Kết quả kinh doanh GMD (Gemadept): quý 3/2022 lợi nhuận tăng tới 80,4% đạt 336 tỷ

VNDirect

13/10/2022 13:23

CTCP Gemadept (mã chứng khoán GMD - sàn HOSE) công bố Báo cáo tài chính quý gần nhất.

gmd-link2-1620105515.jpg

Gemadept (GMD)

 

Doanh thu thuần Q3/2022 của GMD tăng trưởng 30% đạt 978 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động khai thác cảng tăng 21% (từ 644.6 tỷ lên tới 780 tỷ), hoạt động Logistic, cho thuê văn phòng và hoạt động khác tăng mạnh 133.5% (từ 91 tỷ lên 212.5 tỷ).

Mức tăng doanh thu của mảng khai thác cảng đến từ tăng trưởng sản lượng (ước tính tăng 15%) và tăng giá dịch vụ.

Doanh thu Logistics và Shipping tích cực nhờ hưởng lợi từ giá cước vận tải tăng (GMD sở hữu 4 tàu gom hàng và 17 tàu sông) và tỷ lệ lấp đầy các kho bãi ổn định.

Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế tăng tới 80.4% đạt 336.5 tỷ, được hỗ trợ bởi lãi từ công ty liên kết: lãi từ siêu cảng Gemalink đạt 34.7 tỷ trong Q3/2022.

Cập  nhật quý 2/2022: lợi nhuận gấp đôi cùng kỳ

CTCP Gemadept (HOSE: GMD) báo doanh thu thuần và lãi ròng quý 2/2022 đồng loạt tăng so với cùng kỳ năm trước.

Theo BCTC hợp nhất, quý 2/2022, GMD ghi nhận doanh thu thuần tăng 30% so cùng kỳ, lên gần 978 tỷ đồng. Giá vốn chiếm 55% doanh thu và tăng 25% so cùng kỳ, thấp hơn mức tăng doanh thu thuần. Qua đó, lợi nhuận gộp tăng 37%. Biên lãi gộp cải thiện từ 42.4% lên 44.6%.

Doanh thu hoạt động tài chính giảm 52%, xuống còn gần 4 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng giảm 11%; song chi phí tài chính và chi phí doanh nghiệp lần lượt tăng 22% và 19% so cùng kỳ.

Với những biến động trên, GMD ghi nhận lãi ròng quý 2 tăng 103%, lên gần 288 tỷ đồng.

Theo giải trình của Công ty, nguyên nhân chủ yếu do lợi nhuận gộp từ hoạt động khai thác cảng và logistic tăng hơn 116 tỷ đồng, cùng với lợi nhuận các công ty liên doanh, liên kết tăng hơn 30 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Lũy kế nửa đầu năm 2022, GMD ghi nhận doanh thu thuần tăng 29%, lên gần 1,858 tỷ đồng và lãi ròng gần 562 tỷ đồng, tăng 95% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ hoạt động khai thác cảng hơn 1,535 tỷ đồng, chiếm 82,6% tổng doanh thu; còn lại 322 tỷ đồng (chiếm 17.4 %) là doanh thu hoạt động logistics, cho thuê văn phòng khác.

Cập  nhật quý 1/2022: lợi nhuận 319,16 tỷ, tăng 85,7%

CTCP Gemadept (mã chứng khoán GMD - sàn HOSE) công bố Báo cáo tài chính quý I/2022 với doanh thu đạt 879,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 319,16 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 28% và 85,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 37,7% lên 40%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 36% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 93,22 tỷ đồng lên 352,2 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 17,4%, tương ứng tăng thêm 4,79 tỷ đồng lên 32,29 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết tăng 408,7%, tương ứng tăng thêm 100,83 tỷ đồng lên 125,5 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 10,3%, tương ứng tăng thêm 10,27 tỷ đồng lên 110,39 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, bên cạnh biên lợi nhuận gộp cải thiện giúp lợi nhuận gộp tăng, trong quý đầu năm công ty còn ghi nhận lãi công ty liên doanh, liên kết tăng mạnh.

Trong năm 2022, Gemadept đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 19% và 24% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc quý đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 350,24 tỷ đồng, công ty hoàn thành 35% kế hoạch lợi nhuận năm.

Cập  nhật quý 4/2021: lợi nhuận 209 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ

CTCP Gemadept (mã chứng khoán GMD - sàn HOSE) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và lũy kế năm 2021. 

Trong quý IV, doanh thu thuần của Gemadept tăng gần 48% so với cùng kỳ năm trước lên 1.038,1 tỷ đồng. Giá vốn cũng tăng 45,3% lên 735 tỷ đồng, dẫn tới lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 303,1 tỷ đồng, tăng 53,6%. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 28% lên 29,2%.

Kỳ này, doanh thu tài chính tăng 68,6% lên gần 5,9 tỷ đồng. Mặt khác, các chi phí đều được tiết giảm đáng kể, bao gồm: chi phí tài chính giảm 29% xuống 12,8 tỷ đồng; chi phí bán hàng đi ngang với 40,9 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 33% còn 74,1 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Gemadept đạt gần 209 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ đạt gần 109 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2021, GMD mang về 3.205,9 tỷ đồng doanh thu thuần và 721,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng trưởng 23% và 64% so với kết quả năm 2020. Trong đó, doanh thu từ hoạt động khai thác cảng đạt 2.762,4 tỷ đồng, chiếm 86,2% tổng doanh thu; còn lại 442,5 tỷ đồng (chiếm 13,8%) là doanh thu hoạt động logistics, cho thuê văn phòng khác.

Tính đến cuối năm, tổng tài sản doanh nghiệp tăng 9,2% so với hồi đầu năm, đạt 10.737,5 tỷ đồng. Trong đó, tiền và tương đương tiền tăng 49% lên 637,3 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng 27,7% lên 436,8 tỷ đồng.

Nợ phải trả cũng tăng xấp xỉ 14% lên 3.692,1 tỷ đồng. Đáng chú ý là khoản vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn còn lần lượt 860,4 tỷ đồng và 1.061 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn 653,8 tỷ đồng. EPS đạt 1.846 đồng.

Cập  nhật quý 3/2021: lợi nhuận  tăng trưởng 34% nhờ lãi từ công ty liên doanh liên kết

Gemadept (mã GMD) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với doanh thu tăng 5% lên 728,7 tỷ đồng, lợi nhuận gộp cũng tăng nhẹ 2% lên 263,5 tỷ đồng.

Tuy vậy, trong kỳ, công ty ghi nhận khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết đạt gần 68 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái. Tính đến cuối tháng 9, Gemadept sở hữu 19 công ty con và 16 đơn vị liên doanh, liên kết; hầu hết hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác cảng và logistics.

Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng 34% so với cùng kỳ đạt gần 163 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 126,5 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần tăng 14% so với cùng kỳ lên 2.167,8 tỷ đồng, riêng hoạt động khai thác cảng chiếm 87%, tương đương 1.883 tỷ đồng, còn lại là doanh thu từ logistics và các hoạt động khác. Lợi nhuận sau thuế tăng 38% so với cùng kỳ lên 512,7 tỷ đồng, lợi nhuận cổ đông công ty mẹ là 415,1 tỷ, tăng 32% so với cùng kỳ.

Năm 2021, Gemadept đặt kế hoạch kinh doanh theo hai kịch bản tăng trưởng. Trong kịch bản lạc quan, doanh thu dự kiến đạt 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 700 tỷ đồng; tăng trưởng lần lượt 7% và 37%. Ở kịch bản trung bình, công ty kỳ vọng doanh thu tăng 4% lên 2.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 630 tỷ đồng, tăng 23%. Như vậy, công ty đã hoàn thành 77% chỉ tiêu doanh thu và 82% mục tiêu lợi nhuận theo kịch bản lạc quan.

Cũng theo theo chia sẻ của lãnh đạo Gemadept, động lực chính để tăng trưởng mạnh là khối khai thác cảng. Công ty đặt mục tiêu tăng thị phần khai thác cảng từ 11% năm ngoái lên 19% năm nay và đạt 23% vào năm 2025.

 

Cập nhật 6 tháng 2021: lợi nhuận 351 tỷ, tăng 39%

Gemadept (GMD) vừa công bố BCTC hợp nhất quý II với doanh thu tăng 24% lên 752 tỷ đồng, lợi nhuận gộp cũng tăng 24% lên 319 tỷ đồng.

Trong kỳ, hoạt động tài chính mang về hơn 8 tỷ doanh thu, tăng 55%. Khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết đạt gần 70 tỷ đồng, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các chi phí, lãi sau thuế tăng 39% lên 178 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 142 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần tăng 19% lên 1.439 tỷ đồng, riêng hoạt động khai thác cảng chiếm 86%, tương đương 1.236 tỷ đồng, còn lại là doanh thu từ logistics và các hoạt động khác. Lợi nhuận sau thuế tăng 39% lên 351 tỷ đồng, lợi nhuận cổ đông công ty mẹ là 299 tỷ, tăng 33%.

Năm 2021, Gemadept đặt kế hoạch kinh doanh theo hai kịch bản tăng trưởng. Trong kịch bản lạc quan, doanh thu dự kiến đạt 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 700 tỷ đồng; tăng trưởng lần lượt 7% và 37%. Ở kịch bản trung bình, công ty kỳ vọng doanh thu tăng 4% lên 2.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 630 tỷ đồng, tăng 23%. Như vậy, công ty đã hoàn thành 51% chỉ tiêu doanh thu và 55% mục tiêu lợi nhuận theo kịch bản lạc quan.

Trong năm nay, theo chia sẻ của lãnh đạo Gemadept, động lực chính để tăng trưởng mạnh là khối khai thác cảng. Công ty đặt mục tiêu tăng thị phần khai thác cảng từ 11% năm ngoái lên 19% năm nay và đạt 23% vào năm 2025.

Tại khu vực phía Bắc, sản lượng phục vụ trong nửa đầu năm ước đạt 500.000 teus, tăng 18% so với năm 2020. Sản lượng này tăng từ nửa quý II trở đi sau khi công ty tập trung công tác quản trị nhằm đưa khối cảng tại Hải Phòng vào top đầu khu vực.

Cụm cảng Hải Phòng có 16 cảng với chiều dài 6,1 km, khu vực thượng lưu từ cầu Bạch Đằng gồm 8 cảng chiếm 25% thị phần khai thác, khu vực hạ lưu gồm 7 cảng chiếm 62% thị phần (bao gồm Nam Đình Vũ) và 13% còn lại là cảng Lạch Huyện. Với lợi thế có cầu tàu dài nhất khu vực, Nam Đình Vũ có thể đón nhiều tàu cùng lúc và đón tàu có trọng tải lớn hơn.

Tại khu vực phía Nam, trọng tâm vẫn đang là dự án cảng nước sâu Gemalink. Sản lượng tại cảng này ước đạt 300.000-320.000 teus trong nửa đầu năm và dự kiến cả năm sản lượng có thể đạt 900.000-1.100.000 teus.

Với sản lượng này, doanh thu tối thiểu có thể đạt của Gemalink trong năm nay là 41 triệu USD và cảng sẽ có lợi nhuận ngay trong năm đầu tiên hoạt động, tối thiểu là 1 triệu USD. Khách hàng chính của Gemalink là CMA-CGM và một số hãng tàu lớn trên thế giới.

Cập  nhật quý 1/2021: doanh thu và lợi nhuận tăng cao  

Công ty Cổ phần Gemadept (mã CK: GMD) đã công bố BCTC quý 1/2021 với doanh thu và lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ.

Cụ thể doanh thu thuần đạt 687 tỷ đồng tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, giá vốn hàng bán cũng tăng nên lợi nhuận gộp đạt gần 259 tỷ đồng tăng 9% so với quý 1/2020.

Trong kỳ Gemadept có 21,6 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính tăng gần 5 tỷ đồng so với cùng kỳ trong khi chi phí tài chính giảm được một nửa xuống còn 27,5 tỷ đồng, hoạt động liên doanh liên kết có lãi 24,7 tỷ đồng, hoạt động khác cũng lãi tăng gần 5 lần đạt 14,4 tỷ đồng.

Kết quả sau khi trừ các khoản chi phí GMD lãi sau thuế 172 tỷ đồng tăng 40% so với cùng kỳ, LNST công ty mẹ là 147 tỷ đồng tương đương EPS đạt 449 đồng.

Công ty Cổ phần Gemadept (mã CK: GMD)

GMD được thành lập vào năm 1990, tiên phong cùng đất nước khởi nghiệp và trở thành một trong ba công ty đầu tiên được chính phủ chọn thí điểm cổ phần hoá vào năm 1993. Từ năm 2002, Gemadept chính thức được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trải qua hành trình phát triển suốt 3 thập kỷ, tự hào là doanh nghiệp đi đầu, mở ra những con đường kết nối hàng hóa Việt Nam ra với thế giới. Gemadept, kiên định, mạnh mẽ vươn lên trong vai trò nhà khai thác Cảng và Logistics hàng đầu cả nước.

Ngày nay, nói đến Gemadept là nói đến mạng lưới Cảng và Logistics quy mô, hiện đại bậc nhất tọa lạc tại những vị trí huyết mạch của nhiều tỉnh thành trong cả nước và vươn sang các quốc gia trong khu vực. Càng tự hào hơn khi nói đến Gemadept là nói đến người bạn đồng hành đáng tin cậy hàng nghìn khách hàng, đối tác trong và ngoài nước đã tin tưởng, ủng hộ Gemadept trong suốt những năm qua.   

Với quy mô hàng chục công ty con và công ty liên doanh liên kết, đặc biệt với những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế đất nước, Gemadept nhiều năm liền được vinh danh trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Top 1000 doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất vào ngân sách quốc gia, Top doanh nghiệp Logistics hàng đầu Việt Nam, Top 50 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam do Forbes bình chọn, v.v…

Vững vàng tiến vào kỷ nguyên phát triển mới, Gemadept tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu, nâng cao năng lực cốt lõi; tăng cường đội ngũ CBCNV vững chuyên môn, giỏi nghiệp vụ và đầy nhiệt huyết; đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới, quy mô và phạm vi cung cấp dịch vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại và cải tiến chất lượng dịch vụ nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh, đồng thời mang đến những giá trị vượt trội cho khách hàng, đối tác, cổ đông…

Song song đó, Công ty luôn chú trọng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chăm lo đời sống CBCNV, đóng góp vào ngân sách quốc gia, thực hiện các công tác xã hội, từ thiện, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, v.v… chung tay xây dựng đất nước Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững.

VNDirect
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.