Ông Trần Ngọc Chu, Phó chủ tịch HĐQT trường trực - điều hành sẽ đại diện cho phần vốn góp của Tập đoàn Hoa Sen tại công ty địa ốc này. 60% vốn còn lại sẽ do các cổ đông sáng lập khác góp vào Hoa Sen Sài Gòn.
Công ty này có nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản giá trị 1.000-3.000 tỷ đồng để phát triển các dự án văn phòng, trung tâm thương mại, nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho Tập đoàn Hoa Sen; cho thuê hoặc xem xét chuyển nhượng nếu điều kiện phù hợp. Tập đoàn Hoa Sen dự kiến góp vốn lập vào công ty kinh doanh bất động sản trong tháng 1/2024.
Trước đây, Tập đoàn Hoa Sen cũng từng có kế hoạch kinh doanh bất động sản với dự án căn hộ tại đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9 (cũ), TP HCM. Tuy nhiên, hồi tháng 11/2021, tập đoàn này thông tin đã hoàn tất chuyển nhượng hai thửa đất, diện tích 7.000 m2 tại vị trí trên với giá xấp xỉ 140 tỷ đồng. Trước đó, công ty dự kiến triển khai dự án căn hộ vốn tổng vốn đầu tư gần 1.200 tỷ đồng.
Hoa Sen đạt doanh thu hơn 31.650 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2022-2023 (kết thúc vào ngày 30/9), giảm 36% so với niên độ trước đó. Lãi sau thuế của công ty giảm 88%, xuống còn khoảng 30 tỷ đồng.
Tại phiên họp thường niên hồi tháng 3, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ từng nói rằng niên độ này chỉ cần không lỗ đã là thành công bởi lo ngại xuất khẩu thép tiềm ẩn nhiều bất ổn trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại.
Cập nhật ngày 21/2/2023: đặt mục tiêu lợi nhuận 2023 rất thấp
Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) đưa ra hai kịch bản lợi nhuận 100 tỷ đồng và 300 tỷ đồng, đều thấp so với kế hoạch 10 năm trở lại đây.
Kịch bản đầu tiên của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) dựa trên sản lượng thành phẩm đạt 1,4 triệu tấn, mang về doanh thu 34.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 100 tỷ đồng. Với kịch bản khả quan hơn là tiêu thụ được 1,5 triệu tấn thành phẩm, công ty dự kiến thu 36.000 tỷ đồng và lãi 300 tỷ đồng.
Kế hoạch lợi nhuận trong cả hai kịch bản đều kém xa mức Hoa Sen đặt ra cho những niên độ trước. Trong 10 năm qua, kế hoạch thấp nhất công ty từng đưa ra là 400 tỷ đồng và cao nhất 1.650 tỷ đồng.
Lý giải về mục tiêu lãi 100 tỷ đồng, ban lãnh đạo Hoa Sen cho biết xuất khẩu thép năm nay tiềm ẩn nhiều bất ổn trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại. Các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang cũng được đánh giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất của công ty.
Khả năng hoàn thành mục tiêu này càng khó hơn khi Hoa Sen báo lỗ sau thuế 680 tỷ đồng trong quý đầu niên độ (từ ngày 1/10/2022 đến 31/10/2022).
Công ty của ông Lê Phước Vũ đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử khi lỗ ròng hai quý liên tiếp. Khó khăn của Hoa Sen được đánh giá là gấp đôi so với đối thủ trong ngành bởi công ty hoạt động ở cả phân khúc sản xuất và bán lẻ.
Cập nhật ngày 6/9/2022: sắp chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%
Ngày 30/08, Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) thông báo phát hành cổ phiếu để trả cổ tức niên độ tài chính 2020-2021, tỷ lệ 20%.
Điều này có nghĩa cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 20 cổ phiếu mới.
Ngày giao dịch không hưởng quyền là 14/09.
Với hơn 498 triệu cổ phiếu đang lưu hành, HSG cần phát hành gần 99,7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức.
Cập nhật ngày 12/4/2022: phủ nhận tin đồn phát hành trái phiếu
Chiều ngày 8/4, trên các diễn đàn chứng khoán, các nhóm mạng xã hội đã lan truyền một trang giấy A4 không rõ nguồn gốc, gây tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư khiến nhiều cổ phiếu bị bán tháo.
Trong đó, cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen cũng bị bán mạnh về giá sàn 32.850 đồng với thanh khoản đột biến. Tập đoàn này cũng vừa có văn bản giải trình về tin đồn khiến cổ phiếu bị bán tháo.
Văn bản này có nội dung về thanh tra chuyên đề hoạt động phát hành trái phiếu, thực hiện pháp luật về kế toán, thuế, chứng khoán của một số doanh nghiệp ngoài nhà nước đang niêm yết bao gồm: Tập đoàn Hoa Sen, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc và Tổng công ty thiết bị điện Việt Nam.
Hoa Sen cho biết vào ngày 28/10/2021, Bộ trưởng Tài chính có ban hành quyết định số 2068/QĐ-BTC về việc phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2022.
Thanh tra Bộ Tài chính đã đến thu thập tài liệu, số liệu tại tập đoàn từ 17-19/3 vừa qua. Đây là hoạt động để nắm tình hình làm cơ sở ban hành quyết định thanh tra chuyên đề.
Hoa Sen khẳng định là một doanh nghiệp niêm yết, hoạt động dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước. Do vậy hoạt động thanh tra, kiểm tra về kế toán, thuế, chứng khoán của các cơ quan quản lý là hoạt động bình thường, theo kế hoạch
"Tập đoàn luôn tuân thủ đúng quy định pháp luật trong hoạt động phát hành trái phiếu và pháp luật về kế toán, thuế, chứng khoán", thông cáo ghi.
Lãnh đạo Hoa Sen còn khẳng định đã gửi đầy đủ tài liệu, số liệu theo yêu cầu của đoàn thanh tra vào ngày 19/3. Đến nay tập đoàn không nhận được thêm văn bản yêu cầu bổ sung tài liệu, số liệu.
Nói thêm về trái phiếu, tháng 4/2019, Hoa Sen đã công bố nghị quyết HĐQT số 19 về việc thông qua chủ trương phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc các yếu tố liên quan, tập đoàn đã không thực hiện việc phát hành trái phiếu này.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất niên độ 2020-2021 được kiểm toán bởi KPMG cũng hoàn toàn không có số dư phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Cập nhật ngày 4/3/2022: tách mảng bán lẻ và nhựa để lên lộ trình niêm yết HoSE
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên niên độ 2021-2022, HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) dự báo sản lượng tiêu thụ thép trong nước năm 2022 tăng trưởng nhẹ khi nhu cầu phục hồi. Mặt bằng giá thép được dự đoán sẽ tiếp tục neo ở mức cao, ít nhất là trong nửa đầu năm do nhiều dự án bất động sản được nhanh chóng triển khai sau khoảng thời gian dài bị hoãn trong năm 2021 vì dịch bệnh.
Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu thép được dự đoán chững lại do chuỗi cung ứng toàn cầu hồi phục, các quốc gia sẽ gia tăng chính sách bảo hộ đối với thép nhập khẩu, giá thép được điều chỉnh ổn định dần từ nửa cuối năm khi tình trạng đứt gãy nguồn cung được giải quyết, tình trạng dư cung có thể xảy ra khi các nhà máy thép gia tăng sản lượng sản xuất để giải quyết bài toán thiếu hụt sản phẩm.
Trong chiến lược phát triển, HĐQT có chủ trương cơ cấu chuyển đổi 1 công ty TNHH MTV thành Công ty cổ phần Nhựa Hoa Sen để tiếp nhận toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của mảng nhựa. Cùng với đó, tập đoàn thành lập 1 công ty mới là Công ty cổ phần phân phối vật liệu xây dựng và nội thất Hoa Sen (Hoa Sen Home) để tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của mảng phân phối, bán lẻ và Hoa Sen Home. Ban lãnh đạo Hoa Sen dự kiến khi đủ điều kiện sẽ tiến hành niêm yết 2 công ty này trên sàn chứng khoán trên sàn HoSE.
Ngoài ra, trong năm 2022, doanh nghiệp sẽ phát hành ESOP tối đa 1% số lượng cổ phiếu đang lưu hành với giá 10.000 đồng/cp. Danh sách đối tượng phát hành do HĐQT phê duyệt, cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
Niên độ 2020-2021 là năm đầu tiên Hoa Sen triển khai hệ thống bán lẻ siêu thị vật liệu xây dựng và nội thất Hoa Sen, số lượng cửa hàng đạt trên 80. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục đa dạng hóa danh mục sản phẩm kinh doanh trong vật liệu xây dựng và nội thất, tiếp tục phát triển mở rộng chuỗi trên toàn quốc.
Cập nhật ngày 26/8/2021: Hòa Phát (HPG) và Hoa Sen (HSG) chiếm quá nửa thị phần ống thép Việt Nam
Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) tiếp tục dẫn đầu với thị phần hơn 30%, tương đương với sản lượng 419.300 tấn. Theo sau là Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) với thị phần 21,3%, tương ứng gần 296.000 tấn, theo sau là Minh Ngọc và Nam Kim.
Trong năm 2021, Hòa Phát dự kiến đạt sản lượng khoảng 920.000 tấn ống thép, tăng trưởng 9% so với năm ngoái; doanh thu phấn đấu xấp xỉ 25.000 tỷ đồng, tăng 25%. Sau 7 tháng, công ty đã thực hiện 45,6% kế hoạch sản lượng cả năm.
Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát hiện nay có 6 nhà máy ở ba miền với các dòng sản phẩm chính gồm ống thép đen hàn có đường kính tối đa 325 mm độ dày 12 mm, ống thép tôn mạ kẽm, ống thép mạ nhúng nóng, tôn cuộn mạ kẽm.
Trong 7 tháng đầu năm, Hòa Phát đã xuất khẩu 18.560 tấn ống thép và 104.368 tấn tôn mạ. Các con số tương ứng của Hoa Sen là 27.468 tấn và 737.392 tấn