Nhu cầu điện tăng mạnh, Vũng Áng 1 hưởng lợi khi EVN tập trung huy động điện than từ đầu năm
Với nhu cầu điện tăng cao 12% svck trong Q1/24, EVN phải vận hành gần tối đa công suất các nhà máy điện than, trong đó có Vũng Áng 1. Đặc biệt, sự trở lại của tổ máy 1 sau thời gian dài sửa chữa đã đánh dấu cột mốc quan trọng, giúp VA1 sẵn sàng huy động tối đa cả 2 tổ máy để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhờ vậy, sản lượng nhà máy Q1/24 tăng mạnh 77% svck.
NT2 gặp thách thức trong ngắn hạn do nguồn khí hạn chế
NT2 hiện đối mặt với khó khăn do nguồn cung khí giá rẻ sụt giảm. A0 đã cắt giảm đáng kể sản lượng theo kế hoạch 2024 xuống còn 2,6 tỷ kWh, giảm 61% so với thực hiện 2023. Điều này báo hiệu nhà máy sẽ chỉ nhận huy động hạn chế trong năm 2024.
Dự phóng sản lượng của NT2 trong năm 2024 giảm 9,3% so với mức nền thấp năm ngoái và LN gộp chỉ đạt 11 tỷ đồng (-98% svck).
Nhà máy điện khí NT3&4 là hai dự án quan trọng của POW với tổng vốn đầu tư 34.000 tỷ đồng. Việc vận hành thương mại của dự án hiện có thể bị chậm trễ do vướng mắc trong việc đàm phán PPA với EVN và tranh chấp thuê đất với Tín Nghĩa.
Do đó, NT3&4 sẽ đi vào hoạt động từ Q3/24 và Q1/25 thay vì Q1/24 và Q3/24 như trước đây. Chúng tôi kỳ vọng NT3&4 là động lực tăng trưởng trung và dài hạn của POW do tiềm năng nâng tổng công suất của POW lên 36% và đóng góp 16,4%/44,2% vào tổng doanh thu kể từ 2025-26.
Định giá hấp dẫn nhờ triển vọng lợi nhuận của POW và danh mục điện khí
POW đang giao dịch ở mức P/B 0,9 lần, thấp hơn đáng kể so với trung bình các công ty cùng ngành là 1,6x. Mức định giá này hấp dẫn so với triển vọng trong trung và dài hạn của doanh nghiệp cùng danh mục nhà máy điện khí tiên tiến.