Kết quả kinh doanh VCS (Vicostone): năm 2023 doanh thu và lợi nhuận đều giảm

ĐĂNG NGUYÊN

01/02/2024 05:08

Công ty cổ phần Vicostone (HNX: VCS) – đơn vị thành viên của Tập đoàn Phenikaa, công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất ước tính quý vừa qua.

vcs3-1619232381.jpeg

Công ty cổ phần Vicostone (HNX: VCS)

Theo báo cáo tài chính quý IV/2023 của Công ty CP Vicostone (HNX: VCS) - đơn vị thành viên của Tập đoàn Phenikaa – nhà sản xuất đá thạch anh nhân tạo này đã ghi nhận gần 1.154 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý cuối năm ngoái. Dù tăng 12% so với quý III liền trước, nhưng so với cùng kỳ năm 2022, kết quả doanh thu này của công ty vẫn giảm 6%.

Tuy vậy, nhờ việc tiết giảm mạnh các chi phí phát sinh trong kỳ vừa qua với chi phí tài chính (-40%), chi phí bán hàng (-34%) và chi phí quản lý doanh nghiệp (-30%), Vicostone vẫn thu về khoản lợi nhuận trước thuế hơn 281 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập đạt 237 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đây là mức lợi nhuận cao nhất mà Vicostone ghi nhận được trong 6 quý kinh doanh gần nhất, trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu của nhà sản xuất đá thạch anh nhân tạo này chịu tác động mạnh từ biến động kinh tế vĩ mô thế giới.

Tính chung cả năm 2023, Vicostone ghi nhận 4.354 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi sau thuế 846 tỷ, giảm lần lượt 23% và 26% so với năm liền trước. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay của công ty.

Cập nhật quý II/2023: lãi sau thuế 224,4 tỷ đồng, giảm 39%

CTCP Vicostone (mã chứng khoán VCS - sàn HNX) mới công bố BCTC hợp nhất quý II và luỹ kế nửa đầu năm 2023 ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.137,8 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn cũng giảm 31%, xuống 821,1 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 316,67 tỷ đồng, giảm 40%.

Kỳ này, doanh thu tài chính của VCS giảm 8%, xuống còn 28,46 tỷ đồng. Ngoài ra, các chi phí cũng đồng loạt giảm, cụ thể: chi phí tài chính giảm 43%, còn 21,32 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 38%, còn 38,82 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 2%, xuống còn 18,42 tỷ đồng.

Kết quả, Vicostone lãi sau thuế 224,4 tỷ đồng trong quý II/2023, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước.

Vicostone cho biết, trong những tháng đầu năm 2023 đầy thách thức, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô toàn cầu. Lạm phát vẫn ở mức cao, lãi suất tăng làm cho doanh thu bán hàng của Công ty giảm, khiến lợi nhuận đi xuống.

Luỹ kế nửa đầu năm 2023, VCS ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.171,6 tỷ đồng, giảm 35% và lợi nhuận sau thuế đạt 414,6 tỷ đồng, giảm 44% so với kết quả cùng kỳ năm 2022.

Tại thời điểm ngày 30/6, tổng tài sản doanh nghiệp đạt 1.000,3 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 1.236,6 tỷ đồng, tăng 12%; hàng tồn kho tăng 6%, lên 2.734,7 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản phải thu ngắn hạn giảm 16%, xuống còn 1.463,6 tỷ đồng.

Nợ phải trả của VCS còn 1.761,5 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Riêng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của VCS còn 1.316,6 tỷ đồng và 66,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 2% và 29% so với đầu năm.

Cập nhật quý 1/2023: lợi nhuận sau thuế 190 tỷ đồng, giảm 49%

Công ty cổ phần VICOSTONE (mã chứng khoán: VCS) đã công bố BCTC quý 1/2023, ghi nhận doanh thu thuần giảm 36% so với cùng kỳ xuống mức 1.034 tỷ đồng, nguyên nhân do số lượng thành phẩm, hàng hóa giảm. Chi phí giá vốn giảm chậm hơn khiến lãi gộp đạt 272 tỷ, giảm 46% so với cùng kỳ, biên lãi tương ứng giảm xuống mức 26%.

Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 24% xuống mức 19 tỷ đồng còn chi phí tài chính tăng 24% lên 19 tỷ đồng. Theo Vicostone, doanh thu mảng tài chính tăng nhờ lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng và lãi tỷ giá giảm còn chi phí mảng này tăng do lỗ chênh lệch tỷ giá và chi phí lãi vay tăng.

Ngoài ra, chi phí bán hàng giảm tới 42% còn 34 tỷ đồng nhờ cắt giảm chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí QLDN tăng 4% chủ yếu đến từ chi phí nhân công tăng.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế của Vicostone đạt 225 tỷ đồng, giảm 49%; lợi nhuận sau thuế của Vicostone đạt 190 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng nói, đây là mức lợi nhuận ròng thấp nhất mà VCS ghi nhận trong vòng gần 6 năm, kể từ sau quý 1/2017.

Theo giải trình của Vicostone, kết quả kinh doanh “đi xuống” có nguyên nhân do lạm phát tiếp tục gia tăng, làm giảm chi tiêu của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lãi suất vay vẫn ở mức cao, chi phí nguyên vật liệu tăng nên lĩnh vực bất động sản và xây dựng bị ảnh hưởng.

Năm 2023, Vicostone đề ra hai kịch bản kinh doanh. Kịch bản thứ nhất, mục tiêu đặt ra là 5.891 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 1.325 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với kịch bản thứ 2, công ty dự kiến doanh thu đạt 4.713 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.060 tỷ đồng. So với mục tiêu thận trọng hơn, Vicostone đã hoàn thành 21% mục tiêu lợi nhuận và doanh thu sau ba tháng đầu năm.

Cập nhật quý 4/2022: lợi nhuận 258 tỷ đồng

Công ty cổ phần Vicostone (mã chứng khoán: VCS) - đơn vị thành viên của Tập đoàn Phenikaa, công bố kết quả kinh doanh hợp nhất ước tính quý IV/2022.

Theo đó, doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế quý IV lần lượt đạt 1.227,06 tỷ đồng và 258,47 tỷ đồng.

Tính lũy kế năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 5.660,27 tỷ đồng và 1.377,22 tỷ đồng.

Cập nhật quý 3/2022: lãi sau thuế 200 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Vicostone (HNX: VCS) đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất ước tính quý 3/2022. Theo đó, doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế ước tính lần lượt đạt 1.093 tỷ đồng, 235 tỷ đồng và 200 tỷ đồng, giảm tương ứng 41,3%, 59,25% và 58,78% so với cùng kỳ năm 2021.

Phía Vicostone cho biết do doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu nên kết quả kinh doanh của Vicostone chịu tác động từ các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu. Lạm phát gia tăng trên toàn cầu đang làm xói mòn thu nhập thực tế và mức sống của các hộ gia đình, đồng thời làm giảm tiêu dùng. Là mặt hàng không nằm trong danh mục hàng hóa thiết yếu, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm đá Vicostone vì thế cũng sụt giảm.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, Vicostone ước đạt 4.431 tỷ đồng doanh thu, 1.119 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 941 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm tương ứng 14,89%, 27,44% và 27,88% so với cùng kỳ năm 2021.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế dự báo suy thoái mạnh.

Cập nhật quý 2/2022: doanh thu và lợi nhuận đều giảm do tác động thế giới 

Công ty Cổ phần Vicostone (HNX: VCS) đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất ước tính quý II/2022. Theo đó, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt ước đạt 1.725 tỷ đồng và 439,8 tỷ đồng, giảm tương ứng 3,8% và 16,91% so với cùng kỳ năm 2021. 

Là doanh nghiệp có doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu, kết quả kinh doanh của Vicostone chịu tác động mạnh từ các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu. Thị trường bất động sản và xây dựng nhà ở tại các thị trường chính của Vicostone như Bắc Mỹ, châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các yếu tố như lạm phát, lãi suất, chi phí và giá cả vật liệu tăng cao. 

Ngoài ra, Vicostone còn phải cạnh tranh về giá với các sản phẩm giá rẻ từ đối thủ trong ngành. Trên thực tế, các nhà sản xuất đá thạch anh trên thế giới gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nổi lên là Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam và mới đây là Malaysia. 

Vicostone sẽ tiếp tục chủ động theo dõi diễn biến kinh tế trong nước và quốc tế, để có những giải pháp phù hợp, quản lí và kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất; đầu tư mạnh mẽ vào công tác nghiên cứu phát triển; duy trì vị thế tại các thị trường trọng điểm và đẩy mạnh mở rộng thị trường mới.  

Cập nhật quý 1/2022: doanh thu 1.608 tỷ, tăng 3,67%, lợi nhuận tăng 1,27%

Công ty cổ phần Vicostone (HNX: VCS) – đơn vị thành viên của Tập đoàn Phenikaa, công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất ước tính quý I/2022 với doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt ước đạt 1.608,2 tỷ đồng và 441,3 tỷ đồng, tương ứng ước tăng 3,67 % và 1,27% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2022, Hội đồng quản trị Vicostone đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 8.364 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.413 tỷ đồng.

Kết quả quý I/2022 chưa phản ánh đúng thực chất tăng trưởng của các thị trường xuất khẩu. Một trong những nguyên nhân đến từ sự ách tắc trong khâu vận chuyển đường biển, lượng hàng xuất cảng từ Việt Nam cuối quý IV/2021 vẫn chưa đến được cảng ở Bắc Mỹ và Canada, ngay cả khi đến cảng cũng phải đợi xếp hàng khá lâu mới được bốc dỡ.

Tình trạng này gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp Quý I/2022. Tuy nhiên, kết quả đạt được của quý I/2022 được xem là tích cực trong bối cảnh khủng hoảng địa chính trị và xung đột vũ trang Nga – Ukraine, lạm phát tại Mỹ cao nhất trong vòng 40 năm nay và nhiều yếu tố tiêu cực khác.

Cập nhật quý 4/2021: lãi sau thuế gần 468 tỷ đồng

CTCP Vicostone (mã chứng khoán VCS) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 với doanh thu tăng 12,3% lên 1.864 tỷ đồng. Trong khi đó tỷ lệ tăng chi phí vốn cao hơn, đến 15,8% dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn 1.208 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 37,1% quý 4/2020 xuống còn 35,1% quý 4 vừa qua.

Trong quý doanh thu tài chính đạt hơn 26 tỷ đồng, tăng 9,4 tỷ đồng so với cùng kỳ, trong khi chi phí tài chính tăng hơn 2 tỷ đồng, lên xấp xỉ 20 tỷ đồng. Doanh thu tăng cũng kéo theo chi phí bán hàng tăng 29 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên trên 83 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm được 3 tỷ đồng, xuống còn hơn 15 tỷ đồng.

Kết quả, Vicostone còn lãi sau thuế gần 468 tỷ đồng, không chênh lệch nhiều so với số lãi 465 tỷ đồng đạt được quý 4/2020.

Lũy kế cả năm 2021 doanh thu Vicostone đạt 7.070 tỷ đồng, tăng 24,9% so với cùng kỳ. Trừ chi phí vốn công ty lãi gộp 2.462 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.097 vượt 9,3% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.772 tỷ đồng, tăng 24,1% so với lợi nhuận đạt được năm 2020. EPS đạt 9.890 đồng.

Lượng hàng tồn kho đến cuối năm 2021 vẫn duy trì quanh mức 2.000 tỷ đồng. Tổng dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 1.480 tỷ đồng, giảm 54 tỷ đồng so với đầu năm và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn giảm được 53 tỷ đồng, xuống còn 146 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền đến cuối năm đạt trên 1.100 tỷ đồng trong đó các khoản tương đương tiền 678 tỷ đồng.

Cập nhật quý 3/2021: lợi nhuận cao kỷ lục

Công ty CP Vicostone (VCS) vừa có báo cáo ước tính kết quả kinh doanh hợp nhất quý III với khoản doanh thu và lợi nhuận cùng tăng hai chữ số so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu nhà sản xuất đá thạch anh nhân tạo này ước tính ghi nhận được trong giai đoạn tháng 7-9 là gần 1.859 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.

Sau khi trừ giá vốn và các chi phí phát sinh trong kỳ, Vicostone thu về gần 575 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận trước thuế cao nhất mà nhà sản xuất đá nhân tạo này ghi nhận được trong một quý kinh doanh.

Nếu so với quý II liền trước, mức lợi nhuận quý III của Vicostone cũng tăng gần 9% và là quý tăng thứ 2 liên tiếp trong năm nay.

Lợi nhuận ròng sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp mà công ty này thu về được là 484 tỷ đồng.

Như vậy, tính trong 9 tháng đầu năm, Vicostone đã ghi nhận 5.203 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi trước thuế 1.540 tỷ, đều tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Với kế hoạch kinh doanh năm nay là 6.797 tỷ đồng doanh thu và 1.919 tỷ lợi nhuận trước thuế, công ty đã hoàn thành 77% chỉ tiêu doanh thu và hơn 80% mục tiêu lợi nhuận sau 3/4 năm tài chính.

Cùng với hoạt động kinh doanh tăng trưởng tốt bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới nền kinh tế, cổ phiếu VCS của Vicostone trên thị trường chứng khoán cũng đã giữ xu hướng tăng liên tục từ đầu năm đến nay.

Dù đang ghi nhận một vài phiên giảm mạnh gần đây, tính trong quý III, thị giá VCS vẫn tăng hơn 12%, hiện phổ biến giao dịch ở mức 122.000 đồng/cổ phiếu. Còn nếu tính từ đầu năm, thị giá cổ phiếu này vẫn ghi nhận mức tăng hơn 45%, từ vùng 84.000 đồng/đơn vị trước đó.

Cập nhật quý 2/2021: 6 tháng 2021 lợi nhuận 965 tỷ, tăng 46%, cổ phiếu lên đỉnh

Công ty CP Vicostone (VCS) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với kết quả kinh doanh tăng mạnh so với cùng kỳ.

Cụ thể, trong tháng 4-6 năm nay, nhà sản xuất sản phẩm đá thạch anh nhân tạo này ghi nhận 1.793 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Thay đổi này tương đương với việc Vicostone thu về nhiều hơn 666 tỷ đồng riêng quý II năm nay từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Giá vốn hàng bán tăng thấp hơn doanh thu nhờ việc công ty kiểm soát tốt chi phí vốn giúp lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng của Vicostone tăng tới 69%, đạt 606 tỷ đồng.

Ngoài nguồn thu chính kể trên, doanh thu hoạt động tài chính quý II của công ty này cũng tăng gấp đôi, mang về hơn 15 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, ngoài chi phí bán hàng tăng do đẩy mạnh hoạt động phân phối và giao hàng, các chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý đều thấp hơn cùng kỳ.

Kết quả là Vicostone thu về khoản lãi trước thuế 529 tỷ đồng, tăng tới 74% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp của nhà sản xuất đá thạch anh này là 448 tỷ, cũng tăng 75%.

Với kết quả kinh doanh trên, đây là quý kinh doanh hiệu quả thứ 2 trong gần 2 thập niên hoạt động của Vicostone. Hiệu quả kinh doanh quý II năm nay chỉ đứng sau mức lợi nhuận 543 tỷ đồng trước thuế mà nhà sản xuất này ghi nhận được vào quý IV/2020 trước đó.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, Vicostone ghi nhận 3.344 tỷ doanh thu thuần và lãi trước thuế 965 tỷ đồng, tăng lần lượt 34% và 46% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận bán niên cao nhất trong gần 2 thập niên hoạt động kinh doanh của nhà sản xuất này.

 

Vicostone đang theo dõi chặt chẽ tình hình biến động kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm như Bắc Mỹ để có những giải pháp kịp thời trong việc thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tiết giảm chi phí để hạ giá thành trong bối cảnh giá đầu vào tất cả các yếu tố đã tăng rất mạnh, nhằm hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2022 đã đề ra.

Cập nhật quý 1/2021: doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng

CTCP Vicostone (mã CK: VCS) đã công bố BCTC quý 1/2021 với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu thuần đạt 1.551 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ, sau khi trừ giá vốn lợi nhuận gộp đạt gần 523 tỷ đồng, tăng 16% so với quý 1/2020.

Trong kỳ, Vicostone có gần 8 tỷ đồng doanh thu tài chính, trong khi chi phí tài chính giảm mạnh từ 44 tỷ đồng xuống còn hơn 16 tỷ đồng, chi phí QLDN cũng thấp hơn cùng kỳ, tuy nhiên chi phí bán hàng lại tăng cao và hoạt động khác lỗ hơn 9 tỷ đồng nên kết quả Vicostone lãi sau thuế gần 371 tỷ đồng, tăng 22% so với quý 1/2020. EPS quý 1/2021 đạt 2.067 đồng.

Năm nay, Vicostone đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 6.797 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.919 tỷ đồng; tăng trưởng lần lượt 20,1% và 15,1%. Đây là năm thứ 9 liên tiếp Vicostone đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng, nếu loại trừ điều chỉnh do ảnh hưởng của COVID-19.  Như vậy với kế hoạch này kết thúc quý 1 Vicostone đã hoàn thành được 23% mục tiêu về doanh thu và lợi nhuận.

Công ty dự kiến đẩy mạnh tìm kiếm, phát triển thị trường mới. Nâng tỷ trọng doanh thu từ các thị trường không trọng điểm (toàn bộ các thị trường ngoài thị trường chính Mỹ, Canada, Úc, Bỉ, Anh, Việt Nam) tăng trưởng 20%.  Vicostone cho biết hiện có 10.000 đại lý trên toàn cầu (50 nước), trong đó thị trường chủ lực Bắc Mỹ (Mỹ, Canada) có 9 trung tâm phân phối.

Trong năm nay, công ty tiếp tục đẩy mạnh truyền thông và hoạt động bán hàng tại thị trường nội địa. Vicostone hiện đang sở hữu 6 dây chuyền sản xuất đá thạch anh cao cấp (công suất 3 triệu m3/năm), trong đó 1 dây chuyền mới chính thức đi vào hoạt động năm ngoái.

Công ty cũng đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào. Năm ngoái, Vicostone nhận chuyển nhượng 100% cổ phần Phenikaa Huế từ công ty mẹ; nhà máy hoá chất Phenikaa cũng đi vào hoạt động.

Công ty Cổ phần Vicostone (mã VCS, thuộc Tập đoàn Phenikaa) 

Thành lập năm 2002, Vicostone đã trải qua gần 20 năm liên tục phát triển để ghi danh top 3 nhà sản xuất đá thạch anh cao cấp hàng đầu thế giới, theo số liệu thu thập năm 2019 của công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Mỹ - The Freedonia Group. Từ một nhà máy đá ốp lát nhân tạo sở hữu công nghệ của Breton (Italy) có trụ sở tại khu đất công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Vicostone đã trở thành một trong những "ông lớn" trong ngành, khẳng định vị thể với 6 dây chuyền sản xuất và sản lượng hơn 3 triệu m2 đá mỗi năm.

Dấu ấn suốt gần hai thập kỷ hoạt động của Vicostone không chỉ đến từ làm chủ quy trình ứng dụng công nghệ sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh từ Breton, mà còn bởi câu chuyện "thổi hồn vào đá" đậm chất riêng, được gìn giữ bền bỉ. "Liệu con người có thể tạo ra đá thạch anh đẹp tựa cẩm thạch tự nhiên với trữ lượng giới hạn, họa tiết độc đáo, đường vân đi xuyên tấm đá thay vì chỉ ở trên bề mặt không?" là câu hỏi Vicostone không ngừng tự vấn và đi tìm đáp án.

Triết lý "thổi hồn vào đá" lấy cảm hứng từ chuyện tình cảm động của vua Pygmalion, biến bức tượng tạc vô tri thành nàng Galatée kiều diễm. Các nghệ nhân của Vicostone cũng mang khát vọng thổi hồn vào phiến thạch anh, mang đến sự khác biệt cho những bộ sưu tập đá nhằm đánh thức không gian sống. Đây được xem là hành trình tìm kiếm cảm hứng không ngừng nghỉ của những kỹ sư Vicostone đam mê sáng tạo, hướng đến việc cân bằng không gian sống trong mỗi căn nhà.

Năm 2011 là cột mốc đáng nhớ của doanh nghiệp, khi tái hiện thành công đường vân hình cây độc bản của dòng đá tự nhiên Calacatta. Đằng sau thành công này là sự miệt mài của gần 60 kỹ sư Vicostone, thử nghiệm hơn 100 phiên bản đá Calacatta suốt 2 năm. Mẫu đá Vicostone Calacatta- BQ8270 năm ấy không chỉ tạo sức hút tại triển lãm Marmomacc (Italy) mà còn mở ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp đá thạch anh thế giới. "Thời điểm đó, mọi sản phẩm đá thạch anh nhân tạo chỉ tạo được vân giống hệt nhau trên bề mặt phẳng", đại diện Vicostone nhớ lại.

Sau thành công của Calacatta, câu chuyện "thổi hồn vào đá" liên tục được các kỹ sư Vicostone nâng tầm. Khối óc và bàn tay tài hoa của các kỹ sư đã sáng tạo nên hơn 130 mẫu đá từ đó đến nay. Hơn cả việc mô phỏng các loại đá tự nhiên quý hiếm, Vicostone còn tái hiện những kỳ quan của tạo hóa hay vẻ kiêu hãnh của thiên thiên qua bộ sưu tập "Vicostone Sky - mang áng mây mềm vào đá" hay "Vicostone Fusion - cơn bão miền nhiệt đới băng qua vũ trụ" cho đến Vicostone Thunder lấy cảm hứng từ sấm sét xé toạc bầu trời trên hồ Maracaibo (Venezuela).

Đến nay, thương hiệu đá ốp lát "Make in Vietnam" đã có 9 trung tâm phân phối trực tiếp đến người dùng Mỹ và Canada. Từ đơn hàng đầu tiên xuất sang Australia năm 2004, Vicostone đã vươn độ phủ tới 50 quốc gia khắp 5 châu lục, chinh phục nhiều thị trường khó tính với hơn 10.000 đại lý và đối tác toàn cầu.

Năm 2020, doanh nghiệp ghi dấu ấn với doanh thu tăng trưởng 210% ở thị trường châu Á, 20% ở Canada và tiếp tục nằm trong top "Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín 2020". Bảng xếp hạng "Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam" của Forbes hay "Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam" của Vietnam Report... cũng không thiếu vắng tên tuổi Vicostone.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.