Lũy kế cả năm, công ty của "vua thép" Trần Đình Long có doanh thu hơn 120.000 tỷ đồng, giảm 16% so với năm 2022. Hòa Phát lãi sau thuế khoảng 6.800 tỷ đồng, tương đương hoàn thành 85% kế hoạch. Đây cũng là mức lãi thấp với vua thép từ năm 2017 đến nay.
Năm 2023, Hòa Phát đã sản xuất 6,7 triệu tấn thép thô, giảm 10% so với năm 2022. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 6,72 triệu tấn, giảm 7%.
Về sản phẩm ống thép, Hòa Phát đã cung cấp 685.000 tấn cho thị trường, giảm 9% so với năm 2022. Tôn mạ các loại đạt tương đương năm trước đó với 329.000 tấn.
Trong năm ngoái, hoạt động của công ty này cũng có một số điểm sáng như cung cấp vỏ container ra thị trường từ đầu tháng 8. Hòa Phát cũng đã đưa bến đầu tiên của cảng tổng hợp container tại Dung Quất (Quảng Ngãi) đi vào hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu bốc xếp hàng hóa của các doanh nghiệp tại khu kinh tế Dung Quất và các vùng lân cận.
Với mảng nông nghiệp, công ty này đã tối ưu quy mô, hiệu quả đầu tư các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại chăn nuôi heo, bò, gà trên cả nước với mục tiêu duy trì vị thế, thị phần trong nhóm dẫn đầu về trứng gà sạch, heo thương phẩm cung cấp ra thị trường. Trong đó, lĩnh vực gia cầm của Hòa Phát lần đầu vượt sản lượng 300 triệu trứng.
Tập đoàn này cho biết thời gian tới, thị trường có khởi sắc nhưng chưa rõ nét do kinh tế trong và ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Hòa Phát ưu tiên quản trị tốt dòng tiền, hàng tồn kho, sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thị trường.
Công ty cũng sẽ bám sát tiến độ đầu tư các dự án lớn, nhất là khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2. Hiện nay, dự án đã đạt 45% tiến độ, đúng kế hoạch đề ra. Sau khi dự án này hoàn thành, năng lực sản xuất thép của tập đoàn sẽ đạt hơn 14 triệu tấn thô mỗi năm, đưa Hòa Phát vào top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025.
Cập nhật quý 3/2023: Lợi nhuận tăng mạnh
Tập đoàn Hòa Phát vừa công bố kết quả kinh doanh quý III, với doanh thu gần 28.800 tỷ đồng, giảm 16%. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ gần 1.800 tỷ của cùng kỳ năm ngoái và tăng 38% so với quý II năm nay.
Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đạt 85.430 tỷ đồng doanh thu, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 3.830 tỷ đồng, giảm hơn 60% và tương đương 48% kế hoạch năm. Đà tăng trưởng trong quý III cho thấy sự khởi sắc hơn về kinh doanh của "vua thép", tuy nhiên mức lợi nhuận 9 tháng vẫn thấp nhất kể từ 2016.
Theo Hòa Phát, mặt bằng giá nguyên liệu ở quý III giữ mức ổn định trong khi sản lượng bán hàng cải thiện dần qua từng quý. Doanh số các sản phẩm thép quý III tăng 12% so với quý II và 24% so với quý đầu năm. Bên cạnh đó, việc duy trì quản trị hàng tồn kho mức thấp giúp biên lợi nhuận quý vừa qua được cải thiện.
Lũy kế 9 tháng, "vua thép" sản xuất 4,8 triệu tấn thép thô, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán hàng thép các loại (chưa bao gồm sản phẩm ống thép, tôn mạ) đạt 4,6 triệu tấn, giảm 19%.
Thép xây dựng, thép chất lượng cao của Hòa Phát ghi nhận 2,57 triệu tấn trong 9 tháng, giảm 25%. Trong đó thị trường xuất khẩu đóng góp gần 490.000 tấn. Sản phẩm HRC đạt gần 2 triệu tấn, giảm 3%. Ngoài ra, Hòa Phát còn cung cấp cho thị trường 488.000 tấn ống thép, 240.000 tấn tôn mạ các loại.
Cũng theo Hòa Phát, tính tới quý III, doanh nghiệp này tiếp tục dẫn đầu thị phần thép xây dựng, ống thép tại Việt Nam, lần lượt là 33,3% và 27,3% thị phần toàn thị trường.
Hòa Phát bắt đầu cung cấp sản phẩm vỏ container ra thị trường từ đầu tháng 8. Cũng trong tháng này, tập đoàn đã đưa bến đầu tiên của cảng tổng hợp container tại Dung Quất (Quảng Ngãi) đi vào hoạt động.
Với điện máy gia dụng, tập đoàn này cho ra đời các sản phẩm mới như tủ đông cỡ lớn, máy giặt, cây nước hút bình, các dòng máy lọc nước. Đối với mảng nông nghiệp, Hòa Phát tối ưu quy mô, hiệu quả đầu tư các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại chăn nuôi. Hòa Phát cũng tiếp tục đầu tư mở rộng các khu công nghiệp hiện có tại Hưng Yên và Hà Nam.
Đánh giá về triển vọng thị trường, Hòa Phát cho biết thị trường có thể tốt dần lên nhưng chưa nhiều do kinh tế trong và ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn. Tập đoàn ưu tiên quản trị tốt hàng tồn kho, điều tiết sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình. Đồng thời, Hòa Phát cho biết sẽ bám sát tiến độ đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2.
Kết quả kinh doanh HPG (Hoà Phát): quý 2/2023 doanh thu tiếp tục đi xuống, lợi nhuận giảm 64%
Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã CK: HPG) vừa thông tin kết quả kinh doanh sơ bộ quý 2-2023.
Trong kỳ này, HPG đạt doanh thu 29.800 tỉ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 1.448 tỉ đồng, giảm 64%.
Mặc dù đi xuống so với cùng kỳ năm 2022, song lợi nhuận trong quý 2 năm nay của HPG vẫn gấp 3,7 lần so với kết quả quý liền trước.
Từ mức lãi "khủng" 10.351 tỉ đồng đạt được trong quý 3-2021, kết quả kinh doanh của HPG dần dần đi xuống khi nhu cầu thị trường thép lao dốc. Tới quý 3 và 4 - 2022, lỗ lần lượt 1.786 tỉ và gần 2.000 tỉ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, HPG ghi nhận 56.665 tỉ đồng doanh thu, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế hơn 1.830 tỉ đồng, giảm 85%.
Lãnh đạo Hòa Phát cho biết, trong bối cảnh nhu cầu thị trường trong và ngoài nước còn yếu, Hòa Phát sản xuất 2,86 triệu tấn thép thô, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 2,9 triệu tấn, giảm 27% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Trong đó, thép xây dựng đạt hơn 1,6 triệu tấn, giảm 30%. Không chỉ thép xây dựng, các loại thép khác lượng bán ra cũng giảm. Tính riêng thép dự ứng lực các loại (PC Bar, PC Strand, PC Wire) còn giảm 37%.
Kết quả kinh doanh HPG (Hoà Phát) quý 1/2023: lợi nhuận 383 tỷ đồng
Quý I/2023, Tập đoàn Hòa Phát (HPG - sàn HOSE) đạt doanh thu 26.865 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ 2022; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 383 tỷ đồng, hoàn thành 5% so với kế hoạch năm 2023.
Trong đó, lĩnh vực sản xuất thép và sản phẩm liên quan vẫn là chủ lực và đóng góp 94% lợi nhuận sau thuế toàn Tập đoàn.
Trong bối cảnh sức cầu chưa được cải thiện, kết quả trên cho thấy bức tranh sản xuất kinh doanh của Hòa Phát đã tích cực hơn khi so sánh với hai quý cuối năm 2022. Việc quản trị hàng tồn kho, nguyên liệu và bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường đã phát huy hiệu quả.
Lũy kế quý I/2023, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 1,2 triệu tấn thép thô, giảm 42% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt 1,37 triệu tấn, giảm 37% so với 3 tháng đầu năm ngoái.
Trong quý đầu năm, thép xây dựng đạt 869.000 tấn, giảm 35%. Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu thị phần thép xây dựng với 34%. Bán hàng thép cuộn cán nóng đạt 482.000 tấn, tương đương trên 60% so với cùng kỳ năm trước. Hòa Phát cũng cung cấp trên 26.000 tấn phôi thép cho các nhà máy cán thép khác của Việt Nam.
Bên cạnh thị trường trong nước, Tập đoàn đã xuất khẩu thép xây dựng tới gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ khắp thế giới. HRC của Hòa Phát nhận được nhiều đơn đặt hàng từ khu vực châu Á, châu Âu.
Sản phẩm ống thép, tôn mạ đã cung cấp cho thị trường trong 3 tháng vừa qua lần lượt là 160.000 tấn và 69.000 tấn, tương ứng giảm 23% và 34% so với 3 tháng đầu năm 2022. Thị phần ống thép Hòa Phát lớn nhất cả nước, trong khi đó sản phẩm tôn mạ nằm trong Top 5.
Kết quả kinh doanh HPG (Hoà Phát) quý 4/2022: lỗ tiếp tục tăng mạnh
Quý 4/2022, Tập đoàn Hòa Phát đạt doanh thu 26 nghìn tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế âm gần 2 nghìn tỷ đồng, tiếp tục tăng so với quý 3 trước đó.
Lũy kế cả năm 2022, Hòa Phát đạt doanh thu 142 nghìn tỷ đồng, giảm 5% so 2021. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt hơn 8.400 tỷ đồng, chỉ bằng 24% so với năm 2021.
Năm 2022, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường 7,2 triệu tấn thép, giảm 7% so với năm 2021, bao gồm phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC).
Đóng góp chính vào sản lượng bán hàng là thép xây dựng và HRC. Thép xây dựng ghi nhận 4,2 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ và đóng góp 59% trong tổng sản lượng thép các loại. Trong đó xuất khẩu đóng góp gần 1,2 triệu tấn. Thị phần trong nước tiếp tục được củng cố ở vị trí dẫn đầu với gần 35%.
Sản phẩm Ống thép của Hòa Phát cũng ghi nhận mức tăng sản lượng khoảng 11% so với năm 2021. Thị phần dẫn đầu cả nước với 28,5%.
Doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát giảm mạnh trong những quý cuối của năm 2022 do nhu cầu thép suy yếu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu kém tích cực.
Kết quả kinh doanh HPG (Hoà Phát) quý 3/2022: lỗ gần 1.800 tỷ đồng
Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát lần đầu báo lỗ sau 13 năm khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý III âm 1.786 tỷ đồng.
Trong quý III, Hoà Phát cho biết đạt doanh thu hơn 34.440 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái và gần 8% so với quý trước đó. Doanh thu của đại gia thép này đã liên tục đi xuống sau khi đạt đỉnh vào quý IV năm ngoái.
Lợi nhuận sau thuế của tập đoàn âm 1.786 tỷ đồng quý III. Đây là lần đầu tiên Hoà Phát báo lỗ (tính theo quý) sau hơn 13 năm. Lần gần nhất doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận một quý âm là cuối năm 2008.
Theo lý giải của Hoà Phát, kết quả kinh doanh trên do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, cùng với đó, giá nguyên vật liệu, đặc biệt là giá than cao gấp 3 lần thời điểm bình thường. Tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh cũng ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của công ty.
Sau giai đoạn thăng hoa, lợi nhuận của Hoà Phát cũng bắt đầu giảm mạnh từ quý II. Tại phiên họp thường niên từ hồi tháng 5, Chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long đã cho biết ngành thép không thuận lợi và diễn biến này có thể phản ánh vào kết quả kinh doanh.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu, lợi nhuận của Hoà Phát lần lượt đạt gần 116.600 tỷ (thép đóng góp 90%) và hơn 10.440 tỷ đồng. Các con số này tương đương 76% và 39% kế hoạch cả năm nay.
Hoà Phát cho biết tính chung 9 tháng đầu năm, mảng nông nghiệp đã có lãi trở lại. Tính riêng quý III, doanh thu từ nông nghiệp tăng 10% và lợi nhuận tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021.
Kết quả kinh doanh HPG (Hoà Phát) quý 2/2022: thê thảm đúng như Chủ tịch Trần Đình Long đã doạ
Theo đó, doanh nghiệp đừng đầu thị phần thép xây dựng đạt doanh thu 37.714 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 4.000 tỷ, giảm gần 60% so với quý II/2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đạt 82.118 tỷ đồng doanh thu và 12.229 tỷ lợi nhuận sau thuế, giảm 27% so với cùng giai đoạn năm trước và hoàn thành 46% kế hoạch năm.
Chia sẻ tại phiên họp thường niên năm nay, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát, cho biết ngành thép hiện tại không thuận lợi và diễn biến này có thể phản ánh vào kết quả kinh doanh. "Khi có kết quả kinh doanh quý II, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào", ông Long nói tại phiên họp thường niên tổ chức cuối tháng 5.
Theo Hòa Phát, trong quý II, mặc dù thị trường nguyên liệu trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tập đoàn vẫn duy trì sản xuất, đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Sản lượng bán hàng phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng quý II đạt 1,8 triệu tấn, trong đó có gần 380.000 tấn thép xây dựng xuất khẩu. Tiêu thụ ống thép, tôn mạ lần lượt đạt 159.000 và 75.000 tấn.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đã sản xuất 4,3 triệu tấn thép thô, tăng 8%. Tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt gần 4 triệu tấn, tăng 6%.
Sau nửa năm, mức bán hàng HRC của Hòa Phát ghi nhận 1,4 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ. Sản phẩm hạ nguồn HRC như ống thép, tôn mạ đạt lần lượt 377.000 tấn và 180.000 tấn, tương đương mức tiêu thụ nửa đầu năm trước.
Với các lĩnh vực khác, nông nghiệp đóng góp 4% doanh thu chung của tập đoàn. Về bất động sản, tháng 6, Hòa Phát đã được chấp thuận chủ trương đầu tư mở rộng Khu công nghiệp Yên Mỹ II thêm 216 ha. Về điện máy gia dụng, dự kiến trong quý III, tập đoàn này cung cấp cho thị trường một số dòng sản phẩm mới.
Kết quả kinh doanh HPG (Hoà Phát) quý 1/2022: lợi nhuận 8.200 tỷ, tăng 17%
Tập đoàn ghi nhận doanh thu 44.000 tỷ đồng trong quý đầu năm, lãi sau thuế 8.200 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.
Trong quý đầu năm, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long bán ra thị trường 2,17 triệu tấn thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng, tăng 12% so với cùng kỳ 2021. Trong số này thép xây dựng chiếm gần một nửa, đạt 1,37 triệu tấn, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng bán thép cuộn cán nóng, ống thép và tôn mạ lần lượt là 763.000 tấn, 207.000 và 105.000 tấn.
Ba tháng đầu năm, theo Hòa Phát, vẫn gặp khó khăn từ dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thép như than luyện coke, quặng sắt tăng cao.
Với lĩnh vực bất động sản, các khu công nghiệp của Hòa Phát như Phố Nối A, Yên Mỹ II tiếp tục được đầu tư mở rộng, tỷ lệ lấp đầy đạt 100% diện tích đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Ở lĩnh vực điện máy gia dụng (ngoài tủ lạnh, tủ đông và điều hòa không khí), Hòa Phát bắt đầu cung cấp máy làm mát không khí từ quý I và đang đầu tư xây dựng thêm hai nhà máy sản xuất mới tại tỉnh Hà Nam và Bà Rịa - Vũng Tàu. Sản phẩm chính của các nhà máy này là máy lọc nước, máy lọc không khí, tủ mát... và dự kiến ra mắt sản phẩm từ quý III.
Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (Quảng Ngãi), Nhà máy sản xuất container (Bà Rịa - Vũng Tàu)... đang được triển khai trong năm nay, dự kiến sẽ tuyển dụng thêm hàng nghìn lao động.
Kết quả kinh doanh HPG (Hoà Phát) quý 4/2021: lợi nhuận tăng 53% đạt 9.588 tỷ
Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) công bố BCTC hợp nhất quý IV/2021 với doanh thu 44.711 tỷ đồng, tăng 73,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn tăng mạnh hơn nên biên lợi nhuận gộp còn tăng 53% đạt 9.588 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 24,3% xuống 21,4%.
Doanh thu tài chính tăng mạnh 141% lên 857 tỷ đồng, chi phí tài chính cũng tăng 50% lên 1.184 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí bán hàng tăng 151% lên 711 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 138% lên 509 tỷ đồng.
Doanh nghiệp thép ghi nhận 7.427 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 28,5% so với mức đỉnh đạt được trong quý III/2021.
Cả năm 2021, Hòa Phát đạt 149.680 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 66%; lãi sau thuế đạt kỷ lục 34.520 tỷ đồng và lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 34.478 tỷ đồng, cùng tăng 156% so với năm 2020. Tập đoàn vượt 24% mục tiêu doanh thu và 92% mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm.
Kết quả kinh doanh đột biến năm 2021 được Hòa Phát lý giải nhờ sản lượng thép thô tăng, trong khi giá bán và giá vốn đều tốt. Doanh nghiệp cho biết các khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương, Dung Quất - Quảng Ngãi, Hưng Yên trong năm đã hoạt động hết công suất để phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Tập đoàn cung cấp cho thị trường tổng cộng 8,8 triệu tấn thép bao gồm phôi, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), ống thép và tôn mạ, tăng 35% so với 2020.
Hoạt động xuất khẩu đóng góp quan trọng cho sản lượng năm 2021 với 2,6 triệu tấn sản phẩm các loại, gấp đôi. Việc đẩy mạnh xuất khẩu giúp Hòa Phát đa dạng hóa thị trường tiêu thụ trong khi thị trường trong nước bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.
Trong cơ cấu lợi nhuận sau thuế theo mảng kinh doanh. Mảng thép ghi nhận 15.077 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước; mảng nông nghiệp lỗ 98 tỷ, giảm so với mức lãi 380 tỷ quý IV/2020; bất động sản lãi 190,5 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận mảng thép nếu tính loại trừ, chẳng hạn như sử dụng HRC để sản xuất các sản phẩm khác, thì lợi nhuận mảng này sẽ tăng do lợi nhuận sau thuế vẫn tăng so với cùng kỳ dù nhiều chi phí cao hơn.
Mảng nông nghiệp của Hòa Phát gồm chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi. Ở lĩnh vực chăn nuôi, Hòa Phát tập trung ở mảng cung cấp heo giống bố mẹ, heo giống thương phẩm, heo thịt với nhiều trang trại tại Yên Bái, Hòa Bình, Thái Bình, Bắc Giang, Bình Phước. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng phát triển nhiều trang trại bò thịt ở tỉnh Thái Bình, Quảng Bình, Đồng Nai và chăn nuôi gia cầm với quý mô 300 triệu quả trứng gàn sạch/năm.
Ở lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, đơn vị có 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi với công suất 300.000 tấn/năm/nhà máy tại Hưng Yên và Đồng Nai.
Kết quả kinh doanh HPG (Hoà Phát) quý 3/2021: Lợi nhuận 10.350 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ
Tập đoàn Hòa Phát vừa thông tin về kết quả kinh doanh sơ bộ quý III/ với doanh thu ước đạt 38.900 tỷ đồng, tăng 56% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 10.350 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp đạt quy mô lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng chỉ trong một quý.
Với kết quả kinh doanh kỷ lục, Hòa Phát cho biết cũng đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước tại 25 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tính riêng 9 tháng hoạt động vừa qua, tập đoàn này đã nộp ngân sách 8.106 tỷ đồng, cao hơn 11% so với số nộp cả năm 2020.
Tính lũy kế 9 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận doanh thu hơn 105.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 27.100 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 60% và 200% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2021, tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu lên đến 120.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 18.000 tỷ đồng. Với kết quả trên, đơn vị này đã vượt đến 45% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Kể từ quý IV trở đi, tập đoàn thông báo sẽ thành lập thêm Tổng công ty Điện máy gia dụng Hòa Phát nhằm phát triển dựa trên 5 lĩnh vực cốt lõi, bao gồm: Gang thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng) - Sản phẩm thép (gồm Ống thép, tôn mạ, thép rút dây, thép dự ứng lực) - Nông nghiệp - Bất động sản – Điện máy gia dụng.
Với ngành hàng mới điện máy gia dụng, Hòa Phát cho biết sẽ thực hiện đầu tư lớn, bài bản dựa trên nền tảng 20 năm phát triển ngành hàng điện lạnh. Tập đoàn sẽ triển khai nhanh các nhà máy mới, ưu tiên hoạt động nghiên cứu phát triển các sản phẩm chất lượng và giá thành cạnh tranh tốt với hàng nhập khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để hướng mạnh ra xuất khẩu.
Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á và nằm trong top 15 doanh nghiệp thép có vốn hóa lớn nhất thế giới.
Tổng công suất thiết kế là 8 triệu tấn thép thô mỗi năm. Kết quả thực hiện trong 9 tháng đầu năm ước đạt 6,1 triệu tấn thép thôtăng 50% so với cùng kỳ.
Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 6,3 triệu tấn, tăng 43%. Trong đó, thép xây dựng là 2,8 triệu tấn, tăng 12%. Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt gần 2 triệu tấn. Tôn Hòa Phát ghi nhận 273.000 tấn, gấp 2,6 lần cùng kỳ. Sản phẩm ống thép là 498.000 tấn, giảm 12% so với 9 tháng 2020.
Bên cạnh các sản phẩm thép, Hòa Phát còn giữ thị phần số 1 về sản lượng bò Úc tại Việt Nam. Trứng gà sạch của Hòa Phát hiện dẫn đầu thị trường miền Bắc với sản lượng khoảng 800.000 quả/ngày. Lĩnh vực bất động sản của Tập đoàn đang tập trung mở rộng các khu công nghiệp hiện có, đồng thời nghiên cứu đầu tư một số dự án nhà ở, khu đô thị dịch vụ.
Đà tăng trưởng cao trong kinh doanh đang giúp cổ phiếu HPG tăng tốc lên đỉnh lịch sử. Hiện mã chứng khoán này đang giao dịch quanh mức 57.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với quy mô vốn hóa khoảng 254.000 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh HPG (Hoà Phát) quý 2/2021: lợi nhuận 9.745 tỷ đồng
Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa có báo cáo kết quả kinh doanh quý II và nửa đầu năm nay với khoản doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh.
Cụ thể, riêng quý II, doanh nghiệp được mệnh danh là vua thép đạt 35.400 tỷ đồng doanh thu và 9.745 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với quý liền trước, doanh thu bán hàng của nhà sản xuất thép này đã tăng 13% trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 39%. Nếu so với cùng kỳ năm 2020, doanh thu và lợi nhuận ròng của Hòa Phát đã cao hơn lần lượt 71% và 253%.
Kết quả trên cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà Hòa Phát ghi nhận được trong một quý kinh doanh kể từ khi đi vào hoạt động năm 1992.
Tính chung 6 tháng từ đầu năm, Hòa Phát ghi nhận doanh thu đạt gần 66.900 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất 2 quý đầu năm đạt 16.751 tỷ đồng, tăng 156%.
Lý giải kết quả kinh doanh kể trên, lãnh đạo Hòa Phát cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, công ty đã triển khai nhiều giải pháp để vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh.
Hòa Phát lãi kỷ lục trong quý II năm nay nhờ doanh số thép tăng trưởng mạnh. Ảnh: HPG. |
Bất chấp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thép như than luyện coke, quặng sắt tăng cao, tập đoàn vẫn duy trì sản lượng sản xuất đủ nhu cầu thị trường trong nước và giá bán ra thấp hơn so với thế giới.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, Hòa Phát cho biết doanh thu vẫn duy trì đà tăng trưởng. Hiện tập đoàn sở hữu đàn bỏ Australia lớn nhất cả nước cùng sản lượng trứng gà dẫn đầu thị trường miền Bắc với doanh số tiêu thụ 730.000 quả/ngày.
Trong lĩnh vực bất động sản, tập đoàn đã được phê duyệt đầu tư và mở rộng tại Khu công nghiệp Phố Nối A, Khu công nghiệp Yên Mỹ II. Hòa Phát cũng đang nghiên cứu, triển khai một số dự án bất động sản khu đô thị có tính thanh khoản cao tại một số tỉnh, thành phố.
Kết quả kinh doanh HPG (Hoà Phát) quý 1/2021: lợi nhuận 7.000 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG-HOSE) cho biết trong quý 1/2021, Tập đoàn ước doanh thu đạt 31.000 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 7.000 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với quý 1/2020. Đây là kỷ lục mới về lợi nhuận trong một quý của Hòa Phát suốt gần 30 năm qua.
Đáng chú ý, trong tổng lợi nhuận trên có 6.500 tỷ là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và 500 tỷ từ việc thoái vốn mảng Nội thất.
Trong quý đầu năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát đạt sản lượng bán hàng hơn 2,16 triệu tấn thép các loại. Trong đó, thép xây dựng thành phẩm đạt 855.000 tấn, tăng hơn 17%. Phôi thép xuất khẩu trên 386.000 tấn, tăng 27% so với quý q/2020. Sản phẩm HRC trong quý đầu năm đạt 665.000 tấn, tăng 75% so với quý 4/2020. Nhờ tự chủ được nguyên liệu HRC, sản phẩm ống thép và tôn mạ của Hòa Phát cũng tăng mạnh so với cùng kỳ. Lĩnh vực nông nghiệp, bất động sản cũng có những tăng trưởng khả quan.
Thời gian qua, giá nguyên liệu sản xuất chính như quặng sắt, than có biến động mạnh. Tuy nhiên, với nền tảng hệ sinh thái vững vàng và những giải pháp đồng bộ, Hòa Phát vẫn đạt mức sản lượng sản xuất và bán hàng rất cao, biên lợi nhuận được giữ ở mức tốt. Tập đoàn đã sở hữu đội tàu cỡ lớn đầu tiên, có hệ thống cảng biển nước sâu,… Hơn nữa, trình độ quản trị sản xuất tại doanh nghiệp ngày càng được nâng cao và hiệu quả, đem lại sức cạnh tranh mạnh mẽ cho sản phẩm của Hòa Phát trên thị trường.
Về dự án sản xuất vỏ container, ông Trần Đình Long cho biết: "Có nhiều yếu tố thuận lợi để Hòa Phát làm container. Thép chiếm 60% chi phí sản xuất container, Hòa Phát làm được loại thép HRC đặc chủng kháng thời tiết. Nhu cầu thị trường lại cao nên Tập đoàn quyết định làm. Thuận lợi là rất nhiều, là cơ bản. Nếu làm đúng mục tiêu 500.000 container thì cũng tiêu thụ được lượng lớn thép của Dung Quất".
Tập đoàn Hòa Phát (HPG)
Hòa Phát là Tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Việt Nam. Khởi đầu từ một Công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8/1992, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực khác như Nội thất, ống thép, thép xây dựng, điện lạnh, bất động sản và nông nghiệp. Ngày 15/11/2007, Hòa Phát chính thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán HPG.
Hiện nay, Tập đoàn hoạt động trong 05 lĩnh vực: Gang thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng) - Sản phẩm thép (gồm Ống thép, tôn mạ, thép rút dây, thép dự ứng lực) - Nông nghiệp - Bất động sản – Điện máy gia dụng. Sản xuất thép là lĩnh vực cốt lõi chiếm tỷ trọng 90% doanh thu và lợi nhuận toàn Tập đoàn. Với công suất 8 triệu tấn thép thô/năm, Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Tập đoàn Hòa Phát giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép và thịt bò Úc. Hiện nay, Tập đoàn Hòa Phát nằm trong Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, Top 10 DN lợi nhuận tốt nhất, Top 5 DN niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Vốn hóa thị trường của HPG đạt 11 tỷ đô la Mỹ, nằm trong top 15 công ty thép có mức vốn hóa lớn nhất trong ngành thép thế giới.
Với triết lý kinh doanh “Hòa hợp cùng phát triển”, Hòa Phát dành ngân sách hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với cộng đồng.