Lũy kế 6 tháng, doanh thu hoạt động ghi nhận 1.621 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL ghi nhận 871 tỷ đồng, tăng 45,7% so với nửa đầu năm 2022. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 39,6% xuống còn gần 57 tỷ đồng và doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán giảm 54% xuống còn gần 20 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm 2023, TPS không ghi nhận doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán, cùng kỳ năm 2022 doanh thu này đạt 12,9 tỷ đồng.
Doanh thu nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán cũng giảm từ mức 31,8 tỷ đồng cùng kỳ năm trước xuống còn gần 2 tỷ đồng trong điều kiện thị trường trái phiếu chưa hồi phục, tình hình phát hành TPDN vẫn khá trầm lắng khi lũy kế 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị phát hành TPDN toàn thị trường chỉ ghi nhận 42.783 tỷ đồng, tương đương 15,9% giá trị phát hành của cả năm 2022, với 7 đợt phát hành ra công chúng trị giá 5.521 tỷ đồng và 35 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 37.262 tỷ đồng.
Nghiệp vụ lưu ký chứng khoán tiếp tục là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu cho TPS. Hoạt động này đóng góp gần 37% tổng doanh thu hoạt động, đạt gần 599 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Về chi phí, trong 6 tháng đầu năm, tài sản tài chính FVTPL ghi nhận lỗ 874 tỷ đồng, tăng 16,5%. So với cùng kỳ năm 2022, các chi phí hoạt động tự doanh giảm 24% xuống còn 1,6 tỷ đồng, chi phí môi giới giảm 45% xuống còn 26,7 tỷ đồng và chi phí hoạt động tư vấn tài chính giảm gần 58% xuống còn 51 tỷ đồng.
Riêng chi phí nghiệp vụ lưu ký chứng khoán tăng 33,5% lên mức 269 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với mức tăng gấp 4 lần của doanh thu nghiệp vụ lưu ký thì mức tăng chi phí trên không đáng kể.
Tổng chi phí hoạt động 6 tháng là 1.222,6 tỷ đồng, tăng nhẹ 8,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Qua đó, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2023 của TPS đạt 110,2 tỷ đồng, tăng trưởng 19,2%, đạt gần 60% kế hoạch cả năm.
Tại thời điểm 30/06/2023, tổng tài sản của TPS ghi nhận 9.370 tỷ đồng, tăng mạnh 39,7% so với thời điểm đầu năm, trong đó khoản mục tiền và tương đương tiền tăng mạnh khi ghi nhận đến 2.430 tỷ đồng trong khi thời điểm đầu năm chỉ hơn 15 tỷ đồng. Khoản mục giảm mạnh là phải thu bán các tài sản tài chính từ mức 2.623 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 631 tỷ đồng.
TPS đang nắm giữ 1.564 tỷ đồng các tài sản tài chính FVTPL, giảm 13% so với đầu năm. Dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán ghi nhận 739 tỷ đồng, giảm 25% so với đầu năm
Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã ORS)
Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS), tiền thân là Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông (ORS), đã chính thức gia nhập hệ sinh thái của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) từ tháng 04/2019.
Với sự hỗ trợ bởi nền tảng công nghệ và hệ sinh thái từ TPB, TPS định hướng phát triển lĩnh vực: Ngân hàng đầu tư, Dịch vụ Môi giới, Quản lý tài sản chuyên nghiệp
Trong lĩnh vực Ngân hàng đầu tư, TPS đẩy mạnh các hoạt động Tư vấn phát hành trái phiếu, Tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp và các Hoạt động mua bán sáp nhập. Nhờ thế mạnh về mạng lưới đối tác trong và ngoài nước, TPS sẽ giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác và huy động nguồn vốn hiệu quả từ các thị trường trong nước và quốc tế.
Đối với Mảng môi giới và dịch vụ quản lý tài sản, TPS phục vụ trọn gói các nhu cầu đầu tư, tiết kiệm và các nhu cầu tài chính khác của Khách hàng cá nhân thông qua việc kết nối và sử dụng các ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, các khách hàng trong hệ sinh thái của TPBank sẽ dễ dàng lựa chọn được các kênh đầu tư phù hợp và hiệu quả.