CẬP NHẬT KQKD
Doanh thu của FRT đạt khoảng 9,1 nghìn tỷ đồng (+17% YoY) và LNTT đạt 80 tỷ đồng (+40 lần YoY). Theo đó FRT hoàn thành lần lượt 25% và 64% kế hoạch kinh doanh cả năm. Số liệu khả quan này, phần lớn được dẫn dắt bởi Long Châu (LNTT Q1.24 ~ 118 tỷ đồng) và FPT Shop có sự cải thiện tích cực về biên lợi nhuận.
LUẬN ĐIỂM ĐẦU TƯ
VCBS đánh giá tích cực về triển vọng phục hồi lợi nhuận của FRT trong 2024/25F dựa trên:
• FPT Shop phục hồi doanh thu và tăng trưởng lợi nhuận gộp nhờ (1) Tập trung kênh bán hàng online (kì vọng tăng trưởng 30% trong 2024) (2) tăng tỷ trọng đóng góp doanh thu từ ngành hàng gia dụng (từ 5% hiện tại lên 10% DTT) và (3) tối ưu hóa hoạt động cửa hàng không hiệu quả, dự kiến đóng 50 cửa hàng.
• Long Châu tiếp tục mở rộng 400 CH trong năm 2024, cùng với trợ lực mới từ trung tâm tiêm chủng sẽ là động lực tăng trưởng cho FRT. Theo khảo sát, thị trường này có quy mô khoảng 2.2 tỷ USD, đối thủ cạnh tranh còn ít và tiềm năng tăng trưởng cao do xu hướng già hóa dân số và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của người Việt.
Kết quả tích cực ban đầu của chuỗi vacxin (DTTB 2.5 tỷ đồng/tháng) là cơ sở để FRT đẩy mạnh mở mới TTTC (100 TT trong 2024) và hướng tới điểm hòa vốn.
Dự phóng DTT và LNST của FRT trong năm 2024 lần lượt đạt 40.020 tỷ đồng (+25.7% yoy) và LNTT đạt 251 tỷ đồng (vs lỗ ròng 272 tỷ trong FY23)
• FRT có kế hoạch phát hành riêng lẻ tối đa 10% vốn Long Châu cho đối tác chiến lược, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Định giá
VCBS ước tính giá mục tiêu đạt 180.000 đồng/cp, dựa trên 2 phương pháp chiết khấu FCFF và so sánh tương đối , tỷ trọng 50/50.
RỦI RO ĐẦU TƯ
• Đòn bẩy tài chính cao gây rủi ro cho việc mở rộng
• FPT Shop phục hồi lợi nhuận chậm hơn dự kiến do sức mua yếu
Thành viên cập nhật ngày 26/6/2023: năm nay còn tiêu cực, khuyến nghị GIẢM TỶ TRỌNG
Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (gọi tắt là FPT Retail, mã FRT) vẫn khó khăn khi khả năng phục hồi của chuỗi FPT Shop vẫn chưa chắc chắn.
FRT ghi nhận doanh thu thuần 7.753 tỷ đồng (đi ngang YoY), bên cạnh khoản lỗ ròng 5 tỷ đồng LNST sau CĐTS trong Q1/2023. Nhìn chung, sự tăng trưởng đột biến của chuỗi dược phẩm (Long Châu) đã gần bù đắp được phần lỗ của mảng ICT (FPT Shop).
FPT Shop lỗ ròng 66 tỷ đồng, chủ yếu do nhu cầu đối với các sản phẩm ICT yếu trong bối cảnh kinh tế suy thoái và chi phí hoạt động cao.
Ngược lại, Long Châu vượt kỳ vọng khi đạt doanh thu 3.284 tỷ đồng (+52% YoY) và LNST sau CĐTS là 61 tỷ đồng (+135% YoY). Việc mở rộng cửa hàng nhanh chóng và các biện pháp kiểm soát chi phí hiệu quả đóng vai trò chính trong việc cải thiện mảng này.
Triển vọng 2023-24F – Khó khăn còn phía trước, nhưng 2024 sẽ phục hồi mạnh mẽ
• Về FPT Shop, dự báo mảng này có thể tiếp tục chịu lỗ trong Q2-Q3/2023. Tuy nhiên, sự cải thiện có thể diễn ra vào quý cuối cùng của năm 2023, khi nhu cầu đối với các sản phẩm không thiết yếu dần cải thiện theo sự phục hồi kinh tế và việc ra mắt iPhone 15.
Ngược lại, dự phóng Long Châu sẽ duy trì diễn biến lợi nhuận như Q1/2023 trong suốt các quý tiếp theo, với chiến lược mở rộng cửa hàng hiệu quả. Nhìn chung, lợi nhuận do Long Châu tạo ra sẽ bù đắp cho khoản lỗ của FPT Shop trong năm 2023.
• Năm 2023, dự phóng doanh thu thuần hợp nhất là 31.643 tỷ đồng (+4,9% YoY) và LNST sau CĐTS là 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mức nền cơ sở thấp của phân khúc ICT trong năm 2023 và tiến độ phát triển của Long Châu, kỳ vọng những yếu tố này sẽ đóng vai trò là bệ phóng cho khả năng sinh lời của FRT trong năm 2024. Do đó, dự báo doanh thu thuần và LNST của FRT lần lượt đạt 38.725 tỷ đồng (+22% YoY) và 411 tỷ đồng trong năm 2024.
Định giá và khuyến nghị
Khả năng phục hồi của chuỗi FPT Shop vẫn chưa chắc chắn, do còn phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Đây là yếu tố thể hiện rủi ro lớn nhất đối với cổ phiếu FRT trong tương lai gần. Ngược lại, Long Châu đã cho thấy sự cải thiện đáng kể về khả năng sinh lời, qua đó giảm nhẹ sự sụt giảm giá trị cổ phiếu gần đây.
Dự phóng KQKD năm 2023 phần nhiều là tiêu cực, chủ yếu bị tác động bởi bối cảnh chung ngành bán lẻ - một ngành dễ biến động theo nền kinh tế. Lợi nhuận năm 2024 của FRT dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ.
Theo đó, nếu chuỗi Long Châu duy trì được quỹ đạo tăng trưởng hiện tại trong các quý tới và nhu cầu tiêu thụ ICT dần phục hồi, các nhà đầu tư có thể tích lũy một cách thận trọng đối với cổ phiếu này tại vùng giá có mức chiết khấu sâu hơn.
Áp dụng phương pháp định giá từng phần, Rồng Việt đưa ra giá mục tiêu là 60.500 đồng/cổ phiếu, do đó đưa ra khuyến nghị GIẢM TỶ TRỌNG.
Cập nhật ngày 19/4/2022: BSC khuyến nghị NẮM GIỮ cổ phiếu FRT, giá mục tiêu 162.100 đồng/cp
BSC khuyến nghị NẮM GIỮ mã cổ phiếu FRT, giá mục tiêu 162.100 VND/CP với phương pháp DCF với WACC = 6.3%.
DỰ BÁO KQKD
DTT và LNST Q4/2021 đạt 8,477 tỷ đồng (+115% YoY) và 335 tỷ đồng (+328 lần YoY). Cả năm 2021, doanh thu và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 22,500 tỷ đồng (+53% YoY)và 444 tỷ VND (18 lần YoY).
FRT đặt kế hoạch DTT và LNTT năm 2022 lần lượt đạt 27,000 tỷ đồng (+20%YoY) và 720 tỷ đồng (+30%YoY).
Công ty dự kiến chia cổ tức năm 2021, bằng (1) tiền tỷ lệ 5% và (2) cổ phiếu với tỷ lệ 2:1; Năm 2022, FRT dự kiến chia cổ tức bằng tiền 10% MG và Phát hành ESOP trong 2022 tối đa 2%/ số lượng cổ phiếu lưu hành tại thời điểm phát hành
BSC dự báo DTT và LNTT 2022 lần lượt đạt 29,789 tỷ đồng (+32% YoY) và 827 tỷ đồng (+49% YoY), tương đương 110% KH DT và 114%KH LNTT. EPS fw = 8,382 đồng và P/E fw=18.6 lần.
LUẬN ĐIỂM ĐẦU TƯ
Động lực tăng trưởng chính đến từ Mảng dược kì vọng tiếp tục có lãi nhờ (1) Đẩy mạnh tăng trưởng cửa hàng nhưng vẫn đảm bảo điểm hoà vốn; (2) Thị trưởng phân mảnh và miếng bánh thị phần được mở rộng nhờ kì vọng (2.1) nhu cầu chăm sóc sức khoẻ được chú trọng hơn sau dịch và (2.2) tốc độ tăng nhanh của tầng lớp trung lưu trong dài hạn;
Mảng điện tử tiếp tục ghi nhận tăng trưởng hai chữ số trong 2022, (1) Mảng điện thoại (Apple) tăng trưởng nhờ các doanh nghiệp tiếp tục chiếm thị phần từ hàng xách tay, (2) Laptop: xu hướng chuyển đổi số của doanh nghiệp và xu hướng cao cấp hoá giúp giá trung bình sản phẩm được cải thiện.
RỦI RO
Nhóm ngành điện tử và mảng dược đối mặt với thách thức tăng trưởng dài hạn do mức nền cao của 2021-2022;Cạnh tranh gay gắt trong ngành dược .
Cập nhật ngày 31/5/2021: triển vọng mảng nhà thuốc cải thiện, giá mục tiêu 24.000 đ/cp
Bản Việt nâng khuyến nghị từ BÁN lên PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG cho CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) khi khả năng sinh lời của chuỗi nhà thuốc Long Châu trở nên rõ ràng hơn.
Cụ thể, chuỗi nhà thuốc Long Châu đang có tiến độ tích cực trong việc tối ưu quá chi phí hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, giá cổ phiếu FRT đã điều chỉnh 7% trong 3 tháng qua.
Tăng giá mục tiêu thêm 20% từ 20.000 lên 24.000 đ/cp nhờ (1) tăng dự báo chi phí vốn chủ sở hữu thêm 50 điểm cơ bản lên 12,5%, (2) cập nhật giá mục tiêu sang giữa năm 2022 và (3) giảm tỷ lệ chiết khấu dòng tiền tự do cho Long Châu còn 20%.
Khả năng Long Châu sẽ sinh lời trong năm 2023 (so với biên lợi nhuận ròng -8% trong năm 2020), được hỗ trợ bởi mức tăng đến từ quy mô của biên lợi nhuận gộp, đòn bẩy HĐKD và tối ưu hóa chi phí.
Đối với mảng ĐTDĐ, dự báo LNST năm 2021 sẽ phục hồi 108% từ mức cơ sở thấp của năm 2020, giai đoạn bị ảnh hưởng bởi các gián đoạn từ dịch COVID-19 đến chi tiêu không thiết yếu, lưu lượng khách đến các cửa hàng bán lẻ và hoạt động kinh doanh của cửa hàng.
Ngoài ra, doanh số iPhones và việc FRT triển khai mô hình “trung tâm laptop” có thể hỗ trợ doanh thu từ ĐTDĐ và laptop trong năm 2021.
Tuy nhiên, chúng tôi giảm dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2021-2023 thêm 12% do (1) giảm dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS từ ĐTDĐ thêm 4% trong bối cảnh cạnh tranh về giá gay gắt trong nhóm sản phẩm iPhone – chiếm 1/3 doanh thu từ ĐTDĐ của FRT.
Bên cạnh đó, tăng dự báo cho các khoản lỗ từ Long Châu thêm 30% do dự phóng biên lợi nhuận gộp thấp hơn, một phần được bù đắp bởi việc tối ưu hóa chi phí HĐKD tốt hơn dự kiến.
Giá mục tiêu này tương ứng với P/E trung bình giai đoạn 2021-2022 đạt 15,1 lần so với P/E mục tiêu hiện tại tương ứng 17,8 lần cho đối thủ là MWG.
Mức chiết khấu của FRT là phù hợp với quy mô nhỏ hơn, triển vọng tăng trưởng thấp hơn và khả năng triển khai kinh doanh thấp hơn so với MWG.
Yếu tố hỗ trợ: mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu và khả năng sinh lời vượt kỳ vọng; các kế hoạch tăng trưởng phát huy hiệu quả (như gia tăng các nhóm sản phẩm mới) cho mảng ĐTDĐ.
Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (gọi tắt là FPT Retail, mã FRT)
FPT Retail được thành lập từ năm 2012 tại Việt Nam, là công ty liên kết của Tập đoàn FPT, sở hữu 2 chuỗi bán lẻ là FPT Shop, F.Studio By FPT và 1 công ty con là Công ty Cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu.
Trong suốt nhiều năm qua, bằng những nỗ lực không mệt mỏi, trung thành với chính sách “tận tâm phục vụ khách hàng”, FPT Retail quyết tâm hoạt động, xây dựng phong cách phục vụ khách hàng cho tất cả các mảng kinh doanh dù mới hay cũ, lấy đó làm nền tảng tăng trưởng bền vững, hoàn thiện hình ảnh một thương hiệu gần gũi, thân thiện và hướng tới mục tiêu phục vụ khách hàng là ưu tiên hàng đầu.
Bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị
Bà Nguyễn Bạch Điệp, sinh năm 1972, tốt nghiệp Đại học Mở Tp.HCM ngành Quản trị kinh doanh. Bà đã lần lượt nắm giữ nhiều vị trí quan trọng của các công ty trong tập toàn như: Giám đốc FIS 13 thuộc Công ty Hệ thống thông tin FPT, Phó Tổng Giám đốc FPT Mobile, Giám đốc FPT Telecom phía Nam, Phó Tổng Giám đốc FPTRetail, Tổng Giám đốc FPT Retail. Bằng tất cả tâm huyết, tài năng và sự chân thành, bà đã điều hành, dẫn dắt FPT Retail từ những ngày đầu tiên qua biết bao gian nan thử thách, đi từ thành công này đến thành công khác để có được một FRT lớn mạnh như hôm nay.
Bà còn là người truyền lửa cho tất cả các thành viên trong công ty để liên kết tất cả thành một tập thể lớn mạnh, cùng hướng đến mục tiêu chung là sự thỏa mãn cao nhất của khách hàng. Là nữ tướng duy nhất trong làng bán lẻ công nghệ và với tất cả những cống hiến của bà trong suốt thời gian qua, mọi người đều nhắc đến bà bằng danh xưng “Người đàn bà thép” với tất cả sự yêu mến và nể phục.
Ông Hoàng Trung Kiên - Tổng Giám Đốc
Ông Hoàng Trung Kiên sinh năm 1978. Ông lấy bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh và Hệ thống thông tin (MBIS) tại ĐH Tổng hợp Tự do Bruxelles, Vương quốc Bỉ. Ngày 07/03/2020, ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc FPT Retail.
Gia nhập FPT từ năm 2000, ông Hoàng Trung Kiên là một trong những lãnh đạo tiêu biểu đã nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại các Công ty thành viên Tập đoàn FPT.
Với kinh nghiệm dày dặn trong xây dựng, quản trị hệ thống và phát triển kinh doanh, ông đã dẫn dắt FPT Retail liên tục tăng trưởng, vượt qua nhiều thách thức của thị trường, đặc biệt là những khó khăn do đại dịch Covid-19 và khẳng định vị thế vững mạnh của Công ty bán lẻ hàng đầu Việt Nam.