Cập nhật cổ phiếu POW (Điện lực Dầu khí PV Power): bắt tay đối tác ngoại làm dự án điện khí LNG gần 2 tỷ USD 

HỒNG MƠ

22/09/2022 05:04

Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, HoSE: POW) vừa thông qua nghị quyết tham gia góp vốn để thành lập Công ty CP Điện khí LNG Quảng Ninh.  

 

pow-camau-1622182343.jpeg

Tổ hợp nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 của Tổng CT Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW)

Cụ thể, PV Power sẽ cùng các đối tác là Công ty CP Cơ khí và Lắp máy Việt Nam (Colavi), Tokyo Gas Co.,Ltd. và Marubeni Corporation tham gia thành lập doanh nghiệp mới, trong đó PV Power góp 30% vốn điều lệ. 

Theo kế hoạch từng công bố, dự án điện khí LNG Quảng Ninh tọa lạc trên khu vực phường Cẩm Thịnh, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG nhập khẩu đầu tiên của miền Bắc có công suất dự kiến là 1.500 MW, với tổng mức đầu tư 47.480 tỷ đồng (tương đương khoảng 2 tỷ USD). 

Về quy mô, dự án bao gồm 1 nhà máy điện khí sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất 1.500 MW, sân phân phối 500 KV với quy mô đảm bảo truyền tải hết công suất 1.500 MW của nhà máy điện.

Đồng thời, nhà máy sẽ có bến nhập LNG đáp ứng quy mô sản lượng thông qua cảng 2,4 triệu tấn LNG/năm, bao gồm 1 bến cập tàu và các hạng mục phụ trợ phục vụ bến nhập LNG; tuyến ống vận chuyển LNG từ bến nhập LNG về kho chứa đáp ứng quy mô sản lượng thông qua 2,4 triệu tấn LNG/năm; kho chứa LNG công suất 1,2 triệu tấn/năm với 2 bồn chứa loại trên cạn, mỗi bồn chứa có dung tích 100.000 m3. 

Dự kiến, Dự án sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động khai thác trong quý III/2027. 

Cập nhật ngày 28/8/2022: ký hợp đồng tín dụng 1.500 tỷ đồng với Vietcombank

POW đã ký hợp đồng tín dụng vay vốn lưu động trị giá 1.500 tỷ đồng với Vietcombank – Chi nhánh Sở giao dịch.

Đầu tháng 3/2022, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HOSE: POW) đã phát hành hồ sơ yêu cầu chào cấp tín dụng thương mại trong nước cho dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 – dự án sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng LNG đầu tiên tại Việt Nam và đang được Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm. Trong số các bản chào, Vietcombank là ngân hàng có lãi suất cạnh tranh nhất. 

Theo đó, cuối tuần trước, POW đã ký hợp đồng tín dụng vay vốn lưu động trị giá 1.500 tỷ đồng với Vietcombank – Chi nhánh Sở giao dịch. 

Cập nhật ngày 15/3/2022: muốn thoái toàn bộ vốn tại công ty đầu tư bên Lào

POW dự kiến thoái toàn bộ 30.805.200 cổ phiếu CTCP Điện Việt Lào (VLP) để giảm sở hữu từ 8,64% về còn 0% vốn điều lệ.

Tại ngày 31/12/2021, POW ghi nhận đầu tư 320 tỷ đồng vào CTCP Điện Việt Lào theo hình thức đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. Ngoài ra, CTCP Điện Việt Lào được thành lập chính thức tháng 7/2003 với tên gọi CTCP Đầu tư và Phát triển điện Việt –Lào, thực hiện dự án thủy điện Xekaman 3 tại Lào.

Theo dữ liệu tới tháng 11/2019, cổ đông lớn của CTCP Điện Việt Lào bao gồm Tổng Công ty Sông Đà – CTCP sở hữu 35,11% vốn điều lệ; CTCP Quản lý Đầu tư Xây dựng Việt Hà sở hữu 20,79% vốn điều lệ; POW sở hữu 9,85% vốn điều lệ; Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt sở hữu 9,6% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư Xây dựng Xuân Mai Sài Gòn sở hữu 8,32% vốn điều lệ; Công ty TNHH Khải Hưng sở hữu 7,98% vốn điều lệ; và các cổ đông khác.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 2.013,2 tỷ đồng về âm 326,3 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng thêm 103,31 tỷ đồng lên 106,9 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 803,69 tỷ đồng về âm 396,99 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể. Như vậy, trong kỳ công ty đã kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp âm.

Tuy nhiên, nhờ việc hoàn nhập dự phòng chi phí quản lý so với cùng kỳ trích lập đã giúp công ty giảm tác động tiêu cực. Lũy kế trong năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu đạt 24.565,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.032,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 17,4% và 23,7% so với cùng kỳ.

Cập nhật ngày 28/5/2021: đàm phán về nhà máy điện Cà Mau vào giai đoạn cuối

Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ trực tuyến của Tổng CT Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW), các thảo luận liên quan đến kế hoạch mở rộng công suất trong tương lai, nợ xấu từ Công ty Mua bán Điện EVN (EVNEPTC).

Việc đánh giá lại Hợp đồng mua bán điện (PPA) của nhà máy điện Cà Mau thu hút sự chú ý nhiều nhất từ các cổ đông.

EVN đã hoàn trả 1,300 tỷ đồng trong tổng số 2,100 tỷ đồng nợ xấu vào cuối quý 1/2021.

Kế hoạch của POW cho LNST trước lợi ích CĐTS năm 2021 đạt 1,300 tỷ đồng (-47% YoY) là rất thận trọng.

ĐHCĐ thông qua kế hoạch chia cổ tức tiền mặt ở mức 200 đồng/CP cho năm tài chính 2020.

Nhà máy Nhơn Trạch 3 & 4 (1.500MW) dự kiến sẽ động thổ vào cuối năm 2021 và đi vào hoạt động lần lượt vào nửa cuối năm 2023 và nửa cuối năm 2024.

POW có kế hoạch bổ sung thêm 4.500 MW công suất phát điện trong giai đoạn 2025-2035.

Cập nhật ngày 9/4/2021: Cập nhật cổ phiếu POW: lợi nhuận sau kiểm toán tăng 8%, nợ xấu giảm hơn nửa

Theo BCTC kiểm toán của Tổng CT Điện lực Dầu khí (POW), LNST sau lợi ích CĐTS 2020 đạt 2,400 tỷ đồng – giảm 7% YoY nhưng tăng 8% so với con số trước kiểm toán được công bố trong tháng 1/2021.

LNST sau lợi ích CĐTS kiểm toán của POW được điều chỉnh cao hơn khi 130 tỷ đồng chi phí thuế được hoãn lại vào khoản thời gian trễ hơn trong báo cáo kiếm toán.

Chúng tôi lưu ý rằng số dư nợ xấu của POW giảm từ 2 nghìn tỷ đồng trong BCTC trước kiểm toán chỉ còn 826 tỷ đồng trong BCTC sau kiểm toán.

Trong khoản này POW đã thực hiện dự phòng 770 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc sẽ không còn khoản dự phòng nợ xấu đáng kể nào từ năm 2021 trở đi. Điều này phù hợp với kỳ vong của chúng tôi.

POW hiện vẫn đang thương thảo với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để nhà máy điện khí Cà Mau tham giá thị trường phát điện cạnh tranh. Bất kỳ thay đổi nào trong thỏa thuận mua bán điện của nhà máy Cà Mau từ thỏa thuận này sẽ được điều chỉnh hồi tố hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Cập nhật ngày 22/3/2021: có khả năng ghi nhận 350 tỷ lợi nhuận từ việc thoái vốn khỏi PVM

Trong văn bản công bố thông tin hôm nay, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) thông báo đã thoái vốn thành công toàn bộ 20 triệu cổ phiếu (tương đương 51,5%) của PV Machino (UpCOM: PVM).

Theo số liệu giao dịch do UpCOM ghi nhận, ước tính giá thoái vốn trung bình của POW là 27.000 đồng/cổ phiếu.

Dựa trên giá vốn trung bình là 9.500 đồng/cổ phiếu, theo báo cáo tài chính của POW, ước tính rằng POW sẽ ghi nhận khoản lãi trước thuế trị giá 350 tỷ đồng từ việc thoái vốn này trong quý 1/2021.

Tính riêng sự kiện này, Công ty Chứng khoán Bản Việt - VCSC nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng nhẹ dự báo do giá thoái vốn dự kiến của Bản Việt chỉ là 20.000 đồng/cổ phiếu (thấp hơn 26% so với mức giá ước tính kể trên).

Công ty Chứng khoán Bản Việt - VCSC khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG cho POW và giá mục tiêu 15.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 11%.

Hiện tại POW đang hoạt động ổn định, đều đặn có thu.

Nhà máy điện than Vũng Áng vẫn ghi nhận tăng trưởng sản lượng 2 chữ số trong 2 tháng năm 2021 (+12% YoY) dù với tốc độ thấp hơn so với tháng 1/2021 (+31% YoY).

Các nhà máy thủy điện của POW tiếp tục ghi nhận tăng trưởng cao nhờ mực nước cao hơn đáng kể tại các hồ chứa vào cuối năm 2020 so với cuối năm 2019.

Cụ thể, sản lượng điện thương phẩm của nhà máy Hủa Na và Đắk Đrinh tăng lần lượt 107% và 4 lần YoY trong 2 tháng năm 2021.

Xét về triển vọng ngành dầu khí, nhiều doanh nghiệp - trong đó có Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) - sẽ hưởng lợi nhiều từ nhu cầu năng lượng phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước tăng lên.

Các công ty chứng khoán như Bản Việt hay BIDV gần đây đều đánh giá cao cổ phiếu POW. Trên thị trường, nhà đầu tư lớn nhỏ cũng quan tâm cao độ tới cổ phiếu này, khiến thanh khoản cổ phiếu POW thường xuyên duy trì ở mức rất tốt. 

Thực tế cho thấy, cả những nhà đầu tư lâu năm lẫn các nhà đầu tư f0 đều đang tham gia nhiệt tình vào cổ phiếu POW với niềm tin khá lớn.

TỔNG CÔNG TY ĐIỆN LỰC DẦU KHÍ VIỆT NAM (Mã POW)

Tiền thân là Tổng Công ty mẹ – Công ty TNHH một thành viên do Tập Đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam đầu tư 100% vốn, được thành lập theo Quyết định 1468/QĐ-DKVN ngày 17/5/2007 của Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Cổ phần hóa theo Quyết định số 1977/QĐ-TTg ngày 8/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).

 Ngày 01/07/2018, Tổng Công ty chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần. Cổ phiếu của Tổng Công ty được chính thức giao dịch trên sàn HOSE với mã chứng khoán POW ngày 14/01/2019.

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam-CTCP (PV Power) là một trong những đơn vị sản xuất điện hàng đầu tại Việt Nam, với công suất lắp đặt chiếm gần 8% trong tổng công suất nguồn của hệ thống. PV Power có ưu thế về nhiệt điện khí, hiện đang sở hữu các nhà máy điện có công nghệ hiện đại, hiệu suất cao. Bên cạnh đó, Tổng công ty đã đào tạo, xây dựng được một bộ máy có kinh nghiệm về quản lý và điều hành, vận hành các nhà máy điện có quy mô lớn, công nghệ cao,... đặc biệt quản lý đầu tư xây dựng các nhà máy điện có quy mô lớn và công nghệ hiện đại trong khu vực và trên thế giới. Do đó, PV Power là đơn vị có hiệu quả sử dụng vốn đứng đầu trong ngành điện.

Ngoài ra, Tổng công ty còn phát triển các lĩnh vực dịch vụ liên quan đến sản xuất điện bao gồm dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa và gia công chế tạo, phục hồi vật tư, thiết bị; dịch vụ cung ứng nhiên liệu cho các nhà máy điện,... để hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện năng phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Định hướng phát triển đến năm 2025, Tổng công suất lắp đặt của PV Power là 6.910 MW, chiếm 7% công suất lắp đặt toàn hệ thống, sản lượng điện bình quân năm là 25 tỷ kWh, tốc độ tăng trưởng sản lượng điện bình quân đạt 9%/năm.

Và giai đoạn đến năm 2035, Tổng công suất lắp đặt của PV Power là 9.960 MW, chiếm khoảng 6% công suất lắp đặt toàn hệ thống, sản lượng điện bình quân năm là 50 tỷ kWh, tốc độ tăng trưởng sản lượng điện bình quân đạt 5%/năm.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.