Binh đoàn "lính mới" liên tục nhồi nhét tiền vào chứng khoán, những ngày này thị trường liên tục chứng kiến các phiên có thanh khoản từ 32.000-38.500 tỉ đồng (1,4-1,7 tỉ USD), vượt trội hơn hẳn mức bình quân 7.420 tỉ đồng/phiên của năm 2020.
"Cá mập" các ngành… nhảy qua lướt sóng chứng khoán
Độ chất càng được thể hiện khi lực lượng "lính mới" bất chấp mua ròng, đẩy thị trường tăng cao, mặc khối ngoại bán ròng gần 30.000 tỉ đồng từ đầu năm đến nay.
Đội ngũ phân tích của Chứng khoán SSI nhận định dòng tiền dồi dào từ nhà đầu tư cá nhân trong nước khiến sức ảnh hưởng của dòng vốn ngoại trở nên mờ nhạt.
Từ đầu năm đến nay tỉ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm ở mức 83,3% (SSI), cao nhất trong những năm gần đây. Riêng tháng 5 vừa qua con số này đã tăng lên 87%.
Tiếp xúc với hàng loạt "lính mới" sàn chứng khoán, ông Huỳnh Minh Tuấn (giám đốc môi giới hội sở, Chứng khoán Mirae Asset) cho biết: "Lớp này không chỉ có gà mờ, mà còn có cá mập, cá voi, cá heo sát thủ từ những ngành khác đổ bộ qua, sẵn sàng chi hàng trăm tỉ đồng trở lên để đầu tư thêm ở kênh chứng khoán".
Ông Nguyễn Thế Minh (giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân, Chứng khoán Yuanta Việt Nam) phân tích, về bản chất dòng tiền, khi các kênh đầu tư khác không thuận lợi, giới đầu tư tìm cách chuyển sang chứng khoán.
Thời gian trước một số điểm nóng như TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội các giao dịch bất động sản khá sôi động, nhưng gần đây việc triển khai thủ tục pháp lý bị đứng yên, dịch bệnh thêm phần trì trệ.
"Nguyên tắc của giới đầu tư là không thể để tiền đứng yên. Dù chứng khoán mới mẻ đối với họ, nhưng khi "ngửi mùi" thấy thị trường đang lên, họ sẽ xoay tiền đập vào. Thông thường những người mới sẽ được khuyên chỉ nên dành 20% tiền để trải nghiệm, nhưng sau 1 tháng có người lãi hơn 15%, nhanh hơn cả bất động sản, nên họ đẩy thêm tiền vào, thậm chí còn bán đất đai, cầm cố tài sản để mua cổ phiếu", ông Minh cho hay.
Những năm trước, việc nhà đầu tư từ 25-30 tuổi có tài khoản chứng khoán từ 1-2 tỉ khá hiếm, nhưng hiện nay không ít người thuộc nhóm này sở hữu tài khoản trên 10 tỉ đồng.
"Lính mới" lì đòn, bất chấp margin cao ngất
Tính tới cuối tháng 5-2021, dư nợ margin toàn thị trường đã đạt 112.100 tỉ đồng, tăng 31.200 tỉ đồng so với cuối năm trước (SSC). Ngay cả một số công ty chứng khoán lớn cũng có dấu hiệu chạm trần margin - nguyên tắc không gấp 2 lần vốn chủ sở hữu.
"Giai đoạn 2014-2015, gần nhất là năm 2018, lượng margin chưa bằng một nửa bây giờ nhưng thị trường đã cắm đầu giảm mạnh. Hiện nay margin lên đến 112.100 tỉ đồng mà thị trường vẫn đi lên, chứng tỏ rất nhiều nhà đầu tư F0 đã đổ lượng tiền tươi với giá trị lớn vào chứng khoán, không dùng đòn bẩy tài chính", ông Minh nói.
Theo tìm hiểu, nhiều "lính mới" lắm tiền còn là các ông bà chủ của các nhà hàng, khách sạn, quán karaoke… do ảnh hưởng của dịch nên phải tạm đóng cửa cơ sở, không mở rộng hoạt động kinh doanh, tìm đến chứng khoán.
Trong thời gian vừa qua, nhóm cổ phiếu "bằng - chứng - thép" (bank - ngân hàng, chứng khoán, thép) liên tục tăng nóng, tăng bằng lần, không ít nhà đầu tư chỉ cần mua là thắng.
"Họ "đu sóng", chỉ cần kiếm lãi tầm 10-15%/tháng là vui rồi. Có người sau 3 ngày giao dịch mà lãi 7-8% là "té" sang cổ phiếu khác, không nghĩ đầu tư dài hạn với doanh nghiệp", lãnh đạo một công ty chứng khoán cho hay.
Không chỉ nhiều tiền, tâm lý các "tay chơi" mới cũng vững vàng hơn. Gần đây nhất khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đổ bộ, thị trường phản ứng bằng cách tăng điểm mạnh, bùng nổ các phiên tỉ đô.
Dù vậy, nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng thị trường đã xuất hiện dấu hiệu đầu cơ cao, kể cả cổ phiếu của những doanh nghiệp có sức khỏe tài chính yếu ớt cũng tăng giá, dẫn đến rủi ro lớn. Do đó nhà đầu tư cần cẩn trọng, tránh mua đuổi ở những cổ phiếu rác, sử dụng đòn bẩy tài chính phù hợp để bảo toàn thành quả lợi nhuận lâu nay.
Cập nhật ngày 21/3/2021: Đừng đùa với nhà đầu tư F0
Những tháng đầu năm 2021, VN-Index tăng ấn tượng và Chỉ số chạm mốc 1.200 điểm. Đặc biệt thanh khoản bùng nổ với những phiên giao dịch trên dưới 20.000 tỷ đồng.
Rõ ràng, khi lãi tiết kiệm thấp, tỷ giá không tăng, dòng tiền nhàn rỗi từ các nhà đầu tư mới, hay còn gọi là nhà đầu tư f0 đã không hẹn mà cùng tìm tới thị trường chứng khoán với sự hồ hởi của những tay chơi mới. Bữa tiệc chứng khoán bắt nguồn từ lãi suất thấp và dòng tiền nóng trong những ngày dịch bệnh khiến lượng nhà đầu tư f0 tăng chóng mặt.
Là f0, họ càng ấn tượng khi thấy tài sản có độ rủi ro cao với khả năng đem lại lợi nhuận cao. "Chơi chứng khoán với mức sinh lợi cao hơn hẳn các kênh khác, thấy tiếc thời gian mình bỏ tiền đi gửi tiết kiệm, cả năm chẳng được là bao", anh Tuấn Đạt, một nhà đầu tư f0 chính hiệu chia sẻ sau khi chốt lãi cổ phiếu ngân hàng.
Cứ thế, dòng tiền vẫn đổ mạnh vào chứng khoán. Đặc biệt khi nhiều chuyên gia trong ngoài nước ca ngợi Việt Nam chống dịch tốt, phát triển cả kinh tế trong an toàn. Năm 2021, nền kinh tế đang được nhiều tổ chức kinh tế, tài chính lớn trong và ngoài nước kỳ vọng sẽ hồi phục mạnh, đạt mức 6-7%.
Điều này khiến trong những tháng đầu năm 2021, số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tiếp tục tăng hàng vài chục % mỗi tháng.
Rõ ràng, lượng nhà đầu tư mới f0 đã giúp thị trường sôi động hơn bao giờ hết. Đã hơn 10 năm rồi, từ những năm 2007-2008, thị trường chứng khoán mới sôi động, thu hút nhiều nhà đầu tư như vậy. Nhiều người chưa biết gì về chứng khoán nhưng cũng rất hào hứng tham gia đầu tư.
Nhưng không vì thế mà xem nhẹ nhà đầu tư f0. Chính họ đã góp sức đẩy VN-Index tăng ấn tượng và chạm mốc 1.200 điểm với thanh khoản bùng nổ, bất chấp khối ngoại cứ mải miết bán ròng phiên này qua phiên khác.
Sự gia nhập bền bỉ của các nhà đầu tư f0 khiến VN-Index sôi động hẳn lên từ sàn HOSE sang HNX, từ miền Nam ra miền Bắc.
Mà không chỉ ở Việt Nam, thời gian qua nhiều nước cũng chứng kiến dòng tiền từ các nhà đầu tư f0.
Một vài tháng trước, những người được gọi là nhà đầu tư cá nhân này là một hiện tượng kỳ quặc trên thị trường chứng khoán Mỹ, họ lao vào thị trường để thoát khỏi sự nhàm chán của đóng cửa do đại dịch. Phí giao dịch không mất, đây là hệ quả từ cuộc chiến giá cả mà Robinhood đã khởi động từ năm 2019.
Hô hào trên mạng xã hội “cổ phiếu chỉ có thể tăng giá”, họ thể hiện sự lạc quan về triển vọng kinh tế, điều mà các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp thường thiếu. Họ thúc đẩy cuộc biểu tình lịch sử trên thị trường chứng khoán đã kéo dài hơn một năm cho đến nay.
Không nhiều người trong ngành đầu tư coi trọng “dòng tiền ngớ ngẩn” này. Những lão làng trên thị trường chứng khoán chỉ ra xu hướng nhà đầu tư cá nhân đang thịnh hành, như một dấu hiệu cho thấy thị trường sắp đạt đỉnh và tự tin chỉ ra việc các nhà đầu tư cá nhân ngây thơ rồi sẽ vỡ trận trong thời gian tới khi thị trường biến động.
Năm 2021 được minh chứng là năm đột phá với các nhà đầu tư nghiệp dư. Credit Suisse ước tính có thời điểm nhà đầu tư cá nhân chiếm 1/3 giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ. Câu hỏi gây nhức nhối trên phố Wall là liệu sự bùng nổ giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân có phải là một hiện tượng tạm thời lấy cảm hứng từ COVID-19 rồi chắc chắn sẽ sụp đổ – như cơn sóng dotcom, hay đây là khởi đầu cho kỷ nguyên mới của thị trường chứng khoán Mỹ
Sự điên cuồng trong giao dịch cổ phiếu GameStop là ví dụ bùng nổ và dễ thấy về sự thay đổi sức mạnh thị trường đã được gây dựng trong hơn một năm. Tháng 1, cổ phiếu của nhà bán lẻ trò chơi điện tử tăng vọt, khi các nhà đầu tư cá nhân chia sẻ với nhau vô số ý tưởng trên mạng xã hội Reddit. Họ đối đầu với các quỹ đầu tư bán khống cho rằng GameStop sẽ khó khăn trong thời đại kỹ thuật số..
Một cuộc khảo sát của Deutsche Bank nói rằng họ có ý định đưa 37% bất kỳ khoản hỗ trợ nào trong gói kích thích chính phủ vào cổ phiếu, số tiền có thể lên tới 170 tỷ USD. Trong trường hợp thị trường chứng khoán sụt giảm, họ cũng không có ý định rút lui, mà bỏ thêm tiền vào.
Một số nhà đầu tư kì cựu cho rằng sự điên cuồng hiện tại là điều đáng ghê tởm, Charlie Munger, phó chủ tịch 97 tuổi của Berkshire Hathaway gần đây mô tả GameStop như cơn điên được dẫn dắt bởi nhóm cờ bạc mới, những kẻ có tư duy kiểu cá cược đua ngựa.
Tuy nhiên, nhiều người ở phố Wall đang bắt đầu tin rằng đợt bùng nổ nhà đầu tư cá nhân này có khả năng lâu bền hơn những lần trước. Họ chỉ ra những thay đổi kể từ thời bong bóng dotcom kết hợp với nhau có khả năng đem đến những tác động sâu rộng ngoài yếu tố đại dịch: sự xuất hiện của giao dịch tự do, khả năng giao dịch phần nhỏ của cổ phiếu, cải thiện giao dịch người dùng và tốc độ kết nối, khả năng tiếp cận đòn bẩy rẻ hơn, và sự phát triển của phương tiện truyền thông xã hội.