạo FLC đề nghị cổ đông có thể thực hiện ủy quyền lại cho ban lãnh đạo công ty ngay sau khi cuộc họp lần một bất thành.

"Đây chỉ là phương án dự phòng trong trường hợp cổ đông không thể tham dự cuộc họp lần hai", bà Huyền nói và cho biết cổ đông vẫn có thể tham dự hoặc ủy quyền cho người khác.

Theo quy định, phiên họp lần hai chỉ có thể diễn ra nếu số cổ đông tham gia nắm giữ trên 33% vốn điều lệ.

Hiện tại, Hội đồng quản trị FLC chỉ có ba người gồm Chủ tịch Đặng Tất Thắng, 2 thành viên là Tổng giám đốc Bùi Hải Huyền và ông Lã Quý Hiển.

Sau khi lãnh đạo vướng vòng lao lý, FLC phải đối mặt với việc siết nợ từ các ngân hàng. Một số nhà băng là chủ nợ của FLC như OCB, Sacombank hồi tháng 4 đã khẳng định "sẽ thu hết nợ của FLC" trong tháng 5.

Cập nhật ngày 26/5/2022: họ FLC trên HoSE bị dừng giao dịch phiên sáng

Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa ra quyết định đưa cổ phiếu của Tập đoàn FLC, Công ty Xây dựng FLC Faros (ROS) và Công ty Nông dược HAI (HAI) từ diện "kiểm soát" sang "hạn chế giao dịch" từ ngày 1/6.

Theo đó, các mã này chỉ được giao dịch vào phiên chiều theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Cả ba doanh nghiệp này đều chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Việc bị đưa vào diện hạn chế giao dịch có thể ảnh hưởng tới thanh khoản của các cổ phiếu này khi thời gian để nhà đầu tư mua, bán chỉ còn được thực hiện trong phiên chiều. Thực tế, trong những phiên gần đây, thanh khoản của nhóm cổ phiếu liên quan đến FLC cũng đều giảm, đi cùng với đà đi xuống của giá cổ phiếu.

Khối lượng giao dịch trung bình phiên của FLC trong một tuần gần nhất đạt chưa tới 7 triệu cổ phiếu, so với mức thanh khoản trung bình hơn 18 triệu mỗi phiên trong ba tháng gần nhất. Tương tự với ROS và HAI, thanh khoản bình quân những phiên gần đây chỉ bằng chưa tới một nửa khối lượng giao dịch trung bình trong ba tháng.

Xét về thị giá, FLC sau khi đạt đỉnh vào đầu tháng 1 đã liên tục lao dốc, liên quan đến thông tin bán chui cổ phiếu và việc Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị khởi tố với cáo buộc "thao túng" và "che giấu thông tin chứng khoán". Đến cuối phiên 25/5, thị giá FLC chỉ còn hơn 6.600 đồng, giảm hơn 70% so với mức đỉnh hơn 22.500 đồng vào đầu năm.

Dự kiến trong phiên họp cổ đông bất thường sắp tới, FLC sẽ trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) đối với ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung.

Đồng thời, công ty sẽ bầu 2 người thay thế, trong đó có 1 người là thành viên HĐQT quản trị độc lập. Do thiếu thành viên HĐQT độc lập, FLC đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 125 triệu đồng hồi cuối tháng 3.

Cập nhật ngày 6/4/2022: Bộ Công an tìm bị hại đã mua cổ phiếu FLC bị nhóm Trịnh Văn Quyết ‘thổi giá’

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan.

Kết quả điều tra ban đầu xác định hành vi thao túng thị trường chứng khoán của ông Quyết được xác định thực hiện từ đầu tháng 12-2021 kéo dài đến phiên giao dịch ngày 10-1-2022 - phiên chủ tịch FLC bán chui 74,8 triệu cổ phiếu.

Theo cơ quan điều tra, bị can Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo phó chủ tịch Tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung cùng các thuộc cấp là Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế, Nguyễn Quỳnh Anh và một số người có liên quan cho mượn, sử dụng các tài khoản đã mở để mua/bán chứng khoán, thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán, đẩy giá cổ phiếu FLC lên cao.

Cụ thể, giá cổ phiếu FLC từ ngày 1-12-2021 được "thổi" lên cao, tăng "trần" liên tục từ 15.500 đồng/cổ phiếu lên giá 24.050 đồng/cổ phiếu ngày 10-1-2022. Giá cổ phiếu FLC giao dịch ngày 10-1 mức trung bình 22.586 đồng/cổ phiếu, tăng 64% kể từ lúc nhóm ông Trịnh Văn Quyết bắt đầu thực hiện hành vi "thổi giá".

Sau khi giá cổ phiếu FLC được "thổi" lên cao ngất ngưởng, chủ tịch tập đoàn này đã chỉ đạo người thân bán ra 175 triệu cổ phiếu. Tổng số cổ phiếu FLC do nhóm ông Quyết bán ra khớp lệnh 74,8 triệu, với giá trung bình 22.500 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số cổ phiếu này đã được bán "chui", không công bố trước khi thực hiện giao dịch.

Sau phiên bán "chui" của ông Trịnh Văn Quyết, giá cổ phiếu FLC giảm sàn 8 phiên giao dịch liên tiếp. Bước đầu cơ quan điều tra xác định hành vi thao túng cổ phiếu của các bị can đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư mua 60,1 triệu cổ phiếu FLC trên sàn chứng khoán ngày 10-1, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán.

Để phục vụ yêu cầu điều tra, cơ quan điều tra thông tin để các nhà đầu tư (bị hại) biết, liên hệ với Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (Phòng 4 thuộc C01) trước ngày 15-6 để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trước đó, liên quan đến vụ án này, C01 cũng có văn bản gửi đến các địa phương đề nghị rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu về tài sản như bất động sản, cổ phần, cổ phiếu, góp vốn đứng tên cá nhân cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và vợ là bà Lê Thị Ngọc Diệp, cùng hai em gái ruột Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế.

Bộ Công an cũng đề nghị các tỉnh tạm dừng cho giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp... với các khối tài sản như bất động sản, cổ phần, góp vốn, cổ phiếu của ông Quyết và các cá nhân trên.

Đến nay, C01 đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 người trong vụ án này gồm ông Trịnh Văn Quyết; Trịnh Thị Minh Huế, nguyên nhân viên kế toán tổng hợp Công ty CP Tập đoàn FLC; Hương Trần Kiều Dung, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán BOS kiêm phó chủ tịch thường trực Công ty CP Tập đoàn FLC; Trịnh Thị Thúy Nga, nguyên thành viên HĐQT kiêm phó tổng giám đốc và Nguyễn Quỳnh Anh, nguyên tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán BOS.

Cập nhật ngày 6/4/2022: Ủy ban Chứng khoán yêu cầu báo cáo mức margin cổ phiếu 'họ FLC'

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 5/4 đã có văn bản gửi các công ty chứng khoán yêu cầu báo cáo dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) của một loạt cổ phiếu có liên quan ông Trịnh Văn Quyết và Công ty CP Tập đoàn FLC.

Cụ thể, cơ quan quản lý chứng khoán cho biết để thực hiện công tác quản lý, giám sát về tình hình hoạt động của các công ty chứng khoán trên thị trường theo quy định tại Thông tư 121/2020 của Bộ Tài chính, yêu cầu các công ty chứng khoán báo cáo về dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán đối với một số mã chứng khoán thuộc “họ FLC”.

Các cổ phiếu này bao gồm FLC (Tập đoàn FLC); AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone); KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS); ART (Chứng khoán BOS); HAI (Nông dược H.A.I); ROS (Xây dựng FLC Faros); GAB (Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC).

Trong đó, Ủy ban Chứng khoán yêu cầu báo cáo cụ thể dư nợ cho vay margin của tất cả tài khoản giao dịch chứng khoán mở tại công ty và số lượng chứng khoán ký quỹ làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay này, tương ứng với từng mã chứng khoán.

Cơ quan công an cũng đã mở rộng điều tra các cá nhân thuộc Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán xảy ra ngày 10/1, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cập nhật ngày 1/4/2022: FLC tự đề nghị kiểm tra giao dịch đột biến ngày 1/4 để bảo vệ Tập đoàn và cổ đông

Ngày 1/4, Công ty CP Tập đoàn FLC đã có công văn gửi các cơ quan liên quan đề nghị kiểm tra giao dịch đột biến trong ngày đối với cổ phiếu FLC và có biện pháp bảo vệ cổ đông.

Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 1/4, mã FLC có thanh khoản tăng đột biến với tổng khối lượng khớp lệnh 59 triệu đơn vị ngay trong phiên sáng, kết thúc phiên ghi nhận khối lượng khớp đạt hơn 100 triệu đơn vị và đóng cửa ở giá 10.850 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, tại hai phiên giao dịch liền trước đó (ngày 30/3 và 31/3), cổ phiếu FLC liên tục giảm kịch sàn với khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên chỉ bằng 1% khối lượng khớp trong phiên giao dịch ngày hôm nay, tương ứng thanh khoản tăng đột biến gấp 100 lần.

Ngoài ra, vào tối 31/3, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin mua gom cổ phiếu FLC, thậm chí còn có thông tin chủ tịch HĐQT mới của Tập đoàn FLC là ông Đặng Tất Thắng đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu FLC.

Tuy nhiên, Tập đoàn FLC khẳng định thông tin ông Đặng Tất Thắng đăng ký mua cổ phiếu FLC là sai sự thật, làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý của cổ đông FLC nói riêng và các nhà đầu tư có quan tâm nói chung.

Trong trường hợp có tổ chức, cá nhân nào phát tán thông tin nói trên thì FLC cho rằng có thể được xem là hành vi có mục đích thâu tóm doanh nghiệp; làm mất an ninh, an toàn của thị trường; gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin đối với thị trường chứng khoán của nhiều nhà đầu tư.

Doanh nghiệp khẳng định việc này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của Tập đoàn FLC nói riêng và sự ổn định của thị trường chứng khoán nói chung, nếu tiếp tục có những dấu hiệu bất thường nói trên sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức và hoạt động của Tập đoàn FLC, tiềm ẩn rõ nguy cơ gây thiệt hại cho cổ đông của công ty.

Vì vậy, FLC đã đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM ngay lập tức áp dụng biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán theo quy định tại Điều 7 Luật Chứng khoán 2019 bao gồm không giới hạn các biện pháp như tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với mã FLC, kiểm tra làm rõ các dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch ngày 1/4 của cổ phiếu FLC và xem xét hủy bỏ toàn bộ giao dịch đã thực hiện trong ngày 1/4 nếu phát hiện các vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán.

Cuối công văn, Tập đoàn FLC khẩn thiết đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định tình hình hoạt động.

Cập nhật ngày 31/3/2022: ông Đặng Tất Thắng thay Chủ tịch Trịnh Văn Quyết vừa bị bắt tạm giam

Hội đồng Quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC) và Công ty CP hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) vừa công bố thông tin về việc thay đổi nhân sự nắm giữ vị trí chủ tịch HĐQT doanh nghiệp.

Cụ thể, FLC và Bamboo Airways cho biết theo Luật Doanh nghiệp và quy định tại điều lệ tập đoàn, trong trường hợp chủ tịch HĐQT bị tạm giam thì phó chủ tịch HĐQT giữ chức chủ tịch đến khi có quyết định mới của HĐQT.

Vì vậy, ngày 31/3, ông Đặng Tất Thắng, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC đã chính thức đảm nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT FLC và Bamboo Airways cho đến khi có quyết định mới nhất của Đại hội đồng cổ đông và HĐQT công ty.

Dự kiến, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông gần nhất, các cổ đông FLC cùng Bamboo Airways sẽ xem xét bầu bổ sung, kiện toàn cơ cấu thành viên HĐQT.

Ông Đặng Tất Thắng tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Xây dựng và quản lý dự án tại Đại học Northumbria (Anh), và là nhân sự lãnh đạo quen thuộc tại FLC, Bamboo Airways.

flc-thang-1648716322.jpeg

Ông Đặng Tất Thắng (trái), Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC đã chính thức đảm nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT FLC và Bamboo Airways

Tại Bamboo Airways, ông hiện là phó chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc. Tại FLC, ông Thắng là phó tổng giám đốc kể từ năm 2014 và được bầu làm phó chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 từ tháng 4/2021.

Ông Thắng cũng là nhân sự cấp cao có kinh nghiệm trong việc điều hành, quản lý nhiều lĩnh vực quan trọng của FLC, đặc biệt là mảng hàng không và đầu tư phát triển dự án. Hiện ông vẫn tiếp tục phụ trách mảng đầu tư của FLC tại nhiều thị trường trọng điểm, với nhiều dự án đang được nghiên cứu đầu tư và xúc tiến pháp lý.

Về phía Bamboo Airways, hãng hàng không này đang khai thác mạng lưới 70 đường nội địa và quốc tế, vận chuyển gần 10 triệu lượt hành khách mỗi năm. Năm 2022, Bamboo Airways đặt mục tiêu mở rộng mạng bay lên 120 tuyến, gồm 80 đường bay nội địa và 40 đường bay quốc tế.

Đối với quyền cổ đông tương ứng với toàn bộ số cổ phần ông Trịnh Văn Quyết sở hữu tại FLC và Bamboo Airways cùng các tài sản, quyền tài sản khác, ông Quyết đã ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến, phó tổng giám đốc tập đoàn.

Cập nhật ngày 29/3/2022: Bắt tạm giam Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết

Ngày 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT, các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC.

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/01/2022

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) tiến hành điều tra, xác minh đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hành vi trên của Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC đã đủ yếu tố cấu thành tội "Thao túng thị trường chứng khoán", quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự. Bước đầu, ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT, các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết. Đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan.

Các Quyết định, Lệnh tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) phê chuẩn theo quy định pháp luật.

 

Cập nhật ngày 28/3/2022: Tài sản Chủ tịch Trịnh Văn Quyết giảm sâu sau khi bị tạm hoãn xuất cảnh

Kết phiên 28/3, mã FLC chỉ giao dịch được 5,1 triệu cổ phiếu tại giá sàn 13.600 đồng. Trong phiên đóng cửa, mã chứng khoán này có đến 93 triệu đơn vị bán sàn (34,2 triệu bán ATC và 58,6 triệu đặt giá sàn).

Tương tự cổ phiếu FLC Faros (ROS) lao về giá sàn 8.770 đồng với tổng cộng hơn 86 triệu đơn vị vẫn còn bán sàn (26,5 triệu bán ATC và 59,6 triệu đặt giá sàn).

KLF của Đầu tư thương mại và Xuất nhập khẩu CFS rơi về 6.400 đồng với tổng cộng 21 triệu cổ phiếu bán sàn. Cổ phiếu AMD của Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone bị bán sàn tại 6.650 đồng với gần 12,9 triệu chất sàn.

 

Cổ phiếu Nông dược H.A.I (HAI) rơi về 6.320 đồng và còn hơn 12,9 triệu đơn vị bán sàn. Mã ART của Chứng khoán BOS giảm về 10.300 đồng với hơn 7,8 triệu đơn vị bán sàn. Chỉ có GAB của Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC chưa có giao dịch.

Chỉ tính riêng phiên đầu tuần, nhóm cổ phiếu FLC có chưa đến 25 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Trong khi đó nhà đầu tư vẫn đang cố gắng thoát vị thế với nhóm FLC khi có trên 230 triệu cổ phiếu chất bán sàn, mức kỷ lục trên thị trường.

Đà lao dốc trên khiến cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu trong tài khoản chịu thiệt hại nặng, trong đó có ông Trịnh Văn Quyết với lượng cổ phiếu đang nắm giữ khá lớn.

Doanh nhân gốc Vĩnh Phúc làm Chủ tịch FLC từ năm 2010 đến nay và là cổ đông lớn nhất sở hữu 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 30,34% vốn của tập đoàn.

Hiện giá trị thị trường của lượng cổ phiếu FLC mà ông Quyết đang nắm giữ chỉ còn hơn 2.929 tỷ đồng, tức mất hơn 215 tỷ so với ngày hôm trước.

Một khoản đầu tư lớn khác là tại mã GAB của công ty Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC. Mã chứng khoán này thông thường ít giao dịch nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi các đợt khủng hoảng.

Thị giá GAB hiện vẫn duy trì tại mức 196.400 đồng.Cá nhân ông Quyết là đang là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 7,6 triệu cổ phiếu GAB (tương đương 51,1% vốn). Giá trị thị trường của khối cổ phiếu này là hơn 1.495 tỷ đồng.

Ông Quyết còn đang nắm giữ trực tiếp gần 3,2 triệu cổ phiếu ART. Với thị giá rơi về 10.500 đồng thì lượng cổ phần này chỉ còn giá trị 32 tỷ đồng.

Tại FLC Faros (ROS), ông Quyết đã từ chức Chủ tịch HĐQT tại công ty này từ tháng 5/2017 và liên tục bán hơn 267 triệu cổ phiếu ROS để không còn là cổ đông lớn và người nội bộ, do đó đã không còn diện phải công bố thông tin.

Theo báo cáo đến 31/12/2020, Chủ tịch FLC sở hữu 23,7 triệu cổ phiếu ROS, tương ứng 4,17% vốn. Giả sử ông Quyết giữ nguyên tỷ lệ sở hữu này đến hôm nay thì số cổ phiếu ROS trên có giá trị 208 tỷ đồng.

Như vậy tổng giá trị cổ phiếu mà Chủ tịch FLC đang nắm giữ ở các công ty trên sàn chứng khoán là khoảng 4.664 tỷ đồng. Con số này khiến vị đại gia rơi khỏi top 40 người giàu nhất sàn chứng khoán, tương đương

So với thời kỳ hoàng kim thì khối cổ phiếu này còn rất nhỏ. Vào năm 2017, ông Quyết từng nắm giữ lượng cổ phiếu trên sàn chứng khoán có quy mô trên 58.850 tỷ đồng (2 tỷ USD), tăng hơn 25.000 tỷ so với năm 2016.

Con số này giúp Chủ tịch FLC khi đó từng giành được vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên kể từ năm 2018 thì tài sản vị đại gia này rơi liên tục do giá cổ phiếu lao dốc và bán để giảm tỷ lệ sở hữu.

Ông Quyết còn được biết nắm giữ cổ phần tại một số công ty đại chúng khác cũng như hàng loạt bất động sản lớn.

Trong đó đáng kể có việc sở hữu 56,5% vốn hãng hàng không Bamboo Airways tại ngày 1/6/2021 và 52,49% vốn của FLC Homes tại cuối năm 2020.

Tháng 9/2021, Bamboo Airways tăng vốn điều lệ lên 18.500 tỷ đồng, tương ứng với 1,85 tỷ cổ phần lưu hành. Lãnh đạo Bamboo Airways nhiều lần nhắc đến kế hoạch IPO với giá không thấp hơn 60.000 đồng/cổ phiếu, ngang mức vốn hóa tạm tính là 111.000 tỷ đồng (tương ứng gần 5 tỷ USD).

Còn FLC Homes hiện có vốn điều lệ 4.160 tỷ đồng. Công ty có kế hoạch đăng ký giao dịch trên UPCoM với giá ban đầu 35.000 đồng/cổ phiếu.

Hay trong báo cáo tài chính năm 2018, ông Quyết và vợ (bà Lê Thị Ngọc Diệp) từng dùng 5 biệt thự tại khu đô thị mới Mỹ Đình II (TP Hà Nội) để bảo đảm cho khoản vay của Tập đoàn FLC. Các biệt thự này bao gồm B12-BT6, B28-BT1A, B30-BT6, B3-BT6, B32-BT6 với mức định giá 95 tỷ đồng cho các khoản vay.

Cập nhật ngày 28/3/2022: Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị tạm hoãn xuất cảnh một tháng

Ngày 28-3, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC.

Cơ quan điều tra ban hành quyết định trên từ ngày 26-3, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trịnh Văn Quyết là một tháng.

Cơ quan chức năng cũng đã mời ông Quyết lên để làm việc xác minh một số nội dung.

Tối qua (27-3) và sáng nay, trên một số trang mạng, diễn đàn lan truyền thông tin cho rằng chủ tịch FLC bị bắt tạm giam. Tuy nhiên, ông Quyết không bị tạm giam, các tin đồn liên quan về việc chủ tịch FLC bị bắt tạm giam, khởi tố là tin đồn thất thiệt.

Đến nay cơ quan điều tra chưa có bất cứ quyết định tố tụng nào liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết.

Trước đó, vào tháng 1-2022, hành vi "bán chui" cổ phiếu của chủ tịch Tập đoàn FLC đã từng gây rúng động dư luận và làm chao đảo thị trường chứng khoán.

Cụ thể, sau nhiều ngày cổ phiếu FLC được "đánh lên" với giá rất cao thì ngày 10-1, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.

Đáng chú ý, chỉ trong một phiên giao dịch, có tới gần 135 triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh, cao bất thường. Trong khi lâu nay mỗi ngày cổ phiếu FLC chỉ giao dịch khối lượng trung bình 15-40 triệu cổ phiếu.

Cũng trong phiên này, nhiều nhà đầu tư mới vừa "đua lệnh" mua cổ phiếu FLC giá trần vào buổi sáng, đến chiều bị giảm sàn.

Sau khi sự việc người đứng đầu Tập đoàn FLC "bán chui" cổ phiếu, thị trường chứng khoán chao đảo, nhà đầu tư liên tục bán tháo cổ phiếu FLC và các cổ phiếu liên quan đến ông Quyết, đồng thời hàng chục mã cổ phiếu khác cũng bị vạ lây.

Ngay say đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có văn bản chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10-1 của ông Trịnh Văn Quyết, nhiều nhà đầu tư được hoàn lại tiền đã mua.

Ngày 18-1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt hành chính ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỉ đồng, mức cao nhất theo quy định.

Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.

Cập nhật ngày 26/3/2022: FLC bị phạt 495 triệu, không lâu sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị phạt 1,5 tỷ

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC) vì công bố thông tin không đúng quy định trong giai đoạn năm 2018-2021.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 24/3/2020 đến 13/5/2021, cơ quan quản lý chứng khoán cho biết một số nghị quyết HĐQT của doanh nghiệp này đã không được công bố thông tin theo đúng quy định trên hệ thống của Ủy ban Chứng khoán (hệ thống IDS Plus) và trang thông tin điện tử của Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Cùng với đó, công ty cũng không công bố đúng thời hạn với các tài liệu báo cáo tài chính riêng, hợp nhất kiểm toán năm 2019, bán niên 2020, quý III/2020 và giải trình chênh lệch kết quả sản xuất kinh doanh; báo cáo về việc từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Lê Thành Vinh; nghị quyết HĐQT về việc bổ nhiệm bà Lê Thị Trúc Quỳnh giữ chức vụ phó tổng giám đốc; nghị quyết HĐQT về việc thông qua việc góp vốn và thay đổi tỷ lệ sở hữu vốn tại Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).

Với vi phạm kể trên, FLC bị phạt tiền 100 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán cũng phạt 200 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin với việc tập đoàn này công bố thông tin sai lệch trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 và bán niên 2021; các giao dịch với bên liên quan tại báo cáo tình hình quản trị năm 2020 và 2021. Trong đó, báo cáo tài chính này đã không trình bày số liệu chênh lệch đánh giá tăng tài sản vào thu nhập khác với số dư 70,13 tỷ đồng do công ty góp vốn bằng quyền tài sản là khách sạn Grand Sầm Sơn vào Bamboo Airways.

Ngoài ra, FLC cũng bị xử phạt 70 triệu đồng do công bố thông tin không đầy đủ trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 do thuyết minh thiếu giao dịch, số dư với Công ty CP Nông dược H.A.I; Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone và Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS là các bên liên quan.

Cùng với đó là khoản tiền phạt 125 triệu đồng do không đảm bảo đủ số lượng thành viên HĐQT độc lập theo quy định.

Các vi phạm kể trên thuộc nhóm vi phạm hành chính và công ty phải khắc phục hậu quả thông qua việc công bố thông tin, cải chính thông tin, bầu bổ sung thành viên HĐQT độc lập theo đúng quy định tại ĐHĐCĐ gần nhất...

Cùng ngày, đại diện FLC cho biết sau khi nhận được quyết định xử phạt, tập đoàn đã chấp hành và thực hiện đầy đủ nội dung xử phạt, đồng thời hoàn thành khắc phục các vấn đề liên quan đến công bố bổ sung, cải chính thông tin theo hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán.

Về việc bầu bổ sung thành viên HĐQT độc lập, công ty dự kiến tiến hành trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông sắp tới.

Cập nhật ngày 18/1/2022: Đã phạt nặng ông Trịnh Văn Quyết FLC vì gian lận chứng khoán

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.

Cụ thể, ông Trịnh Văn Quyết bị phạt tiền 1,5 tỷ đồng, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 5, điểm h khoản 5 Điều 33 Nghị định 156/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Trong đó, mức xử phạt trên áp dụng cho hành vi ông Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào phiên 10/1 mà không báo cáo về việc dự kiến giao dịch, không công bố thông tin.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung với ông Trịnh Văn Quyết là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng, theo quy định tại Nghị định số 156/2020.

Ngoài ra, cơ quan quản lý chứng khoán còn cho biết đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý vụ việc.

Trước đó, Ủy ban Chứng khoán đã có quyết định phong tỏa tài khoản giao dịch chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết sau khi xác định cá nhân này bán chui gần 74,8 triệu cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 10/1.

Số cổ phiếu này được ông Quyết thực hiện bán thông qua các giao dịch khớp lệnh trên sàn nhưng không công bố thông tin theo quy định.

Cơ quan quản lý sau đó cũng ra quyết định hủy bỏ toàn bộ giao dịch bán của chủ tịch Tập đoàn FLC và buộc thu hồi số chứng khoán ông Quyết đã bán ra, trả lại tiền cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu FLC từ ông Quyết.

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán cho biết đây là biện pháp chưa từng có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo sự minh bạch và lành mạnh của thị trường, cơ quan quản lý và các cơ quan liên quan đã khai triển nhiều giải pháp đưa ra quyết định như trên.

Trên thị trường chứng khoán, kể từ khi giao dịch bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Quyết bị Ủy ban Chứng khoán xác định, cổ phiếu này đã lao dốc 6 phiên liên tiếp, với 5 phiên giảm sàn kịch biên độ.

Từ giá đỉnh 24.150 đồng/cổ phiếu vào sáng ngày 10/1, thị giá FLC đã giảm một mạch về 13.950 đồng hiện tại, tương đương mức giảm ròng 42%. Thậm chí, cổ phiếu này còn rơi vào trạng thái mất thanh khoản khi 4 phiên gần nhất chỉ có vài trăm nghìn cổ phiếu được khớp lệnh giao dịch.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với nhóm cổ phiếu họ FLC khác như AMD; ROS; HAI; ART, KLF. Các cổ phiếu này đều đang trải qua 6-7 phiên giảm sàn liên tiếp và thanh khoản bình quân phiên giảm hơn 95% so với trước đó.

Cập nhật ngày 11/1/2022: Đã phong tỏa, dừng giao dịch các tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết FLC

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, từ ngày 11-1 cho đến khi có quyết định thay thế.

Theo quyết định, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giao Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết từ ngày 11-1.

Các công ty chứng khoán cũng được yêu cầu dừng toàn bộ các giao dịch trên các tài khoản của ông Quyết từ ngày 11-1. 

Cơ sở để ra quyết định này là theo quy định tại nghị định 155/2020, khi cần xác minh tình tiết làm căn cứ để ban hành quyết định xử phạt, biện pháp phong tỏa tài khoản nhằm ngăn chặn cá nhân tiếp tục vi phạm.

Cũng trong ngày 11-1, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cũng công bố thông tin hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết hôm 10-1.

 

Nguyên nhân khiến cơ quan chức năng có động thái trên là do ông Trịnh Văn Quyết đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10-1 mà không báo cáo, không công bố thông tin theo đúng quy định.

Ông Trịnh Văn Quyết đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC để giảm tỉ lệ sở hữu từ 30,34% xống còn 5,7%. Văn bản thông báo đề ngày 5-1 nhưng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết chỉ nhận được báo cáo dự kiến giao dịch vào cuối buổi chiều 10-1. Trong 5 ngày này, website của Tập đoàn FLC hay HoSE - nơi FLC niêm yết - đều không đăng thông tin.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định không chỉ bị hủy bán toàn bộ số cổ phiếu FLC hôm 10-1, ông Trịnh Văn Quyết còn bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền tối đa và còn có thể bị chế tài bổ sung.   

Thông tin giao dịch bất ngờ đã khiến cổ phiếu FLC và các mã liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục bị bán tháo trong phiên hôm 11-1 sau khi có thông tin ông này bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC. Mã cổ phiếu FLC liên tục nằm sàn mức 19.100 đồng. Khối lượng giao dịch lại phá kỷ lục với 154,95 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.

Không chỉ FLC mà các mã "họ FLC" như ROS, ART, AMD, KLF và HAI đều khớp lệnh bán mức giá sàn. 

Cập nhật ngày 10/1/2022: Có thể thu hồi chứng khoán ông Trịnh Văn Quyết đã 'bán chui', trả lại tiền cho nhà đầu tư

Theo luật sư Trương Thanh Đức, giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, việc chủ tịch Tập đoàn FLC thực hiện giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu nhưng không thực hiện công bố thông tin sai phạm đã rất rõ ràng.

Theo quy định tại nghị định 156 năm 2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính tối đa 1,5 tỉ đồng, đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 1 tháng đến 12 tháng.

Quan trọng hơn, cá nhân vi phạm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Trong đó, cá nhân vi phạm phải thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu hoặc lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc. 

Cá nhân vi phạm cũng phải nộp lại số lợi bất hợp pháp hoặc khoản thu trái luật có được do thực hiện hành vi vi phạm, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Còn theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, Đoàn luật sư TP Hà Nội, về nguyên tắc, cổ phiếu của các thành viên hội đồng quản trị của một doanh nghiệp rất nhạy cảm, bởi họ nắm được thông tin của doanh nghiệp nên rất có thể dẫn tới hành vi bán để trục lợi. Vì thế việc bán cổ phiếu của các thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành doanh nghiệp theo quy định luôn đi kèm với các điều kiện như phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán. 

Việc giao dịch cổ phiếu của thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành doanh nghiệp đại chúng bị hạn chế chứ không giống cổ phiếu do các cổ đông thông thường nắm giữ. Quy định này nhằm bảo vệ các cổ đông, nhà đầu tư nhỏ lẻ. Hơn nữa, các công ty cổ phần, công ty đại chúng số lượng chủ sở hữu rất lớn, sử dụng vốn đại chúng để kinh doanh nên công khai, minh bạch là nguyên tắc tối quan trọng, luật sư Nguyễn Tiến Lập phân tích.

Vì thế, luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng vi phạm của chủ tịch Tập đoàn FLC không thể coi là vi phạm thủ tục hành chính đơn thuần được. Vi phạm bán cổ phiếu "chui" của chủ tịch FLC để lại hậu quả vật chất nên lý do sơ suất không công bố thông tin trước khi chào bán cổ phiếu FLC rất khó chấp nhận. 

Thiệt hại đã xảy ra rồi, giờ FLC làm thủ tục thông báo cũng không khắc phục được thiệt hại đã xảy ra. Vi phạm bán "chui" cổ phiếu FLC cần căn cứ quy định của Luật doanh nghiệp, điều lệ của Tập đoàn FLC để xử lý.

Còn về nguyên tắc cổ đông nắm giữ cổ phiếu, FLC có quyền khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp các thành viên trong ban điều hành tập đoàn thiếu trách nhiệm, gây thiệt hại cho các cổ đông nắm giữ cổ phiếu, luật sư Nguyễn Tiến Lập khẳng định.

Trước đó, trong đơn giải trình gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, ông Trịnh Văn Quyết - chủ tịch Tập đoàn FLC - cho hay vụ việc 'bán chui' cổ phiếu FLC được thực hiện trong thời gian ông đang đi công tác. 

Trước khi đi công tác, ông Trịnh Văn Quyết có giao cho bộ phận thư ký gửi thông báo đăng ký giao dịch bán 175 triệu cổ phiếu từ ngày 10-1 đến ngày 17-1 cho bộ phận phụ trách công bố thông tin của Công ty CP Tập đoàn FLC. Nhưng do bộ phận thư ký sơ suất trong quá trình xử lý công việc nên đã quên không gửi thông báo đăng ký giao dịch cổ phiếu FLC do ông Trịnh Văn Quyết sở hữu đúng quy định.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng. 
Anh tôi

Anh tôi

14:06 28/03/2022

Đâu lại vào đấy thôi. Anh tôi chả có tội gì cả. Có anh sàn mới vui