Ở chiều ngược lại, hai con ông Việt đều đăng ký mua thoả thuận một triệu cổ phiếu mỗi người. Hiện tại, Nhật Anh và Nhật Minh chưa sở hữu cổ phiếu HPG nào.
Nếu hai con của ông Việt mua hết số lượng cổ phiếu đăng ký, tỷ lệ sở hữu của ông này sẽ giảm xuống 0,45%. Tính theo giá chốt phiên 13/2, giao dịch này có giá trị hơn 40 tỷ đồng.
Năm ngoái, một thành viên HĐQT Hoà Phát khác là ông Nguyễn Ngọc Quang cũng đăng ký bán 5 triệu cổ phiếu HPG cho con gái. Khi đó, giao dịch chuyển nhượng này có giá trị trên 110 tỷ đồng.
Năm trước đó, 2 Phó chủ tịch Hoà Phát Trần Tuấn Dương và Nguyễn Mạnh Tuấn cũng chuyển nhượng hàng chục triệu cổ phần cho các con. Tháng 5/2021, ông Dương đăng ký bán 12 triệu cổ phiếu HPG và 3 người con của ông mỗi người mua vào 4 triệu đơn vị. Ngay sau đó, ông Tuấn cũng bán thoả thuận 12 triệu cổ phiếu Hoà Phát, chia đều cho 2 người con.
Cập nhật ngày 10/11/2022: Cổ phiếu HPG liên tục giảm sàn, Chủ tịch Trần Đình Long không còn là tỷ phú USD
Việc thị giá cổ phiếu Hòa Phát liên tục giảm sâu khiến tài sản ròng của Chủ tịch Trần Đình Long giảm từ 3,2 tỷ USD hồi đầu năm xuống còn 958 triệu USD.
Theo dữ liệu cập nhật thời gian thực của Forbes, tài sản ròng của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - ông Trần Đình Long - tính đến ngày 9/11 đã thu hẹp xuống còn 958 triệu USD. Với kết quả này, ông Long đã không còn nằm trong danh sách tỷ phú USD thế giới và rơi xuống vị trí thứ 2.454 người giàu nhất thế giới, giảm 1.503 bậc.
Như vậy, chỉ trong gần 8 tháng kể từ ngày 11/3 (thời điểm Forbes chốt số liệu tài sản dựa trên giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái), tài sản của người đứng đầu Tập đoàn Hòa Phát đã bốc hơi hơn 2,2 tỷ USD, tương đương mức giảm ròng 70%.
Đây là lần thứ hai tài sản của ông Long giảm xuống dưới 1 tỷ USD. Chủ tịch Hòa Phát từng có thời gian ngắn (khoảng 9 tháng) ghi nhận khối tài sản ròng vượt mức 1 tỷ USD vào năm 2018 trước khi bị loại khỏi danh sách này.
Biến động tài sản của ông Long chủ yếu gắn liền với giá trị cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát trên thị trường chứng khoán. Giai đoạn 11/3-9/11, cổ phiếu này giảm từ 47.600 đồng/đơn vị xuống còn 13.000 đồng, tương đương mức giảm ròng khoảng 73%.
Trong phiên giao dịch 10/11, cổ phiếu của tập đoàn ngành thép tiếp tục giảm hơn 6% và lùi xuống mức 12.200 đồng/đơn vị.
Hiện ông Long vẫn là cổ đông lớn nhất tại Hòa Phát với hơn 1,51 tỷ cổ phiếu HPG nắm giữ, tương đương 26,08% vốn. Cùng với vợ - bà Vũ Thị Hiền - và người thân, ông Long hiện liên quan tới khoảng 2,03 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương gần 35% vốn nhà sản xuất thép này.
Về kết quả kinh doanh, quý 3/2022HPG (Hoà Phát) lỗ gần 1.800 tỷ đồng.
Cập nhật ngày 3/6/2021: Con trai ông Trần Đình Long dừng mua 5 triệu cổ phiếu HPG
Ủy ban chứng khoán yêu cầu ông Trần Vũ Minh dừng mua 5 triệu cổ phiếu HPG, do cổ đông Hòa Phát chưa thông qua đủ các nội dung liên quan đến giao dịch này. Trần Vũ Minh là con trai Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long.
Uỷ ban chứng khoán yêu cầ dừng giao dịch này do Nghị quyết phiên họp thường niên năm 2021 ngày 22/4 của Hòa Phát đã thông qua việc gia đình ông Long tăng sở hữu mà không cần chào mua công khai, nhưng chưa xác định rõ đối tượng chuyển nhượng theo quy định tại Luật Chứng khoán.
Để đảm bảo quy định của Luật Chứng khoán và yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Hội đồng quản trị Hòa Phát vừa ban hành nghị quyết chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản. Nội dung nhằm xác định rõ đối tượng chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng cổ phiếu HPG liên quan đến giao dịch mua cổ phiếu của ông Minh. Thời gian xin ý kiến cổ đông dự kiến là đầu tháng 7.
Theo nội dung xin ý kiến, bên chuyển nhượng 5 triệu cổ phiếu HPG cho ông Minh là cổ đông cá nhân Nguyễn Văn Kiểu. Nếu hoàn tất giao dịch, ông Minh sẽ sở hữu 1,56% vốn điều lệ của Hòa Phát. Đồng thời, gia đình Chủ tịch Trần Đình Long sẽ nâng sở hữu lên trên 35%.
Trước đó, tại phiên họp thường niên năm 2020, Hội đồng quản trị Hòa Phát đã xin ý kiến cổ đông về việc gia đình ông Trần Đình Long tăng sở hữu mà không phải chào mua công khai.
Ông Long tại phiên họp cũng khẳng định ông và gia đình chỉ mong tăng sở hữu, không bán ra cổ phiếu HPG.
"Bản thân tôi đã cam kết sẽ không bán cổ phiếu HPG. Thực tế đã chứng minh, tôi không phải nhắc lại nhiều nữa", ông Long nói và cho rằng các cổ đông nhỏ lẻ rất sợ chủ doanh nghiệp bán cổ phần đi, ông không những không bán mà còn muốn mua thêm.
Nguồn vốn thực hiện mua cổ phiếu, theo Chủ tịch Hòa Phát, là phần cổ tức mà ông và gia đình nhận được hàng năm dựa trên sở hữu hiện tại.
Cập nhật ngày 10/5/2021: Phó Chủ tịch HPG Trần Tuấn Dương bán 12 triệu cổ phiếu cho các con
Cùng thời gian này, ba người con của ông Dương là Trần Ngọc Diệp, Trần Bảo Ngọc và Trần Gia Bảo đăng ký mua vào mỗi người 4 triệu cổ phiếu HPG. Tổng lượng giao dịch bằng số lượng cổ phiếu ông Dương đăng ký bán ra. Các giao dịch cùng chung mục đích là tăng tỷ lệ sở hữu tại Hòa Phát.
Ông Dương đăng ký bán 12 triệu cổ phiếu HPG từ 13/5 đến 11/6 qua khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Tính theo mức thị giá chốt phiên gần nhất của cổ phiếu HPG, quy mô đợt giao dịch của lãnh đạo doanh nghiệp này đạt hơn 750 tỷ đồng.
Ông Trần Tuấn Dương vừa rời khỏi vị trí CEO của Hòa Phát sau 14 năm đảm nhiệm. Hiện tại, ông giữ vị trí Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, cùng Chủ tịch Trần Đình Long tập trung nghiên cứu định hướng chiến lược phát triển Hòa Phát trong 20-30 năm tới. Ngoài ra, ông cũng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Gang Thép Hòa Phát, chịu trách nhiệm toàn bộ mảng sản xuất và kinh doanh thép của tập đoàn này.
Cập nhật ngày 4/4/2022: Dragon Capital bán ra hơn 46 triệu cổ phiếu
Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) do Dragon Capital quản lý đã thông báo bán tiếp 1,5 triệu cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vào ngày 29/3.
Giao dịch này khiến tổng sở hữu của nhóm quỹ Dragon Capital giảm từ 224 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,01%) trước giao dịch xuống còn 222,6 triệu cổ phiếu (4,98%). Theo đó quỹ ngoại lớn nhất tại Việt Nam đã không còn là cổ đông lớn của Tập đoàn Hòa Phát.
Đây là hành động thoái vốn liên tục của Dragon Capital bởi trước tháng 12/20221 thì quỹ đầu tư trên vẫn còn nắm giữ 268,6 triệu cổ phiếu HPG, tương đương hơn 6% vốn của Hòa Phát.
Như vậy, chỉ trong khoảng 4 tháng vừa qua, nhóm nhà đầu tư này đã bán hơn 46 triệu cổ phiếu HPG. Đây là giai đoạn cổ phiếu biến động khoảng 40.000-50.000 đồng, tạm tính Dragon Capital đã thu về số tiền khoảng 1.800-2.300 tỷ đồng.
Hành động thoái vốn khối lượng lớn của quỹ đầu tư này cũng khiến HPG trở thành một trong các cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng lớn nhất. Khối ngoại đã bán ròng tổng cộng gần 75 triệu cổ phiếu HPG, tương ứng giá trị hơn 3.400 tỷ đồng kể từ đầu năm 2022 đến nay.
Tính đến hết phiên giao dịch 1/4, thị giá HPG đạt mức 45.700 đồng, giảm 21% so với vùng đỉnh lịch sử hồi cuối tháng 10/2021. Theo đó khối cổ phần mà Dragon Capital còn nắm giữ có giá trị thị trường trên 10.000 tỷ đồng.
Gần đây cổ đông Hòa Phát đã gửi nhiều đề xuất đến ban lãnh đạo tập đoàn về việc cân nhắc mua cổ phiếu quỹ khi giá cổ phiếu dao động về mức thấp, trong khi doanh nghiệp có nguồn tiền mặt dồi dào.
Tuy nhiên đại diện Hòa Phát khẳng định không có chủ trương mua cổ phiếu quỹ cho rằng do quy định đã có thay đổi, buộc phải giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị tính theo mệnh giá số cổ phiếu mua lại. Điều này sẽ làm mất cân đối vốn và không tương xứng với quy mô tập đoàn hiện tại.
Bên cạnh đó điều này còn vi phạm cam kết với các tổ chức, định chế tài chính đang cấp tín dụng cho Hòa Phát. Khi Hòa Phát vay tiền đã cam kết không giảm vốn điều lệ và sẽ thông báo với ngân hàng khi có thay đổi.
Hòa Phát có 22.471 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, 18.236 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Song, tập đoàn cũng vay ngắn hạn 43.747 tỷ đồng và vay dài hạn 13.465 tỷ đồng.
Theo báo cáo kinh doanh 2 tháng đầu năm, tập đoàn công nghiệp này sản xuất 1,4 triệu tấn thép thô, tăng 8% so với cùng kỳ. Bán hàng thép xây dựng, phôi thép, thép cuộn cán nóng đạt 1,34 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ. Con số này chưa bao gồm gần 200.000 tấn ống thép và tôn mạ Hòa Phát đã cung ứng cho thị trường.
Năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát hiện đạt trên 8 triệu tấn/năm, tức khoảng 700.000 tấn/tháng. Trong đó riêng Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất chiếm sản lượng 5,6 triệu tấn/năm (bao gồm 2,6 triệu tấn phôi thép và 3 triệu tấn HRC/năm).
Cập nhật ngày 19/8/2021: Ông Trần Đình Long và gia đình sở hữu gần 3,5 tỷ USD cổ phiếu HPG (Hòa Phát)
Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa có báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của người có liên quan người nội bộ doanh nghiệp là ông Trần Vũ Minh (con trai ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT).
Cụ thể, Hòa Phát cho biết ông Minh đã hoàn tất mua vào 5 triệu cổ phiếu HPG theo giao dịch thỏa thuận trong ngày 18/8. Đây là số lượng cổ phiếu mà con trai ông Trần Đình Long đăng ký mua vào trước đó từ cổ đông cá nhân Nguyễn Văn Kiểu.
Theo dữ liệu giao dịch trong ngày 18/8, cổ phiếu HPG ghi nhận 5,15 triệu đơn vị được giao dịch qua phương pháp thỏa thuận với giá trị 241,73 tỷ đồng. Ước tính, thiếu gia nhà ông Trần Đình Long đã chi khoảng 235 tỷ cho giao dịch trên, tương đương gần 47.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn thị giá của HPG giao dịch cùng ngày 7%.
Sau giao dịch trên, ông Minh hiện sở hữu 69,8 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 1,56% vốn nhà sản xuất thép này.
Đặc biệt, với việc thành viên trong gia đình mua vào thành công 5 triệu cổ phiếu HPG, hiện tổng tỷ lệ sở hữu của ông Long và các thành viên gia đình đã vượt mức 35% tại Hòa Phát.
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020, một số nghị quyết như thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh; thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty; dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên… phải được thông qua bởi 65% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Như vậy, cổ đông hoặc nhóm cổ đông nào sở hữu trên 35% vốn điều lệ sẽ có quyền phủ quyết với các nội dung trên.
Hiện tại, ông Trần Đình Long vẫn là cổ đông lớn nhất tại Hòa Phát với 1,166 tỷ cổ phiếu, tương đương 26,08% vốn điều lệ công ty.
Ngoài ra, bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Long) cũng đang nắm 328,1 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 7,34%.
Gia đình ông Long còn sở hữu 2,1 triệu cổ phiếu HPG, thông qua Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Đại Phong, nơi ông Trần Vũ Minh là giám đốc.
Như vậy, tổng sở hữu của gia đình ông Long tại Hòa Phát hiện đã ở mức trên 1,566 tỷ cổ phiếu, tương đương 35,02% vốn doanh nghiệp.
Nếu tính theo giá thị trường hiện tại của cổ phiếu HPG (50.700 đồng/đơn vị), khối tài sản của gia đình ông Long nắm giữ quy đổi qua lượng cổ phiếu HPG hiện lên tới hơn 79.400 tỷ đồng, tương đương trên 3,46 tỷ USD quy đổi theo tỷ giá cùng ngày.
Theo thống kê của Tạp chí Forbes, ông Trần Đình Long cũng đang là người giàu thứ 3 tại Việt Nam và xếp thứ 1.444 thế giới với khối tài sản ròng 2,2 tỷ USD.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG)
Hòa Phát là Tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Việt Nam. Khởi đầu từ một Công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8/1992, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực khác như Nội thất, ống thép, thép xây dựng, điện lạnh, bất động sản và nông nghiệp. Ngày 15/11/2007, Hòa Phát chính thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán HPG.
Hiện nay, Tập đoàn hoạt động trong 05 lĩnh vực: Gang thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng) - Sản phẩm thép (gồm Ống thép, tôn mạ, thép rút dây, thép dự ứng lực) - Nông nghiệp - Bất động sản – Điện máy gia dụng. Sản xuất thép là lĩnh vực cốt lõi chiếm tỷ trọng 90% doanh thu và lợi nhuận toàn Tập đoàn. Với công suất 8 triệu tấn thép thô/năm, Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Tập đoàn Hòa Phát giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép và thịt bò Úc. Hiện nay, Tập đoàn Hòa Phát nằm trong Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, Top 10 DN lợi nhuận tốt nhất, Top 5 DN niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Vốn hóa thị trường của HPG đạt 11 tỷ đô la Mỹ, nằm trong top 15 công ty thép có mức vốn hóa lớn nhất trong ngành thép thế giới.
Với triết lý kinh doanh “Hòa hợp cùng phát triển”, Hòa Phát dành ngân sách hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với cộng đồng.