Nội dung này được Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo – mã chứng khoán DPM) thông qua tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 hôm 29/3, tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại phiên họp, đại diện PVFCCo đánh giá 2023 là năm có nhiều thách thức với PVFCCo và cả ngành phân bón, hóa chất. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo sản xuất và kinh doanh.
Kết quả, năm 2023 PVFCCo đạt sản lượng sản xuất 815.540 tấn urê, đạt 104% kế hoạch; 121.130 tấn NPK đạt 101% kế hoạch. Năm 2023, tổng sản lượng kinh doanh các mặt hàng phân bón đạt gần 1,3 triệu tấn, trong đó, 879.000 tấn Đạm Phú Mỹ, 138.000 tấn NPK Phú Mỹ, 266.000 tấn phân bón khác. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng kinh doanh khoảng 118.000 tấn hóa chất, đem lại tổng doanh thu 14.037 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 690 tỷ đồng.
Từ kết quả kinh doanh năm ngoái cùng dự báo tình hình năm 2024, PVFCCo đặt kế hoạch sản xuất 850.000 tấn urê, 143.000 tấn NPK. Doanh thu hợp nhất 12.755 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 660 tỷ đồng, chia cổ tức ở mức 15%.
Theo đại diện doanh nghiệp này, vì giá bán dự kiến tiếp tục giảm nên doanh thu kế hoạch ở mức thấp hơn mức thực hiện năm ngoái, nhưng PVFCCo vẫn đặt mục tiêu duy trì lợi nhuận ở mức gần tương đương. "Đây vẫn là các chỉ tiêu đầy thách thức, đòi hỏi nỗ lực rất lớn để hoàn thành", đại diện PVFCCo nhận định.
Tại phiên họp, Đại hội đồng cổ đông đã tiến hành miễn nhiệm, bầu mới một số thành viên HĐQT. Theo đó, Đại hội miễn nhiệm hai thành viên HĐQT gồm ông Hoàng Trọng Dũng và ông Dương Trí Hội; bầu ông Nguyễn Xuân Hòa và ông Phan Công Thành vào HĐQT
Trong phần thảo luận, Đoàn chủ tịch đã ghi nhận, cập nhật và trả lợi cổ đông các câu hỏi về nguồn khí, giá khí, tình hình nguyên liệu, kết quả kinh doanh, các sản phẩm chính, khả năng thoái vốn... Các cổ đông cũng đóng góp thêm các giải pháp mới và bày tỏ niềm tin vào Ban lãnh đạo PVFCCo.
Phát biểu tại phiên họp, ông Bùi Minh Tiến, đại diện Petrovietnam – công ty mẹ, cổ đông lớn đánh giá năm 2023 là một năm rất khó khăn với ngành phân bón nói chung và PVFCCo nói riêng khi nguồn nguyên liệu suy giảm, sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt.
Do đó, ông Bùi Minh Tiến đề xuất, PVFCCo cần phối hợp với PVGas để có nguồn và giá khí tối ưu, sản xuất an toàn ổn định, đồng thời củng cố, tăng cường phát triển hệ thống phân phối bền vững, giữ vững được thương hiệu. Đồng thời, PVFCCo cũng cần đẩy mạnh công đầu tư, đột phá hơn về công tác nghiên cứu phát triển chuyển dịch sang xu hướng mới như giảm phát thải và thực hiện đề án tái cấu trúc kết hợp đổi mới mô hình kinh doanh.
Cập nhật ngày 8/12/2022: Lợi nhuận cao kỷ lục, dự kiến nâng tỷ lệ cổ tức lên 70%
Ngày 27/12, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP (HOSE: DPM) sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2022.
Trong đó, nội dung đáng chú ý là việc doanh nghiệp sẽ trình cổ đông thông qua việc điều chỉnh kế hoạch cổ tức năm 2022.
Cụ thể, vào tháng 6 vừa qua, Đạm Phú Mỹ đã thông qua tỷ lệ chi cổ tức năm 2022 là 50% vốn điều lệ (tương ứng 5.000 đồng/cp). Dù vậy, 9 tháng đầu năm 2022, công ty thu về 13.906 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 5.435 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Trước kết quả kinh doanh trong 3 quý đầu năm, Đạm Phú Mỹ đã quyết định chi trả cổ tức cao hơn kế hoạch với 70% vốn điều lệ (tương ứng một cổ phần được nhận 7.000 đồng/cp).
Cập nhật ngày 3/7/2021: DPM bị yêu cầu điều chỉnh tăng 240 tỷ đồng lợi nhuận
Kiểm toán Nhà nước mới đây có thông báo về kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ) trong năm 2020.
Theo kết quả Kiểm toán Nhà nước, doanh thu và lợi nhuận năm ngoái lần lượt là 8.203 tỷ đồng và 941 tỷ. Trong khi đó báo cáo hợp nhất sau kiểm toán độc lập công bố 8.040 tỷ doanh thu và 702 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Như vậy, chênh lệch doanh thu là 163 tỷ đồng (2%) và chênh lệch lợi nhuận là 239 tỷ đồng (34%) so với báo cáo kiểm toán độc lập.
Kiểm toán Nhà nước lý giải chênh lệch là do chi phí sửa chữa bảo dưỡng tổng thể rà soát lại trước khi thực hiện giảm 83 tỷ đồng so với dự toán, chi phí bán hàng giảm 23 tỷ đồng do phân bổ lại chi phí vận chuyển, điều chỉnh giảm chi phí các năm trước, thu nhập khác tăng do ghi nhận bổ sung bảo hiểm do sự cố gián đoạn kinh doanh 91 tỷ đồng.
Cơ quan này yêu cầu Đạm Phú Mỹ rà soát lại các nghiệp vụ trong niên độ kế toán, điều chỉnh số liệu trên sổ kế toán năm 2020. Đồng thời doanh nghiệp phải nộp bổ sung các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp (29,3 tỷ đồng), thuế giá trị gia tăng (gần 182 triệu đồng) và thuế thu nhập cá nhân (1,7 tỷ đồng).
Đạm Phú Mỹ là một trong 2 nhà máy phân bón thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Công ty này đang hưởng lợi nhờ nhu cầu và giá phân bón tăng mạnh thời gian qua. Báo cáo 5 tháng đầu năm, Đạm Phú Mỹ ghi nhận sản lượng sản xuất phân NPK vượt kế hoạch 17% và tăng 69% so với cùng kỳ 2020. Hoạt động tiêu thụ NPK cũng vượt kế 5% kế hoạch và cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, Đạm Phú Mỹ, mã DPM)
Công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí (nay là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP) là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 02/2003/QĐ-VPCP ngày 28/03/2003 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19/01/2004.
Ngày 21/9/2004, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP đã tiếp nhận Nhà máy đạm Phú Mỹ từ Tổ hợp nhà thầu Technip - Samsung và chính thức quản lý, vận hành đưa sản phẩm phân urê thương hiệu Đạm Phú Mỹ ra thị trường.
Ngày 15/03/2007, Bộ Công nghiệp đã ra Quyết định số 793/QĐ-BCN về việc phê duyệt phương án và chuyển đổi Công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí với 100% vốn nhà nước thành Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Dầu khí hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần.
Ngày 21/04/2007, Công ty đã thực hiện thành công việc chào bán 40% cổ phần ra công chúng tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM.
Ngày 30/06/2007, Công ty đã tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông thành lập Công ty cổ phần, thông qua Điều lệ công ty, bầu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và thông qua các kế hoạch kinh doanh sau khi Công ty cổ phần chính thức đi vào hoạt động.
Ngày 31/08/2007, Sở Kế hoạch Đầu tư TP. HCM đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký số 4103007696 và Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Dầu khí chính thức đi vào hoạt động.