Theo báo cáo tài chính vừa công bố, quý cuối năm ngoái Vietnam Airlines đạt doanh thu hơn 24.000 tỷ đồng, tăng gần 24% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, thu từ thị trường nội địa tăng 14%, thị trường quốc tế là 50%. Nhờ vậy, lỗ gộp của doanh nghiệp này giảm mạnh từ trên 1.000 tỷ, xuống xấp xỉ 190 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ sau thuế hợp nhất khoảng 1.980 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2022. Hãng cho biết lỗ hợp nhất trong kỳ này giảm nhờ lỗ tại công ty mẹ và Pacific Airlines hạ, trong khi lợi nhuận tại các công ty con khác như NCS, VACS tăng thêm.
Lũy kế năm 2023, hãng hàng không quốc gia đạt doanh thu hợp nhất hơn 92.100 tỷ đồng, tăng 21.500 tỷ so với năm trước đó. Đây cũng là mức thu cao nhất của hãng từ lúc dịch Covid-19 bùng phát đến nay. Con số này cũng tương đương gần 94% mức đỉnh trước dịch hãng đạt được vào năm 2019.
Tuy nhiên, lợi nhuận hợp nhất sau thuế vẫn âm khoảng 5.500 tỷ đồng. So với năm 2022, số lỗ này đã giảm được một nửa, tương đương hơn 5.700 tỷ đồng.
Năm ngoái, thị trường hàng không đã từng bước phục hồi, Vietnam Airlines cũng như hãng khác trong nước vẫn đối mặt nhiều khó khăn từ suy giảm nhu cầu đi lại, thừa tải, cạnh tranh cao và các yếu tố bất ổn địa chính trị ảnh hưởng đến giá nhiên liệu bay, rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất).
Đến hết năm 2023, vốn chủ sở hữu của hãng hàng không quốc gia âm gần 17.000 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế của hãng đạt vượt 40.000 tỷ đồng.
Vietnam Airlines cho biết đã hoàn thành đề án cơ cấu lại tổng công ty, báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đề án này, năm 2024, hãng sẽ thực hiện các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu.
Ban lãnh đạo hãng cũng đặt mục tiêu cân đối được thu chi trong năm nay. Tháng 12/2023, Vietnam Airlines có lãi từ hoạt động vận tải hàng không, với hơn 26 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh HVN (Vietnam Airlines): 6 tháng 2023 lỗ 1.331 tỷ đồng
Tổng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 20.696 tỷ đồng, tăng hơn 12,3% so với quý cùng kỳ, song hãng vẫn chưa có lãi vì phí nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất...
Sau khi trừ đi giá vốn, Vietnam Airlines ghi nhận lãi gộp 929 tỷ đồng trong quý II/2023. Đây cũng là quý lãi gộp thứ hai liên tiếp của tổng công ty. Tuy nhiên do tính mùa vụ cũng như các yếu tố rủi ro tài chính và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất... tổng công ty chưa có lãi sau thuế.
Xét về tăng trưởng, đây là quý thứ 7 liên tiếp doanh thu của Vietnam Airlines tăng so với cùng kỳ năm trước, phản ánh xu thế hồi phục của thị trường hàng không sau dịch cũng như những nỗ lực nhằm cải thiện kết quả kinh doanh.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng công ty đạt doanh thu hơn 44.000 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ; lãi gộp đạt gần 2.900 tỷ đồng - khả quan hơn nhiều so với khoản lỗ gộp nửa đầu năm ngoái.
Sau khi hạch toán hết các khoản chi phí, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 1.331 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay - bằng 1/4 so với 6 tháng đầu 2022. Khoản lỗ của quý II cũng giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do các công ty con kinh doanh có lãi và các doanh nghiệp vận tải giảm lỗ.
Tổng doanh thu và thu nhập khác quý II/2023 của công ty mẹ tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 23,5 %. Trong đó doanh thu quốc tế tăng mạnh nhờ thị trường khu vực châu Âu, Australia và Mỹ phục hồi tốt.
Tổng chi phí quý II của công ty mẹ tăng 11% (tương đương tăng 1.676 tỷ đồng) so với cùng kỳ đến từ chi phí giá vốn đi lên tương ứng với sản lượng.
Vì tốc độ tăng tổng doanh thu và thu nhập khác của quý II năm nay nhanh hơn so với tốc độ tăng tổng chi phí, dẫn đến công ty mẹ Vietnam Airlines lãi gộp về cung cấp dịch vụ đạt hơn 558 tỷ đồng; lỗ sau thuế giảm hơn 1.031 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Việc giảm lỗ nhờ vào sự phục hồi của thị trường vận tải thời gian qua. Trong bối cảnh đó, tổng công ty cũng chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn như điều hành linh hoạt cung ứng tải vận chuyển, giảm thiểu chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ...
Cập nhật quý I/2023: đã biết lãi 19 tỷ đồng sau 12 quý lỗ liên tiếp
Hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã phục hồi mạnh nhất kể từ khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19 ba năm trước.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, ba tháng đầu năm nay, doanh thu của hãng hàng không quốc gia đạt 23.640 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất của Vietnam Airlines kể từ quý I/2020 và tiệm cận mức trước dịch năm 2019.
Nhờ nguồn thu tăng mạnh, Vietnam Airlines ghi nhận mức lãi gộp 1.959 tỷ đồng. Ba năm qua, công ty chỉ hai lần có lãi gộp vào quý IV/2020 và quý III/2022. Con số này cũng cao hơn mức lợi nhuận gộp Vietnam Airlines đạt được quý cuối cùng năm 2019.
Sau khi khấu trừ các chi phí, hãng bay này ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý I là 19,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 2.600 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế Vietnam Airlines vẫn âm 37,3 tỷ đồng.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết đạt được kết quả trên chủ yếu nhờ khai thác hiệu quả dịp Tết Âm lịch, thị trường quốc tế phục hồi, đặc biệt là Trung Quốc dần nới lỏng chính sách kiểm soát dịch bệnh. Tại các thị trường như Mỹ, châu Âu và Australia, hệ số sử dụng ghế cao. Vietnam Airlines đã phải tiến hành tăng tải ở các giai đoạn cao điểm để phục vụ hành khách.
Riêng công ty mẹ Vietnam Airlines vận chuyển 5,1 triệu lượt khách trong quý I, tăng 63% so với cùng kỳ 2022. Trong đó khách quốc tế đạt 1,4 triệu lượt, gấp 11,5 lần cùng kỳ năm ngoái và tương đương 60,9% cùng kỳ 2019. Sản lượng khách nội địa tăng trên 23% lên 3,7 triệu lượt.
Vietnam Airlines cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí và đàm phán giảm giá dịch vụ. Đồng thời, các phi phí đầu vào đi xuống cũng góp phần giúp hãng cải thiện hiệu quả kinh doanh. Trong đó, giá xăng Jet A1 bình quân 3 tháng đầu năm ở mức 110,69 USD mỗi thùng, giảm 8,05 USD so với kế hoạch hãng đặt ra đầu năm. Tương tự, tỷ giá USD/VND bình quân quý I cũng thấp hơn dự tính của hãng. Vietnam Airlines ghi nhận khoản lãi chênh lệch tỷ giá hơn 343 tỷ trong kỳ.
Dù phục hồi tích cực, Vietnam Airlines nhận định khó khăn, rủi ro với công ty thời gian tới là rất lớn. Theo hãng bay này, thị trường quốc tế vẫn kém gần 40% mức trước đại dịch. Giá nhiên liệu tuy đã bình ổn, nhưng còn neo ở mức cao. Cụ thể, giá xăng Jet A1 cao hơn 15,56 USD một thùng so với bình quân 3 tháng đầu năm 2022. Chi phí lãi vay của Vietnam Airlines cao hơn 57% so với cùng kỳ 2022 do lãi suất tăng.
Hãng cũng trích dẫn dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế - IATA rằng thị trường hàng không một số khu vực vẫn tiếp tục lỗ. Còn thị trường hàng không thế giới sẽ chỉ phục hồi bằng mức trước dịch vào năm 2024 bởi các ảnh hưởng của biến động kinh tế, chính trị.
Cập nhật quý 4/2022: lỗ 12 quý liên tiếp
Báo cáo tài chính quý 4/2022 của Vietnam Airlines cho thấy trong 3 tháng cuối năm, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần gần 19.500 tỉ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Tuy nhiên, hãng hàng không này vẫn lỗ gộp đến 828 tỷ đồng do kinh doanh dưới giá vốn. Lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đến hết năm 2022 lên đến hơn 34.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm hơn 10.000 tỷ đồng.
Chỉ riêng trong quý 4/2022 chi phí tài chính của Vietnam Airlines tăng gấp 3,6 lần cùng kỳ, lên hơn 1.000 tỉ đồng, chủ yếu là lỗ chênh lệch tỷ giá và lãi vay, cùng với đó chi phí bán hàng cũng tăng lên hơn 1.000 tỉ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ, điều này đã làm cho Vietnam Airlines lỗ ròng gần 2.700 tỉ đồng trong quý 4/2022, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 1.000 tỉ đồng. Cả năm 2022, Vietnam Airlines lỗ ròng 10.400 tỉ đồng, dù rằng doanh thu gấp 2,5 lần cùng kỳ (đạt 70.500 tỉ đồng). Theo lý giải của Vietnam Airlines, kết quả thua lỗ quý 4/2022 là do thị trường quốc tế phục hồi chậm, chi phí nhiên liệu tăng mạnh, xung đột Nga-Ukraine, các biến động về tỷ giá và lãi suất tăng.
Với 12 quý lỗ liên tiếp, Vietnam Airlines đang lỗ lũy kế hơn 34.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 10.000 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa cổ phiếu của Vietnam Airlines đối diện với nguy cơ bị hủy niêm yết nếu Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục lỗ ròng hoặc vốn chủ sở hữu là con số âm.
Cập nhật quý 3/2022: lợi nhuận sau thuế vẫn âm nhưng đã đỡ hơn
Lợi nhuận sau thuế quý III của hãng vẫn âm nhưng đã giảm 28% so với năm ngoái nhờ thị trường nội địa phục hồi mạnh, một số mảng bắt đầu có lãi.
Theo báo cáo tài chính quý III/2022 vừa được Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) công bố, tổng doanh thu tổng doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ đạt hơn 11.067 tỷ đồng, tăng 293% cùng kỳ, chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 394%, tương đương tăng hơn 11.597 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế âm hơn 2.456 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ.
Vietnam Airlines cho biết các khoản lỗ là do tổng chi phí tăng 160% chủ yếu do giá nhiên liệu tăng (bình quân trong quý tăng gấp 1,8 lần năm ngoái). Cộng thêm chi phí tài chính tăng mạnh so với năm trước, chủ yếu là chi phí lãi tiền vay và chi phí chênh lệch tỷ giá.
Tốc độ tăng tổng doanh thu và thu nhập khác cao hơn so với tốc độ tăng tổng chi phí; lỗ gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm mạnh (giảm lỗ 90%). Tuy nhiên do lỗ từ hoạt động tài chính tăng mạnh dẫn đến lỗ sau thuế của công ty mẹ chỉ giảm 562,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lỗ sau thuế hợp nhất giảm chủ yếu nhờ công ty mẹ và các công ty con như Skypec, Vaeco, Viags... đều kinh doanh có lãi.
Cập nhật quý 2/2022: giảm lỗ 43% trong quý 2 năm 2022
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 vừa được Vietnam Airlines công bố, doanh thu thuần của doanh nghiệp này trong quý đạt 18.323 tỉ đồng, cao gấp 2,8 lần cùng kỳ năm 2021. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh 6 tháng dương gần 3.900 tỉ đồng.
Điểm sáng của báo cáo tài chính quý 2 năm 2022 là kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines khả quan hơn, khi mức lỗ của công ty mẹ Vietnam Airlines ít hơn 44% so sánh cùng kỳ, dừng ở mức 2.243 tỉ đồng. Mức lỗ của hợp nhất ít hơn 43% so sánh cùng kỳ, ở mức 2.568 tỉ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, mức lỗ công ty mẹ là 4.685 tỉ đồng, ít hơn cùng kỳ gần 39%, mức lỗ hợp nhất là 5.254 tỉ đồng, ít hơn cùng kỳ gần 40%.
Cập nhật quý 1/2022: lỗ vì xung đột Nga - Ukraine
3 tháng đầu năm, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đạt doanh thu hợp nhất hơn 11.600 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất kể từ quý II/2020 - thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng nặng nề đến ngành hàng không.
Tuy nhiên, giá vốn bán hàng vẫn vượt doanh thu khiến hãng hàng không quốc gia lỗ gộp gần 1.600 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí khác, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận trước thuế âm 2.621 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ thứ 9 liên tiếp của hãng bay này.
Trong quý I, giá dầu tăng cao khiến Vietnam Airlines bị "đội" 465 tỷ chi phí nhiên liệu bay so với kế hoạch, chiếm 30% tỷ trọng chi phí vận tải hàng không.
Theo Vietnam Airlines, kết quả sản xuất kinh doanh quý I/2022 vẫn phản ánh rõ ảnh hưởng nặng nề của đại dịch kéo dài từ 2021 sang đầu năm nay, dù thị trường hàng không Việt Nam phục hồi khá nhanh. Cùng với đó, thị trường quốc tế 3 tháng đầu năm gần như vẫn đóng băng, ảnh hưởng tiêu cực do xung đột Nga - Ukraine, giá nhiên liệu tăng cao đã khiến các hoạt động của hãng không thể khởi sắc.
Đến hết 31/3, Vietnam Airlines đã lỗ lũy kế hơn 24.500 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của hãng bay này lại âm 2.160 tỷ đồng. Cuối tháng 9 năm ngoái, Vietnam Airlines thoát tình trạng âm vốn chủ sở hữu sau khi bổ sung gần 8.000 tỷ đồng thông qua phát hành thêm gần 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
"Với tốc độ phục hồi như dự kiến và các giải pháp quản trị, điều hành đang chủ động triển khai, Vietnam Airlines cơ bản có thể duy trì khả năng thanh khoản cho đến hết năm", lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch là rất lớn và hậu quả vẫn còn kéo dài, công nợ quá hạn còn ở mức cao, Vietnam Airlines vẫn tiếp tục kiến nghị các giải pháp hỗ trợ thanh khoản của Nhà nước với vai trò là chủ sở hữu. Đồng thời, hãng cũng đẩy nhanh các giải pháp tái cơ cấu danh mục đầu tư tại các công ty con, công ty liên kết và các giải pháp tái cơ cấu tài sản (bán/bán và thuê lại tàu bay cũ) để bổ sung dòng tiền, tăng cường đảm bảo khả năng thanh khoản, duy trì hoạt động trong năm 2022 và sẵn sàng nguồn lực cho phục hồi và phát triển giai đoạn hậu Covid.
Cập nhật quý 4/2021: lỗ 13.023 tỷ đồng trong cả năm tài chính 2021
Theo Vietnam Airlines, trong quý IV/2021, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty mẹ trong quý IV/2021 đạt (1.432,5 tỷ đồng), bằng 44,6% so với quý IV/2020; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp hợp nhất đạt (1.184 tỷ đồng) quý IV/2021, bằng 58,6% so với quý IV/2022.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, người phụ trách quản trị - Thư ký Tổng công ty cho biết, lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý IV/2021 tại Báo cáo tài chính Công ty mẹ và Báo cáo tàu chính hợp nhất giảm mạnh so với quý IV/2020 đến từ nhiều nguyên nhân.
Cụ thể, trong quý IV/2021, Chính phủ đã triển khai tiêm chủng vaccine nhanh chóng, đồng thời nới lỏng các quy định về nhập cảnh, cách ly y tế giúp người dân, kiều bào về quy ăn Tết đã tạo điều kiện cho các hãng hàng không, trong đó có Vietnam Airlines khai thác trở lại các đường bay thường lệ. Việc nhiều đường bay trên trục Bắc - Nam được mở lại với tần suất khai thác dần về mức trước đại dịch đã giúp các hãng hàng không cải thiện đáng kể dòng tiền và lợi nhuận.
Đối với Vietnam Airlines, tổng doanh thu và thu nhập khác trong quý IV/2021 của Công ty mẹ tăng 9,1% so với quý IV/2020 (tăng hơn 593,8 tỷ đồng) chủ yếu do doanh thu tài chính tăng 32% và thu nhập khác tăng mạnh 151% so với cùng kỳ (do bán 1 máy bay và hoàn quỹ sửa chữa máy bay).
Bên cạnh đó, tổng chi phí quý IV/2021 của Công ty mẹ giảm 6,2% tương đương giảm 562,5 tỷ đồng so với quý IV/2020 chủ yếu là do chi phí thuê tàu bay được đối tác hỗ trợ giảm giá, giãn hoãn thanh toán. Tổng doanh thu và thu nhập khác của quý IV/2021 tăng trong khi tổng chi phí giảm dẫn đến lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ giảm lỗ được hơn 1.155 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo ông Thủy, lỗ sau thuế hợp nhất quý IV/2021 giảm so với quý IV/2020 chủ yếu do giảm lỗ của Công ty mẹ và cải thiện một phần thu nhập từ các công ty con.
Những kết quả kinh doanh tương đối tích cực của Vietnam Airlines trong quý IV/2021 đã góp phần cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh toàn tổng công ty trong cả năm 2021 vốn được đánh giá đặc biệt khó khăn với ít nhất 4 tháng cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội.
Tính tổng cộng, Vietnam Airlines lỗ 13.023 tỷ đồng trong cả năm tài chính 2021, giảm khoảng 1.300 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 được Đại hội đồng cổ đông Vietnam Airlines thông qua. Bên cạnh đó, do tình hình sản xuất kinh doanh có nhiều cải thiện cùng với việc phát hành thành công cổ phiếu tăng vốn trong 2021 nên đã giúp Vietnam Airlines không bị âm vốn chủ sở hữu.
Cập nhật quý 3/2021: tổng lỗ lũy kế đã lên đến gần 21.200 tỷ đồng
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã HVN-HOSE) vừa công bố giải trình biến động lợi nhuận sau thuế quý 3/2021 so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, doanh thu thuần quý 3/2021 của HVN chỉ đạt hơn 4.735 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ, dẫn đến lợi nhuận gộp bị lỗ hơn 3.000 tỷ đồng. Sau khi trừ các loại chi phí, Vietnam Airlines lỗ trước thuế 3.460 tỷ đồng, phần lỗ ròng thuộc cổ đông công ty mẹ là -3.369 tỷ đồng - Trong khi cùng kỳ năm ngoái, công ty cũng lỗ ròng 2.932 tỷ đồng.
HVN cho biết, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là lỗ gần 2.773 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ (-2.466 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của HVN lỗ 3.531 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ (-3.017 tỷ đồng) là do đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra trong thời gian cao điểm hè đã ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của Tổng công ty.
Tổng doanh thu và thu nhập khác quý 3/2021 của công ty mẹ giảm 41,38% so với cùng kỳ (giảm hơn 2.669,8 tỷ đồng) chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ giảm 51,9%, tương đương giảm hơn 3.176,3 tỷ đồng so với cùng kỳ là do doanh thu nội địa giảm 96,5%, quốc tế giảm 71,1%, doanh thu thuê chuyến giảm 21,1%.
Tổng chi phí quý 3/2021 của công ty mẹ giảm 26,5% tương đương giảm 2.363,5 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tổng doanh thu và thu nhập khác của quý 3/2021 giảm nhiều hơn tổng chi phí dẫn đến lợi nhuận sau thuế thuế công ty mẹ giảm 306,8 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 3/2021 giảm mạnh so với cùng kỳ ngoài nguyên nhân liên quan đến giảm lợi nhuận công ty mẹ, còn do lợi nhuận của các công ty con có liên quan đến cung ứng dịch vụ hàng không cũng giảm mạnh như Vaeco, Nasco...
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu chỉ đạt hơn 18.700 tỷ đồng, (cùng kỳ đạt 32.410 tỷ đồng) và lợi nhuận trước thuế 9 tháng lỗ 11.947 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 8.000 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế lỗ 12.153 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 8.280 tỷ đồng). EPS âm 5.376 đồng/cổ phiếu.
Tính đến ngày 30/9/2021, tổng lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã lên đến gần 21.200 tỷ đồng. Vừa qua, HVN đã hoàn thành tăng vốn điều lệ thêm gần 8.000 tỷ đồng lên gần 22.144 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu chỉ đạt hơn 1.475 tỷ đồng.
Cập nhật quý 2/2021: lỗ ròng hơn 4.449 tỷ, vốn chủ sở hữu âm 2.750 tỷ
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2021, trong đó vốn chủ sở hữu của hàng hàng không này chính thức ghi nhận giá trị âm hơn 2.750 tỷ đồng.
Doanh thu thuần quý II của Vietnam Airlines đạt hơn 6.536 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên việc kinh doanh dưới giá vốn đã khiến hãng hàng không này lỗ gộp hơn 3.497 tỷ đồng trong quý II/2021, cùng kỳ năm ngoái khoản lỗ gộp hơn 2.865 tỷ đồng.
Trừ đi các loại chi phí, Vietnam Airlines báo lỗ ròng hơn 4.449 tỷ đồng trong quý II/2021, lỗ đậm hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (lỗ hơn 2.899 tỷ đồng).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vietnam Airlines đạt gần 14.000 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2020. Lỗ ròng lũy kế 6 tháng đầu năm là hơn 8.421 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 5.143 tỷ đồng.
Theo giải trình của Vietnam Airlines, đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến ngành hàng không toàn cầu. Tổng doanh thu và thu nhập khác quý II của công ty mẹ Vietnam Airlines giảm 26,5% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó doanh thu cung cấp dịch vụ giảm 11,3%, doanh thu hoạt động tài chính giảm 72,5% (chủ yếu giảm doanh thu từ đầu tư ra ngoài doanh nghiệp và lãi chênh lệch tỷ giá).
Tổng doanh thu và thu nhập khác trong quý II/2021 giảm nhiều hơn tổng chi phí dẫn đến lợi nhuận sau thuế công ty mẹ giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài ra, nguyên nhân khác dẫn đến việc giảm lợi nhuận công ty mẹ mà Vietnam Airlines cho biết là lợi nhuận của các công ty con có liên quan đến cung cấp dịch vụ hàng không cũng giảm mạnh như Vaeco, Nasco…
Về quy mô tài sản, Vietnam Airlines ghi nhận tổng tài sản tại thời điểm cuối quý II đạt 61.255 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với thời điểm đầu năm. Trong đó các khoản tiền và tương đương tiền đạt hơn 1.288 tỷ đồng, giảm hơn 360 tỷ đồng. Ngược lại, hàng tồn kho tăng hơn 730 tỷ đồng lên mức hơn 2.580 tỷ đồng tính đến ngày 30/6/2021.
Tổng nợ phải trả của Vietnam Airlines đạt hơn 64.005 tỷ đồng, tăng 13% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn tăng thêm hơn 2.900 tỷ đồng lên mức 14.180 tỷ đồng. Nợ vay dài hạn giảm hơn 2.500 tỷ đồng về mức hơn 20.282 tỷ đồng.
Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines ghi nhận âm hơn 2.750 tỷ đồng, trong khi ở thời điểm đầu năm và thời điểm cuối quý I lần lượt đạt 6.072 tỷ đồng và 1.030 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu về giá trị âm là kết quả của việc hãng hàng không này báo lỗ liên tiếp trong giai đoạn 6 quý với mức lỗ lũy kế tính đến cuối quý II/2021 lên đến hơn 17.771 tỷ đồng.
Cập nhật quý 1/2021: lỗ 4.900 tỷ, nặng nhất từ khi đại dịch khởi phát
Tổng CT Hàng không Việt Nam (HVN) công bố KQKD quý 1/2021 với doanh thu đạt 7,500 tỷ đồng (-60% YoY) và lỗ ròng 4,900 tỷ đồng, cao hơn 1,9 lần so với khoản lỗ trong quý 1/2020.
Doanh thu quý 1/2021 tương ứng với 14% dự báo năm cả năm 2021 trong khi mức lỗ ròng của quý 1/2021 4.900 tỷ, nặng nhất từ khi đại dịch khởi phát, tương đương 97% mức lỗ ròng dự báo trong cả năm 2021.
Vietnam Airlines lý giải lỗ nặng quý I ngoài giảm lợi nhuận công ty mẹ còn do lợi nhuận các công ty con cung cấp dịch vụ hàng không như Vacs, Skypec, Viags... cùng giảm mạnh.
Giả định rằng các chuyến bay quốc tế sẽ dần được nối lại bắt đầu từ nửa cuối 2021; do đó, khoản lỗ của HVN trong năm 2021 có thể chủ yếu sẽ đến từ kết quả kém tích cực trong quý 1 và quý 2/2021.
Vietnam Airlines cho hay đã nối lại một số chặng quốc tế từ Hà Nội, TP HCM đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia từ 3/4.
Tuy nhiên, khoản lỗ lớn này trong quý 1/2021 cao hơn dự kiến; do đó, Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng có khả năng điều chỉnh giảm đối với dự báo và định giá, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Tại phiên đại hội bất thường cuối năm ngoái, cổ đông Vietnam Airlines đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với quy mô 8.000 tỷ đồng, thực hiện dự kiến trong 6 tháng đầu năm nay.
Vietnam Airlines cho biết sẽ sử dụng 8.000 tỷ đồng này để thanh toán toàn bộ các khoản nợ quá hạn, bù đắp phần vốn thiếu hụt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn tại các ngân hàng. Hãng cam kết "tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh".
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng được phép kêu gọi cổ đông cho vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản tối đa 4.000 tỷ đồng trong 3 năm, với lãi suất ưu đãi như khoản vay từ nguồn tái cấp vốn theo quy định của Chính phủ trong năm 2021 và 2022.
Cuối tháng 3, Thủ tướng cũng đã ký quyết định về việc Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn tối đa 4.000 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng sau khi cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Tại buổi làm việc mới đây với Cục Hàng không Việt Nam, đại diện Vietnam Airlines đã đề xuất tăng trần giá vé và đưa ra 2 phương án áp giá sàn vé máy bay nội địa.
Với giá trần, Vietnam Airlines đề xuất tăng từ 50.000 đến 250.000 đồng cho các chặng bay từ 500 km đến 1.280 km trở lên. Giá vé trần sẽ được giữ nguyên với các đường bay phát triển kinh tế xã hội, nhóm đường bay khác dưới 500 km.
Với giá sàn, theo phương án thứ nhất, Vietnam Airlines đề xuất áp bằng chi phí biến đổi của hàng không giá rẻ căn cứ theo chi phí của Pacific Airlines (thuộc Vietnam Airlines Group) giai đoạn 2019. Theo đó, giá sàn cho các đường bay dưới 500 km là 414.000 đồng, 570.000 đồng các đường bay 500 - 850 km, 755.000 đồng cho các đường bay 850 - 1.000 km, 804.000 đồng cho các đường bay 1000 - 1.280km và 917.000 đồng cho các đường bay từ 1.280 km trở lên.
Lịch Sử Phát Triển Tổng CT Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN)
Thời kỳ đầu tiên
Lịch sử của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam bắt đầu từ tháng Giêng năm 1956, khi Cục Hàng không Dân dụng được Chính phủ thành lập, đánh dấu sự ra đời của Ngành Hàng không Dân dụng ở Việt Nam. Vào thời điểm đó, đội bay còn rất nhỏ, với vẻn vẹn 5 chiếc máy bay cánh quạt IL 14, AN 2, Aero 45… Chuyến bay nội địa đầu tiên được khai trương vào tháng 9/1956.
Giai đoạn 1976 - 1980 đánh dấu việc mở rộng và khai thác hiệu quả nhiều tuyến bay quốc tế đến các các nước châu Á như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Singapore. Vào cuối giai đoạn này, hàng không dân dụng Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).
Tháng 4 năm 1993, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) chính thức hình thành với tư cách là một đơn vị kinh doanh vận tải hàng không có quy mô lớn của Nhà nước. Vào ngày 27/05/1995, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam được thành lập trên cơ sở liên kết 20 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ hàng không, lấy Vietnam Airlines làm nòng cốt.
Những cột mốc đáng nhớ
Năm 1993: Thành lập Hãng hàng không quốc gia Việt Nam
Năm 1995: Thành lập Tổng công ty Hàng không Việt Nam gồm Hãng hàng không quốc gia Việt Nam và 20 doanh nghiệp trong ngành
Năm 2002: Giới thiệu biểu tượng mới - Bông Sen Vàng gắn với các cải tiến vượt trội về chất lượng dịch vụ, mở rộng mạng bay và nâng cấp đội bay
Năm 2003: Tiếp nhận đưa vào khai thác tàu bay hiện đại Boeing 777 đầu tiên, khởi đầu chương trình hiện đại hóa đội bay
Năm 2006: Trở thành thành viên chính thức của IATA
Năm 2010: Chính thức là thành viên thứ 10 của Liên minh hàng không Skyteam
Năm 2014: Chào bán thành công cổ phần lần đầu ra công chúng tại Sở giao dịch chứng khoán TP HCM
Năm 2015:
- 04/2015: Chính thức hoạt động theo mô hình CTCP từ ngày 01/4/2015
- 07/2015: Trở thành hãng hàng không đầu tiên của Châu Á và thứ 2 trên thế giới tiếp nhận máy bay thế hệ mới Airbus A350-900, đồng thời ra mắt hệ thống nhận diện thương hiệu mớiNăm 2016:
- 07/2016: Chính thức được công nhận là Hãng hàng không quốc tế 4 sao theo tiêu chuẩn của Skytrax
- Hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư chiến lược ANA Holdings INC (Nhật Bản)
Năm 2017:
- 01/2017: Cổ phiếu Vietnam Airlines chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán UPCOM với mã chứng khoán HVN, giá trị vốn hóa nằm trong top đầu của thị trường
- 12/2017: Chào đón hành khách thứ 200 triệu sau 20 năm thành lập và đạt 1,5 triệu hội viên Bông Sen Vàng
Năm 2018:
- 07/2018: Nhận chứng chỉ Skytrax lần 3 liên tiếp là Hãng hàng không quốc tế 4 sao (2016,2017,2018)
- 11/2018: Chính thức đón tàu A321 NEO đầu tiên; chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước từ Bộ GTVT sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Những thành tựu, giải thưởng đạt được:
2016: “Hãng hàng không hàng đầu Châu Á về bản sắc văn hoá” và “Hãng hàng không có hạng Phổ thông hàng đầu Châu Á” bởi World Travel Awards.
2016: Top 3 Hãng hàng không tiến bộ nhất thế giới (SKYTRAX)
2016: Hãng hàng không có thiết kế ghế khoang Thương gia đẹp nhất trên Boeing 787-9 và Airbus A350-900” (Tạp chí Global Traveler Trung Quốc)
Top 4 hãng hàng không khu vực Đông Nam Á có lưu lượng vận chuyển hành khách đạt trên 20 triệu lượt (CAPA)
2017: “Hãng hàng không của năm tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” bởi CAPA- Center for Aviation.
2017: “Hãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hoá” và “Hãng hàng không hàng đầu thế giới về hạng Phổ thông đặc biệt” bởi World Travel Awards 2017.
2018: Nằm trong top những Hãng hàng không lớn được yêu thích nhất châu Á năm 2018 (Traveler’ Choice Major Airlines – Asia 2018) do Tripadvisor bình chọn.
2018: Skytrax công nhận Vietnam Airlines là Hãng hàng không 4 sao năm thứ 3 liên tiếp
2018: Hãng hàng không 4 sao toàn cầu do tổ chức APEX (The Airline Passenger Experience Association) trao tặng.
Hướng tới tương lai
Là một hãng hàng không quốc tế năng động, hiện đại và mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam, trong suốt hơn 20 năm phát triển với tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số, Vietnam Airlines đã và đang dẫn đầu thị trường hàng không Việt Nam - một trong những thị trường nội địa có sức tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Là hãng hàng không hiện đại với thương hiệu được biết đến rộng rãi nhờ bản sắc văn hóa riêng biệt, Vietnam Airlines đang hướng tới trở thành hãng hàng không quốc tế chất lượng 5 sao dẫn đầu khu vực châu Á.