Tập đoàn Thiên Long (TLG) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 4/2023, ghi nhận doanh thu thuần 689 tỷ đồng - giảm 7% so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, Công ty đạt LNST 28 tỷ, cùng kỳ lỗ 3 tỷ đồng.
So với quý liền trước, lợi nhuận của TLG giảm hơn một nửa. Đây cũng là quý thứ 2 ghi nhận sự lao dốc nhanh của lợi nhuận. Và nếu loại trừ quý 4/2022 lỗ do ghi nhận chi phí marketing đột biến thì quý 4/2023 có lợi nhuận thấp nhất trong lịch sử của các quý cuối năm.
Luỹ kế cả năm 2023, Công ty ghi nhận doanh thu 3.462 tỷ, LNST 356 tỷ - giảm 11% so với năm 2022.
Giải trình cho kết quả trên, TLG cho biết do sức mua chung của năm 2023 sụt giảm đáng kể với năm 2022, kể cả thị trường trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, Công ty đã rất nỗ lực thực hiện các chương trình bán hàng để duy trì doanh thu và giữ thị phần. Công ty cũng đầu tư phát triển thương hiệu, nghiên cứu các sản phẩm mới làm tăng chi phí ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Được biết, TLG tiền thân là Cơ sở bút bi Thiên Long được , ông Cô Gia Thọ thành lập năm 1981. Năm 1996, Cơ sở bút bi Thiên Long chuyển đổi thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Thiên Long.
Tháng 3/2005, Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Thiên Long chính thức chuyển đổi thành Công ty cổ phần sản xuất thương mại Thiên Long với vốn điều lệ là 100 tỷ đồng. Năm 2010, doanh nghiệp chính thức niêm yết tại HoSE với mã TLG.
Hiện doanh nghiệp được coi như một “đế chế” trong ngành sản xuất, kinh doanh văn phòng phẩm. Vốn hóa thị trường hiện vào khoảng 4.300 tỷ đồng. Công ty cũng đang là nhà sản xuất văn phòng phẩm hàng đầu Việt Nam với sản phẩm đa dạng, bao gồm bút viết, dụng cụ văn phòng, dụng cụ học tập, và dụng cụ mỹ thuật. Hiện đại gia văn phòng phẩm này nắm 60% thị trường bút viết trong nước và đang đẩy mạnh xuất khẩu.
Cập nhật năm 2022: doanh thu tăng 32%, lợi nhuận hơn 400 tỷ đồng, tăng 45%
Năm 2022, Tập đoàn Thiên Long (TLG) ghi nhận hơn 3.520 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 32% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 400 tỷ đồng, tăng 45%. Đây là kết quả kinh doanh cao nhất lịch sử kể từ khi doanh nghiệp này công bố thông tin vào năm 2005. TLG vượt 8% doanh thu và 43% lợi nhuận theo kế hoạch đề ra.
Ban lãnh đạo lý giải dịch bệnh được kiểm soát làm doanh thu tăng trưởng. Đồng thời, công ty tiếp tục tái cấu trúc các kênh bán hàng và dự trữ được nguyên vật liệu giá thấp, giúp tối ưu giá thành sản xuất.
Năm 2022 cho thấy sự bứt phá của nhà sản xuất văn phòng phẩm lớn nhất cả nước. Trong giai đoạn 2005-2022, doanh nghiệp này chỉ lãi quanh mức vài chục tỷ đồng dù doanh thu có năm vượt nghìn tỷ đồng. Từ khi đạt mốc lợi nhuận sau thuế hơn 100 tỷ đồng năm 2012, Thiên Long duy trì đà tăng trưởng liên tục hai chữ số (trừ năm 2020), nhưng mức tăng lợi nhuận cao nhất của công ty chỉ 28%.
Năm ngoái, TLG hoàn thành hai dự án lớn giá trị hàng chục triệu USD, gồm nhà xưởng mới tại Long Thành (Đồng Nai) và trung tâm phân phối tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (TP HCM). Các dự án được kỳ vọng giúp nâng cao năng suất, tối ưu hóa năng lực quản trị, giảm chi phí vận hành. Doanh nghiệp này cũng đầu tư 25% vốn cổ phần vào PEGA để mở rộng hơn hệ sinh thái (viết - vẽ - đọc). TLG cho mở Công ty Clever World, cửa hàng trải nghiệm Clever Box vào cuối năm để phát triển hệ sinh thái đa kênh.
Từ năm 2016 đến nay, thị phần hãng bút bi này liên tục duy trì ở mức trên 60%. Tập đoàn Thiên Long đặt mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ đồng vào năm 2027, bằng cách phát triển thị trường trong nước, tăng cường xuất khẩu, mở rộng lĩnh vực kinh doanh và tập trung vào các sản phẩm mới sáng tạo.
CEO Trần Phương Nga nói Thiên Long có rất nhiều sản phẩm bút bi mà khi nhắc tên ai cũng biết. Với bà, đó là niềm tự hào nhưng cũng là nỗi đau. Vì lẽ trên mà những sản phẩm mới khi tung ra thị trường thường ít được chú ý. Ngoài bút bi, doanh nghiệp này còn sản xuất bột nặn có thể ăn được, gôm tẩy, tập bìa kháng khuẩn, bút đánh dấu trong phẫu thuật...
Cập nhật quý 3/2022: lãi ròng 104 tỷ đồng
CTCP Tập đoàn Thiên Long (HOSE: TLG) báo lãi ròng 104 tỷ đồng trong quý 3/2022, vượt xa kế hoạch lợi nhuận năm 2022.
Trong giai đoạn tháng 7-9/2022, Thiên Long ghi nhận doanh thu thuần gần 900 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 404 tỷ đồng, tăng tương ứng 100% và 143% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận cũng cao hơn nhiều. Nếu cùng kỳ, 100 đồng doanh thu mang về gần 37 đồng thì quý 3/2022, con số này lên tới 45 đồng.
Đáng chú ý, việc đẩy mạnh truyền thông sản phẩm mới và chiến dịch tái định vị thương hiệu đã khiến chi phí tăng mạnh. Trong quý 3/2022, chi phí bán hàng ở mức 207 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ. Chi phí quản lý cũng tăng 20% so với cùng kỳ, lên 75 tỷ đồng. Hiện, hai khoản chi phí đang chiếm 31% doanh thu thuần của Thiên Long.
Kết quả, chủ sở hữu bút bi Thiên Long lãi ròng 104 tỷ đồng, gấp hàng chục lần cùng kỳ. Tuy nhiên, cần lưu ý mức tăng mạnh này phần lớn đến từ việc so với mức nền thấp cùng kỳ (giai đoạn COVID-19 hoành hành).
Cập nhật quý 2/2022: lãi kỷ lục khi dịch bệnh đã được kiểm soát
Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý II, CTCP Tập đoàn Thiên Long ( HoSE: TLG ) ghi nhận doanh thu kỷ lục 1.092 tỷ đồng, tăng 44,4% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ mức tăng 334 tỷ đồng từ việc bán hàng hóa thành phẩm. Trong thành phần doanh thu, doanh thu nội địa chiếm hơn 78,6% kỳ này, đạt gần 860 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của mảng kinh doanh nội địa đạt 48%, so với 30% của mảng kinh doanh xuất khẩu.
Giá vốn hàng bán tăng 42,2%, ghi nhận ở mức hơn 601 tỷ đồng. Kết quả, biên lợi nhuận gộp công ty đã tăng lên từ 43% lên 44,5%. Chi phí bán hàng trong kỳ cũng đã tăng 30,7% lên 180,6 tỷ đồng. Như vậy, quý này, hãng văn phòng phẩm ghi nhận 185,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn gấp đôi và đạt kỷ lục kể từ khi lên sàn.
Theo giải trình, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát. Đồng thời, công ty tiếp tục tái cấu trúc các kênh bán hàng, gia tăng hiệu quả bán hàng, và dự trữ được nguyên vật liệu giá thấp dẫn đến giá thành sản xuất được tối ưu. Đây là các nguyên nhân chính làm cho kết quả kinh doanh tốt hơn so với cùng kỳ. Tập đoàn Thiên Long cho biết thêm, công ty đang có định hướng đẩy mạnh xuất khẩu và tập trung mở rộng nhà phân phối ở thị trường Đông Nam Á, Trung Đông và Âu Mỹ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu 1.889 tỷ đồng, tăng 31,05% so với giai đoạn trước. Chi phí giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 29,4%, 22,9% và 1,8%. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Thiên Long tăng 70,5% so với giai đoạn trước. Với mức tăng lợi nhuận này, EPS của công ty đã tăng từ 2.036 đồng lên 3.473 đồng. Như vậy, hãng văn phòng phẩm đã vượt kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng, và đạt hơn 58% kế hoạch doanh thu năm.
Trên bảng cân đối kế toán, khoản phải thu ngắn hạn của công ty tăng gần 24% so với đầu năm lên 598,2 tỷ đồng. Đây là mục góp phần lớn vào mức tăng 11,6% tổng tài sản của công ty, hiện là 2.732 tỷ đồng, ở thời điểm kết thúc quý II. Trong khi đó, lượng hàng tồn kho quý này không thay đổi quá lớn, ghi nhận ở mức 713,5 tỷ đồng.
Cập nhật quý 1/2022: trường học và công sở hoạt động trở lại, lợi nhuận tăng 35%
Doanh thu thuần hợp nhất của Thiên Long đạt hơn 794 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhiều trường học, công sở hoạt động trở lại bình thường được xem là nguyên nhân tăng trưởng chính.
Ngoài ra, việc dự trữ nguyên vật liệu giá thấp dẫn đến giá thành sản xuất của công ty được tối ưu. Giá vốn bán hàng tăng chậm hơn doanh thu giúp biên lợi nhuận gộp quý đầu năm tăng nhẹ lên mức hơn 42,5%. Tuy vậy, chi phí nguyên vật liệu tính chung vẫn tăng gần một nửa so với cùng kỳ.
Tổng lại, Thiên Long có lãi sau thuế gần 115 tỷ đồng, tăng 35% so với quý I/2021. Doanh nghiệp này đã hoàn thành khoảng một phần tư chỉ tiêu doanh thu và hơn 40% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Năm nay, hãng bút bi Thiên Long đẩy mạnh chiến lược tăng hiệu quả và giảm giá thành. Công ty sẽ cắt giảm các dòng sản phẩm hiệu quả thấp, tập trung vào các dòng mới có giá trị gia tăng, cải tiến sản phẩm hiện hành. Ngoài ra, dự án mở rộng nhà máy Thiên Long Long Thành sẽ được triển khai xây dựng từ năm nay, với diện tích sàn 8.000 m2. Trước mắt, một số dây chuyền tự động nhập từ Hàn Quốc đã chuyển đến nhà máy.
Năm 2021, tăng trưởng của TLG bị hạn chế bởi tác động tiêu cực do các đợt giãn cách xã hội, làm giảm nhu cầu tiêu dùng nhóm hàng văn phòng phẩm bên cạnh chi phí sản xuất tăng cao do chính sách sản xuất "3 tại chỗ".
Vốn điều lệ tăng lên 777,9 tỷ đồng, xuất khẩu tới 65 quốc gia, trong đó Công ty đã hoàn thành bản đồ xuất khẩu tại Đông Nam Á. Ra mắt website TMĐT FlexOffice.com.
2012 - 2016
Nhãn hiệu văn phòng phẩm số 1 Việt Nam
Sau các đợt phát hành cổ phiếu dưới hình thức trả cổ tức và cổ phiếu thưởng, vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Tập Đoàn Thiên Long đã tăng từ 176.500.000.000 VND lên 294.714.640.000 VNĐ. Ở giai đoạn này, thương hiệu Thiên Long là số 1 của ngành hàng văn phòng phẩm tại Việt Nam, thị phần trong nước chiếm khoảng 60% và thị trường xuất khẩu đang ngày càng mở rộng.
2008 - 2011
Bước đầu thâm nhập thị trường quốc tế
Công ty đổi tên thành Công ty Cổ phẩn Tập Đoàn Thiên Long. Mã cổ phiếu TLG được niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán TP HCM vào năm 2010. Công ty cũng gia tăng vốn điều lệ từ 120.000.000.000 lệ 176.500.000.000 VNĐ. Trong thời gian này sản phẩm của Công ty đã chiếm lĩnh thị trường trong nước và bước đầu xâm nhập thị trường quốc tế.
2005 - 2007
Công ty Cổ phần SX-TM Thiên Long
Công ty TNHH SX-TM Thiên Long chính thức chuyển đổi thành Công ty Cổ phần SX-TM Thiên Long với vốn điều lệ 100.000.000.000 VNĐ vào năm 2005, tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 120.000.000.000 VNĐ vào năm 2006. Trong giai đoạn này, thương hiệu và sản phẩm của Thiên Long được phát triển mạnh mẽ.
1996 - 2004
Công ty TNHH SX-TM Thiên Long
Công ty TNHH SX-TM Thiên Long ra đời vào năm 1996, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới về nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm và phát triển thị trường tiêu thụ hóa toàn quốc
1981 - 1995
Thành lập cơ sở bút bi Thiên Long
Cơ sở bút bi Thiên Long được thành lập, đầu tư trang thiết bị và xâm nhập thị trường bút viết trong nước