Hưởng lợi từ chu kỳ đi lên của ngành
PVT tiếp tục cải thiện tình hình tài chính trong Q2/2023, hưởng lợi từ chu kỳ đi lên của ngành tàu chở dầu. Doanh thu mảng vận tải tăng 2% svck, lợi nhuận gộp tăng 9% svck và LNTT tăng 45% svck bao gồm khoản lãi bất thường từ việc thanh lý tàu là 56 tỷ đồng. LNTT không bao gồm khoản lãi bất thường sẽ tăng 27% svck, tương đương với mức tăng 26% svck trong Q1/2023.
Trong Q2, PVT đã bán 2 tàu cũ (Apollo Pacific và PVT Dragon), ghi nhận khoản lãi bất thường 56 tỷ đồng, cao hơn 10 tỷ đồng so với kỳ vọng trước đó do giá sắt vụn tăng. Biên lợi nhuận mảng vận tải cải thiện đáng kể lên 23% trong Q2/2023, giúp lợi nhuận gộp tăng 15% svck đạt 412 tỷ đồng, đây là mức cao nhất trong lịch sử của PVT.
Nguyên nhân chính giúp tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng vận tải tăng cao hơn bao gồm: biên lợi nhuận định mức của mảng thị trường nội địa cao hơn, gia hạn hợp đồng thuê tàu có định hạn với mức giá cao hơn trên thị trường quốc tế và đội tàu tăng trưởng mạnh.
Giá cho thuê tàu định hạn đối với ngành tàu chở dầu yếu và bắt đầu phản ánh việc giá giao ngay trở về mức bình thường (vào tháng 6, giá giao ngay của cả tàu chở dầu sản phẩm và tàu chở dầu thô đã trở lại mức của tháng 1/2022 trước khi xảy ra chiến tranh giữa Nga-Ukraine).
Giá cho thuê tàu chở dầu sản phẩm giảm 9% so với quý trước, trong khi giá cho thuê tàu chở dầu thô giảm 1% so với quý trước. Trong ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng giá cho thuê tàu sẽ giảm hơn nữa để phản ánh tình hình giá cho thuê giao ngay. Về dài hạn, giá cho thuê tàu định hạn có thể sẽ không trở lại mức năm 2021 do nhu cầu vận chuyển dầu và dầu sản phẩm liên tục tăng cao (dựa trên nhu cầu tấn-quãng đường) do những thay đổi về địa chính trị.
Theo đó, SSI áp dụng mức giá cho thuê thấp hơn trong năm 2024 vào các ước tính để phản ánh quan điểm này. Chúng tôi nâng 5% ước tính LNTT cốt lõi trong năm 2023 đạt 1,45 nghìn tỷ đồng (+24% svck). Bao gồm khoản lãi bất thường 94 tỷ đồng, ước tính LNTT năm 2023 mới là 1,55 nghìn tỷ đồng, +6% svck (tăng từ 1,48 nghìn tỷ đồng). Điều này có nghĩa là trong nửa cuối năm 2023, chúng tôi ước tính LNTT cốt lõi đạt 772 tỷ đồng (+29% svck).
LNTT dự kiến sẽ giảm 4,3% svck trong năm 2024, do giả định công ty ghi nhận khoản lãi bất thường thấp hơn trong năm 2024 và LNTT cốt lõi không đổi nếu loại trừ các khoản lãi bất thường trong cả hai năm.
Yếu tố hỗ trợ ngắn hạn
Q3/2022 là quý có mức nền kết quả kinh doanh cao, do đó, KQKD Q3 có thể sẽ là yếu tố kém tích cực. Khi mùa đông đến gần, kỳ vọng giá giao ngay sẽ cải thiện nhờ tính chất mùa vụ của ngành, điều này có thể hỗ trợ giá cổ phiếu.
Quan điểm dài hạn
PVT đang nhanh chóng mở rộng đội tàu, với mục tiêu đạt đội tàu 85 tàu vào năm 2025, tăng gần gấp đôi quy mô hiện tại. Doanh thu dự kiến tăng mạnh trong năm tới. Nhưng tăng trưởng lợi nhuận phụ thuộc rất nhiều vào biến động của giá cho thuê định hạn và cung/cầu, sẽ trở về mức bình thường nhưng vẫn cao hơn mức trước chiến tranh giữa Nga-Ukraine.
Định giá PVT
SSI khuyến nghị TRUNG LẬP, với giá mục tiêu là 24.000 đồng/cổ phiếu. PVT đang giao dịch ở mức P/E dự phóng năm 2023 và 2024 lần lượt là 8,27x và 9,0x, ở mức cao nhất trong biên độ P/E lịch sử.
PVT vẫn là cổ phiếu ưa thích của SSI trong ngành tàu chở dầu (hiện đang trong chu kỳ tăng trưởng) với khả năng quản lý tốt, khuyến nghị nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu tại các nhịp điều chỉnh.
Cập nhật ngày 26/3/2023: SSI khuyến nghị KHẢ QUAN, giá mục tiêu 23.200 đồng/cp
SSI duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu PVT mặc dù điều chỉnh giảm giá mục tiêu xuống 23.200 đồng/cổ phiếu.
Trong Q4/2022, doanh thu và lợi nhuận gộp lần lượt tăng 17% và 33% so với cùng kỳ do doanh thu mảng vận tải tăng 25% svck nhờ giá cho thuê tàu cao hơn do mảng FSO ổn định.
SSI nhận thấy thị trường cho thuê tàu chở dầu tăng mạnh là nhờ các biện pháp trừng phạt đối với dầu và các sản phẩm dầu của Nga làm tăng nhu cầu vận chuyển dầu.
Lũy kế cả năm cả năm 2022, LNTT đạt 1,5 nghìn tỷ đồng (+40% svck), cao hơn 8% so với ước tính của SSI Research do phát sinh khoản lãi thanh lý tài sản trong Q4.
Nếu loại trừ tất cả khoản lãi từ việc thanh lý tài sản, LNTT năm 2022 sẽ ở mức 1,2 nghìn tỷ đồng (+17% svck), cao hơn một chút so với tốc độ tăng trưởng kép LNTT là 15,6% trong 10 năm qua.
Cập nhật ngày 15/6/2021: Rồng Việt khuyến nghị TÍCH LŨY cổ phiếu PVT, giá mục tiêu 23.300 đ/cp
Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ trực tuyến của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) diễn ra ngày 15/06/2021.
ĐHCĐ đã thảo luận về KQKD sơ bộ 6 tháng năm 2021, triển vọng cho năm 2021, triển vọng tăng trưởng trong dài hạn, kế hoạch mở rộng công suất và thoái vốn của Nhà nước. Nhìn chung, ban lãnh đạo lạc quan về triển vọng dài hạn dù những bất ổn liên quan đến dịch COVID-19.
Cổ đông đã thông qua kế hoạch cho năm 2021 với doanh thu đạt 6 nghìn tỷ đồng (-18,7% YoY) và lợi nhuận ròng đạt 404 tỷ đồng (-51,4% YoY), khá thận trọng. Lưu ý rằng con số lợi nhuận thực tế của PVT đã cao hơn 1,7-2,2 lần so với mục tiêu của công ty trong 5 năm qua.
PVT đã công bố KQKD sơ bộ 6 tháng đầu năm 2021 với doanh thu đạt 3,5 nghìn tỷ đồng (+3,1% YoY) và lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 420 tỷ đồng (+6,8% YoY). LNTT 6 tháng đầu năm 2021 đã hoàn thành 44% dự báo cả năm và phù hợp với kỳ vọng.
PVT đang tiến hành thanh lý tàu chở dầu Athena trong nửa cuối năm 2021. PVT ước tính giá trị bán ra ở mức 6-10 triệu USD nhờ giá phế liệu tăng cao, cao hơn so với dự báo trước đây là 5 triệu USD, tương ứng khả năng điều chỉnh tăng dự báo hiện tại của chúng tôi khi chúng tôi chưa ghi nhận diễn biến này trong dự báo lợi nhuận năm 2021.
PVT thông báo về việc mua lại một tàu vận chuyển LPG cỡ lớn (VLGC) trong quý 2-3/2021. Điều này dẫn đến khả năng tăng đối với dự báo LNST dài hạn, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Cổ đông đã thông qua mức cổ tức tiền mặt cho năm 2020 là 1.000 đồng/CP (lợi suất 4,7%), cao hơn dự báo hiện tại của chúng tôi là 700 đồng/CP. Theo Tổng Giám đốc PVT, công ty đang cố gắng vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2021 để có thể chia cổ tức tiền mặt ở mức 1.000 đồng/CP cho năm 2021. PVT cũng đặt mục tiêu chia cổ tức 10-15% mệnh giá trong dài hạn (bao gồm cổ tức tiền mặt và cổ tức cổ phiếu, tùy thuộc vào yêu cầu vốn đầu tư và lợi nhuận mỗi năm).
Doanh thu Q1/2021 của PVT đạt 1.717 tỷ đồng, tăng trưởng 8,8% so với cùng kỳ. Trong đó dịch vụ vận tải ghi nhận 1.230 tỷ đồng, tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ với đóng góp chính đến từ mảng vận chuyển xăng dầu sản phẩm và LPG.
Biên lợi nhuận gộp PVT có sự cải thiện từ 14,3% lên 15% khi hoạt động vận tải ít chịu ảnh hưởng bởi dịch covid so với cùng kỳ, giúp lợi nhuận gộp Q1/2021 đạt 258 tỷ đồng, tăng trưởng 14,1% YoY.
Mảng dầu thô
Doanh thu đạt 299 tỷ đồng, giảm 14,4% so với cùng kỳ. Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp cũng giảm nhẹ từ 20,7% trong Q1/2020 xuống còn 19%, chủ yếu do ảnh hưởng của mảng vận tải quốc tế khi PVT ký các hợp đồng mới trong đầu Q1/2021. Cụ thể, PVT đã ký các hợp đồng T/C mới cho các tàu hoạt động ở tuyến quốc tế với giá cước mới giảm khoảng 20% so với trước đó theo ước tính của chúng tôi.
Trong khi đó mảng vận tải dầu thô trong nước – chủ yếu cho Bình Sơn ghi nhận sự phục hồi với sản lượng vận tải khoảng 1,3 triệu tấn so với 1 triệu tấn cùng kỳ.
Mảng dầu thành phẩm
Doanh thu đạt 342 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ khi PVT nhận thêm 2 tàu mới PVT Azura, PVT Dawn trong Q1/2021 và tàu PVT Venus cũng đóng góp vào hoạt động từ cuối 2020. Với sự bổ sung các tàu mới – chủ yếu vận chuyển hóa chất, biên lợi nhuận của mảng dầu thành phẩm có sự cải thiện đáng kể từ 5,4% lên 12,3%.
Mảng LPG
Doanh thu đạt 493 tỷ đồng, tăng trưởng 34,8% chủ yếu nhờ sản lượng vận chuyển tăng trong khi giá cước được duy trì ổn định cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 9% lên 13,3%.
Thanh lý tàu Sealion
PVT thực hiện thanh lý tàu PVT Sealion với trọng tải 16.187 DWT và thu về 39 tỷ đồng trong Q1/2021. Nếu so với 97 tỷ lợi nhuận từ việc thanh lý tàu Hercules (trọng tải 96.174 DWT) trong năm 2018, lợi nhuận thanh lý của PVT Sealion là khá cao nhờ giá sắt thép đang thuận lợi trong giai đoạn này. Nhờ khoản tiền thu được từ thanh lý tàu, LNST công ty mẹ PVT trong Q1/2021 ghi nhận 136 tỷ đồng, tăng trưởng 102,1% so với cùng kỳ. Trong thời gian tới, PVT cũng sẽ tiếp tục thanh lý PVT Athena và dự kiến sẽ ghi nhận mức lợi nhuận đáng kể ~ 100 tỷ đồng trong năm nay.
Lợi nhuận thực tế luôn vượt xa kế hoạch đề ra
PVT luôn có xu hướng đặt kế hoạch thận trọng trước mỗi kỳ kinh doanh. Chính vì thế cũng không có gì ngạc nhiên với kế hoạch năm nay của PVT cho dù vẫn còn những ảnh hưởng của Covid lên hoạt động kinh doanh. Theo quan điểm của chúng tôi, PVT sẽ dễ dàng hoàn thành kế hoạch với lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi của PVT cải thiện so với năm trước nhờ các yếu tố:
(1) Nhà máy Bình Sơn không còn bảo dưỡng tổng thể giúp khôi phục nhu cầu vận chuyển sản lượng. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của BSR nhiều khả năng tốt trong năm nay giúp giá cước vận chuyển cho nhà máy được duy trì một biên lợi nhuận tốt hơn so với cùng kỳ.
(2) Mảng vận tải xăng dầu/hóa chất tăng trưởng nhờ đóng góp các tàu mới.
(3) Hoạt động thanh lý tàu Sealion và Athena mang lại lợi nhuận đột biến.
(4) Đóng góp thêm từ hoạt động O&M cho CPP Sao Vàng.
Theo đó, doanh thu và LNST cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 7.563 tỷ đồng và 845 tỷ đồng. Trong đó chúng tôi kỳ vọng hoạt động thanh lý tàu Sealion và Athena có thể mang về 140 tỷ đồng cho PVT.
PVT dự kiến sẽ đầu tư nhiều
PVT dự kiến chi 7.621 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư trong năm nay (bao gồm công ty mẹ và các công ty con), trong đó 64% sẽ được tài trợ bằng vay nợ. Số tiền này chủ yếu sẽ được dùng để đầu tư các tàu mới vốn đã bị ngưng một phần trong năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tuy nhiên, khả năng hoàn thành 100% kế hoạch đầu tư của PVT là khá thấp do trong quá khứ, hiếm khi nào công ty hoàn thành kế hoạch đầu tư của mình đề ra từ đầu năm.
Chúng tôi khuyến nghị TÍCH LŨY với giá mục tiêu 23.300 đồng.
Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (viết tắt là PVTrans, mã PVT)
PVT tiền thân là Công ty Vận tải Dầu khí được thành lập theo Quyết định số 358/QĐ-VPCP ngày 27/05/2002 của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ với nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ vận tải dầu khí, đặc biệt là vận tải dầu thô.
Sau gần 5 năm hoạt động theo mô hình doanh nghiệp Nhà nước, Công ty Vận tải Dầu khí đã tiến hành cổ phần hóa theo quyết định số 758/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp ngày 30/3/2006 và chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ ngày 07/05/2007 với tên Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí.
Sau khi hoàn thành cổ phần hóa, để phù hợp với quy mô ngày càng phát triển, Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí chính thức đổi tên thành Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí vào ngày 23/07/2007. Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí chính thức được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh với mã giao dịch PVT vào ngày 10/12/2007. Đến nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ 51% vốn điều lệ của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí.
PVTrans đã trở thành một trong những đơn vị hàng đầu về vận tải biển của Việt Nam có uy tín cả trong nước và quốc tế. Kể từ năm 2011 đến nay, PVTrans đã vững vàng vượt qua khủng hoảng tạo ra sự tăng trưởng vượt bậc và bền vững.
PVTrans từ một công ty vận tải biển với 01 con tàu vận tải dầu thô và khoảng 100 cán bộ công nhân viên, đến nay đã trở thành một Tổng Công ty vận tải với 9 đơn vị thành viên, 2 chi nhánh và hơn 2.000 cán bộ công nhân viên.
PVTrans đã phát triển được đội tàu gồm 41 chiếc với tổng tải trọng hơn 1 triệu DWT, trở thành đơn vị vận tải hàng lỏng lớn nhất Việt Nam hiện nay. PVTrans đã nhận được Huân chương lao động hạng 3, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của Chính phủ cũng như các giải thưởng từ các tổ chức có uy tín như Forbes Việt Nam, Asia Pacific Entrepreneurship Awards, VNR, …
pham thanh huyen
18:23 16/06/2021
Vote dầu khí. Dòng này bầm dập lâu nay, toàn để thép với bank đè, nay tới lúc khởi nghĩa rồi, lên tàu nhanh còn kịp.