Đánh giá cổ phiếu ACV: Sau cơn mưa trời lại sáng, giá mục tiêu 136.000 đồng/cp

SSI & BVSC

11/06/2024 13:51

Việc sớm có thể đưa sân bay Long Thành đi vào vận hành thương mại sẽ giúp cho công suất phục vụ của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tăng mạnh, thúc đẩy tăng trưởng của ACV.

 

acv-longthanh-1692279577.jpeg
Dự án sân bay Long Thành dự kiến đi vào vận hành vào năm 2026

Trong Q1/2024, ACV đã phục vụ 28 triệu lượt khách ở tất cả mạng lưới sân bay của công ty (+1% svck). Đặc biệt, hành khách quốc tế đã tăng 47% svck đạt 10,5 triệu khách, trong khi hành khách nội địa giảm 15% svck đạt 17,5 triệu khách.

Theo đó, ACV đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng ấn tượng lần lượt là 19,4% và 78% svck (lợi nhuận cốt lõi +29% svck), cao hơn kỳ vọng

Kế hoạch 2024: Doanh thu công ty mẹ là 20 nghìn tỷ đồng (+2% svck) và LNTT công ty mẹ ở mức 9,3 nghìn tỷ đồng (+6% svck). Công ty đang chờ sửa đổi luật (Nghị định 140/2020) để có thể trả cổ tức bằng cổ phiếu để có thể dùng vốn chủ sở hữu tài trợ cho khoản đầu tư sắp tới mà ban lãnh đạo dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6/tháng 7 năm nay.

Wớc tính doanh thu năm 2024F-2025F lần lượt đạt 23,9 nghìn tỷ đồng (+19,4% svck) và 27,5 nghìn tỷ đồng (+15% svck), trong khi LNTT năm 2024F-2025F ước đạt lần lượt 14,5 nghìn tỷ đồng (+38% svck) và 17,6 nghìn tỷ đồng (+ 21,5% svck), đây là mức cao trong lịch sử, dựa trên giả định số lượng hành khách tăng 14% svck trong năm 2024 và mức tăng trưởng thông thường 10% svck trong năm 2025F.

SSI khuyến nghị KHẢ QUAN, với giá mục tiêu 1 năm là 136.000 đồng/cổ phiếu dựa trên EV/EBITDA mục tiêu năm 2025F là 16x.

Các yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu trong ngắn hạn bao gồm đà tăng trưởng mạnh nhờ số lượng hành khách tiếp tục phục hồi, giảm các khoản dự phòng liên quan đến hàng không và ACV được chấp thuận trả cổ tức bằng cổ phiếu đang chờ chi trả từ năm 2019 đến nay.

Thành viên cập nhật ngày 14/9/2023: BVSC khuyến nghị OUTPERFORM, giá mục tiêu 94.400 đồng/cp

Lợi nhuận cốt lõi tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã công bố báo cáo tài chính Quý 2 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt là 3.430 tỷ đồng (+62,6% YoY) và 2.567 tỷ đồng (+193,4% YoY). Tăng trưởng của ACV đến từ cả việc số lượt khách quốc tế tăng mạnh giúp cho doanh thu và lợi nhuận gộp tăng mạnh cũng như thu nhập tài chính tăng mạnh.

Lượt khách quốc tế vẫn đang trên đà phục hồi

Quý 2/2023, lượt khách quốc tế của ACV đạt 7,5 triệu lượt, tương đương 76% cùng kỳ năm 2019, là năm trước đại dịch Covid19. Lượt khách quốc tế chiếm 25,7% tổng lượt khách trong Quý 2 nhưng đóng góp tới 62,4% doanh thu dịch vụ hành khách là doanh thu chính của ACV. Tuy nhiên lượt khách nội địa đạt 21,7 triệu lượt trong Quý 2/2023, giảm 16,6% so với cùng kỳ.

Dự án sân bay Long Thành dự kiến đi vào vận hành vào năm 2026

ACV đã công bố liên doanh Vietur là đơn vị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật thi công gói thầu 5.10, là gói thầu có giá trị lên tới 35.000 tỷ đồng. Đây là đơn vị duy nhất vượt qua yêu cầu kỹ thuật vì vậy nhiều khả năng đây sẽ là liên doanh sẽ thắng thầu gói thầu 5.10. Việc chậm tìm ra nhà thầu kéo theo kế hoạch đưa vào vận hành Sân bay Long Thành trong năm 2025 chuyển sang vào năm 2026.

Cùng với đó, ACV cũng đã công bố liên danh thắng thầu gói thầu 4.6 giá trị 8.100 tỷ đồng, đây là gói thầu xây dựng sân đỗ máy bay, đường lăn, đường băng và các công trình khác. Hiện tại, các sân bay quan trọng, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất đều đang trong tình trạng quá tải, vì vậy việc sớm có thể đưa sân bay Long Thành đi vào vận hành thương mại sẽ giúp cho công suất phục vụ của ACV tăng mạnh, thúc đẩy tăng trưởng của ACV.

Kế hoạch chuyển sang niêm yết trên HSX vẫn chưa rõ ràng

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của ACV vẫn còn 2 điểm nhấn mạnh là: (1) chưa nhận được quyết định phê duyệt quyết toán cổ phần hóa; và (2) ACV đang quản lý, sử dụng và khai thác tài sản khu bay. ACV ghi nhận doanh thu và chi phí từ tài sản này lên báo cáo hợp nhất nhưng chưa ghi nhận các tài sản này lên báo cáo tài chính do Bộ Giao thông Vận tải chưa ban hành quyết định phê duyệt giá trị tài sản nói trên. Dường như ACV sẽ chờ khi có thể loại bỏ hết các điểm nhấn mạnh của kiểm toán rồi mới thực hiện chuyển sàn. ACV là cổ phiếu có vốn hóa lớn, có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn vì vậy nếu có thể chuyển sang sàn HOSE thì có thể sẽ thu hút được dòng tiền mạnh mẽ và hỗ trợ cho cổ phiếu tăng giá.

Rủi ro phải thu khách hàng

Đại dịch Covid19 đã qua đi nhưng các hãng hàng không vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Điều này làm cho các khoản phải thu khó đòi của ACV vẫn đang ở trong xu hướng gia tăng. Tính đến cuối Quý 2/2023, phải thu khó đòi của ACV đã lên tới 5.541 tỷ đồng.

Quan điểm đầu tư

ACV là doanh nghiệp thống lĩnh trong hoạt động kinh doanh cảng hàng không và đang quản lý 22 cảng hàng không tại Việt Nam. Sau 2 năm gặp khó khăn vì đại dịch Covid19 thì kết quả kinh doanh của ACV đã phục hồi về gần mức trước đại dịch.

Kết quả kinh doanh của ACV sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ sự phục hồi của lượt khách quốc tế và dự kiến LNST năm 2024 sẽ vượt qua mức lợi nhuận trước đại dịch Covid 19.

Trong khi đó mức giá của ACV đã có sự điều chỉnh khá nhiều so với mặt bằng giá 2019. Cùng với đó mức giá mục tiêu của ACV là 94.400 đồng/cp dựa trên phương pháp EV/EBITDA.

Vì vậy, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM đối với ACV với mức giá mục tiêu là 94.400 đồng/cp.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã ACV)

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (tên giao dịch quốc tế: Airports Corporation of Vietnam - Viết tắt: ACV) là công ty cổ phần hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, được chuyển đổi từ Công ty TNHH Một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối theo Quyết định số 1710/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

ACV hiện đang quản lý, đầu tư, khai thác khai thác hệ thống 22 Cảng hàng không trong cả nước, bao gồm 09 Cảng hàng không quốc tế: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Vinh, Cát Bi, Phú Bài, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ và 13 Cảng hàng không nội địa: Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Chu Lai, Đồng Hới, Nà Sản, Điện Biên và Thọ Xuân; góp vốn vào các công ty con và công ty liên doanh, liên kết.

ACV có vốn điều lệ 21.771.732.360.000 đồng (Hai mươi mốt nghìn bảy trăm bảy mươi mốt tỷ, bảy trăm ba mươi hai triệu, ba trăm sáu mươi nghìn đồng), tương ứng 2.177.173.236 cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Trong đó: Cổ phần Nhà nước nắm giữ 95,4%; các cổ đông khác nắm giữ 4,6%. 

Tên gọi đầy đủ bằng tiếng Việt    Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP
Tên giao dịch quốc tế    Airports Corporation of Vietnam
Tên viết tắt    ACV
Trụ sở chính    
58 đường Trường Sơn - Phường 2 -
Quận Tân Bình - Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại    (84-28) 3848 5383
Fax    (84-28) 3844 5127
Website    http://www.vietnamairport.vn

Quá trình hình thành và phát triển
1.     Giai đoạn từ năm 1975 đến tháng 3 năm 1993

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình và bước vào công cuộc khôi phục kinh tế, ngày 11/02/1976, Chính  phủ đã ra Nghị định số 28/CP về việc thành lập Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam trên cơ sở Cục Hàng không dân dụng được tổ chức theo Nghị định 666/TTg ngày 15/11/1956 của Chính phủ. Với mục đích bắt nhịp nhiệm vụ của thời bình, đáp ứng nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không, 03 sân bay Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất đã được sửa chữa, nâng cấp để trở thành các sân bay quốc tế tại 3 miền đất nước. Thời điểm này, các sân bay trực tiếp thuộc sự quản lý của Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam.

2.     Giai đoạn từ tháng 4 năm 1993 đến tháng 6 năm 1998

Chính sách “Đổi Mới” của Đảng đã từng bước giúp nền kinh tế đất nước ổn định, đời sống nhân dân được nâng cao, thị trường hàng không đã có dấu hiệu khởi sắc. Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng cường quản lý các sân bay có hoạt động khai thác hàng không dân dụng, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam đã ký Quyết định số 202/CAAV, 203/CAAV và 204/CAAV ngày 02/4/1993 về việc thành lập Cụm cảng hàng không sân bay miền Bắc, miền Trung, miền Nam, hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Giai đoạn này, các Cụm cảng hàng không khu vực cũng là đơn vị thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành tại Cảng hàng không – Sân bay.

3.     Giai đoạn từ tháng 7 năm 1998 đến năm 2006

Ngày 31/12/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 113/1998/QĐ-TTg chuyển đổi các Cụm cảng hàng không sân bay miền Bắc, miền Trung, miền Nam thành doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích và đổi tên thành ba Cụm cảng hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Các Cụm cảng hàng không khu vực vẫn tiếp tục vừa thực hiện chức năng kinh doanh, cung cấp các dịch vụ công ích, vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại các Cảng hàng không – Sân bay.

4.     Giai đoạn từ năm 2007 đến tháng 01 năm 2012

Quá trình hội nhập kinh tế của đất nước được đánh dấu bằng sự kiện Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Luật Hàng không dân dụng 2006 có hiệu lực từ ngày 01/01/2007 đã phản ánh đầy đủ các chuyển biến về cơ chế quản lý ngành Hàng không nói chung và các doanh nghiệp cảng hàng không nói riêng. Năm 2007, Bộ Giao thông vận tải đã quyết định thành lập các Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Đồng thời, ba Cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam được thành lập từ một bộ phận của ba Tổng công ty Cảng hàng không, trực thuộc Cục Hàng không Việt Nam, có nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hàng không tại các Cảng hàng không - Sân bay.

Từ tháng 7/2010, ba Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam tiếp tục được chuyển đổi theo mô hình các Công ty TNHH Nhà nước một thành viên, hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

5.     Giao đoạn từ tháng 2 năm 2012 đến tháng 3 năm 2016

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Airports Corporation of Vietnam – ACV) được thành lập theo Quyết định số 238/QĐ-BGTVT ngày 08/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở hợp nhất ba Tổng công ty: Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, Tổng công ty Cảng hàng không miền Trung và Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam.

Mục tiêu thành lập Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nhằm tập trung nguồn lực, trí tuệ, thực hiện nhất quán chiến lược phát triển Tổng công ty thành doanh nghiệp mạnh trong ngành hàng không khu vực và thế giới, bảo đảm an ninh an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển nhanh và bền vững, góp phần củng cố an ninh quốc phòng, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập với khu vực và thế giới.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con, quản lý 22 Cảng hàng không trên cả nước trong đó có 21 Cảng hàng không đang khai thác, đồng thời góp vốn đầu tư vào các công ty con và các công ty liên kết.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để mở rộng, nâng cấp hoàn chỉnh và đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo thành hệ thống các Cảng hàng không hiện đại theo tiêu chuẩn ICAO; thực hiện văn hóa doanh nghiệp, văn hóa trong giao tiếp và ứng xử với khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của hành khách; hội nhập tốt với khu vực và thế giới.

6.     Giai đoạn từ tháng 4 năm 2016 đến nay

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (tên giao dịch quốc tế: Airports Corporation of Vietnam - Viết tắt: ACV) là công ty cổ phần hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, được chuyển đổi từ Công ty TNHH Một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối theo Quyết định số 1710/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. 

Ngày 16/3/2016, tại TP.Hồ Chí Minh, Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP, nhiệm kỳ 2016 – 2020, đã thành công tốt đẹp.

Đại hội đã biểu quyết thông qua Biên bản và Nghị quyết đại hội với các nội dung:

Thông qua Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP;
Thông qua kết quả bầu Bầu cử Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP, nhiệm kỳ 2016 - 2020;
Thông qua định hướng chiến lược phát triển Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP giai đoạn 2016 – 2020 và Kế hoạch kinh doanh năm 2016;
Thông qua Dự toán ngân sách và tiền lương, thù lao của Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát năm 2016;
Thông qua việc lựa chọn công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2016;
Thông qua Phương án chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.
Đại hội đã bầu Hội đồng quản trị gồm 04 thành viên và bầu Ban Kiểm soát gồm 03 thành viên.

Hội đồng quản trị đã họp và bầu ông Nguyễn Nguyên Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP.

Hội đồng quản trị đã bổ nhiệm ông Lê Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP.

Ban Kiểm soát đã họp và bầu bà Huỳnh Thị Diệu - Phó Trưởng ban Tài chính – Kế toán, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm Trưởng ban Kiểm soát Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP.

Từ 21/11/2016:

Cổ phiếu ACV chính thức được giao dịch trên sàn chứng khoán UPCOM, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã chứng khoán ACV.

Từ 12/11/2018

Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại ACV về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP hoạt động theo loại hình công ty cổ phần từ 01/4/2016, hiện đang quản lý, đầu tư, khai thác 22 Cảng hàng không trên cả nước (trong đó có 21 Cảng hàng không đang khai thác), bao gồm 9 Cảng hàng không quốc tế và 13 Cảng hàng không quốc nội, góp vốn đầu tư vào một số công ty con và công ty liên doanh, liên kết.

Mục tiêu hoạt động của ACV: Phát triển ACV là doanh nghiệp có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; kinh doanh đa ngành theo quy định của pháp luật, trong đó đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác cảng hàng không, sân bay là ngành kinh doanh chính; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh với khoa học công nghệ, nghiên cứu triển khai và đào tạo; có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế; là một nòng cốt để ngành công nghiệp hàng không Việt Nam phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả và bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, an ninh quốc phòng, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

SSI & BVSC
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.