Chỉ số giá phân bón ở Bắc Mỹ trên Green Markets tăng 4,4% lên 1.094,35 USD/tấn vào ngày 12/11, vượt qua mức kỷ lục được thiết lập một tuần trước đó. Giá urê tại New Orleans (Mỹ), một loại phân bón nitơ phổ biến, đã tăng 8,3% lên 812 USD/ tấn khi nhà sản xuất lớn CF Industries Holdings Inc. cảnh báo về tình trạng thiếu hụt tiếp diễn.
Giá phân bón cây trồng đã tăng vọt do sự thiếu hụt năng lượng ở châu Âu khiến khí đốt tự nhiên, nguyên liệu chính cho hầu hết phân bón nitơ, trở nên đắt đỏ hơn. Thêm vào đó, Trung Quốc và Nga đang hạn chế xuất khẩu phân bón để đảm bảo đủ nguồn cung trong nước. Người tiêu dùng Mỹ đang chứng kiến mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1990.
Thị trường cây trồng từ ngũ cốc đến cà phê đang chịu sức ép từ “sự dậy sóng” của giá phân bón khi các thương nhân phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung tiềm năng, với chi phí đầu vào tăng cao đe dọa hạn chế sản lượng trên diện rộng.
Khi phân bón và các chi phí đầu vào khác tăng lên, Bloomberg’s Green Markets dự đoán nông dân Mỹ trong năm tới sẽ chuyển 2,5 triệu mẫu đất từ ngô sang đậu tương, loại cây ít thâm dụng phân bón hơn.
Cập nhật ngày 2/3/2021: Nhiều loại phân bón tăng giá mạnh và khan hàng, tin vui cho cổ phiếu DCM, DPM, BFC?
Các đại lý phân bón tại khu vực phía Nam cho biết phân đạm Urea được các nhà máy sản xuất và nhà nhập khẩu chào bán với giá 9.000-9.600 đồng/kg, tăng khoảng 600 đồng/kg so với cách đây một tuần.
Một loại phân bón quan trọng khác là DAP mà trong nước mới chỉ đáp ứng được 30-35%, còn lại phải nhập khẩu, đang có dấu hiệu khan hàng.
Theo ông Vũ Duy Hải - tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacam, hiện tồn kho hàng DAP nhập khẩu gần như bằng không, trong khi vụ xuân hè đang đến gần khiến giá DAP bán tại Việt Nam tăng chóng mặt. So với tháng 11-2020, DAP Trung Quốc (xanh) hiện đã tăng 5,1 triệu đồng/tấn lên mức 15,5 triệu đồng/tấn, DAP Trung Quốc (nâu) đã hết hàng, DAP Hàn Quốc tăng 2,7 triệu đồng/tấn lên 15,5 triệu đồng/tấn.
Giá DAP nội địa cũng tăng nhanh trong thời gian nói trên, khi giá bán ra tại nhà máy của DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai đã tăng 900.000 đồng/tấn lên mức 9,528 triệu đồng/tấn. Theo đó, giá DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai ngoài thị trường tăng gần 2 triệu đồng/tấn lên 10,4 triệu đồng/tấn.
Theo các công ty, giá phân bón trong nước tăng mạnh thời gian qua là do ảnh hưởng của giá phân bón thế giới đã tăng mạnh trở lại từ giữa năm 2020 sau thời gian suy thoái. Cùng với đó là cước tàu và container tăng chóng mặt trong nửa cuối năm 2020 cũng làm tình hình vận chuyển và giá cả tăng lên.
Giá nhiều loại phân bón trong nước đã tăng nóng kể từ cuối tháng 12-2020 đến nay, khiến việc chuẩn bị của nông dân cho vụ hè thu bị ảnh hưởng. Không những vậy, phân DAP đang khan hiếm đúng thời điểm mùa vụ đang đến.
Nhiều loại phân bón tăng giá mạnh và khan hàng như vậy, phải chăng là tin vui cho cổ phiếu DCM, DPM và BFC?