Định giá cổ phiếu DHC (Đông Hải Bến Tre): Bản Việt khuyến nghị MUA

FPTS & Yuanta & Bản Việt

08/03/2024 13:05

Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre (DOHACO) được thành lập từ năm 1994, chuyên sản xuất và kinh doanh các loại mặt hàng giấy công nghiệp và bao bì carton. Tiền thân của Công ty là nhà máy Bao bì, doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành thủy sản tỉnh Bến Tre.

dhc-1619157974.jpeg

 CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC).

Bản Việt điều chỉnh tăng giá mục tiêu cho CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC) thêm 6% và thay đổi khuyến nghị từ KHẢ QUAN thành MUA.

Giá mục tiêu tăng là do thay đổi phương pháp định giá và có quan điểm tích cực hơn về định giá ngắn hạn của DHC. Giữ nguyên EBITDA 2024F và tăng EBITDA 2025F và 2026F lần lượt lên 2% và 1%. 

Bản Việt loại DCF khỏi cơ cấu định giá vì vốn XDCB của DHC cho Giao Long 3 không ổn định. Nhà máy này sẽ không đóng góp doanh thu cho đến năm 2027 và giá cổ phiếu DHC có mối tương quan chặt chẽ với thu nhập ngắn hạn.

Thay đổi hệ số định giá từ P/E thành EV/EBITDA để tránh sự biến động của chi phí lãi vay trong hai năm đầu sau khi Giao Long 3 đi vào hoạt động.

Cập nhật ngày 30/1/2024: đang ở mức giá hấp dẫn và triển vọng dài hạn khả quan

FPTS tiến hành định giá lần đầu Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre (HSX: DHC) bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFE và FCFF với tỷ trọng 50:50. Giá mục tiêu của DHC được xác định là 50.300 VNĐ/cp.

FPTS khuyến nghị MUA cổ phiếu DHC dựa vào việc cổ phiếu đang được chiết khấu ở mức giá tương đối hấp dẫn và triển vọng dài hạn khả quan, cụ thể như sau:

Kỳ vọng biên LNG mảng giấy (chiếm 92,0% LNG 2022) cải thiện sau khi giá bán giấy bao bì phục hồi từ T9/2023. Dự phóng năm 2024F, doanh thu và biên LNG mảng giấy bao bì đạt lần lượt 2.847,5 tỷ VNĐ (+4,8% YoY) và 17,5% (+1,2 đpt YoY) dựa trên (1) kỳ vọng đà tăng giá bán sẽ tiếp tục trong năm 2024 khi nhu cầu tiêu thụ khả quan hơn và (2) sản lượng tiêu thụ của DHC đi ngang dù nhu cầu toàn ngành dự báo cải thiện vì các nhà máy giấy đã hoạt động vượt CSTK.

Mảng bao bì carton (chiếm 8,7% lợi nhuận gộp 2022) tiếp tục khả quan trong trung hạn. Sản lượng bao bì carton của DHC đã liên tục tăng trưởng với CAGR=13,8%/năm giai đoạn 2018- 2022. Sau khi nhà máy Bao bì Số 2 chạy tối đa hiệu suất, NM Bao bì Số 1 đi vào hoạt động vào T04/2022 giúp CSTK mảng bao bì carton của DHC tăng 94%.

Dự phóng sản lượng bao bì carton sẽ tiếp tục tăng trưởng với CAGR=8,7/năm trong giai đoạn 2022-2029F nhờ vào (1) nhu cầu bao bì lớn của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản, trái cây, dược,… ở khu vực ĐBCSL và (2) nhà máy mới đi vào hoạt động khiến hiệu suất trung bình sụt giảm còn 63,6% là dư địa tăng trưởng cho mảng này.

NM Giao Long 3 dự kiến đưa vào hoạt động năm 2027F sẽ là động lực tăng trưởng trong dài hạn. DHC hiện đang lên kế hoạch xây dựng NM Giao Long 3 với CSTK 380.000 tấn/năm, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2027F giúp năng lực sản xuất của DHC tăng 136%.

Kỳ vọng sản lượng tiêu thụ giấy bao bì của DHC sẽ tăng mạnh 64,6% YoY vào năm 2027F và tiếp tục tăng với CAGR=3,5%/năm giai đoạn 2027-2033F nhờ vào nhu cầu khả quan tại thị trường Việt Nam và Trung Quốc.

YẾU TỐ CẦN THEO DÕI  Diễn biến giá bán giấy bao bì  Diễn biến giá OCC  Tiến độ xây dựng NM Giao Long 3

Cập nhật ngày 10/9/2022: Yuanta khuyến nghị MUA, giá mục tiêu 104.757 đồng/cp

Doanh thu Q2/2022 giảm -8% YoY còn 993,5 tỷ đồng. DHC cho biết, sản lượng bán hàng giảm trong Q2/2022 do tình hình thị trường không thuận lợi.

Lợi nhuận hoạt động tăng +1,6% YoY, đạt 138,1 tỷ đồng do biên lãi gộp tăng +1,2 điểm % (ppt) so với cùng kỳ năm trước, đạt 17,4%. Ngoài ra, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (CPBH&QLDN) giảm -11,7% YoY, còn 34,7 tỷ đồng.

LNST của CĐCT mẹ (PATMI) giảm -11,4% YoY, đạt 113,6 tỷ đồng trong Q2/2022, chủ yếu do chi phi tài chính tăng gấp +8x YoY, đạt 8 tỷ đồng với mức lỗ chênh lệch tỷ giá lên đến 6,3 tỷ đồng. Thuế thu nhập doanh nghiệp tăng +118,3% YoY, đạt 17,4 tỷ đồng. Theo giải trình của DHC, thuế tăng mạnh là do nhà máy giấy Giao Long 2 đã hết thời hạn được miễn thuế, nhưng nhà máy này vẫn tiếp tục được giảm 50% thuế TNDN trong vòng 4 năm tới.

Do đó, PATMI 1H22 giảm -23,1% YoY, còn 231,5 tỷ đồng, trong khi doanh thu chỉ giảm -3,4% YoY và đạt 2,0 nghìn tỷ đồng. Sở dĩ có sự chênh lệch là do biên lãi gộp giảm -1,6ppt YoY, còn 18,0%. Ngoài ra, chi phí tài chính ròng đã tăng gấp đôi so với 1H21 với 10,8 tỷ đồng, mà theo DHC nguyên nhân là do ghi nhận lỗ từ chênh lệch tỷ giá. CP BH&QLDN vẫn đi ngang, trong khi tỷ lệ CP BH&QLDN / Doanh thu tăng lên và đạt 4,4% (+20 điểm cơ bản YoY).

DHC có thể sẽ ghi nhận tăng trưởng mạnh trong 2H22 nhờ vào 1) mức nền thấp của Q3/2021 – khi đó, CP BH&QLDN gia tăng là do công ty thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch COVID; và 2) Giá bán bình quân thường gia tăng vào tháng 8, điều này sẽ giúp thúc đẩy biên lợi nhuận của công ty, theo chia sẻ của ban lãnh đạo.

Yuanta vẫn duy trì khuyến nghị MUA với giá mục tiêu là 104.757 đồng/cổ phiếu.

Cập nhật ngày 6/6/2022: P/E tương đối thấp song lợi nhuận gặp khó do chi phí đầu vào tăng mạnh

CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC) đang có P/E 2022 là 10 lần – mức hấp dẫn cho NĐT với tầm nhìn dài hạn. Đặc biệt khi Giao Long 3 đi vào hoạt động. Tuy nhiên khả năng lợi nhuận sẽ gặp khó do chi phí đầu vào tăng mạnh.

DHC đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 đạt 3.900 tỷ đồng (-6,3% yoy) và LNST là 450 tỷ đồng (-6.4% yoy). Trong đó, doanh thu Nhà máy Giao Long (PM2) dự kiến 2.720 tỷ đồng, chiếm 70% tổng doanh thu; Nhà máy Giao Long – PM1 đóng góp 690 tỷ đồng, chiếm 17,7% tổng doanh thu; Nhà máy Bao bì đóng góp 390 tỷ đồng, chiếm 10% tổng doanh thu và còn lại 100 tỷ đồng dự kiến từ Công ty TNHH MTV Bao bì Bến Tre. 

Năm 2021, DHC trình kế hoạch cổ tức 50% (25% bằng tiền và 25% bằng cổ phiếu). Bước sang năm 2022, mức cổ tức dự kiến từ 30% vốn điều lệ. 

Quý I/2022, DHC ghi nhận doanh thu đạt 1.032 tỷ đồng (+1.5% yoy), lợi nhuận sau thuế đạt 117 tỷ đồng (-31,8% yoy). Nguyên nhân: biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 23,1% về còn 18,5% do giá giấy nguyên liệu và các chi phí đầu vào tăng mạnh. 

Khuyến nghị: 

DHC hiện có 2 Nhà máy Bao bì với công suất ~ 110 triệu thùng carton/năm (trong đó nhà máy Bao Bì Bến Tre mới đi vào hoạt đông Q1/2022 với công suất ~ 70 triệu thùng carton/năm). 2 Nhà máy sản xuất giấy bao bì (Giao Long 1 & Giao Long 2, đã hoạt động full công suất) ~ 320,000 tấn giấy/năm (850 tấn/ngày).

DHC có kế hoạch tăng công suất sản xuất giấy bao bì ít nhất 120% tại nhà máy giấy Giao Long 3 (với công suất 1.000 tấn/ngày và 220.000 tấn/năm), kỳ vọng sẽ chính thức được vận hành vào năm 2024. 

Dự báo LNST công ty mẹ năm 2022 đạt 500 tỷ (+4% svck). Với mức giá 70k/cổ phiếu hiện tại ~ P/E 2022 là 10 lần – mức hấp dẫn cho NĐT với tầm nhìn dài hạn. Đặc biệt khi Giao Long 3 đi vào hoạt động.

Tuy nhiên NĐT cũng cần cân nhắc những rủi ro sau: (1) Áp lực về giá bán khi đối thủ cạnh tranh bổ sung công suất & (2) Chậm trễ xây dựng & hoàn thiện Giao Long 3 (trong quá khứ, Giao Long 2 đi vào hoạt động muộn hơn so với dự kiến). 

Phân tích kỹ thuật DHC

DHC trong tuần vẫn giữ được mặt bằng giá vùng trên 70 +/-, khối lượng giao dịch của tuần này lớn hơn so với tuần trước. 

DHC đang tạo vùng tích lũy với biên độ giá và khối lượng thu hẹp. Tuy nhiên cổ phiếu vẫn đang nằm trong xu hướng giảm dài hạn, nhà đầu tư chưa nên mở vị thế mua đối với DHC trong thời điểm này. 

Đối với các nhà đầu tư đang có DHC trong danh mục, nên tận dụng các nhịp hồi để giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu này về mức tối thiểu do DHC sẽ cần nhiều thời gian để tích lũy và phục hồi. 

Cập nhật ngày 22/4/2021: Sản lượng bán và mảng giấy tăng mạnh giúp lợi nhuận quý 1 vượt kỳ vọng

CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC) công bố KQKD quý 1/2021 với doanh thu và LNST sau lợi ích CĐTS lần lượt tăng 52% YoY và 94% YoY.

Theo DHC, KQKD tích cực này đến từ (1) nhu cầu giấy bao bì mạnh mẽ bất chấp mức tăng của chi phí thùng carton cũ (OCC) và (2) ưu đãi thuế cho nhà máy Giao Long 2 có hiệu lực từ quý 2/2020.

Nhìn chung, KQKD quý 1/2021 của DHC đang vượt kỳ vọng - đặc biệt là mảng giấy. Chúng tôi nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng dự báo hiện tại, dù cần thêm đánh giá chi tiết. 

Theo ước tính, doanh thu mảng giấy (chiếm 91% tổng doanh thu quý 1/2021) tăng 55% YoY trong quý 1/2021 khi sản lượng bán và giá bán trung bình (ASP) của mảng giấy tăng lần lượt 18% YoY và 31% YoY. Theo ước tính, nhà máy Giao Long 2 đã hoạt động với 122% công suất thiết kế so với 104% vào quý 1/2020.

Tương tự, doanh thu mảng bao bì (chiếm 9% tổng doanh thu) tăng 29% YoY trong quý 1/2021 khi nhu cầu bao bì trong nước tiếp tục tăng lên nhờ gián đoạn do dịch COVID-19 hạ nhiệt. Sản lượng bán giấy bao bì ước tính tăng 31% YoY trong quý 1/2021.

Biên lợi nhuận gộp giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái còn 23,1% trong quý 1/2021 do giá OCC tăng đột biến trong bối cảnh dịch COVID-19 dẫn đến các gián đoạn liên quan đến hệ thống thu gom giấy cũ trên toàn cầu và tình trạng khan hiếm container vận chuyển toàn cầu. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp tăng 1,8 điểm phần trăm so với quý trước (QoQ) nhờ Giá bán trung bình (ASP) của giấy tăng khoảng 17% QoQ.

Biên LNTT tăng từ 16,3% trong quý 1/2020 lên 18,0% trong quý 1/2021 nhờ các sáng kiến tiết kiệm chi phí, lợi thế kinh tế về quy mô và chi phí tài chính ròng thấp hơn của DHC.

Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre (DOHACO, mã DHC)

Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre (DOHACO) được thành lập từ năm 1994, chuyên sản xuất và kinh doanh các loại mặt hàng giấy công nghiệp và bao bì carton.

Công ty áp dụng hệ thống quản lý chất lượng – môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2015 & ISO 14001:2015, chứng nhận FSC nhằm nâng cao công tác quản lý điều hành, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, không gây ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh.

2003: Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre được thành lập theo quyết định 4278/ QĐ-UB của UBND tỉnh Bến Tre. Tiền thân của Công ty chính là nhà máy Bao bì, doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành thủy sản tỉnh Bến Tre.

2008: Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre chính thức trở thành công ty đại chúng theo thông báo của Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

2009: Nhà máy giấy Giao Long – giai đoạn 1 hoạt động chính thức

2015: Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre chính thức chuyển trụ sở chính của công ty về địa chỉ Lô AIII, khu công nghiệp Giao Long, xã An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

2016: Công ty triển khai thực hiện Dự án nhà máy giấy Giao Long giai đoạn 2 với công suất 660 tấn/ ngày.

2019: Đưa nhà máy Giao Long giai đoạn 2 đi vào hoạt động chính thức.

2020: Thành lập Công ty con Công ty TNHH MTV Bao Bì Bến Tre với tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng

2022: Tháng 4/2022, Công ty TNHH MTV Bao Bì Bến Tre đi vào hoạt động chính thức

Tháng 7/2022, Góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Giấy Giao Long

LĨNH VỰC HOẠT ĐỘNG

Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 1300358260 do Sở Kế hoạch & Đầu tư Tỉnh Bến Tre cấp lần đầu ngày 02/04/2003 và cấp lại lần thứ 19 ngày 07/09/2021, Công ty có ngành nghề kinh doanh chủ yếu sau:

Sản xuất và kinh doanh giấy công nghiệp.
Sản xuất và kinh doanh giấy carton, bao bì carton

SẢN PHẨM CHÍNH:

Các loại giấy phục vụ cho công nghiệp bao gói: medium, tesliner...
Bao bì carton 3 lớp, 5 lớp, 7 lớp … đa chủng loại với số lượng và kích thước khác nhau, theo yêu cầu của khách hàng

FPTS & Yuanta & Bản Việt
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.