TIÊU THỤ NỬA CUỐI NĂM KHỞI SẮC
Doanh thu thuần Q2/2023 của BTS dự kiến đạt 738 tỷ đồng (-7,2% YoY & 20,8% KH2023). Sản lượng tiêu thụ dự phóng đạt 847 nghìn tấn (-3,6% YoY & 22,6% KH2023), trong đó tiêu thụ nội địa đạt 788 nghìn tấn (-4,1% YoY) và xuất khẩu đạt 59 nghìn tấn (+4,5% YoY). Giá xi măng bình quân đạt 1,61 triệu đồng/tấn (+18,4% YoY).
Kỳ vọng lợi nhuận trước thuế Q2/2023 của BTS đạt 15 tỷ đồng (-60,7% YoY & 37,3% KH2023). Biên lợi nhuận gộp Q2/2023 ước đạt 11%; giảm 2,4 đpt so với Q2/2022 khi giá than vẫn neo ở mức cao.
TRIỂN VỌNG KINH DOANH NĂM 2023
Ước tính tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2023 lần lượt đạt 3.170 tỷ đồng (+0,2% YoY & 90% KH2023) và 52 tỷ đồng (-23,2% YoY & 130% KH2023)
Tiêu thụ xi măng trong nước dự kiến phục hồi nhẹ từ kỳ vọng đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong nửa sau 2023 với 2 đại dự án sắp hoàn thành là Cầu Vĩnh Tuy 2 và Kênh đào Sông Đáy – Ninh Cơ. Mảng xuất khẩu kém khả quan hơn khi nhu cầu từ phía Trung Quốc vẫn còn yếu nhưng kỳ vọng được bù đắp một phần từ thị trường Philippines. Sản lượng tiêu thụ trong năm dự kiến đạt ~3,6 triệu tấn (+3,1% YoY & 95,7% KH2023).
Biên lợi nhuận gộp kỳ vọng cải thiện, tăng 1,3 đpt so với cùng kỳ khi giá than nhập khẩu và trong nước đang trong xu hướng giảm nhưng giá điện sản xuất được EVN điều chỉnh tăng từ 04/05/2023.
Về Dự án tận dụng nhiệt thừa để phát điện Nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất theo chủ trương của Tổng công ty VICEM và Bộ Xây Dựng, phía BTS đã triển khai khởi công dự án tận dung nhiệt thừa để phát điện cho hai dây chuyền tại nhà máy trong Q1/2023. Tổng vốn đầu tư của dự án đạt 454 tỷ đồng (~13,7% tổng tài sản của BTS năm 2022). Trong đó, vốn tự có của BTS là 182 tỷ đồng và vốn vay còn lại của dự án là 272 tỷ đồng sẽ được huy động thông qua vay dài hạn ngân hàng từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Hà Nam theo hợp đồng cho vay từng lần trung dài hạn. Khoản vay sẽ được ân hạn trong vòng 16 tháng đầu kể từ ngày giải ngân.
Dự án dự kiến đi vào hoạt động vào Q4/2023 với tổng công suất lắp đặt là 12MW, ước tính sẽ cung cấp khoảng 25 – 30% sản lượng điện cho nhà máy, tương đương 70 – 80 triệu KWh, giúp cắt giảm khoảng từ 4 – 5% chi phi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Giá trị giải ngân dự án năm 2022 đạt ~40 tỷ đồng (~9% tổng vốn đầu tư).
Từ các luận điểm trên, FPTS cho rằng dự án này chưa có tác động lên hoạt động sản xuất kinh doanh của BTS năm 2023 và sẽ không thêm vào phần dự phóng lợi nhuận và định giá doanh nghiệp.
Chi phí lãi vay: BTS đã thực hiện tăng vay nợ vào Q1/2022 và Q4/2022 để tài trợ vốn lưu động. Dự kiến doanh nghiệp sẽ phải chịu thêm áp lực thanh toán khi phần lớn tỷ trọng nợ của doanh nghiệp là nợ ngắn hạn, vốn có thời gian đáo hạn nhanh. Điều này đã được phản ánh vào kết quả kinh doanh Q1/2023 của BTS khi chi phí lãi vay đạt 22,5 tỷ đồng (+86,8% YoY). Chúng tôi ước tính chi phí lãi vay của doanh nghiệp năm 2023 đạt 61,2 tỷ đồng (+14,9% YoY).
BTS đang chiếm dụng vốn của các nhà cung cấp khi các khoản phải trả tăng mạnh trong năm 2022. Tuy nhiên, chiếm 67,5% tỷ trọng của các khoản phải trả này tới từ các nhà cung cấp ngoài nội bộ khiến dòng tiền của BTS có thể gặp áp lực khi chính sách phải trả thay đổi đột ngột. Điều này nếu xảy ra sẽ có tác động rất tiêu cực trong bối cảnh doanh nghiệp đã mất cân đối tài chính ngắn hạn kể từ năm 2018 đến nay.
ĐÁNH GIÁ VÀ KHUYẾN NGHỊ
Bằng phương pháp so sánh EV/EBITDA với mức EBITDA forward năm 2023 là 261 tỷ đồng, chúng tôi xác định mức giá mục tiêu của cổ phiếu BTS là 7.600 đồng/cp.
FPTS khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu BTS. Nhà đầu tư có thể xem xét chốt lời ở mức giá mục tiêu và mua khi cổ phiếu BTS về mức giá 6.300 nghìn đồng.
RỦI RO ĐẦU TƯ
Biến động giá than cám đầu vào Than cám chiếm ~40 – 50% chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Giá than tăng cao có thể khiến biên lợi nhuận của BTS bị bào mòn nghiêm trọng trong bối cảnh áp lực cạnh tranh về đầu ra của ngành là rất lớn khiến doanh nghiệp khó có thể tăng giá bán. Giá than trong năm 2023 được dự báo giảm nhưng hiện vẫn đang đang neo ở mức cao so với trung bình 5 năm trở lại đây và dự kiến sẽ tiếp tục có tác động tiêu cực tới chi phí sản xuất và biên lợi nhuận của BTS.
Rủi ro hoạt động từ thanh tra môi trường Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2023 sẽ thực hiện thanh tra về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của các doanh nghiệp có lưu lượng khí thải và bụi lớn tại tỉnh Hà Nam, trong đó có CTCP Xi măng VICEM Bút Sơn. Nếu BTS không đáp ứng đủ các điều kiện về công tác bảo vệ môi trường tại các dây chuyền của mình, doanh nghiệp có thể đối mặt nguy cơ phải ngừng hoạt động.
Áp lực cạnh tranh từ gia tăng nguồn cung xi măng tại tỉnh Hà Nam: BTS đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh cao khi nhà máy được đặt tại khu vực có nguồn cung xi măng lớn thứ hai cả nước là tỉnh Hà Nam với công suất thiết kế đạt 18,3 triệu tấn. Dự kiến trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục có thêm 2 dây chuyền công suất lớn của Xi măng Xuân Thành (công suất 4,5 triệu tấn/năm) và Xi măng Long Thành (công suất 2,3 triệu tấn/năm) đi vào hoạt động. Chúng tôi cho rằng BTS có thể sẽ phải cân nhắc một chính sách chiết khấu ưu đãi hơn cho các nhà phân phối nhằm gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn (mã BTS)
Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn là đơn vị thành viên Tổng công ty Xi măng Việt Nam, tiền thân là Công ty Xi măng Bút Sơn được thành lập theo Quyết định số 54/BXD-TCLĐ ngày 28/01/1997 của Bộ Xây dựng, khi đó, Công ty có 01 dây chuyền sản xuất hiện đại với công suất thiết kế 4.000 tấn clinker/ngày đêm, tương đương 1,4 triệu tấn xi măng/năm.
Thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước, ngày 06/12/2005 Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty xi măng Bút Sơn.
Ngày 23/3/2006 Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 485/QĐ-BXD điều chỉnh phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty Xi măng Bút Sơn thành Công ty Cổ phần Xi măng Bút Sơn. Từ ngày 01/5/2006, Công ty chuyển hoạt động từ mô hình doanh nghiệp Nhà nước sang hoạt động theo mô hình Công ty Cổ phần, mở đầu chặng đường mới với nhiều cơ hội, khó khăn và thách thức. Ngày 05/12/2006, cổ phiếu Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn với mã cổ phiếu là BTS chính thức giao dịch tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (nay là Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội).
Ngày 17/5/2004, Phó Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 658/CP-CN cho phép đầu tư Dự án dây chuyền II Nhà máy Xi măng Bút Sơn công suất thiết kế 4.000 tấn Clinker/ngày đêm, tương đương 1,6 triệu tấn xi măng/năm. Ngày 26/01/2007, dây chuyền II Nhà máy xi măng Bút Sơn đã được khởi công xây dựng. Ngày 01/12/2010, dây chuyền 2 chính thức đi vào hoạt động, đưa tổng công suất của Công ty lên 3 triệu tấn xi măng/năm.
Kể từ khi đi vào hoạt động, 02 dây chuyền sản xuất luôn đạt và vượt công suất thiết kế; chất lượng sản phẩm tốt, ổn định, đảm bảo TCVN và hầu hết các tiêu chuẩn quốc tế. Sản phẩm xi măng Bút Sơn mang nhãn hiệu “Quả địa cầu” từ năm 1998 đến nay được tiêu thụ tại thị trường trong nước, tự hào là sản phẩm chủ lực cung cấp cho các công trình trọng điểm Quốc gia như: Thủy điện Sơn La, Thủy Điện Na Hang, Sân Vận Động Quốc Gia Mỹ Đình, cầu Thanh Trì, cầu Yên Lệnh, đường Hồ Chí Minh…và đáp ứng phần lớn nhu cầu xây dựng dân dụng. Từ năm 2010, Công ty đã mở rộng xuất khẩu sang một số nước khu vực Châu Á, Châu Phi, Châu Âu…
Đến nay, sau gần 25 năm xây dựng và phát triển, thương hiệu xi măng Vicem Bút Sơn ngày càng được khẳng định trên thị trường trong nước và xuất khẩu, được đông đảo khách hàng tin dùng, đánh giá cao. Công ty luôn duy trì ổn định việc làm cho hơn 1.200 lao động với đời sống, thu nhập ngày càng nâng cao; môi trường, điều kiện làm việc ngày càng được cải thiện.
Với sự phấn đấu bền bỉ và những thành tích đã đạt được trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn đã được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước và các Bộ, Ban ngành, tỉnh, Đoàn thể TW trao tặng: Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ Thi đua của Chính phủ; Bằng Khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ Thi đua Bộ Xây dựng; Bằng khen Bộ Xây dựng, Cờ Thi đua của UBND Tỉnh Hà Nam, Cờ thi đua của Tổng công ty Xi măng Việt Nam…và nhiều phần thưởng cao quý khác.
III.TẦM NHÌN VÀ SỨ MỆNH
1.Tầm nhìn: Trở thành hương hiệu hàng đầu Việt Nam về chất lượng, dịch vụ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xi măng và vật liệu xây dựng. Phát triển bền vững và sản xuất xanh.
2.Sứ mệnh:
- Đối với khách hàng: VICEM Bút Sơn không ngừng nỗ lực mang đến cho khách hàng các sản phẩm với chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách hàng.
- Đối với cổ đông: VICEM Bút Sơn cam kết phát triển doanh nghiệp bền vững và mang lại lợi ích lâu dài cho cổ đông.
- Đối với người lao động: VICEM Bút Sơn cam kết xây dựng môi trường làm việc thân thiện, năng động, sáng tạo, khuyến khích sự đổi mới và chấp nhận thử thách.
- Đối với cộng đồng: VICEM Bút Sơn đề cao trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, hỗ trợ và phát triển cộng đồng
IV. ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2025
1. Về quy mô sản xuất:
- Phấn đấu đến năm 2025, quy mô công suất đạt > 5 triệu tấn sản phẩm/năm.
- Áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ để tối ưu hóa, xử lý triệt để các nút thắt trong sản xuất, cải tạo tăng năng suất, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, giảm giá thành sản xuất.
2. Về chất lượng sản phẩm, dịch vụ: Vicem Bút Sơn không ngừng nỗ lực mang đến cho khách hàng các sản phẩm, dịch vụ tối ưu với chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế nhằm thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của khách hàng.
3. Về thị phần tiêu thụ: Giữ vững thị trường hiện có và tiếp tục phát triển mở rộng thị trường mới; thu hút khách hàng tiềm năng của Công ty bằng chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Phát triển thương hiệu VICEM Bút Sơn gắn với đặc tính sản phẩm có chất lượng cao, ổn định, màu sắc đặc trưng và dịch vụ khách hàng tốt nhất.
4. Về tài chính: Bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ngân sách đối với Nhà nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của cổ đông, khách hàng, người lao động và tham gia trách nhiệm xã hội.
5. Về công tác quản trị: Áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp tiên tiến, trên nền tảng hệ thống quy trình hoạt động được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế; Xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng và năng suất lao động cao, đặc biệt là đội ngũ quản trị, chuyên gia kỹ thuật; xây dựng hình ảnh cán bộ công nhân viên Công ty gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực và trách nhiệm; môi trường làm việc chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại.
6. Sản xuất xanh và phát triển bền vững:
- Áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông tin, tự động hóa trong quản trị hoạt động sản xuất, hướng tới mô hình nhà máy thông minh.
- Chung tay cùng xã hội xử lý các vấn đề về môi trường như: Xử lý chất thải công nghiệp, đồng xử lý chất thải nguy hại…
- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm tiêu hao nhiệt, giảm phát thải trong sản xuất, hướng tới mục tiêu sản xuất xanh và phát triển bền vững.
- Tận dụng nhiệt khí thải để phát điện, tự cung cấp một phần sản lượng điện phục vụ sản xuất, đồng thời giảm lượng phát thải bụi và khí CO2, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp./.