Lợi nhuận ròng của HPG trong Q2/2024 đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng đáng kể 129,3% svck và 16% so với quý trước. Mức tăng trưởng ấn tượng này được thúc đẩy bởi sản lượng tiêu thụ thép, đặc biệt là sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tăng 31% so với quý trước và tăng 61% svck nhờ nhu cầu thị trường phục hồi và thị phần tăng.
Sản lượng xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng 22% svck đạt 53,4 triệu tấn trong nửa đầu năm 2024 do sản lượng sản xuất tăng trở lại trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu. Điều này đã khiến giá thép Trung Quốc giảm khoảng 10% trong vòng 2 tháng qua.
Tuy nhiên, tác động của mức giảm có thể được giảm bớt do giá quặng sắt và than cốc giảm khoảng 8-9% trong cùng thời kỳ. Ngoài ra, giá thép xây dựng có xu hướng ổn định hơn do có độ tương quan với giá thép khu vực thấp hơn so với sản phẩm HRC.
Xuất khẩu sang thị trường Châu Âu chịu thêm nhiều áp lực từ các biện pháp bảo hộ: Liên minh châu Âu đã quyết định gia hạn các biện pháp bảo hộ đối với thép nhập khẩu đến hết tháng 6/2026, đồng thời áp dụng hạn ngạch 15% của danh mục "các nước khác" tương đương khoảng 142 nghìn tấn/quý đối với Việt Nam. Ước tính chính sách này có thể làm giảm hạn mức HRC từ Việt Nam vào Châu Âu khoảng 50% so với năm 2023. Mức thuế áp dụng đối với thép ngoài hạn ngạch là 25%.
Ngoài ra, Ủy ban Châu Âu (EC) gần đây cũng đã thông báo về việc nhận được yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu HRC từ Việt Nam.
Tuy nhiên, HPG có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường này bằng cách tăng tỷ trọng thị trường nội địa cũng như các thị trường xuất khẩu khác, bao gồm Trung Đông, Châu Phi và Bắc Mỹ.
Ước tính lợi nhuận
Ước tính lợi nhuận ròng năm 2024 là 12,8 nghìn tỷ đồng (+86,6% svck). Sản lượng thép xây dựng và HRC của công ty sẽ lần lượt đạt 4,5 triệu tấn (+17,6% svck) và 3,05 triệu tấn (+10% svck) trong năm 2024.
Trong ngắn hạn, kỳ vọng lợi nhuận ròng Q3/2024 sẽ giảm so với quý 2 do giá thép khu vực điều chỉnh và sản lượng giảm trong mùa thấp điểm, trước khi phục hồi vào Q4. Mức tăng trưởng so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2024 có khả năng sẽ chậm lại đạt mức 32% svck từ mức 233% trong nửa đầu năm 2024 do mức nền cao trong nửa cuối năm 2023 và giá thép thấp hơn.
Đối với năm 2025, kỳ vọng lợi nhuận của công ty sẽ tăng 23% svck đạt 15,7 nghìn tỷ đồng, nhờ sản lượng HRC tăng 66% svck đạt 5,2 triệu tấn sau khi lò cao đầu tiên của Dung Quất 2 đi vào hoạt động.
SSI duy trì giá mục tiêu ở mức 31.400 đồng/cổ phiếu (sau khi điều chỉnh 10% cổ tức bằng cổ phiếu) và hạ khuyến nghị đối với cổ phiếu HPG từ MUA xuống KHẢ QUAN sau đợt tăng giá gần đây.
SSI duy trì quan điểm tích cực trong dài hạn đối với công ty do lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ, đặc biệt là trong việc quản lý chi phí - mặc dù việc tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong ngắn hạn và giá thép giảm có thể khiến giá cổ phiếu biến động mạnh hơn.
Rủi ro giảm giá: Giá thép/sản lượng tiêu thụ thấp hơn dự kiến; và chi phí vật liệu cao hơn dự kiến.
Thành viên cập nhật ngày 13/5/2023: đã có chuyển biến nhưng lo ngại nhu cầu thấp thời gian tới
Nhu cầu thấp do tác động từ kinh tế chậm lại, triển vọng ngành công nghiệp này vẫn còn ảm đạm.
Tình hình có biến chuyển trong 1Q23
Doanh thu HPG giảm 39.6% n/n đạt 26,588 tỷ đồng trong 1Q23 trong khi LNSTCTM đạt 397,4 tỷ (-95% n/n) chủ yếu nhờ vào phân khúc thép và bất động sản. HPG thực hiện hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho khoảng 954 tỷ VND trong 1Q23. Nếu loại trừ việc hoàn nhập, ta vẫn sẽ thấy lợi nhuận gộp ở mức dương.
Hàng tồn kho giá cao từ những quý trước đã được xử lý hết. Tuy nhiên, theo nhận định của chúng tôi, HPG sẽ chỉ có biên lợi nhuận mỏng trong quý tới do việc hạ giá bán. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và G&A đã giảm đáng kể lần lượt 33.4% và 18.1% so với quý trước.
Nhờ vào sự ổn định của thị trường ngoại hối USDVND, HPG đã không ghi nhận bất kỳ khoản đánh giá lại tỷ giá đáng chú ý nào trong 1Q23 và kì vọng sẽ không ghi nhận bất kì khoản đánh giá lại tỷ giá lớn nào vào 2Q23.
Lo ngại nhu cầu thấp trong 2Q23F
Nhu cầu thấp vẫn sẽ tiếp tục là mối lo ngại của chúng tôi trong 2Q23 do tác động từ kinh tế toàn cầu phát triển chậm lại. Vì tin rằng hàng tồn kho giá cao đã được giải quyết, chúng tôi cho rằng HPG vẫn sẽ tạo ra lợi nhuận dương trong 2Q23 giữa bối cảnh nhu cầu thấp và hạ giá bán sản phẩm.
Tuy nhiên, theo nhận định của chúng tôi, việc tái bắt đầu lò cao vẫn sẽ bị trì hoãn do nhu cầu thấp.
KIS duy trì tỉ lệ NẮM GIỮ cổ phiếu HPG và không mua thêm khi nhận thấy triển vọng ngành công nghiệp này vẫn còn ảm đạm.
Thành viên cập nhật ngày 4/4/2023: giai đoạn khó khăn nhất đã qua, nhưng còn đầy thách thức
SSI định giá mục tiêu cho HPG là 20.000 đồng/cp khi Giai đoạn khó khăn nhất đã qua, nhưng vẫn còn nhiều thách thức trong ngắn hạn.
Hiện tại SSI vẫn duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP và giá mục tiêu 1 năm là 20.000 đồng/cổ phiếu, dựa trên dự báo lợi nhuận ròng năm 2023 là 9,7 nghìn tỷ đồng (+14,6% svck).
SSI kỳ vọng lợi nhuận của công ty sẽ cải thiện trong Q2/2023 nhờ giá thép cao hơn. Tuy nhiên, lợi nhuận Công ty sẽ vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023 và chỉ quay lại tăng trưởng dương trong nửa cuối năm.
Thành viên cập nhật ngày 16/6/2022: Định giá rẻ nhưng thiếu động lực tăng giá ngắn hạn
VNDirect giảm 6,7%-13,3% dự phóng EPS năm 2022-24 của cổ phiếu HPG (Tập đoàn Hòa Phát). Định giá rẻ (5,4x P/E 2022) tuy nhiên thiếu động lực tăng giá ngắn hạn. Giá mục tiêu thấp hơn 57.800 đồng/cp.
Chủ tịch Trần Đình Long bi quan về triển vọng của ngành thép trong phần còn lại của năm 2022…
Ban lãnh đạo HPG đặt kế hoạch khiêm tốn cho năm 2022 với doanh thu 160 nghìn tỷ đồng (+7% svck) và lợi nhuận sau thuế (LNST) trong khoảng 25-30 nghìn tỷ đồng (thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 là 34,5 nghìn tỷ đồng). Tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) 2022, chủ tịch Trần Đình Long cho rằng biên LN toàn ngành đang chịu áp lực không nhỏ trong những tháng cuối năm khi giá bán thép giảm trong khi nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Những lo ngại này đã phần nào phản ánh vào đà giảm 30% của HPG trong 6 tháng gần đây, cao hơn so với mức giảm 10,8% của VnIndex.
… tuy nhiên VNDirect cho rằng mọi thứ sẽ không quá xấu, ít nhất đối với HPG
Nhờ lợi thế sản xuất quy mô lớn, hệ thống phân phối rộng khắp và khả năng quản lý hàng tồn kho đã được chứng minh, chúng tôi tin rằng HPG sẽ là một trong số ít các doanh nghiệp ngành thép tại Việt Nam có khả năng giữ biên LN gộp không bị giảm quá mạnh trong năm 2022 nhờ (1) những sự kiện gián đoạn nguồn cung do thời tiết không thuận lợi sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2022 (hiện tượng La Nina thường đạt đỉnh tại Australia trong quý I) sẽ làm giảm giá than cốc và (2) Trung Quốc – thị trường xuất khẩu quan trọng của HPG sẽ bắt đầu mở cửa trở lại trong tháng 6/2022, điều này sẽ tác động tích cực đến nhu cầu cũng như giá bán thép. Kỳ vọng LN ròng của HPG trong năm 2022 sẽ giảm 14% svck xuống 29.665 tỷ đồng, trước khi tăng nhẹ 1% svck trong năm 2023 lên 29.966 tỷ đồng.
Liệu HPG đang bị thị trường định giá quá thấp?
HPG hiện đang được giao dịch tại mức P/E 2022 là 5,4x, mức thấp nhất trong 10 năm qua. Kỳ vọng doanh thu và LN ròng trong giai đoạn 2022-25 sẽ tăng trưởng kép 10,7% và 6,8% nhờ nhu cầu thép nội địa mạnh mẽ. Khu liên hợp Dung Quất 2 (KLHDQ 2) sẽ giúp HPG tăng công suất sản xuất thép thô 66% so với hiện tại lên mức 14,6 triệu tấn/năm từ năm 2025, do đó chúng tôi tin rằng định giá của HPG đã ở mức hấp dẫn cho đầu tư dài hạn.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu lại đang thiếu những động lực tăng giá trong những tháng cuối năm 2022. Những dự án lớn như KLHDQ3, mỏ quặng sắt tại Australia, khu đô thị Phố Nối và dự án nhôm vẫn chưa có nhiều thông tin và cần thời gian để đóng góp vào kết quả kinh doanh của công ty. Trong khi đó, trung bình giá thép 2022 được dự báo vẫn sẽ duy trì ở mức cao 980 USD/tấn (+3% svck), trước khi giảm xuống còn 850 USD/tấn vào năm 2023.
Duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu thấp hơn là 57.800 đồng/cp
VNDirect giảm 6,7%-13,3% dự phóng EPS năm 2022-24 do điều chỉnh tăng giả định giá nguyên liệu đầu vào. Do đó, giảm 15,6% giá mục tiêu của HPG xuống 57.800 đồng/cp. Động lực tăng giá là các dự án mới để mở rộng chuỗi giá trị.
Rủi ro giảm giá là tăng trưởng nhu cầu thép thấp hơn dự kiến
Thành viên cập nhật ngày 10/3/2021: Tất cả đều ổn
Ở mảng thép xây dựng, lò cao số 4 của dự án Dung Quất cũng đang chạy đúng công suất với kế hoạch, mục tiêu 5 triệu tấn năm 2021 hoàn toàn khả thi.
HPG vẫn là duy trì lợi thế doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong ngành và cũng là doanh nghiệp duy nhất có chuỗi quy trình sản xuất khép kín tại Việt Nam.
Gần đây, tập đoàn cũng ghi nhận nhiều tin tức tích cực như: được phê duyệt chủ trương mở rộng Khu công nghiệp Phố Nối A 92,5 ha; nghiên cứu đầu tư lĩnh vực khai khoáng tại Úc; mua thêm tàu hàng để chủ động trong vận tải nguyên vật liệu giúp tối ưu chi phí vận chuyển.
Mới đây, Tập đoàn Hòa Phát đăng tải thông tin tuyển dụng nhân sự cho Dự án sản xuất vỏ container. Theo lãnh đạo tập đoàn này, đơn vị dự định sản xuất vỏ container công suất 500.000 TEU/năm. Dự kiến có thể cung cấp ra thị trường thương hiệu container của Hòa Phát vào đầu quý II năm sau.
“Chúng tôi đánh giá nhu cầu container trên thế giới ngày càng lớn do hoạt động thương mại điện tử, xuất nhập khẩu phát triển mạnh mẽ. Ở Hòa Phát, chúng tôi nghiên cứu rất nhiều thứ và đủ tự tin có “vũ khí” để đảm bảo dự án sản xuất container có thể thành công, cạnh tranh sòng phẳng với ông lớn trong làng container thế giới là Trung Quốc", ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn cho hay, trước mắt, Hòa Phát sẽ làm nhà máy ở khu vực phía Nam, cụ thể là tỉnh Bình Dương hoặc Đồng Nai, rất gần với cảng Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải. Hiện tập đoàn đang trong giai đoạn tuyển dụng nhân sự và làm việc liên quan đến đất đai tại các địa phương, còn rất nhiều việc cần thực hiện để triển khai dự án..
Khuyến nghị
Với sản lượng tiêu thụ cao và xu thế tăng của giá thép hiện nay là cơ sở để dự báo Hòa Phát sẽ có lợi nhuận Quý I tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, thu hút dòng tiền thị trường trong 1-2 tháng tới.
Về dài hạn, HPG cùng nhiều lợi thế dẫn dắt ngành, duy trì thị phần lớn nhất Việt Nam, chi phí được tối ưu hóa với quy trình ngày càng hoàn thiện và mảng HRC tiếp tục là điểm nhấn mang lại lợi nhuận cho Tập đoàn trong các năm tới.
Với mức lợi nhuận kỳ vọng của Quý I, Công ty Chứng khoán Agribank nâng mức giá mục tiêu 2 tháng tới của cổ phiếu HPG lên 55.000 đồng/cp. Nhà đầu tư có thể nắm giữ và giải ngân tại các nhịp điều chỉnh, tỷ lệ cắt lỗ 10%.
Cổ phiếu HPG - Tập đoàn Hòa Phát đang được rất đông đảo nhà đầu tư và định chế lớn quan tâm, đồng thời đánh giá cao cả ngắn hạn lẫn dài hạn.
Hôm 01/03/2021, Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) khi phân tích cổ phiếu HPG - Hoà Phát cũng đã nâng giá mục tiêu năm 2021 lên 55,600 đồng/CP.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG)
Hòa Phát là Tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Việt Nam. Khởi đầu từ một Công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8/1992, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực khác như Nội thất, ống thép, thép xây dựng, điện lạnh, bất động sản và nông nghiệp. Ngày 15/11/2007, Hòa Phát chính thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán HPG.
Hiện nay, Tập đoàn hoạt động trong 05 lĩnh vực: Gang thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng) - Sản phẩm thép (gồm Ống thép, tôn mạ, thép rút dây, thép dự ứng lực) - Nông nghiệp - Bất động sản – Điện máy gia dụng. Sản xuất thép là lĩnh vực cốt lõi chiếm tỷ trọng 90% doanh thu và lợi nhuận toàn Tập đoàn. Với công suất 8 triệu tấn thép thô/năm, Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Tập đoàn Hòa Phát giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép và thịt bò Úc. Hiện nay, Tập đoàn Hòa Phát nằm trong Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, Top 10 DN lợi nhuận tốt nhất, Top 5 DN niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Vốn hóa thị trường của HPG đạt 11 tỷ đô la Mỹ, nằm trong top 15 công ty thép có mức vốn hóa lớn nhất trong ngành thép thế giới.
Với triết lý kinh doanh “Hòa hợp cùng phát triển”, Hòa Phát dành ngân sách hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với cộng đồng.