Doanh thu Q2-2024 đạt 1.243 tỷ đồng (+20% YoY) nhờ doanh thu tôm tăng 21% với sản lượng tăng 22% YoY chủ yếu đến từ thị trường Nhật trong khi giá bán tôm theo VND giảm 1% YoY do giá thị trường Nhật chưa hồi phục.
Giá bán tuy giảm, nhưng biên gộp cải thiện mạnh mẽ với mức tăng 4,7 pps YoY. Điều này đến từ tỷ lệ tự chủ tôm nguyên liệu tăng mạnh do sản lượng tôm nguyên liệu tự nuôi tăng cao, thông qua việc 200ha vùng nuôi mới (tổng vùng nuôi hiện tại là 525ha) được thu hoạch trong Q1/2024 được bán trong Q2/2024.
Bên cạnh đó, sự phục hồi mạnh mẽ 17,9 pps QoQ của biên gộp mảng nông sản nhờ giá bán tăng cũng giúp cải thiện biên gộp tổng phần nào.
Tuy nhiên, việc không được hoàn thuế chống bán phá giá do chưa có kết quả cuối cùng của thuế chống bán giá và ghi nhận dự phòng thuế chống trợ cấp trong đã làm chi phí bán hàng tăng cao (năm 2023 là số dương 10 tỷ đồng). Từ đó, LNST CTM giảm nhẹ 7% YoY và đạt 66 tỷ đồng.
Tỷ giá JPY/VND cải thiện hỗ trợ đà tăng giá bán cho nửa cuối 2024
Cho nửa cuối năm 2024, doanh thu sẽ đạt 3.731 tỷ đồng (+22% YoY) tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sản lượng tôm tăng 12% YoY và giá bán theo VND trung bình ước tăng 9% YoY.
Giá bán tăng 9% YoY do (1) giá bán nửa cuối 2023 ở mức thấp và (2) giả định giá bán tăng 3% QoQ trong Q3/2024 và đi ngang trong Q4/2024 nhờ sự hồi phục dần của tỷ giá JPY/VND (thị phần xuất khẩu của FMC tại Nhật là 34%).
Mặc dù FMC ghi nhận doanh thu theo USD tại thị trường Nhật nhưng tỷ giá JPY/USD tăng sẽ giúp FMC quy đổi được nhiều USD hơn và thu được về nhiều VND hơn. Cho nên, giá bán FMC vẫn hưởng lợi theo JPY/VND tăng. Tỷ giá JPY/VND hiện đang cao hơn 5% QoQ.
Sản lượng tăng trưởng nhờ mùa lễ hội cuối năm và nền kinh tế các nước hồi phục sau khi Fed cắt lãi suất. Sản lượng xuất khẩu trong T7/2024 cũng duy trì mức tăng trưởng 7% YoY báo hiệu đà tăng trưởng vẫn còn duy trì.
Từ đó, tăng dự phóng doanh thu cả năm 2024 lên 6.435 tỷ đồng (+26% YoY) và tăng biên gộp từ 10,1% lên 11% nhờ giá bán theo VND tăng.
Bên cạnh đó, theo thông tin trao đổi với ban lãnh đạo, việc hoàn thuế chống bán phá giá (CBPG) khó xảy ra trong nửa cuối 2024 do kết quả về thuế CBPG cuối cùng dự kiến đến năm 2025. Vì vậy, chi phí bán hàng trong nửa cuối 2024 dự kiến sẽ tăng 22% YoY do sản lượng xuất khẩu tăng 12% YoY cũng như giá cước trong nửa cuối 2024 kỳ vọng giảm dần và chỉ còn cao hơn 2,5 lần so với cùng kỳ.
Từ đó, LNST CTM tăng lên 342 tỷ đồng (+24% YoY). EPS 2024 sau điều chỉnh quỹ phúc lợi tương đương là 5.185 đồng (+22,84% YoY).
Rồng Việt sử dụng kết hợp phương pháp định giá dòng tiền (FCFF) và so sánh bội số P/E để xác định giá mục tiêu của FMC.
Rồng Việt tăng 6% giá mục tiêu cho 12 tháng tới từ 52.600 đồng/cổ phiếu lên 55.800 đồng/cổ phiếu, tương đương P/E forward năm 2024 là 10,8x và khuyến nghị TÍCH LŨY cổ phiếu này.
Thành viên cập nhật ngày 18/11/2023: kinh doanh vượt trội so với toàn ngành, SSI khuyến nghị KHẢ QUAN
Luận điểm đầu tư
SSI duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu FMC và đưa ra giá mục tiêu 1 năm là 55.500 đồng/cổ phiếu. SSI duy trì luận điểm tích cực về cổ phiếu FMC do thị trường Nhật Bản có giá bán trung bình cao hơn, mức độ cạnh tranh thấp hơn và rào cản gia nhập cao do người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm có giá trị gia tăng từ Việt Nam.
• FMC ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ (NPATMI) Q3/2023 lần lượt đạt 1,8 nghìn tỷ đồng (tăng 2% svck, tăng 74% so với quý trước) và 82 tỷ đồng (tăng 6% svck, tăng 15% so với quý trước).
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần và NPATMI lần lượt đạt 3,8 nghìn tỷ đồng (giảm 15% svck) và 196 tỷ đồng (giảm 15% svck), kết quả doanh thu của FMC khả quan hơn so với thị trường xuất khẩu tôm trong nước nói riêng (giảm 26% svck) và thị trường xuất khẩu thủy sản nói chung (giảm 22% svck). Doanh thu thuần tháng 10/2023 đạt 18,5 triệu đô (giảm 5% svck, giảm 9% so với tháng trước) và sản lượng tiêu thụ đạt 1.659 tấn (tăng 11% svck, giảm 8% so với tháng trước).
• Vào tháng 10/2023, FMC đã điều chỉnh giảm kế hoạch cho năm 2023, với doanh thu thuần từ 5,9 nghìn tỷ đồng (tăng 3% svck) xuống 4,87 nghìn tỷ đồng (giảm 15% svck) và LNTT từ 400 tỷ đồng (tăng 22% svck) xuống 300 tỷ đồng (giảm 9% svck). Điều này phản ánh kết quả kinh doanh thực tế trong 9 tháng đầu năm 2023 của FMC và tốc độ phục hồi chậm của giá bán trung bình trong Q4/2023.
• Ước tính lợi nhuận: ước tính doanh thu thuần và NPATMI sẽ lần lượt đạt 5,3 nghìn tỷ đồng (giảm 7% svck) và 291 tỷ đồng (giảm 6% svck) trong năm 2023. SSI giảm 7% ước tính doanh thu và 12% ước tính NPATMI do giá bán bình quân phục hồi chậm hơn dự kiến. Trong năm 2024, kỳ vọng doanh thu thuần của và NPATMI của FMC lần lượt đạt 6 nghìn tỷ đồng (tăng 13% scvk) và 363 tỷ đồng (tăng 25% svck).
Kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ là 10,5% trong năm 2023 và 11,2% trong năm 2024, so với mức 11% trong năm 2022 do chi phí sản xuất từ vùng nuôi mới thấp hơn.
• Quan điểm ngắn hạn: kỳ vọng lợi nhuận năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023 do giá bán trung bình và lượng đơn đặt hàng phục hồi, cũng như biên lợi nhuận gộp được cải thiện nhờ vùng nuôi mới của FMC đi vào hoạt động thương mại hoàn toàn.
So với toàn ngành xuất khẩu thủy sản, FMC đã vượt qua giai đoạn xấu nhất (trong Q2/2023) và công ty sẽ ghi nhận mức tăng trưởng svck trong năm 2024. LNTT của FMC đã giảm 34% svck trong Q2/2023 và tăng 5% svck trong Q3/2023. Theo kế hoạch năm 2023 mới của FMC, LNTT ước tính sẽ tăng từ 1% - 5% svck trong Q4/2023.
Các nhà đầu tư nên theo dõi sát doanh thu tháng tháng để đánh giá tốc độ phục hồi trong năm 2024, vì bất kỳ biến động nào về giá bán tôm bình quân và sản lượng tiêu thụ sẽ tác động đến giá cổ phiếu trong ngắn hạn.
12/8/2023 - Định giá cổ phiếu FMC (Thực phẩm Sao Ta): khuyến nghị MUA cho mục tiêu dài hạn
Nhờ tập trung dòng sản phẩm này, tổng doanh thu của FMC đã tăng trưởng 10% mỗi năm trong giai đoạn 2017 - 2022 so với kim ngạch gần như đi ngang của ngành tôm Việt Nam cùng giai đoạn.
Theo Mordor Intelligence, nhu cầu tôm chế biến toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng với CAGR khoảng 2,2%/năm đến năm 2028, kết hợp với ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, đây sẽ là nền tảng để FMC tiếp tục mở rộng xuất khẩu sang các thị trường chủ lực của doanh nghiệp.
Vùng nuôi mới đi vào vận hành từ T6/2023 kỳ vọng là động lực giúp FMC đẩy mạnh xuất khẩu sang EU. EU là thị trường xuất khẩu tôm lớn thứ 3 của FMC, chiếm khoảng 24% tổng doanh thu mỗi năm. Doanh thu xuất khẩu sang EU của FMC gần như đi ngang trong giai đoạn 2019 - 2022, một phần do FMC thiếu nguồn tôm đạt chuẩn để xuất khẩu sang thị trường này. Nhờ vùng nuôi mới đạt chuẩn EU đi vào vận hành, doanh thu xuất khẩu sang EU của FMC sẽ cải thiện rõ nét từ năm 2024.
Công suất nhà máy tăng lên gấp đôi từ đầu năm 2023 là động lực giúp FMC tăng trưởng doanh thu trong dài hạn. Tính đến cuối năm 2022, 4 nhà máy cũ của FMC đã vận hành gần như tối đa công suất. Do đó việc đưa vào vận hành 2 nhà máy mới từ đầu năm 2023 được kỳ vọng sẽ giúp FMC đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu tôm toàn cầu dự báo tăng, đặc biệt từ thị trường EU nhờ lợi thế vùng nuôi mới của doanh nghiệp.
Dự báo tổng doanh thu xuất khẩu của FMC sẽ tăng trưởng nhanh với CAGR = 11%/năm trong giai đoạn 2024F - 2028F nhờ công suất chế biến tăng từ các nhà máy mới.
Bằng cách sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền, FPTS xác định giá mục tiêu cổ phiếu FMC là 57.300 đồng/cp và khuyến nghị MUA cổ phiếu FMC cho mục tiêu trung và dài hạn.
Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, Fimex VN, mã chứng khoán FMC
Tiền thân là doanh nghiệp 100% vốn Ban TCQT Tỉnh uỷ Sóc Trăng, thành lập ngày 20/1/1995, đi vào hoạt động 3/2/1996 chuyên chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. Đến 1/1/2003 doanh nghiệp được cổ phần và đổi tên là Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, tên thương mại FIMEX VN. Ngày 7/12/2006 cổ phiếu FIMEX VN lên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM với mã tên FMC và phần vốn Văn phòng Tỉnh uỷ Sóc Trăng sở hữu đến nay chỉ còn dưới 3%.
Với vị trí nhà máy chế biến đặt tại TP Sóc Trăng, gần trục lộ giao thông chính, kề bên khu dân cư và cách vùng nguyên liệu tôm trọng điểm của tỉnh từ 20-30 km, FMC thuận lợi trong việc vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm, thu hút lao động cũng như mở rộng ngành nghề sau này.
FMC đã đặt được nền tảng vững chắc ở các thị trường lớn là EU, Nhật Bản và Hoa Kỳ; đồng thời giữ một thị phần khá tốt ở Hàn Quốc, Úc. Trình độ chế biến sản phẩm tôm ở FMC thuộc hàng đầu ở Việt Nam và đã được tiêu thụ ở các hệ thống nhà hàng, hệ thống phân phối lớn.
Từ năm 2008, FMC đã lập thêm nhà máy chế biến nông sản (Nhà máy Thực phẩm An San), tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Nhật Bản với các sản phẩm chính là kakiage, rau củ trộn (vegetable mixed), khoai lang, đậu bắp, cà tím, ớt chuông… , ở dạng hấp, chiên, tươi, phối chế…Nhận thấy tình hình nuôi tôm đang phát triển, từ đầu năm 2015, FMC đưa thêm nhà máy chế biến tôm đông lạnh mới xây xong vào hoạt động (Nhà máy Thủy sản Sao Ta – STSF), tăng công suất chế biến thêm 60%. Từ cuối năm 2018 Nhà máy Tin An chuyên chế biến tôm bao bột đi vào hoạt động.
FMC có vùng nuôi tôm riêng rộng 270 hecta, đạt chuẩn BAP, ASC tạo thêm an tâm về tôm sạch tới khách hàng. Năm 2013, FMC vượt mốc 100 triệu USD doanh số. Phấn đấu doanh số năm 2021 sẽ đạt mốc 200 triệu USD. Với thành tích hơn 25 năm hoạt động hiệu quả cao, Công ty đã được Chính phủ 9 lần tặng thưởng cờ thi đua, danh hiệu Anh hùng lao động và huân chương lao động hạng I, II, III.
Trong chiến lược phát triển của mình, đến năm 2025 FMC sẽ tăng gấp đôi diện tích nuôi tôm, tranh thủ mọi cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại để mở rộng quy mô kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động và nằm trong tốp 2 những nhà chế biến tôm lớn nhất Việt Nam.