Nhà đầu tư tố lãnh đạo HoSE vô trách nhiệm, Năng lực quản trị yếu kém

ĐĂNG NGUYÊN

10/06/2021 18:17

Nhà đầu tư giận dữ với tình trạng hệ thống giao dịch tại HoSE yếu kém, tắc nghẽn hơn nửa năm ròng nhưng không một lãnh đạo nào của HoSE nhận trách nhiệm, không một lời xin lỗi mà chỉ đưa ra các giải pháp mang tính chắp vá, phi thị trường.

Nhà đầu tư tố HoSE vô trách nhiệm - Ảnh 1.

Với tình trạng nghẽn lệnh và bảng giá bị treo trong nhiều phiên, nhà đầu tư chứng khoán như bị "bịt mắt" khi giao dịch. Trong ảnh: nhà đầu tư theo dõi thị trường - Ảnh: BÔNG MAI

Điệp khúc nghẽn lệnh

Trong phiên giao dịch ngày 1-6, lần đầu tiên trong lịch sử 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam, sàn HoSE thông báo ngừng giao dịch phiên chiều vì... tiền quá nhiều, tổng giá trị giao dịch phiên sáng tại sở đã vượt 21.700 tỉ đồng, với lý do nếu mở phiên chiều sẽ "dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống".

Tình trạng nghẽn lệnh tại sàn HoSE bắt đầu xuất hiện từ giữa năm 2020, khi số lượng nhà đầu tư F0 tham gia thị trường nhiều hơn và giá trị giao dịch tại sàn này ngày càng lớn. 

Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 9-6-2020, lỗi hệ thống giao dịch trong phiên ATC trên HoSE ảnh hưởng đến tất cả các lệnh giao dịch liên quan. HoSE phải tạm ngừng giao dịch và hủy đợt giao dịch khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa phiên này.

Và từ cuối năm 2020 đến nay, khi số lượng nhà đầu tư F0 tăng mạnh với giá trị giao dịch mỗi phiên lên tới hàng tỉ USD, tình trạng nghẽn lệnh tại sàn HoSE diễn ra như cơm bữa. 

Đổ lỗi cho công nghệ thông tin

Điều gây bức xúc đối với nhiều nhà đầu tư là với hàng loạt sự cố nghẽn lệnh, bảng giá bị treo khiến nhà đầu tư như bị "bịt mắt" khi giao dịch nhưng lãnh đạo HoSE luôn né tránh trách nhiệm hoặc đổ lỗi cho lý do khách quan. 

Chẳng hạn, vào tháng 12-2020, sau khi nhà đầu tư liên tục phản ảnh tình trạng nghẽn lệnh, lãnh đạo HoSE lại khẳng định "hệ thống giao dịch của HoSE diễn ra hoàn toàn bình thường, không ghi nhận bất kỳ lỗi nào liên quan đến các tiến trình trong việc khớp lệnh"!

Trong hơn một năm qua, trước hàng loạt sự cố diễn ra, chỉ một lần HoSE có văn bản chính thức thông tin tổng thể về tình trạng quá tải hệ thống giao dịch và một số giải pháp khắc phục. 

Cụ thể, theo giải thích của HoSE, do số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mới và giá trị giao dịch có sự gia tăng đột biến nên gây ra hiện tượng quá tải hệ thống. Cũng trong văn bản này, lãnh đạo HoSE không một lời xin lỗi hay nhận trách nhiệm với nhà đầu tư.

"Không giải quyết vấn đề nghẽn lệnh cho nhà đầu tư, gây thiệt hại tài sản, tổn hại tâm lý người tham gia thị trường rất lớn. Lãnh đạo vô trách nhiệm, phát biểu vòng vo, bao biện" - anh Hoàng, một nhà đầu tư chứng khoán, bức xúc khi đề cập đến tình trạng liên tục bị nghẽn mạng tại sàn HoSE trong hơn nửa năm qua.

Nhà đầu tư Nguyễn Huy cũng bức xúc cho rằng thị trường chứng khoán VN đã hoạt động hơn 20 năm, phát triển cấp số nhân. Nhưng khi phát sinh rủi ro, đại diện HoSE lại đổ lỗi công nghệ thông tin không đáp ứng được. 

Điều này cho thấy năng lực quản lý của Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Sở Giao dịch có vấn đề bởi không thể dự báo sự phát triển của thị trường, sự tăng trưởng của quy mô vốn, tăng trưởng doanh nghiệp niêm yết.

"Các cơ quan này không muốn thị trường lớn lên theo nền kinh tế đất nước hay sao mà lại nói không lường trước được. Sự quản lý yếu kém này làm trì trệ sự tăng trưởng của thị trường, mất lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước, gây thiệt hại gián tiếp nhưng rất lớn đến tài chính của nhà đầu tư", anh Nguyễn Huy nói.

Ngày 4-5 vừa qua, trong một thông cáo được công bố, Bộ Tài chính giải thích rằng nguyên nhân chính dẫn đến sự quá tải và nghẽn lệnh trong thời gian vừa qua là do thanh khoản thị trường tăng trưởng quá nhanh, trong khi năng lực xử lý của hệ thống giao dịch hiện tại có giới hạn. 

Bộ này cũng khẳng định việc thay thế sang hệ thống giao dịch mới để đáp ứng nhu cầu giao dịch ngày càng tăng của thị trường là nhu cầu cấp thiết nên đã yêu cầu HoSE và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin thị trường chứng khoán mới - dự án ký với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) - vào hoạt động.

Dự án này dự kiến hoàn thành trong năm 2020 nhưng bị kéo dài do dịch COVID-19, ảnh hưởng đến việc chuyên gia nước ngoài có mặt đầy đủ đúng thời hạn triển khai công việc. 

"Trong thời gian chờ hệ thống mới, Bộ Tài chính đã quyết định lựa chọn phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin do Tập đoàn FPT cung cấp. Phương án này hiện đang được gấp rút triển khai, khi hoàn thành sẽ giải quyết được triệt để tình trạng nghẽn lệnh", thông cáo cho biết.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia chứng khoán, việc FPT tham gia "giải cứu" sàn HoSE không phải do Bộ Tài chính chủ động đề nghị mà tại sự kiện "Đối thoại 2045" ngày 6-3 ở TP.HCM, ông Trương Gia Bình (chủ tịch Tập đoàn FPT) đã xung phong tham gia, trước khi được Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính giải quyết nhanh đề xuất cho doanh nghiệp tư nhân xử lý tình trạng tắc nghẽn giao dịch trên sàn HoSE.

Trong khi đó, gói thầu "Thiết kế, giải pháp, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin" được HoSE ký hợp đồng dịch vụ công nghệ thông tin với KRX từ năm... 2012 đến nay vẫn chưa triển khai xong!

Theo TS Hồ Quốc Tuấn, lãnh đạo ngành chứng khoán luôn đặt mục tiêu tăng số tài khoản, nhà đầu tư tham gia giao dịch, nâng hạng thị trường, nhưng vì sao không nâng cấp hệ thống công nghệ sớm hơn để đón đầu mục tiêu đó? "Quyền lực trong tay Sở Giao dịch và không có sự cạnh tranh đáng kể trong vai trò xử lý thanh toán trung tâm thì HoSE muốn làm gì cũng được", ông Tuấn đặt vấn đề.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hải, phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính VN, khẳng định sự cố nghẽn lệnh chính là kết quả của sự yếu kém về năng lực quản trị của HoSE.

Cập nhật ngày 9/6/2021: Sàn HoSE gánh 'bão' đánh giá 1 sao, nhà đầu tư tố lãnh đạo trốn trách nhiệm

Bức xúc vì bị thiệt hại do sàn giao dịch tắc nghẽn trong thời gian dài, nhiều nhà đầu tư đang đồng loạt đánh giá "1 sao" cho Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) trên Google. Lãnh đạo sàn bị tố bao biện, trốn tránh trách nhiệm.

Sáng nay 9-6, hàng loạt nhà đầu tư chứng khoán ào ạt đánh giá "1 sao" tại thông tin giới thiệu Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) trên Google.

Tức nước vỡ bờ, nhiều nhà đầu tư còn cho biết do Google không có đánh giá "0 sao", chứ không họ sẽ đánh giá "0 sao" cho HoSE thay vì "1 sao" như hiện nay.

Vào lúc 9h HoSE đã nhận 300 đánh giá, hơn 2 tiếng sau, con số này tăng lên trên 1.000 đánh giá. Số lượng tài khoản đánh giá càng tăng, "sao" của HoSE lại càng bị tụt xuống, đang nằm mốc 1,2/5 sao.

Sàn HoSE gánh bão đánh giá 1 sao, nhà đầu tư tố lãnh đạo trốn trách nhiệm - Ảnh 2.
 
Sàn HoSE gánh bão đánh giá 1 sao, nhà đầu tư tố lãnh đạo trốn trách nhiệm - Ảnh 3.
 
Sàn HoSE gánh bão đánh giá 1 sao, nhà đầu tư tố lãnh đạo trốn trách nhiệm - Ảnh 4.

"Bão" 1 sao trên Google dồn dập đổ vào Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM - Ảnh: chụp màn hình

Cơn bức xúc này xuất phát từ tình trạng tắc nghẽn liên tục diễn ra trên sàn HoSE, bảng giao dịch "treo cứng" trong thời gian dài, nhà đầu tư bị "bịt mắt" khi giao dịch. Để "giải cứu" sàn HoSE, các công ty chứng khoán còn không cho khách hàng của mình sửa/hủy lệnh giao dịch, khiến gia tăng rủi ro đầu tư.

"Lãnh đạo không có tâm, không có tầm nhìn, hệ thống lỗi thời, sòng bạc tỉ đô, 1 sao", một nhà đầu tư đánh giá.

Đáng chú ý, hàng loạt nhà đầu tư bày tỏ phẫn nộ, không phục năng lực của những người lãnh đạo sàn HoSE và đề nghị từ chức.

"Hệ thống giao dịch lỗi thời. Vài năm không nâng cấp được lên. Lãnh đạo chỉ biết trốn tránh trách nhiệm. Tồi tệ", tài khoản Lê Tiến Mạnh chia sẻ.

"Sàn thì lag, nhà đầu tư thiệt hại quá nhiều. Lãnh đạo không biết xin lỗi, đẩy trách nhiệm, câu từ bao biện. Từ chức đi", một nhà đầu tư phẫn nộ.

Bảng giá chập chờn, không cho hủy/sửa lệnh, giao dịch trong mù mịt, nên nhiều người ví việc đầu tư chứng khoán như đánh bạc.

Tài khoản Vũ Quỳnh lên tiếng: "Nghẽn lệnh, không hủy và sửa được lệnh có khác gì cờ bạc bịp không? Nhà đầu tư quá thất vọng với HoSE, đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - PV) có biện pháp xử lý vấn đề này".

Sàn HoSE gánh bão đánh giá 1 sao, nhà đầu tư tố lãnh đạo trốn trách nhiệm - Ảnh 5.

Bảng điểm của sàn HoSE lại bị đơ nặng trong phiên 9-6 - Ảnh: chụp màn hình

Ở phiên sáng nay, trong khi các dữ liệu về điểm và thanh khoản bên sàn HNX được chạy liên tục, thì bảng giá sàn HoSE lại bị "đơ", chỉ số VN-Index bị "treo cứng" trong thời gian dài. Đồ thị của chỉ số VN-Index là những đường ngang, gấp khúc, không phản ánh chính xác biến động của thị trường.

Đến 10h hơn mà sàn HoSE vẫn báo thanh khoản 3.788 tỉ đồng. Lúc hơn 11h, thanh khoản chỉ neo ở mốc 9.006 tỉ đồng, thấp hơn rất nhiều so với thực tế của sàn trong những phiên trước. Chốt phiên sáng, sàn HoSE đột ngột nhảy thanh khoản lên hơn 15.594 tỉ đồng, chuyển từ sắc đỏ (giảm điểm) sang xanh (tăng giá).

Tình trạng nghẽn lệnh kéo dài hơn nửa năm nay. Lãnh đạo HoSE phản ứng bằng cách đưa ra giải pháp nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu, nhưng bị các thành viên trên thị trường phản đối. 

Trong một tuần nay nhà đầu tư lại bị ép không được sửa/hủy lệnh nên hết sức bức xúc. Dù vậy,  đến nay lãnh đạo sàn HoSE chưa có một lời xin lỗi chính thức.

Hiện nay với mỗi giao dịch nhà đầu tư phải trả cho HoSE khoản phí cố định ở mức 0,027%/tổng giá trị giao dịch. Riêng năm 2020, HoSE ghi nhận lãi sau thuế xấp xỉ 553 tỉ đồng, tăng gần 46% so với năm trước.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.