Doanh thu (DT) Q2/23 tăng 23,6% svck lên 4.711 tỷ đồng chủ yếu nhờ DT mảng Cơ khí & Xây lắp (M&C) cao hơn (+63% svck), đến từ sự đóng góp của các dự án điện gió ngoài khơi như Hai Long và Changhua ở Đài Loan (Trung Quốc).
Trong Q2/23, PVS ghi nhận LN ròng tăng 33 lần svck lên 225 tỷ đồng nhờ: (1) chi phí QLDN giảm 34,2% svck, (2) thu nhập tài chính thuần tăng 23,6% svck, và (3 ) ghi nhận 34 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng bảo hành dự án. Trong 6T23, LN ròng tăng 2 lần svck lên 439 tỷ đồng, hoàn thành 42% dự phóng cả năm của chúng tôi.
Từng bước khẳng định tên tuổi trong chuỗi giá trị điện gió toàn cầu
Vào cuối Q2/23, liên danh Semco Maritime và PTSC M&C đã trúng thầu EPC cho 4 trạm biến áp ngoài khơi (công suất 375 MW mỗi trạm) cho dự án Baltica 2 tại Ba Lan, đánh dấu bước nhảy vọt của PVS trong việc tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị điện gió ngoài khơi toàn cầu.
Cùng với hai dự án ở Đài Loan (Trung Quốc), lĩnh vực xây lắp điện gió ngoài khơi mang lại lượng backlog trị giá 590 triệu USD cho mảng M&C của PVS trong ba năm tới. Ngoài ra, PVS cũng đã tham gia đấu thầu nhiều dự án điện gió ngoài khơi ở nhiều khu vực trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Đông.
Nhờ mối quan hệ hợp tác với tâp đoàn hàng đầu trong lĩnh vực điện gió – Orsted, PVS sẽ có thể trúng thêm nhiều hợp đồng trong lĩnh vực này trong những năm tới, từng bước trở thành một công ty tên tuổi trong chuỗi giá trị điện gió ngoài khơi toàn cầu.
Dự báo tăng trưởng kép LN ròng đạt 17,8% trong năm 2023-25
LN ròng của PVS sẽ tăng trưởng kép 17,8% trong năm 2023-25 chủ yếu nhờ mảng M&C tăng mạnh. Hiện PVS đang tham gia vào nhiều hợp đồng điện gió ngoài khơi trong mảng M&C trên thị trường quốc tế như: điện gió Hải Long và Changhua tại Đài Loan hay điện gió Baltica tại Ba Lan.
Bên cạnh đó, PVS sẽ là DN hưởng lợi chính từ việc hoạt động E&P tại Việt Nam dự kiến sẽ sôi động hơn kể từ năm 2024 trở đi với nhiều dự án trọng điểm như Lạc Đà Vàng và Lô B – Ô Môn.
Khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu cao hơn là 40.300 đồng/cp
VNDirect nâng giá mục tiêu lên 40.300 đồng/cp nhờ: (1) tăng nhẹ dự phóng EPS 2024-25 thêm 1,9%/2,8%, (2) chuyển mô hình DCF đến giữa năm 2023 và (3) giả định WACC thấp hơn do giảm lãi suất phi rủi ro và phần bù rủi ro thị trường.
Động lực tăng giá tiềm năng là giá dầu cao hơn và lượng backlog mảng M&C cao hơn kỳ vọng. Rủi ro giảm giá bao gồm giá dầu giảm mạnh và sự chậm trễ hơn nữa trong việc trao thầu các dự án Dầu khí lớn.
Cập nhật ngày 1/1/2022: khuyến nghị GIẢM TỶ TRỌNG, giá mục tiêu 22.700 đồng/cp
PVS là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành xây lắp công trình dầu khí. Tuy nhiên, việc thiếu các hợp đồng lớn cho những năm sau, đặc biệt là các dự án trong nước đã làm ảnh hưởng nhiều đến động lực tăng trưởng trong vài năm tới của công ty.
Hiện đã thấy một vài động thái nhằm khó gỡ khó khăn cho các dự án dầu khí trong nước tuy nhiên vẫn còn sớm để kỳ vọng một sự chuyển biến tích cực cho kết quả kinh doanh năm 2022 của công ty.
Do đó Công ty Chứng khoán Rồng Việt đưa ra khuyến nghị GIẢM TỶ TRỌNG cho PVS trong năm 2022 với giá mục tiêu 22.700 đồng.
Mảng M&C là nguyên nhân chính khiến doanh thu giảm mạnh
Doanh thu Q3/2021 đạt 3.984 tỷ đồng, giảm 33,2% svck khi mảng M&C chỉ đạt 1.998 tỷ đồng doanh thu, giảm 47,7% svck. Việc thiếu vắng các hợp đồng lớn đã ảnh hưởng phần nào đến ghi nhận dự án. Hiện PVS đang thực hiện các hợp đồng từ năm cũ sang như LNG Thị Vải, Long Sơn, Gallaf Giai đoạn 1, Sao Vàng Đại Nguyệt và biên lợi nhuận khiêm thấp so với cùng kỳ.
Trong thời gian qua, PVS trúng thêm được 3 dự án lớn Gallaf Batch 3, SHWE và Điện gió Hải Long với tổng giá trị 610 triệu USD. Tuy nhiên, đây là các dự án ở nước ngoài và chúng tôi cho rằng biên lợi nhuận sẽ không được cao khi công ty phải đấu với một giá cạnh tranh.
Lợi nhuận liên doanh liên kết và hoàn nhập bảo hành công trình là “trụ cột” của lợi nhuận Q3/2021
Dù lợi nhuận gộp bị ảnh hưởng bởi hoạt động M&C nhưng lợi nhuận liên doanh liên kết và hoàn nhập bảo hành công trình giúp LNST cổ đông công ty mẹ đạt 221 tỷ đồng trong Q3/2021, tăng trưởng 12,2% so với cùng kỳ.
Cụ thể, lợi nhuận liên doanh liên kết đạt 198 tỷ đồng so với mức lỗ 36 tỷ đồng cùng kỳ và chúng tôi cho rằng mấu chốt nằm ở lợi nhuận của FPSO Lam Sơn tốt hơn so với cùng kỳ khi mà hợp đồng mới cho FPSO này được ký kết đến 31/12/2021 và có điều khoản gia hạn đến 30/6/2022.
Đối với lợi nhuận khác, PVS tiếp tục ghi nhận hoàn nhập dự phòng bảo hành công trình 54 tỷ đồng.
Có những chuyển động tích cực từ các dự án lớn trong nước
Động lực tăng trưởng chính của PVS nằm ở mảng M&C. Tuy nhiên sau hợp đồng lớn tại dự án Sao Vàng Đại Nguyệt, PVS đang thiếu những hợp đồng gối đầu lớn. Dù trúng thầu 3 dự án với tổng giá trị 610 triệu USD nhưng chúng tôi cho rằng đây là những dự án có biên lợi nhuận thấp và sẽ được ghi nhận trong giai đoạn dài từ 2022-2025 khiến tác động lên lợi nhuận là không cao.
Chúng tôi kỳ vọng nhiều hơn vào các dự án từ trong nước bởi khối lượng công việc lớn cũng như biên lợi nhuận tốt hơn. Các dự án Lô B, Cá Voi Xanh, Sư Tử Trắng hay Bầu Kèn sẽ giúp PVS gia tăng khối lượng công việc mảng M&C nhờ vị thế dẫn đầu của công ty trong lĩnh vực xây dựng công trình biển nhưng tiến độ từ các dự án trên là khá chậm.
Với những chuyển động tích cực gần đây từ những dự án như Lô B, Cá Voi Xanh, kỳ vọng các dự án này sẽ sớm được khởi công và sớm đóng góp vào kết quả kinh doanh của PVS. Nhưng hiện vẫn còn sớm để kỳ vọng một sự chuyển biến tích cực cho kết quả kinh doanh năm 2022 của công ty.
Lợi nhuận 2021 không có nhiều đột biến và kéo dài qua 2022
PVS sẽ kết thúc năm 2021 với doanh thu và LNST cổ đông công ty mẹ đạt 13.265 tỷ đồng (tăng 34,3% svck) và 730 tỷ đồng (tăng 16,9% svck). Trong đó trụ cột chính của lợi nhuận là từ liên doanh liên kết và hoàn nhập dự phòng bảo hành công trình.
Qua năm 2022, mảng M&C vốn chưa có nhiều động lực từ các hợp đồng lớn, vẫn khó trở thành nhân tố thúc đẩy lợi nhuận hoạt động cốt lõi tăng trưởng mạnh. Và trụ cột chính cho năm 2022 vẫn phụ thuộc vào liên doanh liên kết và hoàn nhập dự phòng bảo hành công trình.
Theo đó, PVS nhiều khả năng sẽ tiếp tục hoàn nhập dự phòng bảo hành công trình trong năm 2022 với giá trị ước tính khoảng 180 tỷ đồng. Trong khi lợi nhuận của liên doanh liên kết được dự báo sẽ duy trì ở mức 674 tỷ đồng. Tổng cộng, hai khoản trên đóng góp 77% LNTT năm 2022. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý rằng lợi nhuận của liên doanh sẽ phụ thuộc vào việc gia hạn hợp đồng của FPSO Lam Sơn sau tháng 6/2022 và giá cho thuê mới của FPSO Ruby. Trong trường hợp không được gia hạn hợp đồng, FPSO Lam Sơn có khả năng lỗ và ảnh hưởng đến lợi nhuận của liên doanh.
Doanh thu và LNST của cổ đông công ty mẹ dự kiến lần lượt là 15.332 tỷ đồng, tăng 15,6% svck và 781 tỷ đồng, tăng 6,9% svck trong 2022. EPS 2022 đạt 1.470 đồng, tương đương P/E dự phóng 2022 là 18,3x, cao hơn trung bình 5 năm là 9,5x.
Cập nhật ngày 28/8/2021: giá đã ở mức hợp lý dù mảng M&C phục hồi vào năm 2022
Trước đó theo Công ty Chứng khoán Bản Việt, môi trường giá dầu cao hiện tại có tác động tích cực hạn chế đến triển vọng ngắn hạn của PVS trong khi các hợp đồng nước ngoài gần đây của PVS mang lại một biên lợi nhuận thấp.
Dự báo EPS cốt lõi năm 2021 sẽ giảm 24,1% YoY do Bản Việt dự báo 1) ít việc làm cho mảng M&C hơn vào năm 2021, 2) hoàn nhập dự phòng đảm bảo mảng M&C thấp hơn và 3) giá thuê ngày thấp hơn cho FPSO Ruby II – mặc dù có đóng góp lợi nhuận từ FSO mới Sao Vàng - Đại Nguyệt (SV-DN).
Bất chấp các diễn biến kém tịch cực theo dự kiến trong năm 2021 này, vẫn lạc quan về triển vọng trung hạn của PVS vì đây là công ty được hưởng lợi sớm trong chu kỳ từ sự phục hồi của ngành và cơ hội việc làm gia tăng của các dự án LNG. Kỳ vọng lợi nhuận sẽ phục hồi từ năm 2022 trở đi, do lượng backlog M&C tiềm năng 2,9 tỷ USD vào cuối năm 2021 và lợi nhuận ổn định từ mảng FSO.
PVS có 7,2 nghìn tỷ đồng tiền mặt và tỷ kệ tiền mặt ròng/vốn CSH là 50% vào cuối quý 2/2021, dễ dàng hỗ trợ mở rộng công suất và DPS tiền mặt dự kiến của chúng tôi là 1.000 đồng trong giai đoạn 2021-2025.
Theo Bản Việt, định giá của PVS hiện có vẻ khá phù hợp với P/E dự phóng năm 2021 và 2022 lần lượt là 18,0 lần và 14,7 lần.
Yếu tố hỗ trợ: Giá thuê ngày chính thức cao hơn dự kiến cho FPSO Ruby II; hoàn thành việc đàm phán hợp đồng cho FPSO Lam Sơn.
Rủi ro: Khối lượng công việc M&C thấp hơn dự kiến trong 6 tháng cuối năm năm 2021 và 2022.
Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã PVS)
PVS là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam - PVN).
Được thành lập trên cơ sở triển khai quyết định số 458/TTg ngày 24/11/1976 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án xây dựng căn cứ dịch vụ dầu khí Vũng Tàu, trải qua 46 năm hình thành thành và phát triển, PTSC đã có những bước phát triển vượt bậc. Là Tổng công ty hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ kỹ thuật dầu khí, công nghiệp tại Việt Nam, và là thương hiệu lớn trên thị trường dịch vụ dầu khí, công nghiệp trong khu vực.
Lĩnh vực hoạt động chính của PTSC là cung cấp các loại hình dịch vụ kỹ thuật cho các ngành dầu khí, năng lượng, công nghiệp, trong đó có nhiều loại hình dịch vụ mang tính chiến lược, chất lượng cao, mũi nhọn, đã phát triển và được chuyên nghiệp hóa đạt trình độ quốc tế như: EPCI công trình biển; EPC công trình công nghiệp; Kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô FSO/FPS0; Tàu dịch vụ dầu khí; Khảo sát địa chấn, địa chất và công trình ngầm; Lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng công trình biển; Cảng dịch vụ và Dịch vụ cung ứng nhân lực kỹ thuật.