Chính phủ đẩy mạnh giải ngân vào cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Kể từ đầu năm 2023, Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài suy yếu. Do đó, chúng tôi giữ nguyên dự phóng vốn nhà nước thực hiện tăng 25% so với thực tế thực hiện năm 2022.
Kỳ vọng các công ty xây dựng hạ tầng sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này. Thực tế, giá trị backlog của các công ty hàng đầu đã ghi nhận tăng mạnh trong Q1/23, tương đương từ 3,7x-6,0x so với trung bình doanh thu mảng xây lắp giai đoạn 2021-22.
Triển vọng 2023: doanh thu tăng trưởng khả quan tuy nhiên lợi nhuận ròng lại có phần hạn chế
Trong năm 2023, các công ty xây dựng hạ tầng đều đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ tuy nhiên về mặt lợi nhuận ròng lại có sự hạn chế. Tương tự với kết quả kinh doanh thực tế trong Q1/23, doanh thu các công ty trong ngành ghi nhận tăng 35% svck tuy nhiên lợi nhuận ròng lại giảm 83% svck chủ yếu do thiếu hụt các khoản lợi nhuận ghi nhận một lần và chi phí lãi vay lớn hơn.
Năng lực tài chính sẽ quyết định đến khả năng sinh lời của các công ty xây dựng hạ tầng
Chỉ những doanh nghiệp xây dựng với năng lực thi công tốt, khả năng huy động máy móc thiết bị hợp lí và nguồn vốn dồi dào mới có hiệu quả sinh lời tốt tại dự án cao tốc Bắc-Nam do (1) yêu cầu thời gian thi công ngắn và (2) Chính phủ đã ấn định mức biên lợi nhuận cố định so với giá thầu tại các dự án.
Trung bình tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của các công ty xây dựng hạ tầng là 1,1x tại cuối Q1/23, đặc biệt, LCG gần như không có nợ vay ròng. Trong khi đó, nếu loại bỏ dư nợ vay tại dự án BOT Nam Bến Thủy 2, tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của C4G là 0,5x tại cuối Q1/23, thấp hơn đáng kể so với trung bình ngành.
C4G và LCG sẽ được hưởng lợi lớn từ làn sóng bùng nổ đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam
Rủi ro giảm giá bao gồm: (1) giải ngân đầu tư công chậm hơn dự kiến, và (2) thiếu hụt vật liệu xây dựng do quá trình cấp phép khai thác tại các mỏ chậm hơn dự kiến.
Động lực tăng giá là giá vật liệu xây dựng thấp hơn kỳ vọng, hỗ trợ biên lợi nhuận gộp của các công ty xây dựng hạ tầng.
Cập nhật ngày 26/7/2021: Khủng hoảng tứ bề đối với (CTD), Hòa Bình (HBC) và các nhà thầu xây dựng
Theo Tổng cục thống kê, chỉ trong nửa đầu năm 2021, có hơn 8.400 doanh nghiệp xây dựng đăng ký thành lập mới, hơn 3.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian này, có tới 4.900 doanh nghiệp xây dựng tạm ngừng kinh doanh và trên 2.900 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể. Các dữ liệu này phần nào phản ánh được sức hấp dẫn cũng nhưng áp lực của ngành xây dựng.
Hiện nay có 95 doanh nghiệp ngành xây dựng đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Trong có Coteccons (mã chứng khoán CTD) là một trong những nhà thầu giữ vai vế lớn, từng vượt qua hai nhà thầu sừng sỏ của Hàn Quốc là SsangYong và Lotte để giành suất thi công The Landmark 81 - toà nhà cao nhất Việt Nam và Đông Nam Á.
Ở doanh nghiệp có vốn hoá thị trường hơn 4.790 tỉ đồng này, quá trình "thay máu" dàn nhân sự lãnh đạo mang nhiều chấn động.
Cách đây không lâu, ông Nguyễn Sỹ Công (cựu tổng giám đốc Coteccons) vừa trở thành tân chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons. Trong HĐQT của Ricons cũng có hàng loạt nhân sự từng giữ chức lớn tại Coteccons, như chủ tịch Trần Quang Quân (cựu phó tổng Coteccons), phó tổng Võ Thanh Liêm (cựu quyền tổng giám đốc Coteccons)…
Sự việc các "chiến tướng" Coteccons đi đầu quân cho công ty khác cùng ngành, xuất phát từ việc ông Nguyễn Bá Dương rời "ngôi vương" sau khoảng thời gian "nội chiến", chấp nhận công ty do mình sáng lập về tay nhà đầu tư ngoại.
Sau khi cả "đế vương" lẫn "chiến tướng" dứt áo ra đi, nhiều dự án lớn ở TP.HCM, Hà Nội trước đây do Coteccons làm nhà thầu, nay về tay Newtecons - doanh nghiệp do ông Nguyễn Bá Dương sáng lập. Đáng chú ý, nhiều lãnh đạo của Newtecons… cũng có xuất thân từ Coteccons.
Trả lời cổ đông về việc các dự án lớn của Coteccons lại chuyển sang nhà thầu khác, ông Bolat Duisenov (tân chủ tịch) chia sẻ: "Việc một số khách hàng chuyển sang nhà thầu khác chỉ là nhất thời, Coteccons luôn khẳng định chất lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường."
Không "đảo chính" rùm beng như Coteccons, dù có sự đồng thuận nhưng việc chuyển giao thế hệ ở Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) - nhà thầu xây dựng gắn liền với các đại dự án như Cocobay Đà Nẵng, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất, Aeon Mall Hà Đông, Vinhomes Ocean Park… cũng gây nhiều chú ý.
Nhận trọng trách gánh vác gia tài đồ sộ do người cha Lê Viết Hải (chủ tịch HĐQT HBC) tạo dựng, tại sự kiện "Trang sử vàng - chuyển giao thế hệ", ông Lê Viết Hiếu bày tỏ đây là niềm vinh dự lớn lao, cơ hội cống hiến, "nhưng cùng với đó là cam go, thử thách".
Ở tuổi 28, với vai trò tân tổng giám đốc, ông Lê Viết Hiếu, con trai của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HBC, trở thành lãnh đạo cấp cao trẻ nhất của tập đoàn xây dựng có vốn hoá đến 3.480 tỉ đồng.
Trong dàn nhân sự cấp cao của Hoà Bình cũng có sự "đổi máu", sau nhiều gắn bó, ông Trần Trí Gia Nguyễn (Michael Trần, phó tổng giám đốc, ghi dấu ấn ở nhiều công trình biểu tượng như khách sạn Sheraton, Saigon Centre, Estella Heights…) đã chuyển sang làm tân phó tổng Coteccons.
Miếng bánh xây dựng không còn dễ nuốt
Thị trường xây dựng không những bị chững lại chủ yếu do yếu tố pháp lí, số lượng dự án được phê duyệt giảm, mà còn gặp khó khăn từ những gián đoạn, bất ổn do dịch bệnh. Biến động về giá nguyên vật liệu sản xuất tiếp tục tạo lực cản không nhỏ (Vietnam Report).
Nếu trong 3 thập kỷ qua, cứ 5 năm doanh thu của Hòa Bình lại tăng gấp 5 lần, vào cuối năm 2019 lên tới trên 18.000 tỉ đồng, thì hiện nay tình hình đã có phần chững lại.
Doanh thu thuần, lãi sau thuế của Hoà Bình trong năm 2020 lần lượt đạt hơn 11.224 tỉ đồng và hơn 86,3 tỉ đồng, giảm gần 40% và 79% so với năm trước.
"Thị trường xây dựng đầy khó khăn do không có các dự án được chấp thuận xây dựng, cộng thêm dịch COVID-19 khiến ngành xây dựng bị ảnh hưởng nghiêm trọng", chủ tịch Lê Viết Hải chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021.
"Có một số dự án triển khai chậm, huy động nhân công khó khăn, rủi ro về lây nhiễm, phải dừng thi công", tổng giám đốc Lê Viết Hiếu bổ sung.
Chưa kể, "giá vật liệu xây dựng như thép, nhôm, đồng... tăng khoảng 40% đã ảnh hưởng đến lợi nhuận, giá vốn bởi đây là vật tư chính trong ngành xây dựng", ông Hiếu chia sẻ.
Năm 2021, Hòa Bình đặt mục tiêu doanh thu 13.500 tỉ đồng và lãi sau thuế 235 tỉ đồng, tăng hơn 180% so với trước. Tuy nhiên, trong quý đầu năm, doanh thu thuần của Hoà Bình đạt 2.263 tỉ đồng (-7%), lãi ròng chưa tới 9 tỉ đồng (+63%), chỉ mới hoàn thành gần 17% kế hoạch doanh thu và 4% lợi nhuận cả năm.
Ở phía Coteccons, tổng kết quý đầu năm nay, doanh thu giảm mạnh gần 28% xuống còn hơn 2.568 tỉ đồng. Lãi sau thuế của doanh nghiệp cũng giảm 56% xuống 54,5 tỉ đồng, chạm đáy nhiều năm liền. Tại ngày cuối quý 1-2021, tổng tài sản của Coteccons giảm gần 8% so với hồi đầu năm, xuống còn 13.081 tỉ đồng.
Với Ricons, quý đầu năm nay lãi sau thuế cũng bị giảm 28% so với cùng kì năm trước, còn 23,5 tỉ đồng. Trong vòng một quý đầu năm, tổng tài sản của Ricons giảm 11% xuống 5.324 tỉ đồng.
"Kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục sau một năm gián đoạn do đại dịch COVID-19 nhưng mức tăng trưởng chỉ đạt khoảng 4% vào năm 2021. Trong khi đó, theo FMI hoạt động xây dựng thường có độ trễ từ 12 đến 18 tháng so với suy thoái chung", Vietnam Report.
Tuy nhiên, theo đại diện One IBC - tập đoàn chuyên tư vấn đầu tư cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước - nhận định, mặc dù thị trường xây dựng Việt Nam hậu COVID-19 bị ảnh hưởng rõ rệt, đặc biệt là xây dựng bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng nhưng khu vực bất động sản công nghiệp có hy vọng tăng trưởng tốt.
Điểm tựa có thể lạc quan là việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, triển khai hàng loạt các dự án dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, các công trình công nghiệp quy mô lớn, quan trọng, kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế sau dịch bệnh.