Quyết định chuyển cổ phiếu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch vừa được Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo chiều 5/7.
Trước đó, Sở cũng đưa mã này vào diện kiểm soát từ đầu tháng 5 vì chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 30 ngày. Hồi cuối tháng 3, Vietnam Airlines từng xin Uỷ ban Chứng khoán, HoSE được chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2022 nhưng không được chấp thuận.
Trong lần giải trình đầu tháng 5, Vietnam Airlines nói đang tái cấu trúc toàn diện, sắp xếp, ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp. Theo hãng bay, đơn vị kiểm toán cũng cần thêm thời gian thu thập, đối chiếu và đánh giá toàn diện các thông tin liên quan để có thể hoàn thành kiểm toán báo cáo tài chính.
HoSE hôm tháng 2 từng cảnh báo cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết nếu lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ âm hoặc vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm. Theo báo cáo tự lập, đến hết năm ngoái, lợi nhuận lũy kế của cổ đông công ty mẹ Vietnam Airlines âm xấp xỉ 32.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty âm hơn 10.000 tỷ đồng.
Nửa đầu năm nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines phục hồi tích cực. Hãng thực hiện khoảng 64.300 chuyến bay, vận chuyển 10,14 triệu lượt khách, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo kết quả sơ bộ, hãng ghi nhận doanh thu hơn 45.200 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ 2022. Mức doanh thu này cũng chỉ kém một chút so với giai đoạn trước dịch năm 2019.
Cuối tháng trước, Vietnam Airlines đã hoãn phiên họp đại hội đồng cổ đông với lý do cần thêm thời gian chuẩn bị. Chưa ấn định ngày tổ chức, hãng chỉ dự kiến phiên họp thường niên diễn ra trước 30/8. Công ty sẽ chốt lại danh sách cổ đông dự họp vào ngày 11/7.
Cập nhật ngày 2/2/2023: Cổ phiếu HVN (Vietnam Airlines) bị vào diện kiểm soát từ ngày 12/5
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đưa ra quyết định này bởi Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.
Hồi cuối tháng 3, Vietnam Airlines cũng từng xin Uỷ ban Chứng khoán, HoSE được chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2022. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đã không chấp thuận đề nghị này.
Giải trình với HoSE về việc chậm công bố thông tin hôm 5/5, Vietnam Airlines nói đang tái cấu trúc toàn diện, sắp xếp, ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp.
Theo hãng bay này, đơn vị kiểm toán cũng cần thêm thời gian để thu thập, đối chiếu và đánh giá toàn diện các thông tin liên quan để có thể hoàn thành kiểm toán báo cáo tài chính. Vietnam Airlines khẳng định đang phối hợp chặt chẽ với đơn vị kiểm toán để công bố báo cáo tài chính trong thời gian sớm nhất.
Theo quy định hiện hành, nếu Vietnam Airlines tiếp tục trễ hẹn công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm ngoái 45 ngày, cổ phiếu HVN sẽ bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.
Cập nhật ngày 2/2/2023: HoSE lại cảnh báo huỷ niêm yết cổ phiếu HVN (Vietnam Airlines)
HoSE vừa tiếp tục cảnh báo nguy cơ huỷ niêm yết cổ phiếu HVN nếu lãi sau thuế công ty mẹ âm tại báo cáo kiểm toán 2022.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm hơn 10.450 tỷ đồng. Đến hết 31/12, lợi nhuận luỹ kế của cổ đông công ty mẹ âm xấp xỉ 34.200 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của hãng bay này âm 10.199 tỷ đồng.
Căn cứ theo điều 120 nghị định 155 quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị huỷ niêm yết trong các trường hợp gồm: lỗ 3 năm liền hoặc tổng lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Do vậy, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) lưu ý Vietnam Airlines về khả năng huỷ niêm yết cổ phiếu HVN nếu tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ hoặc vốn chủ sở hữu âm.
HoSE cũng từng cảnh báo Vietnam Airlines về vấn đề này hồi tháng 9 năm ngoái. Tại thời điểm đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2022, lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ Vietnam Airlines âm hơn 5.100 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế đến 30/6 vượt 28.900 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đã âm xấp xỉ 4.900 tỷ.
Cập nhật ngày 8/9/2022: có thể hủy niêm yết
Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vừa bị lưu ý khả năng hủy niêm yết nếu lợi nhuận và vốn chủ sở hữu năm nay tiếp tục âm.
Hiện tại, cổ phiếu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang nằm trong diện kiểm soát vì vốn chủ sở hữu âm 2.160 tỷ đồng theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 2 năm gần nhất cũng là số âm.
Theo Luật Chứng khoán, cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp như kết quả sản xuất, kinh doanh lỗ trong 3 năm liền hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Do đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa lưu ý Vietnam Airlines khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục ghi nhận lợi nhuận cổ đông công ty mẹ hoặc vốn chủ sở hữu âm.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên, lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ Vietnam Airlines âm hơn 5.100 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế đến 30/6 vượt 28.900 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đã âm xấp xỉ 4.900 tỷ.
Để ngắt mạch thua lỗ, Vietnam Airlines phải đồng thời giải quyết hàng loạt thách thức. Thứ nhất là mức lỗ sau nửa năm đã hơn 5.000 tỷ. Tiếp đến, giá nhiên liệu biến động khó lường. Ngoài ra, các thị trường quốc tế, trong đó chủ yếu là Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật trước đây mang lại phần lớn nguồn thu thì nay chưa phục hồi như kỳ vọng.
Theo kế hoạch được đại hội đồng cổ đông thông qua, Vietnam Airlines đặt kế hoạch doanh thu công ty mẹ hơn 45.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế âm khoảng 9.300 tỷ cả năm nay. Tuy nhiên, các chỉ tiêu này chưa bao gồm doanh thu, lợi nhuận thu được từ việc thoái vốn của Vietnam Airlines đang triển khai tại một số doanh nghiệp thành viên.
Trong giải trình về biện pháp khắc phục chứng khoán bị kiểm soát gửi HoSE hồi đầu tháng 8, Vietnam Airlines cũng cho biết năm nay sẽ thực hiện 3 nhóm giải pháp để khắc phục tình trạng âm vốn chủ và lỗ hợp nhất. Trong đó, doanh nghiệp này sẽ tái cơ cấu danh mục tài sản và danh mục đầu tư để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị phương án phát cổ phiếu để tăng vốn chủ khi được phê duyệt.
Năm ngoái, Vietnam Airlines cũng thoát âm vốn chủ nhờ phát hành gần 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm gần 8.000 tỷ đồng hồi cuối tháng 8. Qua đó, công ty này cũng tránh được khả năng bị hủy niêm yết trên HoSE.
Cập nhật ngày 8/8/2022: giải trình 3 giải pháp thoát lỗ
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa kiến nghị Chính phủ cho phép xem xét là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên HoSE dù âm vốn chủ sở hữu.
Trong báo cáo tài chính quý 2/2022, Vietnam Airlines cho biết, lỗ sau thuế quý 2 của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất giảm mạnh so với quý 2 năm ngoái và đang trong lộ trình giảm so với quý 1 năm nay. Cụ thể, lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty mẹ chỉ còn -2.243 tỷ đồng và lỗ sau thuế hợp nhất là -2.568 tỷ đồng, lần lượt giảm 44% và 43% so với cùng kỳ.
Vietnam Airlines cũng cho biết, đề án cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn 2021-2025 đã được đại hội cổ đông thông qua và đang trình cấp có thẩm quyền. Trong đề án này, năm 2022, Vietnam Airlines sẽ thực hiện 3 nhóm giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu.
Thứ nhất, cải thiện kết quả kinh doanh vận tải hàng không đồng bộ cùng các giải pháp tăng cường thích nghi và sử dụng hiệu quả năng lực sản xuất.
Thứ hai, là tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.
Thứ ba, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cập nhật ngày 27/9/2021: xin Chính phủ cho duy trì niêm yết cổ phiếu trên HoSE
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa kiến nghị Chính phủ cho phép xem xét là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên HoSE dù âm vốn chủ sở hữu.
Theo đó, Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ cho phép xem xét doanh nghiệp này là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoảá TP.HCM (HoSE) trong giai đoạn ngắn có thể bị âm vốn chủ sở hữu. Hãng hàng không quốc gia cũng kiến nghị Chính phủ cho chủ trương xây dựng gói giải pháp hỗ trợ tiếp theo cho doanh nghiệp này cùng với đề án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines.
Song song với đó là kiến nghị Chính phủ cho phép hãng hàng không này sớm mở lại đường bay quốc tế đi/đến các quốc gia được coi là an toàn với Covid-19.
Theo quy định của Luật Chứng khoán, nếu doanh nghiệp có tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất mới công bố, Vietnam Airlines (HVN) đã ghi nhận lỗ lũy kế lên đến 17.772 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ và lần đầu tiên âm vốn chủ sở hữu hơn 2.750 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu thuần quý II vẫn tăng 9% lên gần 6.537 tỷ đồng, các chi phí cố định lớn khiến doanh nghiệp bị lỗ gộp hơn 3.497 tỷ, cao hơn mức lỗ 2.865 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra nguồn thu tài chính cũng sụt giảm 84% do giảm lãi chênh lệch tỷ giá. Lãi tiền gửi, tiền cho vay bằng 1/5 cùng kỳ. Tổng công ty cũng không còn ghi nhận nguồn thu từ khoản thanh lý, nhượng bán tài sản cố định như cùng kỳ. Điểm sáng hiếm hoi là tiết giảm đáng kể chi phí bán hàng và chi phí tài chính.
Kết quả, hãng hàng không quốc gia tiếp tục báo lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ hơn 4.449 tỷ đồng trong quý II, xấp xỉ mức thua lỗ kỷ lục trong quý đầu năm.
Vietnam Airlines lý giải dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến ngành hàng không toàn cầu. Tổng doanh thu của công ty mẹ giảm 26,5% so với cùng kỳ quý II/2020. Ngoài công ty mẹ bị ảnh hưởng, lợi nhuận của các công ty con có liên quan đến dịch vụ cung cấp hàng không cũng giảm mạnh như Veaco, Nasco…
Để bổ sung nguồn tiền, tăng vốn chủ sở hữu, Vietnam Airlines đã thực hiện chào bán cổ phần ưu đãi cho các cổ đông hiện hữu. Theo tài liệu báo cáo kết quả chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của hãng, Vietnam Airlines đã phân phối được hơn 796,1 triệu cổ phiếu phát hành thêm.
Giá chào bán mà hãng hàng không quốc gia đưa ra là 10.000 đồng/cổ phiếu, rẻ hơn rất nhiều so với thị giá 25.900 đồng/cổ phiếu như hiện nay. Như vậy, số tiền hãng bay này vừa thu về khoảng 7.961 tỷ đồng và không thể tìm được cổ đông mua gần 4 triệu cổ phiếu, tương đương, gần 40 tỷ đồng.
Cập nhật ngày 27/7/2021: All Nippon Airways nhượng lại quyền mua 70 triệu cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên
Do đang gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh, cổ đông chiến lược All Nippon Airways của Vietnam Airlines nhượng lại quyền mua 70 triệu cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên hãng bay.
Đại hội đồng cổ đông thương niên 2021 của Vietnam Airlines đã thông qua phương án phát hành thêm 800 triệu cổ phần chào bán cho cổ đông hiện hữu trong năm nay để tăng vốn điều lệ, bổ sung thanh khoản. Với tư cách là cổ đông chiến lược sở hữu 8,77% cổ phần, hãng hàng không All Nippon Airways (ANA) của Nhật Bản được khoảng 70 triệu quyền mua cổ phần.
Tuy nhiên, ANA cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19 với mức lỗ 784 triệu USD trong năm tài khoá 2020. Với khó khăn này của đối tác, Vietnam Airlines đã trao đổi với ANA và đối tác này đồng ý sẽ chuyển nhượng lại toàn bộ quyền mua cổ phiếu cho cán bộ nhân viên Vietnam Airlines.
Công đoàn của Vietnam Airlines sẽ đại diện và thay mặt ANA thực hiện việc chuyển nhượng quyền mua.
Theo đó, 70 triệu cổ phiếu thuộc quyền mua của ANA sẽ được phân phối cho hơn 15.100 người lao động của Vietnam Airlines Group bao gồm cán bộ, nhân viên tại công ty mẹ Vietnam Airlines, tại 4 công ty con (VIAGS, VAECO, SKYPEC, VACS), người lao động biệt phái tại các công ty con do Vietnam Airlines nắm giữ từ 51% đến dưới 100%, liên minh SkyTeam và tiếp viên người Việt Nam có giao kết hợp đồng lao động trực tiếp với công ty Alsimexco.
Mỗi người lao động dự kiến sẽ được mua khoảng 3.000-5.700 cổ phần (tùy đối tượng).
Người lao động của Vietnam Airlines có thể chi khoảng 30-57 triệu đồng để mua cổ phiếu HVN ưu đãi. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cổ phiếu ưu đãi có giá 10.000 đồng, chỉ bằng 41,5% giá cổ phiếu HVN chốt phiên giao dịch ngày 26/7. Như vậy, mỗi nhân viên Vietnam Airlines Group có thể chi khoảng 30-57 triệu đồng để mua cổ phiếu ưu đãi.
"Trong bối cảnh thu nhập bị giảm sút, việc được mua cổ phiếu với giá 10.000 đồng sẽ là cơ hội để người lao động sở hữu thêm cổ phiếu HVN, qua đó tạo động lực thúc đẩy hiệu quả làm việc, tạo sự gắn kết với tổng công ty", hãng hàng không quốc gia cho hay và khẳng định đây là một cơ hội đầu tư dài hạn với khả năng sinh lời cao, ít rủi ro cho người lao động, đặc biệt với những người đã gắn bó lâu dài.
Vietnam Airlines khẳng định việc phân phối quyền mua cổ phiếu sẽ được thực hiện theo nguyên tắc công khai, khách quan, minh bạch và nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ nhân viên.
Cũng tại Đại hội đồng cổ đông thương niên 2021, Vietnam Airlines đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Trong giai đoạn trên, công ty mẹ Vietnam Airlines ước lỗ khoảng 9.823 tỷ đồng, lỗ hợp nhất dự kiến khoảng 10.788 tỷ đồng, các chỉ số tài chính diễn biến theo hướng rất tiêu cực và rủi ro.
Do thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch Covid-19, Vietnam Airlines đã điều chỉnh các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận năm nay xuống thấp hơn năm ngoái. Trong đó, doanh thu hợp nhất dự kiến giảm 11,6% xuống còn gần 37.400 tỷ đồng. Hãng hàng không quốc gia dự kiến lỗ hợp nhất 14.526 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm 2020.
Kế hoạch này được xây dựng trên giả định Vietnam Airlines hoàn thành bán 11 tàu bay A321, Chính phủ cho phép mở cửa đón khách đến Phú Quốc, áp dụng hộ chiếu vaccine, hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng và có các biện pháp hỗ trợ khác của Chính phủ.