Theo thông tin của Bloomberg và đại diện từ DPM và DCM, Trung Quốc gần đây đã tạm dừng xuất khẩu urê.
Ấn Độ đang mở rộng diện tích trồng lúa để giải quyết tình trạng thiếu gạo do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Lúa là cây trồng nhiều nhất ở Ấn Độ. Giá gạo đã tăng 34% so với đầu năm do nguồn cung giảm do ảnh hưởng El Nino. Ngoài gạo, nguồn cung đường cũng bị ảnh hưởng bởi El Nino, khiến Ấn Độ phải tăng cường diện tích trồng trọt.
Vì vậy, Ấn Độ sẽ cần urê để tăng diện tích trồng lúa và mía trong bối cảnh lo ngại về tình trạng thiếu lương thực ngày càng tăng. Ấn Độ chiếm 17% tổng sản lượng urê nhập khẩu từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2023.
Do đó, việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu urê sẽ hỗ trợ giá phục hồi đối với các doanh nghiệp sản xuất urê toàn cầu ngoài Trung Quốc trong thời gian tới. Trên thị trường quốc tế, giá xuất khẩu urê tại Ai Cập và Trung Đông tăng 46% so với mức đáy vào tháng 6 và tháng 7, trong khi giá urê tại Biển Đen tăng 31%, giá urê tại Trung Quốc và Indonesia tăng với tốc độ chậm hơn (tăng lần lượt là 27% và 18%).
Giá urê trung bình ở Việt Nam đã tăng 25% so với mức đáy, cùng với sự phục hồi giá urê của các nước lân cận (như Trung Quốc và Indonesia). Tính từ tháng 8, giá urê tại Ai Cập và Trung Đông dao động từ -7% đến +3%, giá urê Trung Quốc tăng 11%, trong khi giá urê tại Việt Nam tăng 20%. Điều này cho thấy giá urê Việt Nam đã bắt kịp đà tăng mạnh của giá urê trên thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp được hưởng lợi là các doanh nghiệp xuất khẩu urê như DPM và DCM. Ước tính sản lượng xuất khẩu của DPM và DCM sẽ chiếm khoảng 14% và 31% sản lượng tiêu thụ urê. Giá urê trong nước cũng sẽ tăng theo đà tăng giá urê quốc tế.
Gần đây SSI đã nâng cấp khuyến nghị đối với DCM lên KHẢ QUAN. Do giá urê đang phục hồi nhanh hơn dự kiến nên SSI đang điều chỉnh lại ước tính và định giá đối với DPM và DCM.
Cập nhật ngày 16/6/2023: Định giá thấp nhưng nhiều thách thức trong ngắn hạn
Cổ phiếu của các doanh nghiệp hầu hết đều trải qua một nhịp điều chỉnh mạnh trước những lo ngại về kết quả kinh doanh kém tích cực.
Trong khi các doanh nghiệp tại Châu Âu chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc nguồn cung khan hiếm và giá khí tự nhiên tăng cao, các doanh nghiệp tại Bắc Mỹ và Châu Á hưởng lợi lớn nhờ giá đầu ra duy trì ở mức cao.
Sự phân hoá đối được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2023 khi Trung Quốc mở cửa trở lại và có thể gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vào cuối quý 2. Điều này giúp cho sản lượng xuất khẩu và triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp Trung Quốc được đánh giá khả quan hơn nhờ mức nền thấp của năm 2022. Ngược lại, nguồn cung gia tăng trong bối cảnh nhu cầu suy yếu sẽ khiến cho giá các mặt hàng phân bón tiếp tục giảm trong năm 2023 và ảnh hưởng tiêu cực lên biên lợi nhuận của các quốc gia còn lại, trong đó có Việt Nam.
Xuất khẩu phân bón các loại của Việt Nam tăng mạnh trong năm 2022, đạt 1.75 triệu tấn tăng 29,6% so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu trung bình của các mặt hàng tăng hơn 50% so với 2021 giúp cho tổng giá trị xuất khẩu phân bón của nước ta đạt mốc 1 tỷ USD. Các doanh nghiệp phân đạm như DPM, DCM ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội so với trung bình ngành nhờ đẩy mạnh việc xuất khẩu ra nước ngoài.
Mặc dù vậy, lợi nhuận của các doanh nghiệp tại Việt Nam nhiều khả năng đã lập đỉnh vào quý 1/2022, tương đồng với diễn biến của giá phân bón trong nước và trên thế giới. Giá các loại nông sản sụt giảm kết hợp với nhu cầu tiêu thụ suy yếu sẽ khiến cho việc kinh doanh phân bón trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp hầu hết đều trải qua một nhịp điều chỉnh mạnh trước những lo ngại của nhà đầu tư về kết quả kinh doanh kém tích cực trong năm 2023 trước khi diễn biến cân bằng hơn trong 2 quý trở lại đây.
Mặc dù giá cổ phiếu của các doanh nghiệp phân bón hiện đã rơi về vùng định giá tương đối thấp, Công ty Chứng khoán KBSV vẫn đưa ra đánh giá TRUNG LẬP đối với ngành phân bón trước những thách thức mà ngành này vẫn phải đối mặt trong trung hạn.
Cập nhật ngày 14/4/2022: tăng trưởng tích cực
Hưởng lợi nhờ giá cả tăng mạnh, lợi nhuận quý I/2022 của nhiều doanh nghiệp phân bón tăng trưởng hết sức tích cực.
Tập đoàn hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) cho biết, lợi nhuận quý I /2022 của Công ty ước đạt 1.500 tỷ đồng, vượt 7,1% so với con số 1.400 tỷ đồng của quý IV/2021 và gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước (292 tỷ đồng).
Theo ước tính năm nay, doanh thu của DGC sẽ tăng 22%, lợi nhuận tăng 25%. Năm ngoái, lợi nhuận của DGC tăng đột biến tới 352%.
Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ chưa công bố kết quả kinh doanh quý I/2022, song theo ước tính, quý I năm nay, lợi nhuận trước thuế của Đạm Cà Mau đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 6,6% và lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ đạt 1.800 tỷ đồng LNST (tăng 10 lần so với cùng kỳ), chủ yếu nhờ giá bán bình quân tăng mạnh.
Năm nay, DCM đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất năm 2022 là 9.049 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 513 tỷ đồng, tương ứng lần lượt giảm 10% và giảm 72% so với năm 2021. Tuy nhiên, theo dự báo của chuyên gia, doanh thu DCM sẽ tăng 31%, lợi nhuận tăng 40% (năm ngoái doanh thu và lợi nhuận của DCM tăng lần lượt 31% và 190%).
Theo kế hoạch, năm 2022, DCM sẽ hoàn thiện các dự án chuyển tiếp trong năm 2022. Đồng thời để đảm bảo việc mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ cho định hướng phát triển lâu dài, Đạm Cà Mau cũng lên kế hoạch đầu tư kho đầu mối Long An, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, nhà máy khí hóa than và trụ sở trạm liên lạc tại TP HCM trong năm nay.
Nhờ yếu tố thiếu hụt nguồn cung Ure trong ngắn hạn theo diễn biến căng thẳng của Nga – Ukraine, dẫn đến giá phân bón duy trì cao nên DPM cũng được dự báo sẽ có kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2022 và có thể kéo dài đến quý II//2022.
Mặc dù triển vọng ngành phân bón rất sáng sủa, song các chuyên gia phân tích cũng khuyến cáo nhà đầu tư mua cổ phiếu phân bón phải theo dõi sát sao diễn biến giá phân bón liên quan đến các biến động địa chính trị xoay quanh cuộc chiến Nga – Ukraine.
Bên cạnh đó, việc hạn chế xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung phân bón trong nước cũng là rủi ro tiềm ẩn với hoạt động kinh doanh của Công ty.
Cập nhật ngày 2/8/2021: Nhiều công ty phân bón vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm
Trong quý II, nhiều doanh nghiệp phân bón tiếp tục báo cáo lợi nhuận tăng mạnh trong quý II, lũy kế 6 tháng vượt xa kết hoạch đề ra.
Nửa đầu năm 2021, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) đạt 846,4 tỷ đồng doanh thu, tăng 32,6% so với nửa đầu năm 2020.
Bên cạnh đó, giá sản phẩm tăng và chi phí được tiết giảm nên Công ty lãi trước thuế 66,9 tỷ đồng, lãi sau thuế 52,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 10,8 tỷ đồng. Với kết quả này, LAS đã thực hiện vượt 86% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2021 (36 tỷ đồng).
Tương tự, Công ty cổ phần DAP - VINACHEM (DDV) ghi nhận 748 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2021, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm 2020; biên lãi gộp tăng 6,3% lên 12,9%; lợi nhuận sau thuế đạt 54,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 27,4 tỷ đồng. So với kế hoạch lợi nhuận cả năm, DDV đã thực hiện vượt 32,5% chỉ sau 6 tháng.
Tại Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), mặc dù vấn đề vận hành nhà máy bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi nguồn cấp khí nguyên liệu, doanh nghiệp đã sớm khắc phục và đảm bảo sản lượng sản xuất theo kế hoạch. Tổng lượng sản xuất trong nửa đầu năm 2021 đạt 456.000 tấn, sản lượng tiêu thụ đạt 421.000 tấn.
Kết thúc nửa đầu năm 2021, hoạt động kinh doanh thuận lợi giúp DCM đạt doanh thu xấp xỉ 4.339 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 411 tỷ đồng, đều tăng so với cùng kỳ và lần lượt hoàn thành 55,4% kế hoạch doanh thu cả năm và vượt 108,2% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Một doanh nghiệp phân bón khác có kết kinh doanh vượt kỳ vọng là Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ (PSE). Kết thúc quý II, Công ty hoàn thành 55% kế hoạch doanh thu và vượt 63,8% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.
Trước tình hình giá phân bón cả trong và ngoài nước tăng mạnh, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đánh giá phân bón đang bước vào chu kỳ tăng và dự báo từ nay đến hết năm, giá phân bón sẽ giữ ở mức cao.
Dự báo về tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón cả nước trong năm 2021, AgroMonitor cho biết con số này sẽ đạt khoảng 10,3 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2020. Nhu cầu phân bón được dự báo tăng mạnh ở phân DAP, phân lân và NPK trong khi ure ổn định.
Về xuất khẩu, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu phân bón các loại trong nửa đầu năm đạt 663.073 tấn, giá trị 230,87 triệu USD, tăng 44% về khối lượng và 71,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu trung bình đạt 348,2 USD/tấn, tăng 18,9% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Thị trường xuất khẩu phân bón chủ yếu của Việt Nam là Campuchia, chiếm tỷ trọng 41,2% về khối lượng và 43% về kim ngạch; đứng thứ 2 là thị trường Lào, tỷ trọng lần lượt đạt 4,8% và 5,4%.
Giá phân bón trong nước đang bước vào chu kỳ tăng và dự báo từ nay đến hết năm tiếp tục tăng cao. Ảnh: Thạch Thảo. |
Tại thị trường trong nước, nhu cầu sử dụng phân bón cũng gia tăng khi tình hình thời tiết thuận lợi và giá các loại nông sản ở mức cao. Cùng với gạo, sản phẩm cây công nghiệp như cao su cũng ghi nhận khả quan, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD, tăng 88,5%; giá xuất khẩu gần 1.680 USD/tấn, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
Trước nhu cầu cải thiện cùng diễn biến giá nguyên vật liệu và cước phí vận chuyển tăng cao, giá các mặt hàng phân bón cũng liên tục gia tăng từ đầu năm đến nay.
Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết giá cước vận chuyển bằng container hiện đã tăng 5 lần so với năm 2020. Trong khi đó, phân bón DAP, MAP và phân đạm ure hầu hết được vận chuyển bằng container.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá nguyên liệu sản xuất phân bón và giá phân bón thế giới để sản xuất các loại phân bón tổng hợp trong tháng 6 cũng tăng mạnh so với tháng 12/2020. Cụ thể, phân đạm ure tăng 62%, DAP tăng trên 54%, Kali tăng 45%, Ammonia tăng tới 60%.
Ngoài ra, nguồn cung phân bón trong khu vực Đông Nam Á đã bị sụt giảm do nhiều nhà máy bước vào giai đoạn bảo dưỡng, sửa chữa. Vì vậy, các yếu tố này đã khiến giá phân bón thế giới và phân bón trong nước bước vào chu kỳ tăng.