Triển vọng kinh tế vĩ mô 2024 và Chiến lược đầu tư phù hợp trên TTCK Việt Nam

Agriseco Research

10/02/2024 11:59

TTCK nói chung và ngành bất động sản nói riêng sẽ phải đối mặt với rủi ro điều chỉnh thường trực khi các khoản vay trái phiếu đến kỳ đáo hạn.

xaydung-1617599816.jpg

Giải ngân đầu tư công sẽ hỗ trợ tăng trưởng.

Triển vọng kinh tế vĩ mô 2024

❖ Lạm phát Mỹ tiếp tục hạ nhiệt trong năm 2024 về gần mức mục tiêu của FED là 2%: Chỉ số CPI tiếp tục giảm trong tháng 11 về mức 3,1% từ mức đỉnh Q2.2022 (9,1%) và dự báo sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong năm 2024. Nhiều tổ chức kinh tế dự báo lạm phát của Mỹ 2024 trung bình khoảng 2,5%. Mặc dù vậy việc lãi suất quay về mức trước dịch vẫn là thách thức khi chỉ số giá nhà, dịch vụ vẫn duy trì cao và thị trường lao động.

❖ Lạm phát toàn cầu xu hướng giảm 2024: Tín hiệu lạm phát hạ nhiệt tại quốc gia lớn như Mỹ, Châu Âu sẽ tiếp tục trong năm tới, dự báo sẽ giảm từ 1-2% trong 2024. Cũng cần lưu ý lạm phát xu hướng giảm nhưng vẫn duy trì cao có thể tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

❖ FED có thể bắt đầu quá trình hạ lãi suất từ cuối Quý 1.2024: FED đang phát đi tín hiệu sẽ sớm kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ khi tăng trưởng kinh tế đã chậm lại, lạm phát xu hưởng giảm. Thị trường đang dự báo FED có thể cắt giảm 6 lần lãi suất trong năm tới, tương ứng lãi suất giảm 1,25 đpt, cao hơn so với mức FED dự báo là 0,75 đpt (theo CME Group). Kỳ vọng xu hướng giảm lãi suất trong năm 2024 sẽ giảm bớt áp lực cho các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam.

❖ Lãi suất toàn cầu dần hạ nhiệt nhưng vẫn duy trì cao: Các NHTW khác như BOE, ECB cũng được dự báo sẽ bắt đầu quá trình cắt giảm lãi suất trong năm 2024. PBOC – NHTW Trung Quốc đã hạ lãi suất từ năm 2023 và tiếp tục được kỳ vọng duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Riêng Nhật Bản có thể kết thúc chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2024. Tuy nhiên mức cắt giảm này vẫn sẽ thận trọng khi nhiều chuyên gia lo ngại rủi ro kinh tế toàn cầu suy thoái sau quá trình gia tăng lãi suất. Việc duy trì lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

❖ Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại: Trong năm 2024, các tổ chức lớn dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ quanh mức 2,6%, thấp hơn so với mức tăng trưởng của năm 2023 và 2022. Nguyên nhân do (1) căng thẳng địa chính trị; (2) lạm phát và lãi suất xu hướng giảm nhưng vẫn duy trì cao; (3) tăng trưởng dài hạn yếu hơn kỳ vọng do hệ lụy chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài.

❖ Tăng trưởng kinh tế các nước lớn không đồng đều: Tăng trưởng GDP năm 2024 ở hầu hết các khu vực đều thấp so với 2023. Ngoại trừ khu vực Châu Âu được kỳ vọng sẽ cải thiện nhưng ở mức khiêm tốn so với năm 2023 lên mức 1,7% do kỳ vọng nới lỏng dần chính sách tiền tệ từ cuối 2024 tuy nhiên triển vọng tăng trưởng vẫn bất định khi xung đột chính trị leo cao. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều được dự báo GDP chưa cải thiện trong năm 2024 do tác động của lạm phát và các bất ổn kinh tế chính trị. Trung Quốc dự báo: 2023 tăng 5,2%, 2024 tăng 4,5% chủ yếu do khủng hoảng bất động sản và nhu cầu toàn cầu suy yếu mặc dù Trung Quốc đang đưa ra các biện pháp để cải thiện tình hình.

❖ Rủi ro một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực Bất động sản, Tài chính sụp đổ: Nhà đầu tư lo ngại ảnh hưởng lan tỏa tới kinh tế toàn cầu và TTCK Việt Nam từ sự sụp đổ của một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực BDS và tài chính của Trung Quốc như Evergrande (nộp đơn bảo hộ phá sản); Country Garden (chậm thanh toán lãi trái phiếu); Zhongzhi Enterprise Group – 1 trong những tổ chức quản lý tài sản tư nhân lớn nhất của Trung Quốc (chậm thanh toán đối với các sản phẩm đầu tư). Nguyên nhân đến từ Trung Quốc có các chính sách siết tình trạng đầu cơ BDS từ cuối năm 2020 dẫn đến quả bom nợ và bong bóng BDS xì hơi. TTCK Trung Quốc liên tục giảm mạnh hơn 50% từ 2021 đến nay. Chỉ số giá cổ phiếu nhóm bất động sản cũng liên tục dò đáy.

❖ Thị trường Bất động sản Trung Quốc vẫn tồn tại rủi ro: Rủi ro các nhà phát triển nguy cơ không trả được nợ khi giá trị các khoản nợ vay và trái phiếu đáo hạn gia tăng. Theo đó, Moody cũng hạ triển vọng tín nhiệm Trung Quốc xuống. Hiện, tỷ lệ nợ của Trung Quốc gấp gần 3 lần GDP của nước này. Theo dữ liệu của Dealogic, trong sáu tháng tới, khoảng 60,5 tỷ USD trái phiếu bất động sản của Trung Quốc sẽ đáo hạn, với ít nhất một phần ba trong số đó là trái phiếu nước ngoài

❖ Kinh tế Trung Quốc chững lại do khủng hoảng từ thị trường bất động sản: Dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ chững lại trong 2 năm tới quanh mức 4,5% khi các khó khăn của thị trường bất động sản vẫn lớn. Kinh tế Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển của bất động sản (chiếm đến 20% -25% GDP). Chỉ số giá nhà ở Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 11 cho thấy thị trường bất động sản vẫn còn yếu. Kinh tế Trung Quốc tiếp tục gánh chịu thiệt hại nặng nề khi các chỉ số kinh tế thấp (lạm phát thấp, chỉ số sản xuất tiếp tục suy yếu mặc dù kinh tế có dấu hiệu chạm đáy và dần phục hồi sau một loạt các chính sách hỗ trợ kinh tế và giải cứu thị trường bất động sản. Kinh tế Trung Quốc suy yếu sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu, dòng vốn đầu tư FDI, hoạt động du lịch của Việt Nam.

❖ So sánh thị trường bất động sản Việt Nam và Trung Quốc: Thị trường BDS của Trung Quốc và Việt Nam có những nét tương đồng (1) tâm lý chung của người dân châu Á về việc tích lũy BĐS là khá giống nhau; (2) Tín dụng BĐS chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên về quy mô và mức độ rủi ro thì thị trường Việt Nam vẫn đang thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (bảng tham khảo). Theo nhiều tổ chức kinh tế nhận định chu kỳ chính sách của ngành bất động sản Việt Nam thường đi sau Trung Quốc. Trung Quốc bắt đầu đưa ra chính sách 3 lằn ranh đỏ để ngăn chặn việc giá nhà tăng cao từ 2020, còn Việt Nam đến 2022 mới bắt đầu có các dấu hiệu ngăn chặn giá nhà tăng, thắt chặt tín dụng vào BĐS.

❖ TTCK cũng có những điểm tương đồng nhưng mức độ tương quan thấp: Bong bóng BDS của Trung Quốc có những dấu hiệu xì hơi từ những năm 2017-2018, điều này cũng được phản ánh vào chỉ số Chứng khoán của quốc gia này với những đợt sụt giảm mạnh. Theo thống kê từ 2006 đến nay, hệ số tương quan giữa chỉ số chứng khoán SSEC và VNIndex ở mức thấp.

CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ CÒN DƯ ĐỊA NỚI LỎNG NHƯNG KHÔNG NHIỀU

❖ Lãi suất điều hành: Dự báo đã gần hết dư địa giảm nhưng mặt bằng lãi suất huy động có thể duy trì thấp.

❖ Tăng trưởng tín dụng: Kỳ vọng phục hồi nhờ mặt bằng lãi suất thấp và các chính sách hỗ trợ kinh tế của Chính phủ.

❖ Áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu khi chênh lệch lãi suất đồng USD và VND vẫn cao. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá trong năm 2024 có thể không quá lớn do chênh lệch lãi suất giữa USD và VND có thể giảm khi FED bắt đầu quá trình giảm lãi suất

❖ Chính sách tài khóa còn dư dịa đẩy mạnh: Nhờ tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP và nợ công/GDP vẫn đang ở mức thấp. (1) Chính phủ sẽ tiếp tục các chính sách kích cầu nội địa như: Chính sách gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế phí và tiền thuê đất; Giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, xăng dầu; Tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% kéo dài tới 30/6/2024; Chính sách tăng lương cơ bản. (2) Đẩy mạnh tăng chi đầu tư phát triển, đặc biệt là chi cho đầu tư công. Chính phủ sẽ gia tăng chi NSNN hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế trong 2 năm tới khi tổng mức vốn đầu tư NSNN giai đoạn 2021 – 2025 theo Kế hoạch là 2,87 triệu tỷ đồng (+44% so với KH 2016 – 2020). Hiện vốn đầu tư từ NSNN thực hiện 2021 – 2023 ước khoảng 1,57 triệu tỷ đồng, theo đó trong 2 năm tới, mức chi vẫn sẽ tương đối lớn khoảng 1,3 triệu tỷ đồng. Năm 2023, tỷ lệ thực hiện một số gói tài khóa vẫn chưa đạt kế hoạch do đó năm 2024 chính sách tài khóa vẫn còn dư địa đẩy mạnh.

❖ Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công: Trong kế hoạch vốn đầu tư NSNN, hạ tầng giao thông được phân bổ vốn lớn (50%). Vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2024 dự kiến tăng cao hơn 20% lên 677 nghìn tỷ đồng so với dự toán 2023. Theo đó, kỳ vọng tổng nguồn vốn cho đầu tư công gia tăng trong năm tới (bao gồm vốn kết chuyển từ 2023), giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh hơn khi nhiều dự án trọng điểm đã hoàn thành bàn giao vốn, thủ tục đầu tư.

❖ Đầu tư công vẫn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Dự kiến kết quả giải ngân đầu tư sẽ tiếp tục tăng tốt trong 2024 khi các đại dự án đang đồng loạt được khởi công. Giải ngân đầu tư công tạo hiệu ứng lan tỏa tới nhiều ngành nghề, doanh nghiệp trong nền kinh tế. Theo tính toán của Tổng cục thống kê, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%.

❖ Kỳ vọng tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tiếp tục gia tăng vào nhóm sản xuất (công nghiệp chế biến, chế tạo, chất bán dẫn, năng lượng sạch). Dự kiến dòng vốn FDI từ Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam nhờ (1) Việt Nam được hưởng lợi từ chiến dịch “Trung Quốc +1”, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ngày càng mạnh mẽ; (2) lợi thế địa lý, nhân lực, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu với nhiều FTAs được ký kết. Nghị quyết áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% sẽ có hiệu lực từ 1/1/2024 có thể ảnh hưởng tới thu hút vốn mới. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến thu hút vốn FDI khi Chính phủ đang hoàn thiện các chính sách ưu đãi mới khác.

❖ FDI giải ngân dự kiến tiếp tục cải thiện 2024 nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đang mang lại hiệu quả. Dòng vốn giải ngân dự báo sẽ tiếp tục cải thiện trong các tháng tới tập trung ở các địa phương mạnh về hạ tầng kết nối và môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là tín hiệu tích cực giúp dòng vốn giải ngân có thể phục hồi khi các dự án từ Lego, Amkor Technology, Aeon Mall sẽ sớm được đưa vào triển khai.

❖ Bán lẻ tiêu dùng có thể hồi phục nhờ Chính phủ tăng cường các chính sách nới lỏng, kích cầu tiêu dùng (Giảm thuế VAT, giảm lãi suất 2%, tăng lương cơ bản) tuy nhiên tốc độ hồi phục chậm do kinh tế 2024 dự báo vẫn còn nhiều thách thức, sức mua người dân chưa cải thiện.

❖ Kỳ vọng vào sự tăng trưởng ngành du lịch nhờ đóng góp chi tiêu của khách quốc tế. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam kỳ vọng tiếp tục hồi phục về mức trước đại dịch trong năm 2024 (ước tính đạt 18 triệu lượt, tăng hơn 43% sv thực hiện 2023) nhờ chính sách kích cầu du lịch và nâng thời hạn visa. Chúng tôi kỳ vọng lượng khách từ châu Á, châu Âu sẽ dần phục hồi so với mức thấp của 2023

THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN VẪN LÀ ĐIỂM NGHẼN CỦA NỀN KINH TẾ

❖ Áp lực thanh toán trái phiếu đáo hạn vẫn lớn, tỷ lệ nợ xấu xu hướng gia tăng: Theo thống kê của chúng tôi, giá trị trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 ước tính khoảng 330.000 tỷ đồng. Quy mô trái phiếu đáo hạn cao hơn khoảng 20% so với năm 2023 và tập trung nhiều ở giai đoạn nửa cuối năm 2024. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực BĐS đang gia tăng (thời điểm 31/12/2022 là 1,72%, nhưng đến tháng 9/2023 là 2,89%) phản ánh các khó khăn thực tại của doanh nghiệp BĐS là thiếu vốn để trả nợ và triển khai dự án.

❖ Thanh khoản vẫn sẽ ảm đạm trong năm 2024 khi niềm tin người mua nhà chưa phục hồi hoàn toàn do (1) mặt bằng giá các phân khúc căn hộ có nhu cầu thực vẫn cao và hầu như không giảm nhiều; (2) Chênh lệch cung – cầu vẫn lớn khi nguồn cung chủ yếu là đất nền, biệt thự nghỉ dưỡng. Thực tế, trong 9 tháng năm 2023, cầu tín dụng để mua bất động sản có xu hướng đi xuống cả về quy mô lẫn tỷ trọng, phần nào phản ánh sức mua của thị trường đang giảm so với thời điểm trước (nếu không có các chủ đầu tư vay để đảo nợ).

❖ Thị trường vẫn sẽ có sự phục hồi tùy từng phân khúc: ➢ BDS có nhu cầu thực: BDS thổ cư, BDS trong nội đô sẽ phục hồi sớm hơn ➢ BDS vùng ven, BDS nghỉ dưỡng: Thời gian phục hồi sẽ lâu hơn

❖ Hiện tại có nhiều vụ án đang trong quá trình xét xử hoặc chưa đưa ra xét xử (Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, FLC) => Cần nhiều thời gian để tan băng các dự án đang được xét xử hoặc các dự án trở thành tài sản cầm cố của Ngân hàng.

KỲ VỌNG TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ PHỤC HỒI NĂM 2024

❖ Dự báo tăng trưởng kinh tế 2024 vẫn đối mặt nhiều thách thức: (1) Sức cầu tiêu dùng chưa hồi phục hoàn toàn; (2) Đầu tư từ khu vực tư nhân vẫn khó khăn do môi trường đầu tư nhiều thách thức đặc biệt thị trường bất động sản; (3) Hoạt động xuất nhập khẩu chậm lại do nhu cầu tiêu thụ toàn cầu giảm. Các chỉ báo dự báo sớm PMI, IIP suy yếu dự báo kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt khó khăn.

❖ Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024: Dự báo đạt 6-6,5% một số điểm sáng sẽ đóng góp chính vào tốc độ tăng trong năm gồm (1) Đẩy mạnh đầu tư công; (2) Dòng vốn FDI tăng; (3) Hoạt động du lịch tiếp tục tăng trưởng; (4) Hoạt động thương mại dần phục hồi. Các tổ chức kinh tế lớn dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam dao động 6% năm 2024, cao hơn hầu hết với các quốc gia trong khu vực.

❖ Lạm phát năm 2024 áp lực tăng do giá cả hàng hóa các mặt hàng đều có xu hướng tăng, trong đó giá thịt lợn, giá nhà ở và VLXD, giá điện nước, y tế là nguyên nhân chính khiến áp lực gia tăng.

❖ Tuy nhiên, lạm phát dự báo vẫn duy trì ổn định và đạt mục tiêu của Chính phủ đề ra (dưới 4,5%). Các nguyên nhân gồm: (1) Nhu cầu tiêu dùng hồi phục; tiền lương cơ sở tăng; nới room tín dụng; tăng giải ngân đầu tư công và chương trình phục hồi và phát triển KTXH. Áp lực từ giá cả một số mặt hàng trong nước nhưng có thể kiểm soát: Giá cả các hàng hóa (điện, y tế, giáo dục) dự báo tăng so với năm trước khi các Chính sách của Chính phủ hết hiệu lực

❖ Trong bối cảnh thanh khoản thị trường 1 dư thừa, tăng trưởng tín dụng tiếp tục ở mức thấp, cầu tiêu thụ suy yếu khiến cho áp lực lạm phát trong ngắn hạn không quá đáng lo ngại, chúng tôi kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động sẽ duy trì ở mức thấp trong năm 2024. Trong khi đó, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khu vực tư nhân đang có phần chậm lại, chi phí lãi vay vẫn còn dư địa để tiếp tục giảm thêm từ 0,3 – 0,5 điểm phần trăm, về mức tương đương với mặt bằng lãi suất giai đoạn cuối năm 2021.

❖ Mặc dù vậy, việc (1) chênh lệch lãi suất cho vay USD và VND tiếp tục nới rộng, (2) nền kinh tế Mỹ tiếp tục diễn biến khả quan hơn so với thế giới khiến cho chỉ số Dollar Index (DXY) có xu hướng tăng trở lại, (3) chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng khiến cho áp lực lạm phát có thể quay trở lại, làm giảm dư địa nới lỏng CSTT của NHNN.

Xu hướng lãi suất và dòng tiền 2024

❖ Tiền gửi vào ngân hàng tăng mạnh: Trong bối cảnh thu nhập của người dân giảm sút, nhu cầu tiêu thụ và số lượng đơn hàng mới suy yếu khiến cho triển vọng kinh doanh kém khả quan, gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư được người dân và các doanh nghiệp lựa chọn. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế trong năm 2023 đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ và là mức tăng cao nhất trong 2 năm trở lại đây. Số dư tiền gửi tiếp tục tăng mạnh bất chấp lãi suất huy động đang ở mức thấp với lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng cao nhất về dưới 4,5%/năm và dưới 6%/năm cho kỳ hạn trên dưới 12 tháng, cho thấy niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư vẫn còn thấp.

❖ Lượng tiền chờ mua chứng khoán có xu hướng tăng dần kể từ đầu năm: Theo số liệu tổng hợp báo cáo tài chính của các CTCK niêm yết, tổng giá trị tiền gửi của các nhà đầu tư trong quý 3/2023 tăng 14,7% QoQ, lên mức 76.700 tỷ đồng

❖ Ở chiều ngược lại, dư nợ margin lại có xu hướng tăng mạnh, đạt xấp xỉ 3,23% tổng vốn hóa thị trường. Điều này cho thấy thanh khoản thị trường có sự cải thiện trong giao đoạn cuối năm chủ yếu đến từ việc tích cực sử dụng đòn bẩy của các nhà đầu tư cá nhân khi mà các nhà đầu tư tổ chức và NDTNN đẩy mạnh việc bán ròng. Dòng tiền mới tham gia vào thị trường chưa thực sự tích cực trong bối cảnh lãi suất huy động đã giảm mạnh.

❖ Với kỳ vọng KQKD của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng 10% trong năm 2024 trong khi mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp, mức độ chênh lệch giữa tỷ suất sinh lời của VNIndex và lãi suất huy động bình quân 12 tháng đang dao động trong khoảng từ 2%-2,7%. Đây là mức chênh lệch tương đối hấp dẫn, tương đương với vùng 1.000 – 1.050 điểm hồi đầu năm 2023 và được kỳ vọng sẽ kích thích dòng tiền lớn quay trở lại thị trường trong trung hạn.

❖ Giá trị TPDN đáo hạn lớn nhất trong 5 năm tới: Tổng giá trị TPDN dự kiến đáo hạn trong năm nay cao gấp 1,7 giá trị trái phiếu đáo hạn năm 2023 với hơn một nửa thuộc về các doanh nghiệp Bất động sản. Nhu cầu tái cơ cấu nguồn vốn trong bối cảnh dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bất động sản chưa thực sự cải thiện sẽ gây áp lực lên kênh chứng khoán. TTCK nói chung và ngành bất động sản nói riêng sẽ phải đối mặt với rủi ro điều chỉnh thường trực khi các khoản vay trái phiếu đến kỳ đáo hạn.

❖ Từ giữa năm 2022 cho đến nay, tỷ giá USDVND trải qua nhiều biến động mạnh trong bối cảnh Fed mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ.

❖ Mức lãi suất liên bang tăng với cường độ nhanh và mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây khiến cho dòng vốn ngoại bị rút ròng khỏi hầu hết các thị TTCK mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam.

❖ Mặc dù vậy, trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ đang dần hạ nhiệt và Fed dự kiến sẽ hạ lãi suất đến 6 lần trong năm 2024, xu hướng rút ròng của dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ dần đảo chiều và các NDT nước ngoài có thể quay trở lại mua ròng bắt đầu từ quý 2/2024.

❖ Một yếu tố rủi ro cần phải theo dõi đó là việc đứt gãy chuỗi cung ứng do xung đột Israel-Hamas leo thang có thể khiến lạm phát không sớm hạ nhiệt như kỳ vọng, gây cản trở kế hoạch hạ lãi suất trong năm 2024.

Dự báo lợi nhuận thị trường và VN-Index 2024

❖Agriseco Research dự phóng lợi nhuận toàn thị trường sẽ tăng trưởng dương trở lại từ Q4.2023 với mức tăng trưởng khoảng 50% trên mức nền thấp cùng kỳ. Tuy nhiên lợi nhuận cả năm 2023 vẫn giảm khoảng 5% so với năm ngoái ❖Agriseco Research dự báo VN-Index sẽ hồi phục lên 1.300 điểm vào giai đoạn cuối năm 2024 trên cơ sở (1) Lợi nhuận toàn thị trường lấy lại đà tăng trưởng dương năm 2024 với mức tăng trưởng khoảng 15%; (2) P/E hợp lý 13 lần. Bên cạnh đó, các yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen từ cả trong và ngoài nước bao gồm: - Thế giới: Lạm phát dần hạ nhiệt, FED có thể bắt đầu quá trình hạ lãi suất từ giữa năm 2024. Tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; nền kinh tế toàn cầu chậm lại là những rủi ro tiềm ẩn của thị trường. - Trong nước: Lạm phát, Tỷ giá có áp lực tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát; Mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp cùng các chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nền kinh tế sẽ là điều kiện thuận lợi cho TTCK trong năm 2024.

❖ Lợi nhuận các doanh nghiệp phục hồi rõ nét từ Q4.2023: Theo số liệu của Fiintrade, tính đến ngày 31/1/2024, đã có 995 doanh nghiệp niêm yết (đại diện 95,6% vốn hóa trên ba sàn) công bố BCTC quý 4/2023, với tổng LNST tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ (+49,4% YoY) và so với quý 3 trước đó (+15,9% QoQ). Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận toàn thị trường sẽ tăng trưởng khoảng 15% trong năm 2024 khi nền kinh tế khởi sắc hơn. ❖ Lựa chọn cho danh mục đầu tư năm 2024: Agriseco Research cho rằng nhà đầu tư có thể lựa chọn các nhóm ngành có lợi nhuận bắt đầu phục hồi và tăng trưởng dương trở lại trên mức nền thấp của năm 2023. Đặc biệt, các nhóm ngành có mức độ suy giảm lợi nhuận lớn trong năm 2023 sẽ tạo ra mức nền thấp và dư địa tăng trưởng lớn cho năm 2024. Chúng tôi ưu tiên lựa chọn nhóm ngành xuất khẩu, ngành thép, ngành bán lẻ.

 

Agriseco Research
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.