1. Kế hoạch kinh doanh năm 2024: Doanh thu: 3,8 nghìn tỷ đồng. LNST: 440 tỷ đồng.
Theo ACG, các mục tiêu này được đặt ra vào đầu năm và mang tính thận trọng. Trong trường hợp triển vọng thị trường cải thiện vào giữa năm 2024, ACG sẽ nâng mục tiêu của công ty.
2. Thị trường trong nước
Thị trường BĐS còn yếu tiếp tục gián tiếp ảnh hưởng đến khoảng 1/3 doanh số của ACG. Ngoài ra, ACG cũng bị ảnh hưởng bởi thu nhập khả dụng của người tiêu dùng thấp hơn. Công ty kỳ vọng nhu cầu sẽ phục hồi đáng kể trong năm 2025 thay vì năm 2024.
Với việc ACG đã bao phủ 63 tỉnh/thành phố của Việt Nam, công ty sẽ giảm tốc độ mở rộng số lượng showroom và showroom nhượng quyền.
Thay vào đó, công ty sẽ tập trung vào chất lượng của các điểm bán này, nâng cao nhận diện thương hiệu và R&D. ACG đã có bộ phận thương mại điện tử và showroom trực tuyến. Những động thái này giúp ACG chuẩn bị cho sự phục hồi của thị trường và hỗ trợ gia tăng thị phần cho phân khúc trung và cao cấp trong tương lai.
3. Thị trường xuất khẩu
Theo ACG, doanh thu xuất khẩu của công ty tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước trong năm 2024, đạt ~1,2 nghìn tỷ đồng. Doanh thu xuất khẩu quý 1/2024 của ACG tăng 34% YoY. Công ty đã nhận được các đơn hàng để bàn giao đến tháng 11/2024. ACG dự kiến nhu cầu sẽ còn tốt hơn trong trung hạn cũng như dư địa cải thiện biên lợi nhuận gộp của mảng xuất khẩu.
Sumitomo Forestry – đối tác chiến lược và cổ đông của công ty chỉ đóng góp một phần nhu cầu xuất khẩu. Thay vào đó, thành công gần đây trong mảng xuất khẩu của công ty chủ yếu nhờ (1) việc phát triển và marketing các sản phẩm nội thất cao cấp nhưng giá thấp hơn 15% so với các sản phẩm tương tự của Đức và Ý và (2) khách hàng Mỹ - thị trường chính của ACG chuyển sang ưa chuộng các sản phẩm này. ACG sẽ tập trung vào thị trường Mỹ và Đông Nam Á trong tương lai.
Nhà máy sản xuất sản phẩm xuất khẩu của ACG đã hoạt động tối đa công suất kể từ giữa năm 2023. Công ty thuê ngoài một phần đơn hàng cho các nhà sản xuất khác. ACG đã chính thức hóa các quy trình thuê ngoài gia công rõ ràng và có kế hoạch sẽ dựa vào thuê ngoài một phần trong tương lai, thay vì mở rộng công suất sản xuất ngay khi đơn hàng vượt quá công suất. Việc này giúp bảo vệ ACG một phần trước tính chu kỳ của nhu cầu thị trường.
Về việc tuân thủ ESG, ACG cam kết công ty là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sản xuất sản phẩm gỗ của Việt Nam và hiện đáp ứng 85% yêu cầu ESG của khách hàng. Công ty đang liên tục áp dụng các công nghệ và biện pháp mới nhằm đáp ứng các yêu cầu cao hơn và giành được đơn hàng từ các khách hang.
4. Vốn đầu tư XDCB và hiệu suất công suất
Kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm 2024: 80 tỷ đồng so với 48 tỷ đồng trong năm 2023, chủ yếu cho việc bảo trì và đầu tư nâng cấp nhỏ.
ACG đang hoạt động ở mức ~70% tổng công suất và có thể tăng doanh thu của công ty lên 6 nghìn tỷ đồng khi sử dụng tối đa công suất và 8-9 nghìn tỷ đồng nếu bao gồm cả thuê ngoài. Trong khi công suất sản xuất sản phẩm xuất khẩu đã được vận hành tối đa, các sản phẩm trong nước khác như dây chuyền sản xuất cửa và sàn chỉ hoạt động ở mức ~60% công suất.
5. Chuyển đổi số và tối ưu chi phí
ACG đã đẩy mạnh chuyển đổi số và đơn giản hóa cơ cấu tổ chức vào năm 2023 tại các mảng kho bãi, logistics, và kênh dự bán BĐS. Điều này một phần dẫn đến việc số lượng nhân viên của công ty đã giảm 6% YoY vào cuối năm 2023, nhưng con số này dự kiến sẽ tăng thêm 2% trong năm 2024 khi doanh thu phục hồi.
6. Đầu tư tài chính
ACG kỳ vọng thu nhập tài chính sẽ giảm do công ty giảm mức độ chấp nhận rủi ro sau khi một số khoản đầu tư có rủi ro cao hơn đáo hạn vào năm 2023. Về khoản vay của ACG cho Novareal, Novareal đã trả 10% và dự kiến sẽ trả thêm vào đầu tháng 6/2024.
7. Cổ tức
Năm tài chính 2023: 1.500 đồng/cổ phiếu (700 đồng/cổ phiếu đã thanh toán trong quý 4/2023, 800 đồng/cổ phiếu dự kiến thanh toán trong quý 2/2024).
Năm tài chính 2024: Tối thiểu 15% mệnh giá (bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu). Công ty nỗ lực nâng tỷ lệ này lên 20-25% nếu KQKD năm 2024 thuận lợi.
Thành viên cập nhật ngày 12/5/2022: tăng trưởng khả quan, giá mục tiêu 88.800 đồng/cp
Kỳ vọng LN ròng sẽ tăng 30%/29% svck trong 2022-23 nhờ sự phục hồi của thị trường BĐS và tăng doanh số xuất khẩu.
Hưởng lợi từ mảng xây dựng dân dụng đang trên đà hồi phục: kỳ vọng thị trường BĐS nhà ở sẽ phục hồi vào năm 2022-23, được hỗ trợ bởi: 1) sự phục hồi chung dựa trên các yếu tố cơ bản vĩ mô thúc đẩy thị trường BĐS vào năm 2022; 2) quyết định mua nhà ở được củng cố bởi lãi suất cho vay hợp lý.
Với việc là nhà sản xuất gỗ ép hàng đầu với lượng khách hàng trung thành lớn, ACG có nhiều lợi thế hơn để giành được các hợp đồng cung cấp đồ gỗ nội thất cho các dự án khu dân cư lớn vào năm 2022-23.
Nhà máy sản xuất ván MDF sẽ cải thiện biên LN gộp của ACG trong 2023: ACG có kế hoạch thành lập liên doanh với Sumitomo để xây dựng nhà máy ván MDF – nguyên liệu đầu vào chính của doanh nghiệp. Khi dự án hoàn thành, ACG sẽ trở thành nhà sản xuất ván MDF lớn thứ 4 tại Việt Nam.
Dự phóng nhà máy MDF sẽ giúp ACG tự chủ được 40% nguyên liệu đầu vào mảng gỗ ép và cải thiện biên LN gộp của ACG trong 2023-24 thêm 0,3-0,7 điểm %.
Lấy lại đà tăng trưởng trong 2022: Sau 2 năm liên tiếp doanh thu tăng trưởng âm (-15,4%/-12,3% svck trong năm 2020-21), VNDirect kỳ vọng doanh thu của ACG sẽ tăng trưởng trở lại trong 2022-23 do thị trường bất động sản nhà ở phục hồi. Với những lượng hợp đồng ký mới sẵn sàng xây dựng của các chủ đầu tư lớn, chúng tôi tin rằng công ty có đủ khả năng cung cấp gỗ để xây dựng và hoàn thiện nội thất tại các dự án trong năm 2022-23.
Do đó, VNDirect dự báo DT và LN ròng của ACG sẽ tăng 36,8%/29,7% svck vào năm 2022 và tăng 28%/28,7% svck vào năm 2023.
Báo cáo lần đầu với khuyến nghị khả quan và giá mục tiêu 88.800 đ/cp
Giá mục tiêu của VNDirect dựa trên định giá DCF 10 năm (WACC: 9,1%; tăng trưởng dài hạn: 1,5%). VNDirect ưa thích ACG vì vị thế hàng đầu và thương hiệu mạnh trong lĩnh vực đồ gỗ nội thất. Ngoài ra, kế hoạch chuyển sàn của ACG cũng là luận điểm đầu tư ngắn hạn.
Tiềm năng tăng giá đến từ 1) nhu cầu gỗ nội thất trong nước cao hơn dự kiến, và 2) nhà máy MDF hoàn thành sớm hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá là thị trường bất động sản phục hồi chậm hơn sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ gỗ nội thất tại thị trường nội địa.