Trước mắt vào ngày 28/3, WCS sẽ thanh toán tạm ứng với tỷ lệ 144%, tức mỗi cổ phiếu sẽ nhận 14.400 đồng. Hiện tại, Bến xe miền Tây có ba cổ đông lớn là Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) nắm 51%, quỹ đầu tư ngoại America LLC nắm 23,08% và Công ty cổ phần Đầu tư Thái Bình sở hữu 10,02% vốn. Đợt này, cả ba sẽ lần lượt nhận tạm ứng khoảng 18,4 - 8,3 và 3,6 tỷ đồng.
Tỷ lệ 160% cao hơn nhiều kế hoạch đặt ra. Trước đó, Hội đồng quản trị chốt chia cổ tức năm 2023 sẽ căn cứ vào kết quả kinh doanh thực tế và không thấp hơn 20%. Trong ba năm trước đó, WCS cũng dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ tương tự và sau đó chốt ở mức 20% do hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bến xe miền Tây chia cổ tức đậm sau một năm tăng trưởng tốt. WCS ghi nhận hơn 140 tỷ đồng doanh thu, tăng 49% và là mức kỷ lục từ khi công bố thông tin năm 2008. Lợi nhuận sau thuế tăng gần 75% lên khoảng 66,5 tỷ đồng, mức cao nhất bốn năm qua. Công ty vượt 17% chỉ tiêu doanh thu nhưng lợi nhuận cao hơn gần một nửa kế hoạch cả năm.
Trừ những năm dịch bệnh, WCS được biết đến là một trong những đơn vị chia cổ tức "khủng" và ổn định nhất thị trường. Trong đó, năm 2018, doanh nghiệp này đưa ra tỷ lệ 400%, tương đương 40.000 đồng cho mỗi cổ phiếu. Đến năm 2019, con số trên lên mức cao ngất ngưởng 516%, tức 51.600 đồng.
Cổ phiếu của Bến xe miền Tây thuộc top đắt nhất thị trường. Giá chốt phiên cuối tuần qua là 202.100 đồng một đơn vị, tăng 9% so với hồi đầu năm. Thị giá này đang ở mức cao nhất trong khoảng gần ba năm qua. Trong đợt thị trường điều chỉnh vào tháng 10/2023, thị giá cổ phiếu này sụt giảm nhẹ nhưng vẫn giao dịch quanh 170.000 đồng, thanh khoản thấp.
Công ty cổ phần Bến xe miền Tây (WCS)
Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân thành phố về các tỉnh Miền Tây, tháng 07/1975 Cục Vận tải đường bộ thành lập Ban quản trị và đổi tên thành Bến xe Miền Tây với diện tích mở rộng là 39.000m2.
Năm 1976, Cục Vận tải đường bộ giao Bến xe Miền Tây lại cho Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh quản lý; theo đó, Bến xe Miền Tây là đơn vị trực thuộc Công ty Xe khách Miền Tây do Sở Giao thông Vận tải thành lập.
Năm 1992, Bến xe Miền Tây được chuyển thành Doanh nghiệp Nhà nước hạch toán kinh tế độc lập, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là khai thác và kinh doanh bến xe, đại lý và các dịch vụ khác. Đến năm 1997, Bến Xe Miền Tây được chuyển thành Doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích.
Ngày 15/07/2004, Bến xe Miền Tây được chuyển từ Sở Giao thông Công chính thành phố Hồ Chí Minh sang Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn quản lý trên cơ sở hoạt động thí điểm theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con theo Quyết định số 172/2004/QĐ–UB của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, với diện tích là 47.392,4m2.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm huy động thêm vốn, tạo động lực mới và phát huy quyền làm chủ thực sự của người lao động trong doanh nghiệp, Bến xe Miền Tây được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chọn để xây dựng đề án chuyển đổi thành Công ty cổ phần theo quyết định số 1552/QĐ-UB ngày 08/04/2005 và ngày 31/08/2005 Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có Quyết định số 4552/QĐ-UB và Quyết định số 5403/QĐ-UBND ngày 21/10/2005 phê duyệt phương án và chuyển Bến xe Miền Tây thành Công ty Cổ phần Bến xe Miền Tây. Ngày 03/05/2006, Công ty Cổ phần Bến xe Miền Tây chính thức đi vào hoạt động theo giấy phép kinh doanh số 4103004698 do Sở Kế hoạch Đầu tư cấp phép.
Ngày 17/9/2010, Công ty Cổ phần Bến xe Miền Tây chính thức được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Hiện nay, ngoài các tuyến đi về 13 tỉnh của Miền Tây Nam Bộ, Bến xe Miền Tây đã có thêm các tuyến đi về các tỉnh sau: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Gia Lai, Ninh Thuận, Đăk Lăk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quãng Ngãi, Bình Định và Thái Bình.
Công ty cổ phần Bến Xe Miền Tây có nhiệm vụ:
Khai thác và kinh doanh bến xe, vận tải hành khách công cộng liên tỉnh và nội địa, khai thác dịch vụ phục vụ trong bến xe, khai thác kinh doanh vận chuyển hành khách tham quan du lịch liên tỉnh và nội địa. Cho thuê mặt bằng và kiốt, bãi đậu xe vận tải hàng hóa. Giữ và chuyển hàng hóa, hành lý, bao, gói. Mua bán phụ tùng vật tư, ô tô, xăng dầu. Lau rửa, bảo dưỡng, sửa chữa ô tô. Dịch vụ vui chơi giải trí, cho thuê nghỉ trọ. Dịch vụ bốc xếp hàng hóa và lưu đậu qua đêm của phương tiện vận tải.
Bến xe Miền Tây Luôn duy trì và nâng cao sự tín nhiệm của khách hàng và đối tác; trân trọng ghi nhận sự đóng góp không ngừng của tất cả cán bộ công nhân viên công ty. Bến xe Miền Tây luôn hoạt động với phương châm "AN TOÀN - VĂN MINH - HIỆN ĐẠI".
Tổng số CB - CNV Bến xe Miền Tây hiện đang là 149 nhân sự. Trong đó:
Ban Tổng Giám đốc: 03
Phòng Tổ chức Hành chính: 13
Phòng Kế toán Tài chính: 13
Phòng Điều hành: 28
Phòng Kinh Doanh Dịch vụ: 44
Phòng Bảo vệ: 41
Ban Công nghệ Thông tin 07
Ngoài ra
Hội đồng quản trị: 05 người (trong đó có 02 thành viên chuyên trách, 02 thành viên không chuyên trách và 01 thành viên độc lập).
Ban kiểm soát: 03 người (trong đó có 01 trưởng ban và 02 thành viên).
Sơ đồ tổ chức Công ty
Vốn sở hữu Nhà nước chiếm 51% vốn điều lệ, tương đương 12.750.000.000đ; vốn thuộc sở hữu cổ đông là CB – CNV và các đối tượng ngoài công ty 49% vốn điều lệ, tương đương 12.250.000.000đ.
Thông Tin Liên Hệ:
Tên công ty: CÔNG TY CỔ PHẦN BẾN XE MIỀN TÂY.
Tên viết tắt: BẾN XE MIỀN TÂY.
Tên giao dịch quốc tế: WEST COACH STATION JOINT STOCK COMPANY
Trụ sở văn phòng: 395 Kinh Dương Vương - Phường An Lạc - Quận Bình Tân
Số điện thoại: 1900 7373
Fax: (028) 38752853
Vốn điều lệ: 25.000.000.000đ (Hai mươi lăm tỷ đồng)
Mã số thuế: 0301121128
Số tài khoản:
- 115000056617 Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - CN Tây Sài Gòn.
- 14110000049897 Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển VN - CN Chợ Lớn, Tp.HCM.
- Người đại diện theo pháp luật: ông Đặng Nguyễn Nguyên Huân
- Chức vụ: Tổng Giám đốc
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: số 0301121128 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp lần đầu ngày 03 tháng 5 năm 2006, cấp thay đổi lần 5 ngày 23/09/2022.