Ông Lê Viết Hải: 'Sau dịch, ngành xây dựng sẽ rất nóng'

CHIỀU THU

05/07/2021 16:38

Làn sóng đầu tư về công nghiệp, sự khôi phục của bất động sản nghỉ dưỡng… sẽ là động lực thúc đẩy ngành xây dựng hậu Covid-19, theo Chủ tịch HĐQT Hòa Bình.

Theo ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình, từ cuối năm 2017 đến nay, ngành xây dựng đối diện với nhiều khó khăn. "Không nhiều dự án bất động sản mới được cấp phép do yêu cầu về pháp lý rất chặt chẽ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ngành xây dựng. Trong khi các năm trước, ngành phát triển rất nhanh", ông Hải nói.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, ông nhận định năm 2017 kết thúc thời kì doanh nghiệp nước ngoài chiếm thị trường xây dựng Việt Nam. Bởi với những dự án quy mô lớn yêu cầu tính mỹ thuật cao, doanh nghiệp trong nước đã chiếm gần hết thị phần, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng dân dụng.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình.

"Lẽ ra chúng ta phải phát triển xây dựng ra nước ngoài vì tốc độ tăng trưởng của công nghiệp xây dựng tư nhân trong nước rất nhanh: 20-30%, trong khi đầu tư bình quân 10%. Song những năm qua, đầu tư bất động sản không tăng mà thậm chí giảm. Có một tình trạng khủng hoảng thừa về cung và cầu trong xây dựng dân dụng nói riêng và ngành xây dựng nói chung", Chủ tịch HĐQT Hòa Bình cho biết.

Đến năm 2020, đại dịch Covid-19 như "cú bồi" cho ngành xây dựng khi hầu hết công trình bất động sản du lịch tạm ngưng. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và đầu tư bất động sản du lịch cũng khó khăn. Trước thực trạng này, các doanh nghiệp xây dựng không có nhiều việc làm, thậm chí hạn chế tài chính do không được thanh toán đúng hạn. "Chính Hòa Bình cũng phải rất chật vật để vượt qua khủng hoảng kép này", ông Hải thừa nhận.

Nhận định về cơ hội của doanh nghiệp xây dựng Việt Nam, ông Lê Viết Hải đề cập tới ưu thế giá nhân công, nhân lực và các chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ. Trong khi, về trình độ và quản lý kỹ thuật, Việt Nam kém hơn những nước có kinh nghiệm xuất khẩu xây dựng ra nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình cũng cho rằng lợi thế giá chỉ là nhất thời. "Nếu chúng ta không lo xa, không có sự chuẩn bị để đối phó với tính kém cạnh tranh đi, khi thu nhập của người lao động Việt Nam không còn chênh lệch nhiều so với các nước khác, chúng ta lấy cái gì để cạnh tranh?", ông nói.

Trả lời câu hỏi này, vị doanh nhân đề cập tới mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của xây dựng bằng cách khai thác những thành tựu của nhiều ngành nghề liên quan. Theo ông, một môi trường tốt sẽ tạo sự cộng hưởng, giao thoa để tạo nên những phát minh, công nghệ mới, giúp Việt Nam cạnh tranh với thế giới, không chỉ bằng chi phí nhân công thấp mà bằng trình độ khoa học kỹ thuật.

Vị doanh nhân sinh năm 1958 cũng có những đánh giá về chuyển biến của thị trường, những cơ hội của ngành xây dựng khi đại dịch được kiểm soát. Ở nhiều nước, chỉ trong 5-6 tháng, 70-80% dân số đã tiêm phòng vaccine và tiến hành mở cửa. Khi chế độ giãn cách xã hội được gỡ bỏ, kinh tế phục hồi nhanh chóng, trong đó, ngành du lịch phát triển ngay lập tức. Các quốc gia cũng đẩy mạnh đầu tư công để khôi phục kinh tế. Việt Nam cũng có làn sóng đầu tư về công nghiệp và đẩy mạnh đầu tư công của nhà nước để khôi phục kinh tế sau đại dịch... Bởi vậy, sau đại dịch, ngành xây dựng sẽ rất "nóng", không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới.

Đề cập đến bài toán nắm bắt cơ hội bứt phá hậu Covid-19, Chủ tịch HĐQT Hòa Bình khẳng định, doanh nghiệp mình phải giải quyết tốt vấn đề tài chính. Trong đó, đẩy mạnh thoái vốn các dự án bất động sản, đáp ứng nguồn vốn bổ sung cho hoạt động kinh doanh cốt lõi. Đồng thời, có những giải pháp khác về tài chính để có đủ nguồn tiền cho sự phát triển của tập đoàn. "Thứ hai, củng cố tinh thần của cán bộ nhân viên sau đại dịch, sẵn sàng cùng ban lãnh đạo thực hiện mục tiêu chiến dịch đó bao gồm cả công tác sắp xếp lại tổ chức, cơ cấu lại. Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lí theo định hướng chuyển đổi số".

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.