Tập đoàn Thủy sản Minh Phú thành lập năm 1992, là nhà xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam. Chủ tịch Lê Văn Quang cho biết, 30 năm qua, nhiều lần ông muốn đưa hàng vào các siêu thị trong nước, nhưng đa phần bị từ chối vì giá tôm Minh Phú cao. Nhưng, theo ông, nếu so về chất lượng, mức giá của công ty "hợp lý với chi phí bỏ ra".
Điều này phần nào lý giải vì sao, mỗi năm doanh nghiệp bán ra khoảng 50.000 tấn tôm, nhưng hơn 99% là xuất khẩu, chỉ 0,5% tiêu thụ trong nước. "Thị phần nội địa khó "phình to" vì người tiêu dùng chưa dám trả tiền cho những sản phẩm chất lượng", ông nói. Hiện, giá tôm xuất khẩu của Minh Phú cao hơn hàng bán lẻ trong nước 10-20%.
Tuy vậy, "vua tôm" nói đã tới lúc họ cần "quay về sân nhà" bằng cách hợp tác với các đơn vị bán lẻ, đưa hàng chất lượng (không nhiễm chất cấm, kháng sinh) và giá hợp lý tới người tiêu dùng.
"Chúng tôi hy vọng lần "bắt tay" này với Bách Hóa Xanh sẽ giúp doanh nghiệp tăng thị phần ở thị trường nội địa", ông Quang nói, và cho hay sẽ "phủ" sản phẩm ở nhiều kênh khác nhau để tăng thị phần lên 5-10%.
Tôm loại 30 con một kg đang được bán ở Bách Hoá Xanh với giá 165.000 đồng. Ảnh: Linh Đan
Tôm loại 30 con một kg của Minh Phú bán tại chuỗi siêu thị của Bách Hóa Xanh. Ảnh: Linh Đan
Doanh nghiệp này cũng áp dụng công nghệ sinh học MPBiO (không sử dụng kháng sinh, hóa chất) được họ nghiên cứu, phát triển vào nuôi tôm. Công nghệ này không tốn nhiều điện, nước và giúp họ giảm 50% chi phí, giá thành nuôi.
Nhờ đó, tôm bán ở thị trường nội địa của Minh Phú đạt chất lượng ngang tiêu chuẩn xuất khẩu Nhật, Mỹ và EU. Còn giá tương đương hoặc thấp hơn.
Sáu tháng bán thử nghiệm, chuỗi Bách Hóa Xanh tiêu thụ hơn 1.300 tấn tôm Minh Phú, thu về khoảng 220 tỷ đồng. Năm nay, công ty đặt mục tiêu bán 3.000 tấn, doanh thu 500 tỷ đồng tại 1.700 siêu thị của hãng.
"Trước đây, hàng ngon thường dành xuất khẩu, nhưng nay chúng tôi làm ngược lại, đem sản phẩm tươi, chất lượng nhất phục vụ người Việt", ông Phạm Văn Trọng - CEO Bách Hóa Xanh, nói. Sản phẩm tôm tươi của Minh Phú được bán tại hệ thống này giá 186.000 đồng (loại 30 con) một kg.
Tôm Minh Phú đang cung cấp cho hơn 50 quốc gia, doanh thu trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Tăng xuất khẩu và tìm chỗ đứng ở thị trường nội địa, "vua tôm" đặt mục tiêu tăng trưởng 50% so với cùng kỳ năm ngoái và có lãi trở lại.
Cập nhật ngày 9/1/2024: 3 con gái Chủ tịch mua gần 23 triệu cp
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú vừa công bố nghị quyết đại hội cổ đông bất thường diễn ra cuối 2023, với sự tham dự của 22 cổ đông đại diện cho gần 374 triệu cổ phiếu MPC, chiếm 93,5% cổ phần.
Một trong những nội dung được thông qua tại đại hội là giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu công khai từ hai cá nhân Nguyễn Hồng Phúc và Nguyễn Thị Kim Xuyến cho ba con gái của chủ tịch Minh Phú.
Hai cá nhân này chuyển nhượng toàn bộ 22,7 triệu cổ phiếu MPC đang nắm giữ, tương đương tỷ lệ sở hữu khoảng 5,67% cho ba người gồm Lê Thị Minh Phú, Lê Thị Minh Quý và Lê Thị Minh Ngọc. Đây là 3 người con gái của Chủ tịch Minh Phú, bà Chu Thị Bình và chồng Lê Văn Quang.
Sau các giao dịch này, ba người con của vợ chồng "vua tôm" đều sẽ sở hữu số cổ phiếu bằng nhau, khoảng 11 triệu cổ phiếu mỗi người, tương đương tỷ lệ sở hữu 2,75%.
Phương thức nhận chuyển nhượng thông qua thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh trên sàn, dự kiến diễn ra trong nửa đầu năm nay. Nếu tính theo thị giá MPC khoảng 17.000 đồng thì số cổ phiếu nhận chuyển nhượng có giá trị gần 390 tỷ đồng.
Ngoài ba người con này, vợ chồng "vua tôm" còn có con gái khác là bà Lê Thị Dịu Minh cũng đang nắm hơn 13 triệu cổ phiếu MPC. Nếu giao dịch chuyển nhượng thành công, 4 ái nữ nhà "vua tôm" sẽ nắm giữ tổng cộng hơn 29,2 triệu cổ phiếu MPC, tính theo thị giá trên thị trường chứng khoán tương đương khối tài sản gần 500 tỷ đồng.
Hiện, Chủ tịch Minh Phú, bà Chu Thị Bình nắm hơn 70,2 triệu cổ phiếu còn chồng bà, ông Lê Văn Quang nắm gần 64,3 triệu cổ phiếu MPC. Tổng cộng, gia đình bà Chu Thị Bình và ông Quang sẽ trực tiếp và gián tiếp nắm giữ hơn 198,7 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ sở hữu 49,7% sau giao dịch này.
Minh Phú là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp năm nay gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh cốt lõi chế biến, xuất khẩu thủy sản. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu của công ty giảm 46% so với cùng kỳ và lỗ gần 110 tỷ đồng.
Cập nhật ngày 27/11/2023: quyết định lấn sân đầu tư nhà ở xã hội ở Cà Mau
HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú vừa duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở xã hội ở huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. HĐQT Minh Phú giao Tổng giám đốc chỉ đạo ban quản lý dự án thực hiện các thủ tục cần thiết để nộp hồ sơ tham gia dự án cho các cơ quan chức năng.
Dự án nhà ở xã hội này có quy mô hơn 17,6 ha, tổng vốn đầu tư 632,8 tỷ đồng, phục vụ quy mô dân số 3.200-3.800 người. Dự án nằm tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Tiến độ thực hiện dự án là 60 tháng kể từ ngày nhà đầu tư được cấp quyết định chấp thuận nhà đầu tư hoặc ký hợp đồng thực hiện dự án.
Đầu tháng này, Minh Phú đã thông báo chốt danh sách đông để tổ chức phiên họp bất thường trong tháng 12. Tại phiên họp, công ty dự kiến trình cổ đông thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Lý giải về động thái này, lãnh đạo Minh Phú cũng cho biết bổ sung ngành nghề để làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, chứ không phải để phục vụ việc kinh doanh bất động sản.
Năm nay, Minh Phú gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh cốt lõi chế biến, xuất khẩu thủy sản. Quý III, công ty lỗ sau thuế hơn 26 tỷ đồng và đây cũng là quý lỗ thứ hai trong năm của "Vua tôm". Lũy kế 9 tháng, doanh thu của công ty đạt hơn 7.465 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ 2022. Minh Phú lỗ gần 110 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 750 tỷ.
Cập nhật ngày 24/6/2023: Chủ tịch Lê Văn Quang than tôm Việt Nam khó cạnh tranh
Giá thành nuôi cao khiến con tôm Việt Nam khó cạnh tranh với hàng đến từ các nước đối thủ như Ecuador, Ấn Độ, theo Chủ tịch Công ty thủy sản Minh Phú.
Thông tin được ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Công ty thủy sản Minh Phú nêu tại diễn đàn tôm Việt năm 2023 - lần thứ 8, ngày 23/6.
Mặc dù đạt kết quả xuất khẩu kỷ lục năm ngoái (4,3 tỷ USD), năm nay ngành hàng tôm được dự báo gặp nhiều khó khăn do những biến động của thị trường. Ngoài ra, còn yếu tố chủ quan là giá thành sản xuất tôm Việt Nam đang quá cao.
Ông Quang đưa ra so sánh về giá thành sản xuất tôm nguyên liệu của 3 nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Đối với size 50-60 con mỗi kg của Ecuador chỉ khoảng 2,3-2,4 USD, trong khi của Ấn Độ là 3,4-3,8 USD, còn Việt Nam lên đến 4,8-5 USD. Nguyên nhân chính là do tỷ lệ nuôi thành công thấp.
Hiện tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam bình quân đạt dưới 40%, trong khi ở Ecuador là trên 90%, Ấn Độ hơn 60%. Muốn nuôi tôm có tỷ lệ thành công cao, yếu tố con giống và cách nuôi là quan trong nhất. Theo các chuyên gia, Nhà nước, ngành chuyên môn cần khuyến cáo bà con giảm mật độ nuôi. Khi giảm mật độ sẽ giúp giảm rủi ro và áp lực lên môi trường.
Ecuador chọn cách nuôi tôm kháng bệnh, vừa sức tải của môi trường với mật độ rất thấp (30-50 con/m2) nên tỷ lệ thành công cao. Cũng vì nuôi thưa nên tôm của họ có chất lượng cao, không sử dụng nhiều thức ăn, gần như không dùng kháng sinh, dẫn đến giá thành sản xuất thấp.
"Giá thành tôm nguyên liệu của Việt Nam đang cao gấp đôi Ecuador, nhưng doanh nghiệp chế biến vẫn sống được. Điều đó cho thấy rằng năng lực của các doanh nghiệp lớn thế nào", ông Quang nói, nhận định khi giá thành nuôi tôm của Việt Nam bằng với Ecuador, người nuôi đảm bảo sẽ có lợi nhuận từ 30%, doanh nghiệp chế biến có lợi nhuận từ 20%.
Cùng quan điểm, ông Trần Trọng Khiêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho rằng để giảm giá thành phải giảm chi phí đầu vào, cần có cơ chế quản lý giá bán của các cơ sở sản xuất thức ăn. "Nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chẳng lẽ lên hoài mà không có lúc giảm. Tôi chưa bao giờ thấy giá thức ăn giảm, mà chỉ có tăng thêm", ông Khiêm nói.
Tại diễn đàn, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Thủy sản cho biết nông dân chưa sẵn sàng ngồi lại với nhau để vào tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm giảm chi phí sản xuất. Hiện giá tôm thấp chỉ là giai đoạn ngắn hạn nên người nuôi không nên hoảng loạn. Bà con tránh thu hoạch tôm ồ ạt, cần bình tĩnh đánh giá, nuôi lên size lớn để bán được giá cao, cũng là giảm áp lực cho các nhà máy.
"Bà con nên chọn nuôi tôm với mật độ phù hợp điều kiện chăm sóc, quản lý và đặc biệt là chuẩn bị kỹ về con giống, môi trường. Chúng ta hãy chủ động liên kết với nhau để giảm giá thành nuôi", ông Luân nói và cho biết dự báo giá tôm sẽ tăng trở lại vào những tháng cuối năm khi nhu cầu của các thị trường tăng cao.
Cập nhật ngày 22/6/2021: lợi nhuận thu hẹp, kế hoạch đầy tham vọng nhưng khó hoàn thành
Trong Q1/2021, doanh thu của MPC đạt 2.810 tỷ đồng (~122 triệu USD) giảm 1,2% so với cùng kỳ và hoàn thành 17,8% kế hoạch doanh thu do lượng đơn đặt hàng mới yếu trong bối cảnh Covid-19 bùng phát trở lại ở các thị trường xuất khẩu và công suất hoạt động thấp hơn 30% so với công suất bình thường do làn sóng dịch lần ba tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy đây là một kết quả đáng ghi nhận vì các thị trường xuất khẩu chính của MPC (Mỹ, Nhật Bản và EU) chưa bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong Q1-2020.
Biên lợi nhuận gộp quý Q1 tăng nhẹ lên 8,78% (+34 điểm cơ bản) nhờ giá tôm nguyên liệu của MPC giảm nhanh hơn giá bán so với quý 1/2020. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế giảm 49% YoY, đạt 35 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 2,3% kế hoạch do chi phí logistics tăng mạnh (+37% YoY). Giá cước leo thang trong quý 1/2021 do tình trạng thiếu container và tắc nghẽn kênh đào Suez vào tháng 3/2021. Biên lợi nhuận ròng của quý 1/ 2021 chỉ đạt 0,95%, giảm 98 điểm cơ bản so với cùng kỳ.
Doanh thu xuất khẩu sang Mỹ giảm trong nửa đầu 2021 nhưng sẽ phục hồi trong nửa cuối năm
Doanh thu xuất khẩu sang Mỹ của MPC năm 2020 giảm sâu 40% cùng kỳ (chiếm 25% tổng doanh thu xuất khẩu so với mức 38% năm 2019) do ảnh hưởng của cuộc điều tra chống bán phá giá của Mỹ. Trong 5 tháng đầu 2021, tỷ trọng này tiếp tục giảm xuống còn 18% do tác động của thiếu container và cạnh tranh với tôm của Ecuador. Theo số liệu từ VASEP, giá trị xuất khẩu tôm của Ecuador sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu 2021 đã sụt giảm 33% cùng kỳ bởi các chính sách kiểm dịch gắt gao, buộc Ecuador phải chuyển sang các thị trường khác, trong đó giá trị xuất khẩu sang Mỹ tăng 101% cùng kỳ.
Tuy nhiên, doanh thu xuất khẩu sang Mỹ trong nửa cuối 2021 sẽ khả quan hơn sau khi thuế chống bán phá giá được hủy bỏ nhờ:
- Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Mỹ phục hồi mạnh mẽ (trong 4T-2021, giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ tăng 25% so với cùng kỳ, theo VASEP) và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh sau khi mở cửa trở lại hoàn toàn từ 20/05/2021 Bên cạnh đó, nguồn cung tôm Ấn Độ sụt giảm cũng sẽ là chất xúc tác thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu của MPC sang Mỹ trong nửa cuối 2021.
- Dịch Covid-19 cũng đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng, trong đó nhu cầu đối với tôm chế biến đã tăng lên đáng kể. Điều này luôn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với Ecuador tại thị trường Mỹ cũng như một số thị trường khác như EU hay Nhật Bản.
Sản lượng sản xuất tôm của Ấn Độ năm 2020 giảm mạnh 30% so với cùng kỳ và đợt bùng phát Covid-19 gần đây ở Ấn Độ đang làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Theo Undercurrent News, do số ca nhiễm coronavirus tăng vọt, nhiều nông dân Ấn Độ lo sợ một đợt đóng cửa khác và tiến hành thu hoạch trước thời hạn. Với tình trạng chỉ có 20-30% nông dân thả nuôi để thu hoạch trong tháng 6 và tháng 7/2021, nguồn cung tôm Ấn Độ dự kiến sẽ giảm mạnh trong nửa cuối năm 2021, dẫn đến thực tế là nhiều nhà máy chế biến tôm chân trắng ở Ấn Độ đang hoạt động với công suất hạn chế (30-40%). Ngoài ra, tôm Ấn Độ đang bị chính phủ Mỹ xem xét mức thuế 2% đối với tất cả các mặt hàng tôm và cáo buộc lao động cưỡng bức và sử dụng thuốc kháng sinh. Theo VASEP và MPC, sản lượng tôm 4 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam tăng 9% so với cùng kỳ trong khi Ấn Độ chứng kiến một mức sụt giảm hai chữ số.
MPC đã trì hoãn ký hợp đồng xuất khẩu để chờ đợi hưởng lợi trong quý 3 và quý 4/ 2021. Theo Undercurrent News, các nhà nhập khẩu Mỹ đã nhận ra vấn đề của Ấn Độ nên họ đang chuyển sang nhập khẩu tôm từ Việt Nam, cụ thể là MPC. Tại ĐHCĐ, MPC tiết lộ chỉ trong tháng 5/2021, công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu với giá trị 150 triệu USD (cao hơn 23% so với tổng doanh thu quý 1/2021) và lợi nhuận trước thuế 6T-2021 dự kiến đạt khoảng 300 tỷ đồng (+ 32% YoY). Theo MPC, con số cao của tháng 5 chỉ là khởi đầu, giai đoạn bùng nổ sẽ rơi vào tháng 7 đến tháng 10 khi công ty đẩy mạnh ký kết hợp đồng.
Giá xuất khẩu tôm phục hồi
Giá tôm nguyên liệu tăng vọt kể từ giữa năm 2020 do nguồn cung tôm cạn kiệt bởi ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, từ tháng 3/2021, giá nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt do nguồn cung tôm dồi dào ở ĐBSCL, theo AgroMonitor. Từ tháng 6 trở đi, giá tôm nguyên liệu có thể tăng trở lại nhờ sản lượng xuất khẩu phục hồi mạnh và giá thức ăn tôm tăng, nhưng giá bán trung bình sẽ tăng nhanh hơn nhờ nhu cầu phục hồi mạnh trong bối cảnh nguồn cung tôm Ấn Độ sụt giảm.
Tình trạng thiếu container vẫn tiếp tục
Rủi ro lớn nhất đối với công ty là thiếu container rỗng. Giá cước vận chuyển rất khó để đưa vào giá bán do các hợp đồng thường được ký trước từ 1-3 tháng. Theo MPC, có thể phải đến cuối năm 2022 để cải thiện vấn đề thiếu container. Tuy nhiên, MPC sẽ chuyển sang các hãng tàu nhỏ, dù giá cước cao hơn để hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu kịp thời.
Kế hoạch kinh doanh năm 2021 như sau:
Trong tháng 2, Mỹ đã hủy quyết định áp thuế chống bán phá giá với MPC và dự kiến sẽ hoàn thuế đã nộp trong năm 2020. Cục Hải Quan Mỹ xác định MPC không trộn lẫn tôm xuất xứ Ấn Độ vào tôm xuất khẩu của MPC qua Mỹ, dẫn đến gỡ bỏ lệnh áp thuế và quyết định sẽ hoàn thuế MPC đã nộp. Theo số liệu trong BCTC, MPC đã nộp 308 tỷ đồng (13 triệu USD) tiền thuế đã bị áp trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, theo MPC, tiền hoàn thuế đáng lý sẽ nhận được trong quý 1/2021, nhưng phía nguyên đơn lại tiếp tục kiện lại nên dự kiến đến cuối tháng 6 phải tiếp tục giải quyết vụ kiện và có thể phải đến 2022 mới nhận được tiền hoàn thuế.
Khó phát triển được thị trường nội địa
Trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, câu hỏi đặt ra là MPC liệu có chuyển sang thị trường nội địa để bù đắp cho xuất khẩu. Trả lời cho câu hỏi này, MPC cho biết tỷ lệ doanh thu nội địa hiện tại chỉ chiếm 1%, bản thân công ty đã rất nỗ lực để đưa sản phẩm vào các siêu thị nhưng đã trở nên bất khả thi. Nguyên nhân là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở Việt Nam chưa được kiểm soát tốt, nhất là vấn đề kiểm tra chất kháng sinh, trong khi các siêu thị thì ưu tiên đầu vào giá rẻ từ các nhà cung cấp nhỏ lẻ nhưng có chứa chất kháng sinh. Trong khi tôm của MPC không có chất kháng sinh thì giá bán cao hơn 20-30% nên không cạnh tranh được.
Dự án nhà máy tẩm bột Minh Phú – Kiên Giang (vốn đầu tư 360 tỷ đồng) dự kiến khởi công tháng 3/2021 nhưng hoãn đến tháng 5/2021 mới bắt đầu và dự kiến tháng 3/2022 mới đưa vào vận hành. Nhà máy Minh Phát Cà Mau (vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng) dự kiến khởi công tháng 5/2021 nhưng hoãn đến tháng 7/2021 và dự kiến hoạt động từ tháng 7/2022. Nguyên nhân MPC đưa ra cho sự chậm trễ này: 1) vấn đề thủ tục do luật đầu tư mới, 2) giá vật liệu xây dựng tăng và 3) tập trung cho vụ kiện.
Ban lãnh đạo đề xuất mức cổ tức bằng tiền năm 2020 là 2.000đ/cp (tương ứng tỷ suất cổ tức bằng tiền 5,6%), chia trong năm 2021.
Đối với mức cổ tức 2021, công ty đề xuất mức cổ tức tiền mặt “khủng” là 5.000-7.000đ/cp (lợi suất cổ tức bằng tiền 14.1% - 19.8%), tỷ lệ chi trả 92%-129% dựa trên kế hoạch lợi nhuận của công ty.
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC)
Minh Phú là tập đoàn thuỷ sản số 1 Việt Nam và hàng đầu trên thế giới.
Sản phẩm của Minh Phú hiện đang có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, với doanh thu trên 10,000 tỷ VNĐ mỗi năm.
Minh Phú được định hướng xây dựng dựa trên mô hình tập đoàn hiện đại, mang lại hiệu quả tối ưu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như kết nối và truyền thông.
Hiện tại, Minh Phú có tổng cộng 10 công ty thành viên, bao gồm 4 nhà máy chế biến tôm và 8 công ty trực thuộc tập đoàn. Mỗi thành viên là một mắt xích quan trọng trong toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất tôm của Minh Phú.