Phân tích cổ phiếu SBT (Thành Thành Công): Chờ mua khi giá về vùng phù hợp 12.000 đồng/cp

Funans & Yuanta & BSC

17/05/2023 20:00

Đánh giá cao tiềm năng phát triển bền vững của SBT (Thành Thành Công), tuy nhiên thị giá hiện tại của cổ phiếu đã tiệm cận vùng giá trị hợp lý, Funans khuyến nghị Chờ mua.

ttc-sbt-1616816082.jpeg

Cập nhật cổ phiếu SBT - Thành Thành Công: Mía đường giúp KQKD lại ngọt

 

Cơ cấu cổ đông SBT

Một phần lớn số lượng cổ phần SBT nằm trong tay BLĐ và người nhà, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. CTCP Đầu tư Thành Thành Công (người đại diện: bà Huỳnh Bích Ngọc) đang là cổ đông có tỷ lệ sở hữu lớn nhất (26%). Bà Đặng Huỳnh Ức My (Phó CT. HĐQT) và bà Huỳnh Bích Ngọc (CT.HĐQT và là mẹ ruột bà My) lần lượt sở hữu 16% và 11%.

Nhóm cổ đông lớn hiện có sự tham gia của quỹ Legendary Venture Fund I – quỹ đầu tư nước ngoài có trụ sở tại Singapore với tỷ lệ sở hữu 6%

Cơ cấu tài sản SBT

Cơ cấu tài sản nghiêng về tài sản ngắn hạn với tỷ lệ tương đối ổn định qua các năm. Từ niên độ 21-22 SBT gia tăng sử dụng nợ kỳ hạn ngắn. Trong khi quy mô nợ dài hạn giảm 24% thì quy mô nợ ngắn hạn tăng mạnh 78% lên 15.3 nghìn tỷ cuối niên độ 21-22 và tiếp tục tăng nhẹ 6% trong nửa đầu niên độ 22-23.

Vay ngắn hạn chiếm 57% nợ ngắn hạn. Tuy sử dụng nợ vay nhiều nhưng các hệ số thanh toán của SBT tại thời điểm cuối quý 2 niên độ 22-23 vẫn đang ở mức tương đối an toàn (tỷ suất thanh toán tiền mặt 0.2, tỷ suất thanh toán nhanh 0.86, tỷ suất thanh toán hiện thời 1.15).

Cơ cấu Doanh thu SBT

Doanh thu chủ yếu đến từ mảng đường với tỷ trọng áp đảo chiếm 92.8% tổng cơ cấu Doanh thu thuần 6 tháng niên độ 22-23, tương đương giá trị gần 11.4 nghìn tỷ.

Các mảng kế tiếp gồm: phân bón 1% (tương đương 122.6 tỷ), mật đường chiếm 0.9% (tương đương 113.5 tỷ), điện chiếm 0.5% (tương đương 58.6 nghìn tỷ), mảng dịch vụ cho thuê và doanh thu khác chiếm tổng cộng 4.6% (tương đương 563.2 tỷ).

Vị thế doanh nghiệp SBT

• SBT đang giữ vị thế dẫn đầu ngành mía đường Việt Nam khi chiếm khoảng 46% thị phần đường nội địa, tổng sản lượng đường tiêu thụ trong và ngoài nước đạt trên 1 triệu tấn/năm. Ngoài ra Công ty còn góp ~103 triệu KWh tổng sản lượng Điện thương phẩm phát vào lưới điện quốc gia.

• SBT xây dựng được vùng nguyên liệu có quy mô gần 68,000 ha trải rộng tại các quốc gia Việt Nam, Úc, Lào & Campuchia; trong đó hơn 31.4 nghìn ha tổng diện tích vùng nguyên liệu đầu tư, và khoảng 36.4 nghìn ha tổng diện tích vùng nguyên liệu nông trường.

Công ty hiện sở hữu 10 nhà máy sản xuất đường với tổng công suất khoảng 4,690 tấn đường/ngày (TTCS, Biên Hòa-Ninh Hòa, TTC-Attapeu và TTCS Gia Lai là 4 nhà máy công suất sản xuất lớn nhất); 3 nhà máy sản xuất phân vi sinh (tổng công suất 32 tấn/h hoạt động quanh năm); và 1 nhà máy sản xuất nước Miaaqua (hoạt động quanh năm & theo thời vụ tùy theo loại sản phẩm).

• Số lượng các dòng sản phẩm mà SBT cung cấp đa dạng hàng đầu thị trường đường nội, với 75 sản phẩm gồm 29 dòng Đường RE, 14 dòng Đường RS, 11 dòng Đường Phèn, 8 dòng Đường Organic, 4 dòng Thực phẩm chức năng, và 4 dòng Đường Lỏng, 3 dòng Đường Vàng và 2 dòng sản phẩm Đường Mix; cùng với 12 sản phẩm cạnh đường và sau đường gồm 2 sản phẩm nước uống MIAQUA, Bã mía, Mật rỉ, Điện thương phẩm sinh khối, 3 sản phẩm Nước màu và 4 sản phẩm Phân bón.

• Đường của Công ty được phân phối B2C thông qua các đại lý, siêu thị, cửa hàng bán lẻ và cửa hàng tiện lợi,… khắp các tỉnh thành trên cả nước, ngoài ra SBT tiếp tục phát triển 4 gian hàng trên các sàn thương mại điện tử (Sendo, Tiki, Lazada, Shopee).

Ở kênh B2B, các sản phẩm đường của Công ty được cung cấp cho khách hàng MNCs (Coca-Cola, Suntory Pepsi, Nestle, Vinamilk, NutiFood, Redbull, THP Group, Trung Nguyên, Vinacafe, FrieslandCampina) và SMEs trong các lĩnh vực nước giải khát, thực phẩm, dược phẩm, bánh kẹo, sữa kem.

Thị trường xuất khẩu sản phẩm của SBT gồm 29 quốc gia bao gồm Mỹ, các nước châu Âu và châu Á, cùng một số quốc đảo Thái Bình Dương.

Triển vọng doanh nghiệp

• Triển vọng sáng cho đường thế giới: cung dự báo giảm đẩy giá đường tăng mạnh lên vùng đỉnh 10 năm. Giá đường nội địa và giá đường thế giới lệch pha trong ngắn hạn nhưng về dài hạn có độ tương quan cao. Ưu thế dài hạn của TTC Sugar: “Toàn diện chuỗi giá trị - Nâng cao lợi thế cạnh tranh bền vững”

Vị thế là doanh nghiệp dẫn đầu trong mảng mía đường mang lại cho SBT nhiều lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ cùng ngành. Trong 5 thương nhân được phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng đường thô năm 2022 theo phương thức đấu giá, SBT được phân giao 54,167 tấn trong tổng số 79,000 tấn (tương đương 68.6%). Trong phiên giao bổ sung hạn ngạch sau đó, SBT cũng chiếm 60,000 tấn trong 100,000 tấn được phân giao.

Nhập khẩu đường thô về chế biến là một hoạt động được SBT tập trung chú trọng trong chuỗi những nỗ lực chuyển đổi thành một Công ty nông nghiệp công nghệ cao, giúp tạo việc làm cho người lao động khi hết vụ thu hoạch mía và gia tăng hiệu quả bằng chế biến sâu thay vì chỉ thuần túy sản xuất sản phẩm thô.

Vấn đề hạn điền – mối lo lớn thứ hai với ngành mía đường sau việc cạnh tranh với đường lậu cũng được SBT lưu tâm và xây dựng chiến lược đối phó.

Tại Tọa đàm diễn ra đầu tháng 4 này với chủ đề “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt”, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công – ông Đặng Văn Thành chia sẻ: “Đồng ý là ngành mía đường có vấn đề hạn điền nhưng chúng tôi đã cố gắng vượt qua. Tại Gia Lai, chúng tôi đã thành công trong việc gom các hộ nhỏ lẻ thành hợp tác xã bậc cao. Chúng tôi cam kết lợi nhuận cho các hộ nông dân trồng mía là 20 triệu/ha, nếu vượt thì họ hưởng thêm. Những cam kết đó có sự chứng kiến của chính quyền bởi chúng tôi tự tin vào công nghệ, đi dần vào vấn đề chất lượng, truy xuất nguồn gốc”.

Sự hiện diện của “Trading house” – Nhà thương mại hàng hóa quốc tế được xem như cánh tay nối dài và là điểm mới trong hoạt động kinh doanh của SBT những năm trở lại đây. Trading house của SBT là Global Mind Commodities Trading Pte. Ltd có trụ sở tại Singapore (SBT sở hữu 75.73%). Thông qua Global Mind SBT bắt đầu tham gia giao dịch đường trên sàn giao dịch hàng hóa quốc tế từ niên độ 20-21.

Khi chu kỳ hàng hóa trở lại, SBT đã tận dụng tốt kênh này để vừa đảm bảo nguồn cung và vừa phòng vệ rủi ro về giá, thu về gần 448 tỷ lãi kinh doanh hợp đồng tương lai trong niên độ 21-22. Bên cạnh đó, Trading house cũng giúp SBT đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới, khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực mía đường của mình.

Rủi ro: • Suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu tiêu thụ • Chưa kiểm soát triệt để nạn đường lậu và gian lận thương mại • Xu thế cắt giảm tiêu thụ thực phẩm có nhiều đường trước những mối lo ngại về sức khỏe do đường gây ra.

ĐỊNH GIÁ VÀ KHUYẾN NGHỊ

Với những kết quả SBT đã đạt được trong nửa đầu niên vụ và triển vọng tích cực về giá đường quốc tế từ nửa đầu năm nay (sẽ kéo giá đường nội địa tăng theo), dự báo niên vụ 22-23 SBT có thể hoàn thành vượt 28% so với mục tiêu doanh thu đề ra (tương ứng DTT 21.7 nghìn tỷ đồng) và LNTT dự kiến đạt khoảng 865 tỷ đồng (vượt nhẹ so với LN mục tiêu).

Theo đó, EPS fw = 1,072 đồng/cp. Sử dụng P/E trung bình 3 năm (tương ứng P/E = 15.7) làm mức P/E mục tiêu của SBT, giá trị hợp lý của SBT là 16,800/cp.

Khuyến nghị: Funans đánh giá cao tiềm năng phát triển bền vững của doanh nghiệp trong dài hạn, tuy nhiên trong trung hạn vì giá thị trường hiện tại của cổ phiếu đã tiệm cận vùng giá trị hợp lý, Funans khuyến nghị Chờ mua đối với cổ phiếu SBT khi giá điều chỉnh giảm về vùng mua phù hợp hơn (khoảng 12,000 đồng)

Cập nhật ngày 12/4/2023: Yuanta khuyến nghị MUA, Giá mục tiêu 23.011 đồng/cp

Yuanta công bố báo cáo định giá lần đầu cho CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC AgriS, HSX: SBT) với khuyến nghị MUA

CTCK này cho rằng ngành đường trong nước đang có nhiều thuận lợi trong thời gian tới do nguồn cung thiếu hụt trên thị trường thế giới và trong nước thì Chính phủ đang mạnh tay hơn đối với tình trạng đường nhập lậu từ Thái Lan.

Yuanta khuyến nghị MUA đối đối SBT dựa trên một số luận điểm sau:

KQKD tăng trưởng tích cực nhờ các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan và một số nước ASEAN khác. SBT kiểm soát chi phí tốt giúp tăng hiệu quả hoạt động.

Giá đường thế giới tăng mạnh do tương lai giá đường có thể nói chỉ đang trông chờ vào nguồn cung từ Brazil. Các quốc gia xuất khẩu nhiều đường đang hoặc là giảm sản lượng, hoặc là chuyển sang dùng đường cho sản xuất Ethanol.

SBT có nhiều lợi thế cạnh tranh bền vững để hưởng lợi từ sự phát triển chung của ngành đường trong nước: 1) Lợi thế nhờ thị phần lớn; 2) Làm chủ vùng nguyên liệu.

Rủi ro đối với nhận định: Giá đường thế giới biến động; Cạnh tranh từ đường nhập lậu; Suy thoái kinh tế; Lãi suất vay tăng nhanh

Các lợi thế cạnh tranh bền vững để hưởng lợi từ sự phát triển của ngành đường trong nước

Lợi thế nhờ thị phần lớn: SBT hiện đang nắm khoảng 46% thị phần đường trong nước. Chúng tôi kỳ vọng SBT sẽ hưởng lợi nhờ sự phát triển của tổng giá trị ngành đường trong nước, nhờ 1) sự phát triển của ngành F&B và du lịch; 2) tiêu thụ đường/đầu người của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp hơn nhiều nước trong khu vực; 3) đô thị hóa nhanh làm nâng cao mức sống người dân, tăng sản lượng tiêu thụ đường.

Làm chủ vùng nguyên liệu. SBT sở hữu vùng nguyên liệu 63.8 nghìn hecta, trong đó, tỷ lệ tự chủ là 47%, còn lại là liên kết với hộ nông dân (53%). Tỷ lệ tự chủ của SBT là gần như đứng đầu so với các doanh nghiệp khác trong ngành. Mía đường chiếm đến 70-80% chi phí nguyên liệu đầu vào của SBT cũng như các doanh nghiệp đường, giá và sản lượng mía đường cũng thường thay đổi theo điều kiện thời tiết, các mùa trong năm. Do đó, tỷ lệ tự chủ cao của SBT là một lợi thế lớn giúp ổn định đầu vào để SBT thực hiện mục tiêu “Thị phần là vĩnh cửu”.

Định giá SBT:

SBT đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 13.5 lần, trên một chút so với mức trung bình 2 năm - 1SD là 13.1 lần. Lịch sử cho thấy P/E của SBT thường dao động nhiều nhất trong khoảng trung bình 2 năm -1SD và +1SD.

Theo đó, chúng tôi sẽ sử dụng mức P/E dự phóng 17 lần để định giá SBT, thấp hơn mức trung bình 2 năm là 17.9 lần, do quan điểm thận trọng. Ngoài ra, do EPS của SBT thường biến động mạnh theo giá đường và giá mía nên chúng tôi sẽ sử dụng thêm phương pháp so sánh P/B lịch sử để định giá.

Chúng tôi sẽ dùng mức P/B dự phóng là mức trung bình 2 năm là 1.5 lần. Chúng tôi sẽ không dùng phương pháp chiết khấu dòng tiền cho SBT vì dòng tiền dự phóng FCFE, FCFF trong 2 năm dự phóng có giá trị âm.

Bên cạnh đó, KQKD cũng như dòng tiền kinh doanh của SBT chịu biến động theo giá hàng hóa nên SBT thường vay nhanh hoặc giảm nhanh nợ vay, dẫn đến các dòng tiền FCFE, FCFF thường không ổn định nên định giá bằng DCF sẽ ít phù hợp cho SBT.

Mức định giá trung bình sẽ là 23,011 VNĐ/cổ phiếu. Theo đó, mức dự phóng 12 tháng tới cho cổ phiếu SBT là 23,011 VNĐ/CP, tương đương mức P/E dự phóng cho năm tài chính 2022-23F và 2023-24F lần lượt là 17.0x và 13.2x. Chúng tôi cho rằng tại mức giá mục tiêu này, cổ phiếu SBT vẫn còn sức hấp dẫn khi nhìn sang triển vọng 2023 của doanh nghiệp. Mức dự phóng cho SBT là 23,011 VNĐ/CP.

 

Cập nhật ngày 26/3/2021: Mía đường giúp KQKD lại ngọt, giá mục tiêu 27,640 đ/cp

Kết thúc Quý 2/2021, SBT đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 3,851 tỷ đồng (+30% YoY) và 140 tỷ đồng (+7.7 lần YoY)..

Đối với mảng đường, DTT Q2 đạt 3,748 tỷ đồng (+34% YoY) nhờ sản lượng đường tiêu thụ đạt 338 ngàn tấn (+32% YoY) với chiến lược (1) Tập trung đẩy mạnh thị phần trong nước ở kênh B2B và kênh tiêu dùng B2C; (2) Mở rộng thị trường xuất khẩu ở EU nhờ hưởng lợi từ ưu đãi thuế xuất.

Triển vọng SBT

SBT có lợi thế trong việc chủ động nguồn nguyên vật liệu đầu vào khi có VNL lớn (diện tích lớn liền kề áp dụng cơ giới hoá cao), cùng với việc sở hữu GMC - Nhà thương mại giao dịch hàng hóa quốc tế.

Xuất siêu đường cho thị trường Trung Quốc và EU.

Ngành đường Việt Nam được phục hồi nhờ thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của chính phủ.

Rủi ro: Khả năng cạnh tranh gay gắt từ đường giá rẻ Thái Lan khi hiệp định ATIFA có hiệu lực đầu năm 2020.

Định giá SBT

Dự báo KQKD SBT NĐ 2020/21 sẽ đạt DTT và LNST lần lượt là 15,482 tỷ đồng (+20.1% YoY) và LNST là 457 tỷ đồng (+25% YoY), tương đương EPS fw là 712 đồng/cp – PE fw là 33.5x và PB fw là 1.9x .

Công ty Chứng khoán BIDV - BSC khuyến nghị MUA cổ phiếu SBT nâng giá mục tiêu là 27,640 đồng.

BSC nâng giá mục tiêu do KQKD cải thiện nhờ (1) Giá đường thế giới tăng mạnh trong Q1/2021 +20-25% YoY; (2) Xuất khẩu đường RE đi Châu Âu, Trung Quốc tăng mạnh trong Q4/2020 và Q1/2021; (3) Thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của chính phủ.

sbt-nong-truong-1681267845.jpg
CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC AgriS, HSX: SBT) 

Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT)

SBT đã nỗ lực không ngừng nghỉ, kiên định trên con đường hướng tới mục tiêu “Phát triển bền vững cùng cây mía Việt Nam”. Năm qua, tuy ngành Đường phải trải qua những thăng trầm lớn mang tính chu kỳ nhưng TTC Sugar vẫn hoàn thành sứ mệnh của một công ty đầu ngành, từng bước chuyển mình lớn mạnh trên con đường chinh phục thị trường khu vực. 

Để khẳng định chiến lược chủ động vùng nguyên liệu (VNL), tháng 9/2017, TTC Sugar đã chính thức M&A nhà máy đường TTC Attapeu - tiền thân là nhà máy đường Hoàng Anh Attapeu tại tỉnh Attapeu – Lào, với tổng diện tích trồng mía thường và organic là 7.500 ha và có thể mở rộng lên đến 20.000 ha trong định hướng 5 năm. Với ưu thế về công nghệ, năng lực sản xuất và nguồn nhân lực chất lượng, cộng hưởng cùng thương hiệu lâu năm, hệ thống phân phối, danh mục khách hàng cũng như chuỗi giá trị ngành Đường mà TTC Sugar đang sở hữu, có thể nói tất cả đã tạo nên một sự kết hợp hoàn hảo. Tận dụng tốt sức mạnh cộng hưởng và phát huy lợi thế kinh tế theo quy mô từ các thương vụ sáp nhập đã hỗ trợ TTC Sugar mở rộng và tăng quy mô sản lượng sản xuất, hiệu suất vận hành các nhà máy qua đó tối ưu hóa chi phí sản xuất, đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ và mở rộng thị phần, bao phủ thêm các phân khúc vừa và nhỏ tại các ngách thị trường tiềm năng, thị trường mục tiêu như Tây Nam Bộ, Miền Bắc… và đặc biệt là đẩy mạnh xuất khẩu.

Định hướng chiến lược của TTC Sugar là trở thành công ty nông nghiệp hàng đầu Việt Nam và khu vực, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp đặc biệt, thông qua hệ thống sản xuất và phân phối bền vững. TTC Sugar hiện có 9 nhà máy sản xuất đường tại các khu vực trọng điểm, chiếm hơn 50% lượng đường cung cấp toàn quốc; sở hữu các thị trường xuất khẩu lớn trên thế giới từ khu vực Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á, Châu Phi cho đến các đảo quốc thuộc khu vực Thái Bình Dương; SBT là cổ phiếu thuộc ngành mía đường duy nhất tại Việt Nam được đưa vào rổ chỉ số VN30 của HOSE; SBT nằm trong danh mục của các Quỹ đầu tư có uy tín và thương hiệu trên thị trường như V.N.M ETF, DB XTRACKER FTSE VIETNAM SWAP UCITS ETF, iShares MSCI Frontier 100 ETF, Quỹ VFMVN30 ETF Fund… với tổng sở hữu tính tới cuối tháng 9/2019 đạt trên 22,5 triệu cổ phiếu (chiếm 3,8% số lượng cổ phiếu đang lưu hành).

TTC Sugar hiện đang là doanh nghiệp Đường Việt Nam sở hữu VNL mía organic lớn nhất với tổng diện tích lên tới hơn 2.600 ha. Tháng 3/2019, TTC Sugar nâng diện tích VNL tại khu vực Đông Dương lên đến 70.000 ha bằng việc tiếp quản thêm VNL có diện tích 16.000 ha tại Campuchia. Tháng 10/2018 đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với mảng đường organic khi TTC Sugar chính thức ký kết hợp tác chiến lược với công ty ED&F Man Sugar (chuyên phân phối các sản phẩm nông nghiệp được thành lập từ 1783 tại Anh Quốc) về việc bao tiêu sản phẩm đường organic và bán các loại đường của TTC Sugar niên vụ 18-19 sang thị trường Châu Âu. Tháng 12/2018, những sản phẩm đường mang thương hiệu TTC Sugar đạt chuẩn organic đầu tiên của một doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu thành công và được đánh giá cao tại Bỉ, Bulgaria, Cộng hòa Czech, Malta, Pháp, Ý.

Nhắc đến TTC Sugar, người ta nhớ ngay đến một thương hiệu luôn “Khai phá tiềm năng - gia tăng giá trị”. Với tôn chỉ hoạt động“Lợi nhuận là nhất thời, thị trường là vĩnh cửu” , TTC Sugar khát vọng hiện thực hóa các mục tiêu giữ vững vị thế của doanh nghiệp Mía đường số 1 Việt Nam, phát triển và củng cố thị phần trong và ngoài nước với tiêu chí “vì sức khỏe người tiêu dùng”, không ngừng đóng góp cho xã hội bằng những sản phẩm chiến lược có lợi cho sức khỏe như đường hữu cơ, đường vàng thiên nhiên… tạo nền tảng vững chắc cho những phát triển trong tương lai của ngành Mía Đường TTC nói riêng và Việt Nam nói chung.

 

Funans & Yuanta & BSC
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.