“Theo như ĐHĐCĐ năm ngoái, tôi đã thông báo năm 2026-2027 sẽ xuất gia. Nay đã là năm 2024, tôi vẫn còn nghĩ tới 5-10 năm nữa. Tôi là cổ đông lớn nhất, là người sáng lập và là linh hồn của tập đoàn như nhiều người nói. Nhưng đến giờ vẫn còn nhiều công trình nên chưa thể nghỉ sớm được”, ông Vũ chia sẻ.
Chủ tịch Hoa Sen cũng tiết lộ kế hoạch ban đầu là giao lại tập đoàn cho một đại gia. Trong đó, các thành viên lãnh đạo của Hoa Sen đã tiến hành các cuộc gặp gỡ với vị đại gia này khoảng 3-4 lần, nhưng sau đó đều cho rằng không thể chuyển giao được.
"Không thể bán tập đoàn này chỉ để đổi lấy lợi nhuận", ông Vũ nói và cho biết trước đó có ý định thành lập một quỹ nhận cổ phần. Tuy nhiên, quỹ này vẫn hoạt động theo mô hình công ty, chỉ khác tên gọi nên không đạt yêu cầu, mong muốn của ông.
Liên quan kế hoạch chuyển giao này, ông Trần Ngọc Chu, Phó chủ tịch Hoa Sen, cũng cho biết HĐQT đang xem xét phương án khác, một trong số đó là đề xuất ông Vũ giao cổ phiếu cho thế hệ con cái kế thừa. Hiện người đứng đầu tập đoàn có 3 người con là Lê Hoàng Vũ Trí, Lê Hoàng Diệu Tâm và Lê Hoàng Diệu Thiện.
Trong đó, người con gái út sinh năm 2001 được chọn để kế nghiệp ông Vũ tại Tập đoàn Hoa Sen. Ông Vũ cho biết con gái út đang học song song 2 bằng đại học tại Australia.
“Tôi không muốn con gái thay mình bởi điều hành tập đoàn phải dấn thân. Nó là con gái, tôi không muốn nó mang gánh nặng. Tôi cũng không muốn con mình là thiếu gia, tiền bạc nhiều nhưng không kiểm soát được lòng tham thì chỉ mang họa thôi”, ông Vũ nói thêm.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hoa Sen cho biết việc tìm người thay thế để điều hành tập đoàn như "thắp đuốc giữa ban ngày" mà tìm không ra một người doanh nhân để chuyển giao. Ngoài năng lực còn đạo đức, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Ông cũng cho biết sẽ không chấp nhận phương án bán Hoa Sen.
Chia sẻ thêm về kế hoạch chuyển giao tập đoàn cho con gái, ông Vũ cho rằng kế hoạch này có thực hiện cũng phải gần 10 năm nữa. "Con gái tôi nó không thích nhận đâu, nó khóc và nói con sợ trách nhiệm. Tôi động viên con có thể khởi đầu bằng công việc của một nhân viên, xuống nhà máy để biết công việc ở nhà máy. 10 năm nữa nếu con sẵn sàng thì làm, nếu không thì tính bài khác", ông Vũ chia sẻ và nhấn mạnh với vai trò Chủ tịch HĐQT Hoa Sen, ông có trách nhiệm phải thông báo khi đã có sự thay đổi so với kế hoạch ban đầu.
Cập nhật ngày 10/03/2023: Ông Lê Phước Vũ nhất quyết rời Hoa Sen Group, không để con cháu thừa kế tài sản
Tại phiên họp thường niên sáng 10/3, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen nhắc lại tuyên bố rút khỏi Tập đoàn Hoa Sen để xuất gia vào năm 2026 được chia sẻ lần đầu cách đây hai năm.
Ông từng cho biết đây là ước mong từ năm 30 tuổi, không gì có thể lay chuyển và đã mua đất, xây chùa ở Lâm Đồng để chuẩn bị cho kế hoạch này.
"Bốn năm nữa, tôi sẽ là một ông sư. Tôi phải giữ đúng giới luật của Phật là vô sở hữu. Bởi vậy ba năm qua, tôi trăn trở giải quyết vấn đề thừa kế và chọn người lãnh đạo Hoa Sen trong tương lai", ông Vũ nói.
Ông cho biết giải pháp đưa ra sau nhiều cân nhắc là chuyển toàn bộ cổ phiếu đứng tên mình vào một quỹ phi lợi nhuận mang tên Đại Tùng Lâm Hoa Sen. Theo số liệu cập nhật mới nhất vào ngày 31/1, ông là cổ đông lớn nhất của Hoa Sen khi nắm gần 102 triệu cổ phiếu, tương đương 17,02% vốn. Khối cổ phiếu này theo giá thị trường khoảng 1.600 tỷ đồng.
Người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen nói rằng ông sẽ là chủ tịch danh dự của quỹ phi lợi nhuận này. Con cháu, người thân nếu ông đánh giá "là người có đạo đức, chính trực, tâm thiện lương, biết phụng sự, khiêm nhường" sẽ được bổ nhiệm vào hội đồng điều hành quỹ và trả thù lao xứng đáng.
"Tôi không để lại tài sản cho con cháu bởi muốn chúng hiểu việc kiếm được đồng tiền phải đổ mồ hôi nước mắt thế nào mà biết quý trọng, biết đồng cảm với người nghèo kẻ khổ", ông Vũ chia sẻ.
Đối với vấn đề nhân sự kế thừa, ông Vũ tự tin đội ngũ hiện tại đã chín muồi và dư sức thực hiện ý đồ chiến lược, tầm nhìn của mình là chuyển đổi tập đoàn này từ một nhà sản xuất tôn thép, ống nhựa thành một nhà phân phối vật liệu xây dựng, trang trí nội thất.
Hiện ông Vũ không xuất hiện thường xuyên mà cứ mỗi 1-2 tháng mới từ trên núi xuống thành phố họp một lần, còn lại trao đổi công việc qua điện thoại. Sự vắng mặt ngắt quãng hiện tại, theo ông, là để tập cho đội ngũ bên dưới cách tự vận hành. Ông cho biết sau khi xuất gia sẽ không can dự vào hoạt động kinh doanh mà chỉ là lãnh đạo tinh thần của tập đoàn.
Tại phiên họp sáng nay, ông Vũ liên tục yêu cầu ban điều hành cập nhật tiến độ triển khai chuỗi bán lẻ vật liệu xây dựng Hoa Sen Home - dự án được ông gọi là "nỗ lực cuối cùng" trước khi rút khỏi tập toàn. Người đứng đầu Hoa Sen nói rằng ông kỳ vọng dự án này sẽ phát triển không thua kém việc đầu tư vào tổ hợp thép Cà Ná – dự án 10 tỷ USD mà công ty đã rút khỏi khi chuyển nhượng toàn bộ vốn góp vào giữa năm 2020.
Riêng về tình hình kinh doanh mảng tôn thép năm nay, ông Vũ khẳng định giai đoạn xấu nhất đối với ngành thép lẫn tập đoàn đã qua. Tuy nhiên, công ty vẫn đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng bởi lo ngại xuất khẩu thép tiềm ẩn nhiều bất ổn trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại. Các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang cũng được đánh giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất của công ty.
Cụ thể, Hoa Sen dự kiến kịch bản cơ sở là thu 34.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 100 tỷ đồng nếu tiêu thụ sản lượng 1,4 triệu tấn. Kịch bản khả quan hơn là tiêu thụ được 1,5 triệu tấn thành phẩm, công ty ước doanh thu đạt 36.000 tỷ đồng và lãi 300 tỷ đồng.
Trong bốn tháng đầu niên độ tài chính (bắt đầu từ ngày 1/10/2022), Hoa Sen lỗ liên tiếp, tổng cộng khoảng 800 tỷ đồng. "Tín hiệu đáng mừng là tháng 2 vừa rồi, công ty lãi ròng khoảng 50 tỷ và tháng 3 có thể lên khoảng 100 tỷ đồng", ông Vũ nói và cho rằng niên độ này chỉ cần không lãi đã là thành công, còn nếu lãi được 100 tỷ đồng như kế hoạch, ban lãnh đạo xứng đáng được thưởng lớn.
Cập nhật ngày 27/6/2022: Ông Lê Phước Vũ tiến thêm một bước rời Hoa Sen Group
Ít ngày sau khi Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) thông báo về việc Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen - doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ - đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu để giải quyết nhu cầu tài chính riêng, chiều ngày 24/6, cổ phiếu HSG đã ghi nhận 5 lệnh giao dịch thoả thuận với tổng khối lượng đúng bằng số cổ phiếu mà công ty này đăng ký bán.
Cụ thể, thông qua 5 giao dịch này đã có hơn 17,7 triệu cổ phiếu HSG được bán sang tay với giá trị hơn 250 tỷ đồng. Như vậy, các giao dịch thỏa thuận được thực hiện tại mức giá sàn 14.100 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá HSG cùng ngày đóng cửa ở mức 15.900 đồng/cổ phiếu, tăng 4,61% so với phiên liền trước.
Đáng chú ý, đây là toàn bộ lượng cổ phiếu HSG mà Công ty Đầu tư Hoa Sen nắm giữ, tương đương 3,6% vốn doanh nghiệp. Sau giao dịch, công ty riêng của ông Vũ đã không còn nắm giữ bất kỳ cổ phiếu HSG nào.
Tuy vậy, thông qua sở hữu cá nhân, ông Lê Phước Vũ vẫn đang là cổ đông lớn nhất tại Hoa Sen với 84,3 triệu cổ phiếu HSG nắm giữ, tương đương 17% cổ phần tập đoàn. Tạm tính theo giá thị trường, lượng cổ phiếu HSG do ông Vũ nắm giữ có giá trị khoảng 1.340 tỷ đồng.
Trước đó, Công ty Đầu tư Hoa Sen đã đăng ký thoái toàn bộ vốn khỏi Tập đoàn Hoa Sen khi thị giá cổ phiếu này giảm mạnh từ đầu năm cùng với nhóm cổ phiếu ngành thép và thị trường chung.
Từ vùng giá 37.500 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm, thị giá HSG đã giảm một mạch về vùng 14.500 đồng trước thời điểm Công ty Đầu tư Hoa Sen đăng ký thoái vốn, tương đương mức giảm ròng hơn 61%. Thậm chí, nếu tính từ đỉnh giá ghi nhận hồi tháng 10/2021, cổ phiếu HSG đã giảm một mạch hơn 70%.
Sau khi thông tin công ty riêng của ông Vũ muốn thoái vốn xuất hiện, cổ phiếu HSG lại ghi nhận xu hướng tăng gần 8%.
Thực tế, ông Lê Phước Vũ đã nhiều lần bày tỏ ý định thoái sạch vốn khỏi Hoa Sen để về ở ẩn. Trong đó, vị doanh nhân này dự kiến lui về ở ẩn sau khi hoàn tất tái cấu trúc tập đoàn này từ doanh nghiệp sản xuất trở thành nhà phân phối vật liệu xây dựng lớn nhất thị trường.
Cập nhật ngày 22/3/2022: Ông Lê Phước Vũ nói về 'nỗ lực cuối cùng' trước khi rời Hoa Sen
Tại phiên họp thường niên sáng 21/3, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen (HSG) Lê Phước Vũ cho biết, những năm trước, ông chủ yếu ở trên núi, vài ba tháng mới xuống thành phố họp ban lãnh đạo rồi lập tức quay về ngay. Tuy nhiên, gần đây, ông túc trực ở văn phòng cả tuần để họp với nhà cung cấp. Vài ngày tới, ông sẽ bay sang Trung Quốc gặp đối tác.
"Tôi phải trực tiếp là người mở đường cho nó", ông Vũ chia sẻ vai trò của mình trong chuỗi siêu thị vật liệu xây dựng Hoa Sen Home - dự án được ông xem là "nỗ lực cuối cùng" trước khi rời tập đoàn.
Năm ngoái, người đứng đầu Hoa Sen tuyên bố rút khỏi công ty vào năm 2026, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập. Trong thời gian còn lại, ông muốn chuyển đổi tập đoàn này từ một nhà sản xuất tôn thép, ống nhựa thành một nhà phân phối vật liệu xây dựng và đồ trang trí nội thất.
Lý giải về quyết định này, ông Vũ cho biết, doanh số xuất khẩu của Hoa Sen đã vượt mốc 1 tỷ USD và tập đoàn đã đứng đầu ngành tôn, đứng thứ hai ngành thép và thứ ba về ống nhựa. Muốn phát triển hơn nữa thì bắt buộc phải đầu tư lớn để làm tổ hợp thép, nhưng Hoa Sen đã thử và từ bỏ vì không phù hợp. Do đó, tập đoàn chuyển hướng sang phân phối để tận dụng cơ hội chín muồi từ hệ thống phân phối, khách hàng, đội ngũ quản trị và thương hiệu.
Người đứng đầu Hoa Sen nhiều lần nhấn mạnh sẽ không ưu tiên sản xuất nữa và tài sản nào không cần thiết thì bán hết. Tập đoàn từ nhà cung cấp sẽ trở thành đối tác của hàng nghìn nhà cung cấp khác. Nhà cung cấp hay đối tác nào làm ăn tốt, tập đoàn có thể cân nhắc đầu tư tài chính để nắm 20-30% vốn.
"Chúng tôi không đi lan man nữa mà biết chọn cái gì ngon thì gắp trước, cái gì dở gắp sau hoặc bỏ luôn", ông Vũ nói.
Ông Vũ cho rằng nhu cầu xây dựng, cải tạo nhà ở luôn có. Chi phí đầu tư một căn nhà cấp bốn phổ biến là một tỷ đồng, còn ai khá giả hơn sẵn sàng bỏ vài tỷ đến vài chục tỷ. Nếu triển khai hệ thống thành công, ông cho rằng doanh thu 5 hay 10 tỷ USD một năm không phải là con số viển vông. Điều này có thể kéo theo giá cổ phiếu lên 100.000 đồng, thay vì dao động quanh vùng 30.000-40.000 đồng như hiện nay.
Ông Vũ khẳng định bản thân đang dốc hết sức cho dự án này vì muốn để lại di sản cho nhân viên và cổ đông đầu tư vào Hoa Sen. Tuy nhiên, ông nhắc cổ đông không nên nóng lòng bởi hai năm tới dự án này vẫn trong giai đoạn hoàn thiện về hệ thống, công nghệ, nhân sự, chính sách bán hàng... nên quả ngọt chưa đến ngay.
Đối với mục tiêu ngắn hạn là niên độ tài chính 2021-2022, Hoa Sen vẫn trông chờ vào hoạt động xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. Tập đoàn đặt kế hoạch sản lượng tiêu thụ đạt 2 triệu tấn và doanh thu xấp xỉ 46.400 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế được chia làm ba kịch bản, lần lượt là 1.500 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và lạc quan nhất là 2.500 tỷ đồng do phụ thuộc vào diễn biến giá nguyên liệu đầu vào.
Nói về nguyên nhân đặt mục tiêu tăng trưởng âm so với cùng kỳ, ông Vũ cho rằng thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến động hơn trước như sức mua trong nước giảm đáng kể sau hai năm dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị Nga – Ukraine có dấu hiệu kéo dài và các chi phí đầu vào lên cao.
Ông nói thêm, kế hoạch doanh thu giảm gần 5% vì không muốn tạo sức ép quá lớn cho đội ngũ điều hành. Ổng chỉ giao nhiệm vụ trọng yếu trong thời gian tới là phát triển chuỗi vật liệu xây dựng, giảm dư nợ dài hạn về mức 0 vào giữa năm sau và giữ mức lãi khoảng 1.500-2.000 tỷ mỗi năm.
"Càng ép họ càng rối, nên tôi đề xuất một mục tiêu vừa đủ hứng khởi để làm", ông Vũ nói.
Kết thúc quý đầu niên độ, ban lãnh đạo Hoa Sen cho hay tình hình tương đối khả quan. Tập đoàn ghi nhận doanh thu gần 17.000 tỷ đồng và lãi 638 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành xấp xỉ 37% và 26% kế hoạch lợi nhuận theo phương án cao nhất. Tập đoàn dự tính có đủ đơn hàng để đảm bảo các nhà máy vận hành hết công suất liên tục từ đây đến cuối niên độ tài chính.