Trong Q1/2023, PLC ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm, trong đó doanh thu đạt 1.968,4 tỷ đồng (-6% yoy) và lợi nhuận sau thuế đạt 33,2 tỷ đồng (-18,2% yoy) chủ yếu đến từ (1) sản lượng sụt giảm 10% yoy chủ yếu từ mảng hóa chất, (2) giá bán giảm theo giá dầu và (3) chi phí lãi vay tăng mạnh.
KẾ HOẠCH KINH DOANH VÀ TRIỂN VỌNG ĐẦU TƯ
PLC đặt kế hoạch kinh doanh tăng tưởng trong năm 2023 với sản lượng tăng nhẹ 5,3% yoy, doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 3,5% và 36,8% yoy.
Với kịch bản giá dầu đạt 88 USD/thùng, chúng tôi dự phóng kết quả kinh doanh năm 2023 của PLC sẽ đạt 8.912,7 và 190,8 tỷ, lần lượt tăng 3,6% yoy và 63,1% yoy, vượt 5,3% kế hoạch doanh thu và 19,2% kế hoạch lợi nhuận của PLC chủ yếu nhờ: (1) Tăng trưởng trong mảng nhựa đường khi tiến độ các dự án đầu tư công được đẩy mạnh và (2) Lỗ tỷ giá và thuế TNDN giảm so với năm 2022.
Kết quả kinh doanh của PLC sẽ tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2023 - 2025 nhờ: (1) Giá dầu giảm giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp (Xem thêm) (2) Đẩy mạnh đầu tư công giúp nhựa đường là động lực tăng trưởng chính trong giai đoạn 2023 – 2025.
ĐỊNH GIÁ VÀ KHUYẾN NGHỊ
FPTS tiến hành định giá cổ phiếu PLC bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFE và FCFF với giá mục tiêu đạt 31.700 đồng/cp, thấp hơn 7,8% so với giá trên thị trường. Với kỳ vọng mảng nhựa đường dẫn dắt kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2023 – 2025, chúng tôi cho rằng PLC vẫn là một cổ phiếu tốt khi giá cổ phiếu có mức chiết khấu hợp lý.
FPTS khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu PLC. Nhà đầu tư có thể xem xét bán cổ phiếu tại mức giá hiện tại và mua vào cổ phiếu này tại mức 25.300 đồng/cp.
Cập nhật ngày 17/3/2023: BVSC khuyến nghị OUTPERFORM, giá mục tiêu 37.500 đồng/cp
Quan điểm đầu tư cổ phiếu PLC
Các dự án tham gia trong năm 2022 nhìn chung đã được ghi nhận doanh thu. Trong năm 2022, PLC đã tham gia vào 05 dự án, trong đó dự án Vân Đồn – Tiên Yên – Móng Cái đã hoàn thiện và tiến hành thông xe vào 30/4/202. Dự án Cam Lộ - La Sơn cũng đã hoàn thiện xong và tiến hành thông xe vào cuối năm 2022. Đối với 2 dự án Phan Thiết – Vĩnh Hảo và Phan Thiết – Dầu Dây, 2 dự án cao tốc này dự kiến sẽ hoàn thiện công đoạn cuối vào tháng 4/2023 và tiến hành thủ tục thông xe vào tháng 06. Về cơ bản các dự án PLC tham gia trong 2022 đã được ghi nhận doanh thu gần hết và không còn dự án nào còn sót lại.
Dự án Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 sẽ là động lực tăng trưởng chính. Nhằm thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh các động lực khác suy giảm tăng trưởng, Chính phủ đã công bố ngân sách đầu tư công cho năm 2023 vào khoản 793 nghìn tỷ VNĐ (cao nhất từ trước đến nay), trong đó 12 dự án thành phần thuộc Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 được chú ý và quan tâm nhất. Ước tính dự án sẽ cần 2,4 triệu tấn nhựa đường, tương đương mức sản lượng tiềm năng của PLC có thể cung cấp trong 5 năm tới là 733 nghìn tấn (giả định thị phần không đổi ở mức 30%).
Tiềm năng tăng trưởng còn có thể đến từ nhiều dự án khác. Trong quy hoạch mạng lưới đường bộ đến năm 2030. Bên cạnh 12 dự án cao tốc Bắc – Nam, PLC có thể tham gia vào các dự án nâng cấp hạ tầng giao thông khác tại các tỉnh. Khoảng 15 dự án có thể sẽ được khởi công trong năm 2023, với tổng nhu cầu nhựa đường trong 5 năm tới vào khoảng 3,5 triệu tấn. Đây sẽ là động lực tăng trưởng nếu PLC có thể tham gia cung cấp cho các dự án này.
Lợi thế cạnh tranh cao giúp gia tăng khả năng nhận được các hợp đồng. Nhờ hệ thống kho trải dài từ Bắc vào Nam, cùng năng lực sản xuất hàng năm là 400.000 tấn, cao nhất thị trường, khiến PLC có lợi thế rất lớn để cung cấp nhựa đường đúng lúc với chi phí hiệu quả cho bất kì dự án nào.
Điểm rơi lợi nhuận vào năm 2024. Thường việc rải nhựa đường sẽ diễn ra vào cuối giai đoạn xây dựng (thường kéo dài khoảng 9-12 tháng sau khi đã bàn giao xong mặt bằng), do đó chúng tôi cho rằng PLC sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ cuối Q4/2023.
Mảng dầu nhờn dự kiến tăng trưởng ổn định, không có nhiều đột biến. Tăng trưởng sản lượng dầu nhờn của PLC sẽ tương đương tốc độ tăng trưởng chung của ngành, đạt 1,6%/năm. Động lực tăng trưởng doanh thu đến từ việc gia tăng tỉ trọng sản phẩm cao cấp có giá bán và biên gộp cao hơn.
Mảng hóa chất: kì vọng vào quá trình tái cơ cấu trong tương lai. Hiện tại mảng hóa chất là mảng có hiệu quả hoạt động kinh doanh kém nhất. Nếu cổ phần hóa thành công, kì vọng sẽ giúp tăng nguồn vốn, giảm áp lực nợ vay, qua đó giúp hiệu quả của mảng này phần nào được cải thiện.
Định giá và khuyến nghị Sử dụng phương pháp định giá DCF, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM trong năm 2023 mục tiêu là 37.500 VNĐ/cp.
Phân tích cơ bản cổ phiếu PLC
Cơ cấu cổ đông của PLC: cô đặc, ít đối trọng
Cổ đông lớn nhất của PLC hiện tại là Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, với tỷ lệ nắm giữ là 79,07%, và không có sự thay đổi lớn nào trong suốt thời gian này. Bên cạnh đó, PLC chỉ có duy nhất một cổ đông nước ngoài là Kiwoom Investment Asset Management (được thành lập vào năm 2010), với tỉ lệ sở hữu là 0,18%. Đây là một quỹ đầu tư của Hàn Quốc, bắt đầu tham gia vào PLC từ năm 2020. Tuy vậy, với tỉ lệ nắm giữ tương đối nhỏ, vai trò của Kiwoom là một đơn vị đầu tư tài chính, sẽ không đóng góp nhiều vào chiến lược và hoạt động kinh doanh dài hạn của công ty.
Bên cạnh các tổ chức, các cá nhân là người nội bộ của doanh nghiệp chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ, tương ứng 1,29% lượng sở hữu của công ty. Trong đó nắm nhiều nhất là ông Vũ Văn Chiến (0,79% - Thành viên HĐQT – đã nghỉ hưu) và ông Hà Thanh Tuấn (0,04% - Ủy viên HĐQT). Như vậy, với cơ cấu cô đặc, không có đối trọng lớn, chúng tôi cho rằng hoạt động của PLC sẽ bám theo tăng trưởng chung của ngành và định hướng của tập đoàn.
Lợi thế cạnh tranh của PLC: một trong số ít đơn vị cung cấp đầy đủ 4 loại nhựa đường
Theo số liệu năm 2019, nhựa đường đặc nóng 60/70 chiếm khoảng 75% tổng doanh thu. Đây là loại nhựa đường được sử dụng nhiều nhất cho phần lớn các cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, và cũng là nguyên liệu đầu vào để sản xuất ra các sản phẩm khác. Tuy nhiên do phần lớn được nhập khẩu nên biên gộp của loại sản phẩm này chỉ vào khoảng 7-10%. Trong khi đó, sản phẩm nhựa polyme có biên gộp cao nhất, dao động từ 25- 50%.
Trước năm 2016, PLC có lợi thế độc quyền về sản phẩm nhựa đường polyme, nhưng hiện tại lợi thế này đã không còn do các đối thủ cũng sản xuất loại nhựa đường này. Trong khi đó, các sản phẩm nhựa đường khác nhìn chung không có sự khác biệt quá lớn giữa các công ty. Do đó, lợi thế cạnh tranh hiện tại của PLC đến từ 2 yếu tố: công suất sản xuất và quy mô phân phối.
Lợi thế cạnh tranh từ hệ thống phân phối rộng lớn và năng lực sản xuất cao. Tuy nhiên các lợi thế này cũng đang yếu dần. Hiện tại PLC có 7 nhà máy phân bổ rộng khắp trên cả nước, với khoảng cách 400km lại có một nhà máy sản xuất đồng bộ các sản phẩm nhựa đường. Ngoài ra, doanh nghiệp có 75 xe bồn với sức chứa 10 – 16 tấn nhựa đường mỗi xe. Chúng tôi đánh giá việc có hệ thống các nhà máy phân bổ đồng đều trên cả nước là lợi thế cạnh tranh chính của PLC, giúp công ty có thể cung cấp nhựa đường tới nhiều dự án trong nước với chi phí hợp lý. Hiện tại, năng lực sản xuất của PLC là 400.000 tấn/năm, lớn nhất so với các doanh nghiệp khác trong ngành.
PLC nắm giữ 25-30% thị phần trong nước. Tuy đã từng có thời điểm cạnh tranh quyết liệt, nhưng trong 10 năm qua, thị trường nhựa đường Việt Nam đã chứng kiến sự rút lui cũng những thương hiệu lớn như Chevron, Shell. Hiện tại, chỉ còn vài doanh nghiệp vẫn còn hoạt động và cạnh tranh trực tiếp với PLC.
Mặc dù sự cạnh tranh liên tục thay đổi, nhưng PLC vẫn giữ được thị phần ổn định nhờ: (1) năng lực sản xuất lớn; (2) vị trí chiến lược của các kho và nhà máy; và (3) mối quan hệ lâu dài với các doanh nghiệp nhà nước (SOEs). Hiện tại PLC là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất trên thị trường.
Có vị thế lớn tại thị trường nước ngoài. Theo chia sẻ của doanh nghiệp, PLC chiếm 30% thị trường Lào và chiếm phần lớn thị trường Thái. Tuy nhiên số liệu cho các thị trường này không được công bố rõ ràng.
Mối quan hệ lâu dài với các SOEs và uy tín trong việc đảm bảo hợp đồng giúp PLC có khả năng cao trúng thầu các dự án nhựa đường trong tương lai. Nhờ kinh nghiệm tích lũy từ lâu, am hiểu thị trường và có nguồn gốc từ doanh nghiệp nhà nước, PLC đã xây dựng được hệ thống các khách hàng là các SOEs trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, Bộ xây dựng, Bộ Quốc phòng và các doanh nghiệp nhà nước cấp tỉnh. Mạng lưới khách hàng này là một yếu tố quan trọng giúp PLC có thể nhận được các hợp đồng cung cấp nhựa đường khi so với các doanh nghiệp nước ngoài.
Tận dụng lợi thế từ kênh phân phối PLX
Thông qua đại diện của Petrolimex từng địa phương đảm nhận phân phối dầu nhớt, PLC không tìm kiếm các nhà phân phối dầu nhớt tại địa phương để phân phối sản phẩm như các nhãn hiệu thông thường. Thay vào đó, PLC chủ yếu tiếp cận kênh bán lẻ thông qua các trạm dịch vụ ( trạm xăng dầu) của Petrolimex thay vì hợp tác với các điểm sửa xe/ rửa xe độc lập như các thương hiệu khác (bán qua cây xăng chiếm hơn 60% sản lượng mỗi năm của PLC).
Với 3.000 đại lý và hơn 2.800 trạm xăng dầu của Petrolimex, PLC cộng sinh khá thành công để dẫn đầu trong mảng dầu nhớt phục vụ cho dân dụng, công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng nhất là các công trình có vốn đầu tư công.
Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (mã PLC)
Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex , tiền thân là Công ty Dầu nhờn được thành lập ngày 09/06/1994 theo Quyết định số 745/TM/TCCB của Bộ Thương Mại.
Năm 1998, Công ty Dầu nhờn được đổi tên thành Công ty Hóa dầu trực thuộc Tổng Công ty XD Việt Nam theo Quyết định số 1191/1998/QĐ-BTM, ngày 13/10/1998 của Bộ Thương Mại.
Để đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời kỳ mới, năm 2003 Công ty Hóa dầu được cổ phần hóa theo Quyết định số 1801/2003/QĐ/BTM ngày 23/12/2003 của Bộ Thương mại là công ty thành viên của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam. Ngày 31/12/2003 Công ty đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thành lập Công ty CP Hóa dầu Petrolimex và ngày 01/03/2004 Công ty chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, với số Vốn Điều lệ ban đầu là 150 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty xăng dầu Việt Nam nắm giữ cổ phần chi phối với tỷ lệ 85%.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2004, ngày 25/04/2005 đã chính thức thông qua đề án “Cấu trúc lại Công ty CP Hóa dầu Petrolimex” hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, theo đó Công ty CP Hóa dầu Petrolimex là Công ty mẹ. Công ty mẹ có trụ sở Văn phòng tại Tầng 18, Số 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội; có 04 Chi nhánh Hóa dầu (CNHD): CNHD Hải Phòng, CNHD Đà Nẵng, CNHD Sài Gòn và CNHD Cần Thơ; có 02 Nhà máy dầu nhờn (NMDN): NMDN Thượng Lý tại TP Hải Phòng và NMDN Nhà Bè tại TP Hồ Chí Minh; có 01 Kho chứa Dầu mỡ nhờn tại Đức Giang, Long Biên, Hà Nội.
Ngày 27/12/2005, HĐQT Công ty CP Hóa dầu Petrolimex đã quyết định thành lập 02 Công ty con là Công ty TNHH Nhựa đường Petrolimex và Công ty TNHH Hóa chất Petrolimex, với số vốn điều lệ ban đầu của mỗi công ty con là 50 tỷ đồng, do Công ty CP Hóa dầu Petrolimex sở hữu 100% vốn điều lệ. Hai Công ty con chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 01/03/2006.
Ngày 27/12/2006, cổ phiếu của Công ty đã chính thức niêm yết trên TTGDCK Hà Nội, với mã chứng khoán PLC. Trong năm 2007, Công ty đã thực hiện chào bán cổ phần, tăng Vốn Điều lệ Công ty từ 150 tỷ đồng lên 161,272 tỷ đồng. Qua các năm từ 2008 đến nay, thực hiện các phương án tăng Vốn điều lệ; đến thời điểm 03/04/2013, Vốn điều lệ của Công ty là 602.239.780.000 đồng, trong đó Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có số vốn góp là 476.302.120.000 đồng, nắm giữ 79,07% tổng số vốn điều lệ; các cổ đông khác chiếm 20,93%.
Ngày 31/05/2011, Thủ Tướng Chính phủ đã có quyết định số 828/QĐ-TTg về việc phê duyệt Phương án cổ phẩn hóa và cơ cấu lại Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam thành Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, trong đó có nội dung tái cấu trúc Công ty CP Hóa dầu Petrolimex thành Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex.
Ngày 10/07/2012, Đại hội đồng cổ đông Công ty CP Hóa dầu Petrolimex đã thống nhất, ban hành Nghị Quyết số 02/NQ-PLC-ĐHĐCĐ trong đó có nội dung về việc đổi tên Công ty CP Hóa dầu Petrolimex thành Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex
Thực hiện chỉ đạo, ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 27/11/2012 Bộ Công thương đã ban hành văn bản 11490/BCT-TCCB, thông báo ý kiến về đề án tái cơ cấu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, theo đó Bộ Công thương đồng ý “thực hiện cơ cấu lại các đơn vị thành viên của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam để hình thành các Tổng Công ty cổ phần chuyên ngành Hóa dầu, Gas, Bảo hiểm theo Luật doanh nghiệp, trong đó Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex là Doanh nghiệp do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nắm giữ trên 75% Vốn điều lệ, hoạt động trong lĩnh vực chuyên doanh Hóa dầu”.
Ngày 05/02/2013, Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 047/2013/PLX-NQ-HĐQT về việc phê duyệt “Đề án cơ cấu lại để hình thành Tổng Công ty cổ phần Hóa dầu Petrolimex”.
Trên cơ sở các quy định của Pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch đầu tư và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty CP Hóa dầu Petrolimex đã tiến hành các thủ tục liên quan để đăng ký thay đổi tên Công ty CP Hóa dầu Petrolimex thành Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex. Ngày 03/04/2013, Sở Kế hoạch và đầu tư Thành phố Hà Nội đã hoàn thiện các thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 14 cho Công ty CP Hóa dầu Petrolimex, theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới, Công ty Cổ phần Hóa dầu Petrolimex đã chính thức được chấp thuận đổi tên thành Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex với các nội dung chính sau:
Tên Tiếng Việt: TỔNG CÔNG TY HÓA DẦU PETROLIMEX
Tên Tiếng Anh: PETROLIMEX PETROCHEMICAL CORPORATION
Tên viết tắt: PLC.
Lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính:
Kinh doanh, xuất nhập khẩu Dầu mỡ nhờn, Nhựa đường, Hóa chất (trừ Hóa chất Nhà Nước cấm) và các mặt hàng khác thuộc lĩnh vực sản phẩm dầu mỏ và khí đốt.
Kinh doanh, xuất nhập khẩu: vật tư, thiết bị chuyên ngành Hóa dầu.
Kinh doanh dịch vụ: vận tải, cho thuê kho bãi, pha chế, phân tích thử nghiệm, tư vấn và dịch vụ kỹ thuật Hóa dầu.
Kinh doanh bất động sản.
Kinh doanh dịch vụ cung ứng tàu biển.
232817
17:07 24/05/2023
Rất ngon nhờ lợi thế đặc thù. 12 dự án thành phần thuộc Cao tốc Bắc – Nam giai sẽ cần 2,4 triệu tấn nhựa đường, tương đương mức sản lượng tiềm năng của PLC có thể cung cấp trong 5 năm tới. Đây sẽ là động lực tăng trưởng nếu PLC có thể tham gia cung cấp cho các dự án này. Lợi thế cạnh tranh cao giúp gia tăng khả năng nhận được các hợp đồng. Nhờ hệ thống kho trải dài từ Bắc vào Nam, cùng năng lực sản xuất hàng năm là 400.000 tấn, cao nhất thị trường, khiến PLC có lợi thế rất lớn để cung cấp nhựa đường đúng lúc với chi phí hiệu quả cho bất kì dự án nào.