HAGL Agrico báo lỗ hợp nhất hơn 415 tỷ đồng trong quý III, nâng tổng lỗ lũy kế từ đầu năm lên hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, doanh thu của Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HNG) giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 191 tỷ đồng. Do giá vốn bán hàng vẫn ở mức cao gần bằng năm ngoái, nên công ty ghi nhận khoản lỗ gộp 182 tỷ đồng, tăng gấp hơn chục lần cùng kỳ 2021.
Sau khi trừ các chi phí, HAGL Agrico lỗ ròng hơn 415 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty này lỗ khoảng 1.085 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần cùng kỳ năm ngoái.
HAGL Agrico lý giải thua lỗ bởi nhiều yếu tố kết hợp như tình trạng thiếu lao động tại Lào khiến sản lượng thu hoạch giảm 35% so với quý III/2021. Các chi phí mua phân bón, vật tư nông nghiệp, bao bì đóng gói cũng tăng mạnh. Đồng thời, bão Noru số 4 hồi cuối tháng 9 gây mưa to, gió lớn tại các tỉnh Nam Lào làm các vườn cây bị đổ, ngập lụt các dự án của Công ty TNHH phát triển Nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu khiến công ty thiệt hại 237 tỷ đồng, trong đó tiền khắc phục vườn cây hết 174 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cũng bị lỗ bởi chênh lệch tỷ giá. Theo HAGL Agrico, tại ngày 30/9, so với quý II năm ngoái, tỷ giá đồng kip của Lào tiếp tục mất giá 10% so với USD và giảm 5% so với tiền đồng, nên công ty hạch toán lỗ chênh lệch tỷ giá 141,7 tỷ đồng.
Đến ngày 30/9, lợi nhuận chưa phân phối sau thuế của HAGL Agrico âm hơn 4.512 tỷ đồng. Để khắc phục tình trạng cổ phiếu HNG vẫn nằm trong diện cảnh báo, HAGL Agrico cho biết đã thực hiện chiến lược đầu tư, sản xuất nông nghiệp cho giai đoạn 2022-2023 nhằm tạo ra lợi nhuận, từng bước giảm lỗ.
Theo đó, công ty sẽ nâng cấp, cải tạo vườn cây ăn trái phù hợp quy hoạch, tiếp tục chuyển đổi vườn cây ăn trái, cao su không hiệu quả sang trồng chuối, dứa, xoài và chăn nuôi bò... Đồng thời, HAGL Agrico cũng đang chuyển đổi đồng tiền hạch toán tại các công ty con sang sử dụng thống nhất một loại tiền tệ quốc tế, nhằm giảm ảnh hưởng bởi chênh lệch tỷ giá - yếu tố góp phần gây lỗ lớn cho doanh nghiệp các năm qua.
Đến hết quý III, tổng tài sản của HAGL Agrico giảm gần 2.500 tỷ đồng so với đầu năm xuống còn 11.535 tỷ đồng. Đối ứng bên phía nguồn vốn là nợ phải trả vốn chủ sở hữu hơn 2.200 tỷ (giảm hơn 60%) và hơn 9.300 tỷ đồng nợ phải trả (tăng 16%). Trong đó, nợ dài hạn giảm 35% còn trên 2.000 tỷ, nợ ngắn hạn tăng 46% so với đầu năm lên hơn 7.250 tỷ đồng.
Cập nhật quý 2/2022: lỗ ròng hơn 557 tỷ đồng, nợ tại THAGRICO tăng thêm gần 574 tỷ đồng
Doanh thu thuần giảm cộng thêm giá vốn và chi phí tài chính tăng cao khiến CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG) lỗ ròng hơn 557 tỷ đồng trong quý 2 năm nay.
Cụ thể, trong quý 2, HNG ghi nhận doanh thu thuần chỉ gần 148 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn tăng 21%, đạt gần 284 tỷ đồng, nên Công ty lỗ gộp gần 136 tỷ đồng.
Thêm vào đó, chi phí tài chính cao gấp 2.7 lần cùng kỳ, lên gần 377 tỷ đồng, khiến HNG báo lỗ ròng hơn 557 tỷ đồng, tăng lỗ thêm hơn 428 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Theo giải trình của HNG, nguyên nhân lỗ là do tình trạng thiếu hụt lao động tại Lào dẫn đến sản lượng thu hoạch giảm 13% so cùng kỳ. Mặt khác, giá mua phân bón tăng 150%, vật tư nông nghiệp và bao bì đóng gói tăng 50% so với năm 2021.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt container lạnh đã được khắc phục nhưng chi phí vận chuyển vẫn tăng cao so với năm 2021. Cụ thể, chi phí vận chuyển đường bộ tăng 42% (từ 19 triệu đồng/cont - 27 triệu đồng/cont) và chi phí vận chuyển đường biển tăng 212% (từ 785 USD/cont - 2,450 USD/cont) so với quý 2/2021.
Ngoài ra, tại ngày 30/06/2022, tỷ giá đồng LAK tại Lào so với USD mất giá 28% và so với VNĐ mất giá 33% so với quý 1/2022. Vì vậy, căn cứ điều 69 Thông ty 200 về chênh lệch tỷ giá hối đoái và chuẩn mực kế toán số 25 về báo cáo tài chính hợp nhất, Công ty hạch toán ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá 329 tỷ đồng.
Luỹ kế doanh 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu của HNG đạt gần 361 tỷ đồng, giảm 29 so cùng kỳ. Theo đó, Công ty lỗ ròng gần 670 tỷ đồng, tăng lỗ thêm gần 548 tỷ đồng so cùng kỳ.
Tính đến ngày 30/06/2022, nợ phải trả là 14.655 tỷ đồng - chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn (8,254 tỷ đồng).
Trong đó, HNG còn dư nợ vay tại THAGRICO hơn 1,072 tỷ đồng, tăng thêm gần 574 tỷ đồng so với đầu năm.
Đồng thời, Công ty còn nợ dài hạn tại CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) gần 2,084 tỷ đồng.
Cập nhật quý 1/2022: lỗ 113 tỷ do 3 nguyên nhân
Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HoSE: HNG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 với doanh thu thuần đạt 213,9 tỷ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ 2021.
Trong kỳ lượng trái cây thu hoạch là 13.087 tấn, giảm 19% so với quý 1/2021. Trong đó, sản lượng chuối là 13.013 tấn, dứa đạt 16 tấn. Khai thác mủ cao su đạt 1.149 tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận gộp chưa tới 11 tỷ, trong khi các chi phi ăn mòn hết lợi nhuận gộp đặc biệt là chi phí tài chính (hơn 135 tỷ) nên công ty ghi nhận khoản lỗ ròng 113 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp vẫn có lãi gần 7 tỷ.
Trong đó, lỗ thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh là 44,6 tỷ còn hạch toán lỗ do đánh giá chênh lệch tỷ giá cuối kỳ là 68 tỷ. Tới 31/3, HAGL Agrico lỗ luỹ kế 3.539 tỷ đồng. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 5 liên tiếp của HAGL Agrico.
Tính đến cuối quý I/2022, tổng tài sản Công ty đạt 13.698 tỷ đồng. Tổng nợ vay 5.932, riêng dư nợ từ ngân hàng là 3.244 tỷ đồng, còn lại là vay chủ yếu từ HAGL (HAG) hơn 2.088 tỷ, 593 tỷ từ Thagrico.
Năm nay, HNG dự kiến ghi nhận doanh thu thuần 1.731 tỷ đồng và thua lỗ trước thuế 2.713 tỷ đồng do chi phí chuyển đổi vườn cây lớn.
Giải trình kết quả kinh doanh, Ban Tổng Giám đốc HNG cho biết có 3 nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ nêu trên. Đầu tiên là giá mua phân bón, vật tư nông nghiệp tiếp tục tăng 130%, bao bì đóng góp trái cây tăng 15% so với đầu năm.
Thứ hai là tình trạng thiếu hụt container lạnh để xuất khẩu trái cây, chi phí container lạnh tăng cao, thời gian vận chuyển và thông quan tăng từ 12 ngày đến 35 ngày làm ứ hàng, tăng chi phí kho bãi và giảm chất lượng trái cây. Chi phí vận chuyển tiếp tục tăng cao vào đầu năm nay, cụ thể là chi phí vận chuyển đường bộ tăng 26% (từ 19 triệu đồng/container lên 24 triệu đồng/container) và chi phí vận chuyển đường biển tăng 237% (từ 785 USD/container lên 2.650 USD/container) so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân cuối cùng là do tại ngày 31/3/2022, tỷ giá đồng LAK/VND tại Lào giảm 6,6% so với thời điểm cuối năm 2021, vì vậy căn cứ điều 69 Thông tư 200 về chênh lệch tỉ giá hối đoái và chuẩn mực kế toán số 25 về báo cáo tài chính hợp nhất, công ty hạch toán ghi nhận lỗ chênh lệch tỉ giá 68 tỷ đồng.
Cập nhật quý 4/2021: lỗ tới 815,8 tỉ
CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HNG) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2021 với doanh thu thuần đạt 306,7 tỉ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi giá vốn hàng bán, HNG báo lỗ gộp 467 tỉ đồng, gấp 2,4 lần số lỗ 190,8 tỉ đồng trong quý 4/2020.
Trong kỳ, các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của HNG đều giảm so với cùng kỳ năm trước, song vẫn neo ở mức cao. Trong khi đó, doanh thu tài chính của HNG chỉ đạt 4,8 tỉ đồng, giảm tới 99,5% so với quý 4/2020.
Trừ đi các loại chi phí khác, HNG báo lỗ sau thuế lên tới 815,8 tỉ đồng trong quý 4/2021, nâng số lỗ luỹ kế chưa phân phối của công ty này tại thời điểm 31/12/2021 tăng lên mức 3.426,5 tỉ đồng.
Năm 2021, HNG ghi nhận lỗ sau thuế 1.119,4 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu, theo HNG, là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã làm cho giá mua phân bón tăng 160%, bao bì đóng gói tăng 25% so với đầu năm và chi phí vận chuyển đường biển tăng 20% so với năm 2020. Tình trạng thiếu công nhân thu hoạch và đóng gói tại nông trường dẫn đến tỉ lệ hủy tại vườn và xưởng đóng gói cả năm là 21%.
Cập nhật quý 3/2021: tiếp tục lỗ 14 tỷ, doanh thu giảm 37%
Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với doanh thu thuần giảm 37% xuống gần 380 tỷ đồng. Giá vốn cao khiến công ty bị lỗ gộp 14 tỷ đồng.
Hoạt động tài chính là điểm sáng khi doanh thu tăng mạnh 276% lên 21 tỷ đồng (chủ yếu nhờ lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái), trong khi chi phí tài chính lại giảm 27% xuống 82 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí quản lý cũng giảm 70% xuống 16 tỷ nhưng chi phí bán hàng tăng 23% lên 76 tỷ.
Kết quả, doanh nghiệp được điều hành bởi tỷ phú Trần Bá Dương bị lỗ sau thuế 181 tỷ đồng, tuy nhiên con số này đã cải thiện đáng kể khi cùng kỳ năm trước lỗ đến 352 tỷ.
HAGL Agrico cho biết nguyên nhân giảm lỗ chủ yếu là do quý III/2020 có hợp nhất các khoản lỗ của nhóm 4 công ty (An Đông Mia, Cao su Hoàng Anh Quang Minh, Hoàng Anh Đăk Lăk, Bò Sữa Tây Nguyên), còn năm nay không có hợp nhất do đã chuyển nhượng toàn bộ.
Lãnh đạo doanh nghiệp thông tin việc thua lỗ còn là do ảnh hưởng của đại dịch đã làm cho giá mua phân bón vật tư nông nghiệp tăng 40%, bao bì đóng gói và chi phí vận chuyển bằng đường biển tăng 15% so với đầu năm.
Chi phí nhân công tăng và nguồn lao động địa phương bị hạn chế do quy định giãn cách, chi phí phát sinh cho lao động cũng tăng cao do từ quý II quy định về cách ly và kiểm tra phòng ngừa Covid-19 tại cửa khẩu. Tình trạng thiếu công nhân tại nông trường dẫn đến tỷ lệ hủy tại vườn và xưởng đóng gói lên đến 24%.
Đồng thời trong kỳ công ty còn thực hiện thanh lý một số hàng tồn kho trái cây chế biến (xoài, mít sấy dẻo) đã sản xuất từ năm 2019 với giá trị 26 tỷ đồng. Giá bán chuối giảm 14% so với đầu năm và chi phí khấu hao vườn cao su lớn.
Tuy nhiên hoạt động của HAGL Agrico vẫn khả quan hơn nếu so với với quý liền trước. Sản lượng trái cây thu hoạch trong kỳ vừa qua đạt 29.094 tấn, tăng mạnh 66% so với quý II; trong đó sản lượng chuối là 26.733 tấn và dứa là 352 tấn. Sản lượng mủ cao su là 1.734 tấn, tăng 16% so với quý liền trước.
Tính lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu ghi nhận mức giảm 49% xuống 892 tỷ đồng, chủ yếu do nguồn thu từ bán trái cây giảm phân nửa. Tuy nhiên công ty được bù đắp từ nhờ nguồn thu tài chính lớn với gần 138 tỷ (chủ yếu từ lãi cho vay, lãi chênh lệch tỷ giá và lãi chuyển nhượng tài sản).
Theo đó, HAGL Agrico báo lỗ lũy kế gần 304 tỷ đồng, cải thiện nhẹ so với khoản lỗ 343 tỷ cùng kỳ năm trước. Lỗ lũy kế theo đó đã lên đến 2.610 tỷ, đồng thời khiến vốn chủ sở hữu giảm về 6.644 tỷ đồng.
Theo kế hoạch năm 2021, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần 1.891 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 16 tỷ đồng. Với kết quả trên, đơn vị mới hoàn thành 47% chỉ tiêu doanh thu cả năm và cách rất xa mục tiêu có lãi.
Tổng tài sản của công ty nông nghiệp này hiện còn hơn 16.800 tỷ đồng, được tài trợ chủ yếu từ nợ phải trả với tỷ lệ 61% quy mô. Riêng nợ vay đến hết quý vừa qua là 8.190 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn giảm 38% về 4.503 tỷ đồng và nợ dài hạn cũng giảm 10% về 3.688 tỷ đồng. Các chủ nợ lớn nhất Thagrico (2.641 tỷ) và HAGL (2.090 tỷ).
Sang quý cuối năm, lãnh đạo HAGL Agrico dự kiến thu hoạch sản lượng trái cây ở mức 27.876 tấn, giảm 4% so với quý III. Trong đó chuối chiếm sản lượng lớn nhất với 24.268 tấn, khai thác mủ cao su dự kiến 3.653 tấn.
Doanh thu thực hiện trong quý IV ước tính có thể đạt 318 tỷ đồng, giảm so với quý liền trước do công ty triển khai bán hàng trực tiếp tại nhà máy đóng gói của từng công ty con và giảm các chi phí bán hàng, giao nhận vận chuyển, xuất nhập khẩu.
Về hoạt động đầu tư, doanh nghiệp tiếp tục tập trung đầu tư mới hệ thống thủy lợi để phục vụ mùa khô năm 2022. Tổng số tiền đã chi đầu tư là 275 tỷ đồng và dự kiến giải ngân trong quý IV là 93,5 tỷ đồng.
Cập nhật quý 2/2021: lỗ 129 tỷ đồng
CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2/2021 với con số lỗ 129 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến 30/06/2021 nâng lên mức 2,429 tỷ đồng.
Trong quý 2 vừa qua, HNG ghi nhận doanh thu thuần 252 tỷ đồng, giảm phân nửa so cùng kỳ. Lãi gộp thu hẹp đến 86% về mức 18 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí và thuế, HNG báo lỗ 129 tỷ đồng.
Công ty cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho giá mua vật tư nông nghiệp, bao bì đóng gói, đặc biệt là chi phí vận chuyển tăng so cùng kỳ quý 2/2020. Đồng thời trong quý 2/2021, HNG có thực hiện trích lập dự phòng một số khoản phải thu. Công ty cũng lưu ý kết quả có lãi trong quý 2/2020 chủ yếu đến từ việc hoàn nhập chi phí thuế đã trích vào các năm trước với số tiền 156 tỷ đồng.
Cập nhật quý 1/2021: lỗ ròng 161 tỷ đồng
Trong quý I, HAGL Agrico chỉ ghi nhận 260 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm tới 156% so với cùng kỳ năm trước. Thay đổi này tương đương với việc doanh thu của công ty đã giảm ròng hơn 400 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu do nguồn thu từ trái cây và mủ cao su giảm mạnh. Kết quả là lợi nhuận gộp của HAGL Agrico giảm 85%, đạt 42 tỷ đồng.
Phải nhờ đến doanh thu hoạt động tài chính (chủ yếu là bán các khoản đầu tư) cao đột biến nên công ty này mới ghi nhận khoản lãi ròng 6,6 tỷ đồng trong quý I, tăng 132%.
Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tổng hợp công ty mẹ HAGL Agrico vẫn ghi nhận khoản lỗ ròng 161 tỷ đồng.