Kết quả kinh doanh BMP (Nhựa Bình Minh): quý II/2023 lãi 295 tỷ đồng, tăng 103%

MĂNG GIANG

21/07/2023 02:04

Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) vừa công bố báo cáo tài chính quý gần nhất.

bmp-1629363672.png

Cổ phiếu BMP (Nhựa Bình Minh)

CTCP Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán BMP - sàn HOSE) mới công bố BCTC hợp nhất quý II/2023 và luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023.

Trong quý II, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.336 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do giá vốn giảm mạnh hơn đà giảm của doanh thu với 34%, xuống còn 764 tỷ đồng, nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp tăng 46%, lên 573 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 25% lên 43%.

Kỳ này, doanh thu tài chính của BMP tăng 180%, từ 12 tỷ đồng tăng lên 34 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính lại được tiết giảm 11%, xuống còn 37 tỷ đồng; cùng với đó, chi phí quản lý doanh nghiệp được giảm 19%, xuống còn 29 tỷ đồng. Ngược lại chi phí bán hàng tăng 20%, lên 173 tỷ đồng.

Nhờ những yếu tố trên, trong quý II/2023 BMP lãi sau thuế 295 tỷ đồng, tăng 103% so với 145 tỷ đồng của quý II/2022. Đây cũng là quý có kết quả cao nhất trong vòng 8 năm qua của BMP.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 2.776 tỷ đồng, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm cùng sự hỗ trợ của doanh thu tài chính tăng nên doanh nghiệp báo lãi 575,3 tỷ đồng, tăng 111% so với cùng kỳ.

Tính đến cuối quý II, Nhựa Bình Minh có tổng tài sản đạt 3.526,3 tỷ đồng, tăng 15,8% so với hồi đầu năm. Doanh nghiệp còn 750 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 82% so với đầu năm. BMP còn 145 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn; 138 tỷ đồng phải trả ngắn hạn và 55 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn.

Cập nhật quý 1/2023: lợi nhuận 281 tỷ đồng, tăng 13%

BMP báo cáo doanh thu quý 1/2023 đạt 1.400 tỷ đồng (+2% so với quý trước - QoQ & +7% so với cùng kỳ năm tước - YoY). LNST sau lợi ích CĐTS quý 1/2023 của BMP đạt 281 tỷ đồng (+13% QoQ & +120% YoY).

LNST sau lợi ích CĐTS tăng trưởng mạnh trong quý 1/2023 nhờ biên lợi nhuận gộp tăng lên mức cao kỷ lục 38,5% trong quý 1/2023, bù đắp cho chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu tăng lên 13,0% trong quý 1/2023 so với 10,9% cả năm 2022. Biên lợi nhuận gộp tăng chủ yếu là nhờ giá nhựa đầu vào giảm.

Cập nhật quý 4/2022: lợi nhuận tăng 116,9%

CTCP Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán BMP - sàn HOSE) ghi nhận doanh thu giảm 0,9%, nhưng lợi nhuận tăng 116,9% trong quý IV/2022.

Trong quý IV/2022, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu đạt 1.407,88 tỷ đồng, giảm 0,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 248,43 tỷ đồng, tăng 116,9% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 20,2% lên 33,7%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 65,3% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 187,64 tỷ đồng lên 474,85 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 33,8%, tương ứng tăng thêm 4,58 tỷ đồng lên 18,15 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 4,1%, tương ứng giảm 1,68 tỷ đồng về 38,87 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 29,5%, tương ứng tăng thêm 32,7 tỷ đồng lên 143,4 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Nhựa Bình Minh cho biết, nguyên nhân lợi nhuận tăng trong kỳ do giá vốn hàng bán quý IV/2022 giảm 17,6% so với cùng kỳ.

Luỹ kế trong năm 2022, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu đạt 5.808,34 tỷ đồng, tăng 27,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 696,26 tỷ đồng, tăng 224,8% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận quý IV là 116,9%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng cả năm là 223,8%, Công ty đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại so với giai đoạn 9 tháng đầu năm 2022.

Năm 2022, BMP đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 5.680 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 448 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 24,4% và 109% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, kết thúc năm 2022, Công ty hoàn thành 155,4% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Nhựa Bình Minh tăng 7,1% so với đầu năm lên 3.039,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 1.323,57 tỷ đồng, chiếm 43,5% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 570,7 tỷ đồng, chiếm 18,8% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 367,7 tỷ đồng, chiếm 12,1% tổng tài sản; tài sản dài hạn khác ghi nhận 350,4 tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng tài sản.

Cập nhật quý 3/2022: lãi cao nhất từ khi về tay người Thái

Doanh số tăng gấp ba trong khi giá nguyên liệu đầu vào thấp giúp Nhựa Bình Minh lãi 175 tỷ đồng quý vừa qua, cao nhất từ khi Nawaplastic Industries nắm quyền chi phối.

Báo cáo tài chính quý III của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu xấp xỉ 1.500 tỷ đồng, gấp khoảng ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính đồng loạt tăng mạnh nhưng sau cùng công ty vẫn lãi ròng 175 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 26 tỷ đồng.

Đây là mức lãi hàng quý cao nhất từ khi Nhựa Bình Minh thành công ty con của Nawaplastic Industries, thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan) vào đầu năm 2018. Nawaplastic Industries hiện nắm quyền chi phối tại đây với tỷ lệ 54,39%.

Đại diện ban lãnh đạo Nhựa Bình Minh cho biết ngoài việc không còn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, lợi nhuận tăng vọt còn nhờ giá nguyên liệu đầu vào diễn biến tích cực. Giá PVC thời gian qua điều chỉnh mạnh, duy trì quanh mức 850 USD một tấn, thấp hơn phân nửa so với đỉnh năm ngoái và thấp hơn 37% so với đầu năm nay.

Nhựa Bình Minh đặt kế hoạch cả năm 2022 thu 5.680 tỷ đồng và lãi sau thuế 448 tỷ đồng. Lũy kế chín tháng, công ty có doanh thu 4.400 tỷ đồng và lãi bằng đúng kế hoạch, lần lượt tăng 40% và 348% so với cùng kỳ.

Tính đến cuối tháng 9, tài sản của Nhựa Bình Minh tăng hơn 200 tỷ đồng so với đầu năm lên 3.000 tỷ đồng. Hơn một phần ba trong số này là tiền mặt và tiền gửi ngân hàng.

Cập nhật quý 2/2022: lãi quý 2/2022 tăng 247%

CTCP Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán: BMP) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 với doanh thu thuần đạt 1.555 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ. Doanh thu tăng nhưng giá vốn hàng bán lại giảm giúp biên lãi gộp được cải thiện từ 12,9% lên 25,1% tương ứng lợi nhuận gộp đạt 391 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ.

Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 29% từ 17 tỷ đồng xuống còn hơn 12 tỷ đồng, một phần nguyên nhân đến từ sự gia tăng chi phí tài chính trong kỳ lên 41 tỷ đồng (+4%). Ngoài ra BMP còn ghi nhận phần lỗ không đáng kể từ công ty liên kết, liên doanh gần 700 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 700 triệu đồng.

Sau khi trừ đi các chi phí khác, Nhựa Bình Minh lãi ròng ghi nhận 145 tỷ đồng, tương ứng tăng 247% so với cùng kỳ năm trước. Kể từ quý 3/2020, lãi sau thuế hợp nhất của Nhựa Bình Minh đạt 153 tỷ đồng. Như vậy, sau 2 năm ảnh hưởng bởi Covid-19, BMP đã có lãi cao nhất trong vòng 6 quý trở lại đây, lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 1.774 đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.905 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 273 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 117% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của BMP đã cải thiện đáng kể khi chuyển từ âm 207 tỷ đồng cùng kỳ năm trước sang dương 141 tỷ đồng.

Cập nhật quý 1/2022: lãi tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ lên hơn 127 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (mã CK: BMP) đã công bố BCTC quý 1/2022.

Theo đó, doanh thu trong kỳ đạt 1.350 tỷ đồng tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ giá vốn lãi gộp 319 tỷ đồng – tăng gấp rưỡi so với con số 206 tỷ đồng của quý 1 năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp đạt 23,6%, trong khi quý 1/2020 đạt 17,9%.

Doanh thu hoạt động tài chính sụt giảm 36% so với cùng kỳ đạt hơn 11,8 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí tài chính lại tăng gần 14% ghi nhận mức 36 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 40,5% lên gần 110 tỷ đồng; chi phí QLDN tăng cao ở mức 102% lên 26,5 tỷ đồng.

Kết quả lợi nhuận thuần của Nhựa Bình Minh đạt 127,4 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với khoản lãi 84 tỷ đồng cùng kỳ 2021.

Theo giải trình từ phía công ty, lợi nhuận quý 1/2022 tăng so với quý 1/2021 chủ yếu do doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng trưởng đáng kể.

Cập nhật quý 4/2021: lợi nhuận thuần đạt 114 tỷ đồng, tăng 3,3%

BMP công bố KQKD Q4/2021 tích cực như dự báo với lợi nhuận thuần đạt 114 tỷ đồng (tăng 3,3% so với cùng kỳ); phục hồi ấn tượng sau khi lỗ 26 tỷ đồng trong Q3/2021.

Nhu cầu ống nhựa đã hồi phục mạnh sau khi nới lỏng các biện pháp phong tỏa vào đầu tháng 10/2021 mặc dù nhu cầu vẫn thấp hơn 10% so với mức trước dịch COVID-19. Sau 2 đợt tăng giá trong tháng 10/2021 và tháng 11/2021, giá bán bình quân đã tăng 23% so với cuối Q3/2021, trong khi tỷ suất lợi nhuận cũng tăng từ mức thấp kỷ lục trong Q3/2021.

Do đó, doanh thu thuần và lợi nhuận thuần năm 2021 lần lượt là 4.565 tỷ đồng (giảm 2,9%) và 214 tỷ đồng (giảm 59%).

Công ty đã hoạt động hết công suất trong Q4/2021 sau khi chỉ đạt 25-30% công suất trong Q3/2021 do các biện pháp giãn cách. Theo đó, chi phí sản xuất giảm nhờ chi phí khấu hao/sản phẩm giảm.

Ngoài ra, chi phí bán hàng tăng trong Q4/2021 cùng với nhu cầu ống nhựa hồi phục đã hỗ trợ tỷ suất lợi nhuận tăng mạnh sau giai đoạn giãn cách.

Cập nhật quý 3/2021: ghi nhận lỗ lần đầu tiên kể từ khi về tay người Thái

Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (Mã chứng khoán: BMP - sàn HOSE) công bố Báo cáo tài chính quý II/2021.

Theo đó, trong quý III/2021, BMP ghi nhận doanh thu giảm 52,7% so với cùng kỳ về 527,07 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 25,96 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 153,14 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 31,9% về còn 4,5%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 93,4% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 331,83 tỷ đồng về 23,53 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 56,6%, tương ứng giảm 16,7 tỷ đồng về 12,8 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 65,7%, tương ứng giảm 102,8 tỷ đồng về 53,59 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (Lợi nhuận gộp – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý III/2021, lợi nhuận cốt lõi giảm 229,03 tỷ đồng về âm 30,1 tỷ đồng. Như vậy, mặc dù công ty đã cố gắng tiết giảm chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp nhưng vẫn ghi nhận lỗ 25,96 tỷ đồng trong quý III/2021.

Được biết, tính tới 30/9/2021, theo BCTC quý III/2021, công ty có một cổ đông lớn là Nawaplastics Industries Co.,ltd sở hữu 54,39% vốn điều lệ. Được biết, tháng 3/2018, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thoái hơn 24,1 triệu cổ phiếu BMP và ngược lại Nawaplastics Industries Co.,ltd thông báo mua vào hơn 24,1 triệu cổ phiếu.

Như vậy, kể từ khi nhà nước thoái vốn cho cổ đông đến từ Thái Lan, đây là lần đầu tiên BMP công bố lỗ trong quý.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, BMP ghi nhận doanh thu đạt 3.132,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 99,83 tỷ đồng, lần lượt giảm 7,5% và 75,8% so với cùng kỳ.

Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, BMP cũng ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 298,2 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 434,5 tỷ đồng. Được biết, kể từ năm 2005 tới nay, dòng tiền kinh doanh của BMP liên tục dương kéo dài.

Tính tới 30/9/2021, tổng tài sản của BMP giảm 15,4% so với đầu năm về 2.557,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 815,4 tỷ đồng, chiếm 31,9% tổng tài sản; tồn kho đạt 610,5 tỷ đồng, chiếm 23,9% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 397,7 tỷ đồng, chiếm 15,5% tổng tài sản.

Cập nhật quý 2/2021: thấp hơn nhiều so với kỳ vọng

BMP báo cáo KQKD Quý 2/2021 kém lạc quan, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của chúng tôi: Doanh thu thuần tăng 16,1% YoY đạt 1.452,3 tỷ, khá sát với ước tính là 1.485,2 tỷ; trong khi lợi nhuận ròng giảm mạnh 72,9% YoY xuống 41,8 tỷ, thấp hơn ước tính.

Điểm nổi bật chính: Tăng trưởng doanh thu chủ yếu nhờ giá bán bình quân tăng Sản lượng tiêu thụ Quý 2/2021 của BMP tăng nhẹ 1,6% YoY lên 30.244 tấn (+18,2% QoQ). Sau khi giá bán của BMP tăng do nguyên liệu đầu vào tăng đột biến, giá bán trung bình Quý 2/2021 tăng lên 48,0 triệu/ tấn (+6,5% QoQ; +13,9% YoY). Cắt giảm OPEX - khích lệ - nhưng không đủ bù đắp BLNG giảm BLN gộp (BLNG) của BMP giảm mạnh từ 17,9% trong Quý 1/2021 và mức thông thường là 22-23% năm 2018-19 xuống 12,9% trong Quý 2/2021, do giá PVC tăng.

Theo Ban lãnh đạo, giá hạt nhựa PVC tăng bất thường từ cuối năm 2020 lên mức cao nhất kỷ lục ở mức 1.600 USD/ tấn vào Tháng 4/2021, cao hơn 60,0% so với mức thông thường 900-1.000 USD/ tấn. Hàng tồn kho thông thường của Công ty ở mức 1,5-2,0 tháng sản xuất đã không thể giúp kiềm chế ảnh hưởng tiêu cực của giá PVC tăng bất thường; trong khi việc tăng giá bán tương xứng với mức tăng mạnh của PVC cần thời gian.

Đáng chú ý là cho đến nay, BMP đã tăng giá bán hai lần: 7,0% mỗi lần vào Tháng 2 và Tháng 3, hay tổng cộng là 14,5%; thấp hơn mức tăng 16-20% của các đối thủ. Tính trên mỗi tấn, giá vốn hàng bán Quý 2/2021 của BMP tăng lên 41,8 triệu (+13,1% QoQ; +38,4% YoY) và do đó, lợi nhuận gộp Quý 2 của công ty xuống chỉ còn 6,2 triệu (- 23,5% QoQ; -48,3% YoY) so với mức bình thường 8,8-9,5 triệu/ tấn.

BMP đang tiếp tục những bước đi hướng đến mở rộng thị phần, và chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận trong ngắn hạn. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) kỳ vọng động thái này sẽ có một số tác động đến việc thúc đẩy hợp nhất ngành. Về phía chi phí hoạt động (OPEX), BMP đã nỗ lực cắt giảm chi phí SG&A trong nửa đầu năm 2021 xuống 3,6-3,8 triệu/ tấn, thấp hơn mức 4,4-6,0 triệu/ tấn năm 2020 khi BMP chia sẻ lợi ích chi phí thấp với các nhà cung cấp, và tương đối sát với mức thông thường là 3,3-4,2 triệu/ tấn. Cắt giảm OPEX thực sự đáng khích lệ, nhưng không đủ để bù đắp hoàn toàn mức giảm của lợi nhuận gộp. Kết quả là, lợi nhuận hoạt động Quý 2/2021 chỉ đạt 2,4 triệu/ tấn so với 4,5 triệu/ tấn trong Quý 1/2021.

Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP)

Nhựa Bình Minh là một trong những nhà sản xuất nhựa lớn nhất thị trường Việt Nam. Doanh thu bình quân hàng năm của Nhựa Bình Minh đều đạt 4.000-5.000 tỷ và mang 400-500 tỷ đồng lãi ròng.

Sau khi SCIC thoái vốn vào năm 2018, công ty này hiện thuộc sự quản lý của Tập đoàn Siam Cement Group - SCG (Thái Lan). Thông qua The Nawaplastic Industries - công ty con của SCG, người Thái đang sở hữu 54,39% vốn và là công ty mẹ quản lý trực tiếp của Nhựa Bình Minh.

Giới thiệu chung

Tiền thân là doanh nghiệp Nhà Nước, được thành lập từ năm 1977, cổ phần hóa năm 2004, Công Ty Cổ Phần Nhựa Bình Minh hiện là một doanh nghiệp nhựa hàng đầu và có uy tín trong ngành công nghiệp nhựa vật liệu xây dựng Việt Nam. Nhựa Bình Minh chuyên sản xuất và cung ứng các loại ống, phụ tùng nối ống nhựa đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế gồm: ống và phụ tùng uPVC, HDPE gân thành đôi, ống gân PE, HDPE, PP-R,..
* Năng lực:
- Sản phẩm đạt giải thưởng: Huân chương Độc Lập hạng Nhì, hạng Ba và Huân chương Lao Động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba.
- 19 năm liền được người tiêu dùng bình chọn “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.
- 8 lần được trao giải thưởng "Sao vàng Đất Việt".
- Một trong 20 doanh nghiệp tiêu biểu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
- Đặc biệt 4 lần liên tục được Chính phủ lựa chọn tham gia chương trình “Thương hiệu Quốc Gia”.
- Đội ngũ CBCNV được đào tạo theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008.
- Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2004.
- Cung cấp cho thị trường 80.000 tấn sản phẩm/năm.
* Quy mô:
- VP: 240 Hậu Giang, P. 9, Q. 6, Tp. HCM.
- Nhà máy 1: 57 Nguyễn Đình Chi, P. 9, Q. 6, Tp. HCM.
- Nhà máy 2: Số 7, Đường 02, KCN Sóng Thần 1, Tx. Dĩ An, Bình Dương.
- Nhà máy 3: Lô C1-6 đến C1-30, KCN Vĩnh Lộc 2, Long An.
- Chi nhánh: Đường D1, khu D, KCN Phố Nối A, huyện Văn Lâm, Hưng Yên.

Ngành nghề kinh doanh: ống Nhựa (PVC, PPR, HDPE, uPVC..) - Nhà Sản Xuất và Phân Phối

Thị trường chính: Toàn quốc

Số lượng nhân viên: Từ 501 - 1.000 người

Chứng chỉ: ISO 9001:2008, ISO 14001:2004

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.