Theo báo cáo tài chính hợp nhất mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) có lãi sau thuế khoảng 684,4 tỷ đồng. Mức này cải thiện đáng kể so với khoản thâm hụt lợi nhuận hơn 268 tỷ đồng của quý II/2023. Đây cũng là quý có lãi đậm nhất của HBC từ khi công bố thông tin từ năm 2006.
Lợi nhuận lập kỷ lục nhưng doanh thu kỳ này giảm gần 5% về khoảng 2.160 tỷ đồng. Giá vốn duy trì ở mức cao khiến lợi nhuận gộp của Hòa Bình chỉ gần 100 tỷ, tức sụt gần 4 lần so với cùng kỳ.
Công ty lãi đậm chủ yếu do được hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi gần 293 tỷ đồng. Ngoài ra, HBC cũng ghi nhận thêm thu nhập đột biến từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định trị giá gần 503 tỷ đồng.
Xây dựng Hòa Bình đã có lãi liên tiếp ba quý. Tuy nhiên doanh nghiệp này vẫn còn gần 2.500 tỷ đồng lỗ lũy kế tính đến cuối tháng 6.
Tính chung 6 tháng đầu năm, công ty có gần 3.811 tỷ đồng doanh thu và lãi gần 741 tỷ đồng. Doanh thu tăng 10% so với cùng kỳ và hoàn thành 35% chỉ tiêu cả năm. HBC cải thiện lợi nhuận rất tốt so với khoản lỗ 713 tỷ của cùng kỳ và đã vượt 1,7 lần so với kế hoạch đề ra cho năm 2024.
Mức lợi nhuận bán niên này đang cao hơn tất cả khoản lãi cả năm trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp, trừ năm 2017.
Trong nửa đầu năm, công ty đã cắt gần 1.100 tỷ nợ phải trả, kéo chỉ tiêu này về gần 14.065 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức này vẫn gấp gần 9 lần vốn chủ sở hữu. Doanh nghiệp chủ yếu giảm nợ phải trả người bán ngắn hạn, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn và vay nợ tài chính dài hạn. HBC còn tổng cộng khoảng 4.485 tỷ đồng vay nợ tài chính. Họ mất hơn 130 tỷ để trả lãi vay trong quý II.
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị - từng tuyên bố doanh nghiệp đã vượt qua tình thế bĩ cực, "ngàn cân treo sợi tóc". Thời gian tới, công ty sẽ theo nguyên tắc: tăng thu, giảm chi.
Năm nay, Hòa Bình sẽ tham gia đấu thầu trong nước 9.000-10.000 tỷ đồng với khối lượng thực hiện khoảng 40-45%. Song song đó, họ sẽ triển khai nhiều dự án tại thị trường nước ngoài đến năm 2028 gồm Mỹ, Vanuatu, Australia, châu Phi. Trong đó, châu Phi tiềm năng nhất, có lực lượng lao động còn dồi dào và giá thành của HBC đang cạnh tranh so với nhiều nhà thầu hiện tại.
Công ty cũng ráo riết thu hồi các khoản nợ khó đòi. Tính đến cuối tháng 6, Hòa Bình không còn nợ xấu trong khi cùng kỳ ghi nhận khoảng 3.265 tỷ đồng. Do đó, doanh nghiệp được hoàn nhập khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi.
Vấn đề hoàn nhập dự phòng nợ xấu từng là nguyên nhân khiến công ty lỗ thêm 333 tỷ đồng sau kiểm toán năm 2023. Thời điểm đó, công ty kiểm toán chưa thu thập đủ các thư xác nhận các khoản phải thu và Hòa Bình đang trong quá trình làm các thủ tục bổ sung các bằng chứng thích hợp và đầy đủ về giá trị có thể thu hồi.
Thành viên cập nhật: năm 2023 lỗ thêm 333 tỷ đồng sau kiểm toán vì nợ khó đòi
Không được hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi, HBC lỗ 1.115 tỷ sau kiểm toán trong năm 2023, thay vì 782 tỷ đồng như báo cáo tự lập.
Nội dung này được công bố trong báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) do Hãng kiểm toán AASC thực hiện. Theo đó, lỗ sau thuế của HBC trong năm ngoái là 1.115,3 tỷ đồng, cao hơn 333 tỷ so với báo cáo tự lập, tương đương hơn 42%.
Lỗ sau thuế của Hòa Bình biến động mạnh chủ yếu liên quan đến chi phí quản lý doanh nghiệp. HBC tự lập khoản phí này tốn 482,9 tỷ đồng, trong khi báo cáo kiểm toán đưa ra con số 757,7 tỷ đồng, tăng 57%.
Nguyên nhân do ở báo cáo tự lập, Hòa Bình hoàn nhập hơn 310 tỷ đồng từ trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi. Đến khi kiểm toán, AASC không ghi nhận khoản hoàn nhập trên mà vẫn thống kê chi phí dự phòng 417,5 tỷ đồng.
Theo công ty kiểm toán, Hòa Bình đang trong quá trình làm các thủ tục đảm bảo cho một số khoản tạm ứng để bổ sung các bằng chứng thích hợp và đầy đủ về giá trị có thể thu hồi. Tính đến thời điểm phát hành báo cáo, AASC chưa thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính hợp nhất có liên quan đến các khoản tạm ứng này hay không. Đơn vị này cho biết chưa thể thu thập đủ các thư xác nhận cho khoảng 4.100 tỷ đồng các khoản phải thu, chủ yếu là phải thu ngắn hạn của khách hàng.
Như vậy, Hòa Bình có năm thứ hai kinh doanh thua lỗ. Mức thâm hụt lợi nhuận của năm trước đã giảm 56,6% so với năm 2022. Tuy nhiên, công ty vỡ kế hoạch kinh doanh khi chỉ hoàn thành hơn 60% chỉ tiêu doanh thu và cách rất xa mục tiêu lãi 125 tỷ đồng.
Số liệu mới cập nhật cũng đẩy lỗ lũy kế của công ty tăng 12,6% lên mức 3.240 tỷ đồng. Điều này làm vốn chủ sở tính đến cuối năm 2023 còn 93,4 tỷ đồng, giảm đến 92% so với năm 2022.
Sau hai năm thua lỗ, Hòa Bình lên kế hoạch doanh thu 10.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng cho năm nay. Nếu thành công, Hòa Bình sẽ lấy lại mức lãi tương đương năm 2019, thời điểm trước dịch bệnh. Tuy nhiên con số trên vẫn cách khá xa so với giai đoạn đỉnh lợi nhuận 2016-2018.
Thời gian tới, ban lãnh đạo nói công ty sẽ theo nguyên tắc: tăng thu, giảm chi. Năm nay, công ty sẽ tham gia đấu thầu trong nước 9.000-10.000 tỷ đồng với khối lượng thực hiện khoảng 40-45%. Song song đó, Hòa Bình sẽ triển khai nhiều dự án tại thị trường nước ngoài đến năm 2028 gồm Mỹ, Vanuatu, Australia, châu Phi. Trong đó, châu Phi tiềm năng nhất, có lực lượng lao động còn dồi dào và giá thành của HBC đang cạnh tranh so với nhiều nhà thầu hiện tại.
Công ty cũng đang ráo riết thu hồi các khoản nợ khó đòi. Tính đến cuối năm 2023, Hòa Bình có gần 3.265 tỷ đồng nợ xấu, tăng 20%.
Cập nhật quý IV/2023: doanh thu giảm nhưng đã có lãi trở lại
Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với doanh thu thuần đạt hơn 2.190 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm mạnh, công ty xây dựng này báo lãi gộp đạt 53 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gộp 426 tỷ.
Nhà thầu xây dựng này cho biết trong quý cuối năm ngoái đã ghi nhận 20 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, cải thiện mạnh so với mức âm gần 113 tỷ của cùng kỳ. Chi phí tài chính phát sinh trong quý vừa qua giảm trong khi chi phí bán hàng tăng nhẹ.
Đáng chú ý, trong 3 tháng cuối năm ngoái, nhà thầu xây dựng này đã được hoàn nhập 223 tỷ đồng phí quản lý doanh nghiệp, trong khi cùng kỳ phải chi ra gần 500 tỷ đồng cho khoản chi phí này. Theo thuyết minh, đây là khoản hoàn nhập trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi với các đối tác.
Với các số liệu kể trên, Xây dựng Hòa Bình báo lãi ròng hơn 100 tỷ đồng trong quý cuối năm 2023, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn lỗ hơn nghìn tỷ. Như vậy sau quý thua lỗ liền trước đó, Xây dựng Hòa Bình đã có lãi trở lại trong quý cuối năm.
Lũy kế cả năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 7.546 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2022. Do kết quả kinh doanh không mấy khả quan ở những quý trước đó, doanh nghiệp này lỗ ròng 782 tỷ đồng trong cả năm 2023, nâng khoản lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán lên gần 2.900 tỷ đồng.
Kết thúc năm, vốn chủ sở hữu của Hòa Bình chỉ còn 453 tỷ đồng, giảm gần 3 lần so với đầu năm.
Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình ở mức 13.055 tỷ đồng, giảm hơn 2.500 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn chiếm phần lớn với trên 8.800 tỷ đồng, giảm khoảng 2.000 tỷ sau một năm. Lượng tiền mặt và tiền gửi chỉ còn gần 400 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp xây dựng này ở mức hơn 12.600 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính chiếm hơn 4.700 tỷ đồng, giảm khoảng 1.400 tỷ đồng so với đầu năm.
Cập nhật quý 3/2023: doanh thu và lợi nhuận cùng giảm
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC-HOSE) vừa công bố báo cáo tái chính quý 3 và luỹ kế 9 tháng năm 2023. Theo đó, doanh thu quý 3/2023 của HBC giảm gần 50% từ 3.777 tỷ đồng xuống còn 1.893 tỷ đồng, theo đó, lợi nhuận gộp giảm 85,9% từ 282 tỷ xuống còn 39,92 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 9% từ 33,8 tỷ xuống 30,81 tỷ đồng - trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng 18,1% từ 122,7 tỷ lên 144,97 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của HBC lỗ 168,45 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 6,28 tỷ đồng).
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, HBC ghi nhận doanh thu đạt 5.355 tỷ đồng, giảm 50,9% so với cùng kỳ (10.905 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế lỗ hơn 883 tỷ và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lỗ 879,9 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 63,6 tỷ đồng).
Tính tới 30/9/2023, tổng lỗ lũy kế của Xây dựng Hòa Bình lên tới 2.980,3 tỷ đồng - trong khi vốn chủ sở hữu là 2.741 tỷ đồng, tương ứng giảm vượt 8,7% vốn điều lệ của công ty.
Tính tới 30/9/2023, tổng tài sản của HBC đạt 13.696,9 tỷ, giảm 12,7% so với đầu năm (15.594 tỷ); các khoản phải thu ngắn hạn là 8.856,8 tỷ đồng, hàng tồn kho 2.296,6 tỷ đồng.
Trong kỳ, HBC đã phải tăng trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi thêm 445,8 tỷ đồng từ 2.059 tỷ đồng lên tới 2.504,79 tỷ đồng và nợ phải trả giảm từ 14.375 tỷ xuống còn hơn 13.344 tỷ đồng - trong đó, vay nợ ngắn hạn giảm từ 5.104 tỷ xuống gần 4.399,9 tỷ và nợ vay dài hạn giảm từ 1.026,5 tỷ xuống còn 749,77 tỷ đồng.
Cập nhật quý 2/2023: báo lãi 100 tỷ, kiểm toán xong hóa lỗ 700 tỷ
Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa công bố báo cáo kiểm toán với lợi nhuận giảm mạnh.
Theo báo cáo mới công bố, đại gia ngành xây dựng lỗ ròng hợp nhất hơn 711 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, trong khi báo cáo tự lập trước đó ghi nhận lợi nhuận hơn 100 tỷ đồng. Con số chênh lệch lên tới gần 815 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu kinh doanh chính của Hòa Bình đều giảm so với báo cáo công bố trước đó. Trong đó, doanh thu giảm gần 30 tỷ đồng, ghi nhận hơn 3.460 tỷ đồng sau kiểm toán. Giá vốn thay đổi không đáng kể, khiến lợi nhuận gộp sụt giảm tương đương.
Hoạt động tài chính cũng bị thu hẹp. Doanh thu tài chính sau kiểm toán giảm hơn 72 tỷ đồng do điều chỉnh giảm doanh thu chuyển nhượng công ty con và điều chỉnh tăng lãi vay với Tiến Phát Sanyo Home.
Ảnh hưởng lớn nhất lên báo cáo sau kiểm toán là lợi nhuận khác giảm hơn 650 tỷ đồng. Nguyên nhân được Hòa Bình đưa ra là điều chỉnh giảm lợi nhuận từ việc bán tài sản tại công ty mẹ.
Khoản lỗ đột biến sau kiểm toán đẩy quy mô lỗ lũy kế của doanh nghiệp này tới cuối quý II lên hơn 2.800 tỷ đồng, vượt qua vốn góp của cổ đông (2.741 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu của Hòa Bình chỉ còn hơn 500 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả ghi nhận hơn 13.300 tỷ đồng.
Đơn vị kiểm toán Ernst & Young Việt Nam (EY) cũng lưu ý, ngoài khoản lỗ lũy kế, Hòa Bình có các khoản nợ vay đã quá hạn, trong đó có một số khoản vay đã được các ngân hàng đồng ý gia hạn. Đối với các khoản vay còn lại đã quá hạn hoặc sắp đến hạn, doanh nghiệp đang trong quá trình thương thảo xin gia hạn.
"Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn", kiểm toán viên nêu ý kiến.
Xây dựng Hòa Bình là một trong những công ty xây dựng lớn nhất sàn chứng khoán, cùng với Coteccons. Tuy nhiên, sự khó khăn của thị trường bất động sản từ nửa cuối năm trước đã khiến hoạt động kinh doanh của Hòa Bình bị ảnh hưởng. Tính tới quý II, doanh nghiệp này đã lỗ ba quý liên tiếp.
Ngoài ra, đầu năm nay, Hòa Bình còn trải qua nhiều tuần "tranh chấp quyền lực" giữa ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú liên quan đến vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị. Sau quyết định của Cục Thi hành án dân sự TP HCM, ông Lê Viết Hải tiếp tục giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của HBC.
Cập nhật quý 1/2023: lại lỗ hơn 440 tỷ đồng
Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa công bố báo cáo tài chính quý I với quý thứ hai liên tiếp ghi nhận lỗ.
Ba tháng đầu năm nay, đại gia ngành xây dựng này ghi nhận doanh thu gần 1.200 tỷ đồng, giảm gần 60% cùng kỳ năm trước. Do kinh doanh dưới giá vốn, Hòa Bình chịu lỗ gộp từ hoạt động chính hơn 200 tỷ đồng, so với mức lãi gộp gần 200 tỷ trong quý I/2022.
Chi phí tài chính tiếp tục là gánh nặng với lãi vay gấp rưỡi cùng kỳ, ghi nhận gần 137 tỷ đồng. Cùng với các chi phí hoạt động khác, Hòa Bình lỗ ròng hơn 440 tỷ đồng, quý lỗ thứ hai liên tiếp.
Đến cuối quý I, tổng tài sản của Hòa Bình đạt gần 15.700 tỷ đồng, giảm hơn 1.200 tỷ so với đầu năm. Lỗ lũy kế đến cuối quý ghi nhận hơn 1.100 tỷ đồng, tương đương hơn 40% vốn điều lệ doanh nghiệp (2.741 tỷ đồng).
Điểm sáng của Hòa Bình là quy mô các khoản phải thu khách hàng ngắn hạn đã giảm hơn 1.000 tỷ đồng trong quý I. Dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn cũng giảm bớt.
Những tháng đầu năm nay, làn sóng doanh nghiệp xây dựng thấm đòn vì bị doanh nghiệp bất động sản giam nợ, "chết mòn" vì đói vốn, có dấu hiệu lan rộng.
Nhiều công ty xây dựng, nhà thầu chính lẫn phụ và cả các đơn vị thi công thị trường ngách như cảnh quan, thiết bị phụ trợ cho dự án bất động sản đều hụt hơi về dòng tiền. Nợ xấu tăng, họ cắt nhân sự, giảm lương, dừng thi công vì nguồn lực cạn kiệt do không đòi được nợ từ các chủ đầu tư dự án.
Không đến mức lỗ như Hòa Bình, song chi phí giá vốn tăng cao cũng khiến lợi nhuận gộp của Coteccons (CTD) trong quý I giảm 17%, dù doanh thu tăng hơn 60% cùng kỳ. Kết quả là lãi ròng ba tháng đầu năm của công ty này giảm 25%, còn 22 tỷ đồng.
Ngoài ra, đầu năm nay, Hòa Bình còn trải qua nhiều tuần "tranh chấp quyền lực" giữa ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú liên quan đến vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị. Sau quyết định của Cục Thi hành án dân sự TP HCM, ông Lê Viết Hải tiếp tục giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của HBC.
Cập nhật quý 4/2022: doanh thu giảm 16%, lỗ gần 1.202 tỷ đồng
Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2022.
Theo đó, doanh thu thuần nhà thầu xây dựng này ghi nhận được trong quý cuối năm 2022 đạt khoảng 3.218 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, việc kinh doanh dưới giá vốn đã khiến ông lớn ngành xây dựng lỗ gộp 426 tỷ đồng.
Doanh nghiệp đồng thời ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính âm gần 113 tỷ đồng do phải gánh lỗ gần 117 tỷ từ việc bán các khoản đầu tư.
Trong khi đó, chi phí lãi vay tăng gấp đôi cùng kỳ, lên đến hơn 163 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp thậm chí tăng hơn 3 lần, đạt xấp xỉ 500 tỷ đồng (chủ yếu do tăng trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đến gần 360 tỷ).
Với các số liệu kể trên, Xây dựng Hòa Bình báo lỗ ròng gần 1.202 tỷ đồng trong quý cuối năm 2022, trong khi cùng kỳ năm 2021 vẫn lãi hơn 19 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2022, doanh nghiệp này lỗ ròng hơn 1.140 tỷ, giảm sâu so với con số lợi nhuận gần 97 tỷ đồng của năm liền trước. Đây cũng là lần đầu tiên nhà thầu xây dựng này báo lỗ kể từ khi niêm yết.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình đạt gần 17.000 tỷ đồng, trong đó có 12.110 tỷ đồng là các khoản phải thu ngắn hạn. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nâng mức trích lập dự phòng từ 369 tỷ đồng cuối năm 2021 lên 774 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng nợ phải trả của công ty lên đến 14.283 tỷ đồng, với nợ vay ngắn hạn hơn 5.100 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu.
Trong năm qua, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty xây dựng này âm gần 845 tỷ đồng, trong khi năm trước đó dương 612 tỷ. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm trên 600 tỷ. Tuy nhiên, nhờ dòng tiền từ hoạt động tài chính dương hơn 1.200 tỷ đồng nên lưu chuyển tiền thuần cả năm của công ty chỉ âm hơn 200 tỷ đồng. Dù vậy, con số này vẫn giảm mạnh so với mức dương 490 tỷ đồng của năm 2021.
Kết thúc năm 2022, Xây dựng Hòa Bình có 493 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, giảm 33% sau một năm.
Hiện tại, sau cuộc tranh chấp quanh vị trí chủ tịch HĐQT giữa ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú, Cục thi hành án dân sự TP.HCM đã ra quyết định buộc doanh nghiệp tạm dừng thi hành các Nghị quyết 50, 51 ban hành ngày 14/12/2022 và Nghị quyết 53 ngày 31/12/2022 cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết của Hội đồng Trọng tài.
Theo đó, ông Lê Viết Hải vẫn đang giữ chức chủ tịch HĐQT và là người đại diện pháp luật của Xây dựng Hòa Bình.
Mới đây, ông Lê Viết Hải cũng đại diện Hòa Bình ký kết hợp tác với Công ty Keystone để cùng xây dựng 5 dự án mà Keystone sẽ đầu tư phát triển tại California và Oregon (Mỹ). Hai bên đồng thời sẽ phát triển tiếp những dự án xây dựng nhà ở và thương mại, công nghiệp tại Mỹ, cũng như hướng đến quy mô toàn cầu.
Cập nhật quý 3/2022: 9 tháng 2022 lợi nhuận giảm, nợ nần tăng
Trong quý 3, Xây dựng Hoà Bình mang về doanh thu 3.778 tỷ đồng, tăng 80,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt 282 tỷ đồng, tăng 143%. Doanh thu hoạt động tài chính tăng 142% lên 34 tỷ đồng.
Tuy nhiên các chi phí đều tăng mạnh so với cùng kỳ, đặc biệt là chi phí lãi vay tăng 63% lên 123 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến gấp 4,4 lần cùng kỳ lên 153 tỷ do giảm hoàn nhập dự phòng.
Kết quả, doanh nghiệp đạt lợi nhuận sau thuế 5,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 6,2 tỷ đồng, giảm 57%.
Lũy kế 9 tháng, Xây dựng Hoà Bình đạt 10.905 tỷ doanh thu thuần, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm ngoái; song lợi nhuận sau thuế giảm 16% xuống mức 61 tỷ đồng; lãi ròng công ty mẹ đạt 63 tỷ đồng, giảm 21%.
Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả cuối kỳ là 13.332 tỷ, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với đầu năm; trong đó nợ vay là 6.566 tỷ đồng, tăng gần 1.500 tỷ đồng; chủ yếu là từ ngân hàng. Nợ vay ngắn hạn là 5.496 tỷ đồng và dài hạn là 1.070 tỷ bao gồm dư nợ trái phiếu 987 tỷ đồng. Chi phí lãi vay trong 3 quý là gần 358 tỷ, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái.
Liên quan đến huy động vốn, trong tháng 10 vừa qua, HBC đã thông qua việc phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị lên tới 95 tỷ đồng. Mục đích phát hành là để thực hiện chương trình mua tài sản.
Tài sản bảo đảm gồm hợp đồng tiền gửi giá trị 20 tỷ đồng thuộc sở hữu của HBC, toàn bộ các quyền và lợi ích phát sinh từ hợp đồng tiền gửi; thiết bị, vật tư thuộc hệ thống giàn giáo Ringlock mạ kẽm nhúng nóng, kích chân kích đầu.
Cập nhật quý 2/2022: doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm 14%
Trong BCTC hợp nhất quý II, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) ghi nhận 4.080 tỷ đồng doanh thu, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 6,1% về 3,3%.
Doanh thu tài chính của HBC kỳ này gấp 2,81 lần so với kỳ trước, đạt 183,1 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ việc bán các khoản đầu tư đạt 126 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 50,2 tỷ đồng, giảm 14% so với kỳ trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của HBC tăng 29,7% và đạt 7.066 tỷ đồng. LNST đạt 60,8 tỷ đồng, giảm 11% cùng kỳ. So với kế hoạch năm, công ty thực hiện 40% doanh thu và 17% kế hoạch lợi nhuận.
Tổng tài sản của HBC tăng 10% so với đầu năm, chủ yếu đến từ các khoản phải thu ngắn hạn, là khoản đang chiếm đến hơn 71% tổng tài sản của công ty. Việc tăng khoản phải thu cũng là nguyên nhân chính dẫn đến dòng tiền hoạt động kinh doanh bị âm 1.364 tỷ đồng trong kỳ này.
Cập nhật quý 1/2022: lợi nhuận khá thấp
Xây dựng Hoà Bình (HBC) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 1/2022 với 2.983 tỷ doanh thu thuần, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp đi ngang quý 1/2021 với hơn 197 tỷ đồng.
Về hoạt động tài chính, doanh thu tăng đáng kể, chủ yếu nhờ ghi nhận doanh thu tài chính khác. Dù vậy, chi phí tài chính cũng tăng.
Cùng áp lực chi phí doanh nghiệp tăng mạnh, HBC báo lãi ròng hơn 13 tỷ đồng trong quý đầu năm - khá thấp so với kế hoạch đầy tham vọng đề ra.
Giải trình điều này tại Đại hội mới đây, Tổng Giám đốc Lê Viết Hiếu cho biết do vướng nghỉ Tết nên phần chi phí phải trả lớn trong khi không có sản lượng và quý 1 thường là quý có kết quả thấp so với các quý khác trong năm.
Chưa kể, trong năm HBC cũng tiếp tục chủ trương thoái vốn tại các dự án bất động sản – hoạt động này dự kiến đóng góp phần lớn vào con số lợi nhuận của cả năm. Trong đó, HBC đã tiến gần đến việc hoàn tất thoái vốn tại dự án Ascent Garden Home cho đối tác mới là Gotec Land.
Cập nhật quý 4/2021: lãi sau thuế đạt hơn 19 tỷ đồng, tăng 164%
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC - sàn HOSE) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và lũy kế năm 2021.
Cụ thể, trong quý IV/2021, doanh thu thuần của Hòa Bình đạt 3.820 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Giá vốn tăng 17,6% lên 3.554 tỷ đồng, nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 265,6 tỷ đồng, tăng 63,5%. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 5,1% lên xấp xỉ 7%.
Kỳ này, doanh thu tài chính của Hòa Bình giảm 67% xuống 24 tỷ đồng. Trong khi đó, các chi phí đồng loạt tăng với chi phí tài chính tăng 4%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 6% và chi phí bán hàng tăng mạnh 186%.
Kết quả, Tập đoàn báo lãi sau thuế đạt hơn 19 tỷ đồng, tăng 164% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận thuộc về Công ty mẹ đạt xấp xỉ 18 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2021, Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt 11.355 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2020 và lãi ròng đạt 92,3 tỷ đồng, tăng 10,3%.
Năm 2021, Tập đoàn đã thông qua kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu đạt 13.500 tỷ đồng và chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 235 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả trên, Tập đoàn đã hoàn thành lần lượt 84% và 40% kế hoạch năm.
Tính đến cuối năm, tổng tài sản doanh nghiệp đạt gần 16.800 tỷ đồng, tăng 8% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý là tiền và tương đương tiền tăng 200% lên 733 tỷ đồng; chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm nhẹ xuống 38,3 tỷ đồng.
Tổng nợ ngắn và dài hạn cũng tăng 10,25% lên 12.573 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn 803 tỷ đồng.
Cập nhật quý 3/2021: lãi sau thuế chỉ hơn 5 tỷ đồng
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã chứng khoán: HBC) vừa công bố doanh thu thuần quý III là 2.092 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Việc doanh thu giảm và không còn khoản thu nhập khác như quý III năm ngoái đã kéo lãi sau thuế công ty giảm 90% còn 5,2 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận 7.536 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 6%. Tuy nhiên do doanh thu từ hoạt động tài chính trong nửa đầu năm tăng mạnh 115% cùng với việc tiết giảm đáng kể chi phí bán hàng, công ty báo lãi sau thuế tăng 17% lên 73,3 tỷ đồng.
Cập nhật quý 2/2021: lợi nhuận sau thuế đạt 58 tỷ đồng
Theo BCTC hợp nhất quý II mới công bố, doanh thu thuần của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đạt gần 3.180 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020.
Doanh thu tài chính của công ty đạt hơn 65 tỷ đồng, gấp 7,5 lần cùng kỳ, chủ yếu đến từ gần 51 tỷ đồng phát sinh từ chuyển nhượng các khoản đầu tư. Cùng với đó, chi phí trong kỳ của HBC nhìn chung giảm.
Mặc dù chi phí bán hàng tăng 29% song cả chi phí tài chính và chi phí quản lý đều giảm mạnh, lần lượt giảm 18% và 12%.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của HBC đạt hơn 58 tỷ đồng trong quý II, gấp gần 28 lần so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HBC đạt gần 5.443 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ thu nhập đột biến từ chuyển nhượng các khoản đầu tư cộng và tiết giảm chi phí, lãi sau thuế của HBC ghi nhận hơn 67,4 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với nửa đầu năm 2020.
Cùng với kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng, dòng tiền kinh doanh của HBC trong nửa đầu năm đã được cải thiện và dương trở lại với gần 733 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm hơn 451 tỷ đồng. Điều này cho thấy HBC đã từng bước cải thiện được công tác thu hồi công nợ.
Tổng tài sản tính đến ngày ngày 30/6 của HBC đạt hơn hơn 16.155 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng nhẹ 3%, vượt mức 11.000 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng đã giảm hơn 530 tỷ đồng so với đầu năm, còn 5.020 tỷ đồng.
Một dấu hiệu tích cực trong bức tranh tài chính của HBC khác là dư nợ vay của công ty giảm 11% so với đầu năm, còn gần 4.539 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn tăng 37%, đạt 1.291 tỷ đồng.
Trước đó, trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 diễn ra vào cuối tháng 6, nhằm có dòng tiền để bổ sung vào nguồn vốn, HBC dự kiến thoái 4 dự án lớn là Ascent Garden Home, Ascent Plaza, Ascent Lakeside và 1C Tôn Thất Thuyết trong năm nay.
Với những dự án lớn này, HBC cho biết có khả năng thu về trên 1.000 tỷ đồng thông qua việc thoái vốn. Ông Lê Viết Hải cũng khẳng định công ty sẽ tiếp tục thoái vốn tại các công ty bất động sản trong năm 2022.
Cập nhật quý 1/2021: lãi sau thuế vỏn vẹn 9 tỉ đồng
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã CK: HBC) vừa công bố báo cáo tài chính Quý 1/2021 với doanh thu thuần hợp nhất đạt 2.263,1 tỉ đồng, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ giá vốn, HBC báo lãi gộp 197 tỉ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Quý 1/2021, HBC ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính đạt 5,3 tỉ đồng, giảm đến 63,5% so với cùng kỳ năm trước, song chi phí tài chính chủ yếu là chi phí lãi vay lại tăng khoảng 9% lên gần 72,2 tỉ đồng.
Dù vậy, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của HBC cũng được tiết giảm xuống còn 117 tỉ đồng, trong khi Quý 1/2020 là 129,7 tỉ đồng.
Ở chiều hướng ngược lại, trong 3 tháng đầu năm 2021, HBC ghi nhận vỏn vẹn 387 triệu đồng lợi nhuận khác, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt gần 18,5 tỉ đồng.
Kết Quý 1/2021, HBC báo lãi trước thuế gần 12 tỉ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ được hoãn lại khoảng 4,5 tỉ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nên HBC báo lãi sau thuế Quý 1/2021 đạt gần 9 tỉ đồng, tăng 63,9% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 7,59 tỉ đồng.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC)
HBC là nhà thầu tổng hợp hàng đầu tại Việt Nam, sản phẩm chủ lực của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là các công trình lớn trong lĩnh vực thi công xây dựng dân dụng, tiếp đến là công trình công nghiệp và hạ tầng.
Quá trình hoạt động
1987: Văn phòng Xây dựng Hòa Bình được thành lập với chức năng thiết kế thi công một số công trình trang trí nội thất và nhà ở tư nhân.
1992: Hòa Bình bắt đầu nhận thầu thi công nhiều dự án đầu tư nước ngoài có quy mô tương đối lớn.
1997: Hòa Bình triển khai xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000 và áp dụng Quản lý chất lượng Toàn diện (TQM).
2000: Văn phòng Xây dựng Hòa Bình được chuyển đổi thành Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình.
2001: Hòa Bình trở thành một trong những công ty xây dựng đầu tiên nhận Chứng chỉ ISO 9001:2000.
2006: Hòa Bình là nhà thầu xây dựng tổng hợp đầu tiên tại phía Nam niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) với mã chứng khoán HBC.
2008: Hòa Bình là nhà thầu tổng hợp duy nhất ở phía Nam được chọn tham gia chương trình Thương hiệu Quốc gia lần thứ 1.
2011: Là năm đánh dấu Hòa Bình phát triển ra thị trường nước ngoài với dự án Le Yuan ở Malaysia.
2012: Kỷ niệm tròn 25 năm thành lập, Hòa Bình vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba và trao biểu trưng Thương hiệu Quốc gia lần thứ 3.
2014: Hòa Bình là tổng thầu công trình Saigon Centre có tầng hầm sâu nhất Việt Nam (28m). Thể hiện năng lực ở các dự án mang tầm quốc tế.
2015: Cất nóc dự án chung cư GEMS tại Yangon - Myanmar, đánh dấu dự án đầu tiên của Hòa Bình tại Myanmar và là dự án đầu tiên một nhà thầu xây dựng Việt Nam cung cấp dịch vụ quản lý thi công tại thị trường Myanmar. Đây cũng là năm bản lề của kế hoạch phát triển chặng đường 10 năm (2015 - 2024).
2017: Kỷ niệm tròn 30 năm thành lập, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì và chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
2018: Khởi động chương trình chuyển đổi “Nhân đôi lợi nhuận và Quốc tế hóa” (DPI) với sự trợ giúp của tư vấn McKinsey & Company (Mỹ).
Ngày 24/11/2020, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã tổ chức trang trọng sự kiện “Lễ chuyển giao thế hệ – Trang sử vàng ”.Theo đó, ông Lê Viết Hiếu sẽ tiếp quản vai trò Tổng Giám đốc. Đây được xem là một trong những bước chuyển giao quan trọng cho thế hệ lãnh đạo mới của Hòa Bình kể từ khi thành lập công ty vào năm 1987 và quan trọng hơn đây là sự khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới của Hòa Bình.
Ngày 1/7/2022 Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã ký hết thỏa thuận hợp tác với trường Đại học Xây dựng Hà Nội