Đánh giá cổ phiếu GAS: Về dài hạn vẫn còn nhiều vướng mắc

FPTS & VNDirect & Bản Việt

15/09/2023 12:16

FPTS khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu GAS với giá mục tiêu là 102.500 đồng/cp.

gas-saovang-dainguyet-1615994126.jpeg
Lắp đặt thiết bị khai thác mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt   

Trong H1/2023, GAS ghi nhận doanh thu đạt 45.257 tỷ đồng (-16,7% yoy), hoàn thành 59,2% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.612 tỷ đồng (-23,0% yoy), hoàn thành 101,1% kế hoạch năm 2023. Kết quả kinh doanh H1/2023 của GAS giảm so với cùng kì chủ yếu do giá bán khí khô và giá LPG giảm theo giá dầu.

FPTS dự phóng KQKD 2023 - 2024 của GAS sụt giảm so với 2022 tuy nhiên vẫn giữ mức cao so với giai đoạn 2017 – 2021 do: (1) Giá khí khô và LPG hồi phục trong H2/2023 và 2024 nhờ giá dầu hồi phục khi nhu cầu gia tăng và nguồn cung thắt chặt. (2) Nhu cầu khí khô tiếp tục tăng trưởng lần lượt đạt mức 4,4% và 2,6% trong năm 2023 và 2024. (3) Mảng LNG chưa đóng góp nhiều vào kết quả kinh doanh của GAS trong giai đoạn 2023 – 2024 do khách hàng chính của kho cảng LNG Thị Vải là Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 chưa đi vào hoạt động (Dự kiến hoạt động vào 2025) và khả năng huy động LNG cho các nhà máy điện đạm hiện hữu là thấp do chi phí sản xuất cao.

Với triển vọng trên, dự phóng doanh thu của GAS sẽ đạt 97,3 nghìn tỷ đồng (-3,4% yoy), hoàn thành 127% kế hoạch doanh thu năm 2023. Lợi nhuận sau thuế của GAS đạt 12,4 nghìn tỷ đồng (-17,8% yoy), hoàn thành 189,6% kế hoạch lợi nhuận năm 2023, tương đương với tỷ suất lợi nhuận sau thuế đạt 12,7%.

Trong năm 2024, dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của GAS sẽ lần lượt đạt 104,8 nghìn tỷ đồng (+7,7% yoy) và 13,9 nghìn tỷ đồng (+12,1% yoy), tương đương với biên lợi nhuận sau thuế đạt 13,3%.

NHIỀU VƯỚNG MẮC CẦN GIẢI QUYẾT

Về triển vọng dài hạn, vẫn còn nhiều vướng mắc trong (1) Dự án đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn và (2) Triển khai điện khí LNG. Các vướng mắc trên nếu không được tháo gỡ kịp thời sẽ mang đến rủi ro thiếu hụt nguồn khí khô cung cấp trong nước.

ĐỊNH GIÁ VÀ KHUYẾN NGHỊ

GAS đang được giao dịch với mức định giá P/E TTM = 15,3x. FPTS tiến hành định giá cổ phiếu GAS bằng phương pháp so sánh P/E với (1) EPS dự phóng cho năm 2023 đạt 6.359 đồng/cp và (2) Hệ số P/E mục tiêu là 15,7X.

FPTS khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu GAS với giá mục tiêu là 102.500 đồng/cp.

Cập nhật ngày 7/5/2021: thời điểm tốt để mở vị thế mới với GAS

Bất chấp những vấn đề bất ngờ phát sinh liên quan đến sản lượng tiêu thụ khí khô trong Q1/21, chúng tôi vẫn khá tự tin vào triển vọng của GAS trong những năm sắp tới, dựa trên: (1) giá dầu phục hồi ổn định từ năm 2021, (2) nhu cầu khí tự nhiên là cấp thiết trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng tại Việt Nam và (3) GAS hiện đang trong giai đoạn đầu tư để tạo tiền đề cho sự phát triển trong dài hạn của công ty.

Sản lượng tiêu thụ khí khô sẽ phục hồi kể từ Q2/21 khi hiện tượng La Nina suy yếu và bước vào mùa cao điểm sử dụng điện.

Kỳ vọng giá bán khí trung bình tăng ~26% so với năm 2020 (dựa trên giả định giá dầu Brent trung bình năm 2021 là 60 USD/thùng so với mức 43 USD/thùng năm 2020) nhờ vào việc giá dầu được dự kiến sẽ duy trì đà hồi phục vững chắc trong năm 2021.

Công ty Chứng khoán VNDirect nhận thấy đợt điều chỉnh của giá gần đây là cơ hội để tích lũy một cổ phiếu tốt với tiềm lực tài chính mạnh mẽ như GAS.

Cập nhật ngày 7/4/2021: chú ý GAS

Kỳ vọng EPS năm 2021 tăng trưởng 17,6% YoY, được củng cố bởi 1) sản lượng khí thương phẩm phục hồi 7,4% YoY và 2) giá dầu nhiên liệu/LPG tăng 18,2%/16,3% YoY. Trong khi sản lượng khí thương phẩm ở mức thấp trong quý 1/2021, kỳ vọng nhu cầu khí từ các nhà máy điện sẽ tăng dần trong các quý tiếp theo để củng cố cho lợi nhuận của GAS.

Dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS đạt 15,0% trong giai đoạn 2020-2030, nhờ lợi nhuận cao hơn từ mảng vận tải (dẫn dắt bởi LNG) và bù đắp cho mức giảm của lợi nhuận từ mảng phân phối khí khi các mỏ khí giá rẻ dần hết trữ lượng.

Dự báo lợi nhuận từ mảng vận tải sẽ tăng gấp đôi và đóng góp khoảng 70% vào lợi nhuận ròng của GAS trong năm 2025 so với mức khoảng 40% vào năm 2020.

GAS có tiềm lực tài chính mạnh với 1,2 tỷ USD tiền mặt và tỷ lệ đòn bẩy ròng ở mức -47,2%.

Định giá của GAS hấp dẫn với P/E năm 2021 và 2022 lần lượt là 17,9 lần và 15,8 lần, thấp hơn 5,5% và 16,2% so với P/E trượt trung bình 5 năm của các công ty cùng ngành trong khu vực.

Công ty Chứng khoán Bản Việt tăng giá mục tiêu cho Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) thêm khoảng 1% chủ yếu do chúng tôi giảm dự báo chi phí vốn chủ sở hữu thêm 50 điểm cơ bản, bù đắp cho tác động tiêu cực từ việc giảm dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2021-2030 thêm trung bình khoảng 3%.

Bản Việt nâng khuyến nghị từ KHẢ QUAN lên MUA vì giá cổ phiếu GAS đã rơi vào vùng hấp dẫn sau khi giảm khoảng 6% trong tháng trước. Chúng tôi duy trì quan điểm lạc quan khi cho rằng GAS sẽ hưởng lợi đầu tiên từ quá trình chuyển đổi cơ cấu sang LNG của Việt Nam với vị thế độc quyền của công ty.

Rủi ro: Sản lượng khí thương phẩm bán cho các nhà máy điện thấp hơn dự kiến.

Tổng Công ty Khí Việt Nam (mã GAS)
Tổng Công ty Khí Việt Nam là đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), được thành lập trên cơ sở Ban Quản lý Công trình Dầu khí Vũng Tàu với nhiệm vụ chủ yếu là thu gom, nhập khẩu, vận chuyển, dự trữ, chế biến, kinh doanh các sản phẩm khí. Năm 2007, tổng công ty Khí Việt Nam hoạt động theo mô hình tập đoàn. Đến tháng 5/2012, tổng công ty Khí Việt Nam IPO niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán HSX với mã chứng khoán là GAS, với vốn điều lệ đạt 18.950 tỷ đồng. GAS là đơn vị duy nhất cung cấp khí khô cho các nhà máy điện, đạm tại Việt Nam. Đến cuối năm 2022, GAS cung cấp khí cho 35% sản lượng điện và 70% sản lượng sản xuất phân đạm cả nước.
GAS có cơ cấu cổ đông cô đặc khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là cổ đông lớn chiếm trên 95% cổ phần. PVN có vai trò hỗ trợ vận hành, đưa ra các chính sách về giá khí nguyên liệu và khí thành phẩm, giám sát hoạt động kinh doanh của GAS. Về kế hoạch thoái vốn của PVN tại GAS, trước đây Chính Phủ có đề án giảm tỷ lệ sở hữu của PVN tại GAS từ 95,8% về 65% trước năm 2020 tuy nhiên tiến độ thoái vốn tại GAS không theo kịp đề án ban đầu và đang dừng lại. Hiện tại, PVN chưa công bố lộ trình và phương án thoái vốn cụ thể phần vốn còn lại tại GAS.
GAS sở hữu 06 công ty con và đầu tư vào 02 công ty liên doanh, liên kết đều hoạt động trong mảng khí. Hiện GAS hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, các công ty con, liên kết và liên doanh hoạt động trên cơ sở phân chia, chuyên môn hóa các hoạt động sản xuất, dịch vụ, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty GAS.
Hoạt động kinh doanh của GAS bao gồm (1) Thu gom khí ẩm ngoài khơi thông qua hệ thống đường ống, (2) Xử lý và chế biến thành khí khô/thành phẩm và (3) Phân phối khí thành phẩm cho khách hàng tiêu thụ. GAS kinh doanh khí – thành phẩm đầu ra như: Khí khô (chủ yếu là khí Metan – CH4), LPG (bao gồm Propane C3H8 và Butane C4H10), Condensate.
Khí khô và LPG là hai sản phẩm chính của GAS, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu, lần lượt chiếm 51,1% và 36,8% cơ cấu doanh thu của GAS trong giai đoạn 2017 – 2022. 
Khí khô: GAS cung cấp khí khô cho các khách hàng là nhà máy điện, đạm và khu công nghiệp qua hệ thống khí được kết nối. Các nhà máy điện là khách hàng chính của GAS, chiếm khoảng 80% sản lượng tiêu thụ khí khô trong giai đoạn 2017 – 2022. Giá bán khí khô được neo theo giá các sản phẩm dầu khí như giá dầu FO hay giá LPG và được áp dụng cơ chế giá sàn là giá miệng giếng. Cơ chế giá sàn là giá miệng giếng giúp GAS bảo đảm có lợi nhuận trong mảng khí khô nhờ lợi nhuận từ việc vận chuyển khí.
LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng): thường được dùng làm nhiên liệu đốt cho các nhà máy sản xuất công nghiệp và nấu ăn dân dụng. Nguồn cung LPG của GAS đến từ (1) Tự sản xuất tại GPP Dinh Cố và GPP Cà Mau (17,6% sản lượng 2022), (2) Nhập trong nước từ NMLD Dung Quất (15,1% sản lượng 2022) và (3) Nhập khẩu (67,3% sản lượng 2022). GAS là doanh nghiệp phân phối LPG lớn nhất khi chiếm 70% thị phần LPG cả nước.
GAS cung cấp LPG cho thị trường thông qua hình thức bán buôn (85% sản lượng hằng năm) cho các đơn vị phân phối LPG như Petrolimex, SG Petro,… và bán lẻ (15% sản lượng hằng năm) thông qua công ty con là CTCP kinh doanh LPG Việt Nam (PVG). Giá nhập LPG được xác định theo giá CP LPG (giá LPG được công bố bởi công ty Saudi Aramco) và giá bán LPG được tính bằng giá CP LPG cộng với một premium được GAS kí với các doanh nghiệp phân phối LPG.
Mảng vận chuyển khí: Là mảng ghi nhận kết quả kinh doanh của: (1) Hệ thống PM3 – Cà Mau do GAS chỉ tham gia vào hoạt động vận chuyển khí ở hệ thống này (không có hoạt động mua bán khí) và (2) Ghi nhận 51% phí vận chuyển hệ thống đường ống Nam Côn Sơn 1 (do GAS chỉ sở hữu 51% hệ thống này). Doanh thu mảng vận chuyển khí chỉ chiếm 5,1% nhưng đây là mảng có biên lợi nhuận cao nhất (khoảng 80%) giúp mảng vận chuyển khí đóng góp 19,5% trong cơ cấu lợi nhuận gộp các mảng kinh doanh của GAS trong giai đoạn 2017 – 2022.
Tháng 7/2023, GAS bắt đầu tham gia vào mảng nhập khẩu LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) khi nhập 70 nghìn tấn LNG đầu tiên để vận hành thử nghiệm kho cảng Thị Vải. Mảng LNG sẽ là mảng kinh doanh tiềm năng của GAS trong tương lai.
GAS là doanh nghiệp duy nhất sở hữu và vận hành đường ống thu gom khí ẩm ngoài khơi, do đó GAS độc quyền trong mảng kinh doanh và phân phối khí khô: Trên lãnh thổ Việt Nam đang có 5 dự án đường ống dẫn khí ngoài khơi về bờ đang được vận hành là: (1) Hệ thống Cửu long, (2) Hệ thống Nam Côn Sơn 1, (3) Hệ thống khí PM3 – Cà Mau, (4) Hệ thống Hàm Rồng – Thái Bình và (5) Hệ thống khí Nam Côn Sơn 2. Cả 5 dự án đều được GAS sở hữu và vận hành với tổng công suất thu gom và vận chuyển khí đạt gần 17,5 tỷ m3 /năm.
GAS là doanh nghiệp duy nhất được Tập đoàn dầu khí Việt Nam cho phép đầu tư, sở hữu và vận hành các đường ống thu gom khí trên và được phép thực hiện kinh doanh khí khô trên các hệ thống (ngoại trừ hệ thống PM3 – Cà Mau - GAS chỉ tham gia vận chuyển khí cho PVN).
 

FPTS & VNDirect & Bản Việt
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.