Theo đánh giá của Tổ chức IQVIA Institute (trước đây là IMS Health and Quintiles), tổng chi tiêu dành cho dược phẩm toàn cầu được dự báo tăng trưởng kép từ 3 – 6% trong giai đoạn từ 2023 – 2027, ước tính sẽ đạt 1,9 nghìn tỷ USD vào năm 2027.
Sau giai đoạn biến động mạnh do đại dịch gây ra từ năm 2020 – 2022, tốc độ tăng trưởng nhìn chung sẽ chững lại và quay trở lại quỹ đạo ổn định kể từ năm 2024.
Tuy nhiên, các khu vực trên thế giới đang phát triển theo các xu hướng khác nhau. Tại quốc gia đã phát triển như Mỹ, quy mô thị trường tại đây gần như đi ngang với dự báo tăng trưởng kép chỉ từ -1% - 2%, do tác động của việc hết hạn bằng sáng chế dẫn đến sự cạnh tranh giữa thuốc biệt dược gốc và thuốc tương đương sinh học.
Trong khi đó, các quốc gia tại khu vực đang phát triển như Nam Mỹ, Châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ), Trung Đông được kỳ vọng tăng trưởng nhanh, bởi xu hướng già hóa dân số và sự chuyển đổi sang các sản phẩm thuốc đắt tiền khi thu nhập tăng lên.
Không đứng ngoài xu hướng phát triển chung của cả khu vực, ngành dược Việt Nam đang được hưởng lợi trong dài hạn bởi sự già hóa dân số và chi tiêu của người dân dành cho dược phẩm ngày càng tăng lên.
Theo Tổng cục thống kê, số người trên 60 tuổi khoảng 13 triệu người tương đương với 13,17% tổng dân số Việt Nam vào năm 2022. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 29,22 triệu người, chiếm 25,35% tổng dân số Việt Nam vào năm 2050.
Fitch Solutions dự báo chi tiêu bình quân đầu người dành cho dược phẩm có xu hướng tăng lên từ mức 1,46 triệu đồng của năm 2021 lên 2,12 triệu đồng vào năm 2026F, tương đương với mức tăng trưởng kép +7,8% trong vòng 5 năm tới, chiếm tỷ trọng trung bình 5% thu nhập bình quân đầu người mỗi năm.
Trong môi trường chính sách thuận lợi, chúng tôi cho rằng kênh ETC sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành dược trong năm 2024. Mặc dù giá trị trúng thầu trong hai tháng đầu năm chỉ đạt 10,5 nghìn tỷ đồng (-28% YoY) do mức nền cao của cùng kỳ, tuy nhiên sự sụt giảm chủ yếu đến từ thuốc biệt dược gốc với giá trị là 671 tỷ đồng (-92% YoY), vốn là nhóm thuốc được nhập khẩu từ nước ngoài.
Dựa vào chính sách ưu tiên sử dụng thuốc generic thay vì biệt dược gốc nhằm giảm giá thành, giảm gánh nặng kinh tế cho quỹ BHYT, giá trị trúng thầu tại các nhóm từ 2 – 4 đạt 6 nghìn tỷ đồng (+93% YoY) với tỷ trọng thuốc nội địa lên tới 88% (+10pps YoY). Đây được xem như chỉ báo sớm về xu hướng tăng trưởng của các công ty dược nội địa.
Theo Rồng Việt, kênh OTC dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định tương đương với mức tăng trưởng chung của ngành khoảng 7% YoY nhờ (1) hệ thống phân phối rộng lớn của các chuỗi cửa hàng thuốc bán lẻ (hình 8) và hơn 62.000 nhà thuốc truyền thống (2) thói quen mua thuốc tại các cửa hàng bán lẻ thay vì đến bệnh viện của phần đông người dân.
Thành viên cập nhật ngày 29/1/2023: Doanh nghiệp ngành dược lãi to sau dịch
Dược Hậu Giang, OPC, Imexpharm… báo lãi kỷ lục trong năm 2022 nhờ nhu cầu tiêu thụ lớn về thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sau dịch.
Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) vừa báo lãi khoảng 988 tỷ đồng trong năm 2022. Con số trên tăng 27% so với năm trước đó và vượt 29% kế hoạch đề ra. Đây cũng là mốc lợi nhuận cao kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp này công bố thông tin vào năm 2005.
Tương tự, Công ty cổ phần Dược phẩm OPC và Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm cũng thiết lập mức lãi kỷ lục trong năm ngoái. Dược phẩm OPC có lợi nhuận sau thuế hơn 140 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2021. Trong khi đó, Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP) lãi hơn 230 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước đó và vượt 10% kế hoạch cả năm.
Một số doanh nghiệp khác cũng có năm kinh doanh thuận lợi. Domesco lãi 200 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2021 và lấy lại mặt bằng lợi nhuận trước dịch. SPM ghi nhận gần 25 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao nhất từ năm 2015 tới nay.
Nhu cầu tiêu thụ thuốc và các sản phẩm kháng sinh, phòng bệnh, tăng cường hệ miễn dịch tăng mạnh sau dịch là nguyên nhân được nhiều doanh nghiệp lý giải cho kết quả kinh doanh thuận lợi. Ngoài ra, những công ty lãi kỷ lục như Dược Hậu Giang, Imexpharm cũng chủ động dự trữ nguyên liệu và thành phẩm để đáp ứng thị trường. Tổ chức kênh phân phối và kết nối khách hàng tốt cũng là nguyên nhân đóng góp lớn.
Khảo sát của Vietnam Report trong tháng 10-11/2022 cho thấy, gần 90% doanh nghiệp sản xuất, phân phối và kinh doanh dược phẩm cho biết doanh thu tăng lên, gần 80% doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh nhu cầu tăng lên, ngành dược nhận được trợ lực lớn từ hệ thống nhà thuốc theo mô hình hiện đại giành được thị phần từ các hiệu thuốc truyền thống, khi Chính phủ dần đưa ra các quy định chặt chẽ hơn với các nhà bán lẻ dược phẩm (kiểm soát chặt chẽ hơn với thuốc kê đơn và triển khai hình thức đơn thuốc điện tử). Kênh nhà thuốc có thể đã chiếm thị phần từ kênh bệnh viện, do các bệnh viện công thận trọng hơn trong đấu thầu thuốc. Điều này có thể dễ quan sát thông qua sự mở rộng mạng lưới mạnh mẽ của hàng loạt chuỗi bán lẻ dược phẩm như Long Châu, Pharmacity, An Khang... trong năm vừa qua. Theo kế hoạch, tổng số nhà thuốc của ba chuỗi bán lẻ này có thể lên đến con số 7.300 trong năm 2025, tương đương 16% thị phần.
Tuy nhiên, nhóm phân tích của Chứng khoán KIS lưu ý trong trung hạn cạnh tranh trong phân khúc đấu thầu thuốc chất lượng cao sẽ gay gắt. Sau khi thông tư 15/2019 có hiệu lực từ năm 2019, các công ty sản xuất dược nội địa bắt đầu cuộc chạy đua xây dựng dây chuyền sản xuất đạt chuẩn EU-GMP. Tuy nhiên, theo trang web GMPC Việt Nam công bố ngày 13/9/2022, chỉ có 10 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm tại Việt Nam đạt chuẩn EU-GMP, trong đó chỉ có Imexpharm là doanh nghiệp niêm yết nội địa và có đến 8 doanh nghiệp FDI.
"Chúng tôi cho rằng chiến trường EU-GMP sẽ rất khốc liệt trong trung hạn. Đó không chỉ liên quan đến bài toán về nguồn vốn mà còn cả về chất lượng sản phẩm", nhóm phân tích Chứng khoán KIS bình luận.
Thành viên cập nhật ngày 27/10/2021: Cổ phiếu ngành dược: DHG và IMP đang Khả quan, FRT kém khả quan
Trong báo cáo mới đưa ra ngày 27/10/2021, Công ty Chứng khoán Bản Việt nhận định:
(1) Ngành dược Việt Nam có dư địa tăng trưởng trong dài hạn nhờ dân số già hóa và thu nhập của người tiêu dùng tăng trong bối cảnh chi tiêu thuốc bình quân đầu người còn thấp,
(2) Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi đối với thuốc chất lượng cao, sản xuất trong nước ở kênh bệnh viện, từ đó mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất thuốc trong nước được trang bị các tiêu chuẩn sản xuất hàng đầu, và
(3) tốc độ hợp nhất thị trường nhà thuốc được đẩy nhanh khi các chuỗi nhà thuốc hàng đầu trong nước tăng cường việc mở mới cửa hàng.
Bản Việt hiện có khuyến nghị KHẢ QUAN đối với 2 cổ phiếu - DHG (KHẢ QUAN, giá mục tiêu 106.000 đồng/CP) và IMP (KHẢ QUAN, giá mục tiêu 76.900 đồng/CP).
Trong khi đó, mặc dù có quan điểm tích cực đối với mảng nhà thuốc của FRT, Bản Việt hiện đưa ra khuyến nghị KÉM KHẢ QUAN (giá mục tiêu 35.000 đồng/CP) cho cổ phiếu này do quan điểm thận trọng đối với mảng điện thoại di động của công ty.
Lợi nhuận ngành dược có thể về mức trước dịch Covid-19
Trong báo cáo cập nhật ngành dược, SSI Research đánh giá đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty trong ngành do tình trạng giãn cách xã hội kéo dài trên toàn quốc. Tổng doanh thu lũy kế 8 tháng đầu năm của toàn ngành ước giảm 11% so với cùng kỳ.
Trong đó doanh thu từ các cửa hàng thuốc bán lẻ giảm 3% và doanh thu tại bệnh viện giảm 16%. Kết quả này dựa trên ước tính từ các công ty dược niêm yết và dữ liệu đấu thầu thuốc từ Cục Quản lý Dược Việt Nam.
Ngoài ra nhiều bệnh viện ở miền Nam cũng đã chuyển đổi thành trung tâm điều trị Covid-19, khiến doanh thu dược phẩm giảm đáng kể, trong khi kênh bệnh viện chiếm hơn 60% nhu cầu của ngành.
Ngoài ra SSI Research nhận định rất ít doanh nghiệp trong nước hưởng lợi từ hoạt động nhập khẩu vaccine và thuốc điều trị Covid-19. Mặc dù nhiều công ty Việt Nam đã được Chính phủ cho phép nhập khẩu, thực tế, rất ít doanh nghiệp thực hiện do quy trình phức tạp và nguồn cung khan hiếm.
Đối với việc sản xuất thuốc điều trị Covid-19, phần lớn nguồn cung đều được kiểm soát chặt chẽ bởi các công ty Nhà nước. Ngoại trừ duy nhất là Stellapharm (công ty nước ngoài do Stada sở hữu) được chọn là công ty tư nhân đầu tiên sản xuất Molnupiravir (thuốc điều trị Covid-19 chính) với quy mô lớn trong nước.
Một số ít công ty trong nước khác như Traphaco hoặc Phytopharma được hưởng lợi gián tiếp thông qua việc cung cấp các thực phẩm chức năng và đông dược có tác dụng làm dịu đi các triệu chứng Covid-19 như Xuyên tâm liên (giảm ho, giảm đờm), vitamin, nước muối sát khuẩn…
Sang năm 2022, nhóm chuyên gia dự báo các công ty dược phẩm sẽ có kết quả lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ và có thể đạt mức trước dịch Covid-19. Điều này là nhờ khả năng cao mở cửa kinh tế trở lại một phần hoặc toàn bộ, cùng với tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng trong toàn dân Việt Nam.
Quy trình phê duyệt thuốc cũng dự kiến diễn ra nhanh hơn trong nửa cuối năm nay, sau thời gian trì hoãn đáng kể từ năm 2020 đến nay do một số vướng mắc về quy định của Cục Quản lý Dược Việt Nam.
Đây là một dấu hiệu tốt vì nhiều công ty dược phẩm trong nước đang cần triển khai các sản phẩm mới để đối phó với tốc độ R&D ngày càng tăng trong ngành, đặc biệt là đối với các công ty gần đây đã chọn không xây dựng các nhà máy sản xuất mới như Imexpharm, BIdiphar, Pymepharco và Dược Hậu Giang, do các công ty này đang chờ giấy phép thuốc mới để mở rộng sản xuất.
Nhóm phân tích từ SSI Research cho rằng điều này sẽ dẫn đến tăng trưởng doanh thu tốt hơn và có thể dẫn đến cạnh tranh hơn trong ngành từ năm 2022.
Kỳ vọng sẽ có thêm nhiều nhà cung cấp tiếp cận thị trường dược phẩm Việt Nam từ nửa cuối năm và giá nguyên liệu đầu vào của các công ty trong nước sẽ sớm giảm từ mức cao, từ đó giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận từ năm 2022.
Cổ phiếu dược từng nổi sóng nhờ dịch
Trước đó vào đầu tháng 6, một số cổ phiếu ngành dược từng "nổi sóng" sau khi Bộ Y tế công bố danh sách 36 đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu và bảo quản vaccine Covid-19. Dù chỉ xuất hiện trong danh sách được phép nhập khẩu vaccine cũng giúp nhiều cổ phiếu bật tăng trần lúc đó như Dược phẩm Bến Tre (DBT), Dược phẩm Trung ương CPC1 (DP1), Dược Thiết bị Y tế Đà Nẵng (DDN) hay Xuất nhập khẩu Y tế TP HCM (YTC)...
Hay vào cuối tháng 8, cổ phiếu VMD của Y Dược phẩm Vimedimex từng gây chú ý với chuỗi tăng trần liên tục sau thông tin ký hợp đồng với đối tác từ UAE để nhập khẩu nhiều loại vaccine về Việt Nam nhưng chưa nhiều tiến triển. Mới nhất vào 16/9, công ty này được Cục Quản lý Dược cấp phép nhập khẩu 30 triệu liều vaccine Hayat Vax.
Ngành dược - một trong các nhóm cổ phiếu phòng thủ trên thị trường chứng khoán - đang bất ngờ thu hút được dòng vốn lớn và qua đó tạo nên đợt tăng giá mạnh trong năm, bất chấp thị trường chung đang bị điều chỉnh.
Trong phiên cuối tuần vừa qua, sắc tím xuất hiện ở hàng loạt cổ phiếu nhóm y tế, dược phẩm từ quy mô nhỏ đến các doanh nghiệp đầu ngành, một số mã chứng khoán khác cũng có mức tăng khoảng 5-12%...
Đây là phiên tiếp diễn cho đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu phòng thủ này. Trước đó hàng loạt mã chứng khoán đã ghi nhận chuỗi tăng giá ấn tượng, thậm chí tăng trần nhiều phiên liên tục và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Nhiều mã chứng khoán ngành này đã tăng 30-160% chỉ trong một tháng qua, tỏ ra vượt trội so với mức tăng nhẹ 2,84% của VN-Index.
Có cổ phiếu tăng trần 14 phiên
Cá biệt nhất là VMD của Y Dược phẩm Vimedimex liên tục tăng sốc sau thông tin Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì hỗ trợ công ty nhập khẩu các loại vaccine Covid-19 về Việt Nam.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết công ty Royal Strategics Partners (UAE) đã đồng ý bán và ký hợp đồng nhập khẩu với Y Dược phẩm Vimedimex 10 triệu liều vaccine Covid-19 Janssen (Johnson & Johnson's Janssen); 5 triệu liều vaccine Pfizer và 10 triệu liều vaccine Covid-19 Sputnik V.
Thị giá VMD đã tăng giá trong 15 phiên liên tiếp gần nhất lên 67.400 đồng/cổ phiếu (trong đó có đến 14 phiên tăng trần), tương đương với mức tăng giá hơn 170%. Đây cũng là vùng đỉnh lịch sử của cổ phiếu ngành dược này, giá trị vốn hóa theo đó lần đầu vượt 1.000 tỷ đồng.
Một cái tên cũng được nhắc nhiều gần đây là công ty SPM (trước đây là Saigon Pharma) cũng ghi nhận chuỗi 10 phiên tăng liên tiếp (trong đó có 7 phiên tăng trần) lên 24.700 đồng/cổ phiếu, tức tăng 79% chỉ sau nửa tháng.
Hay như cổ phiếu TRA của Traphaco cũng bất ngờ tăng trần trong 2 phiên gần nhất lên mức cao nhất 4 năm tại 91.800 đồng/cổ phiếu. Kỳ vọng mở rộng danh mục sản phẩm và thông tin đối tác chiến lược Daewoong hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 2 thuốc điều trị Covid-19 là chất xúc tác cho cổ phiếu này.
Trước đó vào đầu tháng 6, một số cổ phiếu ngành dược từng có sóng tăng ngắn sau khi Bộ Y tế công bố danh sách 36 đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu và bảo quản vaccine Covid-19, nhưng con sóng không duy trì lâu và trên diện rộng như đợt tăng giá hiện tại.
Việc xuất hiện trong danh sách được phép nhập khẩu vaccine Covid-19 giúp nhiều cổ phiếu bật tăng trần lúc đó như: Dược phẩm Bến Tre (DBT), Dược phẩm Trung ương CPC1 (DP1), Dược Thiết bị Y tế Đà Nẵng (DDN) hay Xuất nhập khẩu Y tế TP HCM (YTC)... đồng thời thu hút dòng tiền để cải thiện thanh khoản.
Còn nhiều dư địa phát triển
Không chỉ được hỗ trợ bởi các yếu tố liên quan đến vaccine hay thuốc điều trị Covid-19, các doanh nghiệp ngành dược và các cửa hàng bán lẻ dược phẩm đang hưởng lợi từ nhu cầu lớn về các sản phẩm phục hồi sau tiêm vaccine.
Với hàng triệu liều vaccine đã được tiêm và số lượng lớn khác đang về thì sức mua các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, nước điện giải… có thể tăng đáng kể. Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn về đơn thuốc điều trị tại nhà cho F0 với các sản phẩm quan trọng như Paracetamol, Molnupiravir, Dexamethasone, Methylprednisolone, các loại vitamin.
Theo tính toán từ Chứng khoán Phú Hưng (PHS), chi tiêu thuốc bình quân đầu người của Việt Nam tăng trưởng 52% trong năm ngoái, lên khoảng 50 USD/người. Chi tiêu dược phẩm Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai khi so sánh chi tiêu tại Trung Quốc vào khoảng 130 USD/người.
Hiện nay thị trường dược phẩm của Việt Nam có quy mô khoảng 7,4 tỷ USD với khoảng 22.000 loại thuốc. Theo dự báo của Fitch Solution, tăng trưởng ngành dược Việt Nam năm 2021 có thể đạt 8.7%.
Tuy nhiên ngành dược cũng đối mặt với không ít thách thức, lượng thuốc sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 47% nhu cầu. Số liệu từ tổng Cục Hải Quan ghi nhận Việt Nam nhập khẩu hơn 3,3 tỷ USD dược phẩm trong năm 2020 (tăng trưởng 7,4%).
Trên thực tế, phần lớn nguyên liệu của ngành phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Trong khi đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, khiến giá thành tăng cao, tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh.
“Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu đến từ Trung Quốc và Ấn Độ, chiếm tỷ trọng 85% tổng kim ngạch nguyên liệu nhập khẩu. Việc gián đoạn do phong tỏa có thể khiến giá trung bình các loại nguyên liệu đều tăng”, báo cáo PHS viết.
Diễn biến phức tạp của dịch còn ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh, làm suy giảm nhu cầu khám bệnh của người dân do tâm lý sợ lây nhiễm từ bệnh viện, tác động đến doanh thu kênh ETC (kênh bán thuốc qua bệnh viện, bác sĩ).
Ngược lại điều này lại góp phần làm cho kênh OTC (bán thuốc không cần kê đơn, chủ yếu ở các tiệm thuốc tư nhân) phát triển. Giá thuốc kênh OTC cũng không bị ràng buộc về luật đấu thầu sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp dược cạnh tranh, cải tiến R&D và đa dạng hóa chủng loại sản phẩm.
Nhóm chuyên gia trên đánh giá triển vọng ngành dược phụ thuộc vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh. Trong đó kênh ETC vẫn sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng của ngành dược nhờ xu hướng thay thế thuốc ngoại bằng thuốc sản xuất trong nước đang ngày càng nhanh. Độ bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân lớn và sự phát triển mạnh mẽ của khối bệnh viện tư nhân cũng góp phần gia tăng chi tiêu thuốc trong kênh bệnh viện.
Bên cạnh đó, cổ phiếu ngành dược còn được thúc đẩy bởi xu hướng M&A mạnh mẽ và kế hoạch thoái vốntrong ngành. Việc mở nền kinh tế đang giúp doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng đầu tư vào công ty dược trong nước và hàng loạt thương vụ thâu tóm đã diễn ra tại Dược Hậu Giang, Traphaco, Imexpharm...
Việc đầu tư vào doanh nghiệp nội địa để sản xuất trực tiếp tại thị trường Việt Nam cũng giúp các thương hiệu nước ngoài có ưu thế hơn so với tự phát triển.
Gần đây xuất hiện thương vụ Stada Service Holding nhận chuyển nhượng cổ phần Pymepharco (PME) để nâng tổng tỷ lệ sở hữu lên hơn 88%, hay ASKA Pharmaceutical (Nhật Bản) mua thêm cổ phần Dược phẩm Hà Tây (DHT) để nắm giữ gần 24,9% vốn.