Đánh giá cổ phiếu DGW (Digiworld): khuyến nghị MUA, giá mục tiêu 58.700 đồng/cp

FPTS & KIS

07/12/2023 07:38

Định giá lần đầu cổ phiếu DGW – CTCP Thế Giới Số bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFE và FCFF với tỷ trọng 50:50, FPTS xác định mức giá mục tiêu của DGW là 58.700 đồng/cp và khuyến nghị MUA cổ phiếu DGW dựa trên các luận điểm sau:

14591-digiworld-1613974416.jpg
 

LUẬN ĐIỂM ĐẦU TƯ

 Triển vọng năm 2024 khả quan hơn nhờ nhu cầu máy tính xách tay & máy tính bảng và điện thoại di động phục hồi

Doanh thu của DGW năm 2023 ước đạt 19.182 tỷ đồng (-13,0% YoY) do sự sụt giảm doanh thu MTXT và MTB (-12,5% YoY) và doanh thu ĐTDĐ (-24,5% YoY), do lạm phát tăng cao khiến nhu cầu chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu suy giảm và các công ty tài chính tiêu dùng thắt chặt chính sách cho vay tiêu dùng cá nhân.

Tuy nhiên, doanh thu năm 2024 của DGW dự kiến phục hồi +16,0% YoY lên mức 22.253 tỷ đồng, nhờ nhu cầu tiêu thụ chung phục hồi. Đối với MTXT & MTB, doanh thu năm 2024 dự báo đạt 7.071 tỷ đồng (+15,0% YoY) nhờ nền kinh tế chung phục hồi và nhu cầu thay thế MTXT bùng nổ.

Đối với ĐTDĐ, doanh thu năm 2024 dự kiến đạt 9.414 tỷ đồng (+15,9% YoY) nhờ nhu cầu tiêu thụ chung được phục hồi và triển vọng tiêu thụ điện thoại thông minh giá rẻ khả quan nhờ việc tắt sóng 2G trong năm 2024.

 Thiết bị công nghiệp là động lực tăng trưởng chính trong mảng thiết bị văn phòng

Doanh thu thiết bị công nghiệp được hợp nhất vào kết quả kinh doanh của DGW trong năm 2023 khi DGW nâng tỷ lệ sở hữu CTCP Achison lên 60% vào cuối T12/2022.

Thiết bị công nghiệp sẽ là phân khúc có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong mảng thiết bị văn phòng. Cụ thể, doanh thu thiết bị công nghiệp ước tính sẽ đạt 550 tỷ đồng trong năm 2023, và sẽ tăng trưởng với CAGR = +22,0/năm trong giai đoạn 2023-2028F, nhờ xu hướng Việt Nam trở thành công xưởng của thế giới và M&A các doanh nghiệp trong ngành.

 Thiết bị gia dụng và hàng tiêu dùng có triển vọng khả quan

Doanh thu thiết bị gia dụng năm 2023 dự kiến đạt 706 tỷ đồng (+27,0% YoY), và sẽ tăng trưởng với mức CAGR =+19,5%/năm giai đoạn 2023-2028F nhờ ti vi Xiaomi kỳ vọng gia tăng thị phần và liên tục mở rộng danh mục sản phẩm mới, với tủ lạnh và máy điều hòa Xiaomi trong năm 2024. Tương tự, doanh thu hàng tiêu dùng năm 2023 dự kiến đạt 688 tỷ đồng (+73,3% YoY), chủ yếu đến từ việc bổ sung thêm nhãn hàng bia ABInBev.

Giai đoạn 2023-2028F, doanh thu hàng tiêu dùng sẽ tăng trưởng với CAGR =+20,3%/năm, nhờ triển vọng tích cực từ mảng đồ uống khi DGW mở rộng thêm danh mục sản phẩm bia để thâm nhập sâu hơn vào kênh phân phối và ngành bia được dự báo có tăng trưởng tương cao.

 Cơ cấu tài chính lành mạnh, khả năng thanh toán vẫn ở mức an toàn

DGW có cơ cấu đòn bẩy lành mạnh nhất trong các DN bán lẻ/bán buôn ICT khi DGW luôn duy trì tỷ trọng nợ vay/TTS ở mức thấp nhất ngành trong giai đoạn 2016-2022, trung bình chỉ ở mức 28,1%.

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm ICT suy yếu và cạnh tranh về giá giữa các nhà bán lẻ, khả năng chi trả lãi vay của DGW vẫn được đảm bảo trong 9T2023 với mức ~3,3 lần, an toàn hơn nhiều so với mức ~1,1 lần của PSD, và mức dưới 1 lần của MWG và FPT Shop

Cập nhật ngày 8/3/2023:Kỳ vọng trong thận trọng

Nhìn chung, ban lãnh đạo dự đoán rằng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng trong năm 2023F sẽ tăng lần lượt 14% n/n và 15% n/n, tăng mạnh kể từ 2H23, cùng với kỳ vọng lãi suất sẽ giảm và lạm phát hạ nhiệt.

Cụ thể, DGW kỳ vọng doanh số bán điện thoại di động trong năm 2023F sẽ tăng 13% n/n, doanh số bán thiết bị văn phòng tăng 17% n/n, doanh số bán thiết bị gia dụng tăng 65% n/n và doanh số bán hàng tiêu dùng tăng 157% n/n.

DGW có thể tăng cường các chiến dịch khuyến mãi, với sự hỗ trợ từ các thương hiệu, để giải phóng hàng tồn kho trong năm 2023F.

Tỉ lệ nợ/VCSH tăng mạnh lên 0.8

Năm 2022, DGW ghi nhận dòng tiền ra ròng 1.3 nghìn tỷ đồng, chủ yếu vào 1Q44 chi trả các khoản phải trả và tăng hàng tồn kho. Theo ban lãnh đạo, tỷ lệ nợ/VCSH tăng từ 0.6 trong 4Q21 lên 0.8 trong 4Q22 nhưng vẫn ở mức có thể kiểm soát được.

DGW đang phải đối mặt với chi phí lãi vay cao do dư nợ vay ngắn hạn cao và lãi suất tăng, cụ thể, chi phí lãi vay tăng 91% q/q và 3.5x n/n lên 42 tỷ đồng trong 4Q22. Chi phí lãi vay tăng gấp 3 lần n/n lên 99 tỷ đồng vào năm 2022.

Định giá DGW

DGW hiện đang giao dịch ở mức PE là 9.5x thấp hơn mức trung bình 5 năm là 11.4x và đối với PB là 2.7x cao hơn 2.4x. PE và PB đang tiệm cận mức trung bình 5 năm.

KIS cho rằng mức định giá này là hợp lý, kèm theo ROE và ROA lần lượt là 33.5% và 10.5% trong 2022.g

Cập nhật ngày 20/2/2021: DGW hoàn toàn có thể tạo nên sự khác biệt và có chân trong chuỗi giá trị phân phối  

Bước 1, đánh chiếm thị trường thiết bị di động

DGW vừa kí kết hợp tác chiến lược với Huawei vào ngày 06/01/2021, theo đó DGW sẽ phát triển thị trường VN ( phân phối độc quyền) cho toàn bộ dãy sản phẩm của Huawei. Huawei chính là người đánh bại Samsung tại châu Âu trước khi xảy ra thương chiến. Tại VN, Huawei có khoảng 3% thị phần thiết bị di động ( quy mô ~ 4 tỷ $) tương đương doanh số gần 3.000 tỷ đồng, chưa kể thiết bị mạng viễn thông. Việc kí kết với Huawei giúp DGW lấp đầy các phân khúc thiết bị di động bao gồm : Xiaomi – trung cấp, Huawei – trung cao , Apple – cao cấp.

Các tên tuổi lớn khác trên thị trường di động còn lại là Samsung ( ~ 30% thị phần), Oppo và các thương hiệu liên quan ( Oppo, Vivo, Realme ~ 20%). Dưới bàn tay của DGW, Xiaomi tiếp tục tăng trưởng với 12% thị phần, Apple khả năng sẽ mở rộng thêm thị phần ( đang ở mức 5-6%) trong năm 2021 nhờ chiến lược giá tốt của DGW, sản phẩm Apple từ DGW đang đánh bật hàng xách tay lẫn các kênh chính thức bán giá cao . Cùng với đối tác mới Huawei, DGW khả năng nắm chắc 30% thị phần thiết bị di động tại Việt Nam. Cũng không loại trừ có thể có thêm các thương hiệu mới về với DGW nhờ khả năng phân phối hiệu quả, chi phí thấp và tính linh hoạt cao.

Biên lợi nhuận ngành hàng ICT tương đối mỏng ( 6-7%), nhưng đây là bước quan trọng để thực hiện việc tạo “ thị trường” cho các mặt hàng sau này của hệ sinh thái. Trong khoảng 1-2 năm tới khi tốc độ phủ sóng của mạng lưới 5G được đẩy mạnh tại Việt Nam, mặt bằng chung thiết bị di động sẽ đồng loạt nâng lên chuẩn 5G, đồng nghĩa với việc giá trị thị trường sẽ nâng lên theo. Tổng dung lượng thị trường thiết bị di động Việt Nam có thể chạm mốc 5 tỷ $ trong 2 năm tới. DGW phải nắm 30% thị phần mảng này.

Bước 2, mở rộng hệ sinh thái

Thiết bị di động là chìa khóa, “bộ não” điều khiển của toàn bộ hệ sinh thái thông minh trong cuộc sống người dùng. Cả 3 thương hiệu di động mà DGW đang phân phối đều đang có hệ sinh thái rất rộng và liên kết chặt chẽ.

Hệ sinh thái của Xiaomi hiện tại có khoảng 2000 sản phẩm, trong đó có khoảng 600 thiết bị các loại từ chuông cửa, đèn ngủ, cân điện tử, nồi cơm điện thông minh cho tới robot hút bụi, máy lọc khí thông minh…đều kết nối được với “bộ não” là smartphone Xiaomi.

Xu hướng tích hợp internet vạn vật ( Internet of Things) phục vụ đời sống đang mạnh hơn bao giờ hết, thiết bị gia dụng cũng phát triển theo hướng thông minh hơn ( tivi, quạt, tủ lạnh, điều hòa, máy giặt…tích hợp điều khiển thông qua app).

Thị trường thiết bị gia dụng, điện máy của Việt Nam có giá trị khoảng 6,3 tỷ $, hiện vẫn chủ yếu phân phối theo kênh truyền thống tại các siêu thị, đại siêu thị với chi phí vận hành rất cao cả về mặt bằng và chi phí hoạt động. Xu hướng “ thông minh” hóa các thiết bị gia dụng, đồng thời với khả năng tiết kiệm chi phí cũng như hệ thống logistic cực nhanh và rộng hiện nay của Việt Nam. Thị trường gia dụng hoàn toàn có thể chuyển dịch lên kênh online với mức độ tiếp cận vô cùng dễ dàng cho người mua cùng với giá bán rất tốt nhờ tiết giảm chi phí.

DGW hoàn toàn có thể xâm nhập thị trường 6,3 tỷ $ này nhờ xu hướng “thông minh” hóa thiết bị gia dụng gắn liền với hệ sinh thái thiết bị di động mà DGW đang phân phối. Minh chứng là DGW từng cân nhắc một dự án về Tivi thông minh cùng Xiaomi tại Việt Nam.

Việc DGW phân phối mạnh thiết bị di động sẽ tạo ra lớp khách hàng có nhu cầu mở rộng hệ sinh thái thông minh khi thay thế dần các sản phẩm điện gia dụng cơ bản cho đến sản phẩm cồng kềnh. Thị trường gia dụng thông minh là nơi kiếm thêm 1,x tỷ $ doanh thu cho DGW.

Bước 3, thâm nhập thị trường tiêu dùng

Bất cứ sản phẩm được tiêu chuẩn hóa nào cũng có thể phân phối online, đặc biệt là sản phẩm được đóng gói như các sản phẩm FMCG (hàng tiêu dùng nhanh : chất tẩy rửa, chăm sóc cơ thể, chăm sóc gia đình, đồ uống, sữa và sản phẩm từ sữa, bánh kẹo, thực phẩm đóng gói…). Đặc biệt, covid-19 đã khiến mua sắm hàng tiêu dùng online tăng trưởng 3 chữ số do tình trạng giãn cách và ngại tiếp xúc trực tiếp.

Điều này khiến các nhãn hàng tiêu dùng nhanh như P&G hay Unilever đẩy nhanh tốc độ online hóa kênh phân phối. Tại VN, Unilever bắt tay với DGW ( B2C), các ông lớn như Vin cũng nhảy vào thị trường FMCG với nền tảng quản lý và đặt hàng online cho các chủ cửa hàng tạp hóa ( B2B).

Mỗi năm người Việt chi cho tiêu dùng khoảng 137 tỷ $, trong đó chi cho FMCG ở mức ~ 23 tỷ $. Thị trường này là vô cùng rộng lớn và cạnh tranh rất khốc liệt giữa các mô hình phân phối và các hệ thống phân phối ( chợ, tạp hóa, siêu thị, đại siêu thị, online, kiot, bán hàng lưu động….). Kênh tạp hóa đang chiếm 50% thị phần phân phối do mạng lưới hơn 1 triệu điểm bán trên cả nước ( đây cũng là lý do Vin nhảy vào phục vụ kênh này).

Câu hỏi đặt ra là liệu DGW có thể thực hiện được điều này hay không ở rất nhiều mảng khác biệt. Câu trả lời cần có thời gian, tuy nhiên một điển hình tương tự đã thành công là DKSH. Tập đoàn Thụy Sỹ này là điển hình của dịch vụ phát triển thị trường và vận hành chuỗi cung ứng thành công. DKSH xây dựng hệ thống phân phối các sản phẩm cho hãng chocalate cho tới thiết bị di động của Samsung và cả vật tư công nghiệp.

Doanh thu 2020 của tập đoàn này xấp xỉ 12 tỷ $. DKSH cũng hoạt động tại Việt Nam với vai trò phát triển thị trường cho các nhãn hàng nước ngoài chủ yếu ở mảng FMCG. Vì vậy, với một thị trường tiêu dùng mà kênh phân phối chưa được tối ưu như Việt Nam, DGW hoàn toàn có thể tạo nên sự khác biệt và có chân trong chuỗi giá trị phân phối FMCG này và kiếm những tỷ $ doanh thu còn lại của mục tiêu tại đây.

Nhập ghi chú

Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld, mã DGW)

Thành lập năm 1997, Công ty Hoàng Phương – Tiền thân của công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld).
Đến nay, 30 thương hiệu công nghệ nổi tiếng trên thế giới lựa chọn Digiworld là công ty cung cấp dịch vụ phát triển thị trường; phân phối chính thức tại Việt Nam.
Digiworld hiện có hệ thống phân phối với 16.000 đại lý.
Hiện tại, Digiworld là công ty cung cấp giải pháp phân phối điện tử đầu tiên tại Việt Nam.

Năm 2015, Digiworld trở thành công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) với mã chứng khoán "DGW", đánh dấu bước phát triển mới của công ty.

Năm 2017, Digiworld đặt chân vào hai ngành hàng mới là ngành hàng Chăm sóc Sức khoẻ và ngành hàng Tiêu dùng. Với chuỗi dịch vụ giá trị gia tăng toàn diện, linh hoạt, bao gồm: Phân tích thị trường, Tiếp thị, Bán hàng, Hậu cần, Dịch vụ Hậu mãi, Thương mại điện tử D2C, Vận hành cửa hàng cho thương hiệu, Digiworld giúp các thương hiệu thâm nhập, phát triển thị trường nhanh chóng và hiệu quả tại Việt Nam.

Trải qua hơn 2 thập kỷ tạo dựng uy tín, Digiworld được vinh dự nhận được nhiều giải thưởng và xếp hạng danh giá:

Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam do tổ chức Brand Finance của Anh bình chọn.

Top 10 Doanh nghiệp bền vững trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp bền vững Việt Nam do VCCI tổ chức

Top 500 Doanh nghiệp Lớn nhất và Lợi nhuận tốt nhất Việt Nam (VNR500 & PROFIT500)

Top 3 Doanh nghiệp Niêm yết được các nhà Đầu tư bình chọn cao nhất

APEA 2018, Giải thưởng Doanh nghiệp kinh doanh Xuất sắc châu Á 2018 do Enterprise Asia - Tổ chức Phi chính phủ hàng đầu về kinh doanh tại Châu Á bình chọn

Cơ cấu cổ đông Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld, mã DGW)

Trong cơ cấu cổ đông của DGW, ông Đoàn Hồng Việt (chủ tịch HĐQT của DGW) đại diện 32% tỷ lệ sở hữu thông qua Công ty TNHH Created Future – ông Việt làm chủ tịch HĐTV.

Xếp theo sau là nhóm Công ty TNHH DKP, Công ty TNHH DHV và Công ty TNHH TOHT cũng thuộc sở hữu của ban HĐQT, lần lượt của bà Đặng Kiện Phương (TV HĐQT kiêm TGĐ), ông Đoàn Hồng Việt và bà Tô Hồng Trang (TV HĐQT kiêm phó TGĐ). Nhóm này chiếm tổng cộng 13% tỷ lệ sở hữu.

DGW hiện sở hữu trực tiếp 100% công ty TNHH MTV Digiworld Venture (công ty con) và 49% CTCP Tập đoàn B2X Việt Nam (công ty liên kết). Mỗi công ty này sẽ có trách nhiệm quản lý các công ty thành viên, liên doanh liên kết.

FPTS & KIS
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.