Cập nhật cổ phiếu MWG (Thế Giới Di Động): chốt danh sách trả cổ tức năm 2022 tỷ lệ 5% bằng tiền

MĂNG GIANG

03/07/2023 13:33

Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) vừa có thông báo về việc chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2022 theo tỷ lệ 5% bằng tiền, tương ứng với cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 500 đồng. Dự kiến thời gian chốt danh sách cổ đông là ngày 28/7 và ngày thanh toán là 10/8.

Với hơn 1,46 tỷ cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, ước tính, Thế Giới Di Động sẽ phải chi ra hơn 730 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông đợt này.

Đáng chú ý, mức cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 5% bằng tiền mặt kể trên của Thế Giới Di Động đã giảm một nửa so với mức chi ra năm 2021 trước đó là 10%. Thậm chí, trong năm 2021, nhà bán lẻ điện thoại, điện máy và bách hóa này còn chi trả thêm cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu với tỷ lệ 100%. Theo đó, tổng tỷ lệ chi trả cổ tức trong năm 2021 của Thế Giới Di Động lên tới 110%.

Còn vào năm 2020, Thế Giới Di Động đã trả cổ tức với tỷ lệ 55%, bao gồm 5% tiền mặt và 50% bằng cổ phiếu.

Cập nhật ngày 6/4/2022: khởi động lại dự án sàn thương mại điện tử sau khi mở các chuỗi mới

Trang web VuiVui.com vừa xuất hiện trở lại với một diện mạo mới. Dự án được giới thiệu sẽ ra mắt ngay trong năm nay thuộc Tập đoàn Thế Giới Di Động.

Đây là tên website cũ của một dự án sàn thương mại điện tử, tuy nhiên dự án này đã xuất hiện với một diện mạo mới, trên nền màu hồng (trước đây là màu cam). Mục tiêu là: Nơi kết nối người mua và người bán uy tín.

Hiện cổng thông tin này đang cho phép liên hệ hợp tác phát triển một số ngành hàng như điện tử gia dụng, sức khỏe, mẹ và bé, nhà cửa, cây cảnh, xe, sách, đồ tươi sống, voucher...

Thế Giới Di Động cũng đang đẩy mạnh tuyển dụng hàng trăm vị trí cho các công việc như nhân viên phát triển kinh doanh Ecom và cộng tác viên phát triển kinh doanh sàn thương mại điện tử.

Tuy nhiên website này vẫn khá sơ sài và chưa có nhiều thông tin cụ thể. Một nguồn tin từ tập đoàn cũng xác nhận sự trở lại của website này.

Trang thương mại điện tử VuiVui.com từng được Thế giới Di Động ra mắt vào tháng 12/2016 với mục đích mang đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm trực tuyến với gần hàng chục nghìn sản phẩm đa dạng.

Tuy nhiên việc không đạt kỳ vọng đã khiến tập đoàn bán lẻ đóng cửa dự án này từ cuối tháng 11/2018. Khách hàng khi đó truy cập vào website này sẽ tự động chuyển sang trang bán hàng của Bách hoá Xanh.

Sự trở lại của một trang thương mại điện tử đến sau khi Thế giới Di Động đang mở rộng rất nhanh các mảng kinh doanh, gần nhất là tấn công thị trường Indonesia bằng việc lập liên doanh đầu tư cửa hàng Era Blue.

Tại thị trường trong nước, đại gia bán lẻ này thử nghiệm nhiều mô hình kinh doanh mới như chuỗi cửa hàng độc lập AVAKids, AVASport, AVAFashion, AVAJi và AVACycle.

Đồng thời đẩy mạnh mở mới chuỗi bán điện thoại cao cấp Topzone, mở rộng mô hình Điện Máy Xanh Supermini và phát triển mạng lưới công tác viên đại lý.

Do đó các mặt hàng kinh doanh của Thế giới Di Động hiện nay đang rất lớn như điện thoại, điện máy, gia dụng, thực phẩm, trang sức, xe, thể thao, thời trang...

Cập nhật ngày 24/11/2021: MWG khai trương BlueJi – chính thức lấn chân sang thị trường trang sức

Công ty cổ phần thế giới di động (MWG) vừa thông tin ngày 20/11, theo đó công ty có thêm một thành viên mới có tên gọi là BlueJi. Tại đây, khách hàng có thể mua sắm rất nhiều mặt hàng mắt kính hàng hiệu của các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Puma, Klenin, Guess,… và trang sức cho cả người lớn và trẻ em gồm: nhẫn, bông tai, dây chuyền, vòng tay. Cả hệ thống 5 siêu thị thuộc chuỗi BlueJi tại TP. HCM sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 20/11/2021.

Được biết, việc Thế giới di động ‘lấn sân’ vào lĩnh vực trang sức, thời trang đã được ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO chuỗi Thế giới di động và Điện máy Xanh đề cập cách đây không lâu trong cuộc gặp của công ty này với các nhà đầu tư

Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, năm 2021 là 1 năm đặc biệt với công ty này. Trong đó, tháng 10 là tháng có sức bật, đột phá lớn đối với tình hình kinh doanh của chuỗi Thế giới di động và Điện Máy Xanh.

Nhận định thị trường sau đại dịch sẽ bước vào giai đoạn bùng bổ và bão hòa, ông Hiểu Em cũng cho rằng ngành điện thoại, điện máy không còn nhiều dư địa phát triển. Theo đó, đại diện MWG cho biết 2 chuỗi này sẽ không mở rộng hơn. Thay vào đó, công ty đang có kế hoạch kinh doanh shop-in-shop trong cửa hàng điện thoại.

Về quyết định gia nhập thị trường trang sức, CEO MWG nhận định thời trang là mảng bán lẻ lớn, đặc biệt xuất hiện nhiều khoảng trống sau dịch bệnh. Công ty cho biết sẽ mở nhanh để lấy nhanh thị phần, nhưng việc tăng số lượng cửa hàng lên đến mức độ nào thì cần thời gian vận hành và đánh giá hiệu quả mới quyết định.

Theo đánh giá của CTCK VNDirect, MWG luôn là một đơn vị có đội ngũ lãnh đạo và hoạch định chiến lược vô cùng năng động. Ban lãnh đạo luôn nhìn trước thị trường, đánh giá và ra những quyết định táo bạo, quyết đoán và tính thực thi cao. 

Cập nhật ngày 13/10/2021: CEO Thế Giới Di Động (MWG) livestream giới thiệu chuỗi mới mang tên topzone

Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) vừa công bố kế hoạch ra mắt một chuỗi mới mang tên topzone với slogan "Nơi bạn muốn dừng chân". Dự kiến tối ngày 16/10, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế Giới Di Động sẽ livestream giới thiệu thành viên mới này.

Topzone chưa công bố chính thức về mặt hàng kinh doanh cũng như địa bàn hoạt động. Tuy nhiên công ty đang tổ chức một minigame để người chơi dự đoán về hoạt động của chuỗi mới với 8 lựa chọn. Minigame vẫn đang diễn ra và chốt danh sách đến hết 22h ngày 15/10, và hiện có hơn 17.000 lượt chơi đã được xác nhận.

Công ty đưa ra các lựa chọn bao gồm: Chuỗi cửa hàng công nghệ cao cấp, Chuỗi mới ở thị trường nước ngoài, Chuỗi cửa hàng thời trang cao cấp, Chuỗi thể thao, Chuỗi đồ dùng cho mẹ và bé, Chuỗi nữ trang - trang sức, Brand shop Samsung, Brand shop OPPO.

Theo một nguồn tin, MWG còn đang ấp ủ một kế hoạch khác cũng rất tham vọng đó là ý tưởng mở 4 chuỗi mới khác thuộc hệ sinh thái Blue World.

Các chuỗi này bao gồm: BlueSport - chuyên về quần áo thể thao, phụ kiện, đồng hồ thông minh và xe đạp thể thao, BlueKids - chuyên sản phẩm dành cho mẹ và bé, BlueFashion - chuyên mặt hàng thời trang, BlueJi - chuyên về trang sức.

Nguồn tin còn tiết lộ kế hoạch này là một phần trong tham vọng trở thành nhà bán lẻ đa ngành số 1 Việt Nam. Một số chuỗi mới như thời trang và trang sức có sự khác biệt lớn so với mảng kinh doanh hiện tại của MWG, do đó không loại trừ khả năng MWG có thể bắt tay với các đối tác thay vì tự phát triển chuỗi ngay từ đầu.

Hiện MWG là nhà bán lẻ hàng đầu tại thị trường trong nước với các chuỗi lớn là Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh và một số đơn vị thành viên như Bluetronics, nhà thuốc An Khang và 4KFarm.

Tập đoàn này từng chấp nhận có nhiều thử nghiệm lớn để xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp, như dừng chuỗi Điện thoại Siêu Rẻ để chuyển sang mô hình cộng tác viên, phát triển chuỗi Điện Máy Xanh supermini với diện tích nhỏ tại các vùng dân cư khó tiếp cận, chuyển đổi Bigphone thành Bluetronics… Đồng thời còn mở rộng đa dạng các mặt hàng như nồi niêu xoong chảo đến đồng hồ, xe đạp…

Theo báo cáo đến tháng 8, MWG có tổng cộng 4.700 cửa hàng bán lẻ bao gồm TGDĐ, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh và Bluetronics (chưa tính đến nhà thuốc An Khang).

Tổng doanh thu toàn hệ thống sau 8 tháng ước đạt gần 78.495 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ nhờ mức tăng trưởng cao của Bách Hóa Xanh. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ mức tăng cao hồi đầu năm.

Hoạt động gần đây của tập đoàn gặp không ít áp lực tác động của việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó”. Tháng 8 trở thành tháng kinh doanh thấp điểm khi có 70% tổng số điểm bán điện thoại/điện máy bị hạn chế và 50% tổng số cửa hàng Bách Hóa Xanh không thể phục vụ khách mua sắm trực tiếp.

Theo đó doanh thu thuần trong tháng chỉ đạt mức 6.509 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 222 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 25% và 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng có doanh số thấp nhất từ đầu năm.

Cập nhật ngày 19/5/2021: vươn về vùng sâu vùng xa

Ông Đoàn Văn Hiểu Em – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế Giới Di Động cho biết, hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đang chiếm khoảng 50% thị phần bán lẻ hàng công nghệ. Các nhà bán lẻ theo chuỗi khác chiếm 30%, còn lại chia nhỏ cho khoảng 30.000 cửa hàng truyền thống.

Nhà bán lẻ số một Việt Nam có nhiều mô hình cửa hàng theo quy mô từ lớn đến nhỏ, nhưng vẫn khó tiếp cận được nhóm khách hàng vùng sâu vùng xa. Trong khi đó, các cửa hàng truyền thống dù diện tích chỉ khoảng 20 m2 vẫn làm tốt việc này. Bù lại, nhược điểm của họ là chủng loại hàng hoá không đa dạng và giá bán chưa cạnh tranh.

"Chúng tôi sẽ hợp tác với họ, xem họ như cánh tay nối dài để lấy thêm thị phần từ phân khúc khách hàng mới", ông Hiểu Em nói.

Cụ thể, các cửa hàng đang bán điện thoại và điện máy có thể đăng ký làm cộng tác viên bán hàng và hưởng chiết khấu 5-20% tuỳ thương hiệu. Họ đóng vai trò như môi giới, tư vấn bán hàng tất cả sản phẩm có trên website của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh. Sau khi nhận đơn hàng, hai chuỗi này xử lý mọi công đoạn còn lại như vận chuyển, lắp đặt, thu tiền, bảo hành...

Các cửa hàng tham gia không cần bỏ vốn và không tồn kho. Tiền chiết khấu được thanh toán sau 7 ngày giao hàng thành công. Giá bán, khuyến mãi, chính sách trả góp... đều tương tự chương trình bán hàng của hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh nên tính cạnh tranh cao.

Khách hàng dùng thử điện thoại tại siêu thị Điện Máy Xanh: Ảnh: Website ĐMX.

Khách hàng dùng thử điện thoại tại siêu thị Điện Máy Xanh: Ảnh: Website ĐMX.

Ông Hiểu Em cho biết công ty không tốn nhiều chi phí để triển khai mô hình này. Công ty ưu tiên phát triển trước những nơi chưa có cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh. Nhân viên tại các cửa hàng hiện hữu được giao thêm nhiệm vụ mở rộng đội ngũ cộng tác viên.

Mô hình hướng tới phân khúc khách hàng chưa tiếp cận được nên giai đoạn đầu công ty chiết khấu cao, chấp nhận biên lợi nhuận thấp nhằm thu hút nhiều cửa hàng tham gia.

"Các cửa hàng nhỏ đã quen phương thức hợp tác cũ với nhà phân phối nên cái khó bây giờ là làm sao thuyết phục 20.000-30.000 cửa hàng ", ông Hiểu Em nói và cho biết thêm, dù nhìn thấy cơ hội rất lớn nhưng mô hình này vẫn là bước thử nghiệm nên công ty chưa đặt kỳ vọng doanh số cụ thể.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG)

MWG là nhà bán lẻ số 1 Việt Nam về doanh thu và lợi nhuận, với mạng lưới hơn 4.500 cửa hàng trên toàn quốc. MWG vận hành các chuỗi bán lẻ thegioididong.com, Điện Máy Xanh, Bách Hoá Xanh. Ngoài ra, MWG đã mở rộng ra thị trường nước ngoài với chuỗi bán lẻ điện thoại và điện máy tại Campuchia và đầu tư vào chuỗi nhà thuốc An Khang.

Tiền thân là Công ty TNHH Thế Giới Di Động (Mobile World Co. Ltd) thành lập năm 2004, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (“Công ty” hay “MWG”) được thành lập theo Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp số 0306731335 do Sở Kế Hoạch và Đầu Tư tỉnh Bình Dương cấp ngày 16/01/2009. Công ty là nhà bán lẻ số 1 tại Việt Nam tính theo quy mô, doanh thu và lợi nhuận; đồng thời là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong Top 100 nhà bán lẻ hàng đầu Châu Á-Thái Bình Dương theo bảng xếp hạng Top 500 Asia-Pacific Retailers do Tạp chí Bán lẻ châu Á (Retail Asia) bình chọn năm 2018.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) là nhà bán lẻ số 1 Việt Nam về doanh thu và lợi nhuận, với mạng lưới gần 4.000 cửa hàng trên toàn quốc. MWG vận hành các chuỗi bán lẻ thegioididong.com, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh. Ngoài ra, MWG còn mở rộng ra thị trường nước ngoài với chuỗi bán lẻ thiết bị di động và điện máy tại Campuchia. Năm 2020, thành viên mới của MWG là 4KFarm ra đời với mục tiêu cung cấp cho người tiêu dùng thực phẩm an toàn theo chuẩn 4 không (không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không chất tăng trưởng, không sử dụng giống biến đổi gen).

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.