Cuộc chiến vương quyền ở Hòa Bình (HBC) kết thúc

MĂNG GIANG

01/03/2023 10:56

Mâu thuẫn nội bộ đang là tâm điểm tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã chứng khoán: HBC) nổ ra từ khi các bên đều khẳng định sẽ giữ chức danh chủ tịch Hội đồng quản trị doanh nghiệp kể từ đầu năm 2023.

hbc3-hai-1621480688.jpeg

Ông Lê Viết Hải  HBC

 

Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) vừa thông qua nghị quyết chính thức hủy các nghị quyết 50, 51, 53 ban hành tháng 12-2022.

Đồng thời, HĐQT Tập đoàn Hòa Bình cũng thông qua việc rút đơn từ nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT và tư cách thành viên HĐQT của ông Lê Viết Hải.

Các động thái trên xảy ra sau khi ông Nguyễn Công Phú cũng đã có đơn từ nhiệm thành viên HĐQT độc lập của Tập đoàn Hòa Bình kể từ ngày 13-2-2023. Nếu được chấp thuận trong đại hội đồng cổ đông, ông Nguyễn Công Phú sẽ chính thức thôi các vai trò tại Tập đoàn Hòa Bình. 

Việc ông Hải muốn giữ chức danh chủ tịch hội đồng sáng lập để ông Nguyễn Công Phú làm chủ tịch tập đoàn đã không thành hiện thực.

Trước khi xảy ra những vấn đề tranh chấp chức danh chủ tịch HĐQT, Tập đoàn Hòa Bình cho biết việc thay đổi nhân sự cấp cao nhằm đảm bảo tính pháp lý trong việc đề cử ông Lê Viết Hiếu (hiện là phó chủ tịch HĐQT kiêm phó tổng giám đốc thường trực Hòa Bình) đảm nhận chức vụ tổng giám đốc Hòa Bình vào kỳ đại hội cổ đông năm 2023.

Ông Lê Viết Hiếu (31 tuổi) là con trai ông Lê Viết Hải. Ông Hải cho hay việc ông từ nhiệm để đảm bảo tính pháp lý cho con trai trở thành tổng giám đốc. Theo Luật doanh nghiệp, nếu ông Hải là thành viên HĐQT, người trong gia đình không được giữ chức tổng giám đốc.

Với việc hủy bỏ các nghị quyết trước đó, nếu muốn tiếp tục đề cử con trai ông Hải làm tổng giám đốc, HĐQT tập đoàn này phải tiếp tục tìm kiếm một chủ tịch HĐQT khác thay thế ông Hải trong khi ngày đại hội cổ đông sắp đến gần.

HĐQT thống nhất thời gian tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2023, dự kiến tổ chức vào ngày 26-4.

Cập nhật ngày 15/2/2023: Cuộc chiến vương quyền ở Hòa Bình (HBC) có kết thúc khi ông Nguyễn Công Phú từ chức?

Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa ra nghị quyết chấp thuận đơn từ nhiệm chức danh thành viên độc lập của ông Nguyễn Công Phú từ 13/2.

Nghị quyết này được ký bởi Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Viết Hải và công bố trên website của công ty trong chiều nay.

Theo nghị quyết, đơn từ nhiệm sẽ được thông qua chính thức tại đại hội đồng cổ đông gần nhất của công ty. Trong thời gian này, ông Phú ủy quyền cho ông Lê Viết Hải tham dự, thảo luận, biểu quyết tất cả cuộc họp, lấy ý kiến biểu quyết của Hội đồng quản trị.

Trước khi ra quyết định rút khỏi Hội đồng quản trị, ông Phú và ông Hải từng xảy ra tranh chấp vị trí chủ tịch công ty. Cụ thể, ngày 14/12/2022, Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ban hành Nghị quyết số 50 trong đó có nội dung ông Hải từ nhiệm vị trí chủ tịch nhằm đảm bảo tính pháp lý cho con trai đảm nhận chức tổng giám đốc... Nghị quyết số 51 cùng ngày bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú làm Chủ tịch HĐQT thay ông Hải.

Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2022, Nghị quyết số 53 được ban hành hoãn thông qua đơn từ nhiệm tư cách thành viên Hội đồng quản trị của ông Hải; đồng thời công ty chưa bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức chủ tịch. Các thành viên Hội đồng quản trị của Hòa Bình gồm ông Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine đã bác bỏ và khẳng định nghị quyết này không hợp lệ. Hai bên sau đó đưa ra những lập luận để khẳng định quan điểm của mình.

Diễn biến gần nhất của vụ tranh chấp này là Cục Thi hành án dân sự TP HCM ngày 19/1 ra quyết định buộc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tạm dừng thi hành nghị quyết số 50, số 51, 53; công nhận ông Hải là Chủ tịch Hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của công ty. Quyết định này được đưa ra căn cứ theo yêu cầu từ Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) chi nhánh TP HCM.

Cập nhật ngày 9/1/2023: có thể đi đến kiện tụng

Bên cạnh bất đồng quan điểm về các cuộc họp, mới đây Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) - chi nhánh TP.HCM có thông báo về việc VIAC đã nhận đơn khởi kiện ngày 3-1 cùng các tài liệu kèm theo của ông Huỳnh Bảo Ngọc (cổ đông của Hòa Bình) kiện Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. 

Theo đó, yêu cầu khởi kiện của ông Bảo là tuyên bố hủy bỏ các nghị quyết 50, 51 và nghị quyết 53 ký ngày 31-12-2022 của HĐQT Tập đoàn Hòa Bình.

VIAC cho biết sẽ tiến hành các thủ tục tố tụng trọng tài theo quy định pháp luật trọng tài thương mại và quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC.

Một thành viên HĐQT Hòa Bình cho biết ông Huỳnh Ngọc Bảo khởi kiện hủy bỏ các nghị quyết số 50, 51 và 53 trong khi hai nghị quyết số 50, 51 đã được thông qua một cách hợp lệ, đặc biệt nghị quyết số 50 và 51 có nội dung bầu ông Phú làm chủ tịch HĐQT và ông Hải làm chủ tịch hội đồng sáng lập. Do đó, vị này cho rằng vụ kiện có thể có chủ đích là "biến không tranh chấp thành có tranh chấp".

Trong khi đó, phía Hòa Bình cũng cho biết vào ngày 6-1, tập đoàn và ông Lê Viết Hải đã gửi đơn tố giác hai thành viên HĐQT liên quan đến việc cung cấp rộng rãi thông tin nội bộ, có tính bảo mật liên quan đến hoạt động kinh doanh của tập đoàn này.

Trước đó, hai thành viên HĐQT độc lập của Hòa Bình là ông Nguyễn Công Phú và ông Dương Văn Hùng cũng cho biết nếu việc chuyển giao chiếc ghế chủ tịch không được giải quyết trong "hòa bình" ở cuộc họp HĐQT vào ngày 10-1 tới thì cũng đi đến kiện tụng.

Còn ông Lê Viết Hải lại cho hay cũng đã chuẩn bị cho tình huống bị kiện.

hbc-leviethai-1673233844.jpeg

Hòa Bình hiện có tám thành viên HĐQT, trong ảnh là sáu thành viên HĐQT của tập đoàn, trong đó có ông Lê Viết Hải (thứ ba từ trái sang) và ông Nguyễn Công Phú (thứ tư từ trái sang) - Ảnh: HB

 

Cập nhật ngày 5/1/2023: Thế trận tranh giành ở HBC (Xây dựng Hòa Bình) sẽ theo con đường như Coteccons?

Trong tâm thư mới nhất, nhà sáng lập Lê Viết Hải nói rằng chỉ những thông tin được phát ngôn chính thức bởi ông - người đại diện theo pháp luật của Hòa Bình - mới có giá trị và phản ánh đúng sự thật về tình hình tập đoàn.

Vị này còn tố những người không phải là cổ đông của công ty đang thực hiện các hành vi sai trái không chỉ nhằm bôi nhọ uy tín, danh dự của các lãnh đạo mà còn nhằm mục đích chiếm quyền quản lý tập đoàn, không loại trừ động cơ tiếp tay cho các thế lực, tài lực nhằm thâu tóm công ty.

Câu chuyện cổ phần một lần nữa có thể trở thành nút thắt trong cuộc "nội chiến" ở một doanh nghiệp xây dựng lớn, như cái cách đã từng xảy ra đối với trường hợp của nhà thầu đầu ngành Coteccons trước đây.

Thời điểm đó, Kusto Group với tỷ lệ sở hữu chi phối đã giành được quyền quản lý doanh nghiệp từ nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương, người đã bán phần lớn cổ phần và chỉ sở hữu tỷ lệ biểu quyết rất thấp.

Hòa Bình hiện tại cũng đã trở thành công ty đại chúng và niêm yết trên sàn chứng khoán lớn nhất Việt Nam, do đó tranh chấp quyền quản lý doanh nghiệp thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào tỷ lệ biểu quyết của các nhóm cổ đông.

Hiện ông Hải là cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp khi sở hữu gần 47 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 17,14% vốn công ty.

Các thành viên thuộc gia đình ông Hải cũng nắm giữ lượng cổ phần lớn. Con trai Lê Viết Hiếu có hơn 1,2 triệu cổ phiếu (0,44%), vợ là bà Bùi Ngọc Mai sở hữu gần 4,8 triệu cổ phiếu (1,74%), anh trai Lê Viết Hà có 1,2 triệu cổ phiếu (0,44%). Ngoài ra ông còn có 8 anh chị em ruột khác sở hữu gần 4,5 triệu cổ phiếu khác.

Tổng sở hữu của gia đình ông Hải là hơn 58 triệu đơn vị, tương đương chỉ còn hơn 21% vốn doanh nghiệp (trong khi vào thời điểm niêm yết năm 2007, chỉ riêng ông Hải và anh trai Lê Viết Hưng đã nắm giữ gần 45% vốn điều lệ khi đó).

Cổ đông lớn còn lại là Huyndai Elevator Co., Ltd khi nắm giữ hơn 28 triệu cổ phiếu HBC (tỷ lệ 10,2%). Đây là đối tác chiến lược của Hòa Bình, chuyên về sản xuất thang cuốn, thang máy, bảo trì thang cuốn thang máy hàng đầu thị trường Hàn Quốc.

Một cổ đông ngoại khác mới xuất hiện là Sanei Architecture Planning (Nhật Bản) sau khi hoàn tất mua riêng lẻ 5 triệu cổ phiếu HBC với giá 32.500 đồng/cổ phiếu, nắm giữ hơn 1,8% vốn doanh nghiệp.

Có thể thấy cơ cấu cổ đông của Hòa Bình khá phân mảnh khi gần 67% vốn điều lệ còn lại do các cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ và sẽ có tiếng nói quyết định cho vận mệnh doanh nghiệp.

Cơ cấu cổ đông này đã bị pha loãng đáng kể trong làn sóng nhà đầu tư mới gia nhập thị trường và việc tăng vốn của Hòa Bình. Biên bản họp cổ đông tháng 9/2019 từng ghi nhận có 13.123 cổ đông đại diện 196 triệu cổ phiếu.

Đến kỳ đại hội cổ đông mới nhất tháng 8/2022, số lượng cổ đông đã tăng vọt lên 47.822 cá nhân/tổ chức đại diện 245,6 triệu cổ phiếu (tức gấp hơn 3,6 lần chỉ sau bốn năm). Tuy nhiên, số cổ đông tham dự chỉ chiếm chưa đến 55% vốn và 45% phần vốn còn lại không dự họp.

Cơ cấu phân mảnh sẽ đem lại diễn biến khó đoán trong các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông sắp tới, bởi tỷ lệ biểu quyết sẽ là bước ngoặt cho các vấn đề quan trọng như bầu cử HĐQT cho doanh nghiệp.

Sau khi công ty công bố Nghị quyết số 53 hoãn thi hành các quyết định về luân chuyển nhân sự, nhóm thành viên HĐQT gồm ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antone bất ngờ phát đi thông cáo mới bác bỏ nội dung này.

Nhóm thành viên chiếm phân nửa số ghế HĐQT này cáo buộc các động thái nói trên là do cựu Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải đơn phương thực hiện, không đúng Điều lệ công ty bởi các cuộc họp được không có đủ thành viên tham dự.

Nhóm 4 người trên hiện không sở hữu trực tiếp cổ phần HBC. Theo quy định, mỗi thành viên HĐQT có quyền biểu quyết như nhau và không bắt buộc sở hữu cổ phần. Các cá nhân này có thể đơn giản là người đại diện hoặc được sự ủng hộ của một nhóm cổ đông.

Hiện Hòa Bình có 8 thành viên và trong một cuộc họp HĐQT, nếu số phiếu tán thành bằng số phiếu không tán thành, quyết định của HĐQT được thực hiện theo lá phiếu của chủ tịch HĐQT.

Với "thế trận" hiện tại, nhóm ông Phú đang có ít nhất 4 thành viên ủng hộ. Trong đó ông Phú và ông Dương Văn Hùng mới tham gia vào doanh nghiệp từ năm 2021, ông Albert Antone mới gia nhập vào năm 2022. Đáng chú ý có ông Lê Quốc Duy là người gắn bó từ năm 2007 với ông Hải nhưng hiện đã thay đổi quan điểm.

Trong khi đó, phía ông Hải vẫn chưa xác định rõ số lượng ủng hộ trong số các thành viên còn lại. Bao gồm con trai Lê Viết Hiếu, ông Nguyễn Tường Bảo (quốc tịch Canada - được bầu vào năm 2021) và ông David Martin Ruiz (quốc tịch Tây Ban Nha - được bầu vào năm 2022).

Nhóm ông Hải đang có lợi thế là nhóm lãnh đạo cũ nắm quyền điều hành trực tiếp, được thể hiện qua việc các bộ phận truyền thông hay quan hệ cổ đông đang đăng tải các thông cáo từ ông Hải, trong khi các thông tin từ nhóm ông Phú chỉ được thông tin đến báo chí với tư cách cá nhân.

Ban giám đốc cũng là ưu thế từ nhóm ông Hải khi có 5/7 Phó tổng giám đốc là người nhà hoặc nhân sự gắn bó lâu năm. Hai thành viên còn lại là ông Lê Quốc Duy (nằm trong nhóm phản đối trên) và ông Đinh Văn Thanh mới công tác từ năm 2019.

Không chỉ đối mặt vấn đề nhân sự mà Hòa Bình còn trải qua giai đoạn kinh doanh đầy khó khăn. Doanh nghiệp đang phải thu hẹp quy mô hoạt động, áp dụng những giải pháp cắt giảm đau đớn để tồn tại...

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu thuần vẫn tăng trưởng 45% đạt hơn 10.900 tỷ đồng. Chỉ tiêu lãi ròng chỉ đạt 61 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ và mới thực hiện hơn 17% kế hoạch năm.

Quy mô tổng tài sản cũng được mở rộng nhanh chóng lên gần 19.000 tỷ đồng. Tuy nhiên phần gia tăng chủ yếu đến từ các khoản phải thu ngắn hạn tăng chóng mặt lên trên 13.300 tỷ đồng, chiếm đến 71% tổng tài sản.

Để tài trợ cho việc mở rộng quy mô hoạt động thì Hòa Bình đã tăng mạnh giá trị nợ phải trả lên gần 15.000 tỷ đồng, chiếm 80% tổng nguồn vốn và gấp 4 lần vốn chủ sở hữu (tỷ lệ rất cao so với đối thủ Coteccons chỉ ở mức hơn 1 lần).

Cập nhật ngày 15/12/2022: Ông Lê Viết Hải thôi chức Chủ tịch

Ngày 14/12, HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) công bố Nghị quyết 50 thông qua việc chấp thuận đơn xin từ nhiệm chủ tịch HĐQT (ký ngày 12/12) của ông Lê Viết Hải từ ngày 1/1/2023.

Việc từ nhiệm này nhằm đảm bảo tính pháp lý trong việc đề cử ông Lê Viết Hiếu, con trai ông Lê Viết Hải, đảm nhiệm chức vụ tổng giám đốc (theo quy định của Luật Doanh nghiệp số 59/2022/QH14) vào kỳ Đại hội đồng cổ đông năm 2023 sắp tới và được đồng thuận tuyệt đối bởi 8/8 thành viên HĐQT.

Khoảng 4 tháng trước, ông Lê Viết Hiếu rời khỏi vị trí tổng giám đốc để chuyển sang giữ chức phó tổng giám đốc thường trực của doanh nghiệp. Từ đó đến nay, Hòa Bình vẫn để trống ghế tổng giám đốc.

Sau khi ông Hải từ nhiệm, một Nghị quyết khác của HĐQT đã thông qua việc bổ nhiệm Tiến sĩ Nguyễn Công Phú - Thành viên HĐQT độc lập, Thành viên Ủy ban Kiểm toán - đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình từ ngày 1/1/2023.

Ông Nguyễn Công Phú sinh năm 1951, tốt nghiệp Kỹ sư Tạo tác - Thủy lợi khóa đầu tiên tại Đại học Khoa học Huế. Năm 1993, ông trúng tuyển học bổng của chính phủ Pháp để tiếp tục lấy bằng Tiến sĩ về cơ học đất và công trình ngầm tại Đại học Khoa học Paris - Trường Cầu đường Paris.

Từ đó đến năm 2021, TS Phú đảm nhiệm các chức vụ quản lý cấp cao trong Tập đoàn Apave tại nhiều thị trường, qua đó tham gia thiết kế và quản lý nhiều công trình xây dựng tại hơn 20 quốc gia.

Với kinh nghiệm hơn 26 năm là người đứng đầu Tập đoàn Apave, ông tham gia nhiều công trình tầm vóc quốc gia như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Hầm Đèo Cả, đóng góp ý kiến cùng với các bộ, ngành Xây dựng, Giao thông, Công nghiệp... để hoàn chỉnh các thể chế quản trị, quản lý về chất lượng và an toàn các công trình tại Việt Nam.

Cũng trong Nghị quyết 50, HĐQT đã thông qua việc thành lập Hội đồng Sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình với vai trò Chủ tịch do ông Lê Viết Hải đảm nhiệm.

Đây là cơ quan tham mưu, tư vấn, phản biện cho HĐQT và ban điều hành của tập đoàn về chiến lược kinh doanh và các quyết sách quan trọng nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển của Hòa Bình cũng như các quyền, lợi ích hợp pháp của các cổ đông.

Theo đó, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập và Chủ tịch HĐQT sẽ cùng thảo luận về các vấn đề như sửa đổi điều lệ công ty; thay đổi quan trọng trong hoạt động kinh doanh hoặc bắt đầu loại hình kinh doanh mới; các hợp đồng mua bán, sáp nhập công ty, các dự án đầu tư trị giá 100 tỷ đồng trở lên; cấp bảo lãnh có giá trị trên 20 tỷ đồng; bổ nhiệm, thay thế hoặc thay đổi chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn và các công ty thành viên, công ty liên kết...

Sau những thay đổi này, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng sự phối hợp giữa ông Lê Viết Hải trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Sáng lập và TS Nguyễn Công Phú trong vai trò Chủ tịch HĐQT sẽ tập trung sức mạnh và trở thành bệ đỡ hậu thuẫn cho thế hệ trẻ kế thừa, từ đó đưa tập đoàn chuyển mình sang giai đoạn mới, phát triển bền vững.

Cập nhật ngày 23/7/2022: Sau 2 năm kế vị cha khi còn quá trẻ, nay Tổng giám đốc HBC Lê Viết Hiếu xin xuống làm phó

Sau 2 năm thay cha làm tổng giám đốc ở tuổi còn quá trẻ, Lê Viết Hiếu sẽ thôi chức và làm phó tổng giám đốc từ ngày 23/7.

Theo Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC), quyết định này có lực từ ngày 23/7. Trước đó, ông Lê Viết Hiếu được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Hoà Bình ông Lê Viết Hải cách đây 2 năm.

Ngoài chức danh trong ban giám đốc, ông Hiếu hiện cũng là thành viên HĐQT của Hoà Bình. Ông đang sở hữu hơn 1,1 triệu cổ phiếu HBC, tương đương 0,46% vốn. Hiện tại, Hoà Bình chưa công bố người thay ông Hiếu giữ vai trò tổng giám đốc công ty.

Sinh năm 1992, Lê Viết Hiếu tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp tại trường California Polytechnic State University (Mỹ). Khi về Việt Nam, ông Hiếu đã có 2 năm làm việc tại Ngân hàng Shinhan trước khi nhận chức Giám đốc phát triển thị trường nước ngoài và Phó tổng giám đốc đối ngoại khu vực miền Bắc của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình.

Trong hai năm ông Hiếu điều hành, kết quả kinh doanh của Hoà Bình không có nhiều khởi sắc bởi thị trường bất động sản và xây dựng bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh.

hbc-le-viet-hieu-1658203707.png

 Tổng giám đốc HBC Lê Viết Hiếu xin xuống làm phó

Năm 2021, doanh thu của Hoà Bình chỉ tăng 1% lên 11.355 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế tăng 16%, đạt 97 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này chỉ bằng một phần tám đến một phần tư lần những năm trước dịch (2017-2019).

Năm nay, Hoà Bình đặt mục tiêu lãi sau thuế 350 tỷ đồng nhưng ông Hiếu cho biết quý đầu năm chỉ được 13 tỷ đồng vì rơi vào tháng Tết nên phát sinh nhiều chi phí.

Cập nhật ngày 21/6/2022: Chủ tịch Lê Viết Hải ra tay cứu giá

Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) Lê Viết Hải đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu để bình ổn giá trong bối cảnh mã này đã giảm phân nửa kể từ đầu năm. Trong thông báo gửi Sở Giao dịch chứng khoán, ông Hải cho biết giao dịch còn nhằm mục đích đầu tư.

Người đứng đầu Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã chứng khoán: HBC) dự kiến gom số cổ phiếu này từ 23/6 đến 22/7, bằng phương thức khớp lệnh lẫn thoả thuận. Nếu thành công, ông Hải nâng tỷ lệ sở hữu từ 15,84% lên 19,91%.

Động thái mua vào của ông Hải diễn ra sau khi cổ phiếu HBC thủng mốc 16.000 đồng, xuống vùng giá thấp nhất kể từ tháng 10/2021. Cổ phiếu này mới có chuỗi giảm 7 phiên liên tiếp, trong đó 3 phiên mất hết biên độ. So với đầu năm, cổ phiếu này đã mất hơn 50%.

Ngay khi thông tin giao dịch của ông Hải được công bố, giá HBC tăng vọt từ tham chiếu 15.450 đồng lên mức trần 16.500 đồng. Vốn hoá thị trường hiện khoảng 3.800 tỷ đồng.

Hoà Bình đặt mục tiêu doanh thu 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng, lần lượt tăng 54% và 261% so với năm trước. Giá trị hợp đồng chuyển tiếp năm ngoái là 16.000 tỷ đồng và có thể ghi nhận 11.000 tỷ đồng trong số này.

Quý đầu năm, công ty đã có doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận 20 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty cho biết giai đoạn này rơi vào Tết Nguyên đán nên phát sinh nhiều khoản chi phí, dẫn đến mới hoàn thành 6% kế hoạch lợi nhuận. Dù vậy, công ty tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu bởi ghi nhận thu nhập từ thoái vốn hai dự án bất động sản.

 

Cập nhật ngày 20/5/2021: trúng thầu loạt dự án trị giá gần 4.800 tỷ đồng trong tháng 5

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thông báo đã trúng thầu hai dự án Khu Căn hộ công viên vịnh đảo Haven Park Residences tại Hưng Yên, dự án Marina Hạ Long tại Quảng Ninh và dự án The Opera Residence tại Thủ Thiêm với tổng giá trị gần 4,800 tỷ đồng.

Cụ thể, Xây Dựng Hòa Bình sẽ nắm vai trò tổng thầu thiết kế và thi công xây dựng hầm, khối đế và hai tháp cao 41 tầng tại dự án Haven Park của Ecopark tại Hưng Yên, với tổng giá trị gói thầu trị giá hơn 1.860 tỷ đồng.

Với dự án Marina Hạ Long tại Quảng Ninh của Sungroup, Hòa Bình là nhà thầu chính thi công phần thô và xây trát, hoàn thiện 10 tòa shophouse cao 6 tầng, có tổng giá trị hơn 240 tỷ đồng.

Ngoài ra, tập đoàn xây dựng này cũng đã trúng thầu một dự án Khu phức hợp Sóng Việt – The Opera Residence thuộc Sơn Kim Group tại Thủ Thiêm với tổng giá trị hơn 2.670 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng trong tháng 3 và tháng 4 năm 2021, tổng giá trị trúng thầu các dự án của Xây dựng Hòa Bình đạt 7.070 tỷ đồng, cho thấy doanh nghiệp đang trên đà hồi phục sau giai đoạn khó khăn từ đầu năm 2019, khi lợi nhuận liên tục sụt giảm.

Trong năm 2021, Xây dựng Hòa Bình đặt kế hoạch lợi nhuận 253 tỷ đồng, tăng hơn 300% so với năm 2020, cho thấy tham vọng của ban lãnh đạo để đưa doanh nghiệp về quỹ đạo tăng trưởng.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.