Phân tích cổ phiếu TRA (Dược TRAPHACO): tăng giá mục tiêu lên 95.300 đồng/cp

SSI & Rồng Việt

16/10/2023 14:25

TRA (Dược TRAPHACO) là công ty có doanh thu đông dược cao nhất cả nước. Công ty có hai sản phẩm chính là Hoạt Huyết Đường Não (thuốc bổ não) và Boganic (thuốc bổ gan), chiếm khoảng 50% doanh thu.

traphaco-1632237919.jpeg
Công ty Cổ phần TRAPHACO (Mã TRA)

Công ty có vùng nguyên liệu GACPWHO tại Sapa (cách Hà Nội khoảng 400km), nơi trồng các loại cây thảo dược chính như Atiso, Đinh Lăng, Họ Bìm bìm và Họ Cỏ bình cu.

Công ty có hệ thống phân phối lớn bao gồm 30.000 nhà thuốc bán lẻ trên khắp cả nước cũng như hợp tác chiến lược với Daewoong Pharmaceuticals (Hàn Quốc) để sản xuất các loại thuốc ngoài đông dược.

Thuốc kê đơn vẫn đạt tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2023, trong khi thuốc không kê đơn suy giảm. Traphaco đang đẩy nhanh mảng thuốc kê đơn với các sản phẩm chuyển giao từ Daewoong. Doanh thu thuốc kê đơn của công ty dự kiến sẽ tăng lên 200 tỷ đồng (tăng 17% svck) trong năm nay (tương đương khoảng 8% kế hoạch doanh thu).

Mặc dù mức tăng trưởng doanh thu thuốc không kê đơn cụ thể không được công bố, nhưng dự đoán kênh này sẽ gặp nhiều thách thức trong nửa cuối năm 2023 do người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu.

Các sản phẩm mới của công ty cần thêm thời gian để đạt được kết quả như kỳ vọng. Trong khi các sản phẩm Đông dược của TRA vẫn là nền tảng vững chắc cho công ty, thì công ty cũng đang tập trung vào các kế hoạch sau:

• Tiếp tục đàm phán để nhận chuyển giao thêm các sản phẩm ngoài đông dược từ Daewoong trong mảng thuốc kháng sinh, hô hấp, tim mạch, cũng như đầu tư vào các nghiên cứu sinh học (như Timaro, RebaTot, UDCA);

• Mở rộng danh mục sản phẩm thuốc nhập khẩu/kinh doanh bằng cách kết hợp mạng lưới các nhà sản xuất toàn cầu của Daewoong và mạng lưới phân phối rộng của Traphaco (như miếng dán hạ sốt Koolfever và miếng dán trị mụn Himom).

Ban lãnh đạo không công bố thông tin chi tiết, nhưng cả hai chiến lược này đều đạt mức tăng trưởng tốt cho đến nay, mặc dù xét về giá trị tuyệt đối doanh thu của những sản phẩm này còn khiêm tốn.

Mặc dù ước tính kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2023 sẽ tích cực hơn với nửa đầu năm 2023, SSI vẫn điều chỉnh giảm dự báo doanh thu năm 2023 xuống mức 2,5 nghìn tỷ đồng (tăng 3% svck) do quan ngại doanh thu thuốc không kê đơn vẫn tiếp tục chậm. Điều chỉnh giảm LNST xuống mức 309 tỷ đồng (tăng 5% svck) với kỳ vọng TRA sẽ tiếp tục cắt giảm chi phí quản lý để cải thiện lợi nhuận.

Ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2024 lần lượt là 2,6 nghìn tỷ đồng (tăng 3% svck) và 327 tỷ đồng (tăng 6% svck), với giả định sản phẩm ngoài đông dược tăng 9% svck.

Do lãi suất giảm trong thời gian gần đây, SSI tăng giá mục tiêu 1 năm đối với cổ phếu TRA từ 86.140 đồng/cổ phiếu lên 95.300 đồng/cổ phiếu, khi kết hợp giữa phương pháp DCF và P/E mục tiêu là 12x (từ 9x). SSI duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP.

Cập nhật ngày 22/6/2023: Nhu cầu giảm gây ra nhiều thách thức

SSI Research duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP đối với cổ phiếu TRA,  giá mục tiêu 1 năm đối với cổ phiếu TRA là 97.000 đồng/cổ phiếu.

Trong Q1/2023, TRA đạt 619 tỷ đồng doanh thu (-1% svck), giảm nhẹ do nhu cầu đối với các sản phẩm liên quan đến Covid không còn cao như năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp đã cải thiện lên 56% so với mức 52% trong Q1/2022, nhờ các mặt hàng có tỷ suất lợi nhuận cao hơn như Boganic và Tottri.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý có sự tăng đột biến trong quý (tăng lần lượt 18% và 5% svck) một phần do công ty thực hiện việc hỗ trợ chi phí bán hàng cho các địa bàn mới áp dụng việc tái cấu trúc bán hàng.

LNST đạt 79 tỷ đồng (-10% svck), với biên lợi nhuận ròng giảm từ 13% xuống 12%.

Sản phẩm ngoài đông dược sẽ là trọng tâm trong những năm tiếp theo

Ban lãnh đạo sẽ tiếp tục đàm phán với tập đoàn Daewoong Pharmaceuticals để có thêm các sản phẩm chuyển giao mới trong danh mục thuốc kháng sinh, hô hấp và tim mạch.

Traphaco đang tập trung phát triển kênh ETC để có thể có kênh bán hàng phù hợp cho những dòng sản phẩm này. Doanh số kênh ETC của công ty khá khiêm tốn so với kênh OTC (kênh ETC đạt 37 tỷ đồng doanh thu trong Q1/2023) nhưng được kỳ vọng sẽ tăng lên 200 tỷ đồng (+17% svck) trong năm nay.

Tăng trưởng chậm ở mảng sản phẩm đông dược

Đông dược dự kiến chỉ tăng 4% svck, nhưng sẽ tiếp tục là nền tảng vững chắc cho lợi nhuận của công ty. Traphaco dự kiến sẽ tiếp tục cho ra mắt các phiên bản cải tiến của các sản phẩm truyền thống, cũng như chi nhiều hơn cho hoạt động quảng cáo để thu hút người tiêu dùng.

Traphaco cũng có thể tăng giá các sản phẩm chủ lực trong năm nay (một trong những sản phẩm chủ lực của Traphaco là Boganic đã tăng giá khoảng 6%-10% kể từ ngày 1/4/2023).

Công ty đặt kế hoạch khá thận trọng cho năm 2023: 2600 tỷ đồng (+8% svck) doanh thu và 326 tỷ đồng (+11% svck) lợi nhuận, trong đó doanh thu sản phẩm ngoài đông dược và sản phẩm đông dược dự kiến đạt mức tăng trưởng lần lượt là 15% và 4% svck.

Mặc dù nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng giảm mạnh, khả năng TRA sẽ đạt được kế hoạch đã đặt ra thông qua việc điều chỉnh giá bán và giảm bớt chi phí. Do đó, SSI tăng nhẹ ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2023 lên lần lượt là 2660 tỷ (+10% svck) và 340 tỷ (+11% svck).

SSI nâng giá mục tiêu 1 năm đối với cổ phiếu TRA lên 97.000 đồng/cổ phiếu (từ 95.000/cổ phiếu), khi kết hợp giữa phương pháp DCF và P/E mục tiêu là 12x.

SSI Research duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP đối với cổ phiếu TRA.

Cập nhật ngày 22/9/2021: nhiều lợi thế cạnh tranh, tốc độ tăng trưởng cao

Dù nhiều tỉnh thành áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh, Traphaco vẫn duy trì kết quả kinh doanh tốt. Trong quý 3, doanh thu ước tính của TRA đạt 560 tỷ đồng (+22% YoY) và LNST ước tính đạt 70 tỷ đồng (+37% YoY).

Doanh thu và LNST 9T2021 ước tính đạt lần lượt 1.585 tỷ đồng (+21% YoY) và 195 tỷ đồng (+38% YoY), hoàn thành 75% kế hoạch doanh thu và 81% kế hoạch LNST năm 2021.

  • Dù nhiều tỉnh thành áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh, Traphaco vẫn duy trì kết quả kinh doanh tốt. Trong quý 3, doanh thu ước tính của TRA đạt 560 tỷ đồng (+22% YoY) và LNST ước tính đạt 70 tỷ đồng (+37% YoY).
  • Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình 15%/năm trong giai đoạn 2020-2025. Với thế mạnh về chất lượng và thương hiệu sản phẩm, cũng như, việc triển khai các sản phẩm mới, mảng thuốc đông dược vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính.
  • Mảng tân dược sẽ dần đóng vai trò quan trọng hơn trong dài hạn nhờ nhà máy mới dần gia tăng công suất và các sản phẩm được chuyển giao từ Deawoong.

Tình hình kinh doanh khả quan

Trong 9T2021, kết quả kinh doanh của TRA tăng trưởng tích cực trong bối cảnh giãn cách nghiêm ngặt do dịch bệnh COVID-19. Doanh thu và LNST 9T2021 lần lượt ước tính đạt lần lượt 1.585 tỷ đồng (+21% YoY) và 195 tỷ đồng (+38% YoY), hoàn thành 75% kế hoạch doanh thu và 81% kế hoạch LNST năm 2021. TRA dự kiến doanh thu và LNST 2021 có thể vượt kế hoạch năm, lần lượt đạt 2.200 tỷ đồng (+15% YoY) và 270 tỷ đồng (+25% YoY).

Trong Q3 2021, doanh thu ước tính của TRA đạt 560 tỷ đồng (+22% YoY) và LNST ước tính đạt 70 tỷ đồng (+37% YoY). TRA cho biết công ty đã không tăng giá bán sản phẩm trong 9T2021, như vậy, sản lượng bán hàng của công ty đã tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Kết quả tích cực trên là nhờ TRA đã cải tiến quy trình hoạt động cũng như chuẩn bị kế hoạch đối phó kịp thời từ khi dịch bệnh mới bắt đầu bùng phát vào tháng 5. Cùng với hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, công ty đã tăng cường sản xuất và sớm vận chuyển sản phẩm đến các tỉnh, nhờ đó mà TRA không bị ảnh hưởng nhiều bởi việc đứt gãy chuỗi cung ứng.

Tỷ trọng doanh thu ở 2 kênh OTC và ETC trong 9T lần lượt là 86% và 6%.

Trong chiến lược tăng trưởng, Traphaco sẽ phát triển đồng thời cả mảng thuốc đông dược và thuốc tân dược. Với thế mạnh về chất lượng và thương hiệu sản phẩm, cũng như, việc triển khai các sản phẩm mới, mảng thuốc đông dược vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính. Bên cạnh đó, mảng tân dược có thể đạt mức tăng trưởng khả quan nhờ gia tăng công suất tại nhà máy tân dược mới và sản xuất các sản phẩm được chuyển giao từ Deawoong. Cuối cùng, công ty đang dần hoạt động hiệu quả hơn nhờ việc cải tiến các quy trình, điều này cho phép các bộ phận phối hợp tốt hơn. Bộ phận R&D và các đơn vị kinh doanh dần có sự hợp tác chặt chẽ hơn, giúp các sản phẩm mới đáp ứng đúng nhu cầu của nhóm khách hàng mục tiêu.

Trong chiến lược kinh doanh, Traphaco đang đầu tư nhiều hơn vào các hoạt động truyền thông và marketing từ năm 2020. Trước đây, công ty cắt giảm chi phí quảng cáo nhằm bù đắp mức chi phí khấu hao, vận hành tương đối lớn của nhà máy mới, khoảng 140 tỷ đồng mỗi năm. Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục tăng kinh phí đầu tư vào các hoạt động quảng cáo trong năm nay nhằm đẩy mạnh doanh thu. Chi phí quảng cáo ước tính sẽ chiếm 10% doanh thu năm 2022.

Mảng đông dược tiếp tục tăng trưởng tích cực

Thuốc đông dược là nhóm sản phẩm truyền thống của TRA, đóng góp 64% tổng doanh thu 9T2021. TRA duy trì vị trí số 1 trong mảng đông dược với doanh thu tăng 20% YoY. Các sản phẩm đông dược chủ lực và là động lực tăng trưởng chính của TRA bao gồm Boganic, Tottri và Ampelop. TRA sẽ tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm này đồng thời phát triển thêm các sản phẩm mới trong thời gian tới. Công ty đã hoàn thành quá trình nghiên cứu và đưa ra thị trường thêm 3 sản phẩm mới trong năm nay.

TRA hưởng lợi từ chính sách thắt chặt của Bộ Y tế đối với quy định đầu thầu mảng đông dược (Thông tư 15/2019/TT-BYT) nhờ các vùng dược liệu và các nhà máy WHO đạt tiêu chuẩn cao. Vì vậy, các sản phẩm của TRA thường có chất lượng cao hơn so với các đối thủ khác trên thị trường. Do ảnh hưởng của dịch bệnh và bệnh viện hạn chế bệnh nhân, nên số lượng bệnh nhân chỉ còn khoảng 20% so với bình thường. Tuy nhiên, TRA kỳ vọng tổng doanh thu kênh ETC trong năm 2021 là 150 tỷ đồng, tăng 25% YoY. Công ty ước tính giá trị đấu thầu nhóm 1 trong năm 2022 là 60 tỷ đồng, bao gồm các sản phẩm như Boganic, Hoạt huyết dưỡng não, Ampelop.

Các nhà máy sản xuất thuốc đông dược hiện đang được vận hành hơn 90% công suất. TRA có kế hoạch sẽ nâng cấp các nhà máy này, từ đó tăng gấp đôi công suất. Việc nâng cấp dây chuyền sản xuất chỉ mất thời gian một vài tháng, do đó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của TRA.

Mảng tân dược sẽ dần đóng vai trò quan trọng hơn trong dài hạn

Mảng tân dược đóng góp gần 30% trong cơ cấu doanh thu và 24% trong cơ cấu LNST của TRA trong 9T2021. Các sản phẩm chính bao gồm thuốc mỡ-cream và thuốc nhỏ mắt-mũi. Công ty kỳ vọng đóng góp tỷ trọng mảng tân dược dự kiến đạt 40% vào năm 2025. Nhà máy tân dược hiện đang được vận hành trên 50% công suất và dự kiến sẽ đạt mức sản lượng tương đương 70-75% công suất thiết kế vào năm 2025.

Trong năm 2021, TRA đẩy mạnh thực hiện chuyển giao công nghệ với Daewoong. TRA đã có số đăng ký của 7 sản phẩm chuyển giao công nghệ. Các sản phẩm này được bắt đầu sản xuất vào Q4 và sẽ đóng góp doanh thu từ năm 2022. Các sản phẩm được chuyển giao chủ yếu là thuốc điều trị tim mạch, huyết áp và tiểu đường. Chuyển giao công nghệ giai đoạn 2 cũng đã được triển khai vào ngày 19/8 với 12 sản phẩm.

TRA sở hữu nhiều thế mạnh trong kênh Nhà thuốc với hệ thống phân phối rộng khắp

TRA có ưu thế phân phối trên kênh OTC với 28 chi nhánh và hơn 27.000 nhà thuốc trên toàn quốc. Ngoài ra, Nghị định 54/2017/NĐ-CP không cho phép các công ty dược nước ngoài hoặc công ty dược có vốn đầu tư nước ngoài trên 51% được phân phối thuốc trực tiếp tại Việt Nam, từ đó tạo thuận lợi cho TRA.

Về nhóm sản phẩm phân phối độc quyền, TRA hợp tác với đối tác lớn như JW Pharma, Natural Factors và Pure Nutrition, mang lại doanh thu 2021 ước tính 135 tỷ đồng (+108% YoY) trong năm 2021 và có thể tăng hơn 20% vào năm 2022. Biên lợi nhuận ròng của nhóm sản phẩm này là 5%.

Với tệp khách hàng lớn và hệ thống giao thông phức tạp ở nhiều tỉnh thành, TRA thực hiện chính sách giao hàng 1 lần/tuần nhằm tiết kiệm chi phí giao hàng.

Rồng Việt đánh giá TRA là một trong những doanh nghiệp dược phẩm có nhiều lợi thế cạnh tranh, đặc biệt trong mảng thuốc đông dược và phân phối thuốc. Bên cạnh đó, tiềm năng tăng trưởng của Traphaco vẫn khả quan nhờ tốc độ tăng trưởng cao của mảng thuốc đông dược, các nhà máy còn dư địa để gia tăng công suất, và việc tiếp nhận chuyển giao sản phẩm từ Deawoong.

Trong bối cảnh dịch bệnh, TRA vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt. Về nguyên nhân, chúng tôi cho rằng có sự dịch chuyển đáng kể từ kênh Bệnh viện sang kênh Nhà thuốc. Bên cạnh đó, với hệ thống phân phối rộng khắp, TRA có thể chủ động trong việc tích trữ hàng hóa và phân phối đến tay người dùng. Đây là lợi thế mà rất nhiều doanh nghiệp sản xuất dược phẩm khác không có được. Trong quý 3, dù nhiều tỉnh thành thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, mức LNST của TRA vẫn tăng trưởng 37% YoY.

Với mức lợi nhuận 2021 ước đạt 270 tỷ đồng, mức P/E forward của TRA ở mức 16,6 lần, tương đương mặt bằng ngành dược. Chúng tôi sẽ đánh giá chi tiết và đưa ra định giá phù hợp trong thời gian tới.

Công ty Cổ phần TRAPHACO (Mã TRA)

TRA (Dược TRAPHACO) là công ty có doanh thu đông dược cao nhất cả nước. Công ty có hai sản phẩm chính là Hoạt Huyết Đường Não (thuốc bổ não) và Boganic (thuốc bổ gan), chiếm khoảng 50% doanh thu.

Công ty có vùng nguyên liệu GACPWHO tại Sapa (cách Hà Nội khoảng 400km), nơi trồng các loại cây thảo dược chính như Atiso, Đinh Lăng, Họ Bìm bìm và Họ Cỏ bình cu.

Công ty có hệ thống phân phối lớn bao gồm 30.000 nhà thuốc bán lẻ trên khắp cả nước cũng như hợp tác chiến lược với Daewoong Pharmaceuticals (Hàn Quốc) để sản xuất các loại thuốc ngoài đông dược.

Để có được “ngôi vương” về đông dược hiện nay, từ rất sớm, Traphaco đã chọn chiến lược khác biệt, tập trung vào mảng đông dược, thay vì sản xuất tân dược từ các nghiên cứu đã hết hạn bản quyền như nhiều doanh nghiệp khác. Bà Nguyễn Thị Tuyết, nữ giám đốc đầu tiên của Công ty kể “Từ năm 1994, Traphaco đã xin đất ở Sapa trồng dược liệu, rồi dần dần mở rộng, hợp tác với nông dân các vùng miền để trồng dược liệu sạch. Cũng từ rất sớm, Traphaco đã xây dựng định hướng chiến lược sản phẩm với Boganic, Hoạt huyết dưỡng não, viên sáng mắt”...
 
Làm tốt nhất thế mạnh của mình, từ một xí nghiệp sản xuất, pha chế thuốc cho công nhân ngành đường sắt, Traphaco đã trụ vững và vươn lên, đánh thức các cây thuốc quý ở Việt Nam, chiết xuất thành dược liệu và bào chế các loại thuốc bằng công nghệ hiện đại, thuận tiện cho người sử dụng.
 
“Năm 1998, chúng tôi quyết định xây dựng nhà máy sản xuất thuốc đông dược đạt chuẩn GMP. Cũng phải đấu tranh với chính mình ghê lắm vì khó khăn bộn bề, tiền không có, mà cả miền Bắc chưa có nhà máy GMP nào”, bà Tuyết kể.
 
Máy ép vỉ, máy trộn, máy dập viên... công nghệ sản xuất và cách thức sử dụng máy móc hiện đại nhanh chóng được người Traphaco làm chủ. Nói về con đường sức khỏe xanh và việc tập trung vào lĩnh vực đông dược những năm 2000, thế hệ giám đốc thứ hai của Traphaco, bà Vũ Thị Thuận tiết lộ “Biết mình nhỏ, chúng tôi chọn thị trường ngách, nhưng làm tốt nhất thế mạnh của mình để tạo sự khác biệt. Đông dược Việt Nam có truyền thống và sự hấp dẫn nhưng cũng không dễ thành công, đòi hỏi người kinh doanh phải kiên định với con đường của mình, phải giữ chuẩn dược liệu sạch. Nhiều khi phải giảm bớt lợi nhuận vì mục tiêu dài hạn cho tương lai”.
 
Sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận, thị trường ngày càng mở rộng. Traphaco nhanh chóng thành công ty sản xuất đông dược lớn nhất Việt Nam và giữ vững ngôi vương về đông dược trong nhiều năm nay.

Tổ chức thu hái và trồng dược liệu sạch mất nhiều chi phí, thu mua dược liệu cao hơn so với mặt bằng giá bình quân trên thị trường để người nông dân yên tâm canh tác đúng quy định, giữ chất lượng cây thuốc, bà Thuận kể, Traphaco cũng có không ít thách thức. Đó là giá thuốc khó hạ thấp để cạnh tranh đấu thầu vào bệnh viện, đó là việc không thể tăng công suất ào ạt... Biết là theo đuổi con đường sức khỏe xanh có nhiều vất vả, đôi khi là chấp nhận đánh đổi những lợi ích ngắn hạn, song Traphaco đã vượt qua tất cả và ngày càng thành công, trở thành thương hiệu dược phẩm hàng đầu tại Việt Nam.
 
Được tin yêu ở thị trường trong nước, Traphaco ấp ủ những hành trình xa hơn. Công ty đang hợp tác với các chuyên gia để nghiên cứu và đăng ký sáng chế quốc tế liên quan đến hợp chất mới chiết xuất từ rau đắng đất, cũng như đàm phán kế hoạch xuất khẩu Boganic sang thị trường Hàn Quốc sau những ghi nhận sử dụng sản phẩm rất tích cực ở một bộ phận khách hàng xứ kim chi.

SSI & Rồng Việt
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.