Mức giảm mạnh nhất ghi nhận tại Generali khi khoản lãi sau thuế nửa đầu năm nay chỉ bằng một phần tư cùng kỳ, đạt 117 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chubb và AIA cùng giảm lãi khoảng 70%, xuống lần lượt 147 tỷ và 284 tỷ đồng. Ngay cả "ông lớn" Prudential cũng giảm lợi nhuận hơn 30%, còn 915 tỷ đồng, đứng sau Dai-ichi-life.
Nửa đầu năm nay, Sunlife tiếp tục báo lỗ hơn 360 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế sau gần thập kỷ lên hơn 5.800 tỷ. Đây cũng là một trong ba doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ghi nhận mức lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ sau nhiều năm thâm nhập và đầu tư tại thị trường Việt Nam, như FWD (-5.800 tỷ đồng), Generali (-3.000 tỷ đồng)...
Kết quả kinh doanh đi xuống trong bối cảnh doanh số khai thác của hầu hết hãng đều kém so với cùng kỳ.
Doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm ghi nhận mức sụt mạnh nhất tại Hanwha, Sunlife, Manulife và FWD Việt Nam. Trong khi đó, ít bị ảnh hưởng nhất về doanh số nửa đầu năm nay là Bảo Việt Nhân Thọ - đơn vị tập trung vào mảng đại lý truyền thống thay vì bành trướng kênh bán qua ngân hàng. "Ông lớn" này vẫn duy trì được khoản thu từ bảo hiểm ngang ngửa cùng kỳ. Cùng với giảm chi phí, Bảo Việt Nhân Thọ nằm trong số ít hãng tăng trưởng lợi nhuận so với nửa đầu năm ngoái.
Trong bối cảnh doanh số giảm, đặc biệt là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư không còn dễ bán như trước, các hãng đều siết khoản chi hoa hồng và thưởng đại lý, giảm 40- 50% so với trước.
Prudential hạ mức chi hoa hồng từ 1.090 tỷ nửa đầu năm ngoái xuống còn 744 tỷ đồng, thưởng hỗ trợ quyền lợi khác cho đại lý về còn 1.530 tỷ đồng. Bảo Việt Nhân thọ giảm một nửa khoản chi thưởng, hỗ trợ đại lý, từ 1.000 tỷ xuống còn 550 tỷ đồng. Tại Sunlife, khoản chi hoa hồng bảo hiểm cũng còn 230 tỷ đồng, giảm 48%.
Trong khi mảng khai thác mới kém khả quan, hoạt động tài chính là điểm sáng của nhóm bảo hiểm nhân thọ nửa đầu năm nay. Đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi... tại các doanh nghiệp ghi nhận kết quả tăng tích cực hơn cùng kỳ.
Chẳng hạn, hoạt động tài chính (cổ phiếu, tiền lãi gửi ngân hàng...) mang về khoản lãi hơn 3.100 tỷ đồng cho Manulife, tăng 40% so với nửa đầu năm ngoái. Nhờ đó, hãng duy trì được mức lãi sau thuế gần 1.700 tỷ đồng.
18 tháng qua, ngành bảo hiểm nhân thọ đối diện với nhiều thay đổi. Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ đầu 2023 và Thông tư 67 từ cuối năm ngoái đưa ra chính sách chặt chẽ hơn, chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Các ngân hàng bị cấm bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau giải ngân 60 ngày. Đồng thời, tư vấn viên phải ghi âm, ghi hình quá trình tư vấn. Các kỳ thi với sản phẩm liên kết đơn vị được tổ chức khắt khe, khiến tỷ lệ đỗ xuống thấp. Mức hoa hồng chi trả cho đại lý trong năm đầu tiên với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư còn 30%, giảm 10% so với trước.
Lãnh đạo ngành bảo hiểm nhân thọ thừa nhận thị trường đã phát triển nhanh và cần thanh lọc để đi đúng hướng. Xu hướng phát triển chung là tư vấn viên phải giỏi, chuyên nghiệp mới trụ được với nghề, chứ không còn xảy ra tình trạng "đi vào, đi ra liên tục" như trước.
Thành viên cập nhật ngày 30/9/2023: 'phốt' khiến doanh thu lần đầu giảm sau gần chục năm
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tổng doanh thu phí bảo hiểm (gồm nhân thọ và phi nhân thọ) quý III ước đạt 52.900 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ 2022. Quý trước đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm cũng đã giảm hơn 3% so với cùng kỳ, đạt 61.300 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165.600 tỷ đồng, giảm gần 7% so cùng kỳ 2022. Đây là lần đầu sau gần chục năm, doanh thu bảo hiểm 9 tháng sụt giảm.
Mức giảm doanh số của thị trường chủ yếu đến từ mảng bảo hiểm nhân thọ (mảng này đang chiếm 70% doanh thu toàn thị trường). Nửa đầu năm nay, mảng phi nhân thọ vẫn tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ 2022, còn tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ giảm hơn 6.700 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu ngành ghi nhận lãi sau thuế 6 tháng đầu năm giảm từ 30% đến 40%.
Những năm qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ, nhất là kênh bán qua ngân hàng, đã tăng trưởng nhanh, song xuất hiện nhiều mặt trái như ngân hàng ép khách vay mua kèm bảo hiểm hoặc đánh tráo khái niệm giữa bảo hiểm với gửi tiết kiệm.
Bộ Tài chính cho biết đã và đang thực hiện các cuộc thanh tra với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào liên kết kinh doanh giữa doanh nghiệp với ngân hàng.
Sau khủng hoảng xuất phát từ kênh phân phối qua ngân hàng, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động lựa chọn chiến lược tăng trưởng chậm lại, chấn chỉnh lại kênh đại lý truyền thống và ngân hàng.
Từ đầu tháng 7 năm nay, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm, đưa vào một số quy định đối với bộ phận chuyên trách bảo hiểm tại ngân hàng và yêu cầu có bàn giao dịch riêng để tư vấn bảo hiểm tách biệt với khu vực giao dịch... Thông tư hướng dẫn chi tiết về Nghị định này đang được cơ quan soạn thảo lấy ý kiến, dự kiến ban hành trong thời gian tới.
Thành viên cập nhật ngày 14/09/2021: Khó khăn trong ngắn hạn nhưng tăng trưởng doanh thu rộng mở
Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi dự kiến sẽ được ban hành trong năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 có thể mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho các chủ thể tham gia thị trường, đặc biệt ở mảng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe.
Doanh thu phục hồi trong nửa đầu năm nhưng sẽ khó khăn trong quý 3 trước khi phục hồi từ quý 4/2021
Theo Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm (ISA), số liệu doanh thu bảo hiểm trong 5 tháng đầu năm 2021 phục hồi mạnh so với cùng kỳ. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt 82.727 tỷ đồng, tăng 26% YoY.
Bảo hiểm nhân thọ
Tổng phí bảo hiểm gốc 5T2021 là 58.031 tỷ đồng (+33,4% YoY) trên nền thấp cùng kỳ. Giãn cách xã hội “lỏng” hơn sau đợt bùng phát đầu tiên (tháng 3 và tháng 4/2020) đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bán bảo hiểm. Cạnh tranh khốc liệt tiếp tục thu hẹp và định hình lại thị phần giữa năm công ty bảo hiểm hàng đầu trong khi tạo nhiều cơ hội hơn cho những công ty nhỏ.
Bảo hiểm liên kết đầu tư một lần nữa thống trị doanh thu phí mới. Doanh thu phí mới trong 5T2021 đạt 20.528 tỷ đồng, tăng 58,2% YoY (5T2020: 7,6% YoY). Các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư đạt mức tăng trưởng 77,7% YoY do các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh sản phẩm này trong điều kiện lợi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2021. Bảo hiểm hỗn hợp giảm mạnh 43,8% YoY như một biện pháp để giảm gánh nặng dự phòng.
Bảo hiểm phi nhân thọ
Phí gốc bảo hiểm phi nhân thọ trong 5T2021 đạt 24.696 tỷ đồng, tăng 11,5% YoY.
Tăng trưởng bảo hiểm chăm sóc sức khỏe hạ nhiệt xuống 8,4% YoY từ mức tăng 19,5% YoY trong 5T2020 do từ cuối tháng 3/2020, Bộ Tài chính yêu cầu các công ty bảo hiểm ngừng bán bảo hiểm chăm sóc sức khỏe liên quan đến COVID-19.
Doanh số bán các sản phẩm chính khác phục hồi với điểm nhấn là bảo hiểm hàng hóa. Bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm tài sản và thiệt hại tăng trưởng ổn định lần lượt 4,8% và 8,4% YoY. Bảo hiểm cháy nổ tăng 16,2% YoY trên nền thấp cùng kỳ (+10,5% YoY). Bảo hiểm vận tải hàng hóa tăng mạnh 22,6% YoY (cùng kỳ giảm 15,3% YoY) nhờ xuất nhập khẩu hàng hóa phục hồi tốt trong nửa đầu năm.
Top 5 công ty đầu ngành tiếp tục mất thị phần vào tay các công ty nhỏ hơn.
Trong bối cảnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt và kéo dài kể từ giữa tháng 7 đến nay, doanh thu bán bảo hiểm nhiều khả năng sẽ chậm lại trong Q3 trước khi phục hồi từ Q4/2021 nhờ tiêm chủng diện rộng.
Các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt có thể dẫn đến sự suy yếu trong các động lực tăng trưởng doanh thu bảo hiểm (cả nhân thọ và phi nhân thọ) trong quý 3, bao gồm (1) nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh trên quy mô lớn, (2) đối với các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động với công suất thấp, giá đầu vào cao và chi tiêu cho phòng chống lây nhiễm đang làm giảm lợi nhuận và do đó, thu nhập của người lao động giảm, dẫn đến việc cắt giảm các nhu cầu không thiết yếu, bao gồm bảo hiểm, (3) các chương trình đầu tư công của chính phủ bị chậm lại. Sự phục hồi sẽ bắt đầu từ quý 4 khi tỷ lệ tiêm chủng cao hơn cho phép mở cửa dần các hoạt động kinh tế.
Về cơ cấu sản phẩm, môi trường lãi suất thấp có khả năng kéo dài sau khi đại dịch được kiềm chế để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế, chúng tôi cho rằng bảo hiểm liên kết đầu tư sẽ vẫn dẫn dắt tăng trưởng phí bảo hiểm mới của bảo hiểm nhân thọ. Trong khi đó, bảo hiểm con người mà chủ yếu là bảo hiểm chăm sóc sức khỏe là động lực tăng trưởng chính của bảo hiểm phi nhân thọ, được thúc đẩy bởi nhận thức cải thiện của người dân về các rủi ro sức khỏe bất ngờ và nghiêm trọng như dịch COVID-19.
Khung pháp lý mới mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng từ năm 2023
Theo dự kiến của cơ quan chức năng, Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi sẽ được ban hành trong năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Dự thảo lần 4 của Luật đang được lấy ý kiến. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các thay đổi (dự kiến) trong luật mới cho thấy một sự cởi mở trong tư duy quản lý đồng thời đề cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, từ đó mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho các chủ thể tham gia thị trường. Các thay đổi trọng yếu có thể tạo ra những thay đổi lớn, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, bao gồm:
Hình thành cơ sở dữ liệu chung cho toàn thị trường: Các thông tin nhân thân của về người mua, về giao dịch sẽ được công khai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đánh giá rủi ro tốt hơn, ngăn chặn trục lợi và thiết kế sản phẩm phù hợp nhu cầu khách hàng hơn. Hiệu quả kinh doanh sẽ được nâng cao nhờ cắt giảm chi phí khai thác, chi phí bồi thường và chi phí pháp lý.
Mở rộng các định nghĩa về người được bảo hiểm, quyền lợi có thể được bảo hiểm, đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người, giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết: tạo ra thêm nhiều cơ sở pháp lý để nhu cầu mua bảo hiểm có thể phát sinh.
Tổ chức bảo hiểm vi mô: bảo hiểm vi mô là loại sản phẩm đặc thù có vai trò an sinh xã hội và cần cách thức triển khai khác với bảo hiểm thương mại để khuyến khích các nhà bảo hiểm. Nếu khung pháp lý phù hợp, phân khúc này có thể bùng nổ về doanh thu nhờ dư địa thị trường người có thu nhập thấp rất lớn.
Thành viên cập nhật ngày 10/09/2021: Ngành bảo hiểm tăng trưởng tích cực giữa mùa Covid
Trong bối cảnh các ngành nghề khác chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, bảo hiểm là một trong số ít ngành vẫn duy trì được tăng trưởng 2 chữ số từ đầu năm đến nay.
Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính, dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4, khiến nhiều hoạt động kinh tế trong nước bị ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến số thu nội địa từ 4 tháng gần đây.
Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm 8 tháng đầu năm nay vẫn ghi nhận tăng trưởng tích cực bất chấp dịch bệnh.
Cụ thể, đến cuối tháng 8, tổng tài sản trên thị trường bảo hiểm ước đạt 643.588 tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 102.222 tỷ và các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có tổng tài sản ước đạt 541.366 tỷ đồng.
Tương tự, tổng doanh thu phí bảo hiểm giai đoạn này cũng tăng gần 17%, đạt 133.040 tỷ đồng. Trong đó, thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ chiếm 38.092 tỷ và 94.948 tỷ đồng còn lại là thu phí từ bảo hiểm nhân thọ.
Trong khi đó, mức chi trả quyền lợi bảo hiểm giai đoạn này tăng thấp hơn, đạt 34.398 tỷ đồng, chỉ cao hơn gần 13% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số chi trả quyền lợi của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chiếm khoảng 40% và 60% số chi còn lại là của nhóm bảo hiểm nhân thọ.
Để phát triển thị trường này, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của doanh nghiệp và người dân.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh Bảo hiểm, dự kiến có hiệu lực từ năm 2023.
Theo đó, bản dự thảo luật sửa đổi cuối cùng cho phép các công ty bảo hiểm tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh, trong đó các cơ quan quản lý sẽ không can thiệp quá sâu về mặt kỹ thuật vào hoạt động của các công ty bảo hiểm như trước.
Thay vào đó, vai trò của cơ quan quản lý sẽ là ưu tiên quản lý giám sát, thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm.
Cụ thể, dự thảo sửa đổi này bổ sung một số điều khoản mới để hướng dẫn cho các công ty bảo hiểm, đồng thời sửa đổi một số quy định trước đây để tránh nhầm lẫn khi áp dụng trong thực tế.
Bên cạnh đó, dự thảo mới cũng đưa ra tỷ lệ an toàn vốn cùng với các yêu cầu khắt khe hơn về việc công bố thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư vàng, bất động sản
Đặc biệt, để đảm bảo dòng tiền bảo hiểm được đầu tư trở lại nền kinh tế đúng mục đích, cơ quan soạn thảo cũng chỉ rõ những lĩnh vực mà các công ty bảo hiểm bị cấm đầu tư. Trong đó, hoạt động đầu tư vào bất động sản đã không còn được xếp vào lĩnh vực doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư.
Cụ thể, các lĩnh vực doanh nghiệp bảo hiểm không được phép đầu tư bao gồm đi vay để đầu tư chứng khoán, bất động sản hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khác.
Các doanh nghiệp chỉ được đầu tư bất động sản theo dạng mua, đầu tư sở hữu để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của doanh nghiệp; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết, thuộc sở hữu của doanh nghiệp, chi nhánh; nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu được bảo đảm bằng bất động sản.
Dự thảo cũng quy định, các công ty bảo hiểm không được cho vay, trừ trường hợp cho vay theo Luật Tổ chức tín dụng và cho vay ký quỹ đối với các công ty bảo hiểm khác theo hướng dẫn của Chính phủ.
Ngoài ra, quy định mới cấm doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư vào kim loại quý và quỹ thành viên theo quy định của Luật Chứng khoán; không đầu tư tài sản cố định vô hình, trừ trường hợp phục vụ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm; không đầu tư vào các sản phẩm phái sinh, trừ các sản phẩm phái sinh được niêm yết nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng tái bảo hiểm.
Theo báo cáo đánh giá của SSI Research, các chuyên gia cho rằng dự thảo sửa đổi này là một bước tích cực cho sự phát triển dài hạn của ngành bảo hiểm.
Với những thay đổi đối về mô hình quản lý vốn, có thể có áp lực tăng vốn tại một số công ty bảo hiểm nhất định. Tuy nhiên, các quy định này có giai đoạn chuyển tiếp 5 năm, tạo một khoảng thời gian đệm giữa khung pháp lý và việc áp dụng trong hoạt động thực tế (2023-2027).
Vì vậy, điều này sẽ không gây ra những thay đổi đột ngột đối với triển vọng ngắn hạn và trung hạn của ngành.