Giá dầu thô đạt đỉnh trong năm 2022 là nguyên nhân chính giúp cho GAS ghi nhận doanh thu 100,724 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 14,798 tỷ đồng, cao nhất kể từ ngày thành lập Tổng công ty.
Kết quả kinh doanh 2023 vẫn tích cực dù đã đi qua đỉnh. Giá dầu bình quân năm 2023 được dự báo thấp hơn khoảng 20% so với năm 2022 sẽ khiến doanh thu và lợi nhuận của GAS không thể duy trì ở vùng đỉnh. Mặc dù vậy, mặt bằng giá dầu vẫn ở mức cao sẽ hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của PVGas do sản lượng dự kiến tiếp tục ổn định.
Tiền mặt dồi dào là tấm nệm tài chính an toàn trong bối cảnh lãi suất cao và tình hình kinh doanh ít thuận lợi hơn. Tiền mặt ròng của PVGas tại BCTC Q4.2022 đạt gần 12,800 tỷ đồng. Trong môi trường lãi suất cao, lượng tiền mặt dồi dào giúp GAS hạn chế rủi ro gia tăng chi phí lãi vay đáng kể khi kết quả kinh doanh năm 2023 được kỳ vọng là giảm so với năm trước.
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2023 của PVGas được dự báo là 85,035 tỷ đồng và 10,457 tỷ đồng. Giả định giá dầu thô bình quân năm 2023 là 80 USD/thùng và giá CP bình quân năm 2023 là 700 USD/tấn. Sản lượng khí khô sản xuất và tiêu thụ năm 2023 dự báo đạt 7.7 tỷ m3, giảm nhẹ 1.3% so với năm 2022 do trữ lượng các mỏ khí hiện đang khai thác suy giảm nhanh chóng.
CTCK Dầu khí (PSI) xác định giá mục tiêu 12 tháng của GAS là 105,100đ/cp, khuyến nghị NẮM GIỮ dựa trên các giả định (1) kết quả kinh doanh năm 2023 vẫn tích cực dù đã đi qua đỉnh (2) triển vọng dài hạn từ dự án Lô B – Ô Môn.
Rủi ro đối với kết quả định giá: (1) Giá dầu biến động mạnh so với ước tính của chúng tôi, ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng, doanh thu và lợi nhuận của PVGas. (2) Lãi suất giảm nhanh hơn dự kiến tác động trực tiếp tới thu nhập từ hoạt động tài chính của PVGas. (3) Dự án Lô B – Ô Môn triển khai chậm hơn kế hoạch làm ảnh hưởng tới các dự phóng về vốn đầu tư đường ống dẫn khí và kết quả kinh doanh của PVGas kể từ năm 2026.
Cập nhật ngày 31/03/2021: Động lực tăng trưởng tốt, đã có mỏ và giờ thêm kho
Năm 2020, doanh thu GAS đạt 64,150 tỷ VND (- 14.5% YoY), lợi nhuận đạt 7,928 tỷ VND (-34.4% YoY) do ảnh hưởng của giá dầu giảm 33.5% YoY làm biên lợi nhuận gộp (BLNG) giảm xuống còn 17.7% (so với mức 22.6% của năm 2019).
GAS cũng đã cắt giảm các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt còn 1,943 tỷ VND (-18.9% YoY) và 769 tỷ VND (-12.1% YoY).
Trong năm 2020, GAS đã thực hiện dự án đường ống Sao Vàng – Đại Nguyệt và đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn – Giai đoạn 2. GAS cũng đang thực hiện dự án kho chứa LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải (dự tính sẽ đi vào hoạt động Q3/2022).
Với dự phóng giá dầu Brent đạt trung bình 60 USD/thùng trong năm 2021, ước tính doanh thu GAS đạt 71,912 tỷ VND (+12.1% YoY) với tổng lượng khí tiếp nhận dự phóng đạt 9.9 tỷ m3 (+8.7% YoY).
LNST năm 2021 ước đạt 10,892 tỷ VND (+37.4% YoY), BLNG phục hồi ở mức 19.1% (phục hồi 1.4% so với mức BLNG năm 2020, do nhu cầu các sản phẩm khí tăng cao, GAS có thể thương lượng mức biên lợi nhuận cao hơn năm 2020).
Đối với các mỏ ở hệ thống Khí Cửu Long (09-1, 16-1, 09-2, 15-1), giá khí tại mỏ bằng 46% MFO (giá trung bình theo tháng của dầu FO Singapore), cước phí vận chuyển khoảng 0.98 – 1.5 USD/mmBTU, tính trượt giá 2%/năm. Chúng tôi ước tính tổng sản lượng khí năm 2021 ở hệ thống khí Cửu Long đạt 1.2 tỷ m3, doanh thu dự phóng đạt 6,376 tỷ VND.
Đối với các mỏ ở hệ thống khí Nam Côn Sơn (lô 06-1, 11-2, 05-2, 05-3), giá khí tại mỏ được xác định bằng giá khí thỏa thuận theo giá cơ sở ban đầu, sau đó trượt đều hàng năm theo tỉ lệ cố định 2%. Ước tính, sản lượng khí năm 2021 từ hệ thống khí Nam Côn Sơn ước đạt 6.7 tỷ m3 khí/năm, doanh thu dự phóng đạt 23,961 tỷ VND.
Đối với các mỏ ở hệ thống khí PM3 – Cà Mau (PM2 CAA) GAS chỉ hưởng doanh thu trên việc vận chuyển khí với cước phí vận chuyển khoảng 0.98 – 1.5 USD/mmBTU. Sản lượng khí ở hệ thống khí PM3 – Cà Mau đạt 2 tỷ m3/năm.
Đối với các mỏ khí ở hệ thống khí Hàm Rồng – Thái Bình (102 Thái Bình và 106 Hàm Rồng): Sản lượng khí khoảng 160 triệu m3/năm, cung cấp khí thiên nhiên cho KCN Tiền Hải và nén cao áp (CNG), vận chuyển bằng xe chuyên dụng đến các hộ công nghiệp xa KCN Tiền Hải.
GAS hiện đang phân phối độc quyền khí thiên nhiên bằng đường ống từ các mỏ khí ở ngoài khơi vào đất liền. GAS cũng đang chiếm khoảng 75% thị phần khí hóa lỏng LPG: Trong dài hạn, thị trường LPG Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển khi nhu cầu LPG dân dụng và LPG cho khách hàng công nghiệp gia tăng.
GAS có kế hoạch mở rộng, nâng công suất kho chứa LNG 1 triệu tấn/năm tại Thị Vải lên 3 triệu tấn/năm (khách hàng chính là nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4), bắt đầu hoạt động vào Q3/2022. GAS cũng đầu tư thêm các kho LNG Sơn Mỹ (khách hàng chính là Nhà máy điện Sơn Mỹ 1&2), LNG Hải Phòng và Long An (nhà máy điện và các hộ tiêu thụ công nghiệp).
Bên cạnh đó, trữ lượng khí lớn từ Mỏ Kèn Bầu (200 - 255 tỷ m3 khí và 400 - 500 triệu thùng khí ngưng tụ (condensate)) và mỏ Cá Voi Xanh (150 tỷ m3 khí).
Các dự án mới kỳ vọng sẽ mang lại tăng trưởng doanh thu ổn định cho GAS trong dài hạn, bù đắp rủi ro thiếu khí khi các mỏ khí cũ đang dần cạn kiệt.
Định giá và khuyến nghị
Dựa trên phương pháp DCF và P/E, CTCK Phú Hưng (PHS) ước tính mức giá hợp lý của cổ phiếu GAS năm 2021 là 102,000 VND/cố phiếu. Từ đó đưa ra khuyến nghị MUA cho cổ phiếu này.
Ngày 26/2/2021 vừa qua, Công ty Chứng khoán Dầu Khí (PSI) cũng đã Phân tích cổ phiếu GAS, xét động lực từ nguồn khí Sao Vàng Đại Nguyệt, khuyến nghị MUA cổ phiếu GAS với giá mục tiêu 1 năm là 89.400 đồng/cp dựa trên hệ số P/E mục tiêu là 17,9.
Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS)
Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP là đơn vị thành viên thuộc Tập Đoàn Dầu Khí Quốc gia Việt Nam, hoạt động trên các lĩnh vực thu gom, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí trên phạm vi toàn quốc và mở rộng ra thị trường quốc tế.
Sản phẩm:
Khí khô
Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG)
Khí ngưng tụ (Condensate)
Khí thiên nhiên nén (CNG)
Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)
Ống thép dầu khí
Dịch vụ:
Vận chuyển khí và các sản phẩm khí
Thiết kế, xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa công trình khí
Dịch vụ kho cảng cho các dịch vụ xuất nhập khẩu khí
Cung cấp vật tư, thiết bị ngành khí
Bọc ống dầu khí (bọc chống ăn mòn, cách nhiệt, bê tong gia trọng)
Lịch sử hình thành và phát triển PV GAS
Ý tưởng về một ngành công nghiệp khí đã được hình thành từ đầu những năm 90 khi sản lượng khí đồng hành mỏ Bạch Hổ, nếu không đưa vào bờ để sử dụng sẽ phải đốt bỏ ngoài khơi. Do đó, ngày 20/09/1990, PV GAS được thành lập trên cơ sở Ban Quản lý Công trình Dầu khí Vũng Tàu với tên gọi ban đầu là Công ty Khí đốt và với chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là thu gom, nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, phân phối, kinh doanh khí và các sản phẩm khí.
Hệ thống khí thứ nhất – Hệ thống khí Cửu Long
Ngay sau khi thành lập, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV GAS đã bắt tay ngay vào việc triển khai Hệ thống khí thứ nhất – Hệ thống khí Bạch Hổ, sau này phát triển mở rộng thành Hệ thống khí Cửu Long, bao gồm: Giàn nén khí ngoài khơi, Hệ thống đường ống vận chuyển khí từ các mỏ dầu khí thuộc bể Cửu Long, vào bờ và lên đến Phú Mỹ, Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, Kho chứa và cảng xuất sản phẩm lỏng tại Thị Vải, các Trạm phân phối khí. Để sớm đưa khí vào bờ đáp ứng nhu cầu sử dụng khí, Hệ thống được chia thành các giai đoạn để thực hiện.
Đầu quý II/1995, phần đưa sớm khí vào bờ đã hoàn thành; dòng khí đầu tiên được đưa vào bờ vào ngày 26/04/1995 từ mỏ Bạch Hổ để cung cấp cho Nhà máy điện Bà Rịa với công suất 1 triệu m3/ngày, góp phần giảm bớt khoản chi ngoại tệ rất lớn từ ngân sách Nhà nước để nhập khẩu diesel làm nhiên liệu cho Nhà máy điện.
Tiếp theo đó, cùng với việc hoàn thành giàn nén khí nhỏ, giàn nén khí lớn ngoài khơi và hệ thống đường ống dẫn khí trên bờ, công suất đưa khí vào bờ được nâng dần lên 2 triệu m3/ngày vào đầu năm 1997 và 3 triệu m3/ngày vào cuối năm 1997, trên 5 triệu m3/ngày vào năm 2002 để vận chuyển thêm nguồn khí từ các mỏ khác thuộc bể Cửu Long: mỏ Rạng Đông 2002, Cá Ngừ Vàng, Phương Đông 2008, Sư Tử Vàng, Sư Tử Đen 2009, Vòm Bắc, Rồng, Đồi Mồi 2010, Tê Giác Trắng 2011, Hải Sư Đen, Hải Sư Trắng 2013, Đại Hùng năm 2015, Thiên Ưng năm 2016… đến các nhà máy điện, đạm, khách hàng công nghiệp khác tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP HCM.
Việc hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy xử lý khí Dinh Cố và Kho chứa và cảng xuất sản phẩm lỏng PV GAS vào cuối năm 1998 là một sự kiện có ý nghĩa to lớn về mặt kỹ thuật, kinh tế, xã hội. Lần đầu tiên LPG và Condensate được sản xuất tại Việt Nam. Từ tháng 5/1999, PV GAS đã đáp ứng phần lớn nhu cầu LPG trong nước với chất lượng tốt và giá cạnh tranh, thay thế cho mặt hàng lâu nay Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Đến nay, Hệ thống khí Cửu Long không ngừng được phát triển, với giàn nén khí ngoài khơi, hệ thống đường ống dẫn khí dài 107 km từ bể Cửu Long vào bờ (công suất thiết kế: 2 tỷ m3 khí/năm), đến các hộ tiêu thụ tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP HCM, Trung tâm phân phối khí Phú Mỹ, Nhà máy xử lý khí Dinh Cố (công suất thiết kế: 2 tỷ m3 khí, 350 nghìn tấn LPG và 130 nghìn tấn Condensate/năm), Kho chứa và cảng xuất sản phẩm lỏng tại Thị Vải (công suất chứa theo thiết kế: trên 71.000 tấn LPG, 46.000 m3 Condensate; 2 cầu cảng 60.000 DWT và 2.000 DWT).
Hệ thống khí thứ hai – Hệ thống khí Nam Côn Sơn
Phát huy những thành tựu to lớn đã đạt được từ Hệ thống khí Cửu Long, PV GAS tiếp tục triển khai Hệ thống khí thứ hai – Hệ thống khí Nam Côn Sơn với sự tham gia của các đối tác nước ngoài là những Tập đoàn Dầu khí lớn trên thế giới, bao gồm hệ thống đường ống dài trên 400 km từ các mỏ thuộc bể Nam Côn Sơn, Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn. Tháng 12/2002, Hệ thống khí Nam Côn Sơn đã hoàn thành những hạng mục quan trọng, dòng khí đầu tiên từ mỏ Lan Tây, Lan Đỏ được đưa vào bờ đến các hộ tiêu thụ. Tiếp sau đó, Hệ thống khí Nam Côn Sơn lần lượt tiếp nhận thêm nguồn khí từ các mỏ khác thuộc bể Nam Côn Sơn (Rồng Đôi, Rồng Đôi Tây năm 2006, Chim Sáo, Dừa năm 2011, Hải Thạch, Mộc Tinh năm 2013).
Hệ thống khí thứ ba – Hệ thống khí PM3 - Cà Mau
Để phát triển thị trường tiêu thụ khí tại khu vực Tây Nam Bộ, PV GAS đã đầu tư Hệ thống khí PM3 – Cà Mau với 325 km đường ống khí ngoài khơi và trên bờ, công suất thiết kế trên 2 tỷ m3 khí/năm, Trung tâm phân phối khí Cà Mau, đưa khí mỏ PM3-CAA, 46 CN thuộc bể Malay – Thổ Chu cấp cho các nhà máy điện và nhà máy đạm tại Cà Mau từ 5/2007. Cuối năm 2017, PV GAS đã đưa vào vận hành Nhà máy xử lý khí Cà Mau sản xuất LPG và Condensate, gia tăng giá trị nguồn khí PM3. Hệ thống khí PM3-Cà Mau góp phần phát triển kinh tế tỉnh Cà Mau và đồng bằng sông Cửu Long.
Hệ thống khí thứ tư – Hệ thống khí Hàm Rồng – Thái Bình
Do một số hạn chế về đặc tính kỹ thuật của thành phần khí bể Sông Hồng và thị trường tiêu thụ nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng ngành khí tại miền Bắc tương đối muộn hơn so với miền Nam.
Hệ thống khí Hàm Rồng – Thái Bình với 25km đường ống khí ngoài khơi và trên bờ, công suất thiết kế 500 triệu m3 khí/năm bắt đầu được vận hành vào 7/8/2015, cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp tại Thái Bình và các tỉnh lân cận, mở đường cho việc phát triển thị trường tiêu thụ khí tại miền Bắc trong các năm tiếp theo.
Hệ thống khí thứ năm – Hệ thống khí Nam Côn Sơn 2
Chuỗi dự án Nam Côn Sơn 2 nhằm mục tiêu phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng Ngành công nghiệp khí Việt Nam theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đảm bảo nhu cầu thu gom, vận chuyển và xử lý khí mỏ Sư Tử Trắng, Sao Vàng – Đại Nguyệt, Thiên Ưng-Đại Hùng và dự phòng cho đường ống Bạch Hổ-Dinh Cố; bổ sung công suất tiếp nhận và xử lý khí, tăng tính linh hoạt trong vận hành các công trình; bổ sung nguồn khí thiếu hụt khu vực Đông Nam bộ nhằm đảm bảo cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ hiện hữu, phục vụ cho phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng; đồng thời làm tiền đề cho việc phát triển các mỏ ở khu vực lân cận trong các giai đoạn sau.
Hệ thống tuyến ống NCS2 với chiều dài tuyến ống biển lên đến 330 km và 29 km đường ống dẫn khí khô đến Trung tâm Phân phối khí Phú Mỹ để cung cấp cho các hộ tiêu thụ.
Không chỉ dừng lại với việc vận hành an toàn và hiệu quả các Hệ thống khí Cửu Long, Nam Côn Sơn, PM3-Cà Mau, Hàm Rồng – Thái Bình, Nam Côn Sơn 2, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khí trong nước ngày càng tăng và duy trì sự phát triển ổn định thị trường khí của PV GAS, Hiện nay, PV GAS đã và đang tích cực đầu tư các dự án mới như: chuỗi kho cảng nhập LNG trên phạm vi toàn quốc, đường ống thu gom vận chuyển khí Sư Tử Trắng,… phù hợp với Chiến lược phát triển và các Quy hoạch liên quan. Đặc biệt, hiện nay PV GAS đang xây dựng và chuẩn bị chạy thử Kho chứa LNG 1MMTPA tại Thị Vải dự kiến đi vào vào vận hành từ năm 2023. Lượng khí nhập khẩu dự kiến sẽ cung cấp cho Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 và các khách hàng công nghiệp trong khu vực. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và cấp bù cho phần khí nội địa đang ngày càng suy giảm, dự án “Mở rộng, nâng công suất kho chứa LNG 1 triệu tấn/năm tại Thị Vải lên thành 3 triệu tấn/năm” đã được nghiên cứu và trình Cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt đầu tư.
Để gia tăng giá trị sử dụng khí, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước cũng như để đảm bảo sự phát triển bền vững của PV GAS, PV GAS đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển hệ thống sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm khí trên địa bàn cả nước bằng hình thức tự đầu tư của công ty mẹ hoặc đầu tư thông qua các đơn vị thành viên như:
Hệ thống phân phối khí thấp áp: bao gồm hệ thống phân phối khí thấp áp khu vực Nam Bộ (cung cấp cho các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP. HCM) và hệ thống phân phối khí thấp áp khu vực Bắc Bộ (cung cấp cho khu công nghiệp Tiền Hải – Thái Bình) do Công ty cổ phần phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PV Gas D) quản lý với sản lượng khoảng 1 tỷ m3 khí/năm. Ngoài ra, PV Gas D cũng đang nghiên cứu việc mở rộng hệ thống phân phối khí thấp áp đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Hệ thống phân phối CNG cho các khu đô thị, khách hàng công nghiệp và phương tiện giao thông vận tải tại khu vực Đông Nam Bộ và một số địa phương tại khu vực Bắc Bộ do Công ty cổ phần kinh doanh khí miền Nam (Gas South), Công ty cổ phần CNG Việt Nam (CNG Việt Nam) quản lý với sản lượng hơn 400 triệu m3/năm. CNG được CNG Việt Nam, Gas South phân phối đến các khách hàng công nghiệp có nhu cầu sử dụng khí làm nhiên liệu cho quá trình sản xuất nhưng nằm xa hệ thống đường ống phân phối khí thấp áp.
Hệ thống phân phối LPG cho các công ty kinh doanh LPG, các khách hàng công nghiệp, thương mại, hộ gia đình, khu đô thị và phương tiện giao thông vận tải do Công ty kinh doanh sản phẩm khí (PV Gas Trading), Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam (PV GAS LPG), Công ty cổ phần kinh doanh khí miền Nam (Gas South), quản lý với sản lượng hơn 2 triệu tấn LPG/năm từ nguồn LPG trong nước sản xuất và nhập khẩu từ nước ngoài. Để đáp ứng hoạt động kinh doanh LPG này, PV GAS và các đơn vị thành viên/liên kết của PV GAS đã đầu tư hệ thống kho chứa LPG trên địa bàn khắp cả nước với tổng công suất gần 140 nghìn tấn, chiếm trên 70% công suất chứa cả nước.
Ngoài các hệ thống dây chuyền phục vụ cho quá trình xử lý và kinh doanh khí và các sản phẩm khí nói trên thì PV GAS còn tham gia vào sản xuất ống và bọc ống: đây là những sản phẩm và dịch vụ do 2 Công ty cổ phần sản xuất ống thép Dầu khí Việt Nam và Công ty cổ phần bọc ống Dầu khí Việt Nam cung cấp với công suất 200.000 tấn ống/năm để sản xuất và cung cấp ống chuyên dụng cho các dự án trong ngành công nghiệp khí và các ngành công nghiệp khác.
Sự phối hợp giữa PV GAS và các đơn vị thành viên đã tạo nên sức mạnh tổng hợp cho PV GAS trong toàn bộ dây chuyền thu gom, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, kinh doanh khí và các sản phẩm khí.
Công nghiệp khí là một ngành có kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, phòng chống cháy nổ. Đội ngũ cán bộ, công nhân vận hành phải giỏi chuyên môn, có kinh nghiệm và phải có kỷ luật lao động công nghiệp. Do đó, PV GAS đã quan tâm đặc biệt đến việc soạn thảo, phổ biến và thực hiện các quy trình vận hành, bảo dưỡng an toàn, cũng như việc đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân vận hành. Do đó, đến nay, đội ngũ người lao động của PV GAS đã đảm nhiệm mọi hoạt động sản xuất, vận hành công trình khí và không còn cần đến sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài như trước đây. Ngoài ra, vì PV GAS còn áp dụng hệ thống quản lý tích hợp an toàn, chất lượng, môi trường theo tiêu chuẩn OHSAS 18001:2007, ISO 9001:2015, ISO 14001:2015, nên trong suốt hơn 30 năm sản xuất và vận hành, PV GAS chưa để xảy ra sự cố nào nghiêm trọng gây mất an toàn, chất lượng sản phẩm được đảm bảo, các dự án khí mang lại hiệu quả kinh tế cao, khí và các sản phẩm khí của PV GAS được sử dụng rộng rãi trong cả nước.
Phù hợp với tính chất, quy mô phát triển của hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ cấu tổ chức của PV GAS cũng được thay đổi tương ứng. Từ chỗ là một Công ty Khí đốt với khoảng 100 CBCNV ban đầu, PV GAS ngày một trưởng thành, trở thành Công ty Chế biến và Kinh doanh các sản phẩm khí vào năm 1995, chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên vào tháng 11/2006, lớn mạnh thành Tổng Công ty Khí Việt Nam kể từ tháng 7/2007, tiến hành cổ phần hóa và trở thành Tổng Công ty Khí Việt Nam – Công ty cổ phần vào tháng 5/2011 và sau đó niêm yết trên sàn giao dịch Chứng khoán TP. HCM vào tháng 5/2012. Đến nay, PV GAS đã có gần 3.000 lao động và số vốn điều lệ 19.139 tỷ đồng – là một trong những công ty cổ phần có số vốn điều lệ lớn nhất hiện nay tại Việt Nam.
Trải qua hành trình hơn 30 năm hình thành và phát triển, không ngừng chuyển mình, nâng tầm vị trí chủ lực trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV GAS đã đạt được những kết quả đáng khích lệ với nhiều con số ấn tượng:
Vận chuyển và cung cấp khoảng 8 - 9 tỷ m3 khí/năm cho các nhà máy điện, đạm, khách hàng công nghiệp, làm nguồn nguyên nhiên liệu để sản xuất gần 15% sản lượng Điện, 70% nhu cầu Đạm cả nước và nhiên liệu cho nhiều khu công nghiệp.
Kinh doanh gần 2 triệu tấn LPG/năm, chiếm lĩnh gần 70% thị phần toàn quốc, trong đó chiếm 80% thị phần miền Nam, 57% thị phần miền Bắc và 64% thị phần miền Trung.
Kinh doanh khoảng 90 nghìn tấn Condensate/năm.
Doanh thu đạt trên 4 tỷ USD và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 600 triệu USD với tổng tài sản khoảng 3,8 tỷ USD.
Với những thành tựu to lớn đạt được, PV GAS xứng đáng trở thành Nhà vận chuyển và cung cấp khí khô lớn nhất tại Việt Nam, Nhà sản xuất và kinh doanh LPG số 1 tại Việt Nam; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Nhà nước giao cho: góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; an ninh lương thực quốc gia; đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường LPG và vinh dự đón nhận rất nhiều Huân chương, Cờ thi đua, Bằng khen... của Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương và của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Đặc biệt trong năm 2015 đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động do Nhà nước trao tặng, trở thành doanh nghiệp nổi bật trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, được các tổ chức uy tín trong và ngoài nước đánh giá cao (hàng năm PV GAS luôn là Top đầu những đơn vị có vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thuộc 9 doanh nghiệp hàng đầu, liên tiếp nhận Vinh danh của Forbes “Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam” – “Top 5 Công ty đạt doanh thu và lợi nhuận tốt nhất”, được Bộ Công Thương vinh danh Thương hiệu Quốc gia nhiều năm liền, tỷ lệ chia cổ tức duy trì hàng năm bằng tiền mặt cao trên 25%).
Trong những năm tiếp theo, PV GAS sẽ không ngừng phấn đấu hoàn thiện hệ thống quản lý, mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường với chiến lược phát triển con người làm then chốt. PV GAS tin tưởng vững chắc rằng với nỗ lực của toàn thể CBCNV PV GAS, sự quan tâm chỉ đạo của Nhà nước, của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV GAS sẽ không ngừng phát triển, trở thành đơn vị chủ lực trong lĩnh vực công nghiệp Khí giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt thị trường Khí của Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.