Kết quả kinh doanh GAS: quý 2/2023 lãi giảm 38%, tổng tiền mặt 40.767 tỷ đồng

HỒNG MƠ

01/08/2023 09:46

Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas – mã: GAS) vừa công bố BCTC hợp nhất quý gần nhất với số liệu đáng chú ý về doanh thu thuần, Lợi nhuận và tiền mặt nắm giữ.

gas-1615445103.jpg

 

Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas – mã: GAS) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 2/2023 với doanh thu thuần đạt 24.043 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 4.343 tỷ đồng, giảm 37% so với quý 2 năm trước, biên lợi nhuận gộp giảm xuống 18%.

Công ty lãi sau thuế 3.196 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 3.156 tỷ đồng.

Công ty cho biết giá dầu bình quân quý 2/2023 (78,39 USD/thùng) giảm 35,39 USD/thùng, tương ứng 31% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, GAS ghi nhận doanh thu thuần đạt 45.257 tỷ đồng, giảm 17% và lãi sau thuế 6.613 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của GAS ở mức 88.247 tỷ, tăng 5.584 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, tổng tiền mặt và tiền gửi là 40.767 tỷ đồng, chiếm 46% tổng tài sản của GAS, tăng khoảng 3.900 tỷ đồng so với cuối quý 1.

Nợ phải trả ở mức 20.796 tỷ, trong đó tổng nợ vay ở mức 6.036 tỷ. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối quý 2 là 67.451 tỷ.

Cập nhật quý 1/2023: lãi ròng giảm nhẹ 2,3% xuống 3.350 tỷ đồng

GAS công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 với doanh thu thuần giảm 20,5% so cùng kỳ, xuống còn 21.214 tỷ đồng chủ yếu do giá dầu FO Singapore giảm 25,9% và giá CP LPG giảm 12%.

Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp quý 1/2023 mở rộng 3,6 điểm % lên 22,8% nhờ đóng góp cao hơn của mảng khí khô, vốn thường mang lại mức biên lợi nhuận cao hơn đáng kể so với mảng LPG.

Bên cạnh đó, lợi nhuận tài chính thuần tăng 189% lên 461 tỷ đồng nhờ thu nhập tiền gửi tăng mạnh 114,8% khi chiếm 480 tỷ đồng. Dù vậy, lãi ròng quý 1/2023 của GAS giảm nhẹ 2,3% xuống 3.350 tỷ đồng.

Cập nhật quý 4/2022: lợi nhuận tăng 64% lên 3.337 tỷ đồng

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas, mã chứng khoán: GAS - sàn: HoSE) trong năm 2022 ghi nhận 22.052 tỷ đồng doanh thu thuần và 4.868,8 tỷ đồng lợi nhuận gộp, lần lượt tăng 9,3% và 27,6% so với quý 4/2021. Biên lợi nhuận gộp của PV Gas trong quý 4/2022 cũng tăng lên mức 22,07%, so với mức 17,5% của cùng kỳ năm 2021.

Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, PV Gas đạt 3.337 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 4/2022, tăng mạnh 64% so với quý 4/2021. PV Gas cho biết việc giá dầu giá thô Brent bình quân quý 4/2022 tăng11% lên mức 88,71 USD/thùng đã khiến lợi nhuận khí khô tăng tương ứng. Sản lượng khí khô tiêu thụ trong quý 4/2022 tăng 27% so với quý 4/2021. Đồng thời, sản lượng tiêu thụ LPG và condensate cũng tăng lần lượt 16% và 48% so với cùng kỳ năm ngoái; qua đó, giúp doanh thu của tổng công ty tăng.

Lũy kế cả năm 2022, PV Gas đạt 100.723 tỷ đồng doanh thu thuần và 15.062 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 28% và 70% so với năm 2021. Đây cũng là những mốc kết quả kinh doanh cao nhất mà tổng công ty đạt được kể từ khi thành lập đến nay. Trung bình, PV Gas thu về hơn 1.250 tỷ  đồng lợi nhuận mỗi tháng trong năm 2022.

Cập nhật quý 1/2022:  lợi nhuận sau thuế 3.089 tỷ đồng, tăng 25%

Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS, mã chứng khoán: GAS) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 với doanh thu 24.329 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 3.851 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 3.089 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.

Theo PV GAS, trong quý 3/2022 các hoạt động SXKD của PV GAS diễn ra an toàn, ổn định. Lợi nhuận quý 3/2022 tăng 25% so với quý 3/2021 do giá dầu Brent bình quân quý 3/2022 là 100,84 USD/thùng, tăng 27,33 USD/thùng so với quý 3/2021 (71,51 USD/thùng) tương ứng tăng 37% làm cho lợi nhuận của khí khô tăng tương ứng.

Giá CP bình quân quý 3/2022 (676,67 USD/tấn), tăng 5% so với cùng kỳ, làm cho lợi nhuận của LPG tăng tương ứng. Tuy nhiên, sản lượng khí khô tiêu thụ trong quý 3/2022 giảm 12% so với quý 3/2021 do huy động khí thấp, đặc biệt là huy động khí cho điện.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, PV GAS đạt doanh thu 78.671,6 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 14.633 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 11.726 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ.

Cập nhật quý II/2022: Lợi nhuận sau thuế đạt 5,141 tỷ đồng, tăng 123%

Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất với lợi nhuận theo quý đạt mức cao nhất lịch sử. 

Cụ thể, doanh thu bán hàng của GAS quý này đạt 27.653 tỷ đồng, tăng 21,8% cùng kỳ năm trước, luỹ kế 6 tháng đạt 54.343 tỷ đồng tăng gần 35%.

Giống như BSR, biên lợi nhuận gộp của GAS kỳ này tăng vọt lên 25%, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 16,7%, luỹ kế 6 tháng biên lợi nhuận đạt 22,2%, trong khi cùng kỳ năm trước đạt 17,5%.

Doanh thu tài chính quý này đạt 380 tỷ đồng, tăng 85,9% so với cùng kỳ năm trước, luỹ kế 6 tháng doanh thu tài chính đạt 641 tỷ đồng tăng hơn 37%.

Chi phí quản lý doanh nghiệp kỳ này giảm mạnh so với cùng kỳ 2021, dẫn đến lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý II/2022 của PV Gas đạt 6.400 tỷ, tăng 118% so với cùng kỳ 2021, luỹ kế 6 tháng đạt 10.782 tỷ tăng 93,57%.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý II/2022 của GAS đạt 5,141 tỷ đồng, tăng 123% cùng kỳ năm trước, luỹ kế 6 tháng đạt 8.637 tỷ đồng tăng 98%.

EPS 6 tháng đạt 4.408 đồng, gấp đôi cùng kỳ 2021.

Cập nhật quý 1/2022: lãi sau thuế 3.495 tỷ đồng tăng 70%

Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (mã chứng khoán GAS) đã công bố BCTC quý 1/2022 với doanh thu và lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ.

Cụ thể doanh thu thuần đạt 26.689 tỷ đồng – tăng 52% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán cũng tăng tương ứng nên lãi gộp đạt 5.136 tỷ đồng tăng 57% so với quý 1/2021. Biên lãi gộp được cải thiện từ 18,6% lên 19,3%.

Trong kỳ GAS thu về 261,5 tỷ đồng doanh thu tài chính giảm nhẹ so với cùng kỳ, chi phí lãi vay và chi phí QLDN đều tăng cao hơn cùng kỳ.

Sau khi trừ chi phí và ghi nhận 39 tỷ đồng lãi từ hoạt động khác GAS lãi sau thuế 3.495 tỷ đồng tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, LNST thuộc về công ty mẹ là 3.429 tỷ đồng tương đương EPS đạt 1.789 đồng.

Cập nhật quý 4/2021: doanh thu tăng 30%, lãi tăng 35%

GAS vừa công bố BCTC hợp nhất quý 4/2021 với 20,177 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 30% so cùng kỳ; lãi gộp đạt 3,527 tỷ đồng, tăng 35%. Công ty ghi nhận lãi ròng 1,964 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ.

Công ty cho biết sản lượng khí tiêu thụ quý 4/2021 giảm 31% và sản lượng LPG giảm 8% so cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá dầu Brent bình quân trong quý tăng 81%, tương ứng 35.6 USD/thùng cộng với sản lượng condensate tiêu thụ tăng 28% so cùng kỳ nên lợi nhuận tăng.

Tính chung cả năm 2021, ông lớn ngành khí đạt doanh thu gần 79 ngàn tỷ đồng, tăng 23% so với 2020. Nguồn thu chủ lực đến từ bán khí và vận chuyển khí (99.6%).

Chi phí tài chính trong năm đạt 403 tỷ đồng, gấp 2.4 lần 2020 chủ yếu do tăng lãi tiền vay và phát sinh chi phí thu xếp vốn. Kết quả sau cùng, GAS báo lãi ròng 8,673 tỷ đồng, tăng trưởng 10%. So với kế hoạch đã đề ra cho 2021, Công ty đã vượt 26% về lãi sau thuế.

Tổng tài sản tăng mạnh 24.5% so đầu năm, đạt gần 78.8 ngàn tỷ đồng tại 31/12/2021. Đa phần các khoản mục tài sản đều tăng, trong đó phải thu ngắn hạn tăng 66% lên 16.9 ngàn tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho cũng tăng gấp đôi lên 3.2 ngàn tỷ đồng. Công ty còn khoản nợ xấu 1.4 ngàn tỷ đồng, tăng 154% phần lớn do ghi nhận thêm đối với PV Power (POW).

Tình hình nợ vay gia tăng đáng kể. Nợ phải trả tại cuối quý 4/2021 đến 26.6 ngàn tỷ đồng, gần gấp đôi hồi đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng gần gấp 4 lần lên 7.5 ngàn tỷ đồng.

Cập nhật quý 3/2021: Lợi nhuận đạt 2.464 tỷ, tăng 19%

Tổng công ty Khí Việt Nam (mã GAS) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 và 9 tháng đầu năm 2021.

Cụ thể, doanh thu quý này của GAS đạt 18.543 tỷ đồng tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, luỹ kế 9 tháng đạt 58.815 tỷ đồng tăng gần 21%.

Biên lợi nhuận gộp quý này tăng nhẹ so với cùng kỳ 2020, đạt 18,4% so với số 18,2% cùng kỳ năm trước.

Doanh thu tài chính quý 3/2021 đạt 416 tỷ đồng, tăng 8%, luỹ kế 9 tháng đạt 883 tỷ đồng, giảm 24%.

Lợi nhuận trước thuế quý 3/2021 của GAS đạt 3.084 tỷ đồng, tăng hơn 18% cùng kỳ năm trước, luỹ kế 9 tháng đạt 8.654 tỷ đồng, tăng hơn 10%.

Lợi nhuận sau thuế quý 3/2021 của GAS đạt 2.464 tỷ đồng, tăng hơn 19% cùng kỳ 2020, luỹ kế 9 tháng đạt 6.822 tỷ đồng, tăng hơn 9% cùng kỳ năm trước, hoàn thành 97% kế hoạch năm (7.036 tỷ đồng).

Lãi ròng cổ đông công ty mẹ đạt 2.417 tỷ trong quý 3, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước, luỹ kế 9 tháng đạt 6.709 tỷ đồng, tăng gần 9,5%. EPS 9 tháng đạt 3.357 đồng.

Theo giải trình của GAS, mặc dù sản lượng khí tiêu thụ Quý III/2021 giảm 26% và sản lượng LPG giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên do giá dầu Brent bình quân quý III/2021 tăng 71%, tương ứng tăng 30,57 USD/thùng so với cùng kỳ 2020 nên lợi nhuận sau thuế quý III/2021 tăng 19% cùng kỳ năm trước. Trong khi đó các hoạt động khác diễn ra bình thường.

 

Vào tháng 10/2021, Công ty Đường ống Khí Nam Côn Sơn đạt cột mốc mới trong lịch sử hình thành, phát triển với việc tiếp nhận, xử lý và vận chuyển thành công 100 tỷ m3 khí thông qua Hệ thống dây chuyền khí Nam Côn Sơn. Công ty Đường ống Khí Nam Côn Sơn (NCSP) là hợp doanh giữa Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Rosneft Pipelines Vietnam và Perenco Vietnam AS, trong đó, PV GAS là nhà điều hành dự án. Hệ thống Nam Côn Sơn là một trong những hệ thống khí 2 pha dài nhất thế giới với tổng chiều dài đường ống 400km; còn có Nhà máy xử lý khí, trạm van nhằm vận chuyển, xử lý khí, condensate từ lô 06.1, lô 11.2 và các lô khác từ bồn trũng Nam Côn Sơn, cung cấp cho các nhà máy sản xuất điện, đạm tại Bà Rịa –Vũng Tàu và Đồng Nai.

Cập nhật quý 2/2021: lợi nhuận hơn 2.301 tỷ đồng, tăng trưởng 34,3%

Tổng công ty Khí Việt Nam (Mã chứng khoán: GAS) đã công bố báo cáo tài chính quý 2 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2021.

Theo đó, riêng quý 2, GAS ghi nhận doanh thu đạt 22.702 tỷ đồng, tương đương mức tăng 45% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán tăng với tốc độ chậm hơn nên lợi nhuận gộp đạt 3.782 tỷ đồng, tăng gần 57,5% so với quý 2/2021.

Trong kỳ báo cáo, doanh thu hoạt động tài chính đạt 204 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, chi phí bán hàng tăng 11% lên hơn 491 tỷ đồng; trong khi đó GAS chịu thêm áp lực tăng chi phí QLDN mạnh, từ 167 tỷ đồng trong quý 2/2020 vọt lên gần 438 tỷ đồng.

Khấu trừ các khoản chi phí và thuế, Tổng Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.301 tỷ đồng, tăng trưởng 34,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Luỹ kế nửa đầu năm 2021, GAS ghi nhận doanh thu đạt xấp xỉ 40.272 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế theo đó ghi nhận 4.359 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,2% và 4,1% so với thực hiện trong 6 tháng đầu năm trước. EPS 6 tháng đạt 2.116 đồng

Được biết, trong năm 2021, ĐHĐCĐ thường niên của GAS đã thông qua kế hoạch tổng doanh thu 70.169 tỷ đồng, tăng 9% so với thực hiện 2020. Ngược lại, lãi sau thuế dự kiến 7.036 tỷ đồng, giảm 12% và cũng là kết quả thấp nhất trong 9 năm trở lại đây (kể từ 2012). Như vậy, nửa đầu năm, GAS đã thực hiện 57,3% mục tiêu doanh thu và 62% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021.

Tính tới 30/6/2021, GAS có tổng tài sản đạt 74.826 tỷ đồng, tăng 18,3% so với đầu năm. Trong đó, tài sản chủ yếu là đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 25.650 tỷ đồng, chiếm 34% tổng tài sản; tài sản cố định là 19.330 tỷ đồng, chiếm 25,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn là 15.320 tỷ đồng, tương ứng 20,5% tổng tài sản.

Tính đến cuối quý 2, khoản tiền gửi có kỳ hạn của GAS có giá trị 25.650 tỷ đồng, tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với đầu năm. Được biết, đây là số tiền doanh nghiệp tích lũy hàng năm từ hoạt động kinh doanh và chưa sử dụng tạm thời gửi ngân hàng lấy lãi.

Cập nhật KQKD quý 1/2021: vượt kỳ vọng

Mức giảm LNST sau lợi ích CĐTS chủ yếu đến từ mức giảm khoảng 17% trong sản lượng khí tương ứng với nhu cầu khí thấp hơn từ các nhà máy điện khí (do kết quả của tiêu thụ điện thấp hơn trong quý 1, mực nước cao tại các hồ chứa và công suất điện mặt trời mới đi vào vận hành vào cuối 2020) bất chấp giá dầu nhiên liệu trong quý 1/2021 tăng 31,2% YoY đạt 351 USD/tấn.

Doanh thu và LNST sau lợi ích CĐTS trong quý 1 hoàn thành 25,6% và 24,6% dự báo tương ứng cả năm  

KQKD quý 1 cao hơn kỳ vọng và được dẫn dắt bởi giá dầu nhiên liệu cao hơn dự kiến.

Theo giá đóng cửa hôm nay, GAS hiện đang giao dịch với P/E 2021 đạt 19,3 lần và P/E 2022 đạt 18 lần. 

Công ty Chứng khoán Bản Việt khuyến nghị KHẢ QUAN dành cho GAS với giá mục tiêu 91.000 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 6,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 4.5%).

Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS)

Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP là đơn vị thành viên thuộc Tập Đoàn Dầu Khí Quốc gia Việt Nam, hoạt động trên các lĩnh vực thu gom, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí trên phạm vi toàn quốc và mở rộng ra thị trường quốc tế.

Sản phẩm:
Khí khô
Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG)
Khí ngưng tụ (Condensate)
Khí thiên nhiên nén (CNG)
Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)
Ống thép dầu khí

Dịch vụ:
Vận chuyển khí và các sản phẩm khí
Thiết kế, xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa công trình khí
Dịch vụ kho cảng cho các dịch vụ xuất nhập khẩu khí
Cung cấp vật tư, thiết bị ngành khí
Bọc ống dầu khí (bọc chống ăn mòn, cách nhiệt, bê tong gia trọng)

Lịch sử hình thành và phát triển PV GAS

Ý tưởng về một ngành công nghiệp khí đã được hình thành từ đầu những năm 90 khi sản lượng khí đồng hành mỏ Bạch Hổ, nếu không đưa vào bờ để sử dụng sẽ phải đốt bỏ ngoài khơi. Do đó, ngày 20/09/1990, PV GAS được thành lập trên cơ sở Ban Quản lý Công trình Dầu khí Vũng Tàu với tên gọi ban đầu là Công ty Khí đốt và với chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là thu gom, nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, phân phối, kinh doanh khí và các sản phẩm khí.

Hệ thống khí thứ nhất – Hệ thống khí Cửu Long

Ngay sau khi thành lập, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV GAS đã bắt tay ngay vào việc triển khai Hệ thống khí thứ nhất – Hệ thống khí Bạch Hổ, sau này phát triển mở rộng thành Hệ thống khí Cửu Long, bao gồm: Giàn nén khí ngoài khơi, Hệ thống đường ống vận chuyển khí từ các mỏ dầu khí thuộc bể Cửu Long, vào bờ và lên đến Phú Mỹ, Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, Kho chứa và cảng xuất sản phẩm lỏng tại Thị Vải, các Trạm phân phối khí. Để sớm đưa khí vào bờ đáp ứng nhu cầu sử dụng khí, Hệ thống được chia thành các giai đoạn để thực hiện.

Đầu quý II/1995, phần đưa sớm khí vào bờ đã hoàn thành; dòng khí đầu tiên được đưa vào bờ vào ngày 26/04/1995 từ mỏ Bạch Hổ để cung cấp cho Nhà máy điện Bà Rịa với công suất 1 triệu m3/ngày, góp phần giảm bớt khoản chi ngoại tệ rất lớn từ ngân sách Nhà nước để nhập khẩu diesel làm nhiên liệu cho Nhà máy điện.

Tiếp theo đó, cùng với việc hoàn thành giàn nén khí nhỏ, giàn nén khí lớn ngoài khơi và hệ thống đường ống dẫn khí trên bờ, công suất đưa khí vào bờ được nâng dần lên 2 triệu m3/ngày vào đầu năm 1997 và 3 triệu m3/ngày vào cuối năm 1997, trên 5 triệu m3/ngày vào năm 2002 để vận chuyển thêm nguồn khí từ các mỏ khác thuộc bể Cửu Long: mỏ Rạng Đông 2002, Cá Ngừ Vàng, Phương Đông 2008, Sư Tử Vàng, Sư Tử Đen 2009, Vòm Bắc, Rồng, Đồi Mồi 2010, Tê Giác Trắng 2011, Hải Sư Đen, Hải Sư Trắng 2013, Đại Hùng năm 2015, Thiên Ưng năm 2016… đến các nhà máy điện, đạm, khách hàng công nghiệp khác tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP HCM.

Việc hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy xử lý khí Dinh Cố và Kho chứa và cảng xuất sản phẩm lỏng PV GAS vào cuối năm 1998 là một sự kiện có ý nghĩa to lớn về mặt kỹ thuật, kinh tế, xã hội. Lần đầu tiên LPG và Condensate được sản xuất tại Việt Nam. Từ tháng 5/1999, PV GAS đã đáp ứng phần lớn nhu cầu LPG trong nước với chất lượng tốt và giá cạnh tranh, thay thế cho mặt hàng lâu nay Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Đến nay, Hệ thống khí Cửu Long không ngừng được phát triển, với giàn nén khí ngoài khơi, hệ thống đường ống dẫn khí dài 107 km từ bể Cửu Long vào bờ (công suất thiết kế: 2 tỷ m3 khí/năm), đến các hộ tiêu thụ tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP HCM, Trung tâm phân phối khí Phú Mỹ, Nhà máy xử lý khí Dinh Cố (công suất thiết kế: 2 tỷ m3 khí, 350 nghìn tấn LPG và 130 nghìn tấn Condensate/năm), Kho chứa và cảng xuất sản phẩm lỏng tại Thị Vải (công suất chứa theo thiết kế: trên 71.000 tấn LPG, 46.000 m3 Condensate; 2 cầu cảng 60.000 DWT và 2.000 DWT).

Hệ thống khí thứ hai – Hệ thống khí Nam Côn Sơn

Phát huy những thành tựu to lớn đã đạt được từ Hệ thống khí Cửu Long, PV GAS tiếp tục triển khai Hệ thống khí thứ hai – Hệ thống khí Nam Côn Sơn với sự tham gia của các đối tác nước ngoài là những Tập đoàn Dầu khí lớn trên thế giới, bao gồm hệ thống đường ống dài trên 400 km từ các mỏ thuộc bể Nam Côn Sơn, Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn. Tháng 12/2002, Hệ thống khí Nam Côn Sơn đã hoàn thành những hạng mục quan trọng, dòng khí đầu tiên từ mỏ Lan Tây, Lan Đỏ được đưa vào bờ đến các hộ tiêu thụ. Tiếp sau đó, Hệ thống khí Nam Côn Sơn lần lượt tiếp nhận thêm nguồn khí từ các mỏ khác thuộc bể Nam Côn Sơn (Rồng Đôi, Rồng Đôi Tây năm 2006, Chim Sáo, Dừa năm 2011, Hải Thạch, Mộc Tinh năm 2013). 

Hệ thống khí thứ ba – Hệ thống khí PM3 - Cà Mau

Để phát triển thị trường tiêu thụ khí tại khu vực Tây Nam Bộ, PV GAS đã đầu tư Hệ thống khí PM3 – Cà Mau với 325 km đường ống khí ngoài khơi và trên bờ, công suất thiết kế trên 2 tỷ m3 khí/năm, Trung tâm phân phối khí Cà Mau, đưa khí mỏ PM3-CAA, 46 CN thuộc bể Malay – Thổ Chu cấp cho các nhà máy điện và nhà máy đạm tại Cà Mau từ 5/2007. Cuối năm 2017, PV GAS đã đưa vào vận hành Nhà máy xử lý khí Cà Mau sản xuất LPG và Condensate, gia tăng giá trị nguồn khí PM3. Hệ thống khí PM3-Cà Mau góp phần phát triển kinh tế tỉnh Cà Mau và đồng bằng sông Cửu Long.

Hệ thống khí thứ tư – Hệ thống khí Hàm Rồng – Thái Bình

Do một số hạn chế về đặc tính kỹ thuật của thành phần khí bể Sông Hồng và thị trường tiêu thụ nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng ngành khí tại miền Bắc tương đối muộn hơn so với miền Nam.

Hệ thống khí Hàm Rồng – Thái Bình với 25km đường ống khí ngoài khơi và trên bờ, công suất thiết kế 500 triệu m3 khí/năm bắt đầu được vận hành vào 7/8/2015, cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp tại Thái Bình và các tỉnh lân cận, mở đường cho việc phát triển thị trường tiêu thụ khí tại miền Bắc trong các năm tiếp theo.

Hệ thống khí thứ năm – Hệ thống khí Nam Côn Sơn 2

Chuỗi dự án Nam Côn Sơn 2 nhằm mục tiêu phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng Ngành công nghiệp khí Việt Nam theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đảm bảo nhu cầu thu gom, vận chuyển và xử lý khí mỏ Sư Tử Trắng, Sao Vàng – Đại Nguyệt, Thiên Ưng-Đại Hùng và dự phòng cho đường ống Bạch Hổ-Dinh Cố; bổ sung công suất tiếp nhận và xử lý khí, tăng tính linh hoạt trong vận hành các công trình; bổ sung nguồn khí thiếu hụt khu vực Đông Nam bộ nhằm đảm bảo cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ hiện hữu, phục vụ cho phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng; đồng thời làm tiền đề cho việc phát triển các mỏ ở khu vực lân cận trong các giai đoạn sau.

Hệ thống tuyến ống NCS2 với chiều dài tuyến ống biển lên đến 330 km và 29 km đường ống dẫn khí khô đến Trung tâm Phân phối khí Phú Mỹ để cung cấp cho các hộ tiêu thụ.

Không chỉ dừng lại với việc vận hành an toàn và hiệu quả các Hệ thống khí Cửu Long, Nam Côn Sơn, PM3-Cà Mau, Hàm Rồng – Thái Bình, Nam Côn Sơn 2, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khí trong nước ngày càng tăng và duy trì sự phát triển ổn định thị trường khí của PV GAS, Hiện nay, PV GAS đã và đang tích cực đầu tư các dự án mới như: chuỗi kho cảng nhập LNG trên phạm vi toàn quốc, đường ống thu gom vận chuyển khí Sư Tử Trắng,… phù hợp với Chiến lược phát triển và các Quy hoạch liên quan. Đặc biệt, hiện nay PV GAS đang xây dựng và chuẩn bị chạy thử Kho chứa LNG 1MMTPA tại Thị Vải dự kiến đi vào vào vận hành từ năm 2023. Lượng khí nhập khẩu dự kiến sẽ cung cấp cho Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 và các khách hàng công nghiệp trong khu vực. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và cấp bù cho phần khí nội địa đang ngày càng suy giảm, dự án “Mở rộng, nâng công suất kho chứa LNG 1 triệu tấn/năm tại Thị Vải lên thành 3 triệu tấn/năm” đã được nghiên cứu và trình Cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt đầu tư.

Để gia tăng giá trị sử dụng khí, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước cũng như để đảm bảo sự phát triển bền vững của PV GAS, PV GAS đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển hệ thống sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm khí trên địa bàn cả nước bằng hình thức tự đầu tư của công ty mẹ hoặc đầu tư thông qua các đơn vị thành viên như:

Hệ thống phân phối khí thấp áp: bao gồm hệ thống phân phối khí thấp áp khu vực Nam Bộ (cung cấp cho các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP. HCM) và  hệ thống phân phối khí thấp áp khu vực Bắc Bộ (cung cấp cho khu công nghiệp Tiền Hải – Thái Bình) do Công ty cổ phần phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PV Gas D) quản lý với sản lượng khoảng 1 tỷ m3 khí/năm. Ngoài ra, PV Gas D cũng đang nghiên cứu việc mở rộng hệ thống phân phối khí thấp áp đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Hệ thống phân phối CNG cho các khu đô thị, khách hàng công nghiệp và phương tiện giao thông vận tải tại khu vực Đông Nam Bộ và một số địa phương tại khu vực Bắc Bộ do Công ty cổ phần kinh doanh khí miền Nam (Gas South), Công ty cổ phần CNG Việt Nam (CNG Việt Nam) quản lý với sản lượng hơn 400 triệu m3/năm. CNG được CNG Việt Nam, Gas South phân phối đến các khách hàng công nghiệp có nhu cầu sử dụng khí làm nhiên liệu cho quá trình sản xuất nhưng nằm xa hệ thống đường ống phân phối khí thấp áp. 

Hệ thống phân phối LPG cho các công ty kinh doanh LPG, các khách hàng công nghiệp, thương mại, hộ gia đình, khu đô thị và phương tiện giao thông vận tải do Công ty kinh doanh sản phẩm khí (PV Gas Trading), Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam (PV GAS LPG), Công ty cổ phần kinh doanh khí miền Nam (Gas South), quản lý với sản lượng hơn 2 triệu tấn LPG/năm từ nguồn LPG trong nước sản xuất và nhập khẩu từ nước ngoài. Để đáp ứng hoạt động kinh doanh LPG này, PV GAS và các đơn vị thành viên/liên kết của PV GAS đã đầu tư hệ thống kho chứa LPG trên địa bàn khắp cả nước với tổng công suất gần 140 nghìn tấn, chiếm trên 70% công suất chứa cả nước.

Ngoài các hệ thống dây chuyền phục vụ cho quá trình xử lý và kinh doanh khí và các sản phẩm khí nói trên thì PV GAS còn tham gia vào sản xuất ống và bọc ống:  đây là những sản phẩm và dịch vụ do 2 Công ty cổ phần sản xuất ống thép Dầu khí Việt Nam và Công ty cổ phần bọc ống Dầu khí Việt Nam cung cấp với công suất 200.000 tấn ống/năm để sản xuất và cung cấp ống chuyên dụng cho các dự án trong ngành công nghiệp khí và các ngành công nghiệp khác.

Sự phối hợp giữa PV GAS và các đơn vị thành viên đã tạo nên sức mạnh tổng hợp cho PV GAS trong toàn bộ dây chuyền thu gom, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, kinh doanh khí và các sản phẩm khí.

Công nghiệp khí là một ngành có kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, phòng chống cháy nổ. Đội ngũ cán bộ, công nhân vận hành phải giỏi chuyên môn, có kinh nghiệm và phải có kỷ luật lao động công nghiệp. Do đó, PV GAS đã quan tâm đặc biệt đến việc soạn thảo, phổ biến và thực hiện các quy trình vận hành, bảo dưỡng an toàn, cũng như việc đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân vận hành. Do đó, đến nay, đội ngũ người lao động của PV GAS đã đảm nhiệm mọi hoạt động sản xuất, vận hành công trình khí và không còn cần đến sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài như trước đây. Ngoài ra, vì PV GAS còn áp dụng  hệ thống quản lý tích hợp an toàn, chất lượng, môi trường theo tiêu chuẩn OHSAS 18001:2007, ISO 9001:2015, ISO 14001:2015, nên trong suốt  hơn 30 năm sản xuất và vận hành, PV GAS chưa để xảy ra sự cố nào nghiêm trọng gây mất an toàn, chất lượng sản phẩm được đảm bảo, các dự án khí mang lại hiệu quả kinh tế cao, khí và các sản phẩm khí của PV GAS được sử dụng rộng rãi trong cả nước.

Phù hợp với tính chất, quy mô phát triển của hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ cấu tổ chức của PV GAS cũng được thay đổi tương ứng. Từ chỗ là một Công ty Khí đốt với khoảng 100 CBCNV ban đầu, PV GAS ngày một trưởng thành, trở thành Công ty Chế biến và Kinh doanh các sản phẩm khí vào năm 1995, chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên vào tháng 11/2006, lớn mạnh thành Tổng Công ty Khí Việt Nam kể từ tháng 7/2007, tiến hành cổ phần hóa và trở thành Tổng Công ty Khí Việt Nam – Công ty cổ phần vào tháng 5/2011 và sau đó niêm yết trên sàn giao dịch Chứng khoán TP. HCM vào tháng 5/2012. Đến nay, PV GAS đã có gần 3.000 lao động và số vốn điều lệ 19.139 tỷ đồng – là một trong những công ty cổ phần có số vốn điều lệ lớn nhất hiện nay tại Việt Nam.

Trải qua hành trình hơn 30 năm hình thành và phát triển, không ngừng chuyển mình, nâng tầm vị trí chủ lực trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV GAS đã đạt được những kết quả đáng khích lệ với nhiều con số ấn tượng:

Vận chuyển và cung cấp khoảng 8 - 9 tỷ m3 khí/năm cho các nhà máy điện, đạm, khách hàng công nghiệp, làm nguồn nguyên nhiên liệu để sản xuất gần 15% sản lượng Điện, 70% nhu cầu Đạm cả nước và nhiên liệu cho nhiều khu công nghiệp.

Kinh doanh gần 2 triệu tấn LPG/năm, chiếm lĩnh gần 70% thị phần toàn quốc, trong đó chiếm 80% thị phần miền Nam, 57% thị phần miền Bắc và 64% thị phần miền Trung.

Kinh doanh khoảng 90 nghìn tấn Condensate/năm.

Doanh thu đạt trên 4 tỷ USD và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 600 triệu USD với tổng tài sản khoảng 3,8 tỷ USD. 

Với những thành tựu to lớn đạt được, PV GAS xứng đáng trở thành Nhà vận chuyển và cung cấp khí khô lớn nhất tại Việt Nam, Nhà sản xuất và kinh doanh LPG số 1 tại Việt Nam; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Nhà nước giao cho: góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; an ninh lương thực quốc gia; đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường LPG và vinh dự đón nhận rất nhiều Huân chương, Cờ thi đua, Bằng khen... của Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương và của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Đặc biệt trong năm 2015 đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động do Nhà nước trao tặng, trở thành doanh nghiệp nổi bật trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, được các tổ chức uy tín trong và ngoài nước đánh giá cao (hàng năm PV GAS luôn là Top đầu những đơn vị có vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thuộc 9 doanh nghiệp hàng đầu, liên tiếp nhận Vinh danh của Forbes “Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam” – “Top 5 Công ty đạt doanh thu và lợi nhuận tốt nhất”, được Bộ Công Thương vinh danh Thương hiệu Quốc gia nhiều năm liền, tỷ lệ chia cổ tức duy trì hàng năm bằng tiền mặt cao trên 25%).

Trong những năm tiếp theo, PV GAS sẽ không ngừng phấn đấu hoàn thiện hệ thống quản lý, mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường với chiến lược phát triển con người làm then chốt. PV GAS tin tưởng vững chắc rằng với nỗ lực của toàn thể CBCNV PV GAS, sự quan tâm chỉ đạo của Nhà nước, của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV GAS sẽ không ngừng phát triển, trở thành đơn vị chủ lực trong lĩnh vực công nghiệp Khí giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt thị trường Khí của Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.