Đây là thông tin vừa được công bố trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Theo đó, quý IV/2023 doanh nghiệp đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 1.898 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.092 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 410% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong quý IV, doanh thu hàng hóa và cung cấp dịch vụ, mảng cây ăn trái của doanh nghiệp tăng cao. Ngoài ra, trong chi phí hoạt động tài chính quý IV công ty biến động lớn nhờ được Eximbank miễn giảm lãi vay giúp lợi nhuận quý tăng đột biến.
Lũy kế cả năm công ty đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 6.932 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 1.805 tỷ đồng, lần lượt tăng 35,6% và 75,5%. Đây là mức lợi nhuận cao nhất 12 năm qua của doanh nghiệp.
Chia sẻ tại hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư cuối năm 2023 tại TP HCM, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Hội đồng quản trị HAG, cho hay năm ngoái khách sạn Hoàng Anh Gia Lai đã bán xong với giá 180 tỷ đồng và quý IV công ty đã chuyển đổi cổ phần bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai. Sắp tới, sẽ tiếp tục thanh lý tài sản này. Trong năm, doanh nghiệp cũng đã trả xong khoản nợ Eximbank 750 tỷ đồng và được giảm lãi 1.000 tỷ đồng.
Riêng với kế hoạch phát hành riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu, bầu Đức cho biết mọi thủ tục đã hoàn tất và chờ phản hồi từ phía nhà chức trách.
Năm nay, công ty sẽ trồng thêm sầu riêng và nâng diện tích lên 2.000 ha. Dự tính trong năm công ty có khoảng 300-400 ha sầu riêng tại Việt Nam và Lào cho thu hoạch.
Tính đến 31/12/2023, nợ phải trả của doanh nghiệp là 14.802 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn giảm hơn 1.000 tỷ đồng xuống còn 4.194 tỷ đồng.
Theo bầu Đức, với kế hoạch kinh doanh hiệu quả, dự tính trong năm nay công ty sẽ xóa lỗ lũy kế, đến 2026 sẽ không còn khoản nợ nào.
Cập nhật quý 3/2023: Lợi nhuận giảm 12,2%
Trong quý III/2023, Công ty HAGL ghi nhận doanh thu đạt 1.889,35 tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 324,55 tỷ đồng, giảm 12,2% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 84,7% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 237,88 tỷ đồng, lên 518,69 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 70%, tương ứng giảm 82,23 tỷ đồng, về 35,29 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 39,8%, tương ứng tăng thêm 66,06 tỷ đồng, lên 232,11 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp ghi nhận dương 106,49 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 122,47 tỷ đồng, tức tăng thêm 228,96 tỷ đồng; lợi nhuận hoạt động khác ghi nhận lãi 126,51 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 4,6 tỷ đồng, tức tăng thêm 131,11 tỷ đồng.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý III, Công ty HAGL ghi nhận lãi giảm 24,1% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 57,14 tỷ đồng, về 180,09 tỷ đồng.
Như vậy, trong quý III, lợi nhuận cốt lõi giảm 24,1%, doanh thu tài chính giảm 70%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ giảm 12,2%, nguyên nhân chủ yếu do ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động khác tăng đột biến.
Công ty thuyết minh thu nhập khác tăng đột biến do Công ty thực hiện thanh lý một số tài sản. Trong đó, lãi thanh lý tài sản cố định trong quý III là 144,1 tỷ đồng so với cùng kỳ ghi nhận lãi 0,2 tỷ đồng.
Liên quan tới việc bán tài sản, cuối tháng 9/2023, đối với tài sản không sinh lợi dự kiến thanh lý, Công ty HAGL dự kiến dùng tài sản gắn liền với đất là công trình Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số 1 Phù Đổng, phường Phù Đổng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, Công ty HAGL ghi nhận doanh thu đạt 5.034,21 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 709,74 tỷ đồng, giảm 20,5% so với cùng kỳ.
Điểm đáng lưu ý, mặc dù có lãi trong 9 tháng đầu năm 2023 nhưng tới 30/9/2023, Công ty HAGL vẫn còn ghi nhận lỗ luỹ kế lên tới 2.640,6 tỷ đồng và bằng 28,5% vốn điều lệ (vốn điều lệ 9.274,7 tỷ đồng).
Cập nhật quý 2/2023: còn nợ 15.954 tỷ đồng, vay ngân hàng 8.085 tỷ
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II với doanh thu thuần 1.450 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu mảng chăn nuôi heo khoảng 444 tỷ, tăng 71% so với cùng kỳ. Ngược lại, doanh thu mảng trái cây giảm còn 561 tỷ đồng.
Doanh thu chung quý II tăng nhưng sau khi trừ các chi phí, công ty này lỗ thuần 163 tỷ đồng. Tuy nhiên, ghi nhận lợi nhuận khác hơn 247 tỷ đồng (khoản này đến từ việc mua rẻ Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Bolaven) nên công ty lãi trước thuế 84 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, công ty của bầu Đức ghi nhận doanh thu 3.147 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 638 tỷ, lần lượt tăng 54% và 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận chăn nuôi heo khoảng 97 tỷ đồng, cây ăn trái là 485 tỷ đồng và 56 tỷ từ ngành phụ trợ.
Trừ chi phí, công ty này lãi sau thuế nửa đầu năm khoảng 405 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch lợi nhuận cả năm là 1.130 tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai thực hiện được 36%.
Tính đến 30/6, tổng tài sản của HAG là 21.342 tỷ đồng, tăng so với đầu kỳ. Tổng nợ công ty 15.954 tỷ đồng, tổng nợ vay ngân hàng chiếm 8.085 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu công ty đạt 5.388 tỷ đồng và đang lỗ lũy kế 2.947 tỷ đồng.
Cập nhật quý 1/2023: lãi sau thuế 303 tỷ đồng
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HAG - sàn HOSE) mới công bố BCTC hợp nhất quý I/2023 với lãi ròng đạt 303 tỷ đồng, tăng 18% quý I/2022.
Trong quý I, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.697 tỷ đồng, tăng 111% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng heo đạt 563 tỷ đồng, tăng 190%; mảng trái cây đạt 710 tỷ đồng, tăng trưởng 81%.
Kỳ này, giá vốn tăng 150%, lên 1.285 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 412 tỷ đồng, tăng 42%. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của Hoàng Anh Gia Lai giảm từ 36% xuống còn 24% do biên lợi nhuận gộp mảng heo giảm từ 33% về 0%.
Doanh thu tài chính quý I/2023 Công ty giảm 27%, xuống còn 141 tỷ đồng do giảm lãi thanh lý khoản đầu tư vào nhóm Công ty HNG. Trong khi đó, chi bán bán hàng tăng 13%, lên 69 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ âm 5 tỷ đồng lên 37 tỷ đồng, do trong quý I/2022, HAG đã hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu.
Kết quả, Công ty lãi sau thuế 303 tỷ đồng, tăng 18% so với quý I/2022. Công ty mẹ mang về 291 tỷ đồng, tăng 16%.
Cập nhật quý 4/2022: năm 2022 lợi nhuận 1.181 tỷ, cao nhất 8 năm qua
Báo cáo của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai vừa công bố cho thấy, năm ngoái, doanh thu thuần của công ty đạt 4.574 tỷ đồng. Trong đó mảng cây ăn trái mang lại doanh thu 2.277 tỷ đồng, mảng chăn nuôi là 1.620 tỷ đồng và phụ trợ khoảng 677 tỷ đồng, lần lượt chiếm tỷ lệ 50%, 35% và 15% trong tổng doanh thu.
Năm qua, công ty này tiêu thụ 292.847 con heo thịt và 281.275 tấn trái cây, trong đó chuối xuất khẩu đạt 160.520 tấn và chuối dùng cho sản xuất thức ăn gia súc là 120.755 tấn.
Theo Hoàng Anh Gia Lai, trong tháng 12, giá heo giảm mạnh khiến kết quả hoạt động kinh doanh của tập đoàn giảm 58% so với tháng trước nhưng lợi nhuận sau thuế cả năm của doanh nghiệp vẫn vượt kỳ vọng. Lũy kế 12 tháng, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp ghi nhận 1.181 tỷ đồng, đạt 105% so với kế hoạch. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ năm 2015.
Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết năm qua đối mặt nhiều khó khăn, kết quả này là nỗ lực rất lớn của toàn thể công ty. Các lãnh đạo nông trường đã điều hành hiệu quả nên được thưởng về sản xuất kinh doanh. Mức thưởng dựa trên cơ chế "khoán việc". Nông trường nào vượt tiêu chí về chất lượng và sản lượng đều được thưởng ở mức cao.
Theo báo cáo của ban lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai, những tháng cuối năm có khoảng 6 lãnh đạo của 5 nông trường được nhận thưởng với mức từ 40 đến 150 triệu đồng (tùy sản lượng vượt kế hoạch).
"Thậm chí, có những lãnh đạo nông trường được thưởng vượt chỉ tiêu năng suất 100-300 triệu đồng", bầu Đức nói.
Năm 2023, công ty này đặt kế hoạch sản xuất 700.000 con heo một năm. Trong đó, công ty dự kiến mở cụm chuồng heo tại Campuchia. Công ty bầu Đức cũng sẽ cung ứng ra thị trường thêm 10 triệu con gà và 100.000 con bò Lào.
Sắp tới, công ty này mở rộng thêm 6 cụm chăn nuôi heo tại Gia Lai. Các cụm chăn nuôi mới này đã được cấp phép và san lấp mặt bằng. Ngoài ra, Hoàng Anh Gia Lai đang có 1.000 ha sầu riêng tại Lào và Việt Nam. Công ty cũng vừa xin thêm 4.000 ha đất tại Lào. Diện tích này, bầu Đức cho rằng sẽ mở rộng trồng chuối để gia tăng xuất khẩu và có nguyên liệu chế biến bột chuối cho heo.
Cập nhật quý 3/2022: 9 tháng 2022 lãi sau thuế tăng gấp 30 lần
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 với doanh thu thuần đạt 1.441 tỷ đồng, tăng 160% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế quý 3/2022 đạt gần 370 tỷ đồng, gấp 17 lần so với cùng kỳ năm trước . Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 361 tỷ đồng, gấp 15 lần so với kết quả quý 3/2021.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần HAG đạt 3.471 tỷ đồng, tăng 154% và lợi nhuận sau thuế đạt 892 tỷ đồng, gấp 30 lần so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng công ty mẹ đạt 890 tỷ đồng.
Năm 2022, HAG đặt mục tiêu doanh thu thuần 4.820 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.120 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 quý kinh doanh, công ty đã hoàn thành được 72% kế hoạch về doanh thu và gần 80% kế hoạch lợi nhuận.
Cập nhật 6 tháng 2022: lãi 531 tỷ, cao nhất từ 2018 đến nay
Trong thư gửi cổ đông ngày 12/7, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai - cho biết bối cảnh kinh doanh sáu tháng đầu năm không thật sự thuận lợi khi giá chuối xuất khẩu rơi vào chu kỳ thấp nhất trong năm (bình quân 6,5-8,5 USD một thùng) và giá bán heo chỉ dao động 53.000-55.000 đồng một kg.
Công ty bán được gần 110.000 tấn trái cây, trong đó hơn 81.000 tấn chuối và xuất chuồng hơn 82.000 con heo thịt. Chỉ riêng tháng 6, công ty tiêu thụ 34.000 tấn trái cây và 20.000 con heo. Doanh thu nhờ đó tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 1.867 tỷ đồng. Đây cũng là mức cao nhất theo giai đoạn nửa năm kể từ 2019 đến nay. Cây ăn trái vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu với gần 59%, tiếp đến là chăn nuôi gần 24%. Nguồn thu còn lại đến từ các ngành kinh doanh phụ trợ.
Ông Đức dự đoán Hoàng Anh Gia Lai sẽ sớm đạt kế hoạch cả năm và thậm chí vượt 20-30% bởi từ đây đến cuối năm, giá chuối xuất khẩu sẽ vào chu kỳ cao nhất. Ngoài ra, giá bán heo cũng tăng khoảng 20% so với kế hoạch và sản lượng heo xuất bán dự kiến tăng gấp đôi so với nửa đầu năm.
Hoàng Anh Gia Lai hồi đầu năm thông qua mục tiêu doanh thu 4.820 tỷ đồng và lợi nhuận 1.120 tỷ đồng - cao nhất kể từ năm 2015. Phương án kinh doanh trên được xây dựng với giá heo hơi 53.000 một kg và chuối ở mức 13.000 đồng một kg. Ông Đức dự báo giá heo sẽ tăng 60.000 đồng trong một tháng nữa do giá thức ăn chăn nuôi đang tăng 30%, giá chuối cũng lên 15.000 đồng một kg.
Chia sẻ tại phiên họp thường niên đầu tháng 4, ông Đức cho biết bản thân có thừa kinh nghiệm để dẫn dắt công ty bùng nổ trở lại, sớm nhất là năm 2023. "HAGL đã đi xuống quá nhiều và ngã ngựa rồi. Chúng tôi sẽ không để ngã ngựa lần thứ 2 và hứa hẹn trở lại thời hoàng kim 2008", ông nói.
Giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán cũng đang phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào các chỉ tiêu kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai. HAG hôm nay vượt mốc 11.000 đồng, tăng 5% so với tham chiếu và tăng 50% so với cách đây một tháng. Thanh khoản cổ phiếu cũng duy trì ở mức cao khi thường xuyên đạt trên 200 tỷ đồng mỗi phiên.
Cập nhật quý 1/2022: lợi nhuận 250 tỷ, cao nhất trong 9 quý
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (Mã cổ phiếu: HAG) vừa công bố báo cáo tài chính quý I năm nay với doanh thu thuần 802,6, tăng 182,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu quý này tăng chủ yếu là do doanh thu trái cây; bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ; bán heo tăng lần lượt 240%, 167% và 177%.
Giá vốn hàng bán tăng ít hơn, 140,3% lên 512,83 tỷ đồng do giá vốn trái cây, bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ; giá vốn bán heo tăng lần lượt 52%, 100% và 68%. Vì vậy, biên lợi nhuận gộp tăng từ 18,4% lên 36,1%
Doanh thu tài chính trong kỳ giảm 44,5% đạt 193,4 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 202,7%; Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 372 tỷ đồng. Kết quả, HAGL thu về 258 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng mạnh so với khoản lỗ 68,8 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 250 tỷ đồng, EPS đạt 270 đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất kể từ quý III/2021.
Tại thời điểm 31/3, HAGL vẫn ghi nhận khoản lỗ lũy kế là 4.218 tỷ đồng, giảm 5,5% so với đầu năm và bằng 88% vốn chủ sở hữu.
Nợ vay tài chính của công ty ở thời điểm cuối quý I ở mức 8.751 tỷ đồng, trong đó 66,5% là nợ vay dài hạn. Trong đó, dư nợ trái phiếu là 6.437 tỷ đồng, nợ ngân hàng 2.184 tỷ đồng và nợ các cá nhân, tổ chức khác 130 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần 4.820 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.120 tỷ đồng, tăng lần lượt 130% và 775% so với thực hiện năm ngoái. Nếu hoàn thành kế hoạch này, đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất của HAGL kể từ năm 2015 tới nay. Năm nay, công ty tiếp tục không thực hiện chia cổ tức.
Cập nhật quý 4/2021: Lợi nhuận 142,2 tỷ
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HAG - sàn HOSE) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và lũy kế năm 2021.
Cụ thể, trong quý IV, doanh thu thuần của Hoàng Anh Gia Lai đạt gần 744 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu trái cây giảm 75 tỷ đồng do Công ty không còn hợp nhất doanh thu của nhóm công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG); doanh thu bán sản phẩm, hàng hóa và cung cấp dịch vụ giảm 76 tỷ đồng; doanh thu bán heo giảm 6 tỷ đồng và doanh thu bán mủ cao su giảm 105 tỷ đồng.
Nhờ giá vốn được tiết giảm 56% nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 232,3 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gộp 154 tỷ đồng). Doanh thu tài chính trong kỳ giảm 83,9% xuống còn 128 tỷ đồng do trong quý IV/2020, HAG đã ghi nhận lãi từ việc thanh lý các khoản đầu tư (khoản này không phát sinh trong cùng kỳ năm 2021).
Trong khi chi phí bán hàng giảm 34,7% thì chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 52,2% do Công ty đã trích lập dự phòng liên quan đến suy giảm lợi thế thương mại của Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai.
Kết quả, Hoàng Anh Gia Lai đã chuyển từ lỗ 418,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước sang có lãi 96,5 tỷ đồng. Lợi nhuận thuộc về Công ty mẹ đạt 142,2 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2021, doanh thu thuần của HAG đạt 2.108 tỷ đồng, giảm 33,6% so với năm 2020. Lãi ròng cả năm đạt 126,5 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 2.383,3 tỷ đồng); lợi nhuận thuộc về Công ty mẹ đạt 184,2 tỷ đồng. Lỗ lũy kế vẫn ở mức cao 4.432 tỷ đồng.
Tổng tài sản doanh nghiệp đến cuối năm còn 18.173,8 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với hồi đầu năm. Nợ phải trả cũng giảm một nửa còn 13.496,7 tỷ đồng.
Cập nhật quý 3/2021: 9 tháng doanh thu giảm nửa, lợi nhuận 30 tỷ
Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu thuần giảm mạnh 20% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức 550 tỷ đồng.
Nguồn thu chủ lực vẫn đến từ bán trái cây với giá trị 220 tỷ đồng, chiếm 40% doanh thu thuần. Tuy nhiên con số nay đã giảm 58% so với cùng kỳ do tập đoàn không còn hợp nhất doanh thu với nhóm công ty HAGL Agrico.
Trong khi đó nguồn thu từ mủ cao su tiếp tục biến mất kể từ đầu năm 2020 đến nay do không còn hợp nhất với HAGL Agrico.
Mảng kinh doanh mới là chăn nuôi heo thu về 183 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng đầu năm thu về 442 tỷ. Mảng này bắt đầu phát sinh doanh thu từ quý IV/2020 khi tập đoàn bắt đầu hợp nhất công ty Chăn nuôi Gia Lai.
Đáng chú ý hơn khi HAGL cũng bắt đầu ghi nhận một nguồn thu mới từ bán bò thịt với doanh số 27 tỷ đồng. Nguồn thu từ bò chỉ chính thức phát sinh từ quý này sau một thời gian dài không có ghi nhận.
Trước đây HAGL từng có dự án nuôi bò sữa và bò thịt từ giữa năm 2014 với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 6.000 tỷ đồng, kế hoạch nuôi 236.000 còn bò. Dự án được kỳ vọng thay đổi cơ cấu doanh thu cho tập đoàn với nguồn thu chuyển dịch sang bò thịt, sữa tươi và thậm chí là phân bò.
Công ty lần đầu phát sinh doanh thu từ bò từ quý II/2015 với con số 766 tỷ đồng và có lãi 289 tỷ. Tính riêng giai đoạn 2015-2016, doanh thu từ đàn bò của tập đoàn mang về hơn 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên mảng kinh doanh này sau đó liên tục sa sút do bầu Đức muốn tập trung vào mảng trái cây, doanh thu giai đoạn 2017-2018 chưa đến 900 tỷ đồng và từ năm 2019 đã không còn ghi nhận doanh thu.
Tái cơ cấu các nguồn thu cũng dẫn đến biến động về hiệu quả, HAGL ghi nhận lợi nhuận gộp quý III lên gần 177 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ gộp 56 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái; biên lãi gộp bình quân gần 32%.
Cụ thể lãi gộp từ mảng trái cây đạt 85 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất sinh lời gần 39% nhưng vẫn thấp hơn mức đỉnh cao trước đây từng lên đến 56%. Chăn nuôi heo mang về 53 tỷ đồng lợi nhuận gộp, còn bán bò thịt thu lãi gộp gần 1 tỷ đồng.
Một điểm đáng lưu ý khác là chi phí tài chính đột biến 691 tỷ đồng do trích lập dự phòng giảm giá khoản đầu tư vào HAGL Agrico. Bù lại tập đoàn đã hoàn nhập gần 500 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp nên vẫn có lãi ròng gần 24 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 187 tỷ). Đây là quý thứ 2 liên tiếp công ty của bầu Đức có lãi trở lại sau chuỗi ngày chìm trong thua lỗ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, HAGL ghi nhận doanh thu giảm phân nửa so với cùng kỳ chỉ còn 1.386 tỷ đồng. Trừ đi giá vốn và chi phí hoạt động cao khiến, tập đoàn có lãi trở lại hơn 30 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 1.965 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Theo kế hoạch sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên sẽ tổ chức vào tháng 11 tới đây, ban lãnh đạo đặt kế hoạch năm 2021 với doanh thu thuần 2.055 tỷ đồng và dự kiến có lãi sau thuế 104 tỷ đồng sau thuế. Như vậy công ty đã thực hiện được 29% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính đến cuối tháng 9, HAGL có tổng tài sản xấp xỉ 18.400 tỷ đồng, giảm gần 19.000 tỷ so với thời điểm đầu năm do không còn hợp nhất công ty con. Nợ phải trả cũng giảm phân nửa xuống còn khoảng 13.430 tỷ đồng (chủ yếu do số dư nợ vay giảm mạnh 9.800 tỷ xuống còn 8.320 tỷ đồng).
Giảm nợ gần 10.000 tỷ sau 2 năm tái cơ cấu cùng Thaco
Hoàng Anh Gia Lai (HAG) sau khi 2 năm tái cơ cấu cùng Thaco đang ghi nhận những tín hiệu rất khả quan trong kinh doanh và tài chính. Báo cáo tài chính quý II cho thấy doanh nghiệp được điều hành bởi ông Đoàn Nguyên Đức đã có lãi trở lại và áp lực nợ vay cũng được cởi bỏ phần lớn.
Tại cuối tháng 6, tổng tài sản giảm doanh nghiệp bị phân nửa so với đầu năm về 18.150 tỷ đồng. Mức giảm này chủ yếu xảy ra trong quý đầu năm khi công ty không còn hợp nhất báo cáo tài chính với HAGL Agrico kể từ ngày 8/1.
Cơ cấu tài sản phân bổ chủ yếu ở khoản mục phải thu về ngắn hạn 5.332 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn 3.356 tỷ đồng, tài sản cố định hơn 2.900 tỷ đồng và đầu tư tài chính 1.779 tỷ đồng.
Cơ cấu nguồn vốn cũng có thay đổi tương ứng khi tổng nợ phải trả hiện còn 13.000 tỷ đồng, tức giảm hơn 14.260 tỷ so với thời điểm đầu năm. Vốn chủ sở hữu cũng giảm gần phân nữa về 5.175 tỷ đồng. Hiện tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu vẫn đang ở mức khá đáng ngại là 2,5 lần.
Cơ cấu nợ vay của HAGL chủ yếu là vay ngân hàng và vay trái phiếu với tổng số dư cuối kỳ gần 8.280 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 9.800 tỷ so với đầu năm. Trong đó dự nợ vay ngắn hạn giảm mạnh gần 7.300 tỷ đồng và nợ vay dài hạn giảm hơn 2.500 tỷ đồng.
Xét theo chủ nợ, nhóm ngân hàng BIDV đang cho vay lớn nhất thông qua trái phiếu, tiếp đến là các ngân hàng Eximbank, Sacombank, TPBank, Chứng khoán ACB hay Ngân hàng Liên doanh Lào Việt.
Trong đó HAGL đã tất toán gần như toàn bộ 1.835 tỷ đồng nợ vay ngân hàng tại BIDV. Tuy nhiên công ty vẫn còn khoản nợ trái phiếu thường 5.876 tỷ đồng, được phát hành năm 2017 và đáo hạn đến cuối năm 2026.
Liên quan đến BIDV, ngân hàng này mới đây đã đồng ý hoàn trả 3 giấy tờ đất để bàn giao cho Thagrico theo đúng cam kết. Đây là giấy tờ đất của nhóm công ty Cao su Đông Dương, Đông Pênh và Cao su Trung Nguyên mà HAGL Agrico đã bán cho Thagrico vào năm 2019 với tổng số tiền 7.623 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý khác là HAGL cũng tất toán toàn bộ 930 tỷ đồng trái phiếu dài hạn cho trái chủ HDBank và đồng thời cũng thanh toán hết hơn 600 tỷ đồng nợ ngắn hạn tại ngân hàng. Việc trả nợ này chủ yếu được thực hiện khi công ty liên tục bán cổ phiếu HNG từ khoảng 30% về 16% vốn như hiện nay.
Như vậy với việc giải tỏa số dư tại 2 chủ nợ lớn nhất là BIDV và HDBank, hiện áp lực nợ ngân hàng của HAGL đã giảm đi rất đáng kể khi tổng số dư chỉ còn 1.657 tỷ đồng. Công ty vẫn còn chịu áp lực lớn từ vay nợ trái phiếu với tổng giá trị gần 6.500 tỷ đồng, tuy nhiên các trái phiếu có thời gian đáo hạn đến giai đoạn 2023-2026.
Cập nhật Quý 2/2021: có lãi 86 tỷ đồng
Không chỉ lành mạnh hóa tài chính, việc tái cơ cấu dưới sự hỗ trợ của Thaco còn giúp hoạt động kinh doanh của HAGL trở nên sáng sủa hơn. Công ty báo lãi trở lại 86 tỷ đồng, kết thúc chuỗi 8 quý chìm trong thua lỗ.
Doanh thu thuần quý II ghi nhận mức giảm 16% về 535 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ bán trái cây giảm tới 63% còn gần 193 tỷ đồng và không phát sinh doanh thu mủ cao su, chủ yếu do không còn hợp nhất với HAGL Agrico.
Một mảng kinh doanh đáng chú ý là nuôi heo đang trở thành nguồn thu chủ lực. Công ty bắt đầu ghi nhận doanh thu từ bán heo trong quý IV/2020 và đến nay đã thu về 190 tỷ đồng, ngang ngửa với doanh thu trái cây. Thậm chí biên lợi nhuận gộp kinh doanh heo lên đến 49%, vượt xa con số 22% của mảng trái cây.
Tác động tích cực lên lợi nhuận công ty là nhờ được hoàn nhập dự phòng 261 tỷ đồng chi phí quản lý liên quan đến các khoản công nợ tồn động, trong khi quý II/2020 lại phát sinh chi phí dự phòng 1.243 tỷ đồng. Việc giảm dư nợ vay cũng giúp công ty giảm được 60 tỷ đồng chi phí lãi vay trong kỳ.
Tính luỹ kế 6 tháng đầu năm, HAGL ghi nhận doanh thu 823 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên hiệu quả tái cơ cấu được nhìn thấy với mức lãi ròng 28 tỷ, cải thiện đáng kể so với con số lỗ 1.156 tỷ đồng cùng kỳ. Khoản lỗ luỹ kế theo đó cũng được thu hẹp dần nhưng vẫn là con số rất lớn gần 7.550 tỷ đồng.
Cập nhật Quý 1/2021: doanh thu 265,8 tỉ đồng, giảm 68%
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã CK: HAG) vừa công bố báo cáo tài chính Quý 1/2021 với doanh thu thuần hợp nhất đạt 265,8 tỉ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức doanh thu thấp nhất kể từ khi HAGL niêm yết trên HOSE vào cuối năm 2008.
Nguyên nhân chính khiến doanh thu của HAGL giảm mạnh là do tập đoàn không còn hợp nhất doanh thu từ CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã CK: HNG) và các công ty con của HNG.
Theo đó, doanh thu trái cây trong 3 tháng đầu năm 2021 của HAGL giảm 77,6% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 115 tỉ đồng. Tập đoàn cũng không ghi nhận phát sinh doanh thu bán mủ cao su. Bù lại, mảng kinh doanh mới của HAGL là chăn nuôi heo mang về gần 70 tỉ đồng trong Quý 1/2021.
Trừ giá vốn hàng bán, HAGL báo lãi gộp vỏn vẹn 52,4 triệu đồng, giảm 81,4% so với Quý 1/2020.
Trong 3 tháng đầu năm 2021, doanh thu hoạt động tài chính của HAGL bất ngờ tăng 122% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 349 tỉ đồng do ghi nhận khoản lãi từ việc thanh lý khoản đầu tư vào HNG. Đồng thời, chi phí hoạt động tài chính trong kỳ giảm 98 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, HAGL cũng cắt giảm được gần 80% chi phí bán hàng so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng đến 259% lên mức 367,3 tỉ đồng.