Công ty ghi nhận doanh thu năm 2023 là 16.517 tỷ đồng, tăng gần 39% so với cùng kỳ năm trước, lãi sau thuế 16,5 tỷ đồng. Khoản lãi này giảm 94% so với báo cáo tự lập quý 4/2023 (265 tỷ đồng).
Theo Lộc Trời, nguyên nhân là doanh thu các khoản giảm trừ giảm 19,4 tỷ đồng và giá vốn hàng bán tăng 15,8 tỷ đồng chưa phán ảnh phù hợp trong báo cáo tự lập. Ngoài ra, khoản lãi trong công ty liên kết của LTG giảm mạnh gần 316 tỷ đồng so với số liệu trước kiểm toán, xuống còn 527 triệu đồng. Qua đó, khiến lãi ròng sau kiểm toán giảm mạnh gần 94% xuống 16,5 tỷ đồng.
Trước đó, Lộc Trời báo lãi từ công ty liên kết tăng đột biến vào quý II, ghi nhận khoản lãi 327 tỷ đồng. Đây là phần lãi lũy kế của công ty sau khi mua Công ty cổ phần Lương thực Lộc Nhân. Lộc Nhân được Lộc Trời hoàn tất mua lại vào ngày 16/2/2023. Sau giao dịch này, tỷ lệ biểu quyết và tỷ lệ lợi ích của Lộc Trời tại đây là 49%.
Trong báo cáo tóm lược tình hình kinh doanh, Lộc Trời cho rằng tình trạng bất ổn về chính trị tại nhiều quốc gia trên thế giới gây ra lo ngại về an ninh lương thực trong và ngoài nước. Doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng khi tỷ giá hối đoái và lãi suất biến động liên tục.... Năm ngoái, giá lúa gạo tươi Việt tăng phi mã khiến hầu hết doanh nghiệp trong ngành đều lao đao do ký hợp đồng xuất khẩu trước.
Cuối 31/12/2023, tổng tài sản của Lộc Trời đạt 11.468 tỷ đồng, tăng hơn 2.700 tỷ so với số đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 3.068 tỷ đồng trong khi nợ vay tài chính của doanh nghiệp này ở mức gần 6.300 tỷ đồng.
Tập đoàn đang duy trì cơ cấu vốn chủ yếu bằng nguồn nợ ngắn hạn và vốn chủ sở hữu, nợ dài hạn chiếm tỷ trọng nhỏ. Tại thời điểm cuối năm nợ ngắn hạn tăng 52% so với đầu năm và chiểm tỷ trọng 72% trong cơ cầu vốn.
Cập nhật ngày 2/2/2023: quý 4/2022 lợi nhuận 209 tỷ đồng, tăng 34%
Tập đoàn Lộc Trời (LTG) công bố kết quả kinh doanh quý IV với doanh thu thuần giảm nhẹ so với mức đỉnh cùng kỳ xuống 3.062 tỷ đồng. Hiệu quả kinh doanh được cải thiện khi lãi gộp tăng 10% đạt 732 tỷ đồng.
Công ty còn có nguồn thu từ hoạt động tài chính đột biến gấp 11 lần cùng kỳ đạt gần 165 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính cũng cao gấp đôi lên 225 tỷ đồng.
Công ty còn tiết giảm được đáng kể chi phí bán hàng (-7%) và chi phí quản lý doanh nghiệp (-29%). Do vậy, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 34% đạt gần 209 tỷ đồng và là mức kỷ lục trong một quý.
Tính chung cả năm, ông lớn ngành nông nghiệp ghi nhận con số doanh thu thuần kỷ lục hơn 11.690 tỷ đồng (gần 0,5 tỷ USD), tăng 14% so với mức đỉnh năm ngoái.
Đáng chú ý khi mảng lương thực đã vươn lên trở thành ngành hàng đóng góp chủ lực vào doanh thu với con số hơn 6.430 tỷ đồng, tăng trưởng 58%. Trong khi mảng thuốc bảo vệ thực vật giảm 14% chỉ còn 4.393 tỷ đồng. Ngành hạt giống thu về 664 tỷ, ngành bao bì có 150 tỷ và phần còn lại đến từ mảng khác.
Tuy nhiên biên lợi nhuận gộp thấp hơn cũng như sự gia tăng mạnh chi phí tài chính khiến có lợi nhuận trước thuế chỉ còn tăng trưởng 6% đạt 558 tỷ đồng. Thậm chí, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp cũng tăng lên khiến lợi nhuận sau thuế giảm 1,5% về 412 tỷ đồng.
Theo kế hoạch đề ra cho cả năm, cổ đông Lộc Trời thông qua mục tiêu lợi nhuận 400 tỷ đồng. Như vậy, dù bị suy giảm, công ty vẫn vượt 3% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính đến cuối năm ngoái, quy mô tổng tài sản của tập đoàn này đạt hơn 8.700 tỷ đồng, mở rộng 11% trong một năm qua. Phần lớn tài sản nằm ở khoản phải thu, hàng tồn kho và lượng tiền thanh khoản cao (930 tỷ đồng).
Công ty đẩy mạnh vay nợ để tài trợ cho hoạt động mở rộng kinh doanh với vay tài chính tổng cộng 3.848 tỷ đồng, tăng thêm 6% sau một năm. Vốn chủ sở hữu gần 3.153 tỷ đồng, chiếm 36% tổng nguồn vốn.
Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG)
Công ty Dịch vụ Bảo vệ thực vật An Giang được Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang ra quyết định thành lập vào ngày 30/11/1993, với cơ sở vật chất ban đầu rất nhỏ bé, tiền vốn kinh doanh ban đầu chỉ 750 triệu đồng và 23 nhân viên.
Bắt đầu với lĩnh vực cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, bằng chất lượng sản phẩm đáng tin cậy và chiến lược kinh doanh đột phá, công ty từng bước nhận được sự tin tưởng của bà con nông dân cả nước. Xuất thân từ một tỉnh nhỏ của Đồng Bằng Sông Cửu Long, Bảo vệ thực vật An Giang – AGPPS nhanh chóng mở chi nhánh tại TP.HCM vào năm 1994 và mở rộng phạm vi kinh doanh trên cả nước, qui mô và doanh số không ngừng tăng lên.
1996: THÀNH LẬP NGÀNH GIỐNG
Năm 1996, với Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất Giống đi vào hoạt động, Bảo vệ thực vật An Giang chính thức bước vào lĩnh vực nghiên cứu và kinh doanh hạt giống đầy tiềm năng. Chú trọng mạnh mẽ trong việc đầu tư công nghệ, chất xám trong lĩnh vực nghiên cứu, chọn tạo giống lúa, Bảo vệ thực vật An Giang từng bước trở thành đơn vị dẫn đầu trong ngành kinh doanh hạt giống tại Việt Nam.
1996: XÂY DỰNG NHÀ MÁY CHÂU THÀNH VÀ NHÀ MÁY LÊ MINH XUÂN
Cũng trong năm 1996, Bảo vệ thực vật An Giang đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 02 nhà máy gia công, chế biến nông dược với tổng công suất trên 5.000 tấn mỗi năm với nhiều chủng loại sản phẩm. Việc đầu tư xây dựng nhà máy đã giúp công ty hạ được giá thành sản phẩm, mẫu mã bao bì luôn được cải tiến phù hợp với thị hiếu của nông dân, chất lượng và sản lượng sản phẩm luôn ổn định giúp công ty chủ động mở rộng hệ thống phân phối, phục vụ nông dân.
1999: TĂNG TRƯỞNG VƯỢT BẬC
Năm 1999, sau 06 năm hoạt động, Bảo vệ thực vật An Giang đã tăng vốn lên gấp 57 lần, doanh thu cán mức 600 tỷ đồng so với 13 tỷ đồng trong những năm đầu thành lập, nộp ngân sách tổng cộng 109,8 tỷ đồng.
2000: NHÀ NƯỚC TRAO TẶNG DANH HIỆU ANH HÙNG LAO ĐỘNG
Năm 2000, công ty vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh Hùng Lao Động cho những thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất và các hoạt động xã hội. Năm 2002, ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc công ty vinh dự được nhà nước trao tặng danh hiệu Anh Hùng Lao Động. Từ đầu những năm 2000, Ban lãnh đạo công ty đã nuôi quyết tâm xây dựng công ty trở thành một tập đoàn tầm vóc với chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững hàng đầu thế giới.
2004: CỔ PHẦN HÓA
15 năm sau kể từ khi ý tưởng xây dựng tập đoàn được hình thành, Bảo vệ thực vật An Giang đã tiến những bước dài bền vững. Công ty được cổ phần hoá vào năm 2004 với số vốn điều lệ 150 tỷ đồng.
2006: XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH CÙNG NÔNG DÂN RA ĐỒNG
Công ty bắt tay xây dựng Lực lượng 3 Cùng và triển khai chương trình lớn Cùng nông dân ra đồng vào năm 2006, tạo nên chuyển biến nhảy vọt trong việc tiếp cận kỹ thuật canh tác hiện đại cho nông dân cả nước.
Từ 12 kỹ sư thành viên, đến nay Lực Lượng 3 Cùng đã lên tới gần 1200 kỹ sư cùng ra đồng với nông dân. Tổ chức Guinness Việt Nam đã chính thức công nhận “lực lượng 3 cùng” của Tập đoàn Lộc Trời là lực lượng cùng nông dân ra đồng lớn nhất ở Việt Nam.
2010: XÂY DỰNG NGÀNH LƯƠNG THỰC
Năm 2010, ngành Lương thực của công ty chính thức được khởi động. Những cánh đồng mẫu lớn đầu tiên được công ty xây dựng trên khắp vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và Chuỗi giá trị lúa gạo đầu tiên của Việt Nam từng bước được định hình.
2012: XÂY DỰNG TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU NÔNG NGHIỆP ĐỊNH THÀNH
Năm 2012, AGPPS đưa vào hoạt động Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp qui mô lớn đầu tiên trực thuộc một công ty tư nhân.
Công ty hiện đang có quan hệ hợp tác chiến lược rộng rãi và chặt chẽ với nhiều tập đoàn, viện, trường quốc tế và trong nước trong lĩnh vực nông nghiệp.
2014: PHÁT HÀNH CỔ PHIẾU CHO NÔNG DÂN
Đến năm 2014, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An giang chính thức tăng vốn điều lệ lên 652,05 tỷ đồng.Tổng giá trị tài sản của công ty trong đến hết năm 2014 đạt 5.702 tỷ đồng. Doanh thu của công ty trong năm 2014 đạt 8.846 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 701 tỉ đồng. Tổng số nhân viên của AGPPS đến hết năm 2014 là 3.439 người.
2014: ĐẨY MẠNH CHUỖI GIÁ TRỊ NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG
Sau 22 năm hoạt động, Bảo vệ thực vật An Giang đã trở thành nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ dẫn đầu Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, với chuỗi giá trị bền vững từ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật, các sản phẩm hữu cơ sinh học.
Đặc biệt, trong lĩnh vực lúa gạo, AGPPS đã trở thành công ty dẫn dầu trong việc xây dựng Chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, với 5 nhà máy chế biến gạo hiện đại trải khắp vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, với hơn 40.000 hộ nông dân tham gia sản xuất gạo chất lượng cao và an toàn cùng sự đồng hành kỹ thuật của gần 1300 kỹ sư nông nghiệp 3 Cùng.
2014: BẮT ĐẦU XÂY DỰNG CHUỖI GIÁ TRỊ TRÊN CÂY CÀ PHÊ
Trong năm 2014, AGPPS đã chính thức bắt tay triển khai xây dựng chiến lược Chuỗi giá trị trên cây cà phê, với bước đi đầu tiên là hỗ trợ người nông dân Tây Nguyên tháo gỡ những khó khăn bức thiết trong việc tái canh cây cà phê.
Công ty TNHH MTV Cà phê Hương Vị Trời có trụ sở tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, thủ phủ cà phê Tây Nguyên, là đơn vị triển khai chiến lược Chuỗi giá trị trên cây cà phê của Tập đoàn Lộc Trời. Lực lượng kỹ sư 3 Cùng của công ty đồng hành cùng nông dân trồng cà phê, xây dựng những Vùng nguyên liệu cao cấp, tuyển chọn những hạt cà phê chất lượng nhất, và chế biến với công nghệ hiện đại để mang đến người tiêu dùng các sản phẩm cà phê Hương Vị Trời đẳng cấp.
2015: ĐỔI TÊN THÀNH TẬP ĐOÀN LỘC TRỜI
Ngày 23-08 – 2015, tại Thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đã chính thức đổi tên thành Tập đoàn Lộc Trời. Thương hiệu Bảo vệ thực vật An Giang đã được nông dân biết đến và tin tưởng suốt 22 năm qua đang bắt đầu một cuộc chuyển hoá lịch sử với trọng tâm phục vụ người nông dân thông qua chiến lược xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp hàng đầu thế giới.
2017: TỰ HÀO LÀ THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA
Năm 2017, Tập đoàn Lộc Trời vinh dự trở thành Thương hiệu Quốc gia và là 1 trong 12 doanh nghiệp tiêu biểu kỷ niệm 30 đổi mới đất nước. Hướng tới một tương lai hạnh phúc, cam kết mang đến những giá trị bền vững, Tập đoàn Lộc Trời đã và đang đồng hành cùng người nông dân Việt Nam viết nên một câu chuyện mới trong hôm nay và cho những thế hệ tương lai.
SỨ MỆNH
Hiện thực hóa những ước vọng của nông dân, nâng cao vị thế và chất lượng cuộc sống của người nông dân, góp phần xây dựng những vùng nông thôn đáng sống”.
TẦM NHÌN
Là Tập đoàn hàng đầu khu vực về dịch vụ nông nghiệp với Chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững và các thương hiệu nông sản dẫn đầu
Là người phụng sự được nông dân và người tiêu dùng tin yêu hàng đầu;
Tiên phong trong việc ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến hướng tới hiệu quả.
Mang lại cuộc sống sung túc cho nhân viên, đem lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư dài hạn.
TUYÊN NGÔN CỦA TẬP ĐOÀN LỘC TRỜI
Chúng tôi tuyên bố là tập đoàn nông nghiệp tri thức, có chuỗi giá trị bền vững hàng đầu thế giới.
Chúng tôi hiện thân cho khát vọng và sáng tạo của nông dân Việt Nam.
Chúng tôi cam kết: mang đến sự an tâm, tin tưởng cho cộng đồng và xã hội, cung cấp sản phẩm và dịch vụ an toàn, chất lượng.
Mọi người hãy trông cậy vào "sự chính trực – công nghệ – đột phá, đồng thuận và nhiệt huyết của chúng tôi”.
TRIẾT LÝ KINH DOANH
Góp phần chăm lo cho lợi ích xã hội ngày hôm nay chính là vì sự phát triển của công ty trong tương lai
Phân phối và phân phối lại lợi nhuận cho nông dân một cách hợp lý và đạo lý
KHÁT VỌNG TƯƠNG LAI
Với sứ mạng “Cùng nông dân phát triển bền vững”, Tập đoàn Lộc Trời đang cùng người nông dân Việt Nam kiến tạo một nền nông nghiệp qui mô lớn – chất lượng cao và đáng tin cậy. Với cả trái tim và tâm huyết, chúng tôi chia sẻ với người nông dân Việt Nam niềm hy vọng vào một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho hôm nay và sự đảm bảo cho các thế hệ mai sau.
MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC
Nâng cao giá trị hạt gạo, thu nhập và đời sống của người nông dân.
Góp phần phát triển nền nông nghiệp và nông thôn Việt Nam.
Góp phần xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Hoàn thiện chuỗi giá trị, sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp của Tập đoàn Lộc Trời.
Hướng tới một tương lai hạnh phúc, cam kết mang đến những giá trị bền vững, Tập đoàn Lộc Trời đã và đang đồng hành cùng người nông dân Việt Nam viết nên một câu chuyện mới trong hôm nay và cho những thế hệ tương lai.